Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 312/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 11 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thủy ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/01/2018;

Căn cứ Quyết định số 1814/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục giai đoạn 2022 - 2030;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 và Công văn số 9170/BNN-TY ngày 31/12/2021 về việc tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 - 2030”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo 497/BC-SNNPTNT ngày 23/02/2022, Tờ trình số 496/TTr-SNNPTNT ngày 23/02/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được bố trí từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi; Giám đốc Kho bạc nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (báo cáo);
- TT. Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT.HĐND tnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cục Thú y;
- Ủy ban MTTQVN tnh, các Tổ chức CT-XH tỉnh;
- VPUB: PCVP, KTTH, KGVX, CBTH;
- Lưu: VT, KTN. pbc159

CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 11/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Kiểm soát, khống chế thành công dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tiêm phòng vắc xin VDNC cho trên 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) tại thời điểm tiêm phòng.

b) Chủ động giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm giảm số ổ dịch VDNC, hàng năm giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh VDNC so với năm liền kề trước đó.

c) Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

d) Kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, ngăn chặn không để mầm bệnh VDNC xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Phòng bệnh bằng vắc xin VDNC

a) Nguyên tắc chung: Sử dụng vắc xin VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu, bò là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

b) Đối tượng tiêm vắc xin: Trâu, bò chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm vắc xin VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin); không có biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh VDNC và các bệnh truyền nhiễm khác.

c) Phạm vi tiêm vắc xin:

- Hằng năm, tổ chức tiêm vắc xin VDNC đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng.

- Khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức rà soát và tiêm phòng bổ sung vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò (chưa được tiêm vắc xin hoặc đã được tiêm vắc xin VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ) trong phạm vi bán kính tối thiểu 100 km tính từ ổ dịch VDNC hoặc theo địa giới hành chính cấp huyện của địa phương có dịch bệnh VDNC và huyện liền kề xung quanh địa phương có dịch bệnh VDNC.

d) Thời điểm tiêm vắc xin:

- Hằng năm, tổ chức 01 đợt tiêm phòng chính trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại địa phương, trước mùa phát triển của các véc tơ truyền bệnh VDNC (như ruồi, muỗi, ve, mòng,...) hoặc vào thời điểm 1-2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vắc xin VDNC.

- Ngoài đợt tiêm chính, các địa phương cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vắc xin VDNC bổ sung cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn sau đợt tiêm chính.

đ) Sử dụng và bảo quản vắc xin: Sử dụng và bảo quản vắc xin VDNC được phép lưu hành tại Việt Nam theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vắc xin, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh

- Chủ cơ sở trâu, bò áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm không để gia súc mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chính quyền cơ sở, các cơ quan chuyên môn tổ chức vệ sinh, tiêu độc định kỳ tại khu vực chợ, điểm buôn bán, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm của trâu, bò; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

- Sử dụng hóa chất được phép lưu hành tại Việt Nam và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng hóa chất tiêu độc khử trùng và tiêu diệt véc tơ truyền bệnh.

3. Giám sát

- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm vi rút VDNC đối với trâu, bò có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh VDNC; trâu, bò nghi có tiếp xúc với đàn trâu, bò mắc bệnh VDNC; điều tra xác định nguyên nhân nếu nghi đàn trâu, bò mắc bệnh VDNC.

- Chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thú y tiến hành điều tra ổ dịch (hộ, cơ sở chăn nuôi bị nhiễm VDNC). Thông tin điều tra ổ dịch cần bao gồm các thông tin liên quan trong khoảng thời gian tối thiểu từ thời điểm 14 ngày trước khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng của ca bệnh đầu tiên đến thời điểm áp dụng các biện pháp kiểm soát ổ dịch.

- Hàng năm, UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí thực hiện việc lấy mẫu và điều tra ổ dịch.

4. Kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y

a) Kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển:

- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để thực hiện kiểm dịch tại gốc đối với trâu, bò, sản phẩm trâu, bò xuất tỉnh và cách ly, theo dõi, quản lý trâu, bò nhập tỉnh theo quy định; kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò, bảo đảm không để mầm bệnh VDNC xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

- Các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, tổ kiểm dịch lưu động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trâu, bò, sản phẩm trâu, bò vận chuyển ra vào địa bàn cấp tỉnh; tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; lấy mẫu xét nghiệm trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh; kịp thời phát hiện những sai phạm trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò mắc bệnh, không rõ nguồn gốc.

- UBND cấp huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh trâu, bò, sản phẩm trâu, bò trên địa bàn cấp huyện.

- Trâu, bò được phép vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh đang có dịch VDNC sau khi được tiêm vắc xin VDNC tối thiểu 21 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh VDNC và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch theo quy định.

b) Kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y:

- Thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ động vật theo quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

- Trong trường hợp phát hiện động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh VDNC tại cơ sở giết mổ, thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.

- Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ngay sau mỗi ca giết mổ và cuối buổi chợ, cuối ngày đối với khu vực buôn bán trâu, bò, sản phẩm trâu, bò tại các chợ, đặc biệt là khu vực bán trâu, bò, sản phẩm trâu, bò.

- Các địa phương rà soát, có kế hoạch xây dựng, quản lý các cơ sở giết mổ gia súc tập trung; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không phép; định kỳ thực hiện giám sát điều kiện vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.

5. Ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh

a) Chủ gia súc:

- Cách ly ngay gia súc mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh VDNC.

- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường.

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xử lý, chăm sóc gia súc mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, nhân viên thú y cấp xã và chính quyền địa phương.

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

b) Các cơ quan thú y:

- Tiến hành xác minh, chẩn đoán bệnh và lấy mẫu xét nghiệm bệnh khi còn nghi ngờ bệnh VDNC.

- Phối hợp với chính quyền các cấp, lập chốt kiểm soát tạm thời trên các trục đường giao thông ra, vào vùng dịch, vùng khống chế nhằm ngăn chặn, không để vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm ra, vào vùng dịch, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Luật Thú y và có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y có thẩm quyền; có giải pháp quản lý, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh để hạn chế lây lan dịch bệnh.

- Đặt biển báo khu vực có dịch, hướng dẫn vận chuyển trâu, bò tránh đi qua vùng dịch.

- Tổ chức phun khử trùng phương tiện vận chuyển từ vùng dịch đi ra ngoài.

- Hướng dẫn thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột, hóa chất đặc hiệu để tiêu diệt mầm bệnh, véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,...).

- Hướng dẫn xử lý, chăm sóc, quản lý gia súc trong vùng dịch.

- Tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc công bố dịch bệnh VDNC, công bố hết dịch và tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

6. Tăng cường tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch

- Tổ chức tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao kỹ thuật chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm bệnh VDNC cho cán bộ thú y cơ sở.

7. Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh

- Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam.

- Đối với địa phương, cơ sở có nhu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, căn cứ yêu cầu của nước nhập khẩu, quy định của quốc tế để tổ chức xây dựng cơ sở, đặc biệt là vùng, cơ sở chăn nuôi trâu, bò an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của các nước nhập khẩu.

8. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

a) Nội dung thông tin, tuyên truyền:

- Đặc điểm và tính chất nguy hiểm của bệnh VDNC, cách nhận biết gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC và biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh.

- Vai trò, tầm quan trọng của việc phòng bệnh bằng vắc xin VDNC; các đặc điểm, hiệu quả và kế hoạch tiêm vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò.

- Nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, thương mại do các hoạt động trái phép trong buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò.

- Phổ biến chủ trương, chính sách và quy định về phòng, chống bệnh VDNC, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh VDNC; xử lý các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh VDNC.

b) Phương thức thông tin, tuyên truyền:

- Truyền thông qua các chương trình truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, địa phương; Báo Quảng Ngãi, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan và điện thoại thông minh.

- Thông tin trên bảng tin công cộng tại nơi đông người, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân; các tài liệu tuyên truyền đặt tại tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện - văn hóa xã.

- Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động ở cơ sở; tập huấn, tuyên truyền thông qua các báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên cơ sở.

- Xây dựng, in ấn, phát miễn phí các tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, pa nô, sách mỏng, sách sổ tay,...) về phòng, chống bệnh VDNC.

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên đề, các buổi tọa đàm, nói chuyện, giao lưu trực tuyến, tổ chức sự kiện về phòng, chống bệnh VDNC; tập huấn về kỹ năng truyền thông nguy cơ trong phòng, chống bệnh VDNC.

c) Thời điểm và tần suất tuyên truyền: Thông tin, tuyên truyền về các nội dung phòng, chống bệnh VDNC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại địa phương, trước mùa phát triển của các véc tơ truyền bệnh VDNC, trước khi triển khai kế hoạch tiêm vắc xin VDNC.

9. Chính sách hỗ trợ: Triển khai các chính sách hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy do mắc bệnh VDNC, gia súc chết do tiêm vắc xin VDNC; chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật hiện hành.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững: Ngân sách Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV) bảo đảm kinh phí mua vắc xin VDNC để tiêm phòng định kỳ 1 lần/năm đối với đàn gia súc thuộc diện tiêm phòng và hóa chất tiêu độc, khử trùng hàng năm cho các huyện miền núi thuộc CTMTQGGNBV, bao gồm huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây và Trà Bồng.

2. Ngân sách tỉnh: Ngân sách tỉnh hàng năm bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của cấp tỉnh, bao gồm những nội dung chính: Mua vắc xin VDNC để hỗ trợ tiêm phòng định kỳ 1 lần/năm đối với đàn gia súc thuộc diện tiêm phòng cho các huyện không thuộc CTMTQGGNBV, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi; vắc xin VDNC để tổ chức tiêm phòng bao vây chống dịch; chi phí lấy mẫu và phí xét nghiệm; mua hóa chất; mua vật tư, dụng cụ; tổ chức tập huấn, họp sơ kết, tổng kết, thông tin, tuyên truyền; tổ chức xây dựng vùng, cơ sở ATDB.

3. Ngân sách huyện, thi xã, thành phố: Ngân sách huyện, thị xã, thành phố bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của cấp huyện, bao gồm những nội dung chính: Hỗ trợ cho người có trâu, bò bị chết buộc tiêu hủy do bệnh VDNC hoặc chết do tiêm phòng vắc xin VDNC bị phản ứng; mua thêm vắc xin VDNC, vật tư, hóa chất bằng ngân sách cấp huyện sau khi trừ phần vắc xin hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để tiêm phòng định kỳ 1 lần/năm đối với đàn gia súc trên địa bàn quản lý thuộc diện tiêm phòng để đạt được tỷ lệ 80% diện tiêm theo kế hoạch tỉnh phê duyệt hằng năm; thuê mướn nhân công, phương tiện tổ chức phòng, chống dịch; chi trả công tiêm phòng, chỉ đạo tiêm phòng; chi trả công tiêu hủy gia súc mắc bệnh, công cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch.

Trường hợp dịch bệnh bùng phát, có chiều hướng lây lan diện rộng làm chết nhiều gia súc địa phương không đảm bảo đủ kinh phí thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh quyết định xuất cấp hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh.

4. Kinh phí do người dân, doanh nghiệp chăn nuôi tự bảo đảm:

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò với quy mô trang trại có trách nhiệm chi trả kinh phí: Mua vắc xin phòng bệnh VDNC (trong trường hợp này ngân sách nhà nước không hỗ trợ); lấy mẫu, xét nghiệm mẫu khi thực hiện kiểm dịch vận chuyển hoặc khi có nhu cầu giết mổ tiêu thụ; phí, lệ phí kiểm dịch vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò ngoại tỉnh; vôi bột, hóa chất khử trùng tại cơ sở chăn nuôi, chuồng trại của mình; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC phải chi trả toàn bộ chi phí lấy mẫu, vận chuyển mẫu, gửi mẫu, xét nghiệm mẫu, tổ chức tiêu hủy và các chi phí phục vụ công tác vệ sinh, sát trùng, tiêu độc phương tiện, hố chôn động vật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ các nội dung của Kế hoạch này, các sở, ngành và UBND các cấp huyện, xã cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC giai đoạn từ năm 2022 - 2030; thực hiện một số yêu cầu cụ thể:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Hằng năm, trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh VDNC của huyện, thị xã, thành phố; chủ động ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện; bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để chống dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch. Bố trí nguồn kinh phí nêu trong phần cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của cấp huyện, thị xã, thành phố.

- Triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

- Quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật tập trung; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.

- Tổ chức hướng dẫn xây dựng các chuỗi cơ sở, các vùng, chuỗi sản xuất các sản phẩm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các phòng, ban có liên quan của địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương; tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các nội dung, giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn quản lý; tổng hợp báo cáo hằng năm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định; tiếp nhận khai báo và kê khai các cơ sở chăn nuôi theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC giai đoạn 2022-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt; hàng năm trên cơ sở Kế hoạch giai đoạn hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC nằm trong kế hoạch phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và động vật thủy sản, kiểm tra, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo theo quy định.

- Tham mưu UBND tỉnh:

+ Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn điều chỉnh, bổ sung có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo đảm không để lây lan dịch bệnh.

+ Ban hành những văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC.

+ Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chủ động bố trí nguồn kinh phí nêu trong phần cơ chế chính sách thuộc trách nhiệm của tỉnh, bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện:

+ Triển khai thực hiện Kế hoạch hàng năm sau khi được phê duyệt trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị vắc xin, vật tư, hóa chất tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ kịp thời cho các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch.

+ Tổ chức thực hiện giám sát lưu hành vi rút, giám sát gia súc nhập lậu vào địa bàn tỉnh.

+ Báo cáo thống kê số lượng gia súc, kết quả tiêm phòng bệnh VDNC và cập nhật thường xuyên về tình hình bệnh VDNC cho cấp trên để có kế hoạch ứng phó phù hợp.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, kế hoạch chăn nuôi tại các địa phương.

+ Tổ chức mua đúng chủng loại vắc xin VDNC theo khuyến cáo của Cục Thú y để tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc của địa phương.

+ Tổ chức hướng dẫn xây dựng các vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở sản xuất sản phẩm động vật ATDB để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

+ Hằng năm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình đề xuất Sở tham mưu UBND tỉnh báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

4. Sở Tài chính: Hằng năm, vào thời điểm lập dự toán, trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm tra, tổng hợp nguồn kinh phí tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách địa phương và theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

5. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về công tác, phòng chống bệnh VDNC; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan chủ động cung cấp thông tin cho báo chí khi có dịch VDNC bùng phát.

6. Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan tại Kế hoạch này.

7. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải, kiên quyết không cho vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc; các trường hợp vi phạm xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

8. Công an tỉnh phối hợp với các Sở: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương có liên quan kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng, chống bệnh VDNC.

10. Cục Quản lý thị trường tỉnh:

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh gia súc và các sản phẩm gia súc nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

- Phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc trên thị trường.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị-xã hội tỉnh: Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chỉ đạo các hội viên tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC theo các nội dung của kế hoạch.

12. Trách nhiệm của người chăn nuôi: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn về phòng, chống bệnh VDNC của cơ quan có thẩm quyền.

Khi gia súc nghi mắc bệnh, chết chưa rõ nguyên nhân chủ vật nuôi phải chấp hành xử lý con vật theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải các vật dụng khác đã tiếp xúc với gia súc mắc bệnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 312/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 312/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản