Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2015/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 08 tháng 6 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định 25/2011/NĐ-CP , ngày 06 tháng 4 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT , ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 26/TTr-STTTT, ngày 25 tháng 5 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức công bố công khai quy hoạch và chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch này; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 32/2015/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân. Viễn thông có vai trò đảm bảo thông tin phục vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai; đáp ứng các nhu cầu trao đổi, cập nhật thông tin của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, các vùng miền của tỉnh.
Trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng nhanh. Đi đôi với sự phát triển của kinh tế - xã hội là sự phát triển của ngành Viễn thông. Viễn thông đã có sự phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ đóng góp của viễn thông vào GDP của tỉnh ngày càng cao. Tuy nhiên, việc viễn thông phát triển nhanh và mạnh mẽ đã dẫn tới những bất cập trong phát triển hạ tầng mạng lưới: Phát triển hạ tầng chồng chéo, mỗi doanh nghiệp xây dựng một hạ tầng mạng riêng; trạm thu phát sóng dày đặc, cáp thông tin treo chiếm tỷ lệ lớn… gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, giảm hiệu quả sử dụng hạ tầng mạng lưới...
Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009 giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng hạ tầng mạng viễn thông thụ động tại địa phương.
Trong thời gian gần đây, Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo việc xây dựng, quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông (Luật Viễn thông; Chỉ thị số 422/CT-TTg ; Nghị định số 25/2011/NĐ-CP…). Quy hoạch này nhằm cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo trên tại địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Công nghệ viễn thông trong thời gian qua luôn có sự thay đổi nhanh chóng: 2G, 3G, 4G, mạng NGN… Xây dựng quy hoạch nhằm theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ.
Dựa trên những cơ sở nêu trên, việc xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là rất cần thiết.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG QUY HOẠCH
Các văn bản của Trung ương
Luật Viễn thông số 41/2009/QH12, ngày 23/11/2009 quy định về hoạt động viễn thông trong đó có quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông, quy hoạch hạ tầng viễn thông…
Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị định số 41/2007/NĐ-CP , ngày 22/3/2007 của Chính phủ về xây dựng ngầm đô thị, hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng các yêu cầu đặc thù của xây dựng ngầm đô thị.
Nghị định số 38/2010/NĐ-CP , ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Nghị định số 39/2010/NĐ-CP , ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.
Nghị định số 25/2011/NĐ-CP , ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Nghị định số 72/2012/NĐ-CP , ngày 24/9/2012 của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật.
Nghị định số 15/2013/NĐ-CP , ngày 06/02/2013 của Chính phủ về việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, ngày 04/9/2013 của Chính phủ về việc cấp phép xây dựng.
Quyết định số 2044/QĐ-TTg , ngày 09/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
Quyết định số 5905/QĐ-BCT , ngày 11/11/2011 của Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020.
Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg , ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.
Quyết định số 45/2012/QĐ-TTg , ngày 23/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Chỉ thị số 422/CT-TTg , ngày 02/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông.
Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT, ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn những nội dung về cấp giấy phép xây dựng cho việc xây dựng, lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động ở đô thị.
Thông tư số 03/2008/TT-BKH , ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT , ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.
Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT , ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.
Thông tư số 10/2013/TT-BXD , ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT , ngày 30/12/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Thông tư liên tịch số 21/2013/TT-BXD-BCT-BTTTT, ngày 27/12/2013 của Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Các văn bản của địa phương
Quyết định số 89/2008/QĐ-UBND , ngày 10/11/2008 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định phạm vi khu vực phải xin phép xây dựng khi lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động ở đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND , ngày 31/3/2010 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 Quyết định số 89/2008/QĐ-UBND , ngày 10/11/2008 của UBND tỉnh Tây Ninh.
Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND , ngày 25/01/2010 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND , ngày 01/3/2011 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Đơn giá xây dựng cơ bản công trình bưu chính, viễn thông.
Quyết định số 08/2012/QĐ-HĐND, ngày 11/7/2012 của Hội đồng Nhân dân về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/10.000
Quyết định số 64/2012/QĐ-UBND , ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND , ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND , ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc ban hành chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Quyết định số 2448/QĐ-UBND, ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phần II
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
1. Vị trí địa lý
Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ, phía Tây và Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.
Tây Ninh có diện tích tự nhiên khoảng 4.040km². Tỉnh có 9 đơn vị hành chính, bao gồm thành phố Tây Ninh (là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh) và 8 huyện với 95 đơn vị xã, phường, thị trấn.
Với địa thế nằm trong vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời nằm giữa thành phố Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh là Điều kiện thuận lợi để Tây Ninh phát triển kinh tế.
2. Địa hình
Địa hình Tây Ninh nghiêng theo hướng Đông Bắc – Tây Nam:
- Phía Bắc có độ cao trung bình từ 10-15m.
- Phía Nam địa hình mang đặc điểm đồng bằng với độ cao trung bình từ 3-5m.
Dạng địa hình núi: Núi Bà Đen là ngọn núi duy nhất ở tỉnh Tây Ninh.
Dạng địa hình đồi: Nằm tập trung ở vùng thượng nguồn sông Sài Gòn, dọc theo ranh giới hai tỉnh Bình Phước, Bình Dương.
Dạng địa hình dốc thoải: Dạng địa hình này có ở các huyện: Tân Biên, Dương Minh Châu, Hòa Thành, Trảng Bàng, Bến Cầu.
Dạng địa hình đồng bằng: Bao gồm các thềm sông, địa hình này thường phân bổ dọc các sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông.
Nhìn chung, Tây Ninh có địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông thụ động.
II. DÂN SỐ VÀ LAO ĐỘNG
Dân số toàn tỉnh năm 2014 khoảng 1.200 ngàn người, mật độ dân số trung bình 272 người/km². Dân cư phân bố không đồng đều, mật độ dân cư cao ở huyện Hòa Thành với mật độ dân số trên 1.700 người/km² và thành phố Tây Ninh với mật độ dân số trên 910 người/km². Tỷ lệ dân số sống ở nông thôn chiếm 84,84%, còn lại 15,16% dân số sống ở thành thị.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên đang làm việc trên địa bàn tỉnh khoảng 641.790 người chiếm khoảng 59% dân số của tỉnh.
Mật độ dân số trung bình của tỉnh bằng so với mật độ trung bình cả nước, tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn cao và phân bố không đồng đều ảnh hưởng đến việc phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh.
III. KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội giai đoạn 2010 – 2014:
Trong giai đoạn qua nền kinh tế Tây Ninh tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2010 – 2014 đạt khoảng 10%/năm, năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%. Đóng góp vào tốc độ tăng 11% bao gồm: Công nghiệp - xây dựng 5,5%; dịch vụ 3,8%; nông - lâm - thủy sản 1,7%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ, đến nay tỷ trọng ngành nông - lâm - nghiệp - thủy sản chiếm 31,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 33,7%, dịch vụ chiếm 34,4%.
Ngành nông nghiệp của tỉnh chủ yếu trồng các loại cây như lúa, bắp, mía, mì, đậu các loại và một số cây công nghiệp khác như: Cao su, hồ tiêu, mãng cầu; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt... Ngành thủy sản của tỉnh phát triển cả về khai thác, nuôi trồng (chủ yếu nuôi các loại cá nước ngọt). Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản 5 năm đạt khoảng 108.550 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trung bình khoảng 18%.
Công nghiệp: Một số ngành công nghiệp chủ yếu như: Sản xuất lương thực thực phẩm và đồ uống; dệt may, sơ chế da; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic; sản xuất sản phẩm từ kim loại: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastis, Clanke, vỏ ruột xe ... Với các sản phẩm chủ yếu của ngành như: Bột mì, đường, giày, quần áo, … Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 5 năm đạt trên 164.000 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng trung bình khoảng 5,8%.
Thương mại – dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 năm đạt khoảng 466.266 tỷ đồng, trong đó năm 2014 đạt 50.958,6 tỷ đồng tăng 92% so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt khoảng 7.600 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5 năm đạt khoảng 4.760 triệu USD. Nhiều dự án thương mại dịch vụ có tiến độ triển khai xây dựng rất chậm.
Các tuyến đường quốc lộ, đường lộ cùng với hệ thống đường liên huyện, liên xã, đường trục trong đô thị được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2014 đạt trên 22.900 tỷ đồng, năm 2014 đạt khoảng 5.630 tỷ đồng tăng 77% so với năm 2010. Tổng chi ngân sách địa phương đoạn 2010 - 2014 đạt trên 28.800 tỷ đồng, năm 2014 đạt khoảng 6.576,9 tỷ đồng cao hơn 42% so với năm 2010.
Hàng năm giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 57%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.
IV. HẠ TẦNG
1. Giao thông
Đường Xuyên Á chạy qua địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 28km, nối TP Hồ Chí Minh với Campuchia thông qua của khẩu quốc tế Mộc Bài. Quốc lộ 22B là tuyến đường xương sống chạy dọc tỉnh từ Bắc xuống Nam.
Đây là 2 tuyến đường chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng của địa phương và khu vực. Bên cạnh đó, Tây Ninh hiện đã có 100% xã có đường nhựa đến tận xã. Tổng chiều dài đường bộ của tỉnh là 3.112 km, trong đó đường quốc lộ, đường tỉnh là 762 km, còn lại là đường giao thông nông thôn.
2. Đô thị
Trong những năm vừa qua, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Nhiều khu đô thị mới, dự án lớn đã và đang triển khai thực hiện; một số khu dân cư tại các đô thị từng bước được cải tạo, chỉnh trang góp phần cải thiện môi trường sống của người dân. Thành phố Tây Ninh đã xây dựng các đề án, ban hành các quy định về xây dựng tuyến đường phố kiểu mẫu, về quản lý, sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông, về quản lý cây xanh đô thị và công viên... nhằm lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực trong dân, các tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị.
3. Khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Tây Ninh có các khu công nghiệp, khu chế xuất gồm: Khu công nghiệp Chà Là, Khu công nghiệp Phước Đông, Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu chế xuất Linh Trung 3, Khu công nghiệp Trảng Bàng.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các cụm công nghiệp ở các huyện để phát triển công nghiệp khu vực nông thôn.
Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát và cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại có vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại.
4. Khu du lịch, dịch vụ
Tây Ninh là điểm giao thoa hội tụ của nhiều luồng văn hóa, là địa phương có nhiều dân tộc cư trú nên có truyền thống văn hóa phong phú, văn nghệ dân gian đa dạng. Tây Ninh có các di tích lịch sử, văn hóa như: Núi Bà Đen, Tòa Thánh Tây Ninh, Khu du lịch Hồ nước Dầu Tiếng. Những tiềm năng trên là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, thăm quan các di tích, du lịch nghỉ dưỡng với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng.
V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
- Phát triển nhanh và vững chắc các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp bổ trợ bao gồm cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông - tin học, công nghiệp hóa chất dược phẩm, chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2020 về cơ bản Tây Ninh có một nền công nghiệp bền vững với cơ cấu hợp lý, phù hợp với điều kiện và tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 18%.
- Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu như: Khai thác và chế biến khoáng sản; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ, giấy; sản xuất vật liệu xây dựng; hóa chất, dược phẩm; dệt may, da giày; cơ khí, gia công kim loại; sản xuất và phân phối điện nước.
- Thu hút các dự án doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Khu công nghiệp Bến Kéo, Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời, Khu công nghiệp An Hòa.
2. Thương mại, dịch vụ
Phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh và chất lượng cao, bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15 - 15,5%.
- Phát triển thương mại theo hướng hình thành các trung tâm thương mại ở đô thị, các cụm thương mại ở nông thôn, hệ thống chợ, siêu thị. Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Trung tâm thương mại thành phố Tây Ninh, Hòa Thành. Hoàn thiện mạng lưới chợ, nhất là chợ đầu mối, chợ cửa khẩu, chợ biên giới, siêu thị tại đô thị.
- Về du lịch, tập trung đầu tư phát triển du lịch với các loại hình du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống của tỉnh. Khai thác các điểm du lịch như khu căn cứ Trung ương Cục, điểm núi Bà Đen, Tòa Thánh Tây Ninh, hồ nước Dầu Tiếng, khu công viên vui chơi giải trí, khu công viên sinh thái rừng, khu trung tâm dịch vụ thương mại, thể thao, khách sạn, nhà hàng... để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu du lịch của du khách đến Tây Ninh;
3. Nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với thị trường.
Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên môn hóa. Tăng nhanh các cây công nghiệp phục vụ xuất khẩu, phát triển sản xuất rau quả phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh, cho các khu vực đô thị của tỉnh và trong vùng đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, ổn định diện tích cao su. Có biện pháp duy trì, ổn định phát triển vùng nguyên liệu mía... Thực hiện thâm canh trên diện tích đất nông nghiệp hiện có.
Lâm nghiệp: Từng bước tạo mới rừng tự nhiên bằng các giải pháp khoanh nuôi và bảo vệ, đồng thời tăng vốn rừng bằng các loại cây đáp ứng nhu cầu sử dụng lâm sản cũng như nhu cầu phòng hộ. Bảo tồn và đa dạng hóa sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài, nhóm loài, quần thể thực động vật ở các vùng sinh thái. Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái quý hiếm, tính đa dạng sinh học tạo tiềm năng cho phát triển du lịch.
Thủy sản: Phát triển ngành thủy sản phải bảo đảm những yêu cầu về bảo vệ môi trường nước, nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển sản xuất và sinh hoạt của dân cư trong tỉnh và của các tỉnh, thành phố khác liên quan. Sử dụng hợp lý các vùng nước mặt: Hồ Dầu Tiếng, các hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ để phát triển thủy sản với quy mô vừa và nhỏ.
Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện tại 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Các xã đã xây dựng tiêu chí phát triển nông thôn mới, có 6 xã trong 25 xã là Phước Trạch, Bến Củi, An Tịnh, Thạnh Bình, Long Thành Trung và Bình Minh sẽ cơ bản đạt đủ bộ 19 tiêu chí của nông thôn mới.
VI. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VIỄN THÔNG
1. Thuận lợi
Tây Ninh có lợi thế về vị trí địa lý: Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa khẩu Xa Mát, Mộc Bài với Vương quốc Campuchia tạo Điều kiện thuận lợi cho việc giao thương với các tỉnh và nước Campuchia.
Tỉnh có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đặc biệt là ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông.
Các khu kinh tế và khu công nghiệp của tỉnh đang được mở rộng và hoàn thiện xây dựng là tiền đề cho sự phát triển công nghiệp của tỉnh, thu hút nguồn lao động và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Hạ tầng giao thông, đô thị tiếp tục được xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng là điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông phối kết hợp phát triển hạ tầng mạng một cách đồng bộ, có tính hiệu quả và bền vững.
Quốc phòng an ninh được đảm bảo và trật tự an toàn xã hội ổn định tạo điều kiện thuận lợi hạ tầng viễn thông phát triển bền vững.
2. Khó khăn
Điều kiện kinh tế, xã hội của các cụm dân cư không đồng đều, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông tại các khu vực cũng rất khác nhau, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng tại mỗi địa phương. Các huyện phía Nam phát triển công nghiệp trong khi vùng phía Bắc kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; phát triển du lịch tập trung tại khu vực thành phố, khu vực cửa khẩu và huyện Hòa Thành.
Dân cư phân bố không đồng đều: Các huyện Tân Biên, Tân Châu có mật độ dân số dưới 120 người/km², khu vực tập trung dân cư đông ở huyện Hòa Thành với mật độ dân số trên 1.700 người/km², thành phố Tây Ninh có mật độ dân số trên 900 người/km². Các khu vực có mật độ dân số thấp gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động do kinh phí thực hiện cao, nhu cầu sử dụng của người dân ở khu vực thấp.
Khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn gây nhiều khó khăn trong việc ngầm hóa mạng ngoại vi do kinh phí thực hiện cao, nhu cầu sử dụng của người dân ở khu vực nông thôn thấp.
Tỉnh đã phát triển về công nghiệp nhưng ngành nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngành nông nghiệp chủ yếu trồng cây công nghiệp lâu năm như cao su. Mủ cao su chủ yếu xuất là xuất khẩu nguyên liệu thô giá không ổn định sẽ ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân và của nhiều doanh nghiệp.
Kinh tế tăng trưởng nhưng chất lượng và hiệu quả chưa cao, tính bền vững và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế, chi phí sản xuất cao; vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đối với việc sử dụng các dịch vụ viễn thông trong quản lý và phát triển của doanh nghiệp.
Kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung có được cải thiện nhưng vẫn còn kém, nhất là khu vực nông thôn.
3. Cơ hội
Khoa học công nghệ phát triển thúc đẩy phát triển công nghệ thiết kế, thiết bị đầu cuối (máy tính bảng, thiết bị di động trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở…) chế tạo thiết bị cho mạng viễn thông và mạng di động cho thế hệ sau, phát triển công nghệ mạng hội tụ cố định và di động, phát triển hạ tầng mạng viễn thông. Khoa học công nghệ phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, nâng cao chất lượng, giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các khu công nghiệp của tỉnh vẫn đang tiếp tục được mở rộng và xây dựng, sẽ thu hút thêm nguồn lao động đến làm việc trong tỉnh khi đó nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông tăng. Kinh tế phát triển ổn định, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, giải trí tăng. Điều này sẽ có ảnh hưởng tốt đến việc phát triển hạ tầng viễn thông thụ động tại địa phương.
Hạ tầng giao thông của tỉnh tuy đang phát triển rộng khắp nhưng trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông mới, sẽ là điều kiện tốt cho việc hoàn thiện hạ tầng viễn thông thụ động, nhất là việc ngầm hóa mạng cáp viễn thông.
4. Thách thức
Tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh đòi hỏi cần đầu tư lớn cho viễn thông.
Dân cư khu vực nông thôn chiếm khoảng 85% tỷ lệ cao, diện tích rộng. Vốn đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông ở khu vực nông thôn lớn, trong khi thị trường nhỏ, số lượng người dân sử dụng dịch vụ ở mức thấp (dịch vụ Internet, điện thoại cố định) nên thời gian thu hồi vốn chậm.
Tây Ninh có vị trí giáp với tỉnh Bình Dương và gần thành phố Hồ Chí Minh là tỉnh, thành phố phát triển mạnh về công nghiệp sẽ là một thách thực đối với tỉnh trong cạnh tranh thu hút dự án đầu tư vào tỉnh.
Ngành công nghiệp, thương mại và du lịch của tỉnh đang phát triển nhưng tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thu nhập của người dân không ổn định và đồng đều nên gây ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh.
HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TỈNH TÂY NINH
I. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG VIỄN THÔNG
Mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tốc độ tăng trưởng của các dịch vụ viễn thông luôn đạt mức cao, đặc biệt là dịch vụ thông tin di động.
Trên địa bàn tỉnh có 02 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định: Viễn thông Tây Ninh, chi nhánh Viettel Tây Ninh. Có 03 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet: Viễn thông Tây Ninh, chi nhánh Viettel Tây Ninh, Công ty Cổ phần di động FPT – chi nhánh Tây Ninh. Có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnamobile, Gmobile.
Hạ tầng mạng lưới viễn thông phát triển rộng trên địa bàn tỉnh:
- Truyền dẫn: Cáp quang, cáp đồng đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết xã, phường, thị trấn có tuyến truyền dẫn cáp quang.
- Trạm thu phát sóng thông tin di động: 1.168 vị trí cột ăng ten thu phát sóng trên địa bàn toàn tỉnh, bán kính phục vụ bình quân 1,33 km/cột; 100% các xã, phường, thị trấn có trạm thu phát sóng thông tin di động đang hoạt động.
Tính đến cuối năm 2014, mạng viễn thông đã cơ bản cung cấp dịch vụ tới 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Số thuê bao điện thoại cố định (hữu tuyến và vô tuyến) đạt 63.657 thuê bao, đạt mật độ 5,3 thuê bao/100 dân. Số thuê bao Internet 60.955 thuê bao, đạt mật độ 5,08 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao thông tin di động (thuê bao điện thoại di động trả trước và trả sau) đạt 1.299.865 thuê bao, đạt mật độ 108 thuê bao/100 dân.
II. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG
1. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
1.1. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ
Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ bao gồm: Trung tâm viễn thông các huyện, thành phố, trung tâm dịch vụ khách hàng, chi nhánh của các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh, điểm giao dịch và các điểm đại lý do doanh nghiệp trực tiếp quản lý.
Đến cuối năm 2014, hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ (giao dịch khách hàng) của Viễn thông Tây Ninh, Viettel và Mobifone đã phát triển tại 9/9 huyện, thành phố có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ. Vietnamobile có 5/9 huyện, thành phố có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ. Gtel có 01 điểm ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao tại thành phố Tây Ninh.
Trên địa bàn tỉnh có tổng số 34 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ.
Viễn thông Tây Ninh và chi nhánh Viettel Tây Ninh ngoài hệ thống các điểm phục vụ tại khu vực thành phố, trung tâm các huyện đã phát triển điểm đại lý phục vụ viễn thông công cộng đến khu vực các xã, phường, thị trấn; nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân.
Bảng 1: Chi tiết điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ
STT | Tên điểm phục vụ | Địa điểm |
I | Mobifone |
|
1 | Trung tâm giao dịch huyện Hòa Thành | Số 108A Hùng Vương, khu phố 4, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành |
2 | Trung tâm giao dịch huyện Châu Thành | Số 1282 Hoàng Lê Kha, khu phố 1, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành |
3 | Trung tâm giao dịch huyện Bến Cầu | 1223 đường 786 khu phố 1, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu |
4 | Trung tâm giao dịch huyện Tân Châu | 163 khu phố 1, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu |
5 | Trung tâm giao dịch huyện Gò Dầu | 304 khu phố 1, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu |
6 | Trung tâm giao dịch huyện Dương Minh Châu | 432 đường 781 khu phố 2, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu |
7 | Trung tâm giao dịch huyện Tân Biên | 25 Nguyễn Chí Thanh, khu phố 2, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên |
8 | Cửa hàng Tây Ninh | Số 01 đường Trần Hưng Đạo, khu phố 4, phường 2, thành phố Tây Ninh |
9 | Cửa hàng Trảng Bàng | 24 khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh |
II | Viễn thông tỉnh Tây Ninh |
|
1 | Cửa hàng giao dịch 1, Trung tâm viễn thông Thị xã | 189 đường 30/4, phường 2, thành phố Tây Ninh. |
2 | Cửa hàng giao dịch 2 Trung tâm viễn thông Thị xã | 29 Paster, phường 2, thành phố Tây Ninh. |
3 | Cửa hàng giao dịch TTVT Châu Thành | Khu phố 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành |
4 | Cửa hàng giao dịch Trung tâm viễn thông Hòa Thành | Khu phố 4, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành |
5 | Cửa hàng giao dịch Trung tâm viễn thông Dương Minh Châu | Khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Binh Châu |
6 | Cửa hàng giao dịch Trung tâm viễn thông Tân Biên | Khu phố 2, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên |
7 | Cửa hàng giao dịch Trung tâm viễn thông Tân Châu | Khu phố 1, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu |
8 | Cửa hàng giao dịch Trung tâm viễn thông Gò Dầu | khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu |
9 | Cửa hàng giao dịch Trung tâm viễn thông Bến Cầu | Khu phố 2, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu |
10 | Cửa hàng giao dịch Trung tâm viễn thông Trảng Bàng | Số 146A quốc lộ 22, khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng |
III | Chi nhánh Viettel Tây Ninh |
|
1 | Cửa hàng Viettel Thị xã | Số 7 đường Paster, phường 2, thành phố Tây Ninh |
2 | Cửa hàng Viettel Hòa Thành | Số 65 Tôn Đức Thắng, thị trấn Hòa Thành, huyện Hòa Thành |
3 | Cửa hàng Viettel Gò Dầu | Số 275 khu phố Rạch Sơn, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu |
4 | Cửa hàng Viettel Trảng Bàng | Quốc lộ 22A khu phố Lộc An, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng |
5 | Cửa hàng Viettel Bến Cầu | Số 1235 khu phố 1, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu |
6 | Cửa hàng Viettel Châu Thành | Số 943 Hoàng Lê Kha, khu phố 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành |
7 | Cửa hàng Viettel Tân Biên | Số 146 đường Nguyễn Văn Linh, khu phố 3, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên |
8 | Cửa hàng Viettel Tân Châu | Số 144 khu phố 1, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu |
9 | Cửa hàng Viettel Dương Minh Châu | Số 356 Nguyễn Chí Thanh, khu phố 2, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu |
IV | Vietnammobile |
|
1 | Cửa hàng Phú Hưng | Số 147 đường Trưng Nữ Vương khu phố 1, phường 2, Thành phố Tây Ninh |
2 | Cửa hàng Nguyên Lý | Ấp An Bình, xã An Thịnh, huyện Trảng Bàng |
3 | Cửa hàng Phát Lộc | Số 238 đường 782, ấp Phước Đức, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu. |
4 | Cửa hàng Ngọc Minh | Số 127-129 đường Nguyễn Văn Linh, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành |
5 | Cửa hàng Tuấn Anh | Số 16 Nguyễn Văn Linh, khu phố 4, thị trấn Tân Biên, Huyện Tân Biên |
V | Gmobile |
|
1 | Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Thiên Thiên | Số 125 Nguyễn Thái Học, khu phố 3, phường 3, thành phố Tây Ninh |
1.2. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ
Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ bao gồm: Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông tại các nơi công cộng (nhà ga, bến xe...).
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh của các loại hình dịch vụ viễn thông như Internet, điện thoại di động; những cabin điện thoại công cộng đã không còn phát huy tác dụng; hầu hết trong tình trạng hỏng hóc, không sử dụng được, không có người sử dụng, ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan do vậy đã được dỡ bỏ.
Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ tại các địa điểm công cộng (nhà ga, bến xe…) trên địa bàn tỉnh hiện chưa có.
2. Cột ăng ten
2.1. Hiện trạng hệ thống vị trí cột ăng ten thu phát sóng (BTS)
Đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 5 mạng điện thoại di động đang hoạt động:
- Mạng Vinaphone: 293 vị trí cột ăng ten thu phát sóng.
- Mạng Mobifone: 343 vị trí cột ăng ten thu phát sóng.
- Mạng Viettel mobile: 426 vị trí cột ăng ten thu phát sóng.
- Mạng Vietnamobile: 63 vị trí cột ăng ten thu phát sóng.
- Mạng Gmobile: 43 vị trí cột ăng ten thu phát sóng.
Bảng 2: Hiện trạng hạ tầng cột ăng ten mạng thông tin di động
TT | Đơn vị hành chính | Cột loại A1a | Cột loại A1b | Cột loại A2a | Cột loại A2b | Cột loại A2c | Tổng số Cột | |
1 | TP. Tây Ninh | - | - | 7 | 153 | 2 | 162 |
|
2 | Huyện Bến Cầu | - | - | 9 | 63 | - | 72 |
|
3 | Huyện Châu Thành | - | - | 2 | 154 | 1 | 157 |
|
4 | Huyện Dương Minh Châu | - | - | 10 | 109 | 6 | 125 |
|
5 | Huyện Gò Dầu | - | - | 12 | 111 | - | 123 |
|
6 | Huyện Hòa Thành | - | - | 7 | 103 | - | 110 |
|
7 | Huyện Tân Biên | - | - | 2 | 123 | - | 125 |
|
8 | Huyện Tân Châu | - | - | 1 | 148 | - | 149 |
|
9 | Huyện Trảng Bàng | - | - | 9 | 136 | - | 145 |
|
Tổng | - | - | 59 | 1.100 | 9 | 1.168 |
| |
Tỷ lệ (%) | - | - | 5% | 94% | 1% | 100 |
| |
Nguồn: Thống kê từ doanh nghiệp |
|
Hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo 3 loại: Loại A2a, loại A2b và loại A2c; trong đó loại cột A2b chiếm đa số (khoảng 94%). Cột ăng ten loại A2a, A2c chiếm khoảng 6%; cột ăng ten loại A2b phát triển nhiều tại khu vực nông thôn, hạ tầng cột ăng ten loại A2a, A2c phát triển đa số tại khu vực đô thị, khu vực tập trung đông dân cư.
2.2. Hiện trạng dùng chung cơ sở hạ tầng
- Dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các công nghệ khác nhau
Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng hình thức dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các công nghệ (triển khai các công nghệ khác nhau trên cùng 1 hạ tầng). Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai 3G trên cùng hạ tầng với 2G, tận dụng các hạ tầng kỹ thuật có sẵn (nhà trạm, truyền dẫn…), tiết kiệm chi phí đầu tư.
- Dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp
Hiện trạng sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng di động (sử dụng chung hệ thống cột ăng ten, nhà trạm...) giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Trên địa bàn toàn tỉnh có trên 290/1.110 cột sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng di động giữa các doanh nghiệp (chiếm khoảng 25%).
Những bất cập trong vấn đề sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp, một phần do hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống cơ chế chính sách chưa đầy đủ từ cấp Trung ương tới địa phương, một phần do yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường và vốn đầu tư xây dựng ban đầu.
2.3. Hiện trạng công nghệ hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động
Hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh được xây dựng, phát triển theo 2 công nghệ chính: 2G và 3G.
- Hạ tầng mạng 2G:
Các doanh nghiệp: Vinaphone, Viettel, Mobifone hiện trạng hạ tầng mạng đã phát triển tương đối hoàn thiện, đảm bảo phủ sóng tới mọi khu vực dân cư. Vietnamobile, Gmobile do số lượng thuê bao còn hạn chế và tập trung tại khu vực thành phố, thị trấn trung tâm các huyện; nên các doanh nghiệp chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng tại các khu vực này; khu vực nông thôn hạ tầng chưa phát triển, nhiều khu vực chưa có sóng.
- Hạ tầng mạng 3G:
Đã triển khai xây dựng và cung cấp dịch vụ. Hiện tại, sóng 3G của (Viettel, Vinaphone, Mobifone) phủ sóng cơ bản diện tích toàn tỉnh. Hầu hết các trạm thu phát sóng 3G hiện tại đều được xây dựng, lắp đặt trên cơ sở sử dụng chung cơ sở hạ tầng với hạ tầng trạm 2G.
3. Cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm
Trên địa bàn tỉnh có 04 doanh nghiệp xây dựng mạng cáp viễn thông cung cấp dịch vụ điện thoại cố định, Internet: Viễn thông Tây Ninh, chi nhánh Viettel Tây Ninh, FPT Telecom và doanh nghiệp SCTV cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Tuyến cáp treo:
Mạng cáp viễn thông có 1.174 tuyến cáp treo với tổng chiều dài trên 4.335km (tổng số cáp treo đạt 10.012km). Trong đó, có 851 tuyến sử dụng cột điện lực, các tuyến còn lại doanh nghiệp viễn thông tự xây dựng cột.
Tuyến cáp ngầm:
Mạng cáp viễn thông có 144 tuyến cáp ngầm với tổng chiều dài trên 300 km (tổng số cáp ngầm đạt 2.818km). Trong đó, chi nhánh Viettel Tây Ninh có 05 tuyến cáp ngầm và Viễn thông Tây Ninh có 139 tuyến cáp ngầm.
Đánh giá mạng cáp viễn thông:
Chi nhánh Viettel Tây Ninh đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển hạ tầng mạng lưới, chủ yếu đang sử dụng cáp treo, tỷ lệ ngầm hóa còn rất ít. Viễn thông Tây Ninh có hạ tầng tương đối ổn định, đặc biệt các trục tuyến chính, vì vậy độ ổn định của mạng lưới tương đối cao. Tỷ lệ cáp ngầm chiếm khoảng 22% tổng số mạng cáp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống cáp treo chủ yếu được treo trên cột thông tin hoặc cột hạ thế của điện lực, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu lắp đặt thuê bao mới cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do lượng cáp treo lớn nên gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn của người dân, đặc biệt trong mùa mưa, bão. Các tuyến cáp được ngầm hóa chủ yếu là các tuyến trong khu vực thành phố, khu vực các trung tâm huyện nhằm tạo mỹ quan cho các khu đô thị, khu trung tâm và các tuyến đường quốc lộ đường tỉnh, tỷ lệ ngầm hóa khu vực đô thị đạt khoảng 26%.
Hạ tầng mạng cáp trên địa bàn tỉnh tuy bước đầu đã được ngầm hóa nhưng nhiều tuyến đường vẫn có cáp treo do doanh nghiệp vừa sử dụng cáp ngầm và cáp treo trên một tuyến phố, đồng thời trên cùng một tuyến phố có doanh nghiệp sử dụng cáp chôn, doanh nghiệp sử dụng cáp treo. Khu vực một số tuyến đường trục, đường trung tâm tại khu vực đô thị do chưa đủ điều kiện để thực hiện ngầm hóa (vỉa hè hẹp…) nên chủ yếu vẫn sử dụng cáp treo.
Tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp viễn thông đạt khoảng 22% thấp hơn so với chỉ tiêu quy hoạch Bưu chính, Viễn thông tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 “Ngầm hóa 35 - 45% mạng cáp viễn thông”. Nguyên nhân, do sự phát triển và cạnh tranh mạnh của dịch vụ thông tin di động trong những năm vừa qua, dịch vụ viễn thông cố định đã phát triển chững lại, thậm chí tăng trưởng âm tại một số khu vực. Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cống bể cáp và ngầm hóa mạng lưới khá tốn kém chi phí đầu tư cao song hiệu quả đem lại cũng chưa thực sự thuyết phục. Mức độ đô thị hóa của tỉnh chậm cùng với không bắt buộc doanh nghiệp phải ngầm hóa mạng cáp tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Do vậy, hạ tầng mạng cáp trong những năm vừa qua không được chú trọng đầu tư các tuyến cáp ngầm.
Hiện trạng sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng cáp (sử dụng chung giữa các doanh nghiệp trong ngành và ngoài ngành) trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá hạn chế; hình thức sử dụng chung chủ yếu hiện nay là hình thức sử dụng chung với các doanh nghiệp ngoài ngành (doanh nghiệp viễn thông thuê lại hệ thống cột Điện lực để treo cáp viễn thông…) tỷ lệ tuyến cáp sử dụng chung với ngành điện lực đạt khoảng 73%. Sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn nhiều bất cập; một phần do các doanh nghiệp tại địa phương đều trực thuộc các Tổng công ty hoặc Tập đoàn, mọi kế hoạch phát triển đều thông qua cấp chủ quản; một phần do yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
4. Mạng truyền dẫn
Mạng truyền dẫn liên tỉnh trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu do các đơn vị: VTN (VNPT), Viettel cung cấp và quản lý.
- Tuyến truyền dẫn liên tỉnh VNPT: Tây Ninh – Thành phố Hồ Chí Minh; Tây Ninh – Bình Dương.
- Tuyến truyền dẫn liên tỉnh Viettel: Chi nhánh Viettel (Tây Ninh) – Thành phố Hồ Chí Minh; Tây Ninh – Bình Dương; Tây Ninh – Long An.
Mạng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực tạo thành vòng Ring đảm bảo về đường truyền luôn được thông suốt. Hạ tầng mạng truyền dẫn liên tỉnh đảm bảo dung lượng sử dụng trong khu vực và của tỉnh.
5. Hạ tầng mạng cáp truyền hình cáp
Hiện nay, Công ty truyền hình cáp Saigontourist chi nhánh Tây Ninh cung cấp dịch vụ ở khu vực thành phố Tây Ninh, trung tâm huyện và khu vực thị trấn và một số xã gần trung tâm huyện đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho người dân khu vực thành phố, thị trấn và một số dân cư khu vực nông thôn (các xã).
Tổng chiều dài các tuyến cáp truyền hình cáp trên 265 km. Mạng truyền hình cáp hầu hết sử dụng cáp treo, các tuyến cáp sử dụng hạ tầng của cột điện lực.
III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TRÌNH VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG
Công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình công tác, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành; tổ chức hướng dẫn và triển khai nhiều giải pháp quản lý góp phần đưa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông trong đó có quản lý về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại tỉnh từng bước đi vào nề nếp và tạo được môi trường phát triển lành mạnh.
Việc quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là các cuộc tổng kiểm tra diện rộng đối với các trạm thu phát sóng thông tin di động.
Công tác quản lý nhà nước đối với hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động bước đầu đã phát huy hiệu quả, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác quy hoạch và quản lý đô thị, phù hợp với chương trình phát triển nông thôn mới, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Viễn thông và một số các Nghị định, Quyết định, Thông tư phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về viễn thông nhưng vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động cho địa phương.
Sự phối hợp giữa các ban ngành của thành phố trong việc xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch chưa tốt dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Công tác quy hoạch chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường viễn thông. Hạ tầng viễn thông hầu hết đều do các doanh nghiệp chủ động, chưa có sự can thiệp sâu của cơ quan quản lý nhà nước.
Lực lượng làm công tác quản lý tại các huyện còn mỏng, trình độ chuyên môn còn yếu và làm kiêm nhiệm vụ của nhiều ngành. Một số địa phương vẫn chưa bố trí được biên chế chuyên trách quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông.
Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về quản lý, phát triển hạ tầng mạng viễn thông chưa đầy đủ, còn chồng chéo quản lý giữa ngành xây dựng và ngành thông tin truyền thông, việc ban hành văn bản còn chậm và chưa phân cấp đủ mạnh cho địa phương nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp một số khó khăn, trở ngại.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
1. Điểm mạnh
Hạ tầng mạng viễn thông có độ phủ tương đối tốt, công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, đáp ứng được nhu cầu phát triển thị trường; đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao như mạng lưới dữ liệu thông tin tốc độ cao, hạ tầng mạng lưới băng thông rộng (MAN) cho thành phố theo mô hình đa dịch vụ…; hạ tầng mạng viễn thông có khả năng nâng cấp, cung cấp các dịch vụ mới.
Hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có người phục vụ phát triển rộng khắp đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân trong tỉnh.
Hạ tầng mạng thông tin di động phát triển tương đối hoàn thiện, phủ sóng tới hầu hết các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.168 vị trí cột ăng ten thu phát sóng, bán kính phục vụ bình quân 1,33 km/cột. Hạ tầng mạng cáp trên địa bàn tỉnh phát triển cơ bản đã đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu về sử dụng dịch vụ của người dân. Cáp quang hóa mạng cáp viễn thông bước đầu được triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Mạng di động có tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp khá cao đạt khoảng 25%. Sử dụng chung cơ sở hạ tầng sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư và tài nguyên đất xây dựng hạ tầng. Tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp viễn thông đạt 22% cao so với các tỉnh trên cả nước.
2. Điểm yếu
Hạ tầng mạng cáp viễn thông của tỉnh đã được chú trọng đầu tư nhưng chưa triệt để, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng cáp treo.
Sử dụng chung cơ sở hạ tầng chưa hiệu quả ảnh hưởng đến nguồn vốn, diện tích sử dụng đất. Phát triển hạ tầng dùng chung giữa các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hệ thống cống, bể cáp ngầm hóa mạng viễn thông chưa có sử dụng chung giữa các doanh nghiệp.
Tình trạng thuê bao ảo vẫn còn tồn tại và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thuê bao sử dụng dịch vụ thông tin di động tại tỉnh.
Dây thuê bao trên cột điện lực, cột viễn thông không còn sử dụng nhưng doanh nghiệp không thu hồi, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị.
Quản lý nhà nước mới thực hiện chức năng cấp phép cho doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng. Chưa có các văn bản quy định cụ thể thực hiện sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Hệ thống văn bản quản lý ban hành chưa đồng bộ, thiếu kịp thời, thiếu các quy định cụ thể trong việc phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông do đó công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
3. Thời cơ
Hệ thống cơ chế chính sách có nhiều thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển hạ tầng, có thêm nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường, dẫn đến hạ tầng mạng lưới phát triển nhanh.
Kinh tế xã hội của tỉnh phát triển khá nhanh, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu thông tin liên lạc tăng cao.
Giá cước dịch vụ, giá thiết bị đầu cuối ngày càng giảm tác động đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.
Hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh đang trong quá trình xây dựng, phát triển mạnh (đô thị, công nghiệp, du lịch…) dẫn đến nhu cầu phát triển thêm hạ tầng mạng lưới phục vụ cho các khu vực này.
4. Thách thức
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh trực thuộc Tổng công ty hoặc Tập đoàn, mọi kế hoạch phát triển phụ thuộc vào cấp chủ quản; không tự quyết định nên không có kế hoạch phát triển phù hợp trong từng thời kỳ. Định hướng phát triển của các doanh nghiệp khác nhau dẫn tới khó khăn trong điều phối chung để phát triển hạ tầng viễn thông thụ động tại địa phương.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho đầu tư hạ tầng, nâng cấp hạ tầng của các doanh nghiệp hạn chế nên việc ngầm hóa mạng cáp khó thực hiện do thiếu quy hoạch từ trước.
Thị trường viễn thông Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển có nhiều biến động: Thay đổi công nghệ, thị trường phát triển đột biến dẫn tới khó khăn và sức ép về phát triển hạ tầng.
Nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, do đó hướng phát triển hạ tầng dùng chung giữa các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp quy về quản lý phát triển hạ tầng mạng viễn thông (dùng chung hạ tầng, ngầm hóa mạng cáp viễn thông...) còn hạn chế.
Phần IV
DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN
I. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHUNG HẠ TẦNG MẠNG VIỄN THÔNG
1. Xu hướng phát triển công nghệ
Mạng viễn thông phát triển theo xu hướng hội tụ: Hội tụ công nghệ, tích hợp đa dịch vụ (mạng điện thoại công cộng (PSTN) và mạng số liệu phát triển hội tụ về mạng thế hệ mới NGN)…
Thông tin di động phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng, cung cấp đa dịch vụ cho các thiết bị viễn thông và tin học.
Mạng ngoại vi phát triển theo hướng cáp quang hóa, cáp quang thay thế cáp đồng, thực hiện cáp quang hóa đến thuê bao, cụm thuê bao; đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng rộng của người dân (FTTx).
Mạng Internet phát triển theo hướng hội tụ, cung cấp đa dịch vụ: Cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình (IPTV), báo chí (E-papers)…
Công nghệ chuyển mạch đang trong quá trình thay đổi công nghệ theo chu kỳ. Công nghệ chuyển mạch kênh (TDM) dần dần được thay thế bởi chuyển mạch gói (IP) để hội tụ về mạng NGN.
Công nghệ truy nhập sẽ nhanh chóng triển khai sử dụng các thiết bị đầu cuối thông minh. Trong truy nhập số liệu, băng thông rộng ADSL sẽ là giải pháp trước mắt và sẽ dần được nâng cấp lên các công nghệ tiên tiến hơn như PON... Khi mạng NGN phát triển, các chức năng của DSLAM sẽ được các thế hệ chuyển mạch mềm hoặc các giải pháp BDSL đảm nhiệm.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào viễn thông ngày càng rộng rãi. Đặc biệt là trong các dịch vụ gia tăng giá trị, hệ thống chăm sóc khách hàng, hệ thống hỗ trợ vận hành (OSS), mạng lưới quản trị viễn thông, hệ thống quản trị mạng lưới và các dịch vụ bảo lưu số điện thoại.
2. Xu hướng phát triển thị trường
Thị trường viễn thông sẽ là thị trường tự do, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước hoàn toàn tự do cạnh tranh trên thị trường.
Mở cửa thị trường có tác động tốt như làm giảm giá cước, thu hút đông số người sử dụng nhưng cũng làm ảnh hưởng đến an ninh thông tin liên lạc, phổ cập dịch vụ và có thể loại nhiều doanh nghiệp trong nước ra khỏi thị trường.
Xây dựng và thiết lập mạng vẫn do các doanh nghiệp trong nước thực hiện, cung cấp và bán lại dịch vụ sẽ không hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường dưới hình thức đầu tư vốn vào các doanh nghiệp cổ phần; hoặc hợp tác với các công ty theo hình thức liên doanh.
Thị trường thông tin di động: Do thị trường hiện tại đã phát triển gần tới mức bão hòa nên trong giai đoạn tới tốc độ phát triển dịch vụ sẽ chậm lại. Các doanh nghiệp cạnh tranh mạnh để thu hút khách hàng ở khu vực nông thôn bằng các dịch vụ mức giá thấp, chính sách khuyến mại.
Thị trường dịch vụ điện thoại cố định: Trong giai đoạn 2014 - 2015 dịch vụ điện thoại cố định tiếp tục có xu hướng giảm, do sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ thông tin di động và do xu hướng sử dụng dịch vụ của người sử dụng có nhiều thay đổi. Giai đoạn sau năm 2015 dịch vụ điện thoại cố định sẽ tăng trưởng trở lại nhưng với tốc độ chậm (thuê bao tăng thêm chủ yếu từ các doanh nghiệp và tổ chức khác mới thành lập trên địa bàn tỉnh).
Thị trường dịch vụ Internet: Dịch vụ băng rộng và truy nhập mạng qua các thiết bị di động tăng nhanh, dịch vụ truy nhập Internet bằng cáp quang đến thuê bao phát triển mạnh (FTTx: FTTH, FTTB…).
Thị trường các dịch vụ mới: Truyền hình cáp và truy nhập mạng qua hệ thống truyền hình cáp, dịch vụ truy nhập không dây băng rộng, IPTV (truyền hình trên internet), VoD (Video theo yêu cầu)...
3. Xu hướng phát triển dịch vụ
Các dịch vụ cơ bản (Internet, thoại, phát thanh, truyền hình) sẽ phát triển dựa trên nhiều công nghệ khác nhau (cố định, di động, theo các công nghệ truy nhập vô tuyến).
Mạng viễn thông truyền thống cung cấp hai loại hình dịch vụ: Dịch vụ cơ bản (như thoại và tin nhắn) và dịch vụ truyền tải (như thuê kênh và truy cập Internet). Các dịch vụ được cung cấp trên mạng Internet bao gồm dịch vụ thông tin liên lạc bằng giọng nói, dịch vụ nội dung thông tin, và dịch vụ công nghiệp, dịch vụ OTT (cung cấp các ứng dụng miễn phí cho người sử dụng các thiết bị thông minh trên nền tảng Internet).
Sử dụng dịch vụ điện thoại cố định giảm, dịch vụ điện thoại di động tăng cao trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Xu hướng hội tụ dịch vụ cố định và dịch vụ di động sẽ dung cả hai, không còn sự phân biệt giữa các mạng cố định và di động, cung cấp cho người sử dụng sự kết hợp của băng thông rộng cố định và các công nghệ truy cập không dây cục bộ để đáp ứng nhu cầu của họ trong nhà, văn phòng, các tòa nhà khác trên đường đi… Mạng hộ tụ sẽ đem lại cho người sử dụng chất lượng tốt hơn và chi phí thấp hơn, nhà cung cấp tiết kiệm được tài nguyên di động khi cung cấp cho người dùng dịch vụ di động với chất lượng của kết nối cố định.
Xu hướng hội tụ thể hiện rõ trong nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông. Mặt khác, các nhà khai thác viễn thông đang tận dụng các nguồn lực thông tin phong phú với Internet để cung cấp cho người dùng với một số dịch vụ thông tin toàn diện và tích hợp. Trong tương lai, chiếc máy điện thoại sẽ tích hợp nhiều tính năng mới, được dùng như chứng minh thư, thẻ tín dụng, vé máy bay, là ví tiền điện tử, thanh toán, quản lý truy nhập, mua hàng hay làm chiếc chìa khóa nhà hoặc thiết bị xem phim, nghe nhạc... Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà cung cấp sẽ phát triển dịch vụ viễn thông theo hướng hội tụ giữa dịch vụ di động với cố định và cá nhân hóa với cơ chế cung cấp dịch vụ một cửa - một số nhận dạng - tính cước đơn giản.
II. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG MẠNG THÔNG TIN DI ĐỘNG
1. Xu hướng phát triển hạ tầng
Công nghệ thông tin di động trong thời gian qua có sự thay đổi rất nhanh (2G, 3G và sắp tới là 4G). Đi cùng với sự thay đổi của công nghệ, hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động cũng có những sự thay đổi nhất định.
So với công nghệ 2G, ăng ten và các thiết bị phụ trợ trong công nghệ 3G có kích thước nhỏ gọn hơn khá nhiều, nên không chiếm nhiều không gian cũng như diện tích đất để xây dựng nhà trạm. Tuy nhiên do công nghệ 3G được triển khai ở băng tần số cao hơn so với công nghệ 2G, nên bị suy hao nhiều hơn trong môi trường truyền, do đó cần phải xây dựng số lượng trạm thu phát sóng lớn để đảm bảo yếu tố về vùng phủ sóng.
Một số nhà sản xuất đã phát triển hệ thống thiết bị truy nhập mạng vô tuyến có kết cấu gọn nhẹ như các hệ thống lightRadio, không nhất thiết lắp đặt trên các hệ thống cột ăng ten. Công nghệ mới giúp làm giảm kích thước của trạm thu phát sóng, giảm chi phí điện năng và chi phí vận hành.
Cloud RAN (mạng truy nhập vô tuyến đám mây) là một hướng nghiên cứu mà nhiều nhà mạng lớn cùng với nhiều nhà sản xuất thiết bị nghiên cứu, phát triển. Cloud RAN đưa ra một mô hình kiến trúc mới trong đó một trạm phát sóng được phân ra 2 thành phần riêng biệt (BBU, RRH). Việc triển khai tập trung các BBU sẽ làm giảm số lượng các nhà trạm, từ đó giảm chi phí về năng lượng, chi phí thuê địa điểm, chi phí bảo vệ. Việc triển khai RRH đơn giản hơn nhiều so với triển khai trạm phát sóng truyền thống, do vậy chi phí triển khai thấp, thời gian triển khai nhanh. Sau khi triển khai xong, thì việc nâng cấp, bảo trì phần mềm và phần cứng cũng dễ dàng và ít tốn kém hơn.
Cả C-RAN và lightRadio đều tương thích với nhiều công nghệ như 2G, 3G và 4G (LTE) dựa trên nguyên lý chia tách các trạm gốc ra phần xử lý tín hiệu và thu phát sóng.
Hiện nay, một số tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế xã hội phát triển hoặc phát triển mạnh về du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Huế... đang triển khai xây dựng, phát triển trạm thu phát sóng ngụy. Hạ tầng trạm thu phát sóng ngụy trang có kích thước và quy mô nhỏ gọn, thân thiện môi trường, thường được ngụy trang ẩn vào các công trình kiến trúc và cảnh quan xung quanh, đảm bảo mỹ quan đô thị. Trạm thu phát sóng ngụy trang cũng là một trong những xu hướng phát triển hạ tầng mạng thông tin di động trong thời gian tới.
Với hệ thống cơ chế chính sách từng bước được hoàn thiện và những lợi ích đem lại từ việc dùng chung hạ tầng (tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo mỹ quan đô thị, tiết kiệm tài nguyên đất...), xu hướng sử dụng chung hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động cũng là một trong những xu thế phát triển tất yếu trong giai đoạn tới. Các doanh nghiệp phối hợp cùng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng (nhà trạm, cột ăng ten...) và sử dụng chung, phân chia theo tỷ lệ nguồn vốn đóng góp hoặc theo thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, trong một số trường hợp, có thể có một doanh nghiệp, đơn vị độc lập đứng ra xây dựng hệ thống hạ tầng dùng chung (nhà trạm, cột...) sau đó cho các doanh nghiệp thuê lại để cung cấp dịch vụ.
2. Xu hướng phát triển công nghệ
Viễn thông là một trong số ít những ngành vẫn giữ được đà tăng trưởng khi nền kinh tế đang trong bối cảnh suy thoái. Trong khi dịch vụ điện thoại cố định đang phát triển cầm chừng, thậm chí phát triển âm tại một số khu vực thì dịch vụ di động và dữ liệu ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Công nghệ thông tin di động 3G – mạng di động thế hệ thứ ba, là thế hệ thứ ba của công nghệ viễn thông di động.
Trước khi sử dụng 3G ở Việt Nam đang sử dụng công nghệ thông tin di động GSM, CDMA. Ưu điểm của 3G là cho phép truyền, nhận các dữ liệu, âm thanh, hình ảnh chất lượng cao cho cả thuê bao cố định và thuê bao đang di chuyển ở các tốc độ khác nhau. Với công nghệ 3G, các nhà cung cấp có thể mang đến cho khách hàng các dịch vụ đa phương tiện, như âm nhạc chất lượng cao, hình ảnh video chất lượng và truyền hình số, dịch vụ định vị toàn cầu (GPS)…
3G đã được sử dụng trên thế giới vào những năm 2000, Việt Nam đã cấp phép chính thức dịch vụ 3G từ năm 2009. Hiện nay ở Việt Nam các mạng viễn thông được cấp phép đã triển khai 3G rộng rãi.
3G có nhiều chuẩn được sử dụng ở các nước, W-CDMA chuẩn được sử dụng phổ biến nhất trong đó có Việt Nam, thường hoạt động trên các băng tần 2.100, 850, 900 và 1.900 MHz.
4G (Fourth Generation) là thế hệ thứ tư của công nghệ thông tin di động. Hệ thống 4G cung cấp băng thông di động tốc độ cao hơn nhiều so với các hệ thống 3G. Công nghệ 4G được phát triển từ nhu cầu các dịch vụ truy nhập mạng như truyền hình di động, điện toán đám mây…
Các hệ thống 4G lần đầu tiên được triển khai năm 2006, đến năm 2010 nhiều quốc gia công bố kế hoạch phát triển hệ thống 4G trong giai đoạn 2010 – 2015.
LTE là chuẩn của 4G được nhiều quốc gia lựa chọn. LTE (Long Term Evolution), là một tiêu chuẩn cho không dây truyền dữ liệu tốc độ cao cho điện thoại di động và thiết bị đầu cuối dữ liệu. LTE được dựa trên các mạng GSM/ EDGE (2G tại Việt Nam) và UMTS/HSPA (3G) nâng cấp giao diện vô tuyến cùng với những cải tiến mạng lõi chuyển mạch gói. Việt Nam đang lựa chọn chuẩn 4G và dự kiến cấp phép mạng 4G sau năm 2015.
Một số đặc điểm kỹ thuật của LTE:
- Tốc độ truyền dữ liệu đường xuống lên tới 299,6 Mbit/s và đường lên đến 75,4 Mbit/s. Băng thông đường truyền 20 MHz.
- Nâng cao tính năng di động, cho phép hỗ trợ cho các thiết bị đầu cuối di chuyển với tốc độ lên đến 350 km/h hoặc có trường hợp đến 500 km/h.
- Tương thích với các công nghệ 3G.
- Mềm dẻo thiết lập vùng phủ sóng, cho phép thiết lập bán kính phủ sóng từ chục mét lên đến hàng km. Bán kính tối ưu thường từ 1- 5 km.
- Hỗ trợ số lượng lớn thiết bị truy nhập hệ thống dữ liệu của 1 trạm thu phát sóng.
3. Xu hướng phát triển thị trường
Thị trường viễn thông di động trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường.
Thị trường với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có sự cạnh tranh mạnh mẽ, có thể có những doanh nghiệp sẽ phải rút khỏi thị trường hoặc phải sát nhập với các doanh nghiệp khác, đây cũng là một trong những xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong thời gian tới.
Theo xu hướng mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường viễn thông di động trong giai đoạn tới sẽ là thị trường tự do, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước hoàn toàn tự do cạnh tranh trên thị trường. Mở cửa thị trường có tác động tốt như làm giảm giá cước, thu hút đông số người sử dụng.
Trên thị trường mạng viễn thông di động hiện nay, số lượng thuê bao phát triển bùng nổ, đã phát sinh các nhu cầu về quản lý và chăm sóc thuê bao… Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng về dịch vụ ngày càng gia tăng, khách hàng đòi hỏi không chỉ là dịch vụ thoại và dữ liệu thông thường mà còn mong muốn các dịch vụ mới mang tính tương tác cao. Có thể nhận thấy rằng các nhà khai thác di động khó có thể thành công với nhiều ứng dụng và nội dung khác nhau do vậy cần có sự hỗ trợ và chia sẻ từ các nhà khai thác khác. Tuy nhiên những giới hạn về phổ tần sóng điện từ đã làm hạn chế số lượng nhà khai thác di động thực. Một xu hướng phát triển nhằm giải quyết vấn đề này, đó là triển khai một mô hình kinh doanh mới về khai thác dịch vụ di động dựa trên các nhà khai thác mạng di động ảo (MVNO - Mobile Vitual Network Operator).
4. Xu hướng phát triển dịch vụ
Xu hướng phát triển dịch vụ thông tin di động trong thời gian tới: Phát triển dịch vụ đa phương tiện, dịch vụ có tính tương tác, dịch vụ dữ liệu tốc độ cao, thương mại di động….Một số loại hình dịch vụ điển hình:
Dịch vụ thông tin (Communication) bao gồm: Dịch vụ nhắn tin ngắn (SMS), thư điện tử, hội thảo truyền hình, fax.
Dịch vụ hỗ trợ số cá nhân (Organizational): Trao đổi tiền tệ dựa trên cơ sở xác định người sử dụng, và các trình ứng dụng quản lý cá nhân.
Dịch vụ giải trí (Entertainment) được đưa vào tầm ngắm của các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà cung cấp quay trở lại đầu tư vào nó khi nhận thấy nó có một tiềm năng lớn. Các dịch vụ giải trí có thể gồm có đoạn âm thanh, đoạn video, chat, trao đổi hình ảnh, và chơi game.
Dịch vụ dựa trên định vị vị trí của thuê bao: Loại hình dịch vụ này có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong loại hình dịch vụ này nhà cung cấp sẽ đưa ra các dịch vụ dựa trên việc xác định chính xác vị trí hiện thời của thuê bao (dẫn đường, định vị….).
III. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG MẠNG NGOẠI VI
Mạng ngoại vi là một trong ba thành phần chính cấu thành nên mạng viễn thông (hệ thống mạng ngoại vi, hệ thống chuyển mạch và hệ thống mạng truyền dẫn), do đó đi đôi với hiện đại hóa hạ tầng viễn thông cần hiện đại hóa hạ tầng mạng ngoại vi.
1. Xu hướng phát triển hạ tầng mạng ngoại vi tại khu vực thành thị
Khu vực thành thị là khu vực trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, do đó ngoài đảm bảo yếu tố chất lượng dịch vụ cung cấp, yếu tố đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh quan kiến trúc rất quan trọng.
Hạ tầng mạng ngoại vi tại khu vực thành thị trong giai đoạn tới sẽ phát triển theo xu hướng ngầm hóa (xây dựng hạ tầng cống bể ngầm hóa mạng cáp). Quá trình thực hiện ngầm hóa triển khai đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng các ngành (giao thông, cấp thoát nước, xây dựng…) trên địa bàn mỗi khu vực.
Hạ tầng mạng ngoại vi tại khu vực thành thị do có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng; do đó quá trình xây dựng hạ tầng hệ thống cống bể ngầm hóa mạng ngoại vi sẽ chủ yếu được triển khai theo hình thức sử dụng chung cơ sở hạ tầng; các doanh nghiệp cùng đàm phán, phối hợp xây dựng phát triển hạ tầng dùng chung. Trong một số trường hợp có thể do một doanh nghiệp, một đơn vị đứng ra xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật ngầm sau đó cho các doanh nghiệp viễn thông thuê lại.
2. Xu hướng phát triển hạ tầng mạng ngoại vi tại khu vực các khu đô thị, khu dân cư mới, khu công nghiệp
Khu vực các khu đô thị, khu dân cư mới, khu công nghiệp với đặc điểm hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng mới toàn bộ do đó có nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các doanh nghiệp khác, các ngành khác xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm (hạ tầng đi ngầm cáp viễn thông, cấp thoát nước, điện lực…).
Hiện nay, tại một số tỉnh, thành để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm được giao cho chủ đầu tư hoặc một doanh nghiệp, một đơn vị (doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp kinh doanh về hạ tầng…) triển khai xây dựng hoặc được triển khai xây dựng theo hình thức xã hội hóa (huy động nguồn vốn từ xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng); sau đó các doanh nghiệp khác có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ phải tiến hành thuê lại hạ tầng.
3. Xu hướng phát triển hạ tầng mạng ngoại vi tại khu vực nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa
Khu vực nông thôn với đặc điểm kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa có điều kiện địa hình khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, dung lượng mạng tại khu vực này cũng còn khá thấp; do đó xu hướng phát triển hạ tầng mạng ngoại vi tại các khu vực này chủ yếu vẫn là sử dụng hệ thống cột treo cáp.
4. Xu hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng
Xu hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng ngoại vi là xu hướng tất yếu để đảm bảo tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp trong ngành: Các doanh nghiệp viễn thông cùng đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống cống bể, cột treo cáp; sau đó phân chia hạ tầng theo tỷ lệ nguồn vốn đóng góp hoặc theo thỏa thuận nếu có.
Sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp ngoài ngành: Xu hướng này trong giai đoạn tới sẽ phát triển mạnh nhằm xây dựng phát triển hạ tầng mạng ngoại vi đồng bộ với quá trình phát triển hạ tầng kinh tế xã hội. Kết hợp xây dựng, sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm với các ngành: Điện lực, cấp thoát nước…
IV. DỰ BÁO NHU CẦU, NGƯỜI SỬ DỤNG
1. Cơ sở dự báo
Dự báo nhu cầu người sử dụng được thực hiện dựa trên các căn cứ sau:
- Báo cáo kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.
- Dân số, cơ cấu dân số, cơ cấu độ tuổi:
+ Dân số của tỉnh vào cuối năm 2013 khoảng 1.100 ngàn người, trong đó tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60% dân số. Đây là nhóm độ tuổi có nhu cầu cao về sử dụng các dịch vụ di động. Ở các nhóm độ tuổi khác nhu cầu về sử dụng các dịch vụ di động thấp hơn.
+ Theo quy hoạch vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020: Tỷ lệ tăng dân số trung bình giai đoạn 2011-2015 là 1,35%/năm; Trong đó: Tăng tự nhiên 0,73%; tăng cơ học: 0,62%; dân số năm 2015 khoảng 1.150 ngàn người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình giai đoạn 2015-2020 là 2,05%/năm; trong đó: Tăng tự nhiên 0,68%; tăng cơ học: 1,4%. Dân số năm 2020 khoảng 1.273 ngàn người.
- Ngoài sử dụng dịch vụ di động theo cách truyền thống (qua điện thoại di động); ngày nay theo xu hướng phát triển chung của công nghệ, nhiều thiết bị đầu cuối có thể kết nối với hạ tầng mạng di động để sử dụng các dịch vụ viễn thông di động. Dự báo nhu cầu sử dụng qua các thiết bị đầu cuối này sẽ phát triển nhanh và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực:
+ Trong thương mại: Sử dụng các thiết bị đầu cuối kết nối với hạ tầng mạng di động ứng dụng cho thanh toán điện tử, thanh toán di động…
+ Y tế: Quản lý, theo dõi bệnh nhân từ xa, lưu trữ dữ liệu khám chữa bệnh…
+ Giao thông: Cung cấp thông tin giao thông, thanh toán phí, lệ phí…
+ Giải trí: Sử dụng các thiết bị đầu kết nối với hạ tầng mạng di động phục vụ cho các nhu cầu giải trí: Xem phim, nghe nhạc, truy cập Internet…
+ Trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, hỗ trợ cá nhân dành cho trẻ em, người già…
- Một số căn cứ khác: Tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu nhập bình quân trên đầu người; nhu cầu, thói quen sử dụng dịch vụ của người dân.
Trên thực tế, sự phát triển thuê bao di động phụ thuộc khá nhiều vào mức sống, mức thu nhập của người dân. Khi mức sống người dân thấp, cho dù có nhu cầu sử dụng nhưng khả năng tài chính không cho phép điều đó; do vậy số lượng thuê bao tăng trưởng thấp. Khi mức sống cao hơn, nhu cầu về sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc của người dân cũng cao hơn do đó số lượng thuê bao tăng trưởng nhanh.
2. Phương pháp dự báo
Dự báo phát triển các dịch vụ viễn thông được thực hiện trên cơ sở áp dụng các phương pháp dự báo sau:
- Phương pháp toán học: Sử dụng các phương pháp toán học (đối chiếu với phương pháp liệt kê) và các công cụ dự báo (phần mềm dự báo).
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
- Phương pháp dự báo theo kinh nghiệm của các chuyên gia, có điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng dân số, kết cấu hộ gia đình, tỷ lệ độ tuổi lao động, số các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thu nhập bình quân cá nhân, xu hướng tiêu dùng, hình thức cung ứng dịch vụ....
3. Dự báo
Dự báo dịch vụ thông tin di động
Hiện nay, tổng số thuê bao điện thoại di động trên địa bàn tỉnh là 1.299.865 thuê bao (đạt 108% dân số). Tuy nhiên, ước tổng số thuê bao thực trên địa bàn toàn tỉnh bỏ thuê bao ảo đạt khoảng 960.000 thuê bao (bao gồm thuê bao điện thoại di động, thuê bao sử dụng dịch vụ di động qua các thiết bị khác), đạt khoảng 80% dân số.
Bảng 3: Dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động đến năm 2020
Năm | Số thuê bao sử dụng dịch vụ thông tin di động | Tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động (% dân số) | Tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ thông tin di động qua các thiết bị khác (% dân số) | Tổng % | Dự báo dân số |
2015 | 977.500 | 70 | 15 | 85 | 1.150.000 |
2016 | 1.090.900 | 71 | 22 | 93 | 1.173.000 |
2017 | 1.184.500 | 73 | 26 | 99 | 1.196.460 |
2018 | 1.391.200 | 76 | 38 | 114 | 1.220.389 |
2019 | 1.543.500 | 79 | 45 | 124 | 1.244.797 |
2020 | 1.655.000 | 80 | 50 | 130 | 1.273.000 |
(*) Thiết bị khác kết nối vào mạng di động ở đây bao gồm: Máy tính bảng, thiết bị cá nhân, USB 3G…. |
Dự báo đến năm 2015, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 70%, tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ thông tin di động qua các thiết bị khác (USB 3G, máy tính bảng…) chiếm khoảng 15% dân số. Tổng số thuê bao sử dụng dịch vụ thông tin di động đạt khoảng 977.500 thuê bao.
Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 80%, tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ thông tin di động qua các thiết bị khác (USB 3G, máy tính bảng…) chiếm khoảng 50% dân số. Tổng số thuê bao sử dụng dịch vụ thông tin di động đạt khoảng 1.655.000 thuê bao.
Hình 1: Đồ thị tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động
Hình 2: Đồ thị tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ thông tin di động qua các thiết bị khác
Dự báo dịch vụ cố định
Đường dây thuê bao cố định bao gồm: Thuê bao điện thoại cố định, thuê bao Internet cáp đồng, cáp quang và thuê bao truyền hình cáp, Internet.
Dự báo đến 2015, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 18% (51.750 đường dây thuê bao hộ gia đình), 14.600 đường dây thuê bao của các doanh nghiệp và tổ chức khác trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 21% (61.500 đường dây thuê bao hộ gia đình), 7.300 đường dây thuê bao của các doanh nghiệp và tổ chức khác trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình có truyền hình cáp, Internet trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 22%. Tỷ lệ hộ dân có đường dây thuê bao cố định (đường dây thuê bao điện thoại cố định, truyền hình cáp và Internnet có tính đến một đường dây sử dụng nhiều dịch vụ) đạt 48%, tổng đường dây thuê bao cố định đạt khoảng 138.000 đường dây (tổng đường dây thuê bao cố định tính cả thuê bao của hộ gia đình và thuê bao của các tổ chức doanh nghiệp…).
Dự báo đến 2020, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 25% (79.600 đường dây thuê bao hộ gia đình), 15.600 đường dây thuê bao của các doanh nghiệp và tổ chức khác trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 58% (184.580 đường dây thuê bao hộ gia đình), 7.820 đường dây thuê bao của các doanh nghiệp và tổ chức khác trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình có truyền hình cáp, Internet trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60%. Tỷ lệ hộ dân có đường dây thuê bao cố định (đường dây thuê bao điện thoại cố định, truyền hình cáp và Internnet có tính đến một đường dây sử dụng nhiều dịch vụ) đạt 85%. Tổng đường dây thuê bao cố định đạt khoảng 270.500 đường dây (tổng đường dây thuê bao cố định tính cả thuê bao của hộ gia đình và thuê bao của các tổ chức doanh nghiệp…).
Hình 3: Đồ thị tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định
Hình 4: Đồ thị phát triển thuê bao điện thoại cố định
Hình 5: Đồ thị tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet
Hình 6: Đồ thị phát triển thuê bao Internet
Hình 7: Đồ thị tỷ lệ hộ gia đình có truyền hình cáp, Internet
Hình 8: Đồ thị phát triển thuê bao truyền hình cáp, Internet
Phần V
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VIỄN THÔNG
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động đồng bộ, phù hợp với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội. Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động đảm bảo phục vụ tốt công tác an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội và các tình huống phòng chống lụt bão.
Phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động có công nghệ hiện đại ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân trong tỉnh với chất lượng dịch vụ ngày càng cao.
Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động chủ yếu theo hướng dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư; đảm bảo mỹ quan đô thị, cảnh quan kiến trúc các công trình lịch sử, văn hóa; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng. Các doanh nghiệp cùng đầu tư một lần và sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động đi đôi với việc bảo đảm an ninh - quốc phòng, an toàn mạng lưới thông tin góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường; xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới. Tạo lập thị trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh, bình đẳng. Xã hội hóa trong xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có công nghệ hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao trên địa bàn tỉnh với chất lượng cao, hoạt động hiệu quả.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ, phù hợp với sự phát triển hạ tầng viễn thông của cả nước.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động rộng khắp, tỷ lệ sử dụng dịch vụ viễn thông tại các xã tăng cao.
Ngầm hóa hệ thống mạng cáp viễn thông đảm bảo cảnh quan đô thị và khu du lịch.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
Phát triển mới 20 điểm phục vụ viễn thông công cộng ở các khu vực phát triển đô thị mới, khu vực tập trung đông dân cư.
Phát triển vùng phủ mạng 3G đến 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động cho 80% dân số trên địa bàn tỉnh.
Phát triển hạ tầng mạng cáp viễn thông đảm bảo cảnh quan đô thị và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của 85% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động đạt 30 - 35%.
Ngầm hóa 50 – 60% hạ tầng mạng cáp viễn thông trong khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.
III. QUY HOẠCH HẠ TẦNG MẠNG VIỄN THÔNG TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020
1. Công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có công trình viễn thông riêng biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
2. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ hiện tại đã phát triển khá rộng khắp, tất cả các trung tâm thành phố, huyện đều có điểm phục vụ.
Do sự phát triển của thương mại điện tử và sự thay đổi trong xu hướng sử dụng dịch vụ của người dân (xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến, sử dụng dịch vụ tại nhà, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi…) nên các điểm cung cấp dịch vụ như đăng ký, thu cước, giao dịch…trong thời gian tới sẽ hạn chế phát triển. Các doanh nghiệp chủ yếu phát triển điểm cung cấp dịch vụ thông qua mạng lưới đại lý hoặc chuyển qua giao dịch trực tuyến.
Quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ đến năm 2020: Duy trì các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng hiện trạng; phát triển mới điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ tại các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, khu vực trung tâm các thành phố Tây Ninh, huyện, khu vực có lượng khách hàng lớn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.
Bảng 4: Quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ đến năm 2020
STT | Khu vực | Số điểm cung cấp dịch vụ viễnthông công cộng có người phục vụ quy hoạch mới |
1 | TP. Tây Ninh | 4 |
2 | Huyện Bến Cầu | 2 |
3 | Huyện Châu Thành | 2 |
4 | Huyện Dương Minh Châu | 2 |
5 | Huyện Gò Dầu | 2 |
6 | Huyện Hòa Thành | 2 |
7 | Huyện Tân Biên | 2 |
8 | Huyện Tân Châu | 2 |
9 | Huyện Trảng Bàng | 2 |
10 | Toàn Tỉnh | 20 |
Phương án và nhu cầu sử dụng đất
Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ (điểm giao dịch viễn thông) doanh nghiệp thuê hoặc mua đất xây dựng cơ sở hạ tầng.
(Chi tiết các khu vực quy hoạch điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng xem tại bảng 7 phần phụ lục 1)
3. Cột ăng ten
3.1. Khu vực yêu cầu cảnh quan đô thị
- Khu vực trung tâm hành chính (Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, huyện; khu vực các sở, ngành);
- Khu vực các khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa;
- Khu vực công viên, vườn hoa, quảng trường trung tâm;
- Khu vực các tuyến đường chính;
- Khu vực các khu đô thị, khu dân cư mới;
- Khu vực các tuyến đường, phố có yêu cầu cao về mỹ quan.
Tại khu vực yêu cầu cảnh quan đô thị, quy hoạch trong giai đoạn tới các doanh nghiệp chỉ được xây dựng, phát triển loại cột ăng ten không cồng kềnh (A1) trong phạm vi từ 50 - 150m tính từ tâm chỉ giới đường đỏ; hạn chế số lượng cột ăng ten cồng kềnh (A2) xây dựng, phát triển mới.
(Chi tiết các khu vực quy hoạch được xây dựng cột ăng ten loại A1 xem tại bảng 8 phần phụ lục 1).
Phương án đầu tư và sử dụng hạ tầng
Cột ăng ten thu phát sóng loại A1 với đặc điểm là cột ngụy trang ẩn vào công trình kiến trúc hoặc cột được xây dựng trên các công trình xây dựng với chiều cao cột ăng ten không quá 3m; do đó rất hạn chế trong việc sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp. Chủ yếu các doanh nghiệp tự chủ động đầu tư và tự quản lý sử dụng hạ tầng. Tuy nhiên, việc lắp đặt cột A1 của các doanh nghiệp phải đảm bảo mỹ quan tại các khu vực yêu cầu cảnh quan đô thị.
Tại một số khu vực trọng điểm, khu vực các khu du lịch…có thể kết hợp phương án huy động nguồn vốn đầu tư từ các nguồn khác (nguồn xã hội hóa…) đầu tư xây dựng hạ tầng, sau đó cho các doanh nghiệp viễn thông thuê lại.
Tại khu vực yêu cầu cảnh quan đô thị, hạn chế số lượng phát triển mới cột ăng ten loại A, khuyến khích phát triển mới cột ăng ten loại A1.
Xây dựng cột ăng ten loại A1 tại 31 khu vực, tuyến đường trên toàn tỉnh:
- Thành phố Tây Ninh: 09 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Bến Cầu: 02 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Châu Thành: 02 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Dương Minh Châu: 01 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Gò Dầu: 02 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Hòa Thành: 05 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Tân Biên: 03 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Tân Châu: 04 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Trảng Bàng: 03 khu vực, tuyến đường.
3.2. Khu vực xây dựng cột ăng ten trên mặt đất
- Khu vực đô thị (ngoại trừ các khu vực yêu cầu cảnh quan đô thị và khu vực các phường trung tâm).
- Khu vực nông thôn (khu vực các xã trên địa bàn các huyện).
- Khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.
Tại những khu vực này xây dựng cột ăng ten loại A2b có chiều cao dưới 50m. Trường hợp xây dựng cột ăng ten loại A2b có chiều cao từ 50m trở lên phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Quy hoạch xây dựng, phát triển cột ăng ten cồng kềnh (loại A2b) tại khu vực này. Xây dựng, lắp đặt cột ăng ten loại A2b tuân theo một số nguyên tắc sau:
+ Doanh nghiệp tự chủ động trong vấn đề thuê đất để xây dựng hạ tầng.
+ Sử dụng chung cơ sở hạ tầng: Khuyến khích các doanh nghiệp cùng phối hợp đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
(Chi tiết các khu vực quy hoạch được xây dựng cột ăng ten loại A2b xem tại bảng 9 phần phụ lục 1)
Phương án đầu tư và sử dụng hạ tầng
Cột ăng ten loại A2b quy hoạch xây dựng, phát triển mới trong giai đoạn tới khuyến kích các doanh nghiệp cùng phối hợp đầu tư và sử dụng chung hạ tầng nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và tiết kiệm nguồn vốn đầu tư.
Doanh nghiệp tự chủ động trong vấn đề thuê đất để xây dựng hạ tầng.
3.3. Cải tạo, sắp xếp hệ thống cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động
Tiêu chí thực hiện cải tạo:
- Cột ăng ten thu phát sóng thuộc khu vực đô thị, khu vực tập trung đông dân cư (khu vực các phường và khu vực thị trấn các huyện).
- Khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan: Khu trung tâm hành chính, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu du lịch…
- Các cột ăng ten có vị trí không phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng của tỉnh.
- Cột ăng ten thu phát sóng có vị trí gần mặt đường, độ cao không hợp lý: Ảnh hưởng tới mỹ quan.
Phương hướng thực hiện cải tạo:
- Cải tạo lại các cột ăng ten loại A2 thành cột ăng ten loại A1 tại các tuyến đường, tuyến phố, khu vực đòi hỏi mỹ quan cao trên địa bàn tỉnh theo lộ trình thực hiện quy hoạch đảm bảo mỹ quan đô thị.
- Chuyển đổi hạ tầng cột ăng ten loại A2 tại các vị trí không đảm bảo mỹ quan, không phù hợp quy hoạch sang cột ăng ten loại A1.
- Sử dụng chung cơ sở hạ tầng: Chuyển các cột ăng ten thu phát sóng không đảm bảo mỹ quan về vị trí mới phù hợp hơn; ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
4. Cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm
4.1. Cáp treo trên cột viễn thông
Khu vực, tuyến, hướng được xây dựng mới tuyến cột treo cáp viễn thông:
- Khu vực, tuyến, hướng tại vùng nông thôn, khu vực biên giới;
- Khu vực hệ thống cột điện lực không đủ điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng hoặc khu vực không có hệ thống cột điện lực;
- Ngoài những khu vực quy hoạch ngầm hóa mạng cáp viễn thông, khu vực các tuyến đường nhánh tại các huyện, thành phố;
- Khu vực, tuyến, hướng có địa hình khó khăn, không thể triển khai ngầm hóa.
Loại cột và độ cao cột:
- Loại cột: Cột bê tông cốt thép.
- Độ cao cột: 5,5 ÷ 8,5m.
Kế hoạch triển khai:
Khu vực ngoài đô thị: Giai đoạn đến 2015 – 2020: quy hoạch xây dựng mới các tuyến cột treo cáp viễn thông khu vực một số xã; khu vực các tuyến đường nhánh, tuyến đường liên thôn, liên xã.
(Chi tiết các khu vực quy hoạch được xây dựng mới tuyến cột treo cáp xem tại bảng 10 phần phụ lục 1).
Phương án đầu tư và sử dụng hạ tầng:
Cột treo cáp chỉ được xây dựng ở khu vực ngoài đô thị, trường hợp nằm trong khu vực đô thị phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Tuyến cột treo cáp phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, trường hợp nằm trên hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Xây dựng hạ tầng cột treo cáp viễn thông theo đúng quy chuẩn kỹ thuật QCVN 33:2011/BTTT.
Phương án đầu tư: Doanh nghiệp tự chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng; trong trường hợp tuyến, hướng cột treo cáp của các doanh nghiệp giống nhau, bắt buộc các doanh nghiệp phải cùng đầu tư, xây dựng và sử dụng chung hệ thống cột treo cáp.
4.2. Cáp treo trên cột điện
Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng được treo cáp trên cột điện:
- Khu vực không còn khả năng đi ngầm cáp trong các công trình ngầm tại khu vực đô thị;
- Khu vực chưa thể xây dựng hạ tầng cống bể để hạ ngầm cáp viễn thông;
- Khu vực có nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp: Khu vực nông thôn;
- Khu vực các xã biên giới.
Kế hoạch triển khai:
- Khu vực đô thị:
Đối với các tuyến cáp thông tin treo trên cột điện hiện hữu tại các khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan, các doanh nghiệp từng bước triển khai thực hiện ngầm hóa việc đi cáp theo lộ trình quy hoạch; đối với các khu vực còn lại triển khai cải tạo, chỉnh trang, sắp xếp lại hệ thống cáp thông tin, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Khu vực hẻm, khu vực sâu trong các khu dân cư, khu vực các tuyến đường nhánh tại khu vực đô thị cho phép doanh nghiệp được treo cáp thông tin trên cột điện.
Việc treo cáp viễn thông phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn và cảnh quan môi trường.
- Khu vực ngoài đô thị:
Giai đoạn đến 2015 – 2020: Ngoại trừ các khu vực quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm, khu vực quy hoạch xây dựng mới tuyến cột treo cáp viễn thông và các khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan; đối với các khu vực còn lại cho phép doanh nghiệp treo cáp thông tin trên hệ thống cột điện lực.
Việc treo cáp viễn thông phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn và cảnh quan môi trường.
Doanh nghiệp viễn thông đàm phán, phối hợp sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các doanh nghiệp, đơn vị chủ quản hệ thống cột điện, cột chiếu sáng tại những khu vực doanh nghiệp viễn thông chưa có hoặc không thể xây dựng hạ tầng cột treo cáp.
(Chi tiết các khu vực quy hoạch được treo cáp trên cột điện xem tại bảng 10 phần phụ lục 1)
4.3. Cáp ngầm
Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để đi ngầm hệ thống cáp viễn thông tại các khu vực:
- Khu vực các khu đô thị, khu dân cư mới: Đô thị cửa khẩu Mộc Bài, Đô thị cửa khẩu Xa Mát, Đô thị cửa khẩu Chàng Riệc, Đô thị cửa khẩu Phước Tân, thị trấn Bình Thạnh, Đô thị cửa khẩu Kà Tum...;
- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành và đang hoạt động: Cụm công nghiệp Bến Kéo, Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp An Hòa, cụm công nghiệp Trường Hòa, Khu công nghiệp Thanh Điền…;
- Khu vực các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hoặc mở rộng đi qua khu vực thị trấn các huyện, thành phố: Quốc lộ 14C, Cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Cao Tốc Gò Dầu - Xa Mát…
Kế hoạch triển khai
Giai đoạn 2015 – 2020: Quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm tại các khu vực (khu công nghiệp, khu đô thị, các tuyến đường trục giao thông…) trên địa bàn tỉnh. Quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm triển khai đồng bộ với xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế xã hội (giao thông, điện, nước…).
Chủ đầu tư khu đô thị trong quá trình xây dựng hạ tầng cần phối hợp Sở Thông tin Truyền thông. Sở là đầu mối phối hợp giữa chủ đầu tư với các doanh nghiệp viễn thông, xây dựng hạ tầng viễn thông đồng bộ với hạ tầng đô thị.
Trong quá trình triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, phối hợp với các ngành (điện, cấp thoát nước…) cùng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm và sử dụng chung.
Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung có trách nhiệm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp, đường ống bố trí vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng.
Việc lắp đặt, bố trí các đường dây, cáp, đường ống, thiết bị mới vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng phải có các giải pháp bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống đã có.
Các loại đường dây, cáp và đường ống sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải có dấu hiệu nhận biết riêng để phân biệt.
Việc quản lý vận hành và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các quy định về kỹ thuật; bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị.
Phương án đầu tư: Nguồn vốn đầu tư là nguồn doanh nghiệp. Đối với đô thị, khu công nghiệp mới chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường.
4.4. Ngầm hóa các tuyến cáp treo
Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng xây dựng hạ tầng cống bể:
- Khu vực Ủy ban Nhân dân tỉnh; khu vực trung tâm hành chính, khu vực các sở, ngành;
- Khu vực các tuyến đường chính tại khu vực đô thị, khu vực trung tâm các huyện, thành phố;
- Khu vực công viên, quảng trường;
- Khu vực các khu du lịch, khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan;
- Khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp;
- Khu vực các tuyến đường trục chạy qua trung tâm các huyện, thành phố: Quốc lộ 22, quốc lộ 22B…;
- Đối với khu vực một số tuyến đường, phố đã có hạ tầng hệ thống cống bể ngầm hóa mạng cáp viễn thông và vẫn còn khả năng lắp đặt thêm cáp viễn thông; khi triển khai ngầm hóa các tuyến cáp treo tại khu vực này bắt buộc các doanh nghiệp phối hợp dùng chung hạ tầng với doanh nghiệp sở hữu hạ tầng cống bể. Trong một số trường hợp (trường hợp dung lượng lắp đặt của hệ thống cống bể đã sử dụng hết), có thể sử dụng giải pháp Maxcell để tăng dung lượng cáp của hệ thống cống bể hiện hữu và giảm chi phí đầu tư, cũng như tiết kiệm thời gian thi công.
(Chi tiết các khu vực quy hoạch ngầm hóa các tuyến cáp treo xem tại bảng 10 phần phụ lục 1)
Loại cống bể:
Cống bể: Bể cáp bằng bê tông hoặc bể cáp bằng gạch xây.
Trong một số trường hợp, tại một số khu vực cụ thể (khu vực không đủ điều kiện xây dựng hạ tầng cống bể) có thể sử dụng cáp chôn trực tiếp, để ngầm hóa mạng cáp thông tin, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Xây dựng hệ thống công trình ngầm hóa các tuyến cáp treo khoảng 70 km tại 39 tuyến đường trên toàn tỉnh:
- Thành phố Tây Ninh: 08 tuyến đường;
- Huyện Bến Cầu: 01 tuyến đường;
- Huyện Châu Thành: 03 tuyến đường;
- Huyện Dương Minh Châu: 01 tuyến đường;
- Huyện Gò Dầu: 04 tuyến đường;
- Huyện Hòa Thành: 10 tuyến đường;
- Huyện Tân Biên: 03 tuyến đường;
- Huyện Tân Châu: 04 khu vực, tuyến đường;
- Huyện Trảng Bàng: 05 khu vực, tuyến đường.
Kế hoạch triển khai:
- Khu vực đô thị:
Giai đoạn 2015 – 2020: Xây dựng hạ tầng cống bể ngầm hóa mạng cáp thông tin một số các tuyến đường chính khu vực thành phố Tây Ninh như: Xây dựng hệ thống tuynel, hào kỹ thuật trên các trục đường 30/4, đường trục 19a; xây dựng tuynel, cống bể trên trục đường Tua Hai, đường Cách Mạng Tháng Tám; xây dựng cống bể trên tuyến đường trục 10, đường Lê Văn Tám, đường Nguyễn Trọng Cát, đường Nguyễn Chí Thanh…
Đối với khu vực một số tuyến đường, phố đã có hạ tầng hệ thống cống bể và vẫn còn khả năng lắp đặt thêm cáp viễn thông; khi triển khai ngầm hóa các tuyến cáp treo tại khu vực này bắt buộc các doanh nghiệp phối hợp dùng chung hạ tầng với doanh nghiệp sở hữu hạ tầng cống bể.
- Khu vực ngoài đô thị:
Giai đoạn đến 2015 – 2020: Xây dựng hạ tầng cống bể ngầm hóa mạng cáp thông tin tại các khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan (khu vực các khu du lịch, di tích…) và khu vực các trục đường giao thông chính (quốc lộ, tỉnh lộ).
Phương án đầu tư và sử dụng hạ tầng
Ngầm hóa mạng cáp truyền hình cáp đồng bộ với quá trình ngầm hóa mạng cáp viễn thông. Quá trình thực hiện ngầm hóa triển khai đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng các ngành (giao thông, cấp thoát nước, xây dựng…) trên địa bàn mỗi khu vực. Ngầm hóa theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp, các ngành.
Thực hiện ngầm hóa mạng cáp đến hệ thống tủ cáp trên các tuyến đường, tuyến phố.
Đối với các đô thị hiện hữu, Ủy ban Nhân dân thành phố, các huyện theo phân cấp quản lý phải có kế hoạch từng bước đầu tư cải tạo, ngầm hóa hạ tầng mạng cáp.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường.
Phương án đầu tư: Nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cống bể ngầm hóa các tuyến cáp treo chủ yếu từ nguồn doanh nghiệp; tại một số khu vực trung tâm, khu vực trọng điểm có thể huy động nguồn vốn xã hội hóa, nguồn ngân sách đầu tư ngầm hóa, sau đó cho các doanh nghiệp thuê lại hạ tầng. Trong trường hợp, tuyến, hướng ngầm hóa của các doanh nghiệp giống nhau, bắt buộc các doanh nghiệp phối hợp cùng đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Tại một số khu vực đã thực hiện ngầm hóa, các doanh nghiệp muốn tham gia cung cấp dịch vụ; phối hợp, đàm phán với doanh nghiệp đã thực hiện ngầm hóa để thuê hạ tầng.
Phương án và nhu cầu sử dụng đất
Khu vực xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm lắp đặt cáp viễn thông sử dụng đất công cộng (đất vỉa hè, lòng đường). Nhu cầu đất để xây dựng hạ tầng cồng bể cáo theo quy chuẩn Việt Nam 2010/BTTTT chiều rộng để xây dựng bể cáp 2,6m và chiều rộng xây dựng cống cáp 0,75m.
4.5. Cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình
Triển khai cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình tại khu vực thành phố, khu vực trung tâm các huyện và các khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan:
- Buộc gọn hệ thống dây cáp.
- Loại bỏ các sợi cáp, cáp không còn sử dụng.
Quá trình cải tạo, di chuyển, sắp xếp các đường dây, cáp nổi (cáp viễn thông, cáp truyền hình) trên đường phố phải đáp ứng các yêu cầu:
- Phải đảm bảo sự kết nối với hệ thống đường dây, đường cáp chung của đô thị; đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật, quản lý vận hành và mỹ quan đô thị.
- Khi cải tạo, sắp xếp các đường dây, đường cáp nổi đánh dấu để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành.
Lộ trình triển khai:
Giai đoạn 2015 – 2016: Triển khai cải tạo, chỉnh trang hạ tầng mạng cáp viễn thông, cáp truyền hình tại khu vực thành phố Tây Ninh.
Giai đoạn 2017 – 2020: Hoàn thiện cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình tại khu vực thành phố và trung tâm các huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Hạ tầng mạng cáp truyền hình cáp
Hạ tầng mạng cáp truyền hình cáp chủ yếu sử dụng cáp treo cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo mỹ quan đô thị và thực hiện ngầm hóa đồng bộ hệ thống mạng cáp trên địa bàn tỉnh, mạng cáp truyền hình cáp sẽ ngầm hóa cùng thời điểm với mạng cáp viễn thông.
Lộ trình ngầm hóa
- Khu vực đô thị giai đoạn 2015 – 2020: Ngầm hóa mạng cáp truyền hình các tuyến đường 30/4, đường trục 19a, Tua Hai, đường Cách Mạng Tháng Tám, đường trục 10, đường Lê Văn Tám, đường Nguyễn Trọng Cát, đường Nguyễn Chí Thanh…
- Khu vực ngoài đô thị giai đoạn đến 2015 – 2020: Ngầm hóa mạng cáp truyền hình cáp tại các khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan và khu vực các trục đường giao thông chính.
6. Điểm phát sóng Internet không dây
Xây dựng các điểm truy nhập Internet không dây phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với người dân, phục vụ phát triển du lịch, giáo dục. Cho phép truy cập miễn phí thông tin của tỉnh Tây Ninh, các thông tin về tiềm năng, thế mạnh, chính sách của tỉnh, thông tin về khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục… góp phần cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Xây dựng, lắp đặt các điểm truy nhập Internet không dây phát sóng tại các khu vực:
- Khu vực trung tâm chính trị - hành chính: Khu vực Ủy ban Nhân dân tỉnh; khu vực Ủy ban Nhân dân thành phố, huyện, xã; khu vực các sở, ban, ngành;
- Khu vực công cộng: Khu vực bến xe khách, công viên; khu vực trung tâm thương mại, nhà văn hóa trung tâm, bảo tàng của tỉnh…;
- Khu vực du lịch, khu di tích - văn hóa: Khu du lịch Núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng…
Giai đoạn 2015 - 2017: Lắp đặt các điểm phát sóng Internet không dây (wifi công cộng) tại khu vực trung tâm thành phố Tây Ninh, khu trung tâm hành chính tỉnh, khu du lịch, công viên.
Giai đoạn 2018 - 2020: Lắp đặt các điểm phát sóng Internet không dây ở các khu du lịch lớn tại các huyện.
Đến cuối năm 2020, tổng cộng phát triển xây dựng 32 điểm tại khu vực thành phố Tây Ninh, trung tâm huyện và khu du lịch lớn:
- Thành phố Tây Ninh: Xây dựng 10 điểm (phường 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh mỗi phường xây dựng 01 điểm và 03 điểm tại Khu du lịch Núi Bà Đen);
- Huyện Dương Minh Châu: Xây dựng 04 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính, 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện và 02 điểm tại Khu du lịch Hồ Dầu Tiếng);
- Huyện Hòa Thành: Xây dựng 05 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính, 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện, 01 điểm tại khu vực chợ Long Hoa và 02 điểm tại khu vực Tòa Thánh Tây Ninh);
- Huyện Châu Thành: Xây dựng 02 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính và 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện);
- Huyện Tân Châu: Xây dựng 02 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính và 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện);
- Huyện Tân Biên: Xây dựng 02 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính và 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện);
- Huyện Gò Dầu: Xây dựng 02 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính và 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện);
- Huyện Bến Cầu: Xây dựng 03 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính, 01 điểm tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài và 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện);
- Huyện Trảng Bàng: Xây dựng 02 điểm (01 điểm tại trung tâm hành chính và 01 điểm tại khu vực công cộng của huyện).
Phương án và nhu cầu sử dụng đất
Địa điểm lắp đặt điểm phát sóng Internet không dây ở các khu vực trung tâm hành chính tỉnh, khu du lịch, công viên trung tâm thành phố và các khu du lịch lớn tại các huyện. Thiết bị phát sóng Internet không dây có kích thước nhỏ gọn có thể lắp đặt ở khuôn viên các công trình hoặc trên các cột chiếu sáng, bán kính phục vụ tại mỗi điểm khoảng 400m. Sử dụng đất công cộng lắp đặt điểm phát sóng Internet không dây. Ưu tiên thực hiện xã hội hóa để đảm bảo hiệu quả trong việc quản lý, vận hành.
(Chi tiết lộ trình và địa điểm phát triển lắp đặt Internet không dây xem tại bảng 11 phần phụ lục 1)
7. Phát triển nguồn nhân lực
Hạ tầng viễn thông thụ động đã và đang phát triển mạnh mẽ nên cần phải có sự quản lý chặt chẽ trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông thụ động.
Thực hiện quản lý hạ tầng viễn thông thụ động trên bản đồ số. Đào tạo cán bộ sử dụng các phần mềm ứng dụng quản lý hạ tầng viễn thông thụ động.
Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, trình độ nguồn nhân lực, số lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của địa phương.
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VIỄN THÔNG TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2025
1. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng
Phát triển mới điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ tại các khu vực đô thị mới, phát triển thị trấn mới như: Thị trấn Tân Hưng, thị trấn Tân Hòa, đô thị cửa khẩu Vạc Sa, thị trấn Chà Là, đô thị Phước Đông - Bời Lời
2. Cột ăng ten
Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động theo hướng sử dụng chung: Các doanh nghiệp phối hợp cùng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng (nhà trạm, cột ăng ten...) và sử dụng chung, phân chia theo tỷ lệ nguồn vốn đóng góp hoặc theo thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động đạt khoảng 35 - 40%.
Cải tạo cột ăng ten: Chuyển đổi cột ăng ten loại A2a sang cột ăng ten loại A1 tại các tuyến đường khu vực thành phố Tây Ninh và khu vực trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh: Cách Mạng Tháng tám, Tua Hai, Trần Hưng Đạo, Ngô Gia Tự, đường Xuyên Á (đoạn qua thị trấn Gò Dầu); Phạm Hùng (huyện Hòa Thành)…
Phát triển mạnh hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng ngụy trang: Cột ăng ten có kích thước và quy mô nhỏ gọn, thân thiện môi trường, ngụy trang ẩn vào các công trình kiến trúc và cảnh quan xung quanh, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ứng dụng và phát triển các giải pháp kiến trúc mạng truy nhập vô tuyến mới (lightRadio, cloud RAN…) giảm thiểu số lượng các nhà trạm thông tin di động, giảm chi phí về năng lượng, chi phí thuê địa điểm, chi phí bảo vệ:
- Vật tư, trang thiết bị có kích thước nhỏ gọn.
- Tiết kiệm năng lượng.
- Thân thiện môi trường.
- Tiết kiệm chi phí đầu tư.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ: Tăng băng thông cho mỗi thuê bao qua việc triển khai các ăng ten cỡ nhỏ khắp mọi nơi.
Ứng dụng và phát triển các giải pháp vô tuyến thông minh (dựa trên công nghệ SDR – Software Defined Radio) giúp việc sử dụng cảm ứng, nhận diện và sử dụng phổ tần số vô tuyến hiệu quả hơn theo thời gian, không gian và tần số.
Phát triển hệ thống ăng ten trạm thu phát sóng theo công nghệ đa tần: Một ăng ten có thể thu phát trên nhiều dải tần khác nhau. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư sử dụng chung hạ tầng, tiết kiệm chi phí (nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng chung hạ tầng một ăng ten, mỗi doanh nghiệp thu phát trên một băng tần khác nhau).
3. Cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm
Phát triển các dịch vụ mạng băng rộng, phát triển thiết bị viễn thông theo xu hướng hội tụ.
Xây dựng mạng lưới truyền dẫn quang đồng bộ theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Ngầm hóa mạng ngoại vi theo diện rộng trên toàn địa bàn thành phố, trung tâm các huyện.
Ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông các tuyến đường xây dựng mới, khu vực các khu đô thị, khu dân cư mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các tuyến đường được nâng cấp cải tạo giai đoạn 2021 - 2025.
Ngầm hóa mạng cáp viễn thông các tuyến đường chính khu vực đô thị cửa khẩu, thị trấn mới: Thị trấn Tân Hưng, thị trấn Tân Hòa, đô thị cửa khẩu Vạc Sa, thị trấn Chà Là, đô thị Phước Đông - Bời Lời.
Ngầm hóa các tuyến cáp treo khu vực thành phố Tây Ninh, khu vực thị trấn các huyện như: Huỳnh Tấn Phát, Trần Hưng Đạo, Hoàng Lê Kha, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Rốp, Võ Văn Truyện, Phạm Văn Chiêu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đình Chiểu…
Cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp treo tại khu vực thành phố, khu vực trung tâm các huyện chưa có khả năng ngầm hóa.
Đến năm 2025: Có khoảng 60 - 70% các tuyến phố trên địa bàn tỉnh có hạ tầng kỹ thuật ngầm. 65 - 75% hệ thống mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh được ngầm hóa.
Cáp quang hóa hầu hết hệ thống mạng ngoại vi khu vực tỉnh đến tủ chia cáp và đến từng đường dây thuê bao.
4. Phát triển công nghệ
Sự phát triển đa dạng của các loại hình dịch vụ thông tin di động đều Internet băng rộng vô tuyến.
Phát triển mạng thông tin di động theo công nghệ mới nhằm tăng tốc độ truyền tải dữ liệu về máy điện thoại.
Nâng cao tốc độ và khả năng của mạng di động cho những ứng dụng dịch vụ dữ liệu như: Dịch vụ cơ bản (tải file, phân phối email), dịch vụ tương tác (duyệt web, truy cập server, tìm và phục hồi cơ sở dữ liệu)
Phát triển mạng di động công nghệ mới sau 4G có băng thông rộng hơn, tốc độ dữ liệu cao hơn, chuyển giao nhanh hơn và không gián đoạn, và đặc biệt cung cấp các dịch vụ liên tục giữa các hệ thống và các mạng đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân.
Cáp quang hóa mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cáp quang.
Phần VI
KHÁI TOÁN, PHÂN KỲ ĐẦU TƯ, DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM
I. KHÁI TOÁN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
1. Xây dựng điểm giao dịch viễn thông có người phục vụ
- Nguồn đầu tư: Doanh nghiệp
- Thời gian thực hiện: 2015 – 2020
- Hạng mục đầu tư: Xây dựng điểm giao dịch viễn thông
- Mức đầu tư: 800 triệu đồng/1 điểm
- Quy mô: 20 điểm
- Tổng nguồn vốn: 16 tỷ đồng
2. Xây dựng hạ tầng cột ăng ten thu, phát sóng thông tin di động
- Nguồn đầu tư: Doanh nghiệp
- Thời gian thực hiện: 2015 – 2020
- Hạng mục đầu tư: Nhà trạm, cột…
- Mức đầu tư: 1.000 triệu đồng/vị trí cột
- Quy mô: Dự kiến 300 vị trí cột ăng ten
- Tổng nguồn vốn: 300 tỷ đồng
3. Hạ tầng cột treo cáp
- Nguồn đầu tư: Doanh nghiệp
- Thời gian thực hiện: 2015 – 2020
- Hạng mục đầu tư: Xây dựng hạ tầng cột treo cáp
- Mức đầu tư: 500 triệu đồng/km
- Quy mô: 50 km
- Tổng nguồn vốn đầu tư: 25 tỷ đồng
4. Chỉnh trang mạng cáp treo
- Nguồn đầu tư: Doanh nghiệp
- Thời gian thực hiện: 2015 – 2018
- Hạng mục đầu tư: Buộc gọn hệ thống dây cáp, loại bỏ các sợi cáp, cáp không còn sử dụng…
- Mức đầu tư: 100 triệu đồng/1km
- Quy mô: 120 km
- Tổng nguồn vốn đầu tư: 12 tỷ đồng
5. Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm
- Nguồn đầu tư: Doanh nghiệp
- Thời gian thực hiện: 2015 – 2020
- Hạng mục đầu tư: Xây dựng hạ tầng cống, bể cáp, tuynel…
- Mức đầu tư: 1.500 triệu đồng/1km
- Quy mô: 70 km.
- Tổng nguồn vốn: 105 tỷ đồng
6. Lắp đặt điểm truy nhập Internet không dây
- Nguồn đầu tư: ngân sách tỉnh (45%); doanh nghiệp, xã hội hóa (55%)
- Thời gian thực hiện: 2015 – 2020
- Hạng mục đầu tư: Lắp đặt bộ thiết bị truy nhập Intertnet không dây
- Mức đầu tư: 50 triệu đồng/1 bộ
- Quy mô: 100 bộ (tại 32 điểm, trung bình 03 bộ/điểm)
- Tổng nguồn vốn: 5 tỷ đồng
7. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước để quản lý, thực hiện quy hoạch
- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông
- Thời gian thực hiện: 2016 – 2020
- Nguồn đầu tư: Ngân sách tỉnh
- Tổng nguồn vốn: 3 tỷ đồng
- Hạng mục đầu tư:
+ Đầu tư mua sắm trang thiết bị (thiết bị đo kiểm, thiết bị quản lý, giám sát…), phục vụ cho công tác quản lý nhà nước: Quản lý, giám sát việc phát triển hạ tầng hệ thống trạm thu phát sóng trên địa bàn tỉnh....
+ Đào tạo, bồi dưỡng, tham quan học tập nâng cao trình độ.
+ Xây dựng văn bản quy định.
+ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng.
+ Công tác thông tin tuyên truyền.
II. DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
STT | Dự án | Nguồn vốn | Nhu cầu đầu tư (tỷ đồng) | Thời gian thực hiện | |
Ngân sách địa phương | Doanh nghiệp, xã hội hóa | ||||
1 | Xây dựng điểm giao dịch viễn thông có người phục vụ | - | 16,00 | 16,00 | 2015 - 2020 |
2 | Xây dựng hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động |
| 300,00 | 300,00 | 2015 - 2020 |
3 | Hạ tầng cột treo cáp | - | 25,00 | 25,00 | 2015 - 2020 |
4 | Chỉnh trang mạng cáp treo | - | 12,00 | 12,00 | 2015 - 2018 |
5 | Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm | - | 105,00 | 105,00 | 2015 - 2020 |
6 | Lắp đặt điểm truy nhập Internet không dây | 2,25 | 2,75 | 5,00 | 2015 - 2020 |
7 | Nâng cao năng lực quản lý nhà nước để quản lý, thực hiện quy hoạch | 3,00 | - | 3,00 | 2016 - 2020 |
Tổng | 5,25 | 460,75 | 466,00 |
|
Phần VII
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp về quản lý nhà nước
Quản lý, quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh theo định hướng các doanh nghiệp cùng đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Không ép buộc các doanh nghiệp sử dụng chung hạ tầng viễn thông, nhưng các doanh nghiệp không tham gia đầu tư, đàm phán sử dụng chung hạ tầng sẽ không được cấp phép tại những khu vực trước đó đã kêu gọi sử dụng chung hạ tầng và đã hoàn thành xây dựng hạ tầng mạng viễn thông.
Thực thi công tác quản lý nhà nước theo nguyên tắc hiện đại, đồng bộ. Ứng dụng các công nghệ bản đồ số, các thiết bị giám sát, xây dựng hệ thống dữ liệu hạ tầng viễn thông.
Thống nhất các điều kiện dùng chung hạ tầng, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan trong quá trình cấp phép, thực hiện thẩm định để việc sử dụng hạ tầng viễn thông đạt hiệu quả và phù hợp.
Thực thi công tác thanh tra, kiểm soát công tác xây dựng, chỉnh trang, phòng chống thiên tai đối với hạ tầng viễn thông.
2. Phát triển hạ tầng
Tỉnh công bố quy hoạch chung trên toàn tỉnh và lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp tiến hành đầu tư xây dựng mạng lưới trên địa bàn tỉnh (cột ăng ten, cột treo cáp, công trình kỹ thuật ngầm…).
Doanh nghiệp phối hợp thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng dùng chung thông qua Sở Thông tin và Truyền thông.
Doanh nghiệp cùng đầu tư xây dựng hạ tầng và chia sẻ hạ tầng theo tỷ lệ nguồn vốn đóng góp hoặc theo thỏa thuận (nếu có).
Phương án thành lập doanh nghiệp hạ tầng:
Doanh nghiệp độc lập thực hiện đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng và cho các doanh nghiệp viễn thông thuê hạ tầng.
Có cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp mới xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông tại khu vực xây dựng tuyến đường mới, khu đô thị mới, khu công nghiệp mới…
Thực hiện trong các trường hợp:
- Xây dựng các khu mới xây dựng như đô thị mới, khu công nghiệp…
- Các doanh nghiệp viễn thông không tham gia đầu tư hoặc không có nguồn đầu tư, hoặc có nhiều doanh nghiệp viễn thông có nguyện vọng đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng không thể đàm phán sử dụng chung hạ tầng.
- Cần thiết có sự quản lý nhà nước giá cho thuê hạ tầng.
Phù hợp xây dựng cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. thực hiện các dự án hạ tầng đồng bộ ở địa phương.
Phương án các doanh nghiệp viễn thông cùng đầu tư và sử dụng chung hạ tầng:
Các doanh nghiệp viễn thông chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng và chia sẻ hạ tầng dùng chung hoặc cho doanh nghiệp khác thuê theo thỏa thuận.
Thực hiện trong các trường hợp các doanh nghiệp viễn thông có điều kiện đầu tư và có thỏa thuận sử dụng hạ tầng.
3. Cơ chế chính sách
Ban hành các quy định, quy chế về xây dựng và ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi trên địa bàn tỉnh; quy định, quy chế về cấp phép xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động.
Ban hành các quy định, quy chế về xây dựng và sử dụng hạ tầng cột treo cáp, công trình kỹ thuật ngầm.
Ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng viễn thông; phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện ngầm hóa.
Ban hành các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông tại các khu vực điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.
Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông theo hình thức xã hội hóa.
Ban hành các quy định về dành quỹ đất xây dựng hạ tầng viễn thông trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường một cách bình đẳng. Tạo lập thị trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh.
4. Giải pháp thực hiện đồng bộ quy hoạch
Công bố công khai Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh và lộ trình thực hiện, các doanh nghiệp căn cứ theo lộ trình xây dựng kế hoạch phát triển.
Nghiên cứu, bám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch của các ngành có liên quan (giao thông, xây dựng, đô thị…) và quy hoạch các địa phương nhằm phát triển hạ tầng viễn thông thụ động đồng bộ.
Đối với mỗi một khu vực (tuyến đường, tuyến phố…), UBND huyện (đối với khu vực thuộc huyện quản lý) và Sở Giao thông và Vận tải (đối với khu vực thuộc tỉnh quản lý) chỉ thực hiện cấp phép 01 lần về xây dựng ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi để tránh sự phát triển chồng chéo giữa các doanh nghiệp trong giai đoạn thực hiện quy hoạch.
Khi tuyến đường có kế hoạch sửa chữa lớn, nâng cấp mở rộng cần thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông thực hiện ngầm hóa hạ tầng mạng cáp treo tại khu vực đó để đồng bộ với quy hoạch giao thông.
Đối với các tuyến đường xây dựng mới, tuyến đường trong khu đô thị mới, khu dân cư mới, khi thiết kế, xây dựng bắt buộc phải có hạ tầng kỹ thuật ngầm để lắp đặt cáp viễn thông.
Ủy ban Nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và các sở, ngành liên quan, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn quản lý.
5. Giải pháp về huy động vốn đầu tư
Nguồn vốn trong đầu tư, phát triển hạ tầng mạng viễn thông chủ yếu của doanh nghiệp viễn thông và xã hội hóa. Huy động nguồn vốn phụ thuộc sự phát triển của thị trường viễn thông, tình hình kinh doanh các dịch vụ viễn thông.
Đối với các dự án hiệu quả kinh tế cao do các doanh nghiệp viễn thông đầu tư.
Các dự án phát triển công trình ngầm do phải phối hợp đầu tư với các đơn vị khác, thời gian thu hồi vốn chậm huy động nguồn đầu tư xã hội. Nhà nước ban hành cơ chế để các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư thu hồi vốn đầu tư. Các dự án cùng đầu tư sẽ được thực hiện lồng ghép, kết hợp thực hiện các dự án khác có cùng mục tiêu, nhiệm vụ và địa điểm để tránh trùng lắp gây lãng phí về nhân lực và tài chính; đặc biệt các dự án đầu tư hạ tầng viễn thông cần thực hiện đồng bộ với quá trình đầu tư các hạ tầng kinh tế xã hội khác để phát huy hết hiệu quả.
Đối với các dự án xây dựng hạ tầng tại tuyến đường, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất mới xây dựng thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất tự đầu tư hoặc kêu gọi các doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng hạ tầng cống bể lắp đặt cáp viễn thông, cột ăng ten để các doanh nghiệp viễn thông thuê lại cơ sở hạ tầng khi cung cấp mạng tại khu vực đó.
Đối với các dự án ngầm hóa mạng cáp treo, huy động vốn từ doanh nghiệp viễn thông, nếu doanh nghiệp viễn thông không có kinh phí hạ ngầm mạng cáp viễn thông, cho phép các doanh nghiệp ngoài ngành viễn thông xây dựng hạ tầng cống bể cáp và cho các doanh nghiệp viễn thông thuê lại sử dụng với mức giá cho thuê được công bố và được kiểm soát theo quy định.
Đối với dự án số hóa phương thức truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình, sử dụng một phần nguồn vốn từ quỹ số hóa quốc gia, hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dân.
6. Giải pháp tuyên truyền
Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, định hướng sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật ngầm tới các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, doanh nghiệp viễn thông thông hội nghị, hội thảo.
Biên tập, xây dựng các chương trình, tài liệu; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền phổ biến thông tin; cung cấp đầy đủ và khách quan thông tin về an toàn bức xạ vô tuyến điện đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng; các quy định về xây dựng, lắp đặt các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động để người dân an tâm, đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng các cột ăng ten thu phát sóng.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy hoạch. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và phát triển của công nghệ, phát triển hạ tầng mạng ngoại vi, mạng thông tin di động trình Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp.
Quản lý, công bố và cập nhật quá trình thực hiện Quy hoạch.
Giám sát và điều phối quá trình cùng đầu tư sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.
Báo cáo và tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh các kế hoạch, giải pháp cụ thể, chi tiết thực hiện Quy hoạch.
Định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện Quy hoạch.
Tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quản lý nhà nước về quản lý và ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi, phát triển hạ tầng mạng thông tin di động, lập phương án phát triển cột ăng ten loại A1.
Thực hiện tiếp thu ý kiến các đơn vị, trình UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động hàng năm.
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trong việc kiểm soát giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, phối hợp tổ chức hiệp thương giá cho thuê công trình giữa các đơn vị.
Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng ngoại vi, mạng thông tin di động; quy định về xây dựng hạ tầng ngoại vi, hạ tầng mạng thông tin di động; các quy chế phối hợp xây dựng hạ tầng với các ngành điện, cấp nước, thoát nước…
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan trong việc bố trí, huy động vốn và các nguồn tài trợ cho việc lắp đặt điểm phát sóng Internet không dây (wifi công cộng).
3. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan xác định nguồn chi ngân sách, tham mưu UBND tỉnh bố trí cho việc lắp đặt điểm phát sóng Internet không dây.
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành cơ chế chính sách, đơn giá cho thuê để sử dụng chung cơ sở hạ tầng (đối với các công trình do Nhà nước định giá), tổ chức hiệp thương giá cho thuê công trình giữa các đơn vị.
4. Sở Giao thông Vận tải
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở ban ngành; Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; các doanh nghiệp viễn thông xây dựng chương trình, đề án, quy định ngầm hóa mạng ngoại vi, quy định về việc xây dựng hạ tầng trạm thu phát sóng di động, cột viễn thông phù hợp với kế hoạch của từng thời kỳ.
Chỉ đạo, hướng dẫn đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có khi lập thiết kế xây dựng cầu, đường.
Yêu cầu và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông vào thiết kế xây dựng cầu, đường để đầu tư đồng bộ.
Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị khi lập thiết kế hoặc sửa chữa lớn các công trình giao thông trong khu vực đô thị bắt buộc phải có hạ tầng ngầm để ngầm hóa các tuyến cáp treo theo quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động.
Chấp thuận, cấp giấy phép thi công và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình viễn thông đảm bảo theo các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
5. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản hướng dẫn cấp phép, quản lý xây dựng hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thanh tra, kiểm tra các công trình viễn thông đảm bảo đúng với quy hoạch xây dựng của tỉnh.
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc kiểm soát giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, phối hợp tổ chức hiệp thương giá cho thuê công trình giữa các đơn vị.
Hướng dẫn việc lập quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư phải có nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khác (điện, cấp nước, thoát nước…), đồng thời phải phù hợp với quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đô thị của tỉnh.
Phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, khai thác công trình ngầm cho doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông.
6. Sở Tài nguyên Môi trường
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở ban ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông tiến hành đo đạc, lập bản đồ và xác định giới hạn đất đai cho các nhà trạm viễn thông, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.
7. Sở Công thương
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện/thành phố, các doanh nghiệp viễn thông trong sử dụng chung hệ thống cột treo cáp, cột chiếu sáng và hạ tầng cống, bể để lắp đặt cáp viễn thông.
8. Các sở, ban ngành khác
Các sở ngành khác phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Quy hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.
9. Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố
Căn cứ vào Quy hoạch, xây dựng Quy hoạch theo Thông tư 14/2013/TT-BTTTT phát triển phù hợp với định hướng phát triển của ngành và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng mạng ngoại vi, mạng thông tin di động trên địa bàn.
Đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông vào quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương.
Yêu cầu và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông đưa hạ tầng kỹ thuật viễn thông vào thiết kế xây dựng cầu, đường thuộc thẩm quyền để đầu tư đồng bộ.
Chấp thuận, cấp giấy phép thi công và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình viễn thông đảm bảo theo các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông địa phương quản lý.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát việc xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông thụ động của các doanh nghiệp trên địa bàn.
10. Các doanh nghiệp
Căn cứ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, được UBND tỉnh phê duyệt và hiện trạng, kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
Trước khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư, xây dựng công trình viễn thông, trình Sở Thông tin và Truyền thông xem xét có ý kiến về sự phù hợp quy hoạch, đồng thời chịu sự kiểm tra của Sở.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp khác đàm phán cùng đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; chủ động phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải quyết hoặc hỗ trợ tháo gỡ.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông đồng bộ với kế hoạch xây dựng cầu, đường.Khi thiết kế, đầu tư, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông phải lấy ý kiến của các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định.
- 1Quyết định 125/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 3885/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ dự án Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 1771/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020
- 4Quyết định 1013/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- 5Quyết định 463/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề cương, kinh phí lập Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 6Quyết định 402/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025
- 7Quyết định 3724/UBND-CN năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025
- 8Quyết định 256/QĐ-UBND năm 2015 Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 9Quyết định 1095/QĐ-UBND-HC năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 41/2007/NĐ-CP về việc xây dựng ngầm đô thị
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Thông tư liên tịch 12/2007/TTLT-BXD-BTTTT hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị do Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 5Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 6Thông tư 03/2008/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định 281/2007/QĐ-BKH ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 7Luật viễn thông năm 2009
- 8Chỉ thị 422/CT-TTg năm 2010 về tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị định 38/2010/NĐ-CP về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị
- 10Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị
- 11Quyết định 2044/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 89/2008/QĐ-UBND về Quy định phạm vi khu vực phải xin phép xây dựng, lắp đặt trạm thu, phát sóng thông tin di động ở đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
- 13Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông
- 14Quyết định 13/2010/QĐ-UBND sửa đổi Điều 5 Quyết định 89/2008/QĐ-UBND quy định phạm vi khu vực phải xin phép xây dựng khi lắp đặt trạm thu, phát sóng thông tin di động ở đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành
- 15Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 16Quyết định 32/2012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng
- 18Nghị định 72/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật
- 19Quyết định 45/2012/QĐ-TTg về tiêu chí xác định công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 20Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng
- 21Nghị quyết 08/2012/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/10.000
- 22Quyết định 07/2011/QĐ-UBND công bố đơn giá xây dựng cơ bản công trình bưu chính, viễn thông do tỉnh Tây Ninh ban hành
- 23Quyết định 64/2012/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 24Thông tư 14/2013/TT-BTTTT hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 25Thông tư 10/2013/TT-BXD hướng dẫn quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 26Thông tư liên tịch 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 27Quyết định 64/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 28Thông tư liên tịch 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Bộ Công thương - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 29Quyết định 125/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 30Quyết định 3885/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ dự án Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 31Quyết định 1771/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020
- 32Quyết định 22/2014/QĐ-UBND về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030
- 33Quyết định 1013/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- 34Quyết định 463/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề cương, kinh phí lập Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 35Quyết định 5905/QĐ-BCT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020 do Bộ Công thương ban hành
- 36Quyết định 402/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025
- 37Quyết định 3724/UBND-CN năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025
- 38Quyết định 256/QĐ-UBND năm 2015 Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 39Quyết định 1095/QĐ-UBND-HC năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025
Quyết định 32/2015/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- Số hiệu: 32/2015/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/06/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
- Người ký: Trần Lưu Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra