Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3155/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 19 tháng 8 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ HÓA TRUYỀN DẪN, PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH MẶT ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020; Quyết định số 01/2015/QĐ-TTg ngày 07/01/2015 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg; Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 891/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 813/TTr-STTTT ngày 28 tháng 7 năm 2015 (kèm theo Công văn số 1558/CTS-CSQH ngày 24/6/2015 của Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông; Công văn số 1223/STP-XDVB ngày 20/7/2015 của Sở Tư pháp; Công văn số 274/PTTH ngày 18/7/2015 của Đài Phát thanh và Truyền hình; Công văn của các sở, ngành, địa phương có liên quan),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tài chính, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ HÓA TRUYỀN DẪN, PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH MẶT ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3155/QĐ-UBND ngày 19/8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Căn cứ Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020; Quyết định số 01/2015/QĐ-TTg ngày 07/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg;

Căn cứ Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2451/QĐ-TTg;

Căn cứ Quyết định số 891/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; Thông tư liên tịch số 145/2014/TTLT-BTC-BTTTT ngày 03/10/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả, sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về nội dung của Đề án để biết và thực hiện.

2. Yêu cầu

- Quá trình chuyển đổi từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ số theo lộ trình của Đề án không làm ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng các kênh chương trình thiết yếu và gián đoạn việc thu tín hiệu truyền hình của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Căn cứ đặc điểm tình hình của tỉnh, xây dựng lộ trình, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình.

- Phát triển hạ tầng, mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước.

- Tổ chức, sắp xếp lại Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả và phân định rõ hoạt động về nội dung thông tin với hoạt động truyền dẫn, phát sóng.

- Trước ngày 31/12/2018, kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Trước ngày 31/12/2017:

- Hoàn thành việc tập huấn, hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền hiệu quả, sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân trên địa bàn tỉnh về nội dung của Đề án.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên cơ sở dùng chung tối đa cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đã được đầu tư.

- Từng bước thực hiện tinh giảm biên chế, đào tạo lại cán bộ của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy của Đài theo hướng tập trung vào nhiệm vụ sản xuất nội dung chương trình sau khi kết thúc truyền hình tương tự trên địa bàn tỉnh.

b) Trước ngày 31/12/2018:

- Các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng hoàn thành việc đầu tư, xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện theo hướng tập trung vào nhiệm vụ sản xuất nội dung chương trình.

- Đảm bảo 100% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có máy thu hình xem được truyền hình bằng các phương thức khác nhau (bao gồm truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình IPTV); trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình.

- Phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.

- Kết hợp sử dụng truyền hình số mặt đất và truyền hình qua vệ tinh để đảm bảo hiệu quả phủ sóng, phù hợp với các điều kiện địa hình tại các địa bàn khác nhau.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến Đề án số hóa

a) Nội dung thực hiện:

- Xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Triển khai tập huấn, hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền hiệu quả, sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân trên địa bàn tỉnh về nội dung của Đề án.

b) Nguồn kinh phí:

Từ nguồn ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh), thực hiện theo Thông tư liên tịch số 145/2014/TTLT-BTC-BTTTT.

2. Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất

a) Nội dung thực hiện:

- Từ năm 2015, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép đầu tư, phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình số bằng các phương thức khác (truyền hình cáp, truyền hình qua mạng viễn thông, truyền hình vệ tinh) đầu tư, phát triển hạ tầng, mạng lưới để đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất thuê lại cơ sở hạ tầng hiện có nhằm tận dụng tối đa hạ tầng truyền hình tương tự đã được đầu tư.

b) Nguồn kinh phí:

Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ nguồn vốn Trung ương và của các doanh nghiệp.

3. Tổ chức, sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố

a) Nội dung thực hiện:

Tổ chức, sắp xếp lại Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện theo hướng:

- Về nhân lực bộ phận truyền dẫn, phát sóng: Từng bước thực hiện tinh giản biên chế, đào tạo lại cán bộ đáp ứng yêu cầu tổ chức lại bộ máy của Đài theo hướng tập trung vào nhiệm vụ sản xuất nội dung chương trình sau khi kết thúc truyền hình tương tự trên địa bàn tỉnh.

- Về cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng:

+ Trong giai đoạn phát song song truyền hình tương tự và số mặt đất trên địa bàn tỉnh chỉ cho phép đầu tư để nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng đối với các máy phát tương tự hiện có, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết đầu tư mới cho những khu vực chưa được phủ sóng truyền hình để phát các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu hoặc thay thế các máy phát đã hỏng.

+ Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện có thể cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có (nhà, cột anten) trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên theo quy định của pháp luật.

b) Nguồn kinh phí:

Từ nguồn ngân sách tỉnh (thực hiện theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

4. Thực hiện chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số

a) Nội dung thực hiện:

- Thực hiện điều tra, khảo sát, tổng hợp số liệu các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách trên phạm vi toàn tỉnh.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện chương trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.

c) Nguồn kinh phí:

Ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh (thực hiện theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

- Hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền các nội dung của Đề án, các văn bản có liên quan đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá lại hiện trạng cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng do Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện quản lý.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình (truyền hình cáp, doanh nghiệp viễn thông) đầu tư, phát triển hạ tầng, mạng lưới, cung cấp dịch vụ để đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng trong quá trình đầu tư, xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu cho UBND tỉnh đấu mối với Bộ Thông tin và Truyền thông về kinh phí thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh; lập dự toán kinh phí thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 145/2014/TTLT-BTC-BTTTT trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan thực hiện điều tra, khảo sát, thống kê danh sách hiện trạng phương thức thu xem truyền hình của các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách trên phạm vi toàn tỉnh; đề xuất phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình bằng các phương thức khác nhau.

- Tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp khi Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam có những quy định hoặc hướng dẫn mới.

2. Sở Công thương

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc kinh doanh các máy phát, máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số theo tiêu chuẩn và quy chuẩn do Nhà nước quy định.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh máy thu truyền hình số, đầu thu truyền hình số trên địa bàn tỉnh đảm bảo số lượng hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân trong quá trình thực hiện Đề án.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác điều tra, thống kê hiện trạng phương thức thu xem truyền hình và danh sách các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố từng bước sắp xếp lại nhân sự bộ phận truyền dẫn, phát sóng theo lộ trình số hóa.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan, căn cứ kế hoạch thực hiện Đề án, nhiệm vụ UBND tỉnh giao và nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, hàng năm tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nội dung của kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh cơ sở, các đơn vị liên quan thông tin, tuyên truyền sâu rộng kế hoạch thực hiện Đề án đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra, thống kê hiện trạng phương thức thu xem truyền hình và danh sách các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch từng bước tổ chức, sắp xếp lại nhân sự bộ phận truyền dẫn, phát sóng của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện theo lộ trình số hóa.

- Chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình phối hợp với các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất cho thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có nhằm sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

- Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa

- Xây dựng chuyên mục tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình mặt đất, phát sóng trên chương trình phát thanh, truyền hình để thông tin đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch từng bước tổ chức, sắp xếp lại nhân sự bộ phận truyền dẫn, phát sóng theo lộ trình số hóa.

- Trong quá trình triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, thực hiện phát sóng song song các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu để phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất cho thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có nhằm sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

8. Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống

Xây dựng chuyên mục, tăng số lượng các bài viết để tuyên truyền Đề án số hóa truyền hình mặt đất, thông tin đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

9. Các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng

- Căn cứ các nội dung của Kế hoạch này, Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng trên địa bàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (qua Sở Thông tin và Truyền thông) trước khi triển khai thực hiện.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên và theo quy định của pháp luật, nhằm sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

10. Các doanh nghiệp viễn thông; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình

Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng, mạng lưới, cung cấp dịch vụ truyền hình bằng các phương thức khác nhau (bao gồm truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình IPTV), góp phần đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp/.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3155/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 3155/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Phạm Đăng Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản