Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO
PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO TW
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------

Số: 312/QĐ-PCLBTW

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO TRONG CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI ĐỐI PHÓ VỚI LŨ, BÃO

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 8/3/1993 và Pháp lệnh bổ sung sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24/8/2000;
Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Công văn số 463/UB, ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn về việc thống nhất ban hành Công điện phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn;
Theo đề nghị của ông Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo trong chỉ đạo, triển khai đối phó với lũ, bão.

Điều 2. Các ông Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành; Chánh Văn phòng thường  trực Ban chỉ đạo chống lụt bão Trung ương, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quy chế này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (để b/c);
- Phó TTg Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Chủ tịch UBQG TKCN;
- VP Trung ương Đảng;
- VP Chủ tịch nước;
- VP Chính phủ;
- Vp Quốc hội;
- Thành viên BCĐ PCLBTW;
- Ban Chỉ huy PCLB các Bộ, ngành TW;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Lưu VP.

BỘ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN




Cao Đức Phát

 

QUY CHẾ

VỀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO TRONG CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI ĐỐI PHÓ VỚI LŨ, BÃO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 312 ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương).

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả trong chỉ đạo, đối phó, khắc phục hậu quả lụt, bão, đồng thời đảm bảo thông tin, báo cáo chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo; Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW) quy định cụ thể về chế độ ban hành công điện cảnh báo, chỉ đạo và chế độ thông tin, báo cáo trong phòng chống, lụt, bão như sau:

Điều 1. Chế độ ban hành công điện cảnh báo và chỉ đạo:

Để đảm bảo tính thống nhất; kịp thời và tránh chồng chéo, Ban Chỉ đạo PCLBTW phối hợp với Ủy ban Quốc hội Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) để ban hành chung công điện cảnh báo, chỉ đạo. Công điện được phân thành các mức như sau:

1. Công điện của Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN cảnh báo trong các trường hợp:

+ Bão xa;

+ Áp thấp nhiệt đới xa;

+ Lũ ở mức từ báo động I đến báo động III;

+ Mưa lớn, có nguy cơ xảy ra lũ quét.

2. Công điện của Ban chỉ đạo PCLBTW và Ủy ban Quốc gia TKCN chỉ đạo ứng phó trong các trường hợp:

+ Bão trên biển đông, bão gần bờ, bão khẩn cấp;

+ Áp thấp nhiệt đới trên biển đông và áp thấp nhiệt đới gần bờ;

+ Lũ ở mức báo động III trở lên;

+ Lũ quét, sạt lở đất.

3. Trong trường hợp khẩn cấp và mức độ nghiêm trọng, Ban chỉ đạo PCLBTW và Ủy ban Quốc gia TKCN báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các biện pháp ứng phó.

Điều 2. Triển khai đối phó:

Khi nhận được thông tin cảnh báo và công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW và Ủy ban Quốc gia TKCN, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành phải nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai diễn ra trên từng địa bàn theo quy định của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão; Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Điều 3. Chế độ thông tin, báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn:

1. Báo cáo khẩn cấp: Được tính từ thời điểm 24 giờ trước và sau khi bão đổ bộ vào đất liền; có thông báo lũ khẩn cấp, lũ quét, sạt lở đất và các sự cố nghiêm trọng khác, chế độ báo cáo được quy định như sau:

a. Nội dung báo cáo:

- Đối với bão, áp thấp nhiệt đới:

+ Diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới (gió, hướng gió, lượng mưa, nước biển dâng, khí áp…) tại địa phương;

+ Hiện trạng về các phương tiện nghề cá đang hoạt động trên biển (tổng số phương tiện, số lượng người trên phương tiện; số lượng phương tiện đã liên lạc được, số lượng phương tiện không liên lạc được; vị trí cụ thể của tàu thuyền); bao gồm cả tàu thuyền của các địa phương khác đang ở địa phương mình;

+ Kết quả kêu gọi tàu thuyền: (số phương tiện đã vào nơi trú ẩn, số người trên các phương tiện; việc bố trí, sắp xếp ở nơi neo đậu; đưa người trên các phương tiện đến nơi an toàn ...).

+ Tình trạng dân cư tại các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, nước dâng cho bão, vùng thấp trũng (số nhà dân có nguy cơ bị đổ do bão; số nhà phải gia cố, chằng chống; số hộ có thể bị ảnh hưởng bởi nước dâng).

+ Kết quả sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm của bão (thời điểm bắt đầu, số phương tiện huy động, tổng số lực lượng đã huy động để sơ tán dân, thời gian kết thúc, tổng số dân đã được sơ tán).

+ Hiện trạng các công trình hạ tầng cơ sở (Thủy lợi, giao thông, trường học, bệnh viện…), những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

+ Những sự cố khác có thể xảy ra.

+ Thiệt hại ban đầu (người, nhà cửa, công trình dân sinh, mùa màng….).

- Đối với lũ khẩn cấp:

+ Diễn biến mực nước trên các triền sông, suối (so với cấp báo động);

+ Lượng mưa tại các trạm chính;

+ Tình trạng dân cư tại các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ (tổng số hộ dân có nguy cơ bị ngập; số hộ trong vùng ngập sâu hoặc vùng nguy hiểm; số hộ phải sơ tán, tổng số người cần phải sơ tán…).

+ Kết quả sơ tán người, tài sản tại các khu vực ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt;

+ Hiện trạng các công trình hạ tầng cơ sở (Thủy lợi, giao thông, trường học, bệnh viện….), những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

+ Những sự cố khác có thể xảy ra.

+ Thiệt hại ban đầu (người, nhà cửa, công trình dân sinh, mùa màng…).

- Đối với lũ quét:

+ Vị trí, thời điểm xảy ra lũ quét; diễn biến mưa, lũ;

+ Thiệt hại do lũ quét gây ra: (người, tài sản, công trình, mùa màng…);

+ Các biện pháp và kết quả khắc phục hậu quả ở địa phương;

- Đối với sạt lở đất:

+ Địa điểm, phạm vi, qui mô sạt lở;

+ Thời gian xảy ra sạt lở, diễn biến sạt lở;

+ Thiệt hại (người, nhà cửa, công trình dân sinh, mùa màng…);

+ Các biện pháp và kết quả khắc phục hậu quả ở địa phương.

b. Thời lượng báo cáo:

- Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, thành phố 2 giờ một lần;

- Báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành tối thiểu 02 lần một ngày.

c. Nơi nhận báo cáo: Ban chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban Quốc gia TKCN.

2. Báo cáo nhanh hàng ngày: là báo cáo được thực hiện hàng ngày.

a. Nội dung báo cáo: Giống như báo cáo khẩn cấp nhưng cần chi tiết hóa hơn, trong đó có nhận xét và kiến nghị bước đầu.

b. Thời lượng báo cáo: Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, thành phố 02 lần một ngày; báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN  tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành tối thiểu 01 ngày một lần.

c. Nơi nhận báo cáo: Ban chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban Quốc gia TKCN

3. Báo cáo tổng hợp: Kết thúc mỗi đợt mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới (tin cuối cùng về bão, áp thấp nhiệt đới, lũ xuống dưới mức báo động I) phải tổ chức kiểm tra, phân loại và đánh giá chính xác thiệt hại, lập báo cáo tổng hợp. Nội dung báo cáo cần nêu đầy đủ và diễn biến thiên tai, công tác chỉ đạo đối phó, kết quả phòng, chống, tổng hợp thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả, những kiến nghị với trung ương. Báo cáo gửi chậm nhất sau 02 ngày kể từ khi kết thúc đợt mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới.

4. Báo cáo hàng năm: Kế hoạch phòng chống lụt bão và báo cáo tổng kết năm, báo cáo 6 tháng, báo cáo quý về công tác phòng chống lụt bão.

Điều 4. Các thông tin về cứu hộ, cứu nạn:

1. Các đề nghị cứu hộ, cứu nạn trong lụt, bão gửi về Ủy ban Quốc gia TKCN để xử lý, đồng thời gửi cho Ban Chỉ đạo PCLBTW và Bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp.

2. Các đề nghị về huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ đê, hồ đập và công trình thủy lợi gửi về Ban chỉ đạo PCLBTW để chỉ đạo xử lý, đồng thời gửi cho Ủy ban Quốc gia TKCN và Bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp.

Trong trường hợp thành lập Ban chỉ đạo Tiền phương, các công điện, công văn, báo cáo phải gửi cho Ban chỉ đạo Tiền phương đồng thời gửi Văn phòng Ban chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN.

Điều 5. Phương thức gửi công điện, báo cáo, công văn:

Trong khi thiên tai đang diễn ra, các công điện, công văn, báo cáo được gửi bằng FAX, thư điện tử để đảm bảo kịp thời, sau đó văn bản chính được gửi theo đường bưu điện để lưu.

Điều 6. Điều khoản thi hành:

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các Ông Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành; Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần có ý kiến bằng văn bản đến Ban chỉ đạo PCLBTW để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.

 

 

BỘ TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PCLBTW




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 312/QĐ-PCLBTW năm 2008 về việc ban hành quy chế về chế độ thông tin, báo cáo trong chỉ đạo, triển khai đối phó với lũ, bão do Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 312/QĐ-PCLBTW
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/2008
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản