Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3183/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 15 tháng 9 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ, NGƯ CỤ CỦA NHẬT ĐỂ KHAI THÁC, TIÊU THỤ NỘI ĐỊA VÀ XUẤT KHẨU CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG TỈNH BÌNH ĐỊNH, VIỆT NAM.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 3465/QĐ-BNN ngày 06/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”;

Căn cứ Biên bản hợp tác thực hiện dự án “Chuyển giao công nghệ đánh bắt của Nhật nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ tại Việt Nam” giữa UBND tỉnh Bình Định và Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2982/TTr-SNN ngày 11/9/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND huyện Hoài Nhơn, UBND thành phố Quy Nhơn triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBDN huyện Hoài Nhơn, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./. 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thu Hà

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ, NGƯ CỤ CỦA NHẬT ĐỂ KHAI THÁC, TIÊU THỤ NỘI ĐỊA VÀ XUẤT KHẨU CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG TỈNH BÌNH ĐỊNH, VIỆT NAM
(Kèm theo Quyết định số 3183/QĐ-UBND ngày 16/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” theo Quyết định số 3465/QĐ-BNN ngày 06/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai, Nhật Bản;

Nhằm phát triển nghề cá ngừ đại dương là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Định, ngày 16/6/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Biên bản hợp tác về việc “Khảo sát thẩm định có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân về chuyển giao công nghệ đánh bắt của Nhật nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ tại Việt Nam”.

Để triển khai các nội dung, nhiệm vụ nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Kế hoạch triển khai thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định, Việt Nam” cụ thể như sau.

I. Căn cứ thực hiện

- Quyết định số 3465/QĐ-BNN ngày 06/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”;

- Biên bản giữa Cơ quan hợp tác Nhật Bản (JICA) và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc Khảo sát thẩm định có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân về chuyển giao công nghệ đánh bắt của Nhật nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ tại Việt Nam ký ngày 16/6/2015;

- Biên bản thảo luận giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Liên danh Kato - Jamada về việc Khảo sát thẩm định có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân về việc chuyển giao công nghệ đánh bắt của Nhật nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ tại Việt Nam ký ngày 28/4/2015;

- Văn bản cam kết của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc chi trả các khoản chi phí liên quan đến dự án “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ ở nước ngoài của JICA” ký ngày 27/4/2015.

II. Mục tiêu dự án

- Chuyển giao công nghệ, ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật cho ngư dân tỉnh Bình Định nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ theo hướng hiệu quả và bền vững.

- Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị từ khai thác, sơ chế bảo quản trên biển, hậu cần vận chuyển vào bờ, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương nhằm tăng thu nhập, hiệu quả sản xuất cho ngư dân và doanh nghiệp, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh Bình Định.

III. Nội dung dự án

1. Nội dung

Dựa án bao gồm các hợp phần chính là:

a. Chuyển giao công nghệ, ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật;

b. Tổ chức triển khai, sơ chế bảo quản trên biển, hậu cần vận chuyển vào bờ;

c. Xúc tiến thương mại, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương.

d. Các nội dung hoạt động chính của dự án:

1.1. Điều tra khảo sát hiện trạng sản xuất - kinh doanh nghề cá ngừ tỉnh Bình Định, Việt Nam

Hoạt động cụ thể:

Phối hợp tổ chức 02 đợt khảo sát hiện trạng sản xuất - kinh doanh nghề cá ngừ tỉnh Bình Định và nghề cá ngừ Việt Nam.

Tổ chức 01 đợt thảo luận thống nhất nội dung dự án để ký kết các văn bản sau liên quan đến dự án, cụ thể:

- Biên bản giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc Khảo sát thẩm định có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân về chuyển giao công nghệ đánh bắt của Nhật nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ tại Việt Nam ký ngày 16/6/2015;

- Biên bản thảo luận giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Liên danh Kato - Jamađa về việc Khảo sát thẩm định có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân về chuyển giao công nghệ đánh bắt của Nhật nhằm hiện đại hóa nghề cá ngừ tại Việt Nam ký ngày 28/4/2015;

- Văn bản cam kết của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc chi trả các khoản chi phí liên quan đến dự án “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ ở nước ngoài của JICA” ký ngày 27/4/2015.

1.2. Thiết lập mô hình “Chuyển giao, áp dụng công nghệ, ngư cụ khai thác của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương”

a. Thiết kế, sản xuất và vận chuyển ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật (bao gồm máy kéo câu tự động; thiết bị gây sốc; dụng cụ xử lý cá; trang bị bảo hộ, ..)

Hoạt động cụ thể:

Phía Nhật chịu trách nhiệm thiết kế, sản xuất và vận chuyển phần cứng của ngư cụ khai thác nêu trên bao gồm 25 bộ cho tỉnh Bình Định.

Tỉnh Bình Định tiếp nhận, hoàn thành thủ tục thông quan, miễn thuế và vận chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về Quy Nhơn.

b. Lựa chọn tàu cá có thể lắp đặt, áp dụng được công nghệ, ngư cụ khai thác của Nhật. Việc lắp đặt thực hiện theo sự giám sát kỹ thuật của Nhật.

Hoạt động cụ thể:

Xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn tàu tham gia dự án.

Lựa chọn 25 tàu cá đủ tiêu chí tham gia dự án.

Phối hợp với phía Nhật kiểm tra kỹ thuật, vẽ sơ đồ bố trí chung cho 25 tàu tham gia dự án.

c. Đào tạo ngư dân địa phương về việc ban hành và bảo quản ngư cụ khai thác của nhật bao gồm chuyển giao các công nghệ cần thiết

Hoạt động cụ thể:

Tập huấn đào tạo lý thuyết ở trên bờ cho toàn bộ thuyền viên 25 tàu và cán bộ khuyến ngư ở các xã liên quan.

Tập huấn đào tạo thực hành ở trên biển cho toàn bộ thuyền viên 25 tàu và cán bộ khuyến ngư ở các xã liên quan.

d. Việc phát triển sản phẩm cá ngừ chất lượng cao phải có sự giám sát của phía Nhật trong quá trình khai thác, chế biến, bảo quản và vận chuyển.

Theo kế hoạch dự án, có tất cả 12 đợt chuyên gia Nhật tham gia giám sát trong quá trình khai thác, chế biến, bảo quản và vận chuyển.

1.3. Xây dựng kế hoạch công khai và phổ biến ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật

a. Hỗ trợ tiếp thị để đạt được thương hiệu cá ngừ chất lượng cao được khai thác theo công nghệ, ngư cụ của Nhật.

b. Phối hợp thiết lập thị trường mục tiêu để phổ biến ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật.

c. Tổ chức các cuộc họp hội thảo về ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật cho các cơ quan liên quan và các ngư dân được lựa chọn với sự hỗ trợ của tỉnh Bình Định và Trung ương.

d. Xây dựng các mô hình kinh doanh, bao gồm kế hoạch xúc tiến việc mua bán.

1.4. Chuyển giao công nghệ vận hành/bảo quản ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật, chuyển giao công nghệ chế biến cá ngừ theo cách thức Nhật Bản tại Nhật và đào tạo để hoàn thiện việc khai thác và chế biến cá ngừ ở Việt Nam.

a. Đào tạo và huấn luyện việc vận hành/bảo trì ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật và chế biến cá ngừ ở Nhật Bản.

Hoạt động cụ thể:

- Đào tạo, tập huấn về đánh giá chất lượng cá ngừ cho cán bộ kỹ thuật (02 người);

- Đào tạo, tập huấn về kỹ thuật và kinh doanh ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật cho cán bộ kỹ thuật (04 người);

- Đào tạo, tập huấn về kỹ thuật khai thác và chế biến cá ngừ cho cán bộ kỹ thuật và ngư dân (03 người);

b. Huấn luyện việc vận hành/bảo trì ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật trên tàu, trên biển và chuyển giao công nghệ sửa chữa

Hoạt động cụ thể:

Theo kế hoạch sẽ tổ chức 01 chuyến khai thác thử nghiệm trên biển cho 03 tàu cá có sự tham gia của 06 chuyên gia Nhật và 06 cán bộ kỹ thuật của tỉnh.

1.5. Tổ chức dịch vụ hậu cần, thu mua trên biển và xuất khẩu cá ngừ đại dương

Nghiên cứu xây dựng, đề xuất và thực hiện mô hình dịch vụ hậu cần trên biển, mô hình thu mua vận chuyển cá ngừ đại dương vào bờ đảm bảo thời gian và chất lượng

1.6. Xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương

a. Xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định/Việt Nam.

b. Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

1.7. Các nội dung hoạt động khác của dự án:

a. Nghiên cứu khả thi;

b. Thiết lập mô hình kinh doanh ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật;

c. Các nghiên cứu liên quan về: Công nghệ khai thác, Công nghệ tàu cá, Quản lý nghề cá ngừ, Nâng cao chất lượng thủy sản và Quản lý kinh doanh cá ngừ.

Các hoạt động trên được các chuyên gia Nhật tiến hành thực hiện với sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy trình công nghệ để phổ biến nhân rộng và triển khai áp dụng rộng rãi (thực hiện theo Văn bản số 6332/BNN-TCTS ngày 10/8/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Trách nhiệm tài chính của tỉnh Bình Định

2.1. Trách nhiệm tài chính của phía tỉnh Bình Định được nêu tại các văn bản ở mục I nêu trên, cụ thể:

a. Thanh toán các khoản chi liên quan đến ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật từ khi đến cảng Việt Nam cho đến khi hoàn thành việc lắp đặt trên tàu cá, bao gồm phí vận chuyển và thủ tục hải quan.

b. Thuê phiên dịch và chuẩn bị phương tiện đi lại cùng nhiên liệu và tài xế, ngoại trừ lương cho phiên dịch, chi phí y tế và các chi phí khác.

c. Hợp đồng bảo hiểm đối với việc hư hỏng (nếu có) của ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ nhật trong quá trình khảo sát sau khi về đến Việt Nam.

d. Chi phí máy bay (khứ hồi) cho những thành viên dự án của phía đối tác Việt Nam tham gia các hoạt động khảo sát, học tập được triển khai tại Nhật.

e. Tỉnh Bình Định thống nhất bổ sung chi phí ăn tại Bình Định của chuyên gia phía Nhật khi đến làm việc tại tỉnh Bình Định vào văn bản cam kết nêu trên.

f. Bố trí phòng để phía Nhật làm việc và lắp đặt thiết bị. Chuẩn bị thông tin và dữ liệu liên quan đến khảo sát (bao gồm các bản đồ và hình ảnh).

2.2. Kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí: 10.318.461.000 đồng.

(Mười tỷ, ba trăm mười tám triệu, bốn trăm sáu mươi mốt ngàn đồng). Trong đó:

+ Năm 2015 :                                                1.670.288.000 đồng.

+ Năm 2016 :                                                3.877.350.000 đồng.

+ Năm 2017 :                                                4.568.500.000 đồng.

+ Dự phòng chi (2%) :                                     202.323.000 đồng.

3. Tiến độ thực hiện

3.1. Năm 2015: Chuyển giao ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật

a. Lựa chọn tàu cá tham gia dự án: Tháng 7/2015

b. Chuẩn bị kỹ thuật cho đội tàu tham gia dự án: tháng 7 - 8/2015.

c. Vận chuyển ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương từ Nhật đến thành phố Hồ Chí Minh: tháng 8/2015.

d. Chuyển giao ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương, lắp đặt và tập huấn kỹ thuật cho 03 tàu thử nghiệm khai thác trên biển: Tháng 9/2015.

e. Tổ chức khai thác thử nghiệm trên biển: Tháng 10/2015.

f. Lắp đặt, tập huấn kỹ thuật và vận hành thử trên biển ven bờ: Tháng 10/2015.

g. Tổ chức Lễ giao nhận thiết bị và ra quân khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật: ngày 31/10

3.2. Năm 2016: Tổ chức khai thác và xuất khẩu cá ngừ đại dương chất lượng cao

a. Kiểm tra tiến độ hoạt động dự án: tham gia kiểm tra chất lượng, xúc tiến việc xuất khẩu cá ngừ chất lượng cao do các cán bộ dự án, chuyên gia Nhật thực hiện tại Bình Định.

Thời gian thực hiện: tháng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, 12/2016:

b. Đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ tỉnh Bình Định tại Nhật.

- Đào tạo, tập huấn về đánh giá chất lượng cá ngừ: Tháng 01/2016.

- Đào tạo, tập huấn kỹ thuật và kinh doanh ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật: tháng 5/2016.

- Đào tạo, tập huấn về kỹ thuật khai thác và chế biến cá ngừ: Tháng 8/2016.

3.3. Năm 2017: Tổ chức khai thác và xuất khẩu cá ngừ chất lượng cao

a. Kiểm tra tiến độ hoạt động dự án; tham gia kiểm tra chất lượng, xúc tiến việc xuất khẩu cá ngừ chất lượng cao do các cán bộ dự án, chuyên gia Nhật thực hiện tại Bình Định: Tháng 02,4/2017.

b. Thực hiện các nội dung nhiệm vụ khác của dự án:

- Nhiệm vụ Nghiên cứu khả thi, thiết lập mô hình kinh doanh ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật, các nghiên cứu liên quan: Thời gian thực hiện theo tiến độ và yêu cầu thực tế.

- Nhiệm vụ Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện quy trình công nghệ để phổ biến nhân rộng và triển khai áp dụng rộng rãi (thực hiện theo Văn bản số 6332/BNN-TCTS ngày 10/8/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): thực hiện theo tiến độ và yêu cầu thực tế.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Bên phía Nhật Bản

Theo văn bản ký kết, đại diện cho JICA Việt Nam trực tiếp triển khai thực hiện dự án là Liên doanh KATO-JAMADA cùng sự hợp tác của các chuyên gia Đại học KAGOSHIMA, Công ty quản lý công nghệ MORI, lĩnh vực thủy sản tư nhân: Công ty DAIKI và DAISUI.

2. Bên phía Việt Nam

Theo văn bản ký kết, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định trực tiếp triển khai thực hiện dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định.

Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, tổ công tác thực hiện dự án.

Phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể như sau:

2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thường trực Ban Chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án, bao gồm các nội dung nhiệm vụ sau:

- Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện dự án sau khi được UBDN tỉnh phê duyệt;

- Phối hợp xây dựng dự toán kinh phí triển khai thực hiện dự án;

- Kiểm tra, đôn đốc; báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện dự án;

- Tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo cho Ban Chỉ đạo tỉnh, đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện;

- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai có hiệu quả dự án, đồng thời trên cơ sở thành công của dự án để nhân rộng và triển khai áp dụng rộng rãi từ nguồn kinh phí khác như khuyến nông, khuyến ngư theo Văn bản số 6332/BNN-TCTS ngày 10/8/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự toán và bố trí kinh phí thực hiện dự án; hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện dự án theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện dự án và hướng dẫn thực hiện đúng quy định, chế độ định mức, đồng thời có kế hoạch khai thác từ các nguồn lực khác để hỗ trợ cho quá trình tổ chức thực hiện dự án, căn cứ tình hình đề xuất phương án tài chính báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

2.4. Sở Ngoại vụ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tiếp đón và làm việc với các chuyên gia Nhật khi sang làm việc tại tỉnh Bình Định.

Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về công tác bảo hộ cho các chuyên gia Nhật Bản trong thời gian đến làm việc tại tỉnh Bình Định và cán bộ kỹ thuật của Bình Định qua nghiên cứu và học tập tại Nhật.

2.5. Các sở Khoa học và Công nghệ, Công Thương

Phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2.6. UBND thành phố Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phổ biến đến ngư dân địa phương về việc triển khai dự án; lập danh sách các tàu đăng ký tham gia dự án gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, xem xét chọn lựa; cử lãnh đạo UBND thành phố, huyện tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện dự án;

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, phường thuộc phạm vi quản lý trong việc tổ chức triển khai và phố hợp thực hiện các công việc theo kế hoạch của UBND tỉnh có liên quan đến địa phương; cử cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản của địa phương tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ của dự án;

Thường xuyên phối hợp với tổ công tác tỉnh thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

2.7. Doanh nghiệp tham gia thu mua, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương

- Tổ chức thu mua cá ngừ đại dương khai thác theo công nghệ, ngư cụ Nhật Bản cho các tàu tham gia dự án theo hợp đồng thu mua;

- Xây dựng và công bố tiêu chuẩn cá ngừ xuất khẩu để có thể thu mua được và thu mua với giá cả hợp lý đối với mỗi loại; công bố sự phân loại và đánh giá cá ngừ cho tất cả các tàu cá;

- Tổng hợp, báo cáo số lượng cá thu mua đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo từng tháng để Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích thuyền viên tham gia dự án.

2.8. Chủ phương tiện và thuyền viên tham gia dự án

- Tham gia thực hiện đầy đủ nội dung, hoạt động của dự án theo kế hoạch;

- Tiếp nhận công nghệ, quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì, sửa chữa ngư cụ; sơ chế bảo quản cá ngừ theo hướng dẫn của chuyên gia Nhật và cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật do phía Nhật chuyển giao;

- Giao bán sản phẩm cho doanh nghiệp thu mua tại Cảng cá Quy Nhơn theo hợp đồng;

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vướng mắc hoặc đề xuất cần thay đổi, bổ sung; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố liên quan chủ động báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thu Hà

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3183/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch triển khai thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định, Việt Nam

  • Số hiệu: 3183/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Trần Thị Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản