Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2007/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 16 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA, THỂ DỤC THỂ THAO THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2005/NQ-CP NGÀY 18/4/2005 CỦA CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị quyết số 45/2007/NQ-HĐND ngày 01 tháng 7 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành chính sách thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ.

Điều 2. Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Thể dục Thể thao cùng các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án cụ thể thực hiện chủ trương này.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH KIÊN GIANG
CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương

 

CHÍNH SÁCH

THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC ĐÀO TẠO, Y TẾ, VĂN HÓA, THỂ DỤC THỂ THAO THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2005/NQ-CP NGÀY 18/4/2005 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2007 của UBND tỉnh Kiên Giang)

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ số 05/NQ-CP ngày 18/4/2005 về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA VÀ THỰC HIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

Cuối tháng 4 năm 2005, UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị Quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ cho các ngành, các lĩnh vực chuyên môn có liên quan của tỉnh và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xã hội hóa. Các ngành về cơ bản đã quy hoạch xong trên các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khoẻ, phát triển văn hóa và phát triển thể dục thể thao trên địa bàn toàn tỉnh. Các chủ trương đã triển khai thực hiện gồm:

- Phát triển hệ thống dân lập và tư thục đối với các bậc học của ngành giáo dục.

- Tuyển sinh ngoài chỉ tiêu đào tạo của nhà nước đối với các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; đồng thời cho phép thành lập các cơ sở dạy nghề tư nhân.

- Quy hoạch và tăng cường quản lý hành nghề y, dược tư nhân; thu một phần viện phí, xây dựng phòng khám và giường điều trị theo nhu cầu, tăng cường bảo hiểm y tế. Huy động mọi nguồn lực toàn xã hội phục vụ sức khỏe nhân dân, từng bước nâng cao mức hưởng thụ dịch vụ y tế, tạo điều kiện để mọi người dân điều có thể tiếp cận hưởng thụ, đặc biệt là đối tượng chính sách xã hội, vùng sâu vùng xa được hưởng thụ thành quả dịch vụ y tế có sự bảo trợ hợp lý của nhà nước.

- Quy hoạch và tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa. Thực hiện xã hội hóa văn hóa nhằm huy động mọi tiềm năng của toàn xã hội chăm lo đến hoạt động văn hóa của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được hưởng thụ văn hóa ngày càng cao trong thời kỳ đổi mới.

- Triển khai khoán kinh phí và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa - xã hội theo cơ chế của Nghị định Chính phủ.

- Phát triển mạnh mẽ các phong trào thể dục thể thao quần chúng, đồng thời đẩy mạnh tốc độ phát triển thành tích thể thao của tỉnh nhà, ngang tầm với các tỉnh trong khu vực. Vận động và tạo điều kiện khai thác mọi tiềm năng trong xã hội, tăng cường năng lực khoa học - công nghệ bên ngoài để phát triển thể dục - thể thao tỉnh nhà.

Kết quả qua thời gian thực hiện xã hội hóa đã huy động được rất lớn các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Ở lĩnh vực giáo dục huy động được 517.000 m2 đất và 17,5 tỷ đồng để xây dựng các phòng học; lĩnh vực y tế huy động đầu tư ngoài xã hội hơn 1.200 tỷ đồng; lĩnh vực văn hóa huy động nhân dân đóng góp hơn 2,8 tỷ đồng cho việc trùng tu di tích; lĩnh vực thể dục thể thao đã được tài trợ từ mạnh thường quân và người hâm mộ cho các giải thi đấu của ngành, của khu vực...

II. KẾ HOẠCH XÃ HỘI HÓA ĐẾN 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2015

Qua thời gian thực hiện, UBND tỉnh định ra kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu định hướng

- Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể dục thể thao; tạo điều kiện để mọi người hưởng phúc lợi xã hội ngày càng cao.

- Phải xem vai trò, vị trí xã hội hóa của cơ sở ngoài công lập là một bộ phận trong hệ thống sự nghiệp văn hóa - xã hội. Trên cơ sở đó có thái độ quản lý đúng đắn, công bằng và tạo môi trường cho các cơ sở ngoài công lập có điều kiện phát triển.

- Tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách nhà nước cho sự nghiệp văn hóa - xã hội, tăng cường đầu tư ở những vùng sâu khó khăn về kinh tế. Hướng đầu tư nhằm tăng cường vai trò nòng cốt, chủ đạo của hệ thống công lập; đồng thời đầu tư khuyến khích, định hướng cho các cơ sở ngoài công lập phát triển một cách đồng bộ.

- Sắp xếp hệ thống công lập, đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tinh gọn để cung ứng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Xây dựng các chính sách đồng bộ để tạo môi trường pháp lý cho các đơn vị công lập và ngoài công lập phát triển bình đẳng. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa ở những địa bàn có điều kiện phát triển như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Tân Hiệp, Rạch Giá...

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát các hoạt động dịch vụ ngoài công lập, chống xu hướng thương mại hóa.

2. Các chỉ tiêu thực hiện đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015

a. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo

- Ưu tiên đầu tư ngân sách cho những huyện, xã khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao, các huyện, xã mới chia tách chưa có điều kiện đầu tư hệ công lập hoàn chỉnh. Đến năm 2008 đầu tư hoàn chỉnh 5 trường giáo dục mầm non cho các khu vực này.

Phấn đấu đến năm 2010 tỉ lệ học sinh mầm non và phổ thông trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm từ 30%. Từ năm 2008-2009 khắc phục tình trạng xuống cấp trường lớp. Tiếp tục chuyển đổi mô hình quản lý ở các trường bán công thành trường công lập tự chủ tài chính. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở các khu vực Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Tân Hiệp. Chuyển dần các trường giáo dục mầm non công lập hiện có thực hiện cơ chế khoán theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Phấn đấu đến năm 2010 mỗi khu vực này đều có trường giáo dục mầm non tư thục và dân lập đạt chuẩn quốc gia.

- Đa dạng hóa hệ thống trường lớp, phấn đấu học sinh ngoài công lập đạt các tỷ lệ như: bậc mầm non ở thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Tân Hiệp, Kiên Lương đạt 50% trở lên, các huyện còn lại đạt 20% trở lên. Bậc trung học phổ thông đạt 15% trở lên trừ huyện Kiên Hải. Năm 2009-2010 mỗi huyện, thị xã ít nhất có 01 trường trung học phổ thông ngoài công lập hoặc trường công lập tự chủ tài chính.

- Ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Tân Hiệp, Rạch Giá khuyến khích xây dựng trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia.

- Phát triển và nâng cao chất lượng hệ dân lập, tư thục hiện có. Khuyến khích và tạo điều kiện xây dựng trường ngoài công lập đào tạo chất lượng cao.

- Năm 2007 các trường trung học phổ thông áp dụng cơ chế khoán theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, sau đó triển khai đại trà cho các trường công lập còn lại.

- Sắp xếp xong hệ thống các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trong tỉnh theo hướng đáp ứng hợp lý phân luồng học sinh, huy động đào tạo 60% học sinh ngoài ngân sách.

- Đến năm 2010 xây dựng xong hệ thống dạy nghề thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý (02 trường trung cấp nghề và 4 trung tâm dạy nghề khu vực) và chuyển sang thực hiện cơ chế khoán như đơn vị sự nghiệp có thu đối với các đơn vị có điều kiện. Huy động đào tạo 40% học sinh ngoài ngân sách. Tăng cường quản lý và hướng dẫn đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường dạy nghề tư thục. Ứng dụng mô hình đào tạo kép, kết hợp giữa các trường đào tạo nghề với doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động, để huy động nguồn lực kinh phí đầu tư ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động, để đầu tư đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho học viên ngay sau khi tốt nghiệp qua đào tạo. Ưu tiên đầu tư ngân sách mở các trung tâm đào tạo nghề ở những vùng khó khăn về kinh tế. Đào tạo nghề gắn với việc làm bằng nhiều hình thức cho các đối tượng chính sách, người dân tộc, người tàn tật...

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mở các trường đào tạo nghề chất lượng cao để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

b. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe

- Y tế dự phòng công lập vẫn giữ vai trò nòng cốt trong các chương trình y tế cộng đồng, phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trạm y tế ở những xã mới chia tách thực hiện hoàn chỉnh đến năm 2008.

- Huy động ngoài xã hội cùng với nguồn ngân sách tăng gấp đôi mức chi dịch vụ y tế so với hiện nay, trong đó nguồn lực ngoài công lập đáp ứng 55% nhu cầu chi cho khám chữa bệnh ban đầu. Huy động nguồn thu từ bảo hiểm y tế, viện phí, dịch vụ y tế khác từ 46% hiện nay lên 70%.

- Phấn đấu mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có tối thiểu 01 bác sĩ để khám, điều trị và sơ cứu bệnh ban đầu. Đến năm 2010 hoàn thành hơn 80% các trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia vế y tế, 80% trạm y tế xã, phường, thị trấn có khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

- Phát triển xã hội hóa đi đôi với củng cố, kiện toán hệ thống y tế công lập đảm bảo vai trò chủ đạo trong mạng lưới y tế, thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, bộ máy biên chế và tự chủ hoạt động, chuyển một phần sang hình thức cung ứng dịch vụ, nâng giường bệnh điều trị theo yêu cầu từ 8% lên 30%; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, mở rộng quan hệ hợp tác với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Khuyến khích các loại hình y tế dân lập, tư nhân hoạt động quy mô lớn như bệnh viện, phòng khám đa khoa, bviện chuyên khoa, viện điều dưỡng. Khuyến khích các loại hình hoạt động từ thiện, công ích, phi lợi nhuận...

c. Về văn hóa

- Đến năm 2010, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa theo hướng duy trì hình thức công lập các ngành bảo tàng, quản lý di tích, thư viện, đào tạo nhằm giữ gìn, bảo tồn tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh, phổ biến các giá trị văn hóa riêng của tỉnh, ngân sách nhà nước đầu tư tập trung vào các công trình văn hóa trọng điểm làm chủ đạo. Từng bước chuyển sang cơ chế cung ứng dịch vụ các đơn vị còn lại như đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa…các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, biên chế và hoạt động.

- Thí điểm thành lập một số mô hình thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở ngoài công lập, khuyến khích xã hội đóng góp, tham gia phù hợp với nhu cầu văn hóa từng địa phương; nhà nước có đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng, tham gia tổ chức các lễ hội truyền thống. Đến năm 2010 huy động từ xã hội đảm bảo 40% dịch vụ văn hóa.

d. Thể dục thể thao

- Tạo quỹ đất từ các xã, phường, thị trấn thành lập các sân chơi thể dục thể thao, nhằm phát hiện nguồn năng khiếu vận động viên từ các phong trào thể thao quần chúng. Phấn đấu 50% xã, phường, thị trấn đều có cơ sở luyện tập thể dục thể thao; 23% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Hình thành 4 trung tâm liên hiệp thể thao lớn (đủ sức đăng cai các giải thể thao khu vực) và 9 trung tâm vừa trên toàn tỉnh.

- Khuyến khích và tạo điều kiện kêu gọi đầu tư xây dựng các câu lạc bộ thể thao bộ môn thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp hóa bằng nhiều hình thức đầu tư, có thể nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, nhà đầu tư tự lo chi phí hạch toán độc lập. Đối với những câu lạc bộ hoạt động hiệu quả chuyển dần sang hình thức cổ phần, liên đoàn (như bóng đá, bóng chuyền, thể dục thể hình, cầu lông, tennis, thể dục thẩm mỹ ...).

- Chuyển các đơn vị sự nghiệp, cơ sở hoạt động thể dục thể thao hiện có thực hiện cơ chế khoán, từng bước chuyển dần sang hình thức ngoài công lập khi đủ điều kiện.

e.Về quản lý sự nghiệp công lập

- Sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần nghị định của Chính phủ, tạo môi trường pháp lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích cho đơn vị sự nghiệp và người lao động phát huy hết khả năng trí tuệ của mình để cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho xã hội ngày càng tốt hơn và hiệu quả cao hơn.

- Tiếp tục giao quyền tự chủ cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

III. CÁC GIẢI PHÁP CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH VỀ XÃ HỘI HÓA THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về xã hội hóa

Nâng cao nhận thức về xã hội hóa trong hệ thống công lập, tranh thủ sự đồng tình trong hệ thống chính trị.

Báo chí, Đài phát thanh truyền hình, các đơn vị thông tin khác tích cực thường xuyên tuyên truyền chủ trương xã hội hóa trên các kênh thông tin đại chúng, tạo điều kiện tuyên truyền rộng rãi để các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước có đủ thông tin cần thiết nhằm thu hút đầu tư từ các nguồn lực ngoài xã hội.

2. Thực hiện cơ chế xã hội hóa cho các cơ sở ngoài công lập

- Các cơ sở ngoài công lập được giao đất không thu tiền sử dụng đất; hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất ở khu vực ngoài đô thị; ở khu vục đô thị thu tiền cho thuê đất và cơ sở vật chất theo giá ưu đãi (giảm từ 30% đến 50% trong 5 năm đầu và 5 năm tiếp theo). Nếu nhà đầu tư tự lo được đất thì nhà nước hỗ trợ lại tiền nộp ngân sách về chuyển mục đích sử dụng đất và tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trước bạ) để đầu tư vào dự án.

- Miễn và giảm tiền thuê cơ sở vật chất trong 10 năm (5 năm đầu miễn 100%, 5 năm tiếp theo giảm 50%...) hoặc thu tiền cho thuê cơ sở vật chất ở khu vục đô thị theo giá ưu đãi, miễn thu tiền thuê đối với khu vực ngoài đô thị.

- Về con người ở các cơ sở ngoài công lập được hưởng đầy đủ quyền lợi về chế độ xã hội như công lập (chế độ hưu trí, BHXH, BHYT...).

- Tùy điều kiện hàng năm về chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có) thì được hưởng như các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Trên cơ sở kế hoạch đào tạo sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo để chuẩn hóa kiến thức cơ bản cho cán bộ thuộc các cơ sở ngoài công lập.

- Về đầu tư thiết bị: để khuyến khích tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở ngoài công lập, ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành, được nhà nước hỗ trợ 12 tháng tiền lãi vay tương đương bằng 10% giá trị thiết bị đầu tư.

- Về thực hiện nghĩa vụ thuế được hưởng chính sách thuế suất ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 10% (thuế suất hiện hành 28%).

3. Cơ chế xã hội hóa về giáo dục

- Thực hiện kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng và được cụ thể hóa bằng các danh mục dự án đầu tư lĩnh vực thực hiện, để nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận. Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Giáo dục các địa phương có kế hoạch tổ chức triển khai rộng rãi và là đầu mối tiếp nhận xử lý các thông tin có liên quan đối với nhà đầu tư.

- Bố trí khoảng 20% đến 30% danh mục trường xây dựng mới để kêu gọi đầu tư trường tư thục đào tạo chất lượng cao.

- Chuyển số trường bán công và công lập có uy tín sang cơ sở ngoài công lập đào tạo chất lượng cao.

- Tạo môi trường đầu tư trường dân lập, tư thục đạt chuẩn quốc gia, theo các hình thức:

+ Giao đất không thu tiền sử dụng đất.

+ Miễn và giảm tiền thuê cơ sở vật chất trong 10 năm (5 năm đầu miễn 100%, 5 năm tiếp theo giảm 50%...) hoặc thu tiền cho thuê cơ sở vật chất ở khu vực đô thị theo giá ưu đãi, miễn thu tiền thuê đối với khu vực ngoài đô thị.

+ Về con người được hỗ trợ 03 tháng tiền lương cơ bản ban đầu, được hưởng đầy đủ quyền lợi về chế độ xã hội như công lập (chế độ hưu trí, BHXH, BHYT...).

+ Tùy điều kiện hàng năm về chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có) thì được hưởng như trường công lập.

- Về đầu tư thiết bị đào tạo, giảng dạy: để khuyến khích tăng cường đầu tư trang thiết bị đào tạo, giảng dạy ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành, được nhà nước hỗ trợ 12 tháng tiền lãi vay tương đương bằng 10% giá trị thiết bị đầu tư.

4. Cơ chế xã hội hóa về y tế

- Phát triển mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường bác sĩ cho các trạm y tế xã phường, thị trấn; thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho các bác sĩ tình nguyện về các vùng sâu khó khăn.

- Khuyến khích đầu tư các trung tâm y tế tư nhân, các bệnh viện chuyên khoa. Đối với khu vực ngoài đô thị được giao đất không thu tiền sử dụng đất; ở khu vực đô thị thu tiền cho thuê đất và cơ sở vật chất theo giá ưu đãi (giảm từ 30% đến 50% trong 5 năm đầu và 5 năm tiếp theo). Nếu nhà đầu tư tự lo được đất thì nhà nước hỗ trợ lại tiền nộp ngân sách về chuyển mục đích sử dụng đất và tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trước bạ) để đầu tư vào dự án.

- Về đầu tư trang thiết bị y tế, tùy theo khả năng ngân sách của địa phương ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành, được nhà nước hỗ trợ 12 tháng tiền lãi vay tương đương bằng 10% giá trị thiết bị đầu tư, đối với thiết bị đắt tiền, thời gian trả chậm thì được hỗ trợ lãi suất từ 2 năm đến 3 năm.

5. Cơ chế xã hội hóa về văn hóa

- Thành lập thử nghiệm một số mô hình thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở ngoài công lập theo hướng giao mặt bằng, không thu tiền sử dụng đất; nhà nước có đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng, tham gia tổ chức các lễ hội truyền thống. Đến năm 2010 huy động từ xã hội đảm bảo 40% dịch vụ văn hóa.

- Đối với các cơ sở công lập chuyển sang ngoài công lập, được miễn tiền cho thuê đất, tài sản hiện có được cho thuê lại hoặc ưu tiên mua lại.

6. Cơ chế xã hội hóa về thể dục thể thao

- Tạo quỹ đất và dành quỹ đất hiện có ở các xã, phường, thị trấn để thành lập sân chơi thể thao. Từng bước hình thành các trung tâm thể thao bằng hình thức tuyên truyền vận động xã hội đóng góp đầu tư, thông qua các chính sách ưu đãi: giao đất không thu tiền sử dụng đất, nhà nước thực hiện đền bù giải tỏa. Nếu nhà đầu tư tự lo được đất thì nhà nước hỗ trợ lại tiền nộp ngân sách về chuyển mục đích sử dụng đất và tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trước bạ) để đầu tư vào dự án.

- Huy động ngoài xã hội đầu tư cho các cơ sở thể dục thể thao công lập hiện có. Chuyển dần các cơ sở hoạt động thể dục thể thao công lập hiện có thành đơn vị tự chủ về bộ máy biên chế và tài chính, từng bước chuyển sang hình thức ngoài công lập khi đủ điều kiện.

7. Về quản lý sự nghiệp công lập

Lập kế hoạch kiện toàn công tác kế toán tài chính ở các ngành, các đơn vị. Tăng cường công tác đào tạo về lĩnh vực kế toán tài chính cho thủ trưởng và đội ngũ kế toán ở các đơn vị sự nghiệp, để nắm vững các chủ trương, thực hiện đúng theo những quy định của Chính phủ và các hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan./.