BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 27-CT/TW | Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI
Từ nhiều năm qua, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa đã được thực hiện trong cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã có những việc làm thiết thực đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn ấp văn hóa; bước đầu hình thành một số nghi thức mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo, thuỷ chung của dân tộc.
Những năm gần đây, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, chúng ta đã có phần buông lỏng chỉ đạo, quản lý trên một số lĩnh vực văn hóa - xã hội, xem nhẹ việc giáo dục nếp sống và lối sống, thiếu sự hướng dẫn kịp thời về phong tục, thiếu những quy định cụ thể của Nhà nước đối với việc cưới, việc tang, lễ hội nên đã để phát sinh nhiều hiện tượng không lành mạnh trong xã hội. Nhiều gia đình, trong đó có cả những cán bộ có chức quyền, vì động cơ hiếu danh, vụ lợi, tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, phô trương, có những trường hợp thực chất là "bán cỗ thu tiền". Mê tín dị đoan cùng nhiều hủ tục, kể cả một số hủ tục mới hình thành do thói đua đòi, và do cách học theo nước ngoài thiếu sự phê phán, chọn lọc, đang có khuynh hướng phục hồi và phát triển khá phổ biến ở nhiều nơi...
Những hiện tượng trên trở thành những vấn đề xã hội nhức nhối, làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống cần kiệm, giản dị của dân tộc, phá hoại thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới đời sống tinh thần vật chất của nhân dân, ngày càng bị những bộ phận tiên tiến trong nhân dân lên án, không đồng tình.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, trong đó có việc thiết lập nếp sống lành mạnh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo những định hướng:
- Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
- Lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí, phiền nhiễu.
- Chống khuynh hướng kinh doanh, vụ lợi.
- Xoá bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan.
Để thực hiện chủ trương trên, cần làm tốt một số công việc sau đây:
1. Cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải thực sự quan tâm, có kế hoạch cụ thể chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, coi đó là một. trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương ngay trong dịp tết và Xuân Mậu Dần này.
2. Phát động phong trào quần chúng rộng rãi, nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân, xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh - gia đình văn hóa.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đóng vai trò nòng cốt phối hợp kế hoạch tiến hành cuộc vận động từ cơ sở xã, phường, lôi cuốn mọi người, mọi lực lượng tham gia, tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ phê phán những biểu hiện cổ hủ, xa hoa lãng phí, hiếu danh, vụ lợi trong cưới xin, ma chay, tế lễ không phù hợp với yêu cầu của cuộc sống văn minh.
3. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí minh, nhân viên nhà nước và cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân phải gương mẫu chấp hành những quy định của Nhà nước, quy ước của địa phương, cơ quan, đơn vị về nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, cổ hủ, xa hoa lãng phí, vụ lợi trong việc cưới, việc tang, lễ hội, coi đây là một tiêu chuẩn để đánh gia cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Nghiêm khắc phê bình và xử lý kỷ luật thích đáng đối với những đảng viên, đoàn viên, cán bộ và chiến sĩ vi phạm nếp sống văn minh.
4. Ngành văn hóa - thông tin có trách nhiệm xây dựng và hướng dẫn những nghi thức phù hợp trong việc cưới, việc tang, lễ hội; kiến nghị Nhà nước bổ sung luật lệ và quy định về lĩnh vực này theo các định hướng đã nêu ở trên; các địa phương dựa vào các quy định này mà cụ thể hóa và vận dụng thích hợp với điều kiện của từng vùng, miền và đồng bào các dân tộc.
5. Các cơ quan truyền thông đại chúng, văn hóa, nghệ thuật có nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền về cuộc vận động này, nêu gương những điển hình tiên tiến, những mô hình làm tốt về nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục; hình thành những tập quán mới tiến bộ, khắc phục các tập quán lạc hậu.
6. Các cấp uỷ đảng, cơ quan chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể để bảo đảm thực hiện thắng lợi cuộc vận động.
Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Cán sự đảng các ngành, các cấp theo dõi, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và có báo cáo việc thi hành chỉ thị này.
| TM. BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1Quyết định 308/2005/QĐ-TTg về quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1769/QĐ-KTNN năm 2014 về Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành
- 1Quyết định 308/2005/QĐ-TTg về quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1769/QĐ-KTNN năm 2014 về Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành
Chỉ thị 27-CT/TW năm 1998 về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội do Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 27-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/01/1998
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Phạm Thế Duyệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/01/1998
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực