Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 15/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2006 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại các tờ trình: số 42/TTr-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2006, số 3175/TTr-UBND ngày 12 tháng 06 năm 2006; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 6849/BKH-TĐ&GSĐT ngày 15 tháng 9 năm 2006 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020
,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006 -2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

a) Tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, khuyến khích và tạo điều kiện bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển, tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư trong Tỉnh, trong nước và nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

b) Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh;

c) Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo đảm thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chú trọng phát triển khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giảm dần sự chênh lệch về thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản và tăng thu nhập giữa vùng nông thôn, hải đảo với vùng đô thị;

d) Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, coi nguồn nhân lực là một nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội;

đ) Kết hợp đồng bộ giữa phát triển sản xuất với phát triển kết cấu hạ tầng trên các vùng;

e) Thực hiện phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở bảo vệ, tái sinh và làm giàu tài nguyên biển, rừng, đất đai, nguồn nước, bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường sinh thái, biển;

g) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

2. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu tổng quát: xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành Tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển, với hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế, là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của khu vực và của cả nước; nâng cao rõ rệt mức sống nhân dân; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tăng trưởng GDP trung bình/năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt 11,32% (không tính dầu khí đạt 17,49%); giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11,8% (không tính dầu khí đạt 16,58%); giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,13% (không tính dầu khí đạt 13,35%);

- Tạo sự chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy phát triển nhanh khu vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng và thương mại; phát triển các ngành công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao, sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành kinh tế để nâng cao hiệu quả, tiến tới phát triển kinh tế tri thức. Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: công nghiệp và xây dựng chiếm 79,34%; dịch vụ 18,74%; nông, lâm, ngư nghiệp 1,92% (nếu không tính dầu khí cơ cấu kinh tế tương ứng là: 58,04%; 38,07%; 3,89%). Đến năm 2020 cơ cấu kinh tế là: công nghiệp và xây dựng chiếm 61,55%; dịch vụ tăng lên khoảng 36,8%; nông, lâm, ngư nghiệp 1,65% (nếu không tính dầu khí cơ cấu kinh tế tương ứng là: 53,23%; 44,77%; 2%);

- GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt khoảng 11.460 USD, gấp 3,15 lần so với năm 2000; đến năm 2020 đạt khoảng 27.000 USD, gấp 2,36 lần so với năm 2010;

- Phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, phấn đấu đẩy mạnh xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD vào năm 2010 (nếu không tính dầu khí đạt 523 triệu USD). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân (không tính dầu khí) giai đoạn 2006 - 2010 đạt 12%/năm và đạt 9 - 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020; đến năm 2020 xuất khẩu (không tính dầu khí) đạt 1 tỷ USD;

- Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 6,4 tỷ USD (giá năm 1994); giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 31,3 tỷ USD;

- Tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện ngành giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50% vào năm 2010 và trên 80% vào năm 2020; tạo việc làm cho người lao động;

- Đến năm 2010 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn xấp xỉ 1%, quy mô dân số khoảng 1,026 triệu người, tỷ lệ dân số đô thị 57,3%. Đến năm 2020 ổn định quy mô dân số khoảng 1,18 triệu người, tỷ lệ dân số đô thị 69,06%;

- Phát triển các hoạt động văn hoá - thông tin, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hoá theo quy hoạch; thể dục, thể thao đa dạng, chất lượng cao; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; đến năm 2010 số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 25 giường, tiếp tục nâng lên 28 giường vào năm 2015 và 30 giường vào năm 2020. Thực hiện tốt công tác xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục;

- Phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn để hình thành một khu vực nông thôn phát triển, văn minh, hiện đại, gần với cuộc sống đô thị. Đến năm 2010 bảo đảm 98% số hộ được sử dụng điện, 98% số hộ dùng nước sạch; đến năm 2020 đạt 100% số hộ nông thôn được sử dụng điện, 100% số hộ sử dụng nước sạch;

- Thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trong việc thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản. Đến năm 2010 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Tỉnh (cao hơn chuẩn nghèo quốc gia 1,5 lần) và tiếp tục nâng cao mức sống nhân dân trong giai đoạn tiếp theo;

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện có hiệu quả chương trình 4 giảm (gồm: tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn ma tuý, mãi dâm), giảm tối đa các tệ nạn xã hội; gìn giữ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

3. Phát triển ngành và lĩnh vực:

a) Phát triển công nghiệp:

Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của Tỉnh: tiếp tục xúc tiến mạnh công tác thăm dò dầu khí để tăng khối lượng khai thác, phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, hỗ trợ dầu khí và các ngành sử dụng khí làm nguyên liệu, nhiên liệu; các ngành công nghiệp đóng tàu, công nghiệp dịch vụ cảng, phục vụ cho các hoạt động vận tải biển. Đẩy mạnh chế biến hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, chú ý phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng từ các nguồn nguyên liệu địa phương;

- Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 9 khu công nghiệp đã được thành lập để phát huy hiệu quả. Thành lập thêm khu công nghiệp Kim Dinh 100 ha và Khu công nghệ cao của Tỉnh tại thị xã Bà Rịa. Khi các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%, sẽ đầu tư phát triển các khu công nghiệp: Long Hương (400 ha), Long Sơn (500 - 600 ha), khu cảng và dịch vụ dầu khí Bến Đình (100 ha);

- Định hướng tại mỗi huyện, thị, thành phố đầu tư phát triển một số cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, thủy sản và phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ;

- Phát triển và phân bố các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, lao động và đảm bảo yêu cầu môi trường;

- Huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng trong hàng rào các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, nguồn vốn ngân sách phải cân đối bảo đảm phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội.

b) Phát triển các ngành dịch vụ:

- Phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh và chất lượng cao, bảo đảm phát triển toàn diện và bền vững;

- Tập trung đầu tư phát triển du lịch với các loại hình du lịch trọng điểm là: du lịch sinh thái rừng - biển - đảo, du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng và du lịch nghỉ dưỡng. Phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc tại Vũng Tàu, Côn Đảo nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh để tạo điều kiện tăng trưởng nhanh và bền vững;

- Phát triển thương mại theo hướng hình thành các trung tâm thương mại ở đô thị, các cụm thương mại ở nông thôn, hệ thống chợ. Tổ chức xây dựng các loại hình dịch vụ thương mại tiên tiến phù hợp với điều kiện địa phương. Khai thác lợi thế các mặt hàng nông sản, thủy sản để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, phát triển các khu công nghiệp kỹ thuật cao nhằm mở rộng các mặt hàng xuất khẩu từ công nghiệp chế tác, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (trừ dầu khí) đạt 12%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và đạt 9 - 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020; đến năm 2010 xuất khẩu (trừ dầu khí) đạt 523 triệu USD và đến năm 2020 đạt trên 1 tỷ USD;

- Phát huy lợi thế của hệ thống cảng biển, phát triển dịch vụ dầu khí, dịch vụ hàng hải, đẩy mạnh dịch vụ vận tải thủy gồm cả vận tải đường thủy nội địa và đường biển. Phát triển các loại dịch vụ hàng hải quốc tế tại các cảng khu vực Thị Vải, Vũng Tàu và Côn Đảo. Phấn đấu giảm giá thành dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh của dịch vụ vận tải biển;

- Phát triển hoạt động tín dụng gắn với phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Thành lập và quản lý tốt hoạt động của các quỹ như: Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Đầu tư mạo hiểm, Quỹ Bảo trợ xã hội. Phát triển các hoạt động kinh doanh, môi giới tài chính, bảo hiểm, hình thành các công ty tài chính. Phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế để sau năm 2010 hình thành trung tâm tài chính tại thành phố Vũng Tàu.

c) Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản:

- Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững gắn liền với xây dựng khu vực nông thôn có kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển toàn diện. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái đô thị, tập trung xây dựng một số khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học với mục tiêu gia tăng giá trị sản lượng và thu nhập/đơn vị diện tích đất. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến;

- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng phát triển cây công nghiệp lâu năm phục vụ xuất khẩu, phát triển sản xuất rau quả và chăn nuôi;

- Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đặc biệt là hoàn thành hồ sông Ray; kiên cố hóa 100% hệ thống kênh mương, bảo đảm chủ động tưới tiêu, ngăn mặn, kiểm soát ngập úng;

- Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên môn hóa;

- Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ngừng tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm với chất lượng cao;

- Chuyển đổi một phần diện tích đất lâm nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp để tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, cảng, dịch vụ du lịch và một số khu đô thị, khu dân cư. Việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích khác phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Đối với đất lâm nghiệp chuyển sang mục tiêu phát triển du lịch, chỉ cho phép đầu tư loại hình du lịch sinh thái, bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh, không thay đổi tính chất của rừng; đồng thời, tiếp tục tôn tạo rừng để phát triển du lịch;

- Phát triển thủy sản theo hướng khai thác đánh bắt xa bờ có hiệu quả, chú trọng khai thác các loại hải sản giá trị kinh tế cao, tổ chức tốt bảo quản hải sản sau đánh bắt để nâng cao giá trị sản phẩm; bảo vệ các nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các biện pháp khai thác có tính chất hủy diệt. Điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề khai thác cho phù hợp với đặc điểm ngư trường, mùa vụ khai thác. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với đặc điểm và điều kiện mặt nước hiện có. Hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản gắn với bảo vệ rừng ngập mặn, sản xuất nông nghiệp, thuỷ lợi và giữ gìn môi trường sinh thái. Khuyến khích phát triển các loại tàu công suất lớn, hạn chế tiến tới không cho phép đóng mới các loại tàu có công suất nhỏ dưới 90 CV, từng bước thay đổi vỏ tàu bằng vật liệu mới, bền và tiết kiệm gỗ.

d) Phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin và thể dục, thể thao:

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở để thực hiện phân tuyến kỹ thuật; đến năm 2010 các bệnh viện tuyến huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III và 100% các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Sau năm 2010 tiếp tục nâng cấp đạt tiêu chuẩn cao hơn. Xây dựng các bệnh viện và trung tâm y tế chất lượng cao;

- Phát triển giáo dục mầm non, duy trì thành quả phổ cập tiểu học và trung học cơ sở và đạt chuẩn phổ cập trung học trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2010. Nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 50% vào năm 2010 và trên 80% vào năm 2020. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo;

- Xây dựng và hiện đại hoá các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn. Quy hoạch bố trí mặt bằng để xây dựng Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, cấp Vùng tại tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động các nguồn vốn để phát triển các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh; thực hiện các hoạt động liên kết đào tạo với các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trong nước và quốc tế để tổ chức các lớp đào tạo ngay tại tỉnh nhằm khai thác cơ sở vật chất sẵn có vào phát triển giáo dục đào tạo. Nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 50% vào năm 2010 và trên 80% vào năm 2020;

- Phát triển văn hoá - thông tin hài hòa giữa thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Thực hiện tốt "phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", xây dựng hạ tầng, thiết chế văn hoá cơ sở theo quy hoạch. Phát triển các hoạt động văn hoá - thông tin, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng; giữ thế mạnh ở các môn thể thao trọng điểm của Tỉnh như Teakwondo, bóng chuyền bãi biển.

đ) Khoa học và công nghệ:

- Xây dựng quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ trực tiếp sản xuất (khoa học công nghệ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất); trong đó, tập trung lập quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khoa học và công nghệ trực tiếp sản xuất. Cần có các chương trình, dự án then chốt, các giải pháp, bước đi với các nhiệm vụ cụ thể giúp các ngành chức năng, các địa phương liên quan tổ chức thực hiện theo lộ trình để khoa học và công nghệ nhanh chóng phát triển trở thành lực lượng trực tiếp sản xuất;

- Tổ chức xây dựng và sớm đưa vào hoạt động các khu công nghệ cấp tỉnh (còn gọi là các “khu sinh dưỡng” công nghiệp, khu ươm tạo công nghệ, khu ươm tạo doanh nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao...) trở thành trụ cột của hệ thống hạ tầng kỹ thuật khoa học và công nghệ trực tiếp sản xuất;

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ; trong đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các khu công nghệ, sản phẩm công nghệ, đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Đặc biệt, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ trực tiếp sản xuất.

e) Quốc phòng, an ninh: phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, đặc biệt là vùng biển, hải đảo. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo đảm địa bàn ổn định chính trị, an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng dự bị động viên mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc. Xây dựng và củng cố các địa bàn dân cư trên các đảo, phát triển các đảo có khả năng sinh sống, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia.

4. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng: Tập trung đầu tư đi trước về phát triển kết cấu hạ tầng:

- Phát triển hệ thống cảng theo quy hoạch cụm cảng thuộc nhóm cảng biển số 5, nhóm cảng biển số 8. Tiến hành nạo vét luồng lạch, cải tạo luồng và xây dựng hệ thống cảng biển và cảng thủy nội địa để phát triển vận tải đường biển, đường sông;

- Đầu tư các tuyến trục giao thông đường bộ quan trọng; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vũng Tàu - thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông Tỉnh lộ. Tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp và nhựa hóa các đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới hệ thống giao thông trong các đô thị, đặc biệt ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông đô thị mới Phú Mỹ;

- Trong giai đoạn 2006 - 2010, tiếp tục nâng cấp sân bay Cỏ Ống cho loại máy bay 150 chỗ có thể lên xuống được. Giai đoạn 2011 - 2020 xây dựng sân bay Vũng Tàu, trung tâm dịch vụ hàng không tại Gò Găng;

- Triển khai nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu gắn liền với các khu công nghiệp, bến cảng để có thể khởi công trong giai đoạn 2011 - 2020;

- Nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc;

- Tiếp tục mở rộng các nhà máy cấp nước hiện có, đồng thời xây dựng mới một số hệ thống cấp nước. Mở rộng các hệ thống cấp nước đô thị. Xây dựng mới hệ thống cấp nước tại các xã chưa có, nâng cấp các hệ thống cấp nước đã được xây dựng;

- Tập trung đầu tư cho hệ thống thoát nước tại các đô thị, xây dựng hệ thống cống thu gom nước mưa và nước thải riêng và xây dựng các trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia. Các khu công nghiệp tập trung cần xây dựng các trạm xử lý riêng theo đặc thù của từng khu. Nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện phải xử lý đạt tiêu chuẩn B trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung (cống ngầm, kênh, mương, sông,...);

- Xây dựng thêm các lưới truyền tải điện 110 KV, 35 KV; lưới phân phối điện 15 KV và xây dựng các trạm nguồn bảo đảm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện.

5. Quản lý môi trường, hướng tới phát triển bền vững:

- Xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, trạm xử lý nước thải. Lựa chọn công nghệ sạch, cụ thể hóa các quy định về nhập khẩu công nghệ, thiết bị;

- Di dời các nhà máy chế biến hải sản tại các đô thị, khu dân cư đến các khu vực đã được quy hoạch;

- Tăng cường thanh tra giám sát các nguồn thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, du lịch;

- Phân vùng môi trường để có các biện pháp phù hợp;

- Giám sát việc xả nước thải, chất thải, dầu mỡ từ các tàu thuyền tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giám sát hoạt động có khả năng gây tác động môi trường ở các giàn khoan dầu khí ngoài thềm lục địa.

6. Tổ chức không gian lãnh thổ chung của Tỉnh:

Tổ chức cụm đô thị trung tâm và các điểm đô thị xung quanh. Không gian phát triển có hình thái lan tỏa ở cụm đô thị trung tâm Vũng Tàu - Bà Rịa từ phía Tây Nam về phía Đông Bắc theo hướng các quốc lộ trọng yếu trong Tỉnh là các Quốc lộ: 51, 55, 56. Phát triển vùng duyên hải theo hình thái du lịch sinh thái xen kẽ điểm đô thị du lịch. Phát triển các thị trấn, thị tứ dịch vụ hành chính và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo hình thái đô thị điểm:

a) Thành phố Vũng Tàu: là đô thị lớn nhất, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II với chức năng là Trung tâm du lịch, dịch vụ dầu khí, dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh tế cảng; trong giai đoạn 2010 - 2020 sẽ phát triển khu đô thị mới tại Long Sơn;

b) Khu đô thị mới Phú Mỹ: sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2010 và đạt tiêu chuẩn loại III vào năm 2015. Đây là đô thị công nghiệp, cảng;

c) Thị xã Bà Rịa: là trung tâm hành chính của Tỉnh; đồng thời, là trung tâm thương mại, giao thương lớn nhất nội tỉnh. Hiện nay là đô thị loại IV, nâng lên đô thị loại III vào năm 2010;

d) Tại Long Điền sẽ tiếp tục phát triển 2 thị trấn: Long Điền là trung tâm huyện; thị trấn Long Hải phát triển đô thị mới với chức năng là đô thị du lịch;

đ) Tại Đất Đỏ sẽ phát triển 2 thị trấn: thị trấn Đất Đỏ là trung tâm huyện và thị trấn Phước Hải là đô thị du lịch;

e) Tại Châu Đức, ngoài thị trấn Ngãi Giao là trung tâm huyện sẽ phát triển thêm thị trấn Kim Long;

g) Tại Xuyên Mộc, ngoài thị trấn Phước Bửu hiện là trung tâm huyện sẽ phát triển thêm các thị trấn: Hòa Bình, Bình Châu, Hồ Tràm;

h) Riêng Côn Đảo sẽ phát triển thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao, trong giai đoạn đến 2010 sẽ hình thành các thị trấn Côn Sơn, Bến Đầm và Cỏ Ống với quy mô dân số khoảng 14 ngàn người. Đến năm 2020 sẽ hình thành tại Côn Đảo đô thị hiện đại, toàn đảo là một đô thị lớn.

7. Định hướng các chương trình, dự án quan trọng đầu tư:

a) Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của Tỉnh công nghiệp có trình độ phát triển hàng đầu của cả nước, ngang tầm với khu vực;

b) Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống đường bộ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế;

c) Đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị theo tiêu chuẩn văn minh, hiện đại; trong đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị mới Phú Mỹ;

d) Hoàn thành cơ bản mạng lưới giao thông nông thôn theo hướng hình thành các điểm dân cư văn minh, hiện đại;

đ) Đầu tư hình thành và ổn định quy mô của hệ thống cảng biển, cảng hàng không, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;

e) Thực hiện đầu tư phát triển hệ thống bưu chính, viễn thông với công nghệ và trình độ hiện đại ngang tầm khu vực;

g) Kêu gọi và xúc tiến đầu tư phát triển một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch;

h) Xây dựng và thực hiện chương trình đầu tư phát triển du lịch khu vực ven biển;

i) Hình thành các dự án đầu tư phát triển du lịch Vùng phía Đông và Đông Nam Tỉnh theo hướng kết hợp phát triển các khu bảo tồn sinh học, các hoạt động du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo vệ và làm trong sạch môi trường;

k) Đầu tư hình thành các trung tâm thương mại và dịch vụ tài chính, tín dụng áp dụng công nghệ hiện đại;

l) Kêu gọi và xúc tiến các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp;

m) Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp đã được thành lập; kêu gọi đầu tư phát triển một số khu công nghiệp mới và ổn định mạng lưới các khu công nghiệp vào các giai đoạn sau năm 2010;

n) Kêu gọi và xúc tiến đầu tư các dự án phát triển công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải biển trong các khu công nghiệp đã được xác định;

o) Hình thành các chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực phát triển xã hội:

+ Xây dựng và thực hiện chương trình đầu tư hiện đại hóa các cơ sở giáo dục, đào tạo; nghiên cứu khoa học và công nghệ. Huy động nội lực để thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục, đào tạo;

+ Xây dựng và thực hiện chương trình đầu tư hiện đại hóa các thiết chế văn hóa xã hội;

+ Xây dựng và thực hiện chương trình đầu tư hiện đại hóa các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe;

8. Một số chính sách và giải pháp chung về thực hiện quy hoạch:

a) Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 6,4 tỷ USD trong giai đoạn 2006 - 2010 và 31,3 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2020 (giá năm 1994);

b) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và thực hiện chiến lược về con người; tập trung các chính sách giải quyết đồng bộ quan hệ trên cả 3 mặt: giáo dục đào tạo con người; sử dụng và tạo việc làm;

c) Chú trọng phát triển khoa học công nghệ cùng với các giải pháp về vốn đầu tư, về nguồn nhân lực tạo ra nhóm giải pháp cơ bản nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực vào thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội của Tỉnh;

d) Thực hiện các giải pháp về điều hành vĩ mô với xây dựng đồng bộ các chính sách: chính sách phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chính sách thị trường, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần;

đ) Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề xã hội như: nhà ở và việc làm cho người dân phải di dời lấy đất để thực hiện dự án, chương trình quan trọng; chính sách ưu đãi đối với người nghèo;

e) Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, ưu đãi áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng của tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá;

g) Tăng cường công tác điều hành và tổ chức thực hiện để đưa quy hoạch từng bước đi vào cuộc sống, với các nội dung: phổ biến và vận động nhân dân tham gia thực hiện quy hoạch; cụ thể hoá các nội dung quy hoạch vào các chương trình nghị sự, chương trình làm việc của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở; thường xuyên cập nhật các nội dung quy hoạch; cụ thể hoá quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong các quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã và thành phố; trong các kế hoạch 5 năm, hàng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch: Sau khi phê duyệt, quy hoạch phải trở thành văn kiện có tính chất pháp lý làm cơ sở cho các hoạt động phát triển trên địa bàn Tỉnh; Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các đoàn thể và toàn thể nhân dân tiến hành tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Quy hoạch được phê duyệt là một tài liệu “khung” với những mục tiêu, định hướng phát triển lớn, các cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức thực hiện; làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác), các dự án đầu tư trên địa bàn của Tỉnh theo quy định.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong báo cáo quy hoạch được phê duyệt; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định:

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.

- Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu để đảm bảo sự phát triển toàn diện và đồng bộ.

- Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) phù hợp với yêu cầu của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư… để bảo đảm thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong báo cáo quy hoạch. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của Tỉnh đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư nêu trong báo cáo quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng  


PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

I

Dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp

1

Dự án thép không gỉ (Đài Loan)

2

Dự án công nghệ cao

3

Nhà máy thép Phú Mỹ II

4

Nhà máy thép Phú Mỹ

5

Dự án luyện thép, phôi thép

6

Dự án cán thép

7

Nhà máy chế biến Condensat

8

Kho chứa và cảng xuất khí hóa lỏng

9

Nhà máy chế biến dầu mỏ

10

Dự án sản xuất sản phẩm hoá dầu

11

Nhà máy đóng và sửa chữa tàu Long Sơn

12

Dự án sửa chữa và đóng mới tàu biển

13

Công ty đóng tàu Dongil

14

Cơ khí sửa chữa tàu thuyền và giao thông vận tải

15

Nhà máy cơ khí Vũng Tàu

16

Dự án sản xuất cơ khí chính xác

17

Dự án sản xuất linh kiện máy tính

18

Dự án lắp ráp điện tử

19

Dự án sản xuất container xuất khẩu

20

Nhà máy sản xuất thùng chứa dầu công nghiệp

21

Dự án sản xuất hoá chất

22

Dự án sản xuất hạt nhựa

23

Nhà máy sản xuất Etylen

24

Dự án sản xuất bulon ốc vít

25

Dự án sản xuất vật liệu xây dựng

26

Dự án sản xuất Formalin chế tạo keo dán gỗ

27

Dự án sản xuất đồ gỗ xuất khẩu

28

Nhà máy chế biến gỗ gia dụng và công nghiệp

29

Dự án sản xuất phụ kiện bàn ghế

30

Dự án sản xuất bao bì nhựa tự huỷ

31

Dự án may mặc, giầy da xuất khẩu

32

Dự án may mặc xuất khẩu

33

Dự án sản xuất giầy xuất khẩu

34

Dự án chế biến cao su

35

Nhà máy chế biến thành phẩm từ mủ cao su

36

Khai thác đá ốp lát và đá xây dựng

II

Dự án thuộc nông nghiệp và thuỷ sản

37

Hạ tầng kỹ thuật khu chế biến hải sản Gò Găng

38

Hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm Lộc An

39

Hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm Long Hương

40

Hồ Sông Ray

41

Hồ thủy lợi: Ba Sình, Suối Ngọt, Suối Nghệ, Suối Bang, Giao Kèo

42

Đập Suối Bang

43

Hệ thống kênh nội đồng hồ Đá Đen

44

HT kênh tưới cho xã Châu Pha, Sông Xoài

45

Hồ Suối Lúp

46

Hồ Suối Sậy

47

Kiên cố hoá kênh mương hồ Bút Thiền

48

Kiên cố hoá kênh mương hồ Suối Môn

49

Hạ tầng khu nuôi tôm Bàu Sình A

50

Hạ tầng khu nuôi tôm Bàu Sình B

51

Hạ tầng khu nuôi tôm giống xã Phước Thuận

52

Nuôi trồng đặc sản biển

53

Chăn nuôi, trồng trọt đặc sản

54

Khai thác hải sản giá trị xuất khẩu cao

55

Chế biến hải sản cao cấp

56

Công ty thuỷ sản Cao Nam

57

Nhà máy sản xuất thưc ăn nhanh, ăn liền

58

Dự án chế biến thịt

59

Nhà máy chế biến rau cao cấp

60

Dự án chế biến rau quả

61

Nhà máy sản xuất đồ uống từ trái cây

62

Nhà máy chế biến trái cây

63

Dự án chế biến cà phê

64

Dự án chế biến hạt tiêu

65

Dự án chế biến thức ăn gia súc

66

Trung tâm giống thuỷ sản tập trung

67

Trại thực nghiệm giống bò sữa

III

Dự án đầu tư phát triển du lịch

68

Hạ tầng kỹ thuật khu du lịch núi Minh Đạm

69

Hạ tầng kỹ thuật khu du lịch núi Dinh

70

Hạ tầng kỹ thuật khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia + Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu

71

Hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Láng Hàng - Bình Châu

72

Cáp treo Núi Lớn - Núi Nhỏ

73

Vườn thú hoang dã Safari

74

Khu du lịch nghỉ mát Atlantic

75

Chi nhánh Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

76

Phòng trưng bày hiện vật tại nhà tù Côn Đảo

77

Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Cách mạng Côn Đảo

78

Khu du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử Côn Đảo

79

Khu bãi biển Thuỳ Vân

80

Khu du lịch Paradise

81

Khu du lịch Biển Xanh

82

Khu du lịch Chí Linh - Cửa Lấp

83

Khu dịch vụ du lịch dầu khí

84

Khu du lịch Bờ Biển Vàng

85

Dự án khách sạn tháng 10B

86

Khu du lịch sinh thái Hòn Cau

87

Khu du lịch Lộc An

88

Khu du lịch Hoa Anh Đào

89

Khu du lịch Núi Nứa

90

Khu du lịch Minh Đạm, đèo Nước Ngọt

91

Khu du lịch sinh thái cao cấp Phước Hải

92

Sân golf 18 lỗ

93

Khu du lịch Núi Dinh

94

Khu dịch vụ đô thị du lịch Phú Mỹ

95

Mở rộng khu du lịch Hồ Cốc

96

Khu du lịch biển sông Lô, Láng Hàng, sông Ray

97

Khu du lịch chữa bệnh suối khoáng nóng Bình Châu

98

Khu du lịch sinh thái Bình Châu - Phước Bửu

99

Khu du lịch Hồ Tràm - Hồ Linh, Bến Cát - Hồ Tràm

100

Khu du lịch thác Hoà Bình

101

Khu du lịch sinh thái dọc sông Ray

102

Vườn Phước Bửu thu nhỏ

103

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Tân Thành

104

Tôn tạo cảnh quan thành phố Vũng Tàu

105

Phố ẩm thực, phố mua sắm

106

Trung tâm vui chơi, giải trí liên hợp Bãi Trước

107

Công viên giải trí kỹ thuật cao

108

Bảo tàng sáp

109

Trại nuôi cá Sấu kết hợp xiếc Bàu Lâm

IV

Dự án đầu tư thương mại - dịch vụ

110

Tổ hợp Siêu thị - Chung cư Vũng Tàu

111

Cải tạo nâng cấp chợ Vũng Tàu

112

Chợ đầu mối thuỷ sản Phước Tỉnh

113

Chợ đầu mối thuỷ sản phường 11

114

Chợ Gò Cát phường Long Toàn

115

Hệ thống chợ thị trấn Côn Đảo

116

Siêu thị bán hàng lưu niệm số 2

117

Trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh

118

Trung tâm Hội chợ triển lãm

119

Trung tâm Thương mại huyện Xuyên Mộc

120

Trung tâm Thương mại khu đô thị mới Phú Mỹ

121

Trung tâm Thương mại huyện Đất Đỏ

V

Dự án đầu tư lĩnh vực văn hoá - xã hội

122

Công viên Bàu Sen

123

Công viên văn hoá thể thao Bàu Trũng

124

Xây dựng mới bệnh viện Tỉnh

125

Trung tâm Hành chính Tỉnh

126

Trung tâm Y tế chất lượng cao

127

Trường nghề Hồng Lam

128

Trung tâm Đào tạo nghề trình độ cao

129

Trường đại học Dân lập Bà Rịa - Vũng Tàu

130

Trung tâm Văn hoá Bến Đầm

131

Trung tâm Văn hoá Cỏ ống

132

Trung tâm Y tế kết hợp quân - dân y Côn Đảo

133

Hệ thống thông tin điện tử

134

Trung tâm Sách thiết bị trường học

135

Các dự án xây mới, cải tạo trường phổ thông

VI

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng

136

Đường và cầu sang Gò Găng

137

Đường và cầu từ Gò Găng sang Long Sơn

138

Đường bộ vòng quanh Côn Đảo

139

Đường cao tốc Long Thành - Vũng Tàu

140

Nâng cấp giao thông xuyên đảo

141

Đường nối Cỏ Ống - Đầm Tre

142

Xây mới và cải tạo đường nội thị Côn Đảo

143

Đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu

144

Hoàn thiện sân bay Cỏ Ống

145

Xây dựng sân bay Gò Găng

146

Khu neo đậu trú bão Côn đảo

147

Cảng Thương mại dịch vụ hàng hải, dịch vụ dầu khí

148

Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải

149

Nâng cấp cảng cá Bến Đầm

150

Bến vận chuyển hành khách trên các đảo

151

Cảng du lịch vịnh Côn Sơn

152

Nâng cấp, cải tạo cảng: Phước Hiệp, Tân Phước, Lò Vôi

153

Cầu cảng trạm nghiền xi măng Cẩm Phả

154

Cầu cảng tổng hợp Mỹ Xuân A

155

Cầu cảng tổng hợp Mỹ Xuân A2

156

Cầu cảng nhà máy đóng tầu

157

Cầu cảng nhà máy điện Phú Mỹ

158

Cầu cảng nhà máy nghiền xi măng Thị Vải

159

Cầu cảng tổng hợp Phú Mỹ

160

Cầu cảng quốc tế Thị Vải

161

Cầu cảng Bà Rịa - Serece

162

Cầu cảng đạm và dịch vụ dầu khí

163

Cầu cảng nhà máy thép Phú Mỹ

164

Khu căn cứ dịch vụ hàng hải

165

Cầu cảng nhà máy Ba Son

166

Cầu cảng Interflour

167

Bến container Cái Mép thượng

168

Cầu cảng PVC

169

Cầu cảng khí hóa lỏng Cái Mép

170

Cầu cảng xăng dầu Petec

171

Cầu cảng xăng dầu Vũng Tàu - Petro

172

Căn cứ dịch vụ dầu khí

173

Căn cứ dịch vụ hàng hải

174

Bến container hạ lưu Cái Mép

175

Cảng thương mại Cát Lở

176

Cầu cảng dầu K2

177

Bến tổng hợp Khu công nghiệp Đông Xuyên

178

Cầu cảng xây dựng Thắng Lợi Khu công nghiệp Đông Xuyên

179

Cảng Vietsopetro

180

Cảng container Vũng Tàu

181

Cảng Nhà máy đóng tầu Long Sơn

182

Khu cảng dầu Long Sơn

183

Đường vào Khu công nghiệp khí thấp áp Long Hương

184

Hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào cụm Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp

185

Cơ sở hạ tầng cụm Tiểu thủ công nghiệp phường Long Toàn

186

Cơ sở hạ tầng làng nghề cụm Tiểu thủ công nghiệp Ngãi Giao

187

Cống thoát nước mưa Khu công nghiệp Phú Mỹ

188

Nâng cấp cải tạo đường Chinfon

189

Hệ thống cấp nước Côn Đảo

190

Hệ thống thoát nước Trung tâm Côn Đảo

191

Mạng lưới điện Côn Đảo - Bến Đầm

192

Mạng lưới điện dọc tuyến đường du lịch

193

Mở rộng nhà máy điện Diezel

194

Lưới điện năng lượng mặt trời

195

Nhà máy nhiệt điện

196

Trạm tiếp sóng truyền hình Côn Đảo

197

Hạ tầng viễn thông phục vụ đánh bắt xa bờ

198

Nâng cấp bưu cục Trung tâm Bến Đầm, Cỏ Ống

VII

Dự án bảo vệ môi trường

199

Nạo vét kênh Bến Đình

200

Dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Vũng Tàu

201

Dự án thu gom và xử lý nước thải thị xã Bà Rịa

203

Nhà máy xử lý rác Vũng Tàu

204

Nhà máy xử lý nước thải Côn Đảo

205

Nạo vét chỉnh trị cửa Bến Lội Bình Châu

206

Dự án lò hỏa táng và nghĩa trang

* Ghi chú: Về vị trí, quy mô diện tích chiếm đất và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 15/2007/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/01/2007
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 11/02/2007
  • Số công báo: Từ số 77 đến số 78
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản