Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3137/2001/QĐ-UB

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 8 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

"V/V BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994.

- Căn cứ Luật Giáo dục của Quốc hội số 11/1998/QH ngày 02/12/1998 và Điều lệ các trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2000.

- Căn cứ Quyết định số 1628/QĐ-UB ngày 14/6/2001 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về việc chuyển giao Phòng Giáo dục - Đào tạo từ Sở Giáo dục - Đào tạo về trực thuộc Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý.

- Theo đề nghị của Sở Giáo dục - Đào tạo và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này: "Quy chế phối hợp hoạt động, quản lý sự nghiệp giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh".

Điều 2: Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông, bà: Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh,Giám đốc các Sở: Giáo dục - Đào tạo, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (báo
- TT.TU, HĐND tỉnh (cáo
- Các thành viên UBND tỉnh.
- Ban Tổ chức TU (để biết).
- Như điều 2 (thực hiện).
- V0, V1, VX, TH.
- Lưu: VX1, VP/UB.
bản, N-QĐ20

T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quynh

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3137/2001/QĐ-UB ngày 08/8/2001 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

A.- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1/ Việc chuyển giao sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo về Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) quản lý là để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giáo dục - Đào tạo và phân cấp quản lý trực tiếp sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn của chính quyền cấp huyện.

Nội dung phân cấp và quá trình thực hiện cần quán triệt yêu cầu cải cách hành chính, giảm đầu mối, giảm phiền hà cho cấp dưới và cơ sở; Phải tuân theo nguyên tắc vừa đảm bảo tính thống nhất cao trong hệ thống giáo dục quốc dân, vừa gắn công tác quản lý theo ngành và quản lý Nhà nước trên địa bàn cấp huyện.

2/ Phòng Giáo dục - Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, giúp Uỷ ban Nhân dân cấp huyện quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo và chịu sự quản lý của Sở Giáo dục - Đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3/ Việc chuyển giao sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo về Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý là để thực hiện tốt hơn công tác "Xã hội hoá giáo dục", thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" như Luật Giáo dục đã quy định.

B.- NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ:

I.- CÔNG TÁC QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH:

1/ Về xây dựng quy hoạch, kế hoạch:

- Căn cứ quy định chung và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn các Phòng Giáo dục - Đào tạo giúp Uỷ ban Nhân dân các huyện xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn để trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh thẩm định kế hoạch phát triển Giáo dục - Đào tạo của các huyện. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao kế hoạch phát triển Giáo dục - Đào tạo cho Uỷ ban Nhân dân các huyện (trong kế hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của các huyện; Bao gồm: Quy mô trường lớp, biên chế, kinh phí thường xuyên và xây dựng cơ bản đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường dân tộc nội trú huyện, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện và biên chế Phòng Giáo dục - Đào tạo.

Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh và trực tiếp quản lý cơ quan Văn phòng Sở, các Trường trung học phổ thông, trung học phổ thông cấp 2 - 3, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc.

2/ Về thành lập, giải thể, tách nhập mạng lưới trường học:

Việc thành lập, giải thể, tách, nhập các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, công lập, ngoài công lập trên địa bàn huyện do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện quyết định theo Quy chế trường học của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định.

+ Đối với Trường trung học phổ thông, trung học cấp 2 - 3 và các Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục - Đào tạo thống nhất với Uỷ ban Nhân dân các huyện trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sau khi có sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

II.- CÔNG TÁC CÁN BỘ:

1/ Về bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ:

Về công tác cán bộ thực hiện theo Quy chế 01/QC-TU ngày 01/11/1996 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh, hướng dẫn 50/HD-TC ngày 15/4/1997 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và theo Quy chế trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đối với các chức danh cụ thể được thực hiện như sau:

- Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung học phổ thông cấp 2 - 3, các Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh và các đơn vị trực thuộc Sở, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo ra quyết định khi được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt (bổ nhiệm đối với trường công lập, bán công, công nhận đối với trường dân lập, tư thục sau khi thống nhất với Uỷ ban Nhân dân huyện bằng văn bản).

- Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường dân tộc nội trú huyện, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện, do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện quyết định. (Bổ nhiệm đối với trường công lập, công nhận đối với trường dân lập, tư thục).

- Trưởng phòng, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện quyết định sau khi thoả thuận bằng văn bản với Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo.

2/ Về tuyển dụng, tiếp nhận, điều động và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên:

Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thực hiện theo Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ và Thông tư 04 ngày 20/3/1999 của Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ, bao gồm:

a) Công tác thi tuyển giáo viên: Trên cơ sở nhu cầu của các địa phương về giáo viên, Hội đồng thi tuyển Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Uỷ ban Nhân dân cấp huyện tổ chức thi tuyển giáo viên tại các huyện hoặc cụm huyện cho các trường công lập, có sự giám sát của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

b) Việc tuyển mới cán bộ, giáo viên: Căn cứ kết quả thi tuyển công chức và chỉ tiêu biên chế được giao, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh ra quyết định tuyển dụng theo đề nghị của Sở Giáo dục - Đào tạo đối với các đơn vị thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý, Uỷ ban Nhân dân huyện đề nghị đối với các đơn vị thuộc cấp huyện quản lý. (Gửi Sở Giáo dục - Đào tạo để theo dõi).

c) Việc tiếp nhận cán bộ, giáo viên từ tỉnh ngoài và từ ngoài ngành chuyển đến: Sở Giáo dục - Đào tạo có văn bản đề nghị đối với cán bộ giáo viên do Sở quản lý, Uỷ ban Nhân dân huyện có văn bản đề nghị đối với cán bộ, giáo viên do cấp huyện quản lý, Ban Tổ chức chính quyền ra quyết định sau khi được Uỷ ban Nhân dân tỉnh đồng ý (Gửi Sở Giáo dục - Đào tạo để theo dõi).

d) Đối với diện cán bộ, giáo viên đã phân cấp cho Uỷ ban Nhân dân cấp huyện: Việc điều động, thuyên chuyển trong nội bộ huyện do Uỷ ban Nhân dân huyện quyết định (hoặc Uỷ ban Nhân dân huyện uỷ quyền cho Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quyết định). Việc thuyên chuyển, tiếp nhận cán bộ, giáo viên từ huyện này sang huyện khác do Uỷ ban Nhân dân cấp huyện nơi giáo viên đến quyết định trên cơ sở thoả thuận của Uỷ ban Nhân dân cấp huyện nơi đi và định biên được duyệt. (Có gửi Sở Giáo dục - Đào tạo để theo dõi).

- Đối với diện cán bộ, giáo viên thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý, việc điều động, thuyên chuyển trong nội bộ tỉnh do Sở Giáo dục - Đào tạo quyết định.

- Cán bộ, giáo viên chuyển ra tỉnh ngoài: Báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định diện từ thạc sĩ trở lên; Các đối tượng còn lại do Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện quyết định (gửi Ban Tổ chức chính quyền tỉnh để theo dõi).

đ) Việc nâng bậc lương hàng năm, điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, giáo viên:

- Các đơn vị thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý: Sở có văn bản đề nghị Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định diện có mức lương ngạch chuyên viên chính và tương đương. Diện mức lương ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống do Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo ra quyết định sau khi thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

- Các đơn vị thuộc Uỷ ban Nhân dân cấp huyện quản lý do Uỷ ban Nhân dân các huyện đề nghị Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định diện có mức lương ngạch chuyên viên chính và tương đương; Diện mức lương, ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện quyết định sau khi thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

e) Việc giải quyết cho thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, giáo viên: Sở Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban Nhân dân huyện trực tiếp giải quyết theo chế độ, chính sách của Nhà nước và Quy chế phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.

III.- VỀ NGÂN SÁCH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ, XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT:

1/ Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các chế độ chính sách hiện hành, Uỷ ban Nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch hàng năm về phát triển giáo dục trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở kế hoạch được duyệt, Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch cho Uỷ ban Nhân dân các huyện và Sở Giáo dục - Đào tạo; Sở Tài chính - Vật giá chủ trì phối hợp với các ngành liên quan có trách nhiệm, giám sát việc sử dụng các nguồn tài chính đầu tư cho sự nghiệp giáo dục gồm ngân sách Nhà nước, thu xây dựng, các nguồn viện trợ và tài trợ khác.

2/ Quản lý ngân sách Giáo dục - Đào tạo:

- Việc quản lý nguồn kinh phí để chi cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo thực hiện theo quy định của Luật ngân sách.

Sở Tài chính - Vật giá cấp phát kinh phí trực tiếp cho các đơn vị: Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo, các trường trung học phổ thông, trung học phổ thông cấp 2-3, các trường chuyên nghiệp, trường dân tộc nội trú tỉnh, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý.

- Uỷ ban Nhân dân các huyện chịu trách nhiệm quản lý ngân sách sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của cấp huyện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, bao gồm: Phòng Giáo dục - Đào tạo, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường dân tộc nội trú huyện, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện quản lý.

- Tiền thu từ học phí và tiền thu xây dựng cơ sở vật chất: Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý các trường trung học phổ thông, các Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc. Uỷ ban Nhân dân các huyện quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện các nguồn thu nói trên được quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành.

- Việc quản lý và sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu Giáo dục - Đào tạo thực hiện theo quy định của Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

3/ Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật:

Việc tổ chức xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo được tuân thủ theo các quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành và cơ chế phân cấp quản lý của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

- Sở Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn cho các trường phổ thông trung học, trung học phổ thông cấp 2 - 3, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề của tỉnh và các đơn vị trực thuộc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Uỷ ban Nhân dân các huyện chịu trách nhiệm về việc xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn cho các đơn vị thuộc cấp huyện quản lý và triển khai thực hiện theo đúng trình tự quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và cơ chế phân cấp hiện hành của tỉnh.

4/ Về công tác thi đua khen thưởng đối với ngành Giáo dục - Đào tạo:

Thực hiện theo các Quyết định 32, 33, 34/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 25/8/2000 và Thông tư 14/TT/1999 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy chế thi đua khen thưởng của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

C.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sự nghiệp giáo dục, Sở Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban Nhân dân các huyện, các ngành có liên quan trong tỉnh phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các ngành và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo về Uỷ ban Nhân dân tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời./.