Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 319/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ; đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, được quan tâm đầu tư thích đáng;

b) Phát triển ngành cơ khí Việt Nam trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành Phần kinh tế, trong đó chủ yếu khu vực ngoài nhà nước;

c) Phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh toàn cầu là động lực phát triển;

d) Khai thác các lợi thế sẵn có và cơ hội quốc tế trong quá trình hội nhập; gắn kết sản xuất cơ khí với dịch vụ, thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị, sản xuất công nghiệp thế giới;

đ) Chú trọng phát triển một số chuyên ngành, lĩnh vực cơ khí lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia;

e) Phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.

- Về xuất khẩu: Giai đoạn đến năm 2020 sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%. Đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một Phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại:

Sau năm 2025:

- Hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp;

- Tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực trong lĩnh vực chế tạo như ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện;

- Hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm vai trò chủ đạo.

II. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các chính sách

a) Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế (Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế nhập khẩu), các biện pháp hỗ trợ đầu tư và kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính;

b) Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phù hợp với pháp luật về đầu tư và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhằm tạo động lực cho phát triển ngành cơ khí Việt Nam, kết hợp chặt chẽ với phát triển công nghiệp lưỡng dụng;

c) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước, xây dựng chuỗi sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí trong nước và chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất ngành cơ khí thế giới.

2. Giải pháp thực hiện

a) Tập trung phát triển một số loại vật liệu cơ bản phục vụ ngành cơ khí, nhằm tận dụng lợi thế so sánh về nguồn khoáng sản trong nước với trình độ công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường;

b) Tạo lập thị trường ở các phân ngành đã chọn, tạo tiền đề cho ngành cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo. Ban hành các chế tài để bảo hộ hàng trong nước đã sản xuất được, phù hợp cam kết quốc tế;

c) Thu hút các tập đoàn chế tạo đa quốc gia có tiềm lực và thương hiệu với các ưu đãi có sức hấp dẫn nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong đó đặc biệt tập trung vào các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí quan trọng, có khả năng cạnh tranh, có dung lượng thị trường đủ lớn; đồng thời, chú trọng xúc tiến đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường;

d) Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết kế, công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí; đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hoặc hỗ trợ mua sát nhập các doanh nghiệp toàn cầu có thương hiệu, bao gồm cả Phần R&D để rút ngắn quá trình phát triển;

đ) Nhà nước ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, gắn đào tạo với thực hành; hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các Chương trình, dự án được phê duyệt, từng bước xây dựng lực lượng tổng công trình sư và kỹ sư trưởng;

e) Nhà nước có cơ chế về lãi suất tín dụng để đầu tư và thời hạn vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí có dung lượng thị trường đủ lớn (Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước và Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ);

g) Xây dựng hệ thống thông tin ngành cơ khí để làm cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp dùng chung;

h) Thúc đẩy và phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề trong việc liên kết các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, khắc phục tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí.

Điều 2. Danh Mục sản phẩm cơ khí trọng điểm

Danh Mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và được Điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chiến lược này;

b) Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện;

c) Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu ngành cơ khí trong và ngoài nước nói chung và cơ khí trọng điểm nói riêng trên trang thông tin điện tử chuyên ngành cơ khí với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước;

d) Nghiên cứu xây dựng Nghị định chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế tạo trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

2. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát và đề xuất các chính sách ưu đãi về Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế nhập khẩu cho các Dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo quan trọng trong lĩnh vực ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;

b) Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng các rào cản kỹ thuật theo hướng nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm cơ khí nhập khẩu.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi pháp luật về đất đai nhằm quy định các chính sách ưu đãi về đất đai đối với dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan trong việc nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí.

7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung có liên quan của Chiến lược này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước;
- Các Hiệp hội; Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, các nhà sản xuất xe máy Việt Nam;
- Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam;
- Tổng hội Cơ khí Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2b).KN

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC SẢN PHẨM CƠ KHÍ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2017 ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên sản phẩm

I

Các loại thiết bị động lực

 

Các loại động cơ Diezel từ 50 HP trở lên; động cơ Diezel tàu thủy cùng hệ thống hộp số hệ trục và chân vịt công suất 300 HP trở lên; các loại động cơ ô tô đạt tiêu chuẩn tối thiểu EURO 4 từ năm 2018.

II

Các chủng loại xe ô tô

 

- Xe ô tô nông dụng nhỏ đa chức năng;

- Xe ô tô chuyên dùng: Xe chở bê tông, xi téc, xe đặc chủng phục vụ an ninh - quốc phòng;

- Xe ô tô khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, nội đô từ 10 chỗ ngồi trở lên;

- Xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường (xe khách, xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên hoặc sử dụng công nghệ Hybrid hoặc chạy điện).

III

Thiết bị nâng hạ

 

Cổng trục 30 tấn trở lên, cẩu chân đế từ 30 tấn trở lên, cần trục từ 10 tấn trở lên, cẩu bánh xích từ 50 tấn trở lên, cẩu bánh lốp chân cứng từ 50 tấn trở lên, cẩu trên tàu biển từ 20 tấn trở lên, cẩu tháp từ 5 tấn trở lên; cẩu khung bánh lốp RTGC (Rubber Tyred Gantry Crane) có sức nâng từ 30 tấn trở lên; cẩu bờ chạy ray RMQC (Rail Mounted Quayside Crane) có sức nâng từ 30 tấn trở lên. Cẩu khung chạy ray RMGC (Rail Mounted Gantry Crane) có sức nâng từ 30 tấn trở lên.

IV

Thiết bị nhà máy công nghiệp và thiết bị điện

 

- Các thiết bị trong các nhà máy điện bao gồm: Hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống băng tải; máy đánh đống và máy phá đống, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống làm mát tuần hoàn, hệ thống ống khói, trạm phân phối và máy biến áp chính cho nhà máy nhiệt điện, hệ thống cung cấp dầu, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống xử lý nước, xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy; kết cấu thép nhà máy nhiệt điện, bình ngưng cho hệ thống tuabin và thiết bị gia nhiệt cho nhà máy nhiệt điện; lò hơi (Phần áp lực và Phần không áp lực); thiết bị thu hồi nhiệt cho nhà máy nhiệt điện; các loại bình, bồn chứa áp lực cao; các bồn chứa khí hóa lỏng hoặc hóa chất có kích thước lớn; các thiết bị dùng để thay đổi hoạt tính hóa học hay sinh học của một phản ứng trong các công đoạn chiết tách hóa chất và các thiết bị tháp chưng cất của công nghệ lọc hóa dầu; thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho các biển đảo; van; máy bơm phục vụ dầu khí, công nghiệp mỏ, năng lượng; thiết bị năng lượng tái tạo: Năng lượng gió, mặt trời, sinh khối; các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

 

- Thiết bị đo lường, máy biến dòng, máy biến áp 110kV - 500kV; máy cắt điện trung áp và cao áp; thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch đến 500kV; chống sét đến 500kV; sứ chuỗi cách điện.

- Dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh xử lý tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất công nghiệp

V

Máy kéo và máy nông nghiệp

 

Các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp; các loại máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, các kho bảo quản sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp.

VI

Sản phẩm kim loại và composite cao cấp dùng trong ngành hàng không

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 319/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 319/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/03/2018
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: 24/03/2018
  • Số công báo: Từ số 471 đến số 472
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản