Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3253/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 26 tháng 10 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016;
Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;
Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-BCĐTW ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3015/TTr-SNN ngày 19 tháng 10 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2018-2020
(Kèm theo Quyết định số 3253/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
HIỆN TRẠNG NÔNG THÔN VÀ SẢN PHẨM CHỦ LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
I. Thực trạng đạt chuẩn nông thôn mới
Hiện trạng tiêu chí nông thôn trên địa bàn tỉnh đến ngày 30 tháng 6 năm 2018
1. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới theo nhóm:
- Số xã đã được công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới: 35 xã (37,2% tổng số xã);
- Số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí: 04 xã (4,3% tổng số xã, tăng 03 xã so với cuối năm 2017);
- Số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí: 25 xã (26,6% tổng số xã, giảm 04 xã so với cuối năm 2017);
- Số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí: 29 xã (30,8% tổng số xã, giảm 07 xã so với cuối năm 2017);
- Số xã đạt dưới 5 tiêu chí: 01 xã (xã Cam Thịnh Tây - 1,1% tổng số xã).
2. Số xã đạt theo tiêu chí: Quy hoạch có 79/94 xã đạt chuẩn; giao thông có 51/94 xã, thủy lợi có 84/94 xã, điện 93/94 xã, trường học 42/94 xã, cơ sở vật chất văn hóa 41/94 xã, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn 73/94 xã, thông tin và truyền thông 94/94 xã, nhà ở dân cư 43/94 xã, thu nhập 42/94 xã, hộ nghèo 55/94 xã, lao động có việc làm 94/94 xã, tổ chức sản xuất 46/94 xã, giáo dục và đào tạo 60/94 xã, y tế 46/94 xã, văn hóa 78/94 xã, môi trường và an toàn thực phẩm 45/94 xã, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật 42/94 xã, quốc phòng và an ninh 80/94 xã.
+ Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung trên toàn tỉnh là 12,6 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017).
II. Hiện trạng sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Khánh Hòa là tỉnh ven biển, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, điểm cực Bắc: 12052'15'' vĩ độ Bắc. Phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, điểm cực Nam: 11042'50'' vĩ độ Bắc. Phía Tây giáp tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, điểm cực Tây: 108040'33'' kinh độ Đông. Phía Đông giáp biển Đông, với 385 km bờ biển, điểm cực Đông: 109027'55'' kinh độ Đông. Phần lãnh hải có hệ thống đảo, với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... đặc biệt trong đó có huyện đảo Trường Sa, có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng của cả nước. Khánh Hòa nằm giữa hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, là các trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước, trung tâm tỉnh lỵ Nha Trang cách thành phố Hồ Chí Minh 450 km.
Với vị trí địa lý nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Hòa phát triển sản xuất hàng hóa trong đó có nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 29 sản phẩm chủ lực; trong đó nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm đồ uống có 3 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 5 sản phẩm, cụ thể như sau:
1. Đối với nhóm thực phẩm gồm:
a) Nông sản tươi sống:
- Rau các loại:
Diện tích trồng rau các loại của cả tỉnh khoảng 4.500 ha, năng suất bình quân 150 tạ/ha, sản lượng 67.500 tấn. Vùng trồng chủ yếu tập trung tại thành phố Cam Ranh (xã Cam Thành Nam, Cam Phước Đông, phường Cam Nghĩa); thị xã Ninh Hòa (xã Ninh Đông, Ninh Trung); thành phố Nha Trang (xã Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh). Vùng sản xuất rau an toàn quy hoạch hiện nay mới xây dựng được 2 vùng: Xã Ninh Đông 2,8 ha do Hợp tác xã sản xuất rau Ninh Đông quản lý và xã Vĩnh Phương 2,3 ha do Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Đắc Lộc quản lý đã được cấp giấy chứng nhận số VietGAP-TT-13-010-56-0002 ngày 10 tháng 11 năm 2015 do Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 cấp, chưa có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 02 công ty chuyên trồng và cung cấp các loại rau sạch gồm: Công ty Sala Việt Nam - xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông Hiệp Phát - xã Ninh Thân - thị xã Ninh Hòa và có trên 100 hộ tham gia trồng rau trên địa bàn tỉnh. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối trong tỉnh và các siêu thị.
- Nấm:
Hiện nay, mô hình trồng nấm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phát triển tập trung ở xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa; xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang; xã Diên Sơn, Diên Điền, huyện Diên Khánh. Sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
- Cây tỏi:
Diện tích trồng tỏi toàn tỉnh lên đến 550 ha. Trong đó, huyện Vạn Ninh 305 ha, được trồng ở 2 xã Vạn Hưng 245 ha, Vạn Thạnh 60 ha. Thị xã Ninh Hòa 245 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ninh Vân 50 ha, Ninh Phước 95 ha, Ninh Sơn 70 ha và một số ít ở các xã Ninh An 20 ha, Ninh Thọ 10 ha. Năng suất trung bình 6 tấn tỏi khô/ha, sản lượng 3.300 tấn/năm với giá thành sản phẩm là 75.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chính tại các chợ đầu mối và các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi được trồng tại tỉnh Khánh Hòa”.
- Khoai sáp:
Vùng trồng chủ yếu tại xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, với diện tích 122 ha. Năng suất trung bình 2,5 - 2,8 tấn/1.000 m2. Tổng doanh thu trong 3 năm 4.860 triệu đồng, trong đó: Năm 2014 là 1.610 triệu đồng, năm 2015 là 1.630 triệu đồng, năm 2016 là 1.620 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
- Mía tím Khánh Sơn:
Là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhiều ưu thế phát triển, được chọn là cây trồng chủ lực ở Khánh Sơn. Hiện nay, diện tích trồng mía tím tại Khánh Sơn là 300 ha. Tổng sản lượng sản xuất sản phẩm mía tím là 47.387 tấn. Tổng doanh thu trung bình các sản phẩm là 32.714 triệu đồng/năm. Trong đó, 11.636 triệu đồng/năm 2014, 10.737 triệu đồng/năm 2015, 10.341 triệu đồng/năm 2016. Sản phẩm chưa đăng ký công bố chất lượng, chưa có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
- Cây xoài:
Diện tích trồng xoài trên toàn tỉnh là 7.140 ha, trong đó chủ yếu ở huyện Cam Lâm với diện tích 4.021 ha và các huyện, thị xã khác như thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh, huyện Diên Khánh. Năng suất trung bình 7 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 49.000 tấn. Trong các giống xoài mới được trồng ở tỉnh thì giống xoài Úc (R2E2, R2D2, Kensington) có phẩm chất nổi trội, màu sắc đẹp, vỏ quả cứng, chất lượng quả ngon, hạt nhỏ, có khả năng bảo quản dài ngày để xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 600 ha giống xoài Úc, trong đó có 02 đơn vị chuyên trồng, chuyển giao công nghệ, chế biến, kinh doanh xoài Úc xuất khẩu là Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên EMU. Trong 2 năm 2014 và 2015, sản phẩm xoài Úc của Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn. Sản phẩm xoài Úc của tỉnh Khánh Hòa đã được tiêu thụ trên toàn quốc và xuất khẩu qua các thị trường Australia, Singapore, Nhật Bản, Châu Âu. Sản phẩm xoài đã được xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu “Xoài Cam Lâm”: Dưới hình thức đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận cho 3 giống xoài: Úc, Canh Nông, Cát Hòa Lộc do Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm làm chủ sở hữu nhãn hiệu.
- Cây sầu riêng:
Là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhiều ưu thế phát triển, được chọn là cây trồng chủ lực ở Khánh Sơn. Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh là 600 ha chủ yếu ở 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tổng sản lượng sản xuất sản phẩm sầu riêng là 7.369 tấn. Tổng doanh thu trung bình sản phẩm là 136.921 triệu đồng/năm. Trong đó, 42.233 triệu đồng/năm 2014, 45.176 triệu đồng/năm 2015, 49.512 triệu đồng/năm 2016. Sầu riêng Khánh Sơn được Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa xây dựng thương hiệu loại hình nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng Khánh Sơn. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
- Cây bưởi da xanh:
Được trồng chủ yếu tại huyện Khánh Vĩnh, với diện tích 465 ha. Tổng diện tích cho sản phẩm đến ngày 31 tháng 12 năm 2017 là 90 ha/465 ha; năng suất bình quân 43 tạ/ha; sản lượng sản phẩm 383 tấn. Thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí khoảng 120 - 150 triệu đồng/ha. Tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Sông Cầu, Khánh Thành, Khánh Phú... Hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh đã được chứng nhận VietGAP với 30,5 ha. Bưởi da xanh đang được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện Dự án: Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh Khánh Vĩnh, tổ chức được giao quản lý và đứng tên nộp đơn đăng ký là Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Quyết định số 28232/QĐ-SHTT ngày 27 tháng 4 năm 2018.
- Dừa xiêm:
Diện tích trồng dừa xiêm toàn tỉnh lên đến 472 ha. Trong đó, huyện Vạn Ninh 150 ha (được trồng chủ yếu ở xã Vạn Thọ). Thị xã Ninh Hòa 322 ha (tập trung chủ yếu ở phường Ninh Đa). Năng suất trung bình 4,4 tấn/ha, sản lượng 2.077 tấn, giá bán khoảng 10.000 đồng/trái. Thị trường tiêu thụ chính tại các chợ đầu mối và các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm dừa xiêm của phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa đã được xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu “Dừa xiêm Ninh Đa” dưới hình thức đăng ký là nhãn hiệu tập thể, tổ chức được giao quản lý và đứng tên nộp đơn đăng ký là Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa.
- Cây táo:
Cây táo du nhập vào xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh khoảng 10 năm nay, trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương phát triển kinh tế. Diện tích cây táo hiện nay khoảng 70 ha, tập trung tại thôn Quảng Hòa 90%. Cây táo đang được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện Dự án: Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể táo Cam Thành Nam, tổ chức được giao quản lý và đứng tên nộp đơn đăng ký là Hội Nông dân xã Cam Thành Nam.
- Cây chuối:
Hiện nay, diện tích trồng chuối trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 911 ha, diện tích cho thu hoạch 740 ha, tổng sản lượng 12.388,3 tấn; tổng doanh thu 37.165 triệu đồng, trong đó năm 2015: 12.000 triệu đồng, năm 2016: 12.300 triệu đồng, năm 2017: 12.864 triệu đồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang có THT cây ăn quả Vĩnh Lương chuyên trồng chuối; sản lượng thu hoạch 1.100 tấn (năm 2015: 400 tấn; năm 2016: 400 tấn; năm 2017: 300 tấn); doanh thu 13.200 triệu đồng, trong đó năm 2015: 4.800 triệu đồng, năm 2016: 4.800 triệu đồng, năm 2017: 3.600 triệu đồng.
- Tôm hùm:
Là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, toàn tỉnh có 23 tiểu vùng được phân theo địa giới hành chính của 04 vùng nuôi chính là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh.
b) Nông sản chế biến:
- Gạo Ngọc Quang:
Gạo Ngọc Quang được sản xuất và chế biến theo mô hình lúa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao theo hướng giảm thiểu dư lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật nhằm phục vụ du lịch và tiêu dùng ở tỉnh Khánh Hòa” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện. Đề tài được tiến hành trong 3 năm (từ năm 2012 đến 2015). Qua khảo nghiệm, HTXNN 1 Ninh Quang đã chọn 2 giống lúa thơm chất lượng cao là OM 4900 và OM 7347 tiến hành sản xuất, chế biến. Thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm gạo Ngọc Quang đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Chế biến nước mắm và hải sản khô:
Nghề chế biến nước mắm, chế biến cá cơm khô, mực khô tập trung chủ yếu tại 2 xã Vạn Long và Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh: Hiện có 110 cơ sở sản xuất với hơn 900 lao động và tại 03 phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Long, thành phố Nha Trang với hơn 100 cơ sở sản xuất. Thu nhập bình quân khoảng 2.500.000 đồng/người/tháng.
Một số công ty nổi tiếng về sản xuất nước mắm như: Công ty Cổ phần 584 Nha Trang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước mắm Chín Tuy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Sơn Nha Trang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạnh Quyến, Ngọc Trang, Ngọc Hà... Sản phẩm nước mắm của các công ty có đăng ký công bố chất lượng. Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước khác.
Thương hiệu nước mắm Nha Trang được Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể nước mắm Nha Trang, do Hiệp hội Nước mắm Nha Trang quản lý và đại diện đứng tên đăng ký là Công ty Cổ phần 584 Nha Trang.
- Chế biến rong nho:
Rong nho là một loại rong biển quý, hiếm và giàu dinh dưỡng. Ngoài màu sắc và hình dáng đẹp mắt, rong nho còn được ưa chuộng bởi công dụng vượt trội so với nhiều loại rong biển khác bởi đây là một loại rau xanh, sạch, có vị giòn, dễ ăn, không tanh, là loại thức ăn bổ dưỡng, có tác dụng đào thải những kim loại nặng ra khỏi cơ thể, chính vì những lợi ích đó nên đến nay, 80% rong nho ở Việt Nam dành cho xuất khẩu. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 14 ha rong nho, tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các công ty chuyên nuôi trồng và chế biến rong nho như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rong nho Okinviva, Công ty Cổ phần Đại Dương VN, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trí Tín. Sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng.
- Chế biến chả cá:
Hiện có 01 cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh chả cá tại huyện Vạn Ninh (Cơ sở chế biến chả cá Thuận). Năng suất trung bình 1 tạ/ngày. Doanh thu 2.106 triệu đồng/năm. Sản phẩm có công bố chất lượng.
- Chế biến nem chua, chả lụa:
Tập trung chủ yếu tại phường Ninh Hiệp - thị xã Ninh Hòa có hơn 20 hộ tham gia làm nghề với khoảng 50 lao động và tại thị trấn Diên Khánh - huyện Diên Khánh có hơn 36 cơ sở sản xuất với khoảng 100 lao động; và một số cơ sở sản xuất khác tại thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Diên Khánh có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khanhfood là đơn vị chuyên sản xuất nem chả, sản phẩm của công ty được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2015. Sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng.
- Chế biến bún, bánh các loại:
Nghề làm bún, bánh hiện có khoảng 124 hộ làm bún bánh, bánh tráng; tập trung chủ yếu tại tổ dân phố Phú Lộc Tây - thị trấn Diên Khánh, thôn Quang Thạnh - xã Diên Hòa, xã Diên Thạnh và xã Diên Sơn - huyện Diên Khánh và xã Ninh Bình, phường Ninh Hiệp - thị xã Ninh Hòa.
- Chế biến muối:
Diện tích sản xuất muối trên địa bàn tỉnh là 975 ha. Trong đó, diện tích sản xuất của Hợp tác xã sản xuất muối Cam Nghĩa 15 ha, Hợp tác xã sản xuất muối 1/5 Ninh Diêm 90 ha, Hợp tác xã sản xuất muối Ninh Thủy 13 ha, Công ty Cổ phần Sản xuất muối Khánh Hòa 512 ha, Công ty Cổ phần Sản xuất muối Cam Ranh 125 ha, hộ sản xuất muối cá thể 220 ha. Sản lượng sản xuất muối tính đến tháng 7 năm 2017 là 10.750 tấn, trong đó: Sản lượng sản xuất muối thực phẩm là 2.481 tấn, sản lượng sản xuất muối công nghiệp 8.269 tấn. Giá bán hiện nay là 1.100 đồng/kg.
Trên địa bàn tỉnh có các đơn vị sản xuất muối như: Công ty Cổ phần Muối Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh, Hợp tác xã sản xuất muối Ninh Diêm, Hợp tác xã sản xuất muối Cam Nghĩa, Hợp tác xã sản xuất muối Ninh Thủy.
- Chế biến đường:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 02 công ty cổ phần đường là Công ty Cổ phần Đường Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa.
- Công ty Cổ phần Đường Việt Nam quản lý vùng nguyên liệu mía thu mua khoảng 9.300 ha, gồm: Khánh Vĩnh: 1.200 ha, Diên Khánh: 2.300 ha, Cam Lâm: 1.319 ha, Cam Ranh: 670 ha, Khánh Sơn: 90 ha. Công suất chế biến 10.000 tấn mía/ngày. Giá thu mua mía bình quân niên vụ 2016-2017 tại ruộng của nông dân là 970.000 đồng/tấn/10CCS.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa thu mua khoảng 8.400 ha, gồm: Vạn Ninh: 150 ha, Ninh Hòa: 7.800 ha, Khánh Vĩnh: 400 ha. Công suất chế biến 5.200 tấn mía/ngày. Giá thu mua mía bình quân niên vụ 2016-2017 tại ruộng của nông dân là 950.000 đồng/tấn/10CCS.
Cả hai công ty đã xây dựng bản công bố hợp quy phù hợp với quy định tại tiêu chuẩn QCVN 01-98:2012/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu. Các bản xác nhận công bố hợp quy còn thời hạn theo quy định.
- Chế biến kẹo dừa:
Nghề làm kẹo dừa, kẹo đậu phụng ở thôn Lộc Thọ, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh có gần 10 hộ làm nghề này, thu nhập tăng gấp nhiều lần so với các nghề làm khác. Sản phẩm kẹo dừa Vạn Ninh đã được nhiều người trong cả nước biết đến và cung cấp ra các tỉnh thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Khánh Hòa... mô hình sản xuất kẹo dừa xuất phát từ nguyên liệu sẵn có của nông sản của địa phương.
2. Nhóm đồ uống có 03 sản phẩm: Cà phê, yến sào và các sản phẩm chế biến từ yến sào, chế biến trà
- Cà phê:
Sản phẩm cà phê của Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Khánh Hòa được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2015. Sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
-Yến sào và các sản phẩm chế biến từ yến sào:
Là sản phẩm đặc thù của tỉnh Khánh Hòa do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa nuôi và chế biến. Sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng. Sản phẩm yến sào Nha Trang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận.
- Chế biến trà:
Chế biến trà tập trung sản xuất tại xã Vĩnh Ngọc và Phước Đồng, thành phố Nha Trang. Trong đó, sản phẩm trà ngọt Hoàng Hoa Thôn của Hộ kinh doanh Hoàng Hoa Thôn, thôn Phước Thượng - xã Phước Đồng - thành phố Nha Trang được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2015. Trà ngọt với thành phần chính là các loại cây chùm ngây, cây hoàn ngọc, cỏ ngọt… hiện là một thức uống đang được người tiêu dùng rất quan tâm. Ngoài tác dụng giải khát, trà ngọt còn có tác dụng chữa bệnh giải độc rượu, bồi bổ sức khỏe, hạ huyết áp, ngủ ngon... Thị trường tiêu thụ chính trong và ngoài tỉnh.
3. Nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 5 sản phẩm: Chế tác trầm hương, chế tác đá mỹ nghệ Ninh Giang, đúc đồng Diên Khánh, sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ, trồng hoa cúc Ninh Giang
- Chế tác trầm hương:
Nghề chế tác trầm hương từ cây dó bầu tập trung tại thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh với hơn 260 hộ tham gia hoạt động nghề với khoảng 500 lao động tham gia. Sản phẩm chính là gỗ lũa mỹ nghệ trầm hương, nhang trầm... Nguồn nguyên liệu được thu mua từ các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, thị trường tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Nghề chế tác trầm hương tại thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa công nhận làng nghề tại Quyết định số 2661/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2016.
Ngoài ra, tại Ngã ba trong - Quốc lộ 1A - Thị xã Ninh Hòa có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trầm hương Biện Quốc Dũng tạo ra các sản phẩm chất lượng cao từ trầm hương Khánh Hòa. Sản phẩm của công ty bao gồm: Nhang, vòng trang sức, các loại tượng tâm linh và các loại sản phẩm trầm hương phong thủy.
- Chế tác đá mỹ nghệ Ninh Giang:
Nghề chế tác đá mỹ nghệ tại phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa đã xuất hiện trên 50 năm, bắt đầu từ năm 1956 do ông Nguyễn Văn Sĩ, sinh năm 1912 đã mang nghề đá mỹ nghệ từ làng non nước Đà Nẵng. Tổng số hộ tham gia hoạt động nghề là 123 hộ. Các sản phẩm chủ yếu từ đá là: Cối xay bột, cối giã muối, về sau có những sản phẩm làm ra đa dạng, tinh xảo như bộ bàn đá đôn nấm, đèn đá, đi văng đá… Năm 2013, sản phẩm bộ bàn đá, đôn nấm của tổ liên kết làm đá mỹ nghệ được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Tình hình sản xuất kinh doanh ổn định trong 02 năm liên tiếp, số hộ tham gia làng nghề tăng lên từng năm, cụ thể:
+ Năm 2014 có 120 hộ với 150 lao động, doanh thu đạt 8.720 triệu đồng.
+ Năm 2015 có 123 hộ với 159 lao động, doanh thu đạt 9.500 triệu đồng.
Thu nhập bình quân là 8.000.000 đồng/người/tháng.
Nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống tại Quyết định số 2661/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2016.
Ngoài ra còn có các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn như: Cơ sở đá mỹ nghệ Tâm Lộc, 86 Nguyễn Trãi - Tỉnh lộ 2 - Thị trấn Diên Khánh - Huyện Diên Khánh, chủ cơ sở: Mai Quốc Chính - Điện thoại: 090354400. Sản phẩm của đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2013.
- Đúc đồng Diên Khánh:
Nghề đúc đồng tại tổ dân phố Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh hiện có khoảng trên 40 hộ cùng trên 200 nhân khẩu sống bằng các nghề có liên quan đến đúc đồng. Trong đó, có 20 hộ và gần 100 nhân khẩu tham gia vào Hợp tác xã đúc đồng Phú Lộc. Các sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu như: Chân đèn, lư hương truyền thống, ngoài ra còn có một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch như: Trống đồng giả cổ, hổ, trâu, ngựa đồng dùng làm trang trí... Thị trường tiêu thụ ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk và một số tỉnh phía Bắc. Nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa công nhận là nghề truyền thống tại Quyết định số 2661/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2016.
- Sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ:
Đây là một trong những nhóm ngành nghề nông thôn chính ở Khánh Hòa, hoạt động sôi động và có tác động tích cực lên thu nhập, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Phân bố tương đối đều trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
- Trồng hoa cúc Ninh Giang:
Nghề trồng hoa cúc Ninh Giang tập trung tại tổ dân phố 6/7 tổ dân phố của phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa. Tổng số hộ tham gia hoạt động nghề là 317 hộ, trong đó, tại tổ dân phố Phong Phú 2 có 147 hộ chiếm gần 50% số hộ tham gia hoạt động nghề. Doanh thu vụ hoa Tết của làng hoa Ninh Giang đạt hơn 13 tỷ đồng. Sản phẩm hoa cúc Ninh Giang đã được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Hoa cúc Ninh Giang” dưới hình thức đăng ký là nhãn hiệu tập thể, do Hội Nông dân phường Ninh Giang được giao quản lý và đứng tên đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và tại các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận...
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là: One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
1. Mục tiêu chung
- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
- Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Khánh Hòa.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.
- Tạo ra 26 sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu.
- Triển khai thực hiện 3 làng văn hóa du lịch và 01 dự án phát triển thương hiệu sản phẩm.
- Triển khai xây dựng 6 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
- Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
- Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
- Đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện) thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
III. Phạm vi, đối tượng, danh mục nhóm sản phẩm, nguyên tắc thực hiện
1. Phạm vi thực hiện
- Phạm vi không gian: Chương trình OCOP được triển khai tại 8 huyện, thị xã, thành phố; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị.
- Phạm vi thời gian: Chương trình OCOP được triển khai thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.
2. Đối tượng thực hiện
- Sản phẩm: Gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương: Nông sản, thực phẩm tươi sống và sơ chế, đồ uống không có cồn và có cồn; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
- Chủ thể thực hiện: Lấy chủ thể kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân làm nồng cốt, cụ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
3. Phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 06 nhóm gồm:
- Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến.
- Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn.
- Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu.
- Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi.
- Lưu niệm - nội thất - trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng.
- Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,...
4. Nguyên tắc thực hiện
Tuân thủ 3 nguyên tắc của OCOP: Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP cần được định hướng và tổ chức thực hiện theo cách tuân thủ đầy đủ 3 nguyên tắc của OCOP là:
1) Hành động địa phương hướng đến toàn cầu;
2) Tự lực, tự tin và sáng tạo;
3) Đào tạo nguồn nhân lực.
Hình 1: Ba nguyên tắc của OCOP
- Hành động địa phương hướng đến toàn cầu: Để gia nhập vào thị trường thế giới, các sản phẩm cần được cải tiến, thiết kế lại cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Các sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chuẩn/yêu cầu và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của thị trường đích, như tiêu chuẩn organic,... Để làm điều này, cần tập trung vào hình thành, tái cơ cấu và hỗ trợ các tổ chức kinh tế tại cộng đồng (hợp tác xã, doanh nghiệp) hơn là các cá nhân, hộ gia đình đơn lẻ, để có pháp nhân công bố tiêu chuẩn chất lượng và tổ chức sản xuất ở quy mô lớn hơn.
- Tự lực, tự tin và sáng tạo: Kiến tạo môi trường sáng tạo cho người dân thông qua đánh giá và xếp hạng sản phẩm, từ đó người dân xác định được các điểm còn yếu của sản phẩm để cải tiến và tiếp tục dự cuộc thi đánh giá và xếp hạng tiếp theo. Các sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cao hơn vẫn có thể dự thi để tiếp tục nâng cấp sản phẩm.
- Đào tạo nguồn nhân lực: Cần hình thành một ngành đào tạo mới, song song với đào tạo “Đỉnh cao” ở các trường đại học và cao đẳng: Đào tạo các lãnh đạo, quản lý của các tổ chức kinh tế tại cộng đồng. Chương trình này được thiết kế riêng cho đối tượng có trình độ học vấn thấp hơn, thiết thực hơn và có phần thực hành bám sát các tình huống thực tiễn vận hành sản xuất kinh doanh các tổ chức kinh tế tại cộng đồng.
IV. Định hướng các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm của các địa phương
Trên cơ sở định hướng phát triển các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của mỗi địa phương. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 được phân thành 2 nhóm sau:
- Nhóm thực phẩm:
+ Nông sản tươi sống: Nấm, tỏi, khoai sáp, mía tím, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, dừa xiêm, táo, chuối, tôm hùm.
+ Nông sản chế biến: Gạo Ngọc Quang, chế biến nem chua, chả lụa, chế biến bún bánh, chế biến kẹo dừa.
- Nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí: Chế tác trầm hương, chế tác đá mỹ nghệ, đúc đồng, sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ, hoa cúc Ninh Giang.
Tổng số sản phẩm định hướng tham gia Chương trình của 8 huyện, thị xã, thành phố là 26 sản phẩm.
Danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 của các huyện đính kèm tại Phụ lục 1.
V. Nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm
A. Sơ đồ chu trình OCOP
Chu trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ và vừa). Trong đó, quan trọng là bước thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm.
Hình 2: Chu trình triển khai OCOP hàng năm
B. Nội dung thực hiện Chương trình OCOP
1. Tuyên truyền, hướng dẫn về Chương trình OCOP
Hàng năm xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Chương trình OCOP các cấp và sự hiểu biết của cộng đồng về Chương trình OCOP, bao gồm: Sự cần thiết, 3 nguyên tắc của OCOP, nội dung Chương trình OCOP, các hỗ trợ của Nhà nước, thông tin và định hướng thị trường và đặc biệt là đề xuất ý tưởng sản phẩm, mẫu ý tưởng sản phẩm, từ đó hình thành ý tưởng về sản phẩm.
Hình thức tuyên truyền: Các phương tiện truyền thông đại chúng; tại các hội nghị, hội thảo...
Thời gian thực hiện: Liên tục qua các năm.
Trách nhiệm: Ban Chỉ đạo OCOP cấp tỉnh, huyện, xã; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Khánh Hòa.
2. Nhận ý tưởng sản phẩm
a) Nhận, đánh giá và xét chọn ý tưởng sản phẩm
Sau khi được tuyên truyền, chủ thể tham gia Chương trình OCOP bằng việc đăng ký ý tưởng sản phẩm cho hệ thống quản lý Chương trình OCOP. Từng ý tưởng sản phẩm sẽ được xem xét, lựa chọn các ý tưởng tốt nhất. Các ý tưởng không được chọn có thể hoàn thiện, nộp lại sau 1 tuần hoặc tham gia cùng thời điểm năm sau.
Thời gian thực hiện: Tháng 3 hàng năm.
Trách nhiệm: Cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã, cụ thể:
- Cán bộ OCOP cấp xã: Nhận, kiểm tra thể thức, giải thích cho chủ thể khi không phù hợp. Chuyển lên cơ quan thường trực OCOP huyện trước ngày 15 tháng 3 hàng năm.
- OCOP huyện:
+ Nhận phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm mới/sản phẩm tham gia Chương trình OCOP từ các xã (Ủy ban nhân dân xã hoặc cộng đồng).
+ Xem xét, lựa chọn các ý tưởng tốt nhất và phù hợp nhất với Chương trình. Thông báo kết quả đến OCOP cấp xã trước ngày 25 tháng 3.
b) Tập huấn phương pháp xây dựng phương án kinh doanh:
Chủ nhân của các ý tưởng sản phẩm được chọn sẽ được tập huấn về phương pháp xây dựng “Phương án kinh doanh”. Nội dung tập huấn bao gồm: Khái niệm về kinh doanh, các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh, marketing cơ bản, sản phẩm, xây dựng kế hoạch tài chính và nội dung kế hoạch kinh doanh. Kết quả cần có là người dân có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên ý tưởng sản phẩm đã được duyệt.
Nội dung tập huấn theo quy định tại khung đào tạo Chương trình OCOP quy định tại Phụ lục 3, Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.
Thời gian: Tháng 3 hàng năm.
Trách nhiệm: Cán bộ OCOP cấp huyện hoặc tư vấn của Chương trình.
3. Nhận kế hoạch kinh doanh
a) Nhận và thẩm định kế hoạch kinh doanh
Sau khi được tập huấn, chủ thể các ý tưởng sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh và nộp cho cán bộ OCOP cấp xã, huyện. Kế hoạch kinh doanh không được lựa chọn có thể hoàn thiện, nộp lại hoặc tham gia cùng thời điểm năm sau.
Thời gian thực hiện: Tháng 4 hàng năm.
Trách nhiệm: Cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã trách nhiệm cụ thể:
- Cán bộ OCOP xã: Nhận, kiểm tra thể thức, giải thích cho cộng đồng khi không phù hợp. Chuyển lên OCOP cấp huyện trước ngày 15 tháng 4 hàng năm.
- OCOP huyện:
+ Nhận kế hoạch kinh doanh của các xã (Ủy ban nhân dân xã hoặc cộng đồng).
+ Tổ chức thẩm định và lựa chọn kế hoạch kinh doanh của các chủ thể.
+ Thông báo kế hoạch hỗ trợ đến OCOP cấp xã trước ngày 20 tháng 4 hàng năm.
b) Tập huấn phương pháp triển khai kế hoạch kinh doanh
Chủ nhân của các phương án kinh doanh được duyệt sẽ được tập huấn về phương pháp triển khai kế hoạch kinh doanh. Nội dung tập huấn bao gồm: Chu trình hình thành doanh nghiệp/hợp tác xã; quản trị sản xuất, tiếp thị; nghiên cứu phát triển sản phẩm; tài chính doanh nghiệp nâng cao. Kết quả cần có là người dân có thể triển khai kế hoạch kinh doanh.
Thời gian: Tháng 5 hàng năm.
Trách nhiệm: Cán bộ OCOP cấp huyện, hoặc tỉnh hoặc tư vấn OCOP.
4. Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh
Phương án, dự án sản xuất kinh doanh của các chủ thể sẽ được triển khai với các nội dung chính như: Kiện toàn tổ chức kinh tế (thành lập mới hoặc tái cơ cấu); huy động nguồn lực (kiến thức, kỹ năng, đối tác, thị trường, vốn...); xây dựng cơ bản, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị; nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng; sản xuất sản phẩm; hoàn thiện quy trình công nghệ; xúc tiến thương mại, phân phối sản phẩm...
Trong quá trình triển khai theo phương án kinh doanh, chủ thể thực hiện sẽ nhận được sự tư vấn tại chỗ, kết nối của cán bộ OCOP cấp huyện hoặc tư vấn của Chương trình OCOP. Tùy mức độ đơn giản hay phức tạp và điều kiện sẵn có, một sản phẩm có thể nhận một đến tất cả những hỗ trợ từ Chương trình OCOP, bao gồm: Tập huấn, tư vấn tại chỗ; kết nối các nguồn lực; tập huấn nghiên cứu phát triển sản phẩm; xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể; xúc tiến thương mại...
Các hoạt động hỗ trợ từ Chương trình OCOP
TT | Các hoạt động triển khai | Các hoạt động hỗ trợ | Kết quả cần có |
1 | Hình thành mới hoặc tái cơ cấu tổ chức kinh tế | Tập huấn và tư vấn tại chỗ | Người dân có thể chủ động hình thành tổ chức mới hoặc tái cơ cấu tổ chức đã có theo tiêu chí OCOP |
2 | Huy động nguồn lực | Tập huấn và tư vấn tại chỗ | Người dân vượt qua các khó khăn nhờ các tư vấn, chỉ dẫn và kết nối sử dụng nguồn lực (kiến thức, kỹ năng, doanh nghiệp, thị trường,...). |
Người dân được chỉ dẫn, kết nối để tiếp cận các nguồn vốn (cách tiếp cận, các yêu cầu, mẫu biểu,...) | |||
3 | Xây dựng cơ bản, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị | - Dự án ứng dụng khoa học công nghệ (có hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước); - Tư vấn tại chỗ. | Người dân có thể chủ động xây dựng nhà xưởng, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị phù hợp với quy mô sản xuất và theo luật định |
4 | Sản xuất sản phẩm | (1) Tư vấn tại chỗ; (2) Hợp đồng với các tổ chức/cá nhân khoa học công nghệ;... | Người dân giải quyết được các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất |
5 | Hoàn thiện quy trình công nghệ | Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ; dự án sản xuất thử nghiệm | Người dân được chỉ dẫn, kết nối để xây dựng và phê duyệt các đề tài khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ sản xuất |
6 | Xúc tiến thương mại | (1) Quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; (2) Hội chợ, triển lãm;... | Sản phẩm sản xuất ra được nhiều người tiêu dùng biết đến; người dân dần chủ động về phân phối |
7 | Nâng cao chất lượng năng lực | (1) Tập huấn ngắn hạn; (2) Đào tạo “CEO chân đất”;... | Người dân có thể từng bước tự triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh sản phẩm của mình |
Kết quả của quá trình triển khai kế hoạch kinh doanh: Các chủ thể sản xuất có sản phẩm hoàn chỉnh, tham gia đánh giá, phân loại, dự thi sản phẩm OCOP và lưu thông trên thị trường.
Thời gian thực hiện: Liên tục từ khi kế hoạch kinh doanh được duyệt.
Trách nhiệm: Cán bộ OCOP cấp huyện, tỉnh hoặc tư vấn OCOP; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đào tạo); Liên minh Hợp tác xã (hình thành các hợp tác xã); Sở Khoa học và Công nghệ (các đề tài khoa học công nghệ); Sở Y tế (tiêu chuẩn sản phẩm cho sức khỏe); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp); Sở Công thương (xúc tiến thương mại); các trường cao đẳng, đại học cấp tỉnh (đào tạo), các công ty tư vấn chuyên nghiệp.
5. Đánh giá và xếp hạng sản phẩm
a) Đánh giá sản phẩm
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bắt buộc phải tham gia đánh giá/xếp hạng tại 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia), trong đó các sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao ở cấp huyện sẽ được đánh giá ở cấp tỉnh, các sản phẩm đạt 4 - 5 sao cấp tỉnh sẽ được đánh giá ở cấp quốc gia. Các sản phẩm được đánh giá và xếp hạng tại các cấp sẽ do Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tương ứng (huyện, tỉnh và quốc gia) thực hiện. Các sản phẩm không được đánh giá cao (1 - 2 sao) và các sản phẩm đạt 3 - 4 sao kỳ trước có thể hoàn thiện và dự thi đánh giá và xếp hạng vào kỳ năm tiếp theo.
Các sản phẩm được đánh giá và xếp hạng theo bộ tiêu chí (quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020); dựa trên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007; các bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) tương ứng với từng nhóm sản phẩm theo bộ tiêu chí của Chương trình OCOP.
- Đánh giá sản phẩm OCOP:
+ Phần A: Các tiêu chí đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm) gồm:
(1) Tổ chức sản xuất;
(2) Phát triển sản phẩm;
(3) Sức mạnh cộng đồng.
+ Phần B: Các tiêu chí đánh giá khả năng tiếp thị (25 điểm) gồm:
(1) Tiếp thị;
(2) Câu chuyện về sản phẩm.
+ Phần C: Các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm:
(1) Kiểm tra/phân tích tiêu chuẩn theo yêu cầu của loại sản phẩm;
(2) Cơ hội tham gia thị trường toàn cầu.
b) Phân hạng sản phẩm OCOP
Sau khi đánh giá, các sản phẩm OCOP được phân hạng như sau:
+ Hạng 5 sao: 90 - 100 điểm: Sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
+ Hạng 4 sao: 70 - 89 điểm: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đạt tiêu chuẩn quốc tế.
+ Hạng 3 sao: 50 - 69 điểm: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao.
+ Hạng 2 sao: 30 - 49 điểm: Sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao.
+ Hạng 1 sao: Dưới 30 điểm: Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.
c) Thời gian thực hiện
+ Đánh giá cấp huyện vào tháng 8 hàng năm.
+ Đánh giá cấp tỉnh vào tháng 9 hàng năm và cấp quốc gia vào tháng 11 hàng năm.
Trách nhiệm: Ban Chỉ đạo OCOP cấp tỉnh, huyện, xã, các đơn vị liên quan.
6. Xúc tiến thương mại
Các sản phẩm dự thi đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế, qua đó đẩy mạnh sản xuất, từ đó đạt mục đích tối cao của OCOP là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng.
Các hoạt động chính gồm: Xây dựng 6 hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gian hàng OCOP tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu dân cư; quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP; kết nối thị trường...
- Thông tin thương mại và tuyên truyền sản phẩm.
- Tiến hành xây dựng Website OCOP tỉnh Khánh Hòa.
- Hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao nghiệp vụ.
- Đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị về xúc tiến thương mại, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về hoạt động khuyến nông, khuyến công.
- Tổ chức các hội chợ triển lãm trong tỉnh, tham gia hội chợ triển lãm trong nước.
- Khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
- Các hoạt động xúc tiến thương mại khác: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, chứng chỉ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian thực hiện: Liên tục trong năm.
Trách nhiệm: OCOP tỉnh, OCOP huyện, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Tổ chức đoàn công tác của tỉnh, huyện, xã học tập Chương trình OCOP trong nước
Thời gian thực hiện: Năm 2019, 2020.
Trách nhiệm: OCOP tỉnh, OCOP huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
8. Củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP
- Hỗ trợ các đối tượng/tổ chức đã tham gia OCOP phát triển thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng có sự tham gia lớn hơn của cộng đồng, như thêm số thành viên/cổ đông, chuyển đổi loại hình (thành hợp tác xã, công ty cổ phần).
- Nâng cấp/hoàn thiện cơ sở sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo luật định, như đủ điều kiện sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm,....
- Mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh với một số hợp tác xã/doanh nghiệp có điều kiện và năng lực đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất (nhà xưởng, thiết bị), nhân lực,... theo nhu cầu thị trường.
- Kết nối các tổ chức OCOP với các nhà tư vấn phù hợp với ngành hàng và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác này theo nguyên tắc cùng có lợi.
- Hỗ trợ các tổ chức OCOP nâng cao chất lượng quản trị, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm: Ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; tư vấn về quản trị sản xuất - kinh doanh...
- Giám sát việc sản xuất kinh doanh sản phẩm của các tổ chức OCOP: Định kỳ kiểm tra việc quản trị chất lượng trong việc sản xuất các sản phẩm OCOP, bao gồm: Xây dựng và nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm, triển khai và lưu giữ hồ sơ lô sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, kiểm nghiệm sản phẩm cuối cùng, lưu mẫu sản phẩm,... kịp thời hỗ trợ các khó khăn gặp phải.
9. Xây dựng các dự án thành phần của Chương trình OCOP
- Dự án mô hình mẫu làng/bản văn hóa du lịch (thực hiện theo hình thức PPP):
+ Làng văn hóa du lịch gắn với phát triển sản phẩm đặc hữu, truyền thống của địa phương tại thành phố Nha Trang.
+ Làng văn hóa du lịch Bình Lập tại thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
+ Làng văn hóa du lịch thác Tà Gụ tại thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
+ Khu bảo tồn văn hóa lúa nước Việt Nam - Làng Đại Việt tại xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
- Dự án phát triển thương hiệu sản phẩm Chương trình OCOP của thị xã Ninh Hòa.
Thời gian thực hiện: Năm 2019, 2020.
Trách nhiệm: Sở Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
10. Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm
Thời gian thực hiện: Tháng 12 hàng năm.
Trách nhiệm: OCOP tỉnh, OCOP huyện.
VI. Nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn
1. Kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện 2018-2020: 476.560 triệu đồng (bốn trăm bảy mươi sáu tỷ năm trăm sáu mươi triệu đồng).
Trong đó:
- Kinh phí từ ngân sách nhà nước: 29.395 triệu đồng; chiếm tỷ lệ 6,17% (Trong đó: Vốn SNKT: 23.810 triệu đồng; vốn ĐTPT: 5.585 triệu đồng);
- Kinh phí từ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình: 447.165 triệu đồng; chiếm tỷ lệ 93,83%.
Cụ thể các năm:
STT | Năm | Tổng kinh phí | Ngân sách nhà nước | Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình | ||
Tổng | Vốn SNKT | Vốn ĐTPT | ||||
1 | 2018 | 40 | 40 | 40 |
|
|
2 | 2019 | 235.810 | 12.945 | 11.960 | 985 | 222.865 |
3 | 2020 | 240.710 | 16.410 | 11.810 | 4.600 | 224.300 |
Tổng 2018-2020 | 476.560 | 29.395 | 23.810 | 5.585 | 447.165 |
Chi tiết kinh phí thực hiện tại Phụ lục 2, 3, 4 đính kèm.
2. Nguồn vốn
- Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ: Vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế...
- Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần, bao gồm: Ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến công, khuyến nông, đề án phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nguồn vốn lồng ghép khác của Trung ương và địa phương.
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể để phổ biến rộng rãi chủ trương Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Việc thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến cấp xã, thôn; qua các hội nghị triển khai, khởi động Chương trình OCOP, qua website của Chương trình OCOP, dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện sản phẩm gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể... Cần đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy các cấp; có trong kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương.
2. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở
Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.
Thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp huyện; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm. (Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP do Ủy ban nhân dân cùng cấp ra quyết định thành lập).
Hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP
- Cấp tỉnh:
+ Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh;
+ Cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cấp huyện:
+ Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện;
+ Cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế.
- Cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP.
3. Giải pháp về cơ chế, chính sách
Các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh, áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Trung ương và tỉnh về phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình nông thôn mới...
4. Giải pháp về tổ chức sản xuất
Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020; vận động thành lập mới các tổ chức đại diện của nông dân tại các vùng sản xuất chưa có tổ chức đại diện của nông dân để thực hiện các mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Tập huấn, nâng cao năng lực các tổ chức đại diện của nông dân tham gia các mô hình liên kết với các nội dung: Xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh, hướng dẫn ghi chép sổ sách kế toán, công tác kiểm tra, kiểm soát, đàm phán và ký kết hợp đồng liên kết...
5. Giải pháp về khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm;
Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Các đề tài, dự án dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế (ưu tiên các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có địa chỉ ứng dụng cụ thể);
Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP;
Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng.
6. Giải pháp về thị trường, xây dựng thương hiệu
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 1667/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.
Đổi mới hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm chủ lực thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm.
Đẩy mạnh cung cấp thông tin về từng sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của các ngành để các doanh nghiệp chủ động lựa chọn, bố trí sản xuất và thu mua hợp lý.
Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm trồng trọt xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách của các nước nhập khẩu.
7. Giải pháp về xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP
Hệ thống tư vấn hỗ trợ, gồm: (i) Các cơ quan quản lý Chương trình các cấp, trọng tâm là cấp huyện; (ii) Các cá nhân, các công ty tư vấn có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện các hoạt động của Chương trình OCOP.
Hệ thống đối tác của Chương trình OCOP, gồm: Các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; các viện, trường đại học, nhà khoa học trong lĩnh vực ngành hàng của Chương trình ở các tổ chức khoa học công nghệ cấp Trung ương, vùng và địa phương; các hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, các ngân hàng, các quỹ đầu tư, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương, địa phương, các nhà báo.
8. Giải pháp về huy động nguồn lực
Nguồn lực lớn nhất từ cộng đồng, do đó, có các phương pháp huy động nguồn lực từ cộng đồng như tiền vốn, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ,... được triển khai phù hợp với các quy định của pháp luật, được huy động trong quá trình hình thành các tổ chức kinh tế, dưới dạng góp vốn, triển khai các hoạt động theo chu trình OCOP thường niên;
Huy động nguồn lực tín dụng từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP;
Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách phù hợp, kịp thời để hỗ trợ cộng đồng đầu tư sản xuất, tổ chức dịch vụ thực hiện Chương trình OCOP.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan thường trực của Chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020, giúp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì hướng dẫn và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa hàng năm và theo giai đoạn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố;
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp tỉnh tại mỗi kỳ đánh giá thường niên.
- Phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội chợ Chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa; tổ chức tham gia các hội chợ OCOP ngoài tỉnh để quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đánh giá, tổng kết thực hiện Kế hoạch Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.
2. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành tham mưu Trưởng ban Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo trong Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thẩm định và tổng hợp dự kiến phân bổ kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chương trình OCOP theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào kế hoạch hằng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, cân đối bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các nguồn lồng ghép khác để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình OCOP trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
5. Sở Công thương
Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP tiếp cận nguồn vốn khuyến công, lập kế hoạch và ngân sách hàng năm cho hoạt động khuyến công liên quan đến các tổ chức kinh tế hình thành bởi Kế hoạch;
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến bán sản phẩm OCOP tại các kỳ hội chợ thường niên trong và ngoài tỉnh.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình OCOP. Tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP;
Hỗ trợ các địa phương và các tổ chức kinh tế phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý của các tổ chức kinh tế và đào tạo nghề cho lao động nông thôn tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP, kinh phí từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
8. Sở Văn hóa và Thể thao
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh sản phẩm của Chương trình gắn với nét đặc trưng văn hóa của địa phương. Nghiên cứu phát triển, quảng bá các hình ảnh về bản sắc văn hóa, sản phẩm của Chương trình.
9. Sở Du lịch
Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và Ủy ban nhân dân các địa phương cung cấp thông tin các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP và vận động, khuyến khích các đơn vị lữ hành bố trí khách du lịch đến các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của địa phương.
10. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập các hợp tác xã và các nghiệp vụ nâng cao trình độ quản lý cho thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc Hợp tác xã.
11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tư vấn cho nông dân, tổ chức đại diện của nông dân và doanh nghiệp xây dựng phương án vay vốn và sử dụng vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể trong nông nghiệp, nông thôn được vay vốn kịp thời theo yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.
12. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Khánh Hòa
Thực hiện chuyên mục mỗi xã, phường một sản phẩm trên các loại hình truyền thông của tỉnh, phản ánh kịp thời những cách làm hay và không khí triển khai thực hiện Kế hoạch tại cơ sở.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP trong nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện giai đoạn 2016-2020;
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn; giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn; tham mưu thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thường niên cấp huyện;
- Chỉ đạo các Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Nhà nước cho các đối tượng tham gia Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP;
- Xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương trước ngày 25 tháng 7 hàng năm (riêng Kế hoạch năm 2019, xây dựng trước ngày 30 tháng 11 năm 2018). Hướng dẫn, chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện Chương trình theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Sử dụng, lồng ghép nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến công, khuyến nông, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đề án kinh tế hợp tác, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nguồn lồng ghép khác để thực hiện Chương trình;
- Tổ chức cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm thi đánh giá và xếp hạng cấp tỉnh.
14. Ủy ban nhân dân cấp xã
Tuyên truyền, vận động các tổ chức kinh tế, hộ gia đình trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP.
Tổng hợp ý tưởng sản xuất, kinh doanh sản phẩm của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình trình hệ thống quản lý OCOP cấp huyện đánh giá, lựa chọn; hỗ trợ tổ chức kinh tế, hộ gia đình triển khai thực hiện sản xuất kinh doanh trên ý tưởng lựa chọn.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
- 1Kế hoạch 226/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020
- 2Quyết định 2301/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP Lâm Đồng)
- 3Quyết định 100/QĐ-UBND năm 2019 về Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 1Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Quyết định 17/2015/QĐ-UBND về Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa
- 4Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2661/QĐ-UBND năm 2016 về công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 6Quyết định 3169/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020
- 7Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2017 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 1760/QĐ-TTg năm 2017 về điều chỉnh Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 490/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Kế hoạch 226/KH-UBND thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020
- 11Quyết định 01/QĐ-BCĐTW năm 2018 về Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 do Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 ban hành
- 12Quyết định 2301/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP Lâm Đồng)
- 13Quyết định 100/QĐ-UBND năm 2019 về Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Quyết định 3253/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020
- Số hiệu: 3253/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/10/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Đào Công Thiên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/10/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra