Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3247/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 16 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2006-2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BCT ngày 28/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Tờ trình số 107/TTr-SCT ngày 11 tháng 11 năm 2016 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, có xét đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, có xét đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển.

- Phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, có xét đến năm 2030 cần phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh; Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn và các quy hoạch khác liên quan. Phát triển cụm công nghiệp một cách hợp lý theo hướng không gian phát triển các cụm công nghiệp phải phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường, tiết kiệm được quỹ đất, bảo đảm mục tiêu phát triển các cụm công nghiệp là nhằm chuyển dịch lao động nông thôn và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư.

- Phát triển cụm công nghiệp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội.

II. Đối tượng thu hút vào cụm công nghiệp

Cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm di đời, sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không phân biệt loại hình kinh doanh) triển khai các ngành nghề theo đúng quy hoạch của từng cụm, để thực hiện việc chuyển dịch lao động nông thôn;

III. Lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích di dời, đầu tư vào cụm công nghiệp

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2025 và căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; định hướng thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp gồm các ngành nghề chính như sau:

1. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản;

2. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cần di dời ra khỏi làng nghề, khu dân cư;

3. Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động;

4. Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn;

5. Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ;

6. Các ngành nghề, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương, được khuyến khích theo quy định của UBND tỉnh trên nguyên tắc không được vượt khung quy định của pháp luật.

IV. Mục tiêu phát triển

Giai đoạn 2016-2020, có xét đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển 14 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 486 ha; các cụm công nghiệp được phân bổ tại các địa phương, như sau:

4.1. Huyện Tân Thành

Phát triển 05 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 176 ha, gồm: cụm công nghiệp Hắc Dịch 1 (30 ha), cụm công nghiệp Boomin Vina (50 ha), cụm công nghiệp Đá tẩy - Đá chẻ (21 ha); cụm công nghiệp Tóc Tiên (bổ sung 35 ha) và cụm công nghiệp Hỗ trợ (bổ sung 43 ha);

4.2. Huyện Châu Đức

Phát triển 01 cụm công nghiệp Ngãi Giao, với qui mô 30 ha; cụm công nghiệp này đã lấp đầy 100%.

4.3. Thành phố Bà Rịa

Phát triển 03 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 100 ha, gồm: Cụm công nghiệp Hồng Lam (30 ha); Cụm công nghiệp Hoà Long (50 ha); và cụm công nghiệp Long Hương 2 (20 ha).

4.4. Huyện Long Điền

Phát triển 02 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 73 ha, gồm: cụm công nghiệp An Ngãi (43 ha); cụm công nghiệp Tam Phước (bổ sung 30 ha).

4.5. Thành phố Vũng Tàu

Phát triển 01 cụm công nghiệp Phước Thắng, với qui mô khoảng 40 ha, để phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố.

4.6. Huyện Xuyên Mộc

Phát triển 01 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 50 ha, nhằm đáp ứng mục tiêu di đời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

4.7. Huyện Côn Đảo

Phát triển 01 cụm công nghiệp, với qui mô khoảng 14 ha, để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm Côn Sơn và để tập trung các ngành sản xuất như: Kho lạnh bảo quản; gia công cơ khí; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ hàng hải; các cơ sở sản xuất nguyên vật liệu cho các ngành xây dựng.

Danh mục CCN quy hoạch giai đoạn 2016-2020, có xét đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

STT

Tên cụm công nghiệp

Quy mô (ha)

Địa điểm

Chủ đầu tư

Ghi chú

I

Huyện Tân Thành

179

 

 

 

1

CCN Hắc Dịch 1

30

Xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành

Công ty Cổ phần Phú Mỹ

 

2

CCN Boomin Vina

50

Xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành

Công ty TNHH Boomin Vina

 

3

CCN Đá tẩy - Đá chẻ

21

Xã Tân Phước, huyện Tân Thành

UBND huyện Tân Thành

 

4

CCN Tóc Tiên

35

Xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành

 

Bổ sung

5

CCN Hắc Dịch 2

43

Xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành

 

Bổ sung

II

Huyện Châu Đức

30

 

 

 

1

CCN Ngãi Giao

30

Thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức

Công ty TNHH XD TM Kim Cương

 

III

Thành phố Bà Rịa

100

 

 

 

1

Hồng Lam

30

Phường Kim Dinh, TP Bà Rịa

Công ty CP TM Hồng Lam

 

2

Hòa Long

50

Xã Hòa Long, TP Bà Rịa

UBND TP Bà Rịa

 

3

Long Hương 2

20

Phường Long Hương, TP Bà Rịa

UBND TP Bà Rịa

 

IV

Huyện Long Điền

73

 

 

 

1

An Ngãi

43

Xã An Ngãi, huyện Long Điền

Công ty Cổ phần Đầu tư & XD Tân Phước Thịnh

 

2

Tam Phước

30

Xã Tam Phước, huyện Long Điền

 

Bổ sung

V

Vũng Tàu

40

 

 

 

1

Phước Thắng

40

Phường 12, TP Vũng Tàu

UBND TP Vũng Tàu

 

VI

Huyện Xuyên Mộc

50

 

 

 

1

Phước Tân

50

 

 

Bổ sung

VII

Huyện Côn Đảo

14

 

 

 

1

Bến Đầm

14

 

UBND huyện Côn Đảo

 

 

Tổng cộng

486.0

 

 

 

V. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch

1. Giải pháp về quy hoạch và quản lý

Gắn kết chặt chẽ công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp đảm bảo sự lồng ghép hài hòa giữa phát triển cụm công nghiệp với phát triển công nghiệp, phát triển KT-XH của từng địa phương, gắn việc bố trí các cơ sở công nghiệp với cơ sở dịch vụ để khai thác lợi thế và thu hút đầu tư.

a. Đối với cụm công nghiệp đề nghị mở rộng diện tích

Đối với các cụm công nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích cần tuân thủ các điều kiện như sau:

- Có quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện, đáp ứng nhu cầu mở rộng cụm công nghiệp;

- Nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp;

- Đã đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% (sáu mươi phần trăm);

- Đã hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp theo quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

b. Đối với cụm công nghiệp bổ sung quy hoạch hoặc thành lập mới

- Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh; quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành, sản phẩm liên quan khác trên địa bàn;

- Có quỹ đất công nghiệp đủ để thành lập cụm công nghiệp mới;

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp huyện có nhu cầu thuê đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh theo đúng định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nhưng các cụm công nghiệp hiện đang hoạt động tại địa bàn cấp huyện nơi dự kiến bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư (vị trí, diện tích, ngành nghề sản xuất...);

- Có doanh nghiệp, tổ chức đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp dự kiến bổ sung;

2. Giải pháp về môi trường đầu tư

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp.

- Tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi, sự hỗ trợ, quan tâm đối với các nhà đầu tư ngay ở giai đoạn đầu thực hiện dự án nhằm tạo niềm tin để thu hút thêm những nhà đầu tư mới, cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư hiện hữu.

- Hỗ trợ nhà đầu tư sau khi dự án được chấp nhận, bao gồm: giải quyết thủ tục điều chỉnh giấy phép đầu tư, thủ tục giao nhận mặt bằng, giấy phép xây dựng, đấu thầu, ưu đãi đầu tư... công tác tuyển dụng nguồn nhân lực, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu,... các thủ tục hải quan, bảo hiểm, vận tải,... hỗ trợ tiếp cận các tổ chức tín dụng, các thông tin kinh tế - xã hội liên quan, tư vấn văn hóa cho nhà đầu tư,...

3. Giải pháp về vốn

- Tập trung huy động mọi nguồn lực, để triển khai quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông đến địa điểm xây dựng cụm công nghiệp và kinh phí đầu tư hạ tầng đối với các cụm công nghiệp do địa phương đầu tư nhằm di dời các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn vào cụm công nghiệp; Tổ chức xúc tiến đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp; hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đầu tư vào cụm công nghiệp;

- Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nguồn vốn tín dụng đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và các nhà đầu tư các cơ sở công nghiệp góp vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp;

- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công Quốc gia, từ chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn ban hành theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công, Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của liên Bộ Tài chính - Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

4. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo có trang bị hiện đại trong và ngoài tỉnh để đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp có sử dụng lao động góp vốn và trang bị phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại doanh nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí theo quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư;

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trên cơ sở nghiên cứu, dự báo đúng nhu cầu lao động theo ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn;

- Xây dựng các chính sách, chế độ ưu đãi, khuyến khích thu hút các tổ chức, hiệp hội, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nghệ nhân tham gia quản lý và truyền nghề tại các cụm công nghiệp;

5. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Đối với các cụm công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tổng thể cho toàn bộ cụm công nghiệp trước năm 2018;

- Đối với các cụm công nghiệp phát triển mới, chủ đầu tư hạ tầng, phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tổng thể, đạt tiêu chuẩn theo quy định, trước khi cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê để triển khai dự án;

- Các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trong cụm công nghiệp chỉ được phép đưa vào hoạt động khi đã đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định, trước khi thải vào hệ thống thu gom chung của toàn cụm công nghiệp;

- Từng bước xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trong cụm công nghiệp.

6. Giải pháp di dời các cơ sở ô nhiễm

- Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường di dời đầu tư vào các cụm công nghiệp;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm khảo sát, lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thực hiện kế hoạch di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn vào cụm công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu vực dân cư.

7. Giải pháp hỗ trợ hoạt động phát triển cụm công nghiệp

Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các hoạt động phát triển cụm công nghiệp gồm:

- Điều tra, khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu di dời đầu tư vào cụm công nghiệp; lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; kiểm tra, khảo sát, đánh giá các cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp và kinh nghiệm phát triển cụm công nghiệp ở trong và ngoài nước;

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về cụm công nghiệp;

- Hỗ trợ lập dự án đầu tư, chi phí di dời cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, làng nghề đầu tư vào trong cụm công nghiệp; hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất và các hoạt động phát triển cụm công nghiệp khác liên quan.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Để tổ chức triển khai quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, UBND tỉnh giao trách nhiệm như sau:

1. Sở Công Thương

Sở Công Thương là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển cụm công nghiệp;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện có liên quan thẩm định hồ sơ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp; thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp;

- Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện các hoạt động phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, gửi Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách địa phương, trình UBND tỉnh quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

- Chủ trì hoặc tham gia thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và dự án đầu tư xây dựng công trình trong cụm công nghiệp, Báo cáo đánh giá tác động môi trường cụm công nghiệp; chủ trì hoặc tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn;

- Chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy hoạch, các quy định, chính sách của nhà nước về phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các vấn đề mới phát sinh; tổ chức các hoạt động thi đua, khen thưởng phát triển cụm công nghiệp;

- Hằng quý, hằng năm, báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hoạt động sản xuất kinh doanh của các cụm công nghiệp trên địa bàn; cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cụm công nghiệp, đề xuất điều chỉnh bổ sung cụm công nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của Tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp (sau khi có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tổ chức xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu lập kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp do các địa phương làm chủ đầu tư, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh trong các cụm công nghiệp.

3. Sở Tài chính

- Hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được hỗ trợ phục vụ phát triển cụm công nghiệp; tổ chức thanh tra, kiểm tra, quyết toán đúng quy định; Đảm bảo kinh phí hoạt động về QLNN đối với các cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn và tổ chức công tác thẩm tra, kiểm tra quyết toán vốn đầu tư của các dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

4. Sở Xây dựng

- Hướng dẫn lập, điều chỉnh dự án quy hoạch chi tiết xây dựng các CCN; chủ trì thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt dự án theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan giám định chất lượng các công trình xây dựng, giám định sự cố công trình tại các cụm công nghiệp theo đúng quy định hiện hành;

- Thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình xây dựng trong cụm công nghiệp và các công trình có liên quan đến các cụm công nghiệp theo phân cấp và quy hoạch của Nhà nước.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, hướng dẫn các đơn vị và chủ đầu tư lập kế hoạch sử dụng đất trong các cụm công nghiệp; thực hiện quản lý và sử dụng lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực Tài nguyên và môi trường trong các cụm công nghiệp;

- Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc nếu được ủy quyền, phê duyệt các Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại mỗi cụm công nghiệp;

- Phối hợp với Sở Công Thương và UBND các địa phương tiến hành kiểm tra xác định mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại các địa phương để phân loại và xác định thứ tự trước sau phải di dời các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại các khu vực dân cư vào các cụm công nghiệp.

6. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển các công trình đường bộ theo phân cấp đảm bảo giao thông thông suốt, liên hoàn đáp ứng tốt nhu cầu phát triển các cụm công nghiệp;

- Hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ khi cụm công nghiệp có nhu cầu đấu nối vào các tuyến đường theo đúng quy định hiện hành.

7. Sở Lao động và Thương binh - Xã hội

Triển khai quy hoạch nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp. Lập kế hoạch đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật phục vụ quá trình phát triển của các ngành công nghiệp theo định hướng quy hoạch.

8. Các ngành Điện, Nước, Bưu chính Viễn Thông

Có kế hoạch đưa điện, nước, đảm bảo thông tin liên lạc đến các khu công nghiệp nói chung và các cụm công nghiệp nói riêng, phù hợp với tiến độ thực hiện và đảm bảo nguồn cung cấp điện, nước theo nhu cầu phát triển.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Tổ chức điều tra, khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn; lập, thực hiện kế hoạch di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp; đề xuất quy hoạch, bổ sung, rút khỏi quy hoạch cụm công nghiệp và chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch xây dựng trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư,... để nhanh chóng triển khai xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn.

- Chủ trì hoặc tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định;

- Hằng quý, hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công Thương tình hình quy hoạch, thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh của các cụm công nghiệp trên địa bàn; cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cụm công nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Website Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND Tỉnh (để b/c);
- Các Ban của Tỉnh ủy và HĐND Tỉnh;
- UBMTTQ Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc Hội Tỉnh;
- Các Tổ chức Đoàn thể cấp tỉnh;
- Chù tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Đài PTTH Tỉnh, Báo BR-VT;
- Trung Tâm công báo tỉnh;
- Lưu VT, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Quốc