Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3298/QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 13 tháng 10 năm 2010 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 286/2006/QĐ-TTg ngày 27/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Xét đề nghị của Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 185/TTr-SNgV ngày 01/10/2010;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015 tỉnh Quảng Nam” nhằm tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
XÚC TIẾN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3298 /QĐ-UBND ngày 13 /10/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam)
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Sự cần thiết
Trong hơn 10 năm qua, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Quảng Nam đã tăng cường công tác vận động để thu hút nguồn viện trợ từ các tổ chức PCPNN và đã đạt được những thành quả đáng kể góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều khó khăn của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xúc tiến vận động viện trợ từ các tổ chức PCPNN cũng còn nhiều hạn chế; chưa thu hút được nhiều tổ chức có tiềm lực mạnh; chưa vận động được nhiều chương trình, dự án dài hạn và có quy mô vốn lớn.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do:
- Chưa cụ thể hóa được chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương; định hướng phát triển của các cấp địa phương trong công tác kêu gọi viện trợ để triển khai có hiệu quả;
- Chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác vận động viện trợ PCPNN, chưa chủ động lập dự án và thiếu kỹ năng viết dự án để kêu gọi viện trợ, từ đó bị động tiếp nhận các chương trình, dự án, phi dự án do các tổ chức PCPNN chủ động đề nghị;
- Chưa có sự đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác vận động viện trợ;
- Đội ngũ làm công tác vận động viện trợ chưa chuyên nghiệp, thiếu năng lực, kiến thức về các quy định của Nhà nước đối với công tác vận động, tiếp nhận, sử dụng, quản lý nguồn viện trợ PCPNN;
- Thiếu thông tin về đối tác;
- Sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ.
2. Cơ sở định hướng
Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015 (sau đây gọi tắt là Chương trình), được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các văn bản quan trọng sau đây:
- Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 286/2006/QĐ-TTg ngày 27/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
- Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường khai thác, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ PCPNN, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN, nâng cao tính chủ động, phối kết hợp giữa các ngành, các cấp tại địa phương và tổ chức nhân dân trong việc thúc đẩy quan hệ với các tổ chức PCPNN, đảm bảo hoạt động theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương;
- Củng cố, tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam với các tổ chức PCPNN đang hoạt động tại Việt Nam và trên thế giới, nhất là các đối tác có tiềm năng;
- Duy trì và nâng cao giá trị tài trợ của các tổ chức PCPNN, gắn với nâng cao hiệu quả của việc vận động và sử dụng nguồn vốn PCPNN thông qua việc tăng cường giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực hợp tác của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh với các tổ chức PCPNN.
1. Định hướng chung
Viện trợ của các tổ chức PCPNN phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo quốc phòng - an ninh; đồng thời phát huy hiệu quả cao nhất vốn viện trợ, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững.
2. Các lĩnh vực cụ thể cần tập trung
Căn cứ mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế xã hội 2010 - 2015 và các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi viện trợ PCPNN của tỉnh; đồng thời căn cứ vào các lĩnh vực và tiềm năng tài trợ của các tổ chức PCPNN, công tác vận động viện trợ tập trung vào các lĩnh vực sau đây:
a) Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
- Phát triển và củng cố mạng lưới cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng sản xuất giống mới; tập huấn, tăng cường chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
- Phát triển và nâng cấp hạ tầng nông thôn qui mô nhỏ thiết yếu cho người nghèo: giao thông nông thôn, trạm bơm, đập nước, hệ thống kênh mương, nước sạch;
- Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề, thủ công mỹ nghệ, sản xuất và dịch vụ nhỏ; tín dụng, tiết kiệm dựa vào cộng đồng;
- Bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn;
- Hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm tiếp thu và triển khai các chương trình, dự án về phát triển kinh tế. Hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
b) Công nghiệp và thương mại:
- Phát triển lưới điện thuộc vùng nông thôn, miền núi;
- Phát triển sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Hỗ trợ xây dựng chợ và điểm bán hàng tại khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.
c) Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng:
- Phát triển đào tạo nguồn nhân lực;
- Nâng cấp, xây dựng hạ tầng cơ sở y tế; cung cấp phương tiện và trang thiết bị khám chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh cho các bệnh viện, các đơn vị y tế dự phòng, trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã;
- Phòng chống HIV/AIDS, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, phòng chống và giảm tác hại của ma tuý, tuyên truyền về nguy cơ và hiểm hoạ của ma túy, xây dựng các cơ sở y tế chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS...
d) Dân số, gia đình và trẻ em:
- Hỗ trợ các hoạt động dân số như kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát tỷ lệ sinh, tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, nâng cao nhận thức về công tác dân số, y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…
e) Giáo dục, đào tạo và dạy nghề:
- Phát triển nguồn nhân lực cho ngành giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên các cấp ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; phát triển mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài để góp phần bồi dưỡng đào tạo nhân tài cho đất nước; giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện học tập, tránh nguy cơ bỏ học, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục;
- Hỗ trợ xây dựng kiên cố, hiện đại cho các trường THPT, THCS, tiểu học, mẫu giáo và mầm non, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc tiểu số. Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện, nha học đường; cung cấp trang thiết bị, dụng cụ dạy học, phòng thí nghiệm;
- Hỗ trợ kinh phí đào tạo, dạy nghề phù hợp định hướng phát triển của tỉnh, của từng vùng, từng địa phương, ưu tiên cho người nghèo và người khuyết tật.
f) Công tác xã hội:
- Xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em đường phố, người già cô đơn, người bệnh tâm thần không nơi nương tựa, người nhiễm chất độc da cam; đào tạo cán bộ làm công tác xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật, hỗ trợ phương tiện phục hồi chức năng cho trẻ em và người khuyết tật;
- Hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, chăm sóc người tàn tật, người già cô đơn, người cao tuổi;
- Xóa nhà tạm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai;
- Tuyên truyền, phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông.
g) Tài nguyên và môi trường:
- Hiện thực hóa công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường bằng các kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề liên quan trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó đặc biệt quan tâm: thực hiện các chương trình truyền thông bảo vệ môi trường; khuyến khích các chương trình, dự án nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, không khí, rừng...; tăng cường nghiên cứu về đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm; xử lý bom mìn, vật liệu nổ, chất độc hóa học còn sót lại sau chiến tranh.
h) Phòng, giảm thiểu thảm họa thiên tai và cứu trợ khẩn cấp:
- Xây dựng hệ thống cảnh báo bão lũ, gia cố đê điều, gia cố nhà chống bão;
- Cứu trợ khẩn cấp: cung cấp thuốc men, lương thực, nhà ở, tái thiết hạ tầng cơ sở sản xuất sau khi xảy ra thiên tai.
i) Văn hóa, thể thao và du lịch:
- Giao lưu, hợp tác văn hóa; tuyên truyền giá trị văn hóa, bảo vệ văn hóa phi vật thể, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa;
- Hỗ trợ phát triển tài năng thể thao và phong trào hoạt động thể dục thể thao;
- Hỗ trợ phục hồi, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, di tích; quy hoạch phát triển du lịch, phát triển các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…
j) Khoa học và công nghệ:
- Lồng ghép công tác đào tạo, bồi dưỡng, củng cố và phát triển mạng lưới cán bộ khoa học công nghệ trong các dự án theo những lĩnh vực cụ thể cần tập trung nêu trên.
3. Định hướng theo địa bàn
Ưu tiên tập trung vận động viện trợ cho vùng sâu, vùng xa và vùng còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội; vùng thường xuyên chịu thiệt hại do thiên tai, dịch họa; trừ vùng cấm theo Quyết định số 77/2004/QĐ-UB ngày 11/10/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ưu tiên sử dụng mức kinh phí trích từ 2% tổng giá trị viện trợ PCPNN đã được UBND tỉnh phê duyệt cho phép tiếp nhận hàng năm để đầu tư lại cho công tác vận động viện trợ gồm: thu thập thông tin xây dựng các chương trình, dự án; xây dựng nội dung kêu gọi và tổ chức xúc tiến vận động viện trợ; nâng cao nhận thức về vận động viện trợ PCPNN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương; tập huấn đào tạo chuyên môn và khen thưởng.
2. Cải cách hành chính “một cửa” nhanh, gọn và đúng Nghị định 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN và các quy định khác có liên quan; đồng thời cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN hoạt động viện trợ.
3. Tăng cường sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của các địa phương, đơn vị liên quan đảm bảo vừa thu hút nhiều, sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ từ các tổ chức PCPNN vừa đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.
4. Duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các đối tác, đặc biệt là các đối tác truyền thống, định hướng viện trợ vào những lĩnh vực, địa bàn được tỉnh ưu tiên thông qua hoạt động xúc tiến viện trợ.
5. Thiết lập các mối quan hệ mới với các tổ chức PCPNN và các cơ quan hợp tác phát triển song phương và đa phương thông qua việc tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các Đại sứ quán, các chuyến công tác nước ngoài, các mối quan hệ bắc cầu.
6. Tăng cường công tác giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng viện trợ. Trong công tác giám sát và đánh giá cần phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp. Giữ mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan hữu quan ở Trung ương trong công tác này.
7. Tăng cường nguồn nhân lực trong công tác PCPNN, đào tạo bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác PCPNN ở các cấp về các kỹ năng: thu thập thông tin, điều tra, khảo sát lập các chương trình, dự án; xây dựng nội dung vận động viện trợ; kiểm tra, giám sát, đánh giá các chương trình, dự án viện trợ và nắm vững các quy định của Nhà nước về vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng viện trợ PCPNN.
8. Khen thưởng và kỷ luật:
- Động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức PCPNN, các cá nhân, đơn vị có thành tích trong hoạt động xúc tiến vận động viện trợ PCPNN, các cá nhân, tổ chức trong nước có công vận động nguồn viện trợ PCPNN vào địa phương.
- Đấu tranh, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động viện trợ PCPNN làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoặc gây thất thoát, lãng phí, sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả nguồn viện trợ; tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Sở Ngoại vụ chủ trì và phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình; cụ thể hóa Chương trình bằng các kế hoạch hành động hàng năm; hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong công tác tổ chức vận động viện trợ PCPNN.
2. Đối với các khoản viện trợ (dự án, chương trình) mà ngân sách địa phương phải đối ứng và được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương hoặc thỏa thuận (bằng văn bản) thì Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí đối ứng; đối với kinh phí phục vụ xúc tiến vận động viện trợ, triển khai thực hiện Chương trình thì sử dụng nguồn ngân sách bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của từng cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
3. Công an tỉnh chủ trì và phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về mặt an ninh trật tự đối với hoạt động của các cá nhân, tổ chức PCPNN trên địa bàn tỉnh, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động viện trợ gây mất ổn định an ninh, chính trị.
4. Các địa phương, đơn vị căn cứ theo Chương trình và khả năng điều kiện của mình để cụ thể hóa Chương trình vận động viện trợ cho địa phương, đơn vị mình; tăng cường chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ từ các tổ chức PCPNN theo quy định của Nhà nước và của tỉnh./.
- 1Quyết định 01/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Long An
- 2Quyết định 73/2014/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và việc sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3Quyết định 872/2015/QĐ-UBND Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
- 1Quyết định 286/2006/QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 93/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài
- 5Quyết định 77/2004/QĐ-UB năm 2004 quy định khu vực biên giới, vành đai biên giới và vùng cấm trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc tỉnh Quảng Nam
- 6Quyết định 01/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Long An
- 7Quyết định 73/2014/QĐ-UBND Quy định về quản lý hoạt động của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và việc sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 8Quyết định 872/2015/QĐ-UBND Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
Quyết định 3298/QĐ-UBND năm 2010 Ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015 tỉnh Quảng Nam
- Số hiệu: 3298/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/10/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Lê Minh Ánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra