Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3169/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 20 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”;

Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ hợp tác;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1443/QĐ-BNN-KTHT ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10 tháng 4 năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 3418/QĐ-BNN-KTHT ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 2208/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

Căn cứ Đề án số 3517/ĐA-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh thí điểm tăng cường cán bộ nguồn dự bị dài hạn của tỉnh về công tác tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa;

Căn cứ Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công nhận kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa”;

Căn cứ Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đẩy mạnh phát triển hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2137/TTr-SNN ngày 21 tháng 9 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Quán triệt và triển khai tốt quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể nhất là “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp” nhằm đổi mới toàn diện và phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác đại diện của nông dân, phù hợp từng lĩnh vực, gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của từng địa phương góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Rà soát, hướng dẫn tất cả các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến cuối năm 2016 hoàn thành tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.

- Phấn đấu đến 2020, có 70% HTXNN xếp loại khá, tốt hoạt động theo hướng đa lĩnh vực, đa ngành nghề và có liên kết với doanh nghiệp gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho 100% cán bộ của HTXNN. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật về HTX cho 50% thành viên để hiểu rõ bản chất của HTX kiểu mới.

- Phấn đấu đến năm 2020, thành lập 30 HTXNN kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, mía đường, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và trồng rừng.

- Kiên quyết giải thể các HTXNN ngừng hoạt động nhiều năm và có kế hoạch chuyển đổi hình thức hoạt động khác phù hợp.

- Phấn đấu thành lập mới 20 tổ hợp tác (THT) và củng cố, hoàn thiện lại mô hình THT hiện có hoạt động đúng nguyên tắc tổ chức theo quy định của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP.

- Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong nông nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

- Đảm bảo tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới có HTXNN hoặc THT hoạt động hiệu quả.

- Xây dựng một số mô hình kinh tế hợp tác phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển ở mỗi xã, phường và thị trấn trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

II. Nội dung và giải pháp chủ yếu

1. Tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý và thành viên HTXNN, thành viên THT về kinh tế tập thể

a) Tổ chức hội nghị tập huấn Luật HTX năm 2012 và Nghị định số 151/2007/NĐ-CP về THT cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp các cấp, cán bộ quản lý và thành viên HTXNN, thành viên THT để nâng cao nhận thức về bản chất của kinh tế tập thể.

b) Tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm mô hình HTXNN hoạt động hiệu quả của các tỉnh, thành trong cả nước để áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa.

c) Phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền về kinh tế tập thể qua các phóng sự, chuyên mục để nâng cao nhận thức cho thành viên và người dân hiểu rõ bản chất của kinh tế tập thể.

2. Bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho HTXNN trên địa bàn tỉnh

a) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn của HTXNN.

b) Nghiên cứu thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học làm việc có thời hạn tại HTXNN để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý lâu dài cho HTXNN.

3. Hỗ trợ vay vốn và lãi suất vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTXNN và THT

a) Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 02 năm đầu và 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ ba (03) để các THT và HTXNN vay vốn mua các loại động cơ Diezen, máy kéo, máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch (lúa, ngô, mía, muối và thủy sản); máy sấy nông sản, thủy sản; máy sử dụng trong khai thác đánh bắt thủy sản; máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp và thủy sản. Thiết bị sử dụng sản xuất giống tôm, cá, nuôi trồng; máy, thiết bị dò cá thu, thả lưới câu, thông tin liên lạc, hầm (buồng) cấp đông, thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá. Thiết bị, bạt phủ ruộng muối, bạt trải ô kết tinh để sản xuất muối sạch; máy bơm nước, máy nghiền muối bột, máy chế biến muối bột. Thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất rau, mía và cây ăn quả theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các THT và HTX được vay tối đa là 01 tỷ đồng/HTXNN và 300 triệu đồng/THT theo cơ chế không có tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn.

4. Các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của THT và HTXNN

a) Chính sách đất đai:

- Các HTXNN được hợp đồng thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xây dựng trụ sở làm việc, cửa hàng mua bán vật tư, nhà xưởng, nhà kho, sân phơi theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Các THT và HTXNN được ưu tiên hợp đồng thuê đất 5% tại địa phương để thực hiện các dự án sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm có giá trị kinh tế cao, trồng rau sạch và trồng hoa, cây cảnh.

b) Chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng:

Các HTXNN đủ điều kiện và tiêu chí thụ hưởng theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp mà chưa có trụ sở làm việc, cửa hàng bán vật tư và sân phơi thì lập dự án đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt để tiến hành xây dựng mới trụ sở, cửa hàng và sân phơi cho HTX. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% dự án công trình được phê duyệt và còn lại HTXNN đối ứng 20%.

c) Chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại:

- Hướng dẫn ít nhất 20 HTXNN và 10 THT đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, rau an toàn, thủy sản, cây ăn quả và nghề muối theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí cho HTXNN, THT (đơn vị) tham gia hội chợ, triển lãm, tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu, mức hỗ trợ tối đa cho mỗi đơn vị tham gia không quá 08 triệu đồng/đơn vị theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa.

d) Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm:

HTXNN có nhu cầu xây dựng dự án đầu tư chế biến lương thực, thực phẩm thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư tại Điều 2, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

đ) Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh:

HTXNN được hưởng chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh được thực hiện theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

e) Chính sách hỗ trợ thành lập mới HTXNN và THT:

- Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật HTXNN trước khi thành lập HTXNN cho sáng lập viên HTXNN:

+ Tổ chức tập huấn và tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của HTXNN.

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đối với thành lập mới HTXNN theo quy định tại Khoản 1, Mục III, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTXNN giai đoạn 2015-2020.

- Điều kiện và mức hỗ trợ tư vấn thành lập mới và hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTXNN mới thành lập:

+ Sáng lập viên thành lập mới HTXNN phải có đơn gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện xin hỗ trợ tư vấn thành lập mới HTXNN;

+ Mức hỗ trợ tư vấn thành lập mới tối đa là 20 triệu đồng/HTXNN;

+ HTXNN mới thành lập đã có giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí là 50 triệu đồng/HTX để mua cơ sở vật chất ban đầu (bàn ghế làm việc, tủ đựng hồ sơ, máy vi tính, máy in; điện thoại để bàn);

+ Mỗi HTXNN thành lập mới chỉ được hưởng hỗ trợ một lần duy nhất trong suốt quá trình hoạt động của HTXNN.

- Hỗ trợ thành lập mới THT: Mức hỗ trợ thành lập mới THT bằng 50% kinh phí hỗ trợ thành lập mới HTXNN.

h) Chính sách hỗ trợ tổ chức lại hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, giải thể HTXNN:

Các HTXNN trên địa bàn tỉnh tổ chức lại hoạt động, hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể HTX, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/HTXNN để sử dụng cho chi phí công tác tổ chức hội nghị đối với các HTXNN tổ chức lại hoạt động, hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể HTX, phần kinh phí còn lại HTXNN tự trang trải.

5. Xây dựng mô hình THT và HTXNN liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

a) Tổ chức thực hiện khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của các THT và HTXNN, các mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản có hiệu quả để nhân rộng và phát triển.

b) Tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm mô hình HTXNN hoạt động hiệu quả của các tỉnh thành trong cả nước để vận dụng cho tỉnh Khánh Hòa.

c) Hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, hỗ trợ liên kết xây dựng cánh đồng lớn.

6. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp

a) Hàng năm, tùy theo tình hình thực tế, tiến hành kiện toàn Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể, trong đó có Tổ công tác giúp việc để phối hợp với các sở, ngành liên quan giúp Ban Chỉ đạo theo dõi và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể.

b) Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể các cấp, bố trí đủ cán bộ chuyên trách từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Nguồn cán bộ biên chế tại các sở và địa phương thuộc cán bộ nguồn dự bị dài hạn của tỉnh theo Đề án số 3517/ĐA-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh để tăng cường nhân lực cho bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp các cấp cụ thể như sau:

- Cấp tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí 01 cán bộ thuộc Phòng Kinh tế ngành; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí 02 cán bộ thuộc Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại thuộc Chi cục Phát triển nông thôn.

- Cấp huyện: Mỗi huyện, thị xã, thành phố bố trí 01 cán bộ tại Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế hợp tác

Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển HTXNN. Thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết. Xây dựng cơ chế phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân và trang trại tham gia THT, HTXNN và các hình thức tổ chức liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

III. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020 là: 45.114.534.000 đồng, trong đó:

- Ngân sách Nhà nước: 39.084.534.000 đồng, bao gồm:

+ Vốn sự nghiệp là: 24.484.534.000 đồng;

+ Vốn đầu tư phát triển là: 14.600.000 đồng.

- Vốn đối ứng của HTXNN là: 6.030.000.000 đồng.

(Riêng trong năm 2016 kinh phí triển khai Đề án đã bố trí là: 80 triệu đồng).

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020”.

b) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo quá trình triển khai thực hiện Đề án.

c) Xây dựng một số mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp phù hợp với từng huyện, thị xã, thành phố.

d) Củng cố, kiện toàn Phòng Kinh tế hợp tác của Chi cục Phát triển nông thôn.

đ) Củng cố bộ phận kinh tế hợp tác trong các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện trong tỉnh.

e) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chức danh trong HTXNN; đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho HTXNN; tư vấn thành lập mới và tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho các HTXNN.

f) Tổ chức tham quan học tập, nghiên cứu các mô hình HTXNN hoạt động có hiệu quả của các tỉnh thành trên cả nước, để rút kinh nghiệm vận dụng cho tỉnh Khánh Hòa.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổng hợp Kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp vào Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Đề án hàng năm và căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách theo quy định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giải quyết việc giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTXNN.

5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án đưa trí thức trẻ về công tác tại HTXNN, củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở các cấp theo quy định của pháp luật.

6. Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTXNN, THT về các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh.

7. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Hỗ trợ các HTXNN, THT quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho từng năm và cả giai đoạn.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn các thủ tục theo quy định và tạo điều kiện ưu tiên để các HTXNN, THT được vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất kinh doanh.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình, kế hoạch, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác tại địa phương.

b) Hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học - công nghệ; thành lập mới HTXNN, THT; giải thể các HTXNN ngừng hoạt động nhiều năm theo quy định của pháp luật về HTX.

c) Đưa các chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cho từng xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương đối với kinh tế tập thể.

d) Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển của kinh tế tập thể gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

đ) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công thương, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Hòa; Thủ trưởng các ban, ngành và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đắc Tài

 

ĐỀ ÁN

ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3169/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Phần mở đầu

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Trong các năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Một trong những nguyên nhân đạt được thành tích nói trên là có sự đóng góp của các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của các HTXNN cơ bản đáp ứng được vai trò điều hành chỉ đạo sản xuất, các HTXNN đã tổ chức hoạt động dịch vụ cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện được vai trò “Bà đỡ” cho kinh tế hộ, cung cấp các dịch vụ như: Làm đất, thủy nông, khuyến nông, bảo vệ thực vật, tiêu thụ nông sản, cung ứng giống, tín dụng nội bộ, chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp trong và sau thu hoạch cho kinh tế hộ thành viên, kinh tế trang trại và kinh tế hộ nông dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số HTXNN còn tham gia thực hiện các chương trình, dự án của địa phương như xây dựng kênh mương nội đồng, đường giao thông liên thôn, liên xóm. Qua đó, cho thấy HTXNN có vị trí và vai trò quan trọng đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như quy mô HTXNN còn nhỏ; thiếu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh; thiếu đất sản xuất; cơ sở vật chất cũ kỹ lạc hậu; trình độ kỹ thuật thấp; sản phẩm hàng hóa và chất lượng dịch vụ chưa cao; lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của thành viên còn thấp; đội ngũ cán bộ quản lý HTXNN đa số lớn tuổi, chưa có chuyên môn chiếm trên 85% và chủ yếu trưởng thành qua kinh nghiệm; HTXNN chưa có phương án phù hợp; về mặt tổ chức tuy đã được củng cố nhưng hiệu quả quản lý chưa thật sự đổi mới, dẫn đến lúng túng trong quản lý và điều hành trước áp lực của kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu là HTXNN dịch vụ trên cây lúa, trong khi đó, nhu cầu thành lập mới hợp tác xã trên các lĩnh vực khác như: Chăn nuôi, rau an toàn, đánh bắt thủy sản, trồng rừng, cây ăn quả, mía đường, cây tỏi và tiêu thụ muối đang là một nhu cầu rất lớn tại các địa phương.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, việc xây dựng Đề án “Phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020” là cần thiết.

II. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

Căn cứ Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

Căn cứ Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”;

Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ hợp tác;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;

Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1443/QĐ-BNN-KTHT ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10 tháng 4 năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 3418/QĐ-BNN-KTHT ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 2208/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”;

Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa;

Căn cứ Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về công nhận kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa”;

Căn cứ Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc đẩy mạnh phát triển hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;

Căn cứ Đề án số 3517/ĐA-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thí điểm tăng cường cán bộ nguồn dự bị dài hạn của tỉnh về công tác tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh.

III. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Toàn bộ HTXNN, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Phần I

I. Thực trạng về kinh tế hợp tác tỉnh Khánh Hòa

1. Thực trạng về HTXNN

a) Số lượng HTXNN

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tất cả 82 HTXNN, trong đó, có 20 hợp tác xã đã ngừng hoạt động nhiều năm; 01 HTXNN đã giải thể và hiện có 61 hợp tác xã đang hoạt động, bao gồm có 08 hợp tác xã thủy sản (cung ứng dịch vụ hậu cần và sửa chữa tàu cá); 03 hợp tác xã diêm nghiệp (chuyên sản xuất muối tiêu dùng) và chiếm số lượng nhiều nhất là 49 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (hoạt động cung ứng các dịch vụ như: Thủy nông; làm đất; giống; vật tư nông nghiệp; tín dụng nội bộ; khuyến nông, tiêu thụ nông sản) chủ yếu dịch vụ trên cây lúa. Chưa có hợp tác xã cung ứng dịch vụ trên các cây trồng khác, nhất là cây trồng có diện tích lớn sản xuất hàng hóa như cây mía, cây xoài. Trên lĩnh vực chăn nuôi, trong năm 2016 mới thành lập được 01 hợp tác xã chăn nuôi gà ở xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh.

- Có 36/61 HTXNN đã tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, còn lại 25/61 HTXNN chưa tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Các hợp tác xã còn hoạt động phân bố chủ yếu ở các huyện Vạn Ninh (15 hợp tác xã); thị xã Ninh Hòa (15 hợp tác xã); thành phố Nha Trang (10 hợp tác xã); huyện Diên Khánh (23 hợp tác xã); huyện Cam Lâm (01 hợp tác xã) và Cam Ranh (02 hợp tác xã). Riêng hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn chưa có hợp tác xã.

- Có 35 hợp tác xã xếp loại khá, tốt; 15 hợp tác xã xếp loại trung bình và 11 hợp tác xã xếp loại yếu (phân loại theo Thông tư số 01/2006/TT-BKH ngày 19 tháng 01 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

b) Số lượng và trình độ chuyên môn của cán bộ HTXNN

- Số lượng cán bộ: Hiện có 228 cán bộ quản lý HTXNN bao gồm: Giám đốc; Phó Giám đốc; Kế toán trưởng và Trưởng Ban Kiểm soát (mỗi chức danh 61 người) và 213 cán bộ văn phòng, thủ quỹ và kỹ thuật.

- Trình độ chuyên môn: Giám đốc có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 18%; Phó Giám đốc (12%); Kế toán trưởng (24%) và Trưởng Ban Kiểm soát (9,4%).

c) Cơ cấu bộ máy tổ chức của HTXNN

Tính đến nay, có 100% HTXNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều tổ chức bộ máy vừa quản lý vừa điều hành.

d) Cơ sở vật chất của HTXNN

Qua điều tra, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực trạng về cơ sở vật chất của HTXNN trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

- Có 04 HTXNN chưa có trụ sở làm việc chiếm 7,7% trên tổng số bao gồm: HTXNN Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa); HTXNN Diên Tân và Diên Đồng (huyện Diên Khánh), HTXTS Bích Hải (thành phố Nha Trang). Nguyên nhân là do trụ sở của các hợp tác xã này đã hư hỏng và không còn sử dụng. Hiện tại, có hợp tác xã đang thuê văn phòng và mượn văn phòng của Ủy ban nhân dân xã để làm việc.

- Có 32 HTXNN có trụ sở làm việc đã xuống cấp và hư hỏng, do được xây dựng trước năm 1985 (trên 30 năm) kết cấu chật hẹp, thiếu phòng làm việc, cần được sửa chữa, tu bổ nâng cấp hoặc xây dựng mới hoàn toàn để hợp tác xã có nơi làm việc. Trong đó, huyện Vạn Ninh có 09 hợp tác xã; Ninh Hòa có 11 hợp tác xã; Nha Trang có 03 hợp tác xã; Diên Khánh có 06 hợp tác xã; Cam Lâm có 01 hợp tác xã và Cam Ranh có 01 hợp tác xã muối.

- Có 22 HTXNN chưa có cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp, do các cửa hàng này đã xây dựng từ thời bao cấp (trên 30 năm) đến nay đã hư hỏng và không còn sử dụng. Trong đó, huyện Vạn Ninh có 06 HTXNN; Ninh Hòa có 07 hợp tác xã; Nha Trang có 01 hợp tác xã; Diên Khánh có 05 hợp tác xã và huyện Cam Lâm 01 hợp tác xã.

- Có 22 HTXNN chưa có sân phơi, trong đó, huyện Vạn Ninh có 03 hợp tác xã; Ninh Hòa có 10 hợp tác xã; Nha Trang có 01 hợp tác xã; Diên Khánh có 07 hợp tác xã và Cam Lâm 01 hợp tác xã.

e) Thành viên của HTXNN

Hiện tại, có 43.932 thành viên. Trong đó, HTXNN - dịch vụ có 43.093 thành viên; hợp tác xã thủy sản - đóng tàu có 161 thành viên và hợp tác xã sản xuất muối có 678 thành viên. HTXNN có thành viên đông nhất là 2.608 thành viên (HTXNN Diên An, huyện Diên Khánh), HTXNN có thành viên ít nhất là 79 thành viên (HTXNN Diên Đồng, huyện Diên Khánh) và trung bình có 784 thành viên/HTXNN.

f) Vốn hoạt động của HTXNN

Vốn hoạt động của các HTXNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt thấp, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm. Cụ thể năm 2015, vốn hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp là 101,021 tỷ đồng, Hợp tác xã thủy sản - đóng tàu là 11,486 tỷ đồng và hợp tác xã diêm nghiệp là 4,580 tỷ đồng.

g) Đất đai của HTXNN

Đến nay, có 59 HTXNN được giao đất xây dựng trụ sở, 25 HTXNN được chính quyền cơ sở giao và cho thuê đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích là 35,0608 ha. Trong đó, huyện Diên Khánh có 22 HTXNN (được thuê 28,5 ha); Ninh Hòa 01 HTXNN (02 ha); thành phố Nha Trang có 02 HTXNN (4,6 ha). Đối với hợp tác xã diêm nghiệp do đặc thù sản xuất theo mô hình tập trung, vì vậy, hiện nay Nhà nước cho 03 hợp tác xã muối thuê với diện tích là 125,8397 ha, trong đó, hợp tác xã sản xuất muối 1/5 Ninh Diêm diện tích 97,3 ha (chiếm 77,32%), hợp tác xã muối Ninh Thủy là 15,53 ha (chiếm 12,34%) và hợp tác xã muối Cam Nghĩa là 13 ha (chiếm 10,33%).

Tuy nhiên, qua điều tra vẫn còn một số hợp tác xã chưa được cấp đất xây dựng trụ sở như: HTXNN Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa), HTXNN Diên Tân (huyện Diên Khánh), hợp tác xã thủy sản Bích Hải (thành phố Nha Trang).

h) Máy móc thiết bị của HTXNN

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 50 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) tổ chức điều hành sản xuất nông nghiệp, trong đó, 06 HTXDVNN đầu tư mua máy cày đất (07 chiếc) chiếm 12% và chưa có HTXDVNN đầu tư mua máy gặt đập liên hợp (thu hoạch). Trong khi đó, máy cày của thành viên là 662 chiếc và máy thu hoạch là 137 chiếc.

Như vậy, có 88% HTXDVNN chưa có máy cày và 100% HTXDVNN chưa có máy thu hoạch, nguyên nhân là do các HTXDVNN không có vốn đầu tư để trang bị máy móc cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, một số HTXDVNN vẫn thực hiện được dịch vụ này thông qua liên kết với chủ sở hữu máy làm đất và máy thu hoạch để cung ứng dịch vụ nói trên cho thành viên. Mặc dù, hình thức liên kết này vẫn là giải pháp tích cực, tuy nhiên, một số HTXDVNN vẫn bị động (trễ vụ) khi vào chính vụ gieo sạ và thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của HTXDVNN và thành viên.

Nhìn chung, hầu hết các HTXDVNN đều chưa có máy cày và máy thu hoạch. Trong khi đó, dịch vụ làm đất và dịch vụ thu hoạch đóng vai trò rất quan trọng đối với kinh tế hộ thành viên và hộ nông dân. Vì vậy, giải pháp đặt ra trong thời gian tới cho mỗi HTXDVNN phải xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả để huy động vốn đầu tư trang bị ít nhất là 05 chiếc máy cày đại và 04 máy thu hoạch để giải quyết cơ bản nhu cầu làm đất và thu hoạch cho thành viên, góp phần giảm chi phí cho hộ thành viên, đồng thời tăng thu nhập cho HTXNN.

i) Kết quả hoạt động của HTXNN

Hầu hết các HTXNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều hoạt động cung ứng các dịch vụ như: Thủy nông, vật tư nông nghiệp, giống, làm đất, tín dụng nội bộ,  tiêu thụ nông sản, khuyến nông và dịch vụ khác, doanh thu năm 2014 đạt 85,938 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3,313 tỷ đồng. Tình hình cụ thể như sau:

- Dịch vụ thủy nông: Có 40 HTXNN hoạt động chiếm 65%, năm 2014 doanh thu đạt 11.072 triệu đồng/năm bằng 12,9%/tổng doanh thu.

- Dịch vụ vật tư nông nghiệp: Có 33 HTXNN hoạt động (chiếm 40%), năm 2014 doanh thu đạt 46.407 triệu đồng/năm bằng 54%/tổng doanh thu.

- Dịch vụ cung ứng giống: Có 17 HTXNN hoạt động (chiếm 20%), năm 2014 doanh thu đạt 2.546 triệu đồng/năm bằng 3%/tổng doanh thu.

- Dịch vụ làm đất: Có 19 HTXNN hoạt động (chiếm 23%), năm 2014 doanh thu đạt 14.669 triệu đồng/năm bằng 17,1%/tổng doanh thu.

- Dịch vụ tín dụng nội bộ: Có 25 hợp tác xã hoạt động (chiếm 30%), năm 2014 doanh thu đạt 1.821 triệu đồng/năm bằng 2,2%/tổng doanh thu.

- Dịch vụ tiêu thụ nông sản: Có 06 hợp tác xã hoạt động (chiếm 7,3%) năm 2014 doanh thu đạt 1.659 triệu đồng/năm bằng 1,9%/tổng doanh thu.

- Dịch vụ khuyến nông: Có 08 hợp tác xã hoạt động (chiếm 9,7%) năm 2014 doanh thu đạt 661 triệu đồng/năm bằng 0,8%/tổng doanh thu.

- Dịch vụ khác: Ngoài các dịch vụ nói trên, đa số các HTXNN đều có thực hiện dịch vụ khác (vận chuyển, bảo vệ thực vật, tập huấn, chuyển giao công nghệ...), năm 2014 doanh thu đạt 7.025 triệu đồng bằng 8,2%/tổng doanh thu.

k) Chính sách hỗ trợ phát triển HTXNN

- Chính sách tín dụng:

Số lượng HTXNN được vay vốn và giá trị vốn vay hàng năm của HTXNN trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Cụ thể năm 2015, số lượng HTXNN được vay vốn là 13 hợp tác xã chiếm tỷ lệ 15,8% trên tổng số, với giá trị vốn vay là: 2,087 tỷ đồng, bình quân 161 triệu đồng/HTXNN. Tốc độ tăng trưởng vốn vay bình quân năm là 25,92%/năm (279 triệu đồng). Với giá trị vốn vay bình quân nói trên, cho thấy quy mô hoạt động của một HTXNN không hơn một hộ nông dân khá, điều đó dẫn đến tình trạng hợp tác xã hoạt động cầm chừng, chưa thực sự khởi sắc.

- Chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới hợp tác xã:

Từ khi Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã được ban hành. Đến năm 2008, có 02 hợp tác xã dùng nước An Thọ và An Đông có trụ sở đặt tại xã Ninh An và Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa được thành lập thuộc diện tài trợ của dự án hỗ trợ thủy lợi Việt Nam (VWRAP) của tiểu dự án Đá Bàn - Khánh Hòa.

Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2016 ra đời thay thế Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 và đến tháng 7 năm 2016 mới có 01 hợp tác xã chăn nuôi gà được thành lập tại xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh. Đối với việc thành lập mới hợp tác xã trong các lĩnh vực như: Rau an toàn, mía đường, cây ăn quả, đánh bắt thủy sản... rất tiềm năng nhưng số lượng sáng lập viên tại các địa phương (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xin tư vấn thành lập mới còn khá khiêm tốn. Vì vậy, chính sách hỗ trợ khuyến khích thành lập mới hợp tác xã của Chính phủ ban hành chưa thật sự phát huy tại Khánh Hòa.

- Chính sách thuế:

Hàng năm có 57% HTXNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có đóng góp cho ngân sách tỉnh đạt tỷ lệ khá thấp, bình quân 476 triệu đồng/năm và tốc độ tăng bình quân 20%/năm.

- Chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại:

Tính đến nay, 100% các HTXNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ hoạt động cung ứng các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Chính vì vậy, công tác xúc tiến thương mại đối với HTXNN của tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thực hiện được một hoạt động nào kể từ khi Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã được ban hành.

- Hỗ trợ hợp tác xã đầu tư kết cấu hạ tầng:

Qua khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn cho thấy, trong thời gian qua, ngân sách tỉnh chưa hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho HTXNN. Nhà nước chỉ đầu tư kiên cố hóa kênh mương nội đồng và giao cho HTXNN quản lý để sử dụng.

Nhìn chung, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Trung ương ban hành kịp thời. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn còn chậm và tính khả thi của một số nội dung chính sách còn nhiều hạn chế nên tỷ lệ HTXNN được thụ hưởng rất thấp.

2. Tổ hợp tác

Bên cạnh các HTXNN, trong thời gian qua, các tổ hợp tác (THT) trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh từng bước phát triển; chủ yếu từ nỗ lực của Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Toàn tỉnh hiện có 172 THT thành lập (tên gọi khác là tổ liên kết) có hợp đồng hợp tác được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực theo đúng quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT. Trong đó, có 128 THT nông nghiệp, 06 THT nuôi trồng thủy sản và 38 THT đánh bắt xa bờ. Các THT hoạt động theo ngành nghề và dịch vụ như: Trồng rau sạch; trồng nấm; sản xuất lúa giống; mía giống; mía tím; trồng sen; trồng rau muống; chăn nuôi gia súc và gia cầm, cung cấp lúa giống; cày đất; tiêu thụ nông sản; mua bán cây cảnh; nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ.

Đây là mô hình liên kết hợp tác phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương hiện nay và đáp ứng nguyện vọng của người dân, bước đầu đã khắc phục được những khó khăn của từng hộ nông dân riêng lẻ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên tham gia tổ liên kết, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, hỗ trợ trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy vậy, hoạt động liên kết của THT còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững.

II. Đánh giá chung

1. Kết quả đạt được

a) Đối với HTXNN

Tuy còn nhiều khó khăn bất cập, trong các năm qua, đa số các HTXNN vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. HTXNN trên địa bàn tỉnh luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức điều hành sản xuất nông nghiệp ở nông thôn tại các địa phương, rõ nhất là ở những nơi có HTXNN hoạt động tốt, đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Các HTXNN đã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như: Thủy nông, làm đất, giống, vật tư nông nghiệp, khuyến nông, giống, tín dụng nội bộ, chuyển giao thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất và sau thu hoạch, hậu cần nghề cá, đóng mới và sửa chữa tàu cá, tiêu thụ nông sản, muối và cá lưới đăng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt bình quân 12%/năm. Điều này thể hiện rất rõ khi so sánh với những địa phương không có HTXNN hoặc HTXNN hoạt động yếu.

Nhiều HTXNN đã mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, thông qua hoạt động của các HTXNN, thành viên và người lao động được tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về mọi mặt, tính dân chủ được phát huy. Nhiều thành viên được nâng cao về trình độ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Có trên 60% HTXNN đã đóng góp sửa chữa đường giao thông nông thôn và khoảng 6% HTXNN đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương tại địa phương.

Ở cấp huyện, điển hình duy trì được phong trào HTXNN là huyện Diên Khánh, nơi có 20 HTXNN chiếm 35,71% số lượng HTXNN đang hoạt động trên toàn tỉnh với tỷ lệ hoạt động khá, tốt trên 90%. Sở dĩ huyện Diên Khánh có nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả là nhờ sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo huyện. Thông qua hoạt động tổ chức tốt phong trào thi đua hàng năm của 2 khối hợp tác xã phía Đông và phía Tây huyện để cụ thể hóa các nội dung hoạt động của từng hợp tác xã. Giải pháp dành cho mỗi hợp tác xã 01 ha ruộng lúa từ hơn 20 năm qua, sau khi thực hiện chia đất cho nông dân theo Nghị định số 64-CP của Chính phủ, để HTXNN nhân giống mới theo quy trình kỹ thuật thâm canh lúa gắn với hoạt động của Câu lạc bộ Chủ nhiệm các HTXNN, đây chính là tiền đề để huyện Diên Khánh trở thành địa phương có nhiều hợp tác xã làm cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ thành viên sản xuất lúa giống đạt diện tích hàng trăm ha mỗi vụ và đang phát triển mạnh. Kết quả đã góp phần đưa số xã đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2014 là 04 xã, đến cuối năm 2015 có thêm 03 xã. Với số lượng 07/21 xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên toàn tỉnh, huyện Diên Khánh chiếm 1/3 tổng số xã đạt nông thôn mới toàn tỉnh; trong đó hoạt động của các HTXNN đóng một vai trò quan trọng.

b) Đối với THT

Trong thời gian qua, việc góp phần tạo nên tình hình chuyển biến khá tích cực trong lĩnh vực kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của tỉnh, ngoài các HTXNN đang duy trì hoạt động ổn định thì bên cạnh đó còn có loại hình THT đang từng bước phát triển. Hoạt động của các THT đã góp phần rõ nét trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên; tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động trực thuộc, đáp ứng và khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; tăng sức cạnh tranh thị trường. Mô hình THT đã góp phần nâng cao năng lực của kinh tế hộ, giúp các hộ sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn.Với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở đã từng bước giúp các THT hoạt động đạt nhiều kết quả khả quan, doanh thu năm 2013 đạt hơn 05 tỷ đồng. Từ hoạt động đa dạng của các THT nông nghiệp - dịch vụ đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các địa phương.

2. Những hạn chế tồn tại và nguyên nhân

a) Đối với HTXNN

- Hầu hết các HTXNN chưa cung ứng đầy đủ các dịch vụ thiết yếu phục vụ kinh tế hộ thành viên và chưa chủ động tổ chức liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế. Mức độ đáp ứng nhu cầu thành viên đối với các dịch vụ đạt tỷ lệ rất thấp, cụ thể như: Mức độ đáp ứng nhu cầu dịch vụ VTNN chỉ đạt bình quân 18,8%/năm, làm đất (27,8%/năm) và tiêu thụ nông sản (10%).

- Thành viên chưa nhận thức được mình là chủ sở hữu thực sự của hợp tác xã, nên chưa thực hiện nghĩa vụ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát hợp tác xã.

- Cán bộ quản lý HTXNN chưa có chuyên môn chiếm tới 85% và đa số lớn tuổi, chủ yếu trưởng thành qua kinh nghiệm, cho nên còn nhiều hạn chế trong quản lý và điều hành hợp tác xã trước áp lực của nền kinh tế thị trường cạnh tranh.

- Nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cấp xã về bản chất của Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa sâu sắc, chưa đầy đủ.

- Công tác tuyên truyền vận động thành lập mới các HTXNN kiểu mới chưa được chính quyền các cấp quan tâm đẩy mạnh.

- Vốn hoạt động (vốn vay, vốn kinh doanh và các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu) của HTXNN đạt thấp (bình quân 1.837 triệu đồng/hợp tác xã) và tích lũy không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều HTXNN bị nợ khê đọng kéo dài đến nay vẫn không thu được nợ.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của HTXNN không có quyền thế chấp khi vay vốn ngân hàng, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư phát triển sản xuất của HTXNN.

- Chưa có chính sách đào tạo cho cán bộ quản lý và chuyên môn của hợp tác xã, dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ HTXNN.

- Hầu hết các HTXNN không có quy hoạch đội ngũ cán bộ kế thừa, chính vì vậy, nhiều năm qua, chức danh Giám đốc HTXNN thường là một người đảm nhận nhiều nhiệm kỳ.

- Có trên 80% thành viên HTXNN chưa được tập huấn về các Luật Hợp tác xã năm 1996, 2003 và 2012, vì vậy, đa số thành viên chưa hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi tham gia hợp tác xã, cũng như chưa hiểu rõ bản chất của hợp tác xã về các quan hệ phân phối, thu nhập, quản lý, sở hữu... và các nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã.

- Đa số thành viên có vốn góp điều lệ rất thấp và được phân phối thu nhập chủ yếu là theo vốn góp, trong khi đó, Luật Hợp tác xã năm 2003 và 2012 quy định nguyên tắc phân phối thu nhập cho thành viên chủ yếu là theo mức độ sử dụng dịch vụ, dẫn đến không khuyến khích thành viên sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.

- Các văn bản hướng dẫn về hợp tác xã ban hành chậm; nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể giữa các sở, ngành liên quan còn chồng chéo; công tác kiểm tra giám sát hoạt động của hợp tác xã còn buông lỏng, chưa chặt chẽ.

- Cán bộ phụ trách quản lý kinh tế tập thể các cấp vừa thiếu số lượng, vừa yếu trình độ chuyên môn. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp tỉnh chỉ có 01 cán bộ kiêm nhiệm (thuộc biên chế Phòng Kinh tế hợp tác của Chi cục Phát triển nông thôn); chưa bố trí cán bộ theo dõi kinh tế hợp tác cho các Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện; chưa giao nhiệm vụ về quản lý kinh tế tập thể cho cán bộ chuyên trách cấp xã, lãnh đạo chính quyền cơ sở chưa quan tâm đầy đủ và chưa thống nhất cao.

- Kinh phí hàng năm dành cho sự nghiệp phát triển hợp tác xã nói chung và HTXNN nói riêng còn hạn chế; cả về kinh phí đào tạo, tập huấn cán bộ hợp tác xã và hỗ trợ củng cố, phát triển thành lập mới các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Kinh phí thực hiện chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chính sách ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng mô hình HTXNN hoạt động có hiệu quả chưa được quan tâm.

b) Đối với THT

Đối với THT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, mặc dù được thành lập đúng về hình thức thủ tục pháp lý theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, hầu hết các THT thực chất chỉ hoạt động liên kết để trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chính và chưa có THT nào hoạt động đăng ký kinh doanh ngành nghề nhất định để tạo ra lợi nhuận và cùng hưởng khoản lợi nhuận đó. Hình thức hoạt động hiện nay chưa đúng bản chất của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 về tổ chức hoạt động của THT là “Cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm” (Điều 1, Nghị định số 151/2007/NĐ-CP); hoạt động các THT chưa thể hiện qua sổ sách theo dõi kế toán đầy đủ các hoạt động của mình. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các THT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa phát huy được vai trò của một tổ (nhóm) làm kinh tế, nhằm tạo ra thu nhập cao hơn cho tổ viên. Trên thực tế, hoạt động của THT vẫn mang tính tự phát hơn là tính tổ chức, quan hệ hợp tác còn lỏng lẻo không đảm bảo tính ổn định và bền vững. Mặt khác, do loại hình THT không có tư cách pháp nhân, không lập được tài khoản của tổ mà chỉ lập theo cơ chế người đại diện, khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng và ngân hàng.

Nhìn chung, THT gặp nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch kinh tế, trong việc tranh thủ các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh trong nội bộ. Hầu hết cán bộ THT chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý kinh doanh, nên việc chỉ đạo tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, hoạt động của THT chính là tiền thân để phát triển thành các HTXNN khi có đủ các điều kiện thích hợp.

Phần II

ĐỔI MỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020

I. Định hướng và mục tiêu

1. Định hướng

- Phát triển kinh tế tập thể gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển các HTXNN hoạt động theo hướng đa lĩnh vực, đa ngành nghề có ưu thế tại địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTXNN liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.

- Có chính sách hỗ trợ các HTXNN tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của các HTXNN và hiệu quả xã hội như: Đóng góp tăng thu nhập cho thành viên, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát triển cộng đồng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

- Nâng cao trình độ quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý kinh tế hợp tác các cấp; trình độ quản lý hợp tác xã cho lãnh đạo HTXNN. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông qua việc tập huấn cho  thành viên HTXNN hiểu rõ bản chất của hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động các HTXNN xếp loại khá tốt trở thành mô hình HTXNN hoạt động có hiệu quả phù hợp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Củng cố, kiện toàn các HTXNN loại yếu, trung bình để trở thành loại khá, tốt; kiên quyết giải thể các HTXNN ngừng hoạt động nhiều năm.

- Xây dựng HTXNN kiểu mới trong các lĩnh vực mía đường; rau sạch; cây ăn quả; chế biến nông sản; đánh bắt thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp.

- Xây dựng THT trong nông nghiệp hoạt động đúng theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP tạo tiền đề để phát triển thành hợp tác xã khi có đủ điều kiện phù hợp.

2. Mục tiêu chung

2.1. Mục tiêu chung

Quán triệt và triển khai tốt quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể nhất là “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp” nhằm đổi mới toàn diện và phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác đại diện của nông dân, phù hợp từng lĩnh vực, gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của từng địa phương góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Rà soát, hướng dẫn tất cả các HTXNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến cuối năm 2016 hoàn thành tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Phấn đấu đến 2020, có 70% HTXNN xếp loại khá, tốt hoạt động theo hướng đa lĩnh vực, đa ngành nghề và có liên kết với doanh nghiệp gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho 100% cán bộ của HTXNN. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác xã cho 50% thành viên để hiểu rõ bản chất của hợp tác xã kiểu mới.

- Phấn đấu đến năm 2020, thành lập 30 HTXNN kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, mía đường, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản và trồng rừng.

- Kiên quyết giải thể các HTXNN ngừng hoạt động nhiều năm và có kế hoạch chuyển đổi hình thức hoạt động khác phù hợp.

- Phấn đấu thành lập mới 20 THT và củng cố, hoàn thiện lại mô hình THT hiện có hoạt động đúng nguyên tắc tổ chức theo quy định của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP.

- Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong nông nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

- Đảm bảo tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới có HTXNN hoặc THT hoạt động hiệu quả.

- Xây dựng một số mô hình kinh tế hợp tác phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển ở mỗi xã, phường và thị trấn trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

II. Giải pháp phát triển HTXNN

1. Tập huấn và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý và thành viên HTXNN, thành viên THT về kinh tế tập thể

Đẩy mạnh tập huấn, thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp, cán bộ chủ chốt của HTXNN và thành viên THT về chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể, cụ thể:

a) Tập huấn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, Luật Hợp tác xã năm 2012 cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể các cấp; cán bộ quản lý HTXNN và thành viên HTXNN; thành viên THT để nâng cao nhận thức về bản chất của kinh tế tập thể.

b) Tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm mô hình HTXNN hoạt động hiệu quả của một số tỉnh thành trong cả nước để áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa.

c) Thông tin tuyên truyền

Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tuyên truyền về mô hình HTXNN hoạt động hiệu quả thông qua các phóng sự, chuyên mục để nâng cao nhận thức cho thành viên và người dân hiểu rõ bản chất của kinh tế tập thể.

2. Bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho HTXNN trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020

a) Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

- Xây dựng kế hoạch đào tạo Giám đốc HTXNN, để trở thành Giám đốc điều hành HTXNN để có đủ trình độ quản lý, điều hành hợp tác xã và có đủ kỹ năng quản trị tài chính, xây dựng phương án kinh doanh và quản trị kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã.

- Tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý hợp tác xã cho 100% cán bộ là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phó Giám đốc; bồi dưỡng về nghiệp vụ tài chính - kế toán cho 100% cán bộ là Kế toán trưởng và bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, giám sát cho 100% cán bộ Trưởng Ban Kiểm soát của HTXNN theo Chương trình tài liệu khung bồi dưỡng kiến thức phát triển HTXNN số 194/KTHT-HTTT ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

b) Nghiên cứu thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học làm việc có thời hạn tại HTXNN để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu Đề án tuyển dụng trí thức trẻ có bằng đại học, cao đẳng thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật (quản trị kinh doanh, tài chính - kế toán, kỹ thuật nông nghiệp) để bố trí làm việc tại HTXNN nhằm tạo nguồn cán bộ quản lý lâu dài cho hợp tác xã, số lượng 02 người/hợp tác xã, thời gian làm việc tại HTXNN là 05 năm, thù lao, khen thưởng theo chế độ hiện hành.

3. Hỗ trợ lãi suất vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTXNN và THT

3.1. Hỗ trợ lãi suất vốn vay theo dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của THT và HTXNN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn:

a) Các THT và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ động lập dự án đầu tư vay vốn mua các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, mía; máy sấy nông sản; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế phẩm và phụ phẩm và các loại máy kéo, động cơ Diezen sử dụng trong nông nghiệp.

b) Các THT và hợp tác xã thủy sản có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ động lập dự án đầu tư vay vốn mua các loại máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống tôm, cá, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản; máy sấy thủy sản; máy, thiết bị dò cá thu, thả lưới câu, thông tin liên lạc, hầm (buồng) cấp đông, thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, sản xuất nước đá, lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ; máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm thủy sản; các loại máy, động cơ Diezen sử dụng trong khai thác đánh bắt thủy sản.

c) Các THT và hợp tác xã muối có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ động lập dự án đầu tư vay vốn mua máy, thiết bị, bạt phủ ruộng muối, bạt trải ô kết tinh để sản xuất muối sạch; máy bơm nước, máy nghiền muối bột, máy chế biến muối bột và máy, thiết bị sản xuất muối sạch.

d) Các THT và hợp tác xã trong lĩnh vực mía đường, rau an toàn, chăn nuôi, cây ăn quả có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ động lập dự án đầu tư vay vốn mua các loại máy, động cơ Diezen; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất rau, mía, cây ăn quả; máy, thiết bị bảo quản; máy, thiết bị chế biến.

3.2. Điều kiện thụ hưởng

a) Điều kiện để các THT và hợp tác xã nêu tại Điểm a, b, c và d, Khoản 3.1 (sau đây gọi là HTXNN) phải được Ủy ban nhân dân xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản và thủy sản; cơ giới hóa nông nghiệp và nghề muối thì được vay 100% giá trị hàng hóa (100% giá trị hợp đồng) để thực hiện các dự án nói trên và được ngân sách nhà nước (ngân sách tỉnh Khánh Hòa) hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 02 năm đầu và 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ ba (03) theo quy định tại Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các THT và HTXNN được vay tối đa là 01 tỷ đồng/HTXNN và 300 triệu đồng/THT theo cơ chế không có tài sản bảo đảm quy định tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn để các THT và HTXNN có vốn đầu tư thực hiện các dự án nói trên phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

4. Các chính sách hỗ trợ THT và HTXNN theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020

4.1. Chính sách đất đai

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thủ tục cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xây dựng trụ sở làm việc, cửa hàng mua bán vật tư, nhà xưởng, nhà kho, sân phơi... cho các HTXNN theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, xem xét ưu tiên cho các THT và HTXNN được hợp đồng thuê đất 5% tại địa phương để thực hiện các dự án sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm có giá trị kinh tế cao, trồng rau sạch và trồng hoa, cây cảnh.

4.2. Chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các HTXNN đủ điều kiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp mà chưa có trụ sở làm việc, cửa hàng bán vật tư và sân phơi thì lập dự án đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt để tiến hành xây dựng mới trụ sở, cửa hàng và sân phơi cho hợp tác xã. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% dự án công trình được phê duyệt và còn lại HTXNN đối ứng 20%.

4.3. Chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương:

a) Hướng dẫn ít nhất 20 HTXNN và 10 THT đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, rau an toàn, thủy sản, cây ăn quả và nghề muối.

b) Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí cho HTXNN, THT (đơn vị) tham gia hội chợ, triển lãm, tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu, mức hỗ trợ tối đa cho mỗi đơn vị tham gia không quá 08 triệu đồng/đơn vị theo kế hoạch được duyệt hàng năm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa.

4.4. Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các HTXNN có nhu cầu xây dựng dự án đầu tư chế biến lương thực, thực phẩm thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư như: Kho dự trữ; hệ thống sấy nông sản; thiết bị xay xát, đánh bóng, phân loại gạo; hệ thống nhà kính; nhà lưới phục vụ sản xuất rau, muối; máy, thiết bị, bảo quản chế biến rau quả; dây chuyền máy, thiết bị bảo quản, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông, sản xuất nước đá, đá vảy và thiết bị hấp sấy...) tối đa 12 năm theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

4.5. Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xem xét hỗ trợ cho các HTXNN được hưởng chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh được thực hiện theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

4.6. Chính sách hỗ trợ thành lập mới

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã trước khi thành lập hợp tác xã cho sáng lập viên hợp tác xã.

- Tổ chức tập huấn và tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã.

- Ngân sách tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ 100% kinh phí đối với thành lập mới HTXNN theo quy định tại Khoản 1, Mục III, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020.

b) Điều kiện và mức hỗ trợ tư vấn thành lập mới và hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã mới thành lập

- Sáng lập viên thành lập mới hợp tác xã phải có đơn gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện xin hỗ trợ tư vấn thành lập mới hợp tác xã;

- Mức hỗ trợ tư vấn thành lập mới tối đa là 20 triệu đồng/HTXNN;

- Hợp tác xã mới thành lập đã có giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí là 50 triệu đồng/hợp tác xã để mua cơ sở vật chất ban đầu (bàn ghế làm việc, tủ đựng hồ sơ, máy vi tính, máy in; điện thoại để bàn);

- Mỗi HTXNN thành lập mới chỉ được hưởng hỗ trợ một lần duy nhất trong suốt quá trình hoạt động của hợp tác xã.

c) Hỗ trợ thành lập mới THT

Nội dung hỗ trợ được vận dụng theo Điểm a, b tại Mục 4.6; mức hỗ trợ bằng 50% kinh phí hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã.

4.7. Chính sách hỗ trợ tổ chức lại hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, giải thể HTXNN

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các HTXNN trên địa bàn tỉnh tổ chức lại hoạt động, hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể hợp tác xã, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/HTXNN để sử dụng cho chi phí công tác tổ chức hội nghị đối với các HTXNN tổ chức lại hoạt động, hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể hợp tác xã, phần kinh phí còn lại HTXNN tự trang trải.

5. Xây dựng mô hình THT và HTXNN liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn xây dựng mô hình HTXNN liên kết với doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế theo chuỗi giá trị.

6. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp

6.1. Kiện toàn bộ máy quản lý

a) Cấp tỉnh

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể, trong đó có Tổ công tác giúp việc để phối hợp với các sở, ngành liên quan giúp Ban Chỉ đạo theo dõi và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể và chỉ đạo các Ban Chỉ đạo cấp huyện (nếu có) xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bố trí ít nhất 01 cán bộ chuyên trách có nhiệm vụ tham mưu chính sách, xây dựng kế hoạch hàng năm và 05 năm về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, bố trí ít nhất 02 cán bộ tại Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại thuộc Chi cục Phát triển nông thôn có trình độ đại học về khối ngành kinh tế để theo dõi tình hình hoạt động của hợp tác xã; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; báo cáo tổng hợp và tham mưu đề án, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác nông, lâm, ngư và diêm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Cấp huyện

- Thành lập Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể, trong đó có Tổ công tác giúp việc bao gồm: Phòng Kế hoạch tài chính, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế); các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tham gia giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp trên địa bàn.

- Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

- Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước mắt tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương bố trí ít nhất 01 cán bộ chuyên trách quản lý HTXNN, THT, kinh tế trang trại, kinh tế hộ có khả năng đảm nhận công việc, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

c) Cấp xã

Cấp xã có HTXNN bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm để theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách, nghiệp vụ đối với hợp tác xã và THT, kinh tế trang trại và kinh tế hộ tại địa phương.

6.2. Nguồn cán bộ biên chế cho các sở và địa phương

Sở Nội vụ chủ trì, xem xét phân bổ 11 sinh viên đã tốt nghiệp (cán bộ) thuộc cán bộ nguồn dự bị dài hạn của tỉnh theo Đề án số 3517/ĐA-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa để tăng cường nhân lực cho bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp các cấp cụ thể như sau:

- Cấp tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí 01 cán bộ thuộc Phòng Kinh tế ngành; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí 02 cán bộ thuộc Phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn.

- Cấp huyện: Bố trí mỗi huyện, thị xã, thành phố 01 cán bộ tại Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế hợp tác

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.

- Xây dựng cơ chế phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân và trang trại tham gia THT, HTXNN và các hình thức tổ chức liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

III. Kinh phí thực hiện Đề án

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là: 45.114.534.000 đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước là: 39.084.534.000 đồng.

+ Vốn sự nghiệp là: 24.484.534.000 đồng;

+ Vốn đầu tư phát triển là: 14.600.000 đồng.

- Kinh phí đã cấp triển khai Đề án năm 2016: 80.000.000 đồng.

- Vốn đối ứng của HTXNN là: 6.030.000.000 đồng.

Cụ thể tại bảng dưới đây:

 Đơn vị tính: 1.000 đồng

STT

Nội dung chi

Giai đoạn (2017-2020)

Vốn NSNN

Vốn đối ứng HTX

Tổng kinh phí

Vốn sự nghiệp

Vốn đầu tư phát triển

1

Tập huấn nâng cao nhận thức

580,680

 

 

580,680

2

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và chuyên môn

923,854

 

 

923,854

3

Hỗ trợ lãi suất vốn vay theo QĐ 68

11.500

 

2.300

13.800

4

Hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng

 

14.600

3.650

18.250

5

Hỗ trợ khác

11.480

 

80

11.560

 

Tổng kinh phí

24.484,534

14.600

6.030

45.114,534

(Đính kèm Phụ lục chi tiết dự kiến kinh phí thực hiện Đề án)

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020”.

b) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo quá trình triển khai thực hiện Đề án.

c) Xây dựng một số mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp phù hợp với từng huyện, thị xã, thành phố.

d) Củng cố, kiện toàn Phòng Kinh tế hợp tác của Chi cục Phát triển nông thôn.

đ) Củng cố bộ phận kinh tế hợp tác trong các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện trong tỉnh.

e) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chức danh trong HTXNN; đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho HTXNN; tư vấn thành lập mới và tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho các HTXNN.

f) Tổ chức tham quan học tập, nghiên cứu các mô hình HTXNN hoạt động có hiệu quả của các tỉnh thành trên cả nước, để rút kinh nghiệm vận dụng cho tỉnh Khánh Hòa.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổng hợp kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp vào Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện Đề án và căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách theo quy định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giải quyết việc giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTXNN.

5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án đưa trí thức trẻ về công tác tại HTXNN, củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong nông nghiệp ở các cấp theo quy định của pháp luật.

6. Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTXNN, THT về các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh.

7. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Hỗ trợ các HTXNN, THT quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho từng năm và cả giai đoạn.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn các thủ tục cần thiết và tạo điều kiện ưu tiên để các HTXNN, THT được vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất kinh doanh.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình, kế hoạch, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác tại địa phương.

b) Hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học - công nghệ; thành lập mới HTXNN, THT; giải thể các HTXNN ngừng hoạt động nhiều năm theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.

c) Đưa các chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cho từng xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương đối với kinh tế tập thể.

d) Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển của kinh tế tập thể gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

đ) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Đề án tại địa phương./.

 

PHỤ LỤC 1

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÂN THEO NGUỒN VỐN
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung chi

2016-2020

Vốn NSNN

Vốn HTX đối ứng

Tổng

Vốn sự nghiệp

Vốn đầu tư phát triển

1

Tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ, thành viên HTXNN và THT về kinh tế tập thể (PL 2, 3, 4 và 5)

580,680

 

 

580,680

2

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn của HTXNN (PL 6 và 7)

923,854

 

 

923,854

3

Hỗ trợ lãi suất vốn vay theo QĐ 68 (PL 8)

11.500

 

2.300

13.800

4

Hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng (PL 9)

 

14.600

3.650

18.250

5

Hỗ trợ khác (PL 10)

11.480

 

80

11.560

 

Tổng

24.484,534

14.600

6.030

45.114,534

Tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2016-2020: 39.084.534.000 đồng.

Bình quân ngân sách nhà nước hỗ trợ 01 năm.

 

PHỤ LỤC 2

DỰ TOÁN  KINH PHÍ TẬP HUẤN NỘI DUNG VỀ THỦ TỤC THÀNH LẬP MỚI HỢP TÁC XÃ VÀ CÁC BƯỚC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TẠI HUYỆN VẠN NINH VÀ THỊ XÃ NINH HÒA
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Cơ quan tổ chức lớp học: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thời gian thực hiện: Quý IV, năm 2016

Số lớp thực hiện: 05 lớp

STT

Nội dung

Thành tiền
(triệu đồng)

Căn cứ thực hiện

1

Tập huấn nội dung tổ chức lại hoạt động HTXNN theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (02 lớp)

31,4324

QĐ số 2261/QĐ-TTg

1.1

Tập huấn tại huyện Vạn Ninh (Phụ lục 2a)

16,7888

1.2

Tập huấn tại thị xã Ninh Hòa (Phụ lục 2b)

14,6436

2

Kế hoạch tập huấn hướng dẫn sáng lập viên về thủ tục và tổ chức hội nghị thành lập mới hợp tác xã (04 lớp)

39,5676

2.1

HTXNN mía đường Tân Định Phát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (Phụ lục 2c)

16,6250

2.2

HTX sản xuất rau an toàn Ninh Đông, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa (Phụ lục 2d)

9,4395

2.3

HTX sản xuất rau an toàn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang (Phụ lục 2đ)

6,4813

2.4

HTXNN cây ăn quả Khánh Vĩnh, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh (Phụ lục 2e)

7,0218

3

Khảo sát và tổ chức hội nghị xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa DN với HTX và nông dân (01 lớp)

9

 

Tổng

80

 

* Kinh phí 80.000.000 đồng đã cấp năm 2016 (bao gồm các Phụ lục: 2a, 2b, 2c, 2d, 2đ, 2e và 2f).

 

PHỤ LỤC 2a

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ TẬP HUẤN NỘI DUNG CÁC BƯỚC TỔ CHỨC LẠI HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TẠI HUYỆN VẠN NINH
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

 

 

a

b

c

d

e

f=dxe

k

 

1

Chi tổ chức tập huấn

 

 

 

9

 

 

a

Thuê hội trường

ngày

1

1

1

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

b

Trang trí hội trường

ngày

1

0,3

 

 

c

Văn phòng phẩm

tập

144

0,01

1,44

 

d

Tài liệu

tập

144

0,02

2,88

 

đ

Nước uống (20.000 đồng/người/ngày)

người

144

0,02

2,88

 

2

Chi báo cáo viên

 

 

 

 

 

 

 

Thù lao giảng viên  100.000 đồng/buổi x 2 buổi)

buổi

2

0,1

0,2

Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

 

3

Chi đại biểu không hưởng lương

 

 

 

7

 

 

a

Hỗ trợ tiền xăng xe cho đại biểu

người

84

0,02

1,68

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

b

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu tham dự

người

84

0,06

5,04

 

4

Chi công tác phí, xăng xe

 

 

 

1

 

a

Chi xăng xe ô tô phục vụ hội nghị (140 km x 0,2 lít/km)

lít

28

0,0171

0,4788

 

b

Công tác phí

người

4

0,06

0,24

 

5

Chi khác

 

 

 

0,65

 

 

Tổng

 

 

 

16,7888

 

 

 

PHỤ LỤC 2B

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ TẬP HUẤN NỘI DUNG CÁC BƯỚC TỔ CHỨC LẠI HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TẠI THỊ XÃ NINH HÒA

 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

 

 

a

b

c

d

e

f=dxe

k

 

1

Chi tổ chức tập huấn

 

 

 

7,73

 

 

a

Thuê hội trường

ngày

1

1

1

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

b

Trang trí hội trường

ngày

1

0,03

0,03

 

c

Văn phòng phẩm

tập

134

0,01

1,34

 

d

Tài liệu

tập

134

0,02

2,68

 

đ

Nước uống (20.000 đồng/người/ngày)

người

134

0,02

2,68

 

2

Chi báo cáo viên

 

 

 

0,2

 

 

 

Thù lao giảng viên  100.000 đồng/buổi x 2 buổi)

buổi

2

0,1

0,2

Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

 

3

Chi đại biểu không hưởng lương

 

 

 

6,24

 

 

a

Hỗ trợ tiền xăng xe cho đại biểu  dự tập huấn

người

78

0,02

1,56

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

b

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu tham dự

người

78

0,06

4,68

 

4

Chi công tác phí, xăng xe

 

 

 

0,4536

 

a

Chi xăng xe ô tô phục vụ hội nghị (80 km x 0,2 lít/km)

lít

16

0,0171

0,2736

 

b

Công tác phí

người

3

0,06

0,18

 

5

Chi khác

 

 

 

0,02

 

 

 

Tổng

 

 

 

14,6436

 

 

 

PHỤ LỤC 2C

DỰ TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ THÀNH LẬP MỚI HỢP TÁC XÃ MÍA ĐƯỜNG TÂN ĐỊNH PHÁT TẠI XÃ NINH PHỤNG, THỊ XÃ NINH HÒA
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

1

Chi tư vấn trực tiếp tại nơi thành lập mới hợp tác xã

 

 

 

3

 

1.1

Chi tiền cán bộ Chi cục thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho sáng lập viên xây dựng điều lệ, phương án kinh doanh (01 người x 02 buổi/ngày x 70.000 đồng/buổi)

ngày

6

0,14

0,84

Thông tư số 173/2012/TT-BTC

1.2

Chi tiền mua nước uống cho sáng lập viên dự tập huấn về thủ tục thành lập HTX (10 người x 6 ngày x 10.000 đồng/người/ngày)

người

60

0,01

0,6

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

1.3

Chi tiền hỗ trợ xăng xe máy cho cán bộ tư vấn (3 lít/ngày x 6 ngày)

lít

18

0,0171

0,3078

1.4

Chi tiền in dự thảo điều lệ và phương án kinh doanh (tập) cho sáng lập viên (20 người x 2 tập/người)

tập

40

0,01

0,4

1.5

Chi tiền công tác phí cho 01 cán bộ Chi cục cùng thực hiện

ngày

6

0,06

0,36

2

Tổ chức tập huấn Luật HTX năm 2012 cho sáng lập viên và các thành viên tham gia

 

 

 

6,1036

Theo hóa đơn thực tế

2.1

Chi tiền thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

2.2

Chi tiền trang trí hội trường

ngày

1

0,2

0,2

2.3

Chi tiền mua văn phòng phẩm

tập

50

0,01

0,5

2.4

Chi tiền in tài liệu tập huấn

tập

50

0,02

1

2.5

Chi tiền mua nước uống cho sáng lập viên và thành viên HTX dự tập huấn (50 người x 10.000 đồng/người/ngày)

người/ngày

50

0,01

0,5

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.6

Chi hỗ trợ tiền ăn cho sáng lập viên và thành viên HTX dự tập huấn Luật HTX năm 2012 (50 người x 60.000 đồng/người/ngày)

người/ngày

50

0,06

3

2.7

Chi tiền bồi dưỡng cán bộ tư vấn (báo cáo viên) (2 buổi/ngày x 100.000 đồng/buổi)

buổi

2

0,1

0,2

Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

2.8

Chi tiền công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ tập huấn

người/ngày

3

0,06

0,18

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.9

Chi tiền trả công tạp vụ phục vụ hội nghị tập huấn

người/ngày

1

0,05

0,05

2.10

Chi tiền xăng xe ô tô phục vụ hội nghị tập huấn (80 km x 0,2 lít/km)

lít

16

0,0171

0,2736

Theo hóa đơn thực tế

3

Chi tổ chức hội nghị thành lập HTX

 

 

 

7,6136

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

3.1

Chi tiền thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

3.2

Chi tiền trang trí hội trường

lần

1

0,2

0,2

3.3

Chi tiền tạp vụ phục vụ hội nghị

người/ngày

1

0,05

0,05

3.4

Chi tiền tài liệu hội nghị gồm 65 bộ (điều lệ: 65 tập, phương án kinh doanh: 65 tập, danh sách thành viên: 65 tập và dự thảo nghị quyết: 65 tờ)

bộ

65

0,03

1,95

3.5

Chi văn phòng phẩm

tập

65

0,01

0,65

3.6

Chi tiền nước uống phục vụ hội nghị (50 thành viên HTX + 15 đại biểu mời; 10.000 đồng/người/ngày)

người/ngày

65

0,01

0,65

3.7

Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không hưởng lương (50 người x 60.000 đồng/người)

người/ngày

50

0,06

3

3.8

Chi công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ và tham dự hội nghị

người/ngày

4

0,06

0,24

3.9

Chi xăng xe ô tô phục vụ hội nghị (80 km x 0,2 lít/km)

lít

16

0,0171

0,2736

4

Chi khác

 

 

 

0,4

 

 

Tổng

 

 

 

16,625

 

 

PHỤ LỤC 2D

DỰ TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ THÀNH LẬP MỚI HỢP TÁC XÃ RAU AN TOÀN NINH ĐÔNG TẠI XÃ NINH ĐÔNG, THỊ XÃ NINH HÒA
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

1

Chi tư vấn trực tiếp tại nơi thành lập mới hợp tác xã

 

 

 

2,3591

 

1.1

Chi tiền cán bộ Chi cục thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho sáng lập viên về xây dựng điều lệ, phương án kinh doanh (01 người x 02 buổi x 70.000 đồng/buổi)

ngày

6

0,14

0,84

Thông tư số 173/2012/TT-BTC

1.2

Chi tiền mua nước uống cho sáng lập viên dự tập huấn về thủ tục thành lập HTX (10 người x 6 ngày x 10.000 đồng/người/ngày)

người

60

0,01

0,6

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

1.3

Chi tiền hỗ trợ xăng xe máy cho cán bộ tư vấn (3,6 lít/ngày x 6 ngày)

lít

21

0,0171

0,3591

1.4

Chi tiền in dự thảo điều lệ và phương án kinh doanh (tập) cho sáng lập viên (10 người x 2 tập/người)

tập

20

0,01

0,2

1.5

Chi tiền công tác phí cho 01 cán bộ Chi cục cùng thực hiện

ngày

6

0,06

0,36

2

Tổ chức tập huấn Luật HTX năm 2012

 

 

 

2

 

2.1

Chi tiền thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.2

Chi tiền trang trí hội trường

ngày

1

0,2

0,2

2.3

Chi tiền mua văn phòng phẩm

tập

10

0,01

0,12

2.4

Chi tiền in tài liệu tập huấn cho các sáng lập viên

tập

10

0,03

0,25

2.5

Chi tiền mua nước uống cho các sáng lập viên dự tập huấn (10.000 đồng/người/ngày)

người/ngày

10

0,01

0,1

2.6

Chi hỗ trợ tiền ăn cho sáng lập viên dự tập huấn Luật HTX năm 2012 (đại biểu không hưởng lương)

người/ngày

10

0,06

0,6

 

2.7

Chi tiền bồi dưỡng cán bộ tư vấn (báo cáo viên) (2 buổi/ngày x 100.000 đồng/buổi)

buổi

2

0,1

0,2

Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

2.8

Chi tiền công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ tập huấn

người/ngày

3

0,06

0,18

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.9

Chi tiền trả công tạp vụ phục vụ tập huấn

người/ngày

1

0,05

0,05

2.10

Chi tiền xăng xe ô tô phục vụ tập huấn (120 km/ngày x 0,2 lít/km)

lít

24

0,02

0,41

3

Chi tổ chức hội nghị thành lập HTX

 

 

 

5

 

3.1

Chi tiền thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

3.2

Chi tiền trang trí hội trường

lần

1

0,2

0,2

3.3

Chi tiền tạp vụ phục vụ hội nghị

người/ngày

1

0,05

0,05

3.4

Chi tiền tài liệu hội nghị gồm 20 bộ (điều lệ: 20 tập, phương án kinh doanh: 20 tập, danh sách thành viên: 20 tập và dự thảo nghị quyết: 20 tờ)

bộ

20

0,03

0,6

3.5

Chi tiền nước uống phục vụ hội nghị (08 sáng lập viên HTX + 12 đại biểu mời; 10.000 đồng/người/ngày)

người/ngày

20

0,01

0,2

3.6

Chi văn phòng phẩm

tập

20

0,1

2

3.7

Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không hưởng lương (08 người x 60.000 đồng/người)

người/ngày

8

0,06

0,48

3.8

Chi công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ và tham dự hội nghị

người/ngày

4

0,06

0,24

3.9

Chi xăng xe ô tô phục vụ hội nghị (120 km x 0,2 lít/km)

lít

24

0,0171

0,4104

4

Chi khác

 

 

 

0,4

 

 

Tổng

 

 

 

9,4395

 

 

PHỤ LỤC 2Đ

DỰ TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ THÀNH LẬP MỚI HỢP TÁC XÃ RAU AN TOÀN ĐẮC LỘC TẠI XÃ VĨNH PHƯƠNG, THÀNH PHỐ NHA TRANG
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

1

Chi tư vấn trực tiếp tại nơi thành lập mới hợp tác xã

 

 

 

1,96

 

1.1

Chi tiền cán bộ Chi cục thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho sáng lập viên về xây dựng điều lệ, phương án kinh doanh (01 người x 02 buổi/ngày x 70.000 đồng/buổi)

ngày

6

0,14

0,84

Thông tư số 173/2012/TT-BTC

1.2

Chi tiền mua nước uống cho sáng lập viên dự tập huấn về thủ tục thành lập HTX (8 người x 6 ngày x 10.000 đồng/người/ngày)

người

48

0,01

0,48

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

1.3

Chi tiền hỗ trợ xăng xe máy cho cán bộ tư vấn

lít

7

0,0171

0,1197

1.4

Chi tiền in dự thảo điều lệ và phương án kinh doanh (tập) cho sáng lập viên (8 người x 2 tập/người)

tập

16

0,01

0,16

1.5

Chi tiền công tác phí cho 01 cán bộ Chi cục cùng thực hiện

ngày

6

0,06

0,36

2

Tổ chức tập huấn Luật HTX năm 2012 cho sáng lập viên và các thành viên tham gia

 

 

 

1,8148

 

2.1

Chi tiền thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

Hóa đơn thực tế

2.2

Chi tiền trang trí hội trường

ngày

1

0,2

0,2

2.3

Chi tiền mua văn phòng phẩm

tập

8

0,011

0,088

2.4

Chi tiền in tài liệu tập huấn

tập

8

0,025

0,2

2.5

Chi tiền mua nước uống cho sáng lập viên và thành viên HTX dự tập huấn (08 người x 10.000 đồng/người/ngày)

người/ngày

8

0,01

0,08

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.6

Chi hỗ trợ tiền ăn cho sáng lập viên và thành viên HTX dự tập huấn Luật HTX năm 2012 (08 người x 60.000 đồng/người/ngày)

người/ngày

8

0,06

0,48

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.7

Chi tiền bồi dưỡng cán bộ tư vấn (báo cáo viên) (2 buổi/ngày x 100.000 đồng/buổi)

buổi

2

0,1

0,2

Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

2.8

Chi tiền công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ tập huấn

người/ngày

3

0,06

0,18

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.9

Chi tiền trả công tạp vụ phục vụ hội nghị tập huấn

người/ngày

1

0,05

0,05

2.10

Chi tiền xăng xe ô tô phục vụ hội nghị tập huấn (40 km/ngày x 0,2 lít/km)

lít

8

0,0171

0,1368

Theo hóa đơn thực tế

3

Chi tổ chức hội nghị thành lập HTX

 

 

 

2,3068

 

3.1

Chi tiền thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

3.2

Chi tiền trang trí hội trường

lần

1

0,2

0,2

3.3

Chi tiền tạp vụ phục vụ hội nghị

người/ngày

1

0,05

0,05

3.4

Chi tiền tài liệu hội nghị gồm 20 bộ (điều lệ: 20 tập, phương án kinh doanh: 20 tập, danh sách thành viên: 20 tập và dự thảo nghị quyết: 20 tờ)

bộ

20

 

0,6

3.5

Chi tiền nước uống phục vụ hội nghị (08 sáng lập viên HTX + 12 đại biểu mời; 10.000 đồng/người/ngày)

người

20

0,01

0,2

3.6

Chi văn phòng phẩm

tập

20

0,01

0,2

3.7

Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không hưởng lương

người

8

0,06

0,48

3.8

Chi công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ và tham dự hội nghị

người

4

0,06

0,24

3.9

Chi xăng xe ô tô phục vụ hội nghị (40 km x 0,2 lít/km)

lít

8

0,0171

0,1368

4

Chi khác

 

 

 

0,4

 

 

Tổng

 

 

 

6,4813

 

 

PHỤ LỤC 2E

DỰ TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ THÀNH LẬP MỚI HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP CÂY ĂN QUẢ KHÁNH VĨNH, HUYỆN KHÁNH VĨNH
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

1

Chi tư vấn trực tiếp tại nơi thành lập mới hợp tác xã

 

 

 

2

 

1.1

Chi tiền cán bộ Chi cục thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho sáng lập viên xây dựng điều lệ, phương án kinh doanh (01 người x 02 buổi x 70.000 đồng/buổi)

ngày

6

0,14

0,84

Thông tư số 173/2012/TT-BTC

1.2

Chi tiền mua nước uống cho sáng lập viên dự tập huấn về thủ tục thành lập HTX (8 người x 6 ngày x 10.000 đồng/người/ngày)

người

48

0,01

0,48

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

1.3

Chi tiền hỗ trợ xăng xe máy cho cán bộ tư vấn (3,6 lít/ngày x 6 ngày)

lít

21

0,0171

0,3591

1.4

Chi tiền in dự thảo điều lệ và phương án kinh doanh (tập) cho sáng lập viên (8 người x 2 tập/người)

người

16

0,01

0,16

1.5

Chi công tác phí cho 01 cán bộ Chi cục cùng thực hiện

ngày

6

0,06

0,36

2

Tổ chức tập huấn Luật HTX năm 2012

 

 

 

2

 

2.1

Chi thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.2

Chi trang trí hội trường

ngày

1

0,2

0,2

2.3

Chi văn phòng phẩm

tập

8

0,012

0,096

2.4

Chi tiền in tài liệu tập huấn cho các sáng lập viên

tập

8

0,025

0,2

2.5

Chi tiền mua nước uống cho các sáng lập viên dự tập huấn (10.000 đồng/người/ngày)

người

8

0,01

0,08

2.6

Chi hỗ trợ tiền ăn cho sáng lập viên dự tập huấn Luật HTX năm 2012 (đại biểu không hưởng lương)

người

8

0,06

0,48

 

2.7

Chi tiền bồi dưỡng báo cáo viên
(2 buổi/ngày x 100.000 đồng/buổi)

buổi

2

0,1

0,2

Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

2.8

Chi tiền công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ tập huấn

người

3

0,06

0,18

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2.9

Chi tiền xăng xe ô tô phục vụ tập huấn (120 km/ngày x 0,2 lít/km)

lít

24

0,02

0,41

2.10

Chi tiền trả công tạp vụ phục vụ tập huấn

người

2

0,05

0,1

3

Chi tổ chức hội nghị thành lập HTX

 

 

 

2

 

3.1

Chi tiền thuê hội trường

ngày

1

0,2

0,2

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

3.2

Chi tiền trang trí hội trường

lần

1

0,2

0,2

3.3

Chi tiền tạp vụ phục vụ hội nghị

người

1

0,05

0,05

3.4

Chi tiền tài liệu hội nghị gồm 20 bộ (điều lệ: 20 tập, phương án kinh doanh: 20 tập, danh sách thành viên: 20 tập và dự thảo nghị quyết: 20 tờ)

bộ

20

0,02

0,4

3.5

Chi tiền nước uống phục vụ hội nghị (08 sáng lập viên HTX + 12 đại biểu mời; 10.000 đồng/người/ngày)

người

20

0,01

0,2

3.6

Chi văn phòng phẩm

tập

20

0,01

0,2

3.7

Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không hưởng lương (8 người x 60.000 đồng/người)

người

8

0,06

0,48

3.8

Chi công tác phí cho cán bộ Chi cục phục vụ và tham dự hội nghị

người

4

0,06

0,24

3.9

Chi xăng xe ô tô phục vụ hội nghị (120 km x 0,2 lít/km)

lít

24

0,0171

0,41

4

Chi khác

 

 

 

0,2959

 

 

Tổng

 

 

 

7,0218

 

 

PHỤ LỤC 2F

KHẢO SÁT THỰC TẾ VÀ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN TỎI
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

I

Khảo sát thực tế vùng sản xuất

 

 

3

 

1

Công tác phí

8

0,06

0,48

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2

Chi phí xăng xe

 

 

2,4

2.1

Ngày 30/8/2016 (khảo sát tại các xã, phường: Ninh Đông, Ninh Đa, Ninh Vân, Vạn Hưng): 350 km

70

0,016

1,12

2.2

Ngày 31/8/2016 (khảo sát tại các xã: Cam Phước Đông, Diên Phước, Sơn Thái): 400 km

80

0,016

1,28

 

(Định mức 20 lít/100 km)

 

 

 

3

Chi phí khác (phí đường bộ)

 

 

0,12

II

Tổ chức hội nghị hướng dẫn kỹ thuật

 

 

6

 

1

Công tác phí

4

0,06

0,24

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2

Chi phí xăng xe

40

0,017

0,68

3

Chi phí khác (phí đường bộ)

 

 

0,08

4

Tổ chức hội nghị: 01 ngày, buổi sáng xã Ninh Vân (số lượng 50 người), buổi chiều xã Vạn Hưng (số lượng 50 người)

 

 

5

 

Thuê, trang trí hội trường

2

0,15

0,3

Tài liệu

100

0,01

0,7

Nước uống

100

0,01

1

Hỗ trợ tiền ăn đại biểu không  hưởng lương

100

0,03

3

III

Tổng

 

 

9

 

 

PHỤ LỤC 6

DỰ TOÁN KINH PHÍ LỚP GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TẠI NHA TRANG
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Số lượng học viên dự kiến: 66 học viên.

Năm thực hiện: 2017, thời gian 30 ngày.

Đối tượng là Chủ nhiệm/Giám đốc hợp tác xã.

STT

Khoản chi

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

Ghi chú

 

 

1

Chi cho giảng viên

 

 

 

122

 

 

1.1

Chi thù lao giảng viên PGS, tiến sĩ, GVC;

ngày

15

1

18

TT 139/2010/TT-BTC

 

1.2

Chi thù lao giảng viên thạc sĩ;

ngày

15

1

15

 

1.3

Thiết kế chương trình

CT

1

3

3

 

1.4

Chỉnh lý tài liệu giảng dạy (gồm biên soạn, chỉnh lý, thẩm định)

trang

300

0,039

11,7

TT 123/2009/TT-BTC

 

1.5

Khoán chi nơi ở giảng viên

ngày

45

0,35

15,75

TT 139/2010/TT-BTC

 

1.6

Tiền ăn cho giảng viên (ngày giảng + 1 ngày đi + 1 ngày về)

ngày

55

0,15

8,25

 

1.7

Khoán vé máy bay đi lại TP.HCM - Nha Trang, Nha Trang - TP.HCM và tiền taxi 2 đầu

lượt

12

4,2

50,4

 

2

Chi cho lớp học và học viên

 

 

 

14,04

 

 

2.1

Photo tài liệu học tập cho học viên (500 đồng/trang)

trang

19.500

0,0005

9,75

TT 139/2010/TT-BTC theo thực tế

 

2.2

Đóng quyển tài liệu học tập cho học viên (10.000 đồng/quyển)

quyển

66

0,01

0,66

 

2.3

Chi văn phòng phẩm cho học viên (2.000 đồng/học viên)

HV

66

0,02

1,32

 

2.4

Cấp chứng chỉ cho học viên
(35.000 đồng/chứng chỉ)

chiếc

66

0,035

2,31

 

3

Chi phí quản lý

 

 

 

13,614

 

 

3.1

Phí quản lý  (10 %) của Trường Cán bộ

 

 

 

13,614

TT 139/2010/TT-BTC

 

4

Tổng cộng (1+2+3)

 

 

 

149,754

 

 

5

Thuê phòng ngủ cho học viên huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh (33 người x 28 đêm x 150.000 đồng/người)

số lượt
người

924

0,15

138,6

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

6

Xăng xe cho học viên Diên Khánh và Nha Trang (bình quân 50.000 đồng/người  x 33 người/ngày x 30 ngày)

số lượt
ngày

990

0,05

49,5

 

7

Ăn trưa, ăn tối cho học viên Diên Khánh và Nha Trang (33 người x 2 bữa x 30 ngày x 100.000 đồng/ngày)

số lượt
ngày ăn

1.980

0,1

198

 

 

8

Thuê phòng học

phòng

30

4

120

 

 

 

Tổng kinh phí

 

 

 

655,854

 

 

Kinh phí bình quân cho 01 học viên là: 9.937.182 đồng/học viên.

Chương trình có thể được chia thành nhiều đợt học theo sự sắp xếp của đơn vị.

1. Trách nhiệm của Trường:

Thiết kế chương trình, biên soạn và chỉnh sửa tài liệu, bố trí giảng viên giảng dạy phù hợp với các chuyên đề đã thống nhất giữa 2 bên;

Đảm bảo Điều kiện ăn, nghỉ của giảng viên trong thời gian tổ chức lớp học;

Đảm bảo đưa đón giảng viên đến nơi tổ chức lớp học;

Cung cấp tài liệu học tập cho học viên, văn phòng phẩm phục vụ giảng dạy và học tập cho lớp học;

Cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học cho các học viên đạt yêu cầu;

Cấp hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Trách nhiệm của đơn vị:

Đảm bảo chiêu sinh theo đúng đối tượng, thời gian và số lượng dự kiến;

Cử cán bộ phối hợp với Trường để quản lý lớp học;

Đảm bảo phòng học (âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, màn chiếu, nước uống,...);

Thanh toán kinh phí cho Trường.

 

PHỤ LỤC 7

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ ĐÀO TẠO BỒI DƯỜNG NGHIỆP VỤ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Cơ quan tổ chức lớp học: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa

Nội dung đào tạo: Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Thời gian thực hiện: Năm 2017.

Số lớp thực hiện: 04 lớp (2017: 5 lớp). (65 người/lớp)

Số lượng cán bộ được tập huấn năm 2017 là: 260 người (65 người/lớp, mỗi chức danh 01 lớp, tổng số 04 lớp).

Thành phần tham dự gồm 04 chức danh sau: Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phó Giám đốc; Kế toán trưởng và Trưởng Ban Kiểm soát của hợp tác xã nông nghiệp.

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng/lớp

Đơn giá/lớp
(triệu đồng)

Thành tiền/lớp
(triệu đồng)

Tổng số lớp

Tổng số tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

 

 

1

2

3

4

5

6=4x5

7

8=6x7

9

 

I

Công tác tổ chức

 

 

 

14,04

5

56,16

 

 

1

Thuê hội trường (01 hội trường/ngày)

ngày

1

4

4

4

16

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

2

Trang trí hội trường

 

1

1

1

4

4

 

3

Tài liệu (20.000 đồng/bộ/người)

bộ

65

0,02

1,3

4

5,2

 

4

Văn phòng phẩm (20.000 đồng/bộ/người)

bộ

65

0,02

1,3

4

5,2

 

5

Nước uống (20.000 đồng /người/ngày)

người

65

0,02

1,3

4

5,2

 

6

Chi phục vụ lớp học (02 người/lớp x 100.000 đồng /người/ngày x 01 ngày)

người x ngày

2

0,1

0,2

4

0,8

 

7

Thù lao thuê giảng viên (01 người/lớp x 02 buổi/lớp)

buổi

2

0,42

0,84

4

3,36

Điểm c, Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

 

8

Chi phí lưu trú cho giảng viên (02 ngày/người/lớp)

ngày

2

 

0,6

4

2,4

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

9

Tàu xe cho giảng viên (02 lượt/người/lớp)

lượt

2

1,5

3

4

12

 

10

Chi phí đi lại cho giảng viên
(01 người/01 ngày/lớp)

ngày

1

0,5

0,5

4

2

 

II

Hỗ trợ đại biểu không hưởng lương tại TP.Nha Trang

 

 

 

50,96

4

203,84

 

 

1

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu (100.000 đồng/người/ngày)

người

65

0,1

6,5

4

26

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

 

2

Hỗ trợ tiền xăng xe cho đại biểu không hưởng lương (bình quân 01 người x 60 km/lượt x 2 lượt x 30 km/lít x 17.100 đồng/lít = 68.400 đồng/người)

người

65

0,684

44,460

4

177,84

 

III

Chi khác

 

 

2

2

4

8

 

 

Tổng

 

 

 

67

4

268

 

 

 

PHỤ LỤC 12

TỔNG SỐ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Địa phương

Số lượng HTXNN

1

Huyện Vạn Ninh

HTXNN Vạn Lương 1; Vạn Lương 2; Vạn Phú 1; Vạn Phú 2; Vạn Phú 3; Vạn Bình; Vạn Thắng 2; Vạn Khánh; Vạn Phước; Vạn Long; Vạn Thọ; TT Vạn Giã; HTX TS Đầm Môn; HTXTS Khải Lương  và HTXTS Vạn Giã (15 HTX)

2

Thị xã Ninh Hòa

HTXNN Ninh An 1 và Ninh An 2; Ninh Thọ; Ninh Đa; Ninh Giang; Ninh Phú; Ninh Hà; Ninh Quang 1; Ninh Quang 2; Ninh Hưng; Ninh Bình; Ninh Đông; Ninh Phụng; Ninh Xuân; Ninh Thân 1 và Ninh Thân 2; Ninh Thương 1 và Ninh Thương 2; Ninh Trung 1 và Ninh Trung 2; Ninh Hưng; Ninh Lộc; Ninh Ích; Ninh Hiệp; HTX muối Ninh Hải; HTX muối Ninh Diêm; Ninh Thủy; HTX dùng nước An Thọ và HTX dùng nước An Đông (28 HTX)

3

Thành phố Nha Trang

HTXNN Vĩnh Thạnh; Vĩnh Trung; Vĩnh Ngọc; Vĩnh Thái; Vĩnh Phương và Vĩnh Hiệp; Phước Hải; HTX TS Thống Nhất; Song Thủy; Ngân Hà; Bích Hải và Đoàn Kết (12 HTX)

4

Huyện Diên Khánh

HTXNN Diên Sơn 1 và Diên Sơn 2; TT Diên Khánh; Diên Lộc; Diên Phú; Diên Bình; Diên Toàn; Diên An; Diên Xuân; Diên Phước; Diên Đồng; Diên Lạc; Diên Thạnh; Diên Điền 1 và Diên Điền 2; Diên Lâm 1 và Diên Lâm 2; Diên Thọ; Suối Hiệp 1 và Suối Hiệp 2; Diên Hòa; Suối Tiên và Diên Tân (23 HTX)

5

Huyện Cam Lâm

HTXNN Suối Tân và HTXNN Suối Cát (02 HTX)

6

Thành phố Cam Ranh

HTX muối Cam Nghĩa và HTX nuôi gà Cam Thành Nam (02 HTX)

 

Tổng số

 Có 82 HTXNN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Ghi chú: Trong Phụ lục này ghi HTXNN 1 và HTXNN 2, nghĩa là có 02 HTXNN được thành lập tại 01 địa phương (xã), còn lại mỗi xã chỉ thành lập có 01 HTXNN).

 

PHỤ LỤC 13

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐÃ TỔ CHỨC LẠI HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2012
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Số lượng HTXNN

1

Huyện Vạn Ninh

HTXNN Vạn Lương 1; Vạn Lương 2; Vạn Phú 1; Vạn Phú 2; Vạn Phú 3; Vạn Bình; TT Vạn Giã (07 HTX)

2

Ninh Hòa

Ninh Quang 1 và Ninh Quang 2, HTX 1/5 Ninh Diêm, HTXNN Ninh Lộc (04 HTX)

3

Nha Trang

HTXNN Vĩnh Thạnh; Vĩnh Trung; Vĩnh Thái; Vĩnh Phương và Vĩnh Hiệp; HTXTS Thống Nhất; Song Thủy; Ngân Hà; Bích Hải và Đoàn Kết (10 HTX)

4

Diên Khánh

HTXNN Diên Sơn 1 và Diên Sơn 2; TT Diên Khánh; Diên Lộc; Diên Phú; Diên Bình; Diên Toàn; Diên An; Diên Xuân; Diên Phước; Diên Đồng; Diên Lạc; Diên Thạnh; Diên Điền 1 và Diên Điền 2; Diên Lâm 1 và Diên Lâm 2; Diên Thọ; Suối Hiệp 1 và Suối Hiệp 2; Diên Hòa; Suối Tiên và Diên Tân (23 HTX)

5

Cam Ranh

HTX nuôi gà Cam Thành Nam (01 HTX)

 

Tổng số

45 HTX đã tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012

Chi tiết tại Phụ lục 13a

 

PHỤ LỤC 13A

DANH SÁCH HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP ĐÃ TỔ CHỨC LẠI HOẠT ĐỘNG
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

HTXNN
tại các huyện, thị xã, thành phố

Số giấy chứng nhận đăng ký

Ngày, tháng, năm đăng ký

I

HUYỆN VẠN NINH

 

 

1

HTXNN Vạn Lương 1

Chờ cấp giấy

 

2

HTXNN Vạn Lương 2

Chờ cấp giấy

 

3

HTXNN Vạn Phú 1

Chờ cấp giấy

 

4

HTXNN Vạn Phú 2

Chờ cấp giấy

 

5

HTXNN Vạn Phú 3

Chờ cấp giấy

 

6

HTXNN Vạn Bình

Chờ cấp giấy

 

7

HTXNN TT Vạn Giã

Chờ cấp giấy

 

II

THỊ XÃ NINH HÒA

 

 

1

HTXNN 1 Ninh Quang

370407000001

04/11/2015

2

HTXNN 2 Ninh Quang

370407000001

04/11/2015

3

HTX muối 1/5 Ninh Diêm

Chờ cấp giấy

 

III

THÀNH PHỐ NHA TRANG

 

 

1

HTXTS Thống Nhất

370107000006

03/12/2015

2

HTXNN Vĩnh Trung

370107000007

12/4/2016

3

HTXNN Vĩnh Phương

370107000008

08/5/2016

4

HTX Ngân Hà

370107000009

07/6/2016

5

HTXTS Đoàn Kết

3701070000010

10/6/2016

6

HTXNN Vĩnh Thạnh

3701070000011

15/6/2016

7

HTXTS Bích Hải

3701070000012

16/6/2016

8

HTXNN Vĩnh Thái

3701070000013

24/6/2016

9

HTXNN Vĩnh Hiệp

3701070000014

30/6/2016

10

HTX đóng tàu Song Thủy

Chờ đăng ký

 

IV

HUYỆN DIÊN KHÁNH

 

 

1

HTXNN Diên An

370507000004

10/6/2015

2

HTXNN Diên Toàn

3705070000010

19/5/2015

3

HTXNN Diên Thạnh

3705070000014

24/8/2015

4

HTXNN Diên Hòa

370507000003

10//7/2015

5

HTXNN Diên Bình

370507000005

07/7/2015

6

HTXNN Diên Phước

3705070000011

27/8/2015

7

HTXNN Diên Lộc

3705070000016

14/7/2015

8

HTXNN Diên Thọ

370507000009

28/5/2015

9

HTXNN Diên Đồng

370507000008

05/6/2015

10

HTXNN Diên Sơn 1

3705070000015

17/7/2015

11

HTXNN Diên Lâm 1

370507000006

05/6/2015

12

HTXNN Diên Lâm 2

3705070000013

06/5/2015

13

HTXNN Suối Hiệp 1

370507000001

07/7/2015

14

HTXNN Suối Hiệp 2

370507000007

16/6/2015

15

HTXNN Suối Tiên

370507000002

10/9/2015

16

HTXNN TT Diên Khánh

3705070000017

 

17

HTXNN Diên Lạc

Chờ cấp giấy

 

18

HTXNN Diên Phú

Chờ cấp giấy

 

19

HTXNN Diên Điền 1

Chờ cấp giấy

 

20

HTXNN Diên Điền 2

Chờ cấp giấy

 

21

HTXNN Diên Sơn

Chờ cấp giấy

 

22

HTXNN Diên Tân

Chờ cấp giấy

 

23

HTXNN Diên Xuân

Chờ cấp giấy

 

Ghi chú: Cụm từ “Chờ cấp giấy” nghĩa là các HTXNN đã tổ chức Đại hội xong nhưng đang chờ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

HTXNN Vạn Lương 1 và 2; HTXNN Vạn Phú 1, 2 và 3; HTXNN thị trấn Vạn Giã và HTXNN Vạn Bình (chưa có cơ sở).

 

PHỤ LỤC 14

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CHƯA ĐĂNG KÝ LẠI HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2012
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Số lượng HTXNN

1

Vạn Ninh

Vạn Bình; Vạn Thắng 2; HTXTS Đầm Môn; HTXTS Khải Lương  và HTXTS Vạn Giã (04 HTX)

2

Ninh Hòa

Ninh An 2; Ninh Đa; Ninh Giang; Ninh Hà; Ninh Đông; Ninh Phụng; Ninh Thân 1; Ninh Lộc; Ninh Ích; Ninh Hiệp; HTX muối Ninh Diêm; Ninh Thủy (12 HTX)

3

Cam Lâm

HTXNN Suối Cát (01 HTX)

4

Cam Ranh

HTX muối Cam Nghĩa (01 HTX)

 

Tổng số

17 HTXNN trên địa bàn tỉnh chưa đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012

 

PHỤ LỤC 15

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐÃ NGỪNG HOẠT ĐỘNG NHIỀU NĂM NHƯNG CHƯA GIẢI THỂ
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Số lượng HTXNN

1

Vạn Ninh

HTXNN Vạn Khánh; Vạn Phước; Vạn Long; Vạn Thọ

2

Ninh Hòa

HTXNN Ninh An 1; Ninh Thọ; Ninh Phú; Ninh Hưng; Ninh Bình; Ninh Xuân; Ninh Thân 2; Ninh Thương 1 và Ninh Thương 2; Ninh Trung 1 và Ninh Trung 2; HTX muối Ninh Hải; HTX dùng nước An Thọ và HTX dùng nước An Đông (14 HTX)

3

Nha Trang

HTXNN Vĩnh Ngọc và HTXNN Phước Hải (02 HTX)

 

Tổng số

20 HTXNN trên địa bàn tỉnh

 

PHỤ LỤC 16

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐÃ GIẢI THỂ
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Số lượng HTXNN

1

Cam Lâm

HTXNN Suối Tân (01 HTX)

 

Tổng số

01 HTXNN trên địa bàn tỉnh đã giải thể

 

PHỤ LỤC 17

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP CÓ TRỤ SỞ LÀM VIỆC XUỐNG CẤP
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Tên và số lượng HTXNN

1

Vạn Ninh

HTXNN Vạn Lương 2; Vạn Phú 2; Vạn Bình; Vạn Thắng 2; Vạn Khánh; Vạn Phước; Vạn Long; HTXNN thị trấn Vạn Giã và HTX TS Đầm Môn (09 HTX)

2

Ninh Hòa

HTXNN Ninh An 2; Ninh Phụng; Ninh Thân 1; Ninh Lộc; Ninh Hà; Ninh Quang 1; Ninh Quang 2; Ninh Giang; Ninh Đông; Ninh Ích và HTXM Ninh Thủy (11 HTX)

3

Nha Trang

HTXNN Vĩnh Trung, Vĩnh Phương và Vĩnh Hiệp, HTXTS Thống Nhất và Đoàn Kết (05 HTX)

4

Diên Khánh

HTXNN Diên Sơn 1; Diên Sơn 2; TT Diên Khánh; Diên Toàn; Diên An; Diên Xuân; Diên Lạc; Diên Thạnh; Diên Hòa và Suối Tiên (10 HTX)

5

Cam Lâm

HTXNN Suối Cát (01 HTX)

6

Cam Ranh

HTXM Cam Nghĩa (01 HTX)

 

Tổng

32 HTXNN trụ sở làm việc xuống cấp

 

PHỤ LỤC 18

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP CHƯA CÓ TRỤ SỞ LÀM VIỆC
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Tên và số lượng HTXNN

1

Vạn Ninh

HTXNN Vạn Thọ (đã ngừng hoạt động nhiều năm)

2

Ninh Hòa

HTXNN Ninh Đa và Ninh An 1 (HTXNN Ninh An 1 đã ngừng hoạt động nhiều năm)

3

Nha Trang

HTXTS Bích Hải

4

Diên Khánh

HTXNN Diên Tân và Diên Đồng

5

Cam Ranh

HTX nuôi gà Cam Thành Nam (mới thành lập chưa đủ 03 năm)

 

Tổng

06 HTXNN chưa có trụ sở làm việc

 

PHỤ LỤC 19

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP CHƯA CÓ CỬA HÀNG MUA BÁN VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Tên và số lượng HTXNN

1

Vạn Ninh

HTXNN Vạn Phú 1; Vạn Phú 3;  Vạn Bình; Vạn Thắng 2; Vạn Khánh; Vạn Phước; Vạn Long và TT Vạn Giã (08 HTX)

2

Ninh Hòa

HTXNN Ninh An 2; Ninh Phụng; Ninh Thân 1; Ninh Lộc; Ninh Hà và Ninh Giang (06 HTX)

3

Nha Trang

HTXNN Vĩnh Hiệp (01 HTX)

4

Diên Khánh

HTXNN Diên Sơn 2; Diên Phú; Diên Xuân; Diên Phước; Diên Thạnh và Diên Điền 1 (06 HTX)

5

Cam Lâm

HTXNN Suối Cát (01 HTX)

 

Tổng cộng

22 HTXNN chưa có cửa hàng

 

PHỤ LỤC 20

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP CHƯA CÓ SÂN PHƠI NÔNG SẢN
(TÍNH ĐẾN THÁNG 8/2016)
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Huyện

Số lượng HTXNN

1

Vạn Ninh

HTXNN Vạn Thọ, Vạn Thắng 2 và HTXNN Vạn Long (03 HTX)

2

Ninh Hòa

HTXNN Ninh An 1, Ninh An 2, Ninh Đa, Ninh Phụng, Ninh Thân 1, Ninh Lộc, Ninh Hà, Ninh Quang 1, Ninh Quang 2 và Ninh Đông (10 HTX)

3

Nha Trang

HTXNN Vĩnh Hiệp (01 HTX)

4

Diên Khánh

HTXNN Diên Sơn 2, TT Diên Khánh, Diên Tân, Diên Xuân, Diên Phước, Diên Điền 1 và HTXNN Diên Đồng (07 HTX)

5

Cam Lâm

HTXNN Suối Cát (01 HTX)

 

Tổng số

22 HTXNN chưa có sân phơi

 

PHỤ LỤC 3

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ TẬP HUẤN CÁN BỘ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Cơ quan tổ chức lớp học: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nội dung bồi dưỡng: Tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định 151.

Thời gian thực hiện: Năm 2017-2018.

Số lớp thực hiện: 02 lớp (năm 2017: 1 lớp; năm 2018: 1 lớp).

Số lượng cán bộ được tập huấn năm 2017-2018 là: 300 người (150 người/lớp).

Thành phần tham dự: Cán bộ là Trưởng và Phó Trưởng Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện; cán bộ là Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân và cán bộ đoàn thể khác cấp xã của 65 xã, phường và thị trấn (cấp xã) trên địa bàn toàn tỉnh.

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng/lớp

Đơn giá/lớp
(triệu đồng)

Kinh phí NSNN thực hiện phân theo từng năm (triệu đồng)

Thành tiền/lớp
(triệu đồng)

Ghi chú

2017

2018

1

2

3

4

5

6=4x5x1lớp

7=4x5x1lớp

8=6+7

 

1

Thuê hội trường (01 hội trường/ngày)

ngày

1

4

4

4

8

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2

Trang trí hội trường

 

1

1

1

1

2

3

Tài liệu (20.000 đồng/bộ/người)

bộ

150

0,02

3

3

6

4

Văn phòng phẩm (20.000 đồng/bộ/người)

bộ

150

0,02

3

3

6

5

Nước uống (20.000 đồng/người/ngày)

người

150

0,02

3

3

6

6

Chi phục vụ lớp học (02 người/lớp x 100.000 đồng/người/ngày x 01 ngày)

người x ngày

2

0,1

0,2

0,2

0,4

 

7

Thù lao cho báo cáo viên (01 người/lớp x 02 buổi/lớp)

buổi

2

0,2

0,4

0,4

0,8

Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

8

Chi khác

 

1

1

1

1

2

 

Tổng

 

 

 

15,6

15,6

31,2

 

 

PHỤ LỤC 4

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ  HỖ TRỢ TẬP HUẤN CÁN BỘ VÀ THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Cơ quan tổ chức tập huấn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nội dung đào tạo: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Hợp tác xã.

Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017-2020.

Số lớp thực hiện: 20 lớp (2017: 5 lớp; 2018: 5 lớp; 2019: 5 lớp và 2020: 5 lớp) (100 người/lớp).

Số lượng người được tập huấn: 2.000 người (cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã nông nghiệp).

Thành phần tham dự: Cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá/lớp
(triệu đồng)

Kinh phí NSNN thực hiện phân theo từng năm (triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

2017

2018

2019

2020

1

2

3

4

5

6=4x5x5lớp

7=4x5x5lớp

8=4x5x5lớp

9=4x5x5lớp

10=6+7+8+9

11

I

Công tác tổ chức

 

 

 

40,5

40,5

40,5

40,5

162

 

1

Thuê hội trường (01 hội trường/ngày)

ngày

1

1

5

5

5

5

20

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2

Trang trí hội trường

 

1

0,5

2,5

2,5

2,5

2,5

10

3

Tài liệu (20.000 đồng /bộ/người)

bộ

100

0,02

10

10

10

10

40

4

Văn phòng phẩm
(20.000 đồng/bộ/người)

bộ

100

0,02

10

10

10

10

40

5

Nước uống (20.000 đồng/người/ngày)

người

100

0,02

10

10

10

10

40

 

6

Chi phục vụ lớp học (02 người/lớp x 100.000 đồng/người/ngày x 01 ngày)

người/lớp

2

0,1

1

1

1

1

4

 

7

Thù lao cho báo cáo viên (01 người/lớp x 02 buổi/lớp)

buổi/lớp

2

0,2

2

2

2

2

8

Điểm e, Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

II

Hỗ trợ đại biểu không hưởng lương tổ chức tại huyện

 

 

 

45

45

45

45

180

 

1

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu (60.000 đồng /người/ngày)

người/lớp

100

0,06

30

30

30

30

120

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2

Hỗ trợ tiền xăng xe cho đại biểu không hưởng lương (bình quân 01 người x 25 km x 2 lượt x 30 km/lít x 17.100 đồng/lít = 28.500 đồng/người (30.000 đồng) 

người

100

0,03

15

15

15

15

60

III

Công tác quản lý

 

 

 

9,04

9,04

9,04

9,04

36,16

 

 

Công tác phí

người

6

0,06

1,8

1,8

1,8

1,8

7,2

 

 

Xăng xe (70 km/lượt x 2 lượt x 0,2 lít/km)

lít

28

0,016

2,24

2,24

2,24

2,24

8,96

 

IV

Chi khác

 

1

1

5

5

5

5

20

 

Tổng = I+II+III+IV

 

 

 

94,54

94,54

94,54

94,54

378,16

 

 

PHỤ LỤC 5

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ HỖ TRỢ TẬP HUẤN TỔ HỢP TÁC
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Cơ quan tổ chức lớp tập huấn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  

Nội dung đào tạo: Tập huấn Nghị định 151 cho thành viên tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017-2019.

Số lớp thực hiện: 03 lớp (năm 2017: 1 lớp; năm 2018: 01 lớp và năm 2019: 01 lớp) (100 người/lớp).

Số người đào tạo: Tổng số người giai đoạn 2017-2019 là 300 người.

Thành phần tham dự: Các thành viên tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh.

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Kinh phí thực hiện theo từng năm
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú

2017

2018

2019

1

2

3

4

5

6=4x5x1lớp

7=4x5x1lớp

8=4x5x1lớp

9=6+7+8

10

I

Công tác tổ chức

 

 

 

11,6

11,6

11,6

34,8

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

1

Thuê hội trường (01 hội trường/ngày)

ngày

1

4

4

4

4

12

2

Trang trí hội trường

 

1

1

1

1

1

3

3

Tài liệu (20.000 đồng/bộ/người)

bộ

100

0,02

2

2

2

6

4

Văn phòng phẩm (20.000 đồng/bộ/người)

bộ

100

0,02

2

2

2

6

5

Nước uống (20.000 đồng/người/ngày)

người

100

0,02

2

2

2

6

6

Chi phục vụ lớp học (02 người/lớp x 100.000 đồng/người/ngày x 01 ngày)

người x ngày

2

0,1

0,2

0,2

0,2

0,6

 

7

Thù lao cho báo cáo viên (01 người/lớp x 02 buổi/lớp)

buổi

2

0,2

0,4

0,4

0,4

1,2

Điểm e, Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND

II

Hỗ trợ đại biểu không hưởng lương tại TP. Nha Trang

 

 

 

16,84

16,84

16,84

50,52

 

1

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu (100.000 đồng/người/ngày)

người

100

0,1

10

10

10

30

Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND

2

Hỗ trợ tiền xăng xe cho đại biểu không hưởng lương (bình quân 01 người x 60 km x 2 lượt x 30 km/lít x 17.100 đồng/lít = 68.400 đồng/người)

người

100

0,0684

6,84

6,84

6,84

20,52

III

Chi khác

 

1

2

2

2

2

6

 

Tổng = I+II+III

 

 

 

30,44

30,44

30,44

91,32

 

 

PHỤ LỤC 8

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ HỖ TRỢ LÃI SUẤT VỐN VAY CHO HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP VÀ TỔ HỢP TÁC
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa

Nội dung: Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã muối, hợp tác xã thủy sản và tổ hợp tác.

Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017-2020.

Đối tượng được hỗ trợ là hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã muối và hợp tác xã thủy sản; tổ hợp tác.

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Mức cho
 vay
(triệu đồng)

Tổng giá trị vốn vay từ ngân hàng (triệu đồng)

Dự kiến mức lãi suất tối đa là 10%/năm
(triệu đồng)

Lãi suất hỗ trợ 100% cho 02 năm đầu
(triệu đồng)

Lãi suất hỗ trợ 50% cho năm thứ 3
(triệu đồng)

Tổng lãi suất hỗ trợ
(triệu đồng)

HTXNN/THT đối ứng 50% lãi suất của năm thứ ba (triệu đồng)

Tổng kinh phí mà HTXNN và THT đối ứng 50% lãi suất của năm thứ ba (triệu đồng)

Ghi chú

2017

2018

2019

2018

2019

2020

2019

2020

1

2

3

4

5

6=4x5

7=6x10%/năm

8=7

9=7

10=7

11

12=7/2

13=7/2

14=8+9+10+11+12

15

16

17=15+16

18

1

Thời điểm HTX vay vốn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg và Điểm e, Khoản 2, Điều Nghị định số 55/2015/NĐ-CP

a

2017

HTX

20

1.000

20.000

2.000

2.000

2.000

 

 

1.000

 

5.000

1.000

 

1.000

b

2018

HTX

20

1.000

20.000

2.000

 

2.000

2.000

 

 

1.000

5.000

 

1.000

1.000

2

Thời điểm THT vay vốn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a

2017

THT

10

300

3.000

300

300

300

 

 

150

 

750

150

 

150

b

2018

THT

10

300

3.000

300

 

300

300

 

 

150

750

 

150

150

Tổng

 

 

 

46.000

4.600

2.300

4.600

2.300

 

1.150

1.150

11.500

1.150

1.150

2.300

 

Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

 

PHỤ LỤC 9

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ  HỖ TRỢ 80% XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa

Nội dung: Hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng của hợp tác xã nông nghiệp.

Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017-2020.

Đối tượng được hỗ trợ là trụ sở làm việc, sân phơi và cửa hàng của hợp tác xã.

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng

Mức hỗ trợ
(triệu đồng)

Tổng kinh phí
(triệu đồng)

Kinh phí NSNN hỗ trợ và phân theo từng năm
(triệu đồng)

Tổng kinh phí
hỗ trợ (triệu đồng)

Kinh phí HTXNN đối ứng phân theo từng năm (triệu đồng)

Tổng kinh phí
đối ứng
(triệu đồng)

Ghi chú

2017

2018

2019

2020

2017

2018

2019

2020

1

2

3

4

5

6=4x5

7=6x80/100/4 năm

8

9=6x20/100/4

10

11

1

Dự kiến đến 2019-2020 xây dựng mới 10 trụ sở làm việc của HTXNN (150 m²/trụ sở x 3.000.000 đồng/m²)

trụ sở

10

450

4.500

 

 

1.800

1.800

3.600

 

 

450

450

900

Theo Khoản 2, Mục III, Điều 1, Quyết định số
2261/2014/QĐ-TTg

2

Xây dựng mới 22 sân phơi cho HTX (500 m²/sân x 500.000 đồng/m²)

sân

22

250

5.500

1.100

1.100

1.100

1.100

4.400

275

275

275

275

1.100

3

Xây dựng mới 22 cửa hàng cho HTX (200 m²/cửa hàng x 2.500.000 đồng/m²)

cửa hàng

22

375

8.250

1.650

1.650

1.650

1.650

6.600

412,5

412,5

412,5

412,5

1.650

Tổng

 

 

 

18.250

2.750

2.750

4.550

4.550

14.600

687,5

687,5

1.137,5

1.137,5

3.650

 

 

PHỤ LỤC 10

DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ  HỖ TRỢ KHÁC CHO HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC
(Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

STT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Mức hỗ trợ
(%)

Số lượng

Đơn giá
(triệu đồng)

Kinh phí thực hiện theo từng năm
(triệu đồng)

Thành tiền
(triệu đồng)

Ghi chú
(căn cứ)

2017

2018

2019

2020

a

b

c

d

đ

e

g=đ/4xe

h=đ/4xe

i=đ/4xe

k=đ/4xe

l=g+h+i+k

m

1

Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

cơ sở

100

20

35

175

175

175

175

700

QĐ số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014

2

Hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng (tối thiểu là 8.000.000 đồng)

gian hàng

50

20

4

20

20

20

20

80

3

Hỗ trợ thành lập HTX, THT

 

 

 

 

688

688

688

688

2.750

3.1

Hỗ trợ thành lập mới HTX

 

 

 

 

525

525

525

525

2.100

a

Chi thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hợp tác xã: Gồm phát hành bộ tài liệu các văn bản pháp luật có liên quan

HTX

100

30

5

38

38

38

38

150

b

Chi tư vấn trực tiếp đối với các sáng lập viên, đại diện hợp tác xã chuẩn bị thành lập

HTX

100

30

5

38

38

38

38

150

c

Chi tổ chức hội nghị thành lập

HTX

100

30

10

75

75

75

75

300

d

Chi mua trang thiết bị văn phòng

HTX

100

30

50

375

375

375

375

1.500

3.2

Hỗ trợ thành lập THT

 

 

 

 

163

163

163

163

650

a

Chi thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về THT gồm phát hành bộ tài liệu các văn bản pháp luật có liên quan

THT

100

20

2,5

13

13

13

13

50

 

b

Chi tư vấn trực tiếp đối với các sáng lập viên, đại diện THT chuẩn bị thành lập

THT

100

20

2,5

13

13

13

13

50

c

Chi tổ chức hội nghị thành lập THT

THT

100

20

2,5

13

13

13

13

50

d

Chi mua trang thiết bị văn phòng

 

 

20

25

125

125

125

125

500

4

Tổ chức lại hoạt động (tối đa 30.000.000 đồng/HTX)

HTX

50

27

30

810

 

 

 

810

5

Tổ chức hợp nhất, sáp nhập, giải thể (tối đa 50.000.000 đồng/HTX)

HTX

50

28

30

210

210

210

210

840

6

Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (05 mô hình/năm)

mô hình

100

20

300

1.500

1.500

1.500

1.500

6.000

7

Phóng sự, chuyên mục về kinh tế tập thể

bài

100

20

5

25

25

25

25

100

 

8

Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình HTXNN kiểu mới của một số tỉnh, thành trong cả nước

đợt

100

4

50

50

50

50

50

200

 

Tổng cộng = 1+2+3+4+5+6+7+8

 

 

 

 

3.478

2.668

2.668

2.668

11.480

 

Ghi chú: g=đ/4xe (số 4 trong công thức này là 4 năm, các công thức khác tương tự).

 

PHỤ LỤC 11

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÂN NGUỒN VỐN THEO NĂM
 (Kèm theo Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

CHỈ TIÊU

VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TỔNG

VỐN ĐỐI ỨNG CỦA HTXNN

TỔNG

VỐN SỰ NGHIỆP

VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

2016

2017

2018

2019

2020

2017

2018

2019

2020

2017

2018

2019

2020

1

Tuyền truyền pháp luật (PL 2, 3, 4 và 5)

80

140,58

140,58

124,98

94,54

 

 

 

 

580,68

 

 

 

 

 

a

Hướng dẫn thành lập mới 4 HTXNN và tập huấn đăng ký lại 25 HTXNN (PL 2: 2a, 2b, 2c, 2d, 2đ, 2e, 2f)

80

 

 

 

 

 

 

 

 

80

 

 

 

 

 

b

Tập huấn cho cán bộ QLNN (PL 3)

 

15,6

15,6

 

 

 

 

 

 

31,2

 

 

 

 

 

c

Tập huấn cho cán bộ và thành viên HTX (PL 4)

 

94,54

94,54

94,54

94,54

 

 

 

 

378,16

 

 

 

 

 

d

Tập huấn THT (PL 5)

 

30,44

30,44

30,44

 

 

 

 

 

91,32

 

 

 

 

 

2

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn của HTXNN

 

923,854

 

 

 

 

 

 

 

923,854

 

 

 

 

 

a

Đào tạo cán bộ HTX (Giám đốc điều hành, PL 6)

 

655,854

 

 

 

 

 

 

 

655,854

 

 

 

 

 

b

Bồi dưỡng cán bộ HTX (PL 7)

 

268

 

 

 

 

 

 

 

268

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ lãi suất vốn vay theo QĐ 68 (PL 8)

 

2.300

4.600

3.450

1.150

 

 

 

 

11.500

 

 

1.150

1.150

2.300

4

Hỗ trợ 80% kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng (PL 9)

 

 

 

 

 

2.750

2.750

4.550

4.550

14.600

687,5

687,5

1.137,5

1.137,5

3.650

5

Hỗ trợ khác (PL 10)

 

3.478

2.668

2.668

2.668

 

 

 

 

11.480

20

20

20

20

80

a

Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

 

175

175

175

175

 

 

 

 

700

 

 

 

 

 

b

Hỗ trợ tham gia triển lãm xúc tiến thương mại

 

20

20

20

20

 

 

 

 

80

20

20

20

20

80

c

Hỗ trợ thành lập HTX và THT

 

688

688

688

688

 

 

 

 

2.750

 

 

 

 

 

c1

Hỗ trợ thành lập HTX mới

 

525

525

525

525

 

 

 

 

2.100

 

 

 

 

 

c2

Thành lập THT

 

163

163

163

163

 

 

 

 

650

 

 

 

 

 

d

Hỗ trợ tổ chức lại hoạt động

 

810

 

 

 

 

 

 

 

810

 

 

 

 

 

đ

Tổ chức hợp nhất, sáp nhập, giải thể (tối đa 50.000.000 đồng/HTX)

 

210

210

210

210

 

 

 

 

840

 

 

 

 

 

e

Xây dựng mô hình liên kết

 

1.500

1.500

1.500

1.500

 

 

 

 

6.000

 

 

 

 

 

g

Phóng sự, chuyên mục về kinh tế tập thể

 

25

25

25

25

 

 

 

 

100

 

 

 

 

 

h

Tham quan học tập kinh nghiệm mô hình HTXNN kiểu mới tại tỉnh bạn

 

50

50

50

50

 

 

 

 

200

 

 

 

 

 

 

Tổng vốn đầu tư

80

6.842

7.408

6.242

3.912

2.750

2.750

4.550

4.550

39.084,534

707,5

707,5

2.307,5

2.307,5

6.030

 

45.114,534

 

24.484,534

14.600

 

6.030

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3169/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020

  • Số hiệu: 3169/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Nguyễn Đắc Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản