Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3257/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 25 tháng 12 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ CẤP HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ (DDCI) THUỘC TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023;
Căn cứ Quyết định số 489/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Kế hoạch số 13241/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Khánh Hòa;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Khánh Hoà, gồm 10 chỉ số thành phần chính:
(1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin.
(2) Tính năng động của lãnh đạo.
(3) Chi phí thời gian.
(4) Chi phí không chính thức.
(5) Cạnh tranh bình đẳng.
(6) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
(7) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
(8) Vai trò của người đứng đầu.
(9) Chất lượng dịch vụ công.
(10) Tính tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Các tiêu chí đánh giá của từng chỉ số thành phần được nêu chi tiết tại Phụ lục kèm theo Quyết định này. Các chỉ số thành phần sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hằng năm.
Điều 2. Đối tượng được đánh giá:
1. Khối các cơ quan thuộc tỉnh (16 cơ quan): Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Y tế.
2. Khối cơ quan được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đóng trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan ngành dọc cấp tỉnh) gồm: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hoà.
3. Khối các địa phương: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Điều 3. Thời gian thực hiện:
Trước ngày 31 tháng 3 năm kế tiếp của năm đánh giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả chỉ số DDCI.
Điều 4. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI và dự toán kinh phí thực hiện hằng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ thẩm định kết quả khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng; các thành viên khác là công chức một số cơ quan có thành viên trong Ban Chỉ đạo Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa.
Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Tổ thẩm định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan được quy định tại Quyết định thành lập và Quy chế hoạt động do UBND tỉnh ban hành.
- Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện công tác điều tra, khảo sát phục vụ việc đánh giá chỉ số DDCI đảm bảo theo các quy định hiện hành; làm đầu mối phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin cần thiết để đơn vị khảo sát hoàn thành tốt công việc được giao.
- Tiếp nhận kết quả khảo sát các cơ quan, đơn vị, địa phương và dữ liệu có liên quan từ đơn vị khảo sát; Chủ trì thẩm định, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả và tham mưu tổ chức công bố kết quả chỉ số DDCI theo quy định.
- Phối hợp với đơn vị khảo sát và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số DDCI đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hằng năm và giai đoạn.
2. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; các cơ quan thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
- Phối hợp đề xuất, cung cấp danh sách đối tượng được khảo sát thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
- Phân công cán bộ đầu mối phối hợp với đơn vị khảo sát và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai, đánh giá chỉ số DDCI.
3. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các hội, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp và Liên minh Hợp tác xã: phối hợp với đơn vị khảo sát trong việc khảo sát, lấy ý kiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: phối hợp truyền thông về việc triển khai khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI; kịp thời đưa tin trong quá trình khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cơ quan ngành dọc của Trung ương trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI) THUỘC TỈNH KHÁNH HOÀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3257/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ DDCI
Hàng năm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - Chỉ số đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp tại địa phương.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021, Khánh Hòa xếp vị trí 44/63 tỉnh, thành phố, giảm 18 bậc so với năm 2020; phần lớn các chỉ số đều giảm điểm rất mạnh, 06/10 chỉ số giảm điểm mạnh so với năm 2020. Năm 2022, Chỉ số PCI tỉnh Khánh Hòa đạt 67,74 điểm, tăng 4,63 điểm so với năm 2021, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc so với năm 2021 (44/63), cao hơn điểm trung vị cả nước 2,52 điểm, xếp vào nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất PCI năm 2022. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã tin tưởng và đánh giá Khánh Hòa có nhiều cải thiện tốt trong môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, Chỉ số PCI chỉ phản ánh một bức tranh chung trong công tác điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh. Trong khi đó, các nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh sẽ không đạt được kỳ vọng nếu việc triển khai các chính sách, quy định ở cấp sở, ban, ngành hoặc tại địa phương thuộc tỉnh không được triển khai, thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả. Do đó, việc xây dựng và triển khai chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị, thành phố (địa phương) - Department & District Competitiveness Index (DDCI) trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Từ đó, tạo động lực cải cách đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
II. CƠ SỞ XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ DDCI
1. Cơ sở pháp lý
- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023;
- Quyết định số 489/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Chương trình hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025;
- Kế hoạch số 13241/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Khánh Hòa.
2. Cơ sở thực tiễn tại địa phương
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng và phát triển trên cơ sở nghiên cứu từ các nguồn:
- Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (Provincial Competitiveness Index) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với USAID (Hoa Kỳ).
- Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Đồng Tháp.
- Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Bình Định.
- Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Ninh Bình.
- Bộ chỉ số DDCI của thành phố Hồ Chí Minh.
- Kết quả PCI của tỉnh Khánh Hòa trong các năm qua. Trong đó, đánh giá thực tiễn công tác giải quyết thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; phân tích cụ thể những lĩnh vực liên quan đến các chỉ số thành phần mà tỉnh cần tập trung quyết liệt để cải thiện tốt hơn.
3. Mục tiêu triển khai DDCI
3.1. Mục tiêu chung
- Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Khánh Hòa nhằm mục đích đánh giá năng lực của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các sở, ban, ngành trên khía cạnh điều hành kinh tế; từ đó tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Kết quả đạt được từ chỉ số DDCI sẽ là cơ sở để đề ra các giải pháp mang tính hiệu quả và đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của toàn tỉnh, giúp Khánh Hòa bứt phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư trong những năm tiếp theo.
3.2. Các mục tiêu cụ thể
- Xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền các cấp đối với cộng đồng kinh doanh.
- Cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp. Từ đó có sự so sánh, đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính và triển khai các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, tạo động lực cải cách mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
- Tạo kênh thông tin tin cậy, cởi mở, rộng rãi để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
4. Đối tượng được khảo sát, đánh giá
4.1. Đối tượng được khảo sát
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong năm đánh giá.
4.2. Đối tượng được đánh giá
Việc khảo sát, đánh giá sẽ được tiến hành đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Khối các cơ quan thuộc tỉnh (16 cơ quan): Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Y tế.
Khối cơ quan được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đóng trên địa bàn tỉnh gồm: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hoà.
Khối các địa phương: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
III. Nội dung chi tiết Bộ chỉ số DDCI
1. Nội dung áp dụng cho khối các cơ quan thuộc tỉnh và khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh
Chỉ số thành phần | Tiêu chí |
1. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin | 1.1. Tài liệu hướng dẫn về thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công được niêm yết, công khai đầy đủ. 1.2. Các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, cơ chế chính sách mới được công bố công khai 1.3. Trang thông tin điện tử (website) của sở, ban, ngành đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp 1.4. Website có chuyên mục giải đáp các thắc mắc/ý kiến của doanh nghiệp 1.5. Doanh nghiệp nhanh chóng tìm được thông tin cần thiết trên website 1.6. Phí và lệ phí được công khai 1.7. Cán bộ, công chức hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng các thông tin trong quá trình giải quyết TTHC 1.8. Thực hiện TTHC trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh dễ dàng, đơn giản 1.9. Công khai lấy ý kiến doanh nghiệp khi xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp 1.10. Mối quan hệ với cán bộ, công chức cơ quan nhà nước giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giải quyết TTHC 1.11. Mối quan hệ với cán bộ, công chức cơ quan nhà nước giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận với các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp |
2. Tính năng động của lãnh đạo sở, ban, ngành | 2.1. Kịp thời, chủ động nắm bắt và có phương án xử lý những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được giao 2.2. Chủ động tham mưu và kiến nghị UBND tỉnh các đề xuất/giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh 2.3. Thực hiện có hiệu quả các quyết định/chủ trương của UBND tỉnh 2.4. Chủ động thực hiện các biện pháp hợp lý và hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh 2.5. Thường xuyên tổ chức và cử cán bộ tham gia các buổi đối thoại giải đáp các vướng mắc với doanh nghiệp |
3. Chi phí thời gian | 3.1. Giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định. 3.2. Quy trình và thủ tục thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, mẫu hoá cao 3.3. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm đáng kể. 3.4. Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục hành chính 3.5. Số lần thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 3.6. Không có hiện tượng nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. 3.7. Hoạt động thanh tra, kiểm tra không gây cản trở đáng kể đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 3.8. Nội dung thanh tra, kiểm tra không chồng chéo/trùng lặp |
4. Chi phí không chính thức | 4.1. Hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn phổ biến, gần như thành yêu cầu mặc định ngầm 4.2. Doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nếu muốn công việc được thuận lợi 4.3. Chi phí không chính thức có xu hướng giảm so với các năm trước |
5. Cạnh tranh bình đẳng | 5.1. Không có sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp lớn trong tiếp cận thông tin, cơ hội kinh doanh 5.2. Không có sự ưu ái trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước (vốn, đất đai, đấu thầu ...) 5.3. Không có sự ưu ái khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công 5.4. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ/điều hành và các doanh nghiệp do nam giới làm chủ/điều hành đều được đối xử bình đẳng và có các cơ hội, quyền như nhau |
6. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp | 6.1. Doanh nghiệp được mời tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (mời tập huấn, phổ biến, hướng dẫn, triển khai các chủ trương, chính sách mới...) 6.2. Cán bộ, công chức hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, hồ sơ còn vướng mắc 6.3. Tích cực và thường xuyên triển khai các chương trình (của trung ương và tỉnh) và các sáng kiến, hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp 6.4. Chương trình hỗ trợ của các cơ quan nhà nước phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp 6.5. Doanh nghiệp đã từng tham gia các buổi đối thoại do các cơ quan nhà nước tổ chức 6.6. Những vấn đề đặt ra qua đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp được giải quyết kịp thời. 6.7. Đơn vị có tiếp thu, thay đổi; hoạt động quản lý hành chính nói chung được cải thiện sau đối thoại. 6.8. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử có hiệu quả |
7. Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự | 7.1. Thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật 7.2. Thực thi văn bản pháp luật nghiêm minh, công bằng 7.3. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, kịp thời 7.4. Doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng thi hành, thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước 7.5. Doanh nghiệp có biết về cơ chế khiếu nại hoặc đã từng khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền khi cho rằng các cơ quan nhà nước làm trái quy định của pháp luật hoặc gây khó khăn khi giải quyết thủ tục hành chính 7.6. Phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết thỏa đáng 7.7. Doanh nghiệp thường phải khiếu nại vượt cấp |
8. Vai trò của người đứng đầu | 8.1. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước chỉ đạo quyết liệt việc tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ 8.2. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước có hành động cụ thể và thiết thực để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp 8.3. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước trực tiếp điều hành các buổi tham vấn doanh nghiệp 8.4. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước giải quyết triệt để, nhanh chóng các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp sau buổi tham vấn 8.5. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước kiên trì cải thiện văn hoá ứng xử của công chức và hệ thống chính quyền 8.6. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước đã giám sát và có biện pháp kịp thời chấn chỉnh/xử lý các cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn được doanh nghiệp phản ánh |
9. Chất lượng dịch vụ công | 9.1. Những chuyển biến trong lĩnh vực dịch vụ công so với năm trước 9.2. Doanh nghiệp đánh giá những thay đổi trong các thủ tục hành chính khi làm việc với các sở, ban, ngành 9.3. Mức độ phiền hà của các thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà doanh nghiệp tham gia 9.4. Cán bộ, công chức hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng các thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính |
2. Nội dung áp dụng cho khối địa phương
Chỉ số thành phần | Tiêu chí |
1. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin | 1.1. Tài liệu hướng dẫn về thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công được niêm yết, công khai đầy đủ. 1.2. Các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, cơ chế chính sách mới được công bố công khai 1.3. Trang thông tin điện tử (website) của địa phương đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp 1.4. Website có chuyên mục giải đáp các thắc mắc/ý kiến của doanh nghiệp 1.5. Doanh nghiệp nhanh chóng tìm được thông tin cần thiết trên website 1.6. Phí và lệ phí được công khai 1.7. Cán bộ, công chức hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng các thông tin trong quá trình giải quyết TTHC 1.8. Thực hiện TTHC trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh dễ dàng, đơn giản 1.9. Công khai lấy ý kiến doanh nghiệp khi xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp 1.10. Mối quan hệ với cán bộ, công chức địa phương giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giải quyết TTHC 1.11. Mối quan hệ với cán bộ, công chức địa phương giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận với các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp |
2. Tính năng động của lãnh đạo địa phương | 2.1. Kịp thời, chủ động nắm bắt và có phương án xử lý những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm được giao 2.2. Chủ động tham mưu và kiến nghị UBND tỉnh các đề xuất/giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh 2.3. Thực hiện có hiệu quả các quyết định/chủ trương của UBND tỉnh 2.4. Chủ động thực hiện các biện pháp hợp lý và hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh 2.5. Thường xuyên tổ chức và cử cán bộ tham gia các buổi đối thoại giải đáp các vướng mắc với doanh nghiệp |
3. Chi phí thời gian | 3.1. Giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định 3.2. Quy trình và thủ tục thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, mẫu hoá cao 3.3. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm đáng kể 3.4. Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục hành chính 3.5. Số lần thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 3.6. Không có hiện tượng nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra 3.7. Hoạt động thanh tra, kiểm tra không gây cản trở đáng kể đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 3.8. Nội dung thanh tra, kiểm tra không chồng chéo/trùng lặp |
4. Chi phí không chính thức | 4.1. Hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn phổ biến, gần như thành yêu cầu mặc định ngầm 4.2. Doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nếu muốn công việc được thuận lợi 4.3. Chi phí không chính thức có xu hướng giảm so với các năm trước |
5. Cạnh tranh bình đẳng | 5.1. Không có sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp lớn trong tiếp cận thông tin, cơ hội kinh doanh 5.2. Không có sự ưu ái trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước (vốn, đất đai, đấu thầu ...) 5.3. Không có sự ưu ái khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công 5.4. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ/điều hành và các doanh nghiệp do nam giới làm chủ/điều hành đều được đối xử bình đẳng và có các cơ hội, quyền như nhau |
6. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp | 6.1. Doanh nghiệp được mời tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (mời tập huấn, phổ biến, hướng dẫn, triển khai các chủ trương, chính sách mới...) 6.2. Cán bộ, công chức hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, hồ sơ còn vướng mắc 6.3. Tích cực và thường xuyên triển khai các chương trình (của trung ương và tỉnh) và các sáng kiến, hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp 6.4. Chương trình hỗ trợ của các cơ quan nhà nước phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp 6.5. Doanh nghiệp đã từng tham gia các buổi đối thoại do các cơ quan nhà nước tổ chức 6.6. Những vấn đề đặt ra qua đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp được giải quyết kịp thời 6.7. Đơn vị có tiếp thu, thay đổi; hoạt động quản lý hành chính nói chung được cải thiện sau đối thoại 6.8. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử có hiệu quả |
7. Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự | 7.1. Thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật 7.2. Thực thi văn bản pháp luật nghiêm minh, công bằng 7.3. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên, kịp thời 7.4. Doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng thi hành, thực thi pháp luật của địa phương 7.5. Doanh nghiệp có biết về cơ chế khiếu nại hoặc đã từng khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền khi cho rằng các địa phương làm trái quy định của pháp luật hoặc gây khó khăn khi giải quyết thủ tục hành chính 7.6. Phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết thoả đáng 7.7. Doanh nghiệp thường phải khiếu nại vượt cấp |
8. Vai trò của người đứng đầu | 8.1. Lãnh đạo địa phương chỉ đạo quyết liệt việc tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ 8.2. Lãnh đạo địa phương có hành động cụ thể và thiết thực để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp 8.3. Lãnh đạo địa phương trực tiếp điều hành các buổi tham vấn doanh nghiệp 8.4. Lãnh đạo địa phương giải quyết triệt để, nhanh chóng các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp sau buổi tham vấn 8.5. Lãnh đạo địa phương kiên trì cải thiện văn hóa ứng xử của công chức và hệ thống chính quyền 8.6. Lãnh đạo địa phương đã giám sát và có biện pháp kịp thời chấn chỉnh/xử lý các cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn được doanh nghiệp phản ánh |
9. Chất lượng dịch vụ công | 9.1. Những chuyển biến trong lĩnh vực dịch vụ công so với năm trước 9.2. Doanh nghiệp đánh giá những thay đổi trong các thủ tục hành chính khi làm việc với địa phương 9.3. Mức độ phiền hà của các thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà doanh nghiệp tham gia 9.4. Cán bộ, công chức hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng các thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính |
10. Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất | 10.1. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh 10.2. Giá thuê, mua mặt bằng sản xuất kinh doanh tăng nhanh 10.3. Doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai 10.4. Có hiện tượng doanh nghiệp bị thu hồi đất đai không thoả đáng 10.5. Chính quyền công khai lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương 10.6. Chính quyền chủ động trong giải quyết các vướng mắc về đất đai của doanh nghiệp 10.7. Chính quyền hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng |
IV. Phương pháp tính điểm
Chỉ số DDCI tại tỉnh Khánh Hoà áp dụng phương pháp chuẩn hoá và quy điểm số nhằm so sánh chất lượng hoạt động của mỗi đơn vị với thực tế tốt nhất về chất lượng điều hành. Mỗi chỉ số thành phần được xây dựng từ nhiều chỉ tiêu nhỏ. Mỗi chỉ tiêu được chuẩn hoá theo thang 10 điểm, đơn vị có thực tiễn tốt nhất sẽ đạt điểm 10, đơn vị có thực tiễn kém nhất tương ứng với điểm 0; các đơn vị còn lại sẽ có số điểm nằm giữa 0 và 10.
- Đối với các tiêu chí thuận, tức là càng cao thì càng tốt (ví dụ, chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá Khả năng tiếp cận tài liệu, thông tin của sở, ban, ngành/địa phương là Dễ). Điểm của các đơn vị còn lại nằm trong khoảng thấp nhất đến cao nhất sẽ được tính theo công thức:
A: Điểm cao nhất của tất cả các đơn vị.
B: Điểm thấp nhất của tất cả các đơn vị.
C: Điểm của đơn vị được đánh giá.
(10*(A - B) - (A - C)*(10-1))/(A-B)).
- Đối với các chỉ tiêu nghịch, tức là càng thấp càng tốt (như chỉ tiêu Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức). Điểm của các đơn vị còn lại nằm trong khoảng thấp nhất đến cao nhất sẽ được tính theo công thức:
A: Điểm cao nhất của tất cả các đơn vị.
B: Điểm thấp nhất của tất cả các đơn vị.
C: Điểm của đơn vị đánh giá.
(10*(B - A) - (B - C)*(10 - 1 ))/(B - A)).
Điểm thành phần của 01 chỉ tiêu thành phần sẽ là trung bình cộng của tất cả các câu hỏi trong chỉ tiêu đó.
V. Tổng hợp dữ liệu cuối cùng và viết báo cáo phân tích
Bước cuối cùng là tổng hợp điểm số của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo thứ tự điểm số DDCI từ cao đến thấp và phân loại nhóm các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả phân loại được đánh giá như sau:
- Cơ quan, đơn vị, địa phương được xếp hạng TỐT khi đạt từ 85 điểm đến 100 điểm.
- Cơ quan, đơn vị, địa phương được xếp hạng KHÁ khi đạt từ 75 điểm đến dưới 85 điểm.
- Cơ quan, đơn vị, địa phương được xếp hạng TRUNG BÌNH khi đạt từ 60 điểm đến dưới 75 điểm.
- Cơ quan, đơn vị, địa phương được xếp hạng YẾU khi đạt dưới 60 điểm.
Dữ liệu tổng hợp kết quả của từng chỉ số thành phần và chỉ tiêu đánh giá sẽ được trình bày cụ thể để làm tư liệu cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo và có hướng cải thiện. Trên cơ sở dữ liệu tổng hợp, đơn vị khảo sát sẽ tổng hợp kết quả khảo sát; cơ quan chủ trì tổ chức họp Tổ thẩm định để thẩm định kết quả khảo sát trước khi tham mưu xây dựng kết quả Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, trình UBND tỉnh công bố; đồng thời, kiến nghị những giải pháp cần triển khai để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Khánh Hoà trong những năm tiếp theo./.
- 1Quyết định 1254/QĐ-UBND phê duyệt Bộ chỉ số và phân loại Phiếu khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố - DDCI Quảng Nam 2023
- 2Kế hoạch 84/KH-UBND triển khai đo lường Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DDCI) tỉnh Thái Bình trên nền tảng công nghệ năm 2023
- 3Quyết định 2690/QĐ-UBND về phê duyệt “Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023
- 4Quyết định 149/QĐ-UBND năm 2024 điều chỉnh Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2025 (DDCI)
- 5Kế hoạch 1711/KH-UBND triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum (DDCI) năm 2024
- 6Kế hoạch 190/KH-UBND về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 do Thành phố Hà Nội ban hành
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 3Quyết định 489/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025
- 4Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1254/QĐ-UBND phê duyệt Bộ chỉ số và phân loại Phiếu khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố - DDCI Quảng Nam 2023
- 7Kế hoạch 84/KH-UBND triển khai đo lường Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DDCI) tỉnh Thái Bình trên nền tảng công nghệ năm 2023
- 8Quyết định 2690/QĐ-UBND về phê duyệt “Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2023
- 9Quyết định 149/QĐ-UBND năm 2024 điều chỉnh Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2025 (DDCI)
- 10Kế hoạch 1711/KH-UBND triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Kon Tum (DDCI) năm 2024
- 11Kế hoạch 190/KH-UBND về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 do Thành phố Hà Nội ban hành
Quyết định 3257/QĐ-UBND năm 2023 về Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Khánh Hòa
- Số hiệu: 3257/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/12/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Nguyễn Tấn Tuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra