Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3159/1998/QĐ-UB

ngày 24 tháng 11 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994;

Thực hiện chỉ thị 27/Chỉ thị-TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị v/v "thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội".

Căn cứ chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc " thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" và Thông tư số 04/1998/TT-BVHTT ngày 11/7/1998 của Bộ Văn hóa Thông tin về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Theo đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo nếp sống Văn hóa tỉnh Lâm đồng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông: Trưởng Ban chỉ đạo Nếp sống Văn hóa Tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, Thị xã Bảo lộc,TP, thủ trưởng các sở, ban, Ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Q.CHỦ TỊCH




Đặng Đức Lợi

 

QUY ĐỊNH

THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI
( Ban hành kèm theo quyết định số 3159/1998/QĐ-UB ngày 24/11/1998 của UBND tỉnh lâm Đồng).

Thực hiện chỉ thị 27/CT-TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ thị 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 04/1998/BVHTT của Bộ Văn hóa thông tin về việc " thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội", đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. UBND Tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

I. VIỆC CƯỚI

Điều 1: Việc cưới là việc vui, là việc hệ trọng trong cuộc đời của mỗi người được Nhà nước và xã hội công nhận, được pháp luật bảo hộ, Tổ chức việc cưới, phải thực hiện đúng những quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình, hình thức tổ chức phải đảm bảo sự lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của từng gia đình, truyền thống từng dân tộc, thể hiện vẻ đẹp văn minh của cộng đồng.

Điều 2: Việc cưới hợp pháp là phải được đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện.

1- Việc đăng ký kết hôn: thực hiện đúng theo điều 23 Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch.

2- Lễ đăng ký kết hôn:

- Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở UBND phường xã, thị trấn nơi đăng ký.

- Tại lễ đăng ký kết hôn, hai nên nam nữ phải có mặt, đại diện UBND xác định lại ý nguyện của cả 2 bên nam nữ về việc quyết định kết hôn, cán bộ tư pháp mời họ cùng ký tên vào giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình.

Điều 3: Thực hiện tập quán lễ nghi truyền thống trong việc cưới.

1- Lễ chạm ngõ và lễ hỏi ( xin cưới): Là phong tục thể hiện trách nhiệm của hai bên gia đình đối với hôn nhân của đôi nam nữ.

- Hình thức tổ chức phải đơn giản, tiện lợi. Không tổ chức ăn uống phô trương, bãi bỏ những nghi thức rườm rà, phiền phức.

- Vận động bỏ thách cưới bằng của cải và tiền bạc ( đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cấm thách cưới bằng trâu, bò, chiêng chóe).

- Vận động giản tiện, ghép các lễ này lại với nhau ( có thể làm lễ chạm ngõ cùng việc xin cưới, hoặc sau lễ chạm ngõ kết hợp lễ hỏi và lễ cưới cùng lúc).

2- Lễ cưới: Sau khi được trao giấy chứng nhận kết hôn, Nhà nước và pháp luật đã thừa nhận đôi nam nữ chính thức trở thành vợ chồng, lễ cưới ( có thể tổ chức hoặc không tổ chức) là tùy thuộc vào đôi vợ chồng và hai bên gia đình quyết định.

- Tổ chức lễ cưới phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng dân tộc, từng địa bàn dân cư, phù hợp với hòan cảnh điều kiện của từng gia đình, đảm bảo việc cưới văn minh, lịch sự, lành mạnh, tiết kiệm. Không bày vẽ ăn uống linh đình, dài ngày, đua đòi phô trương hình thức; không tổ chức quá đông người, thành phần dự tiệc vui nên khuôn vào họ tộc bạn bè đôi bên gia đình, đại diện cơ quan đòan thể ( nếu có). Cấm biểu hiện kinh doanh, vụ lợi làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng trong ngày vui hạnh phúc của đôi vợ chồng.

- Khuyến khích tổ chức tiệc trà, kết hợp với vui văn nghệ hoặc hình thức báo hỷ bằng danh thiếp.

Cuộc vui chỉ nên tổ chức trong một buổi, hoặc một ngày tại gia đình hoặc địa điểm thích hợp, đôi nam nữ kết hôn trong độ tuổi thanh niên nên đề nghị Tổ chức thanh niên nơi cư trú hoặc nơi làm việc đứng lên chủ trì tổ chức cuộc vui.

- Tổ chức lễ cưới phải đảm bảo trật tự, an tòan trong khu dân cư, đảm bảo sức khỏe và sinh họat bình thường của cộng đồng. Cấm các biểu hiện tiêu cực, say rượu, quậy phá, cờ bạc sát phạt nhau trong đám cưới.

- Thời gian tổ chức cuộc vui văn nghệ không sử dụng âm thanh quá lớn trước 5 giờ và không nên kèo dài quá 23 giờ.

- Khuyến khích đôi tân hôn trong ngày vui hạnh phúc của mình đến đặt hoa ở Đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, trồng cây ở vườn cây hạnh phúc tại địa phương hoặc làm những việc từ thiện khác.

- Trang phục cô dâu chú rể trong ngày cưới cần đẹp và lịch sự khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trang phục truyền thống.

- Qùa mừng đám cưới: khuyến khích mừng bằng đồ dùng, hiện vật.

II. VIỆC TANG

Điều 4: Việc tang là nghi thức bày tỏ lòng đau buồn, thương tiếc, tưởng nhớ chân thành của người đang sống đối với người đã chết, cần được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, thực hiện đúng quy định tại điều 27,28,29,30,31,32,33 Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và các quy định khác của pháp luật về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, xóa bỏ những nghi thức tập quán lạc hậu, rườm rà, phiền phức.

Điều 5: Nghi thức việc tang

- Trang phục: khuyến khích hình thức dùng băng tang màu đen đeo ở cánh tay, hoặc đính trước ngực áo, hoặc dùng khăn tang màu trắng chít trên đầu.

- Phát tang và phúng viếng: Sau khi hòan tất các công việc lo cho người chết, ban tang lễ và gia đình tổ chức phát tang, mở đầu cho lễ phúng viếng. Phúng viếng là việc nghĩa thể hiện trách nhiệm, tình cảm thành kính chia buồn của mọi người đối với người đã quá cố và gia đình tang chủ.Cấm việc phúng viếng mang hàm ý trả nợ, ban ơn hoặc lợi dụng phúng viếng để thực hiện hành vi đút lót, hối lộ ... Không sử dụng đối trướng đắt tiền, sử dụng nhiều xe ô tô, nhiều vòng hoa để đưa tang phúng viếng mang tính phô trương, gây lãng phí tiền của.

- Nhạc tang: có thể sử dụng băng, đĩa nhạc tang hoặc đội nhạc sống của dân tộc hoặc tôn giáo ( đối với những người có tôn giáo). Không sử dụng nhạc tang trước 5 giờ và quá 23 giờ.

- Việc đưa tang phải được tiến hành chu đáo. Người đi đưa tang phải có thái độ nghiêm trang, thành kính, đi đúng phần đường, không làm cản trở giao thông công cộng. Người đi đường khi gặp đám tang phải có thái độ thành kính. Khuyến khích các địa phương sử dụng xe tang.

- Việc chôn cất, phải theo đúng sự hướng dẫn của Ban quản tang, đúng địa điểm quy họach của địa phương. Khuyến khích địa phương xây dựng nghĩa trang thành công trình văn hóa tưởng niệm.

Điều 6: Một số tập quán trong việc tang

- Việc ăn uống trong ngày tang lễ chỉ được thực hiện trong nội tộc và người giúp việc. Việc cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày và ngày giỗ chỉ được tổ chức trong nội bộ gia đình không tổ chức ăn uống linh đình, kèo dài thời gian gây tốn kém.

- Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan, bãi bỏ các hủ tục mang hình thức mê tín dị đoan như: Xem giờ chôn cất, yểm bùa, trừ tà, cúng ma, những ràng buộc của việc tang đối với việc lấy vợ, lấy chồng và thực hiện các nghĩa vụ công dân khác.

- Vận động nhân dân giảm bớt và đi đến chấm dứt việc rải vàng mã trong khi đưa tang, đốt các phương tiện đồ dùng bằng hàng mã cho người chết. Xóa bỏ tục đội mũ rơm, chống gậy, thắt lưng dây chuối, lăn đường khóc mướn.

- Khuyến khích nhân dân tiếp cận với kỹ thuật mai táng hiện đại ( hỏa táng, điện táng).

- Việc bốc mộ ( cải táng) phải giữ gìn vệ sinh theo quy định của ngành Y tế. Việc xây mộ phải theo quy định của địa phương, tránh đua đòi, phô trương hình thức.

III. LỄ HỘI

Điều 7: Lễ hội là một lọai hình sinh họat văn hóa lâu đời của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Lễ hội truyền thống hoặc hiện đại phải được tổ chức trang trọng , văn minh, lành mạnh, vui tươi, an tòan, tiết kiệm và phù hợp với truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Nội dung và hình thức lễ hội phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Giải thích rõ ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ hội, ngày kỷ niệm.

- Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lịch sử văn hóa, nghệ thuật, phát huy bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tình cảm cộng đồng.

- Tưởng nhớ công đức của ông cha, ghi nhận công lao của các bậc anh hùng liệt sỹ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

- Tìm hiểu, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh các công trình văn hóa nghệ thuật, giữ gìn phát triển vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Vui chơi giải trí lành mạnh, giữ gìn an ninh trật tự bảo vệ môi trường, không xâm hại di tích.

Điều 8: Quản lý Nhà nước về lễ hội

- Lễ hội thu hút chủ yếu nhân dân trong một xã, phường, thị trấn, do UBND huyện, thị xã, thành phố ( trực thuộc tỉnh) cấp giấy phép.

- Lễ hội thu hút chủ yếu nhân dân trong một tỉnh do sở Văn hóa Thông tin - Thể thao tỉnh cấp giấy phép.

- Lễ hội thu hút nhân dân nhiều nơi trong tỉnh và nhân dân các tỉnh khác phải có giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin.

- Tất cả lễ hội mang tính chất sinh họat văn hóa đều đặt dưới sự quản lý của ngành Văn hóa Thông tin và chính quyền sở tại.

- Thời gian lễ hội: Đối với lễ hội truyền thống được tiến hành không quá 2 ngày; Đối với lễ hội hiện đại chỉ tiến hành không quá một ngày. Hội xuân vào dịp tết Nguyên đán hàng năm ở cấp huyện, thị xã được tổ chức từ 3 đến 5 ngày, tại Thành phố Đà Lạt tổ chức từ 5 đến 7 ngày.

Điều 9: Nội dung lễ hội phải được thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp của Bộ Văn hóa - Thông tin, trước khi cấp phép. Nội dung, hình thức lễ hội truyền thống phải được bảo lưu nghiêm túc, không tùy ý thay đổi, khi có sự thay đổi phải được cơ quan có thẩm quyền của ngành văn hóa - Thông tin quyết định.

- Cờ hội chỉ được treo trong thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội. Không bán vé vào cửa đối với tất cả các lễ hội truyền thống. Nghiêm cấm và không cho đấu thầu để thu tiền các lễ hội.

- Nghiêm cấm việc lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan. Lợi dụng lễ hội để tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, tuyên truyền văn hóa phản động, khiêu dâm, kích động bạo lực.

- Phải giữ gìn trật tự an ninh, vệ sinh môi trường trong và ngòai khu vực lễ hội.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10: yêu cầu chính quyền các cấp, các tổ chức đòan thể quần chúng, các tổ chức kinh tế - xã hội và mọi người dân phải chăm lo việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan.

- Căn cứ vào nội dung bản quy định này, UBND các huyện, thị thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh tế, UBND các xã phường, thị trấn các tổ chức nhân dân có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn cụ thể hóa quy định này thành quy ước thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tập quán văn hóa của từng dân tộc, nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không trái với nội dung quy định này.

Điều 11: Ngành Văn hóa - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đòan thể quần chúng với chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, vận động " Tòan dân đòan kết xây dựng đời sống văn hóa" và triệt để thực hiện nội dung của bản quy định này. Đồng thời, gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới khu dân cư.

Điều 12: UBND tỉnh giao trách nhiệm cho ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa tỉnh, sở Văn hóa Thông tin - Thể thao, Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện quy định này trên phạm vi tòan tỉnh. Định kỳ sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm chỉ đạo. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, và thường xuyên báo cáo kết quả về Thường trực UBND tỉnh.

Điều 13: Việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội phải được coi là nội dung tiêu chuẩn thi đua, xây dựng cuộc sống mới khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, thôn , buôn, khu phố văn hóa. Đồng thời cũng là những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cán bộ, công chức hàng năm.

- Các tập thể, gia đình và cá nhân, các địa phương, cơ qua, đơn vị có thành tích trong việc thực hiện quy chế này sẽ được khen thưởng. Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phê bình, kiểm điểm hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 14: Trong quá trình triển khai thực hiện quy định này, nếu có vướng mắc phát sinh thì các địa phương, các cơ quan, đơn vị tập hợp ý kiến kịp thời phản ánh báo cáo về UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3159/1998/QĐ-UB về Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 3159/1998/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/11/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đặng Đức Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản