Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2015/QĐ-UBND

Đồng Tháp, ngày 08 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC, XẢ NƯỚC THẢI VÀO NGUỒN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 17/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Quy định về quản lý cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm triển khai thực hiện; theo dõi và kiểm tra việc thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VP Chính Phủ (I+II);
- Bộ TN&MT;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ TP);
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- CT và các PCT/ UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Các ban Đảng, Đoàn thể tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Công báo tỉnh;
- Lưu VT + KTN.Ng.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dương

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, CẤP PHÉP THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC, XẢ NƯỚC THẢI VÀO NGUỒN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có các hoạt động liên quan đến việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài nguyên nước: bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nước dưới đất: là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.

3. Công trình khai thác nước dưới đất: là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m.

4. Lưu lượng khai thác nước dưới đất của một công trình: là tổng lưu lượng của các giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc công trình đó.

5. Công trình khai thác nước mặt: bao gồm hồ chứa, đập dâng, đập tràn, kênh dẫn nước, cống, trạm bơm khai thác nước mặt.

6. Giấy phép tài nguyên nước: bao gồm giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

7. Thăm dò nước dưới đất (nước ngầm): là sử dụng tổ hợp các phương pháp khảo sát địa chất và thi công để xác định, đánh giá tầng chứa nước, trữ lượng, chất lượng nước dưới đất và dự báo tác động môi trường do khai thác nước gây ra trên một diện tích nhất định để phục vụ thiết kế công trình khai thác nước theo lưu lượng đặt ra.

8. Thăm dò kết hợp khai thác nước dưới đất (nước ngầm): là thăm dò nước dưới đất mà trong quá trình thi công thăm dò, một hoặc một số lỗ khoan được kết cấu thành giếng khai thác và được sử dụng làm giếng khai thác nước dưới đất.

9. Quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước: là nhằm mục đích theo dõi chất lượng, lưu lượng nước trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

10. Trám lấp giếng khoan: là nhằm không cho nước thẩm thấu theo đường lỗ giếng khoan. Việc trám lấp giếng khoan phải đúng yêu cầu kỹ thuật xử lý trám lấp theo quy định.

9. Công trình đăng ký khai thác nước dưới đất: là công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc loại không phải cấp phép, nhưng phải đăng ký theo quy định. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc loại đăng ký phải thực hiện quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

10. Công trình cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước: là công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc loại phải cấp phép theo quy định. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải thực hiện quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

11. Báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước: là căn cứ kết quả quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, định kỳ hàng năm báo cáo (theo mẫu) về Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 4 . Nguyên tắc cấp phép.

1. Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước cho sinh hoạt.

4. Không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

5. Phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt.

Điều 5. Thăm dò nước dưới đất

1. Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, chủ dự án phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin cấp phép.

2. Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

3. Trong quá trình thăm dò, tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất có nghĩa vụ:

a) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và công trình thăm dò;

b) Bảo đảm phòng, chống sụt, lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm các tầng chứa nước;

c) Trám, lấp giếng hỏng hoặc không sử dụng sau khi kết thúc thăm dò;

d) Thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ môi trường.

4. Chủ dự án thăm dò có nghĩa vụ:

a) Phối hợp với tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại Khoản 3 Điều này, nếu phát hiện có vi phạm thì phải dừng ngay việc thăm dò;

b) Trường hợp xảy ra sự cố thì phải khắc phục kịp thời, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

c) Nộp báo cáo kết quả thăm dò hoặc báo cáo kết quả thi công cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Điều 6. Các trường hợp phải có giấy phép tài nguyên nước

1. Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10 m3/ngày đêm.

2. Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô trên 0,1 m3/giây (8.640 m3/ngày đêm).

3. Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp trên 100 m3/ngày đêm.

4. Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50 kW.

5. Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 5 m3/ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ.

6. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải với quy mô bằng hoặc dưới 5 m3/ngày đêm nhưng phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước là cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

a) Dệt nhuộm; may mặc có công đoạn nhuộm, in hoa; giặt là có công đoạn giặt tẩy;

b) Luyện kim, tái chế kim loại, mạ kim loại; sản xuất linh kiện điện tử;

c) Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp; thuộc da, tái chế da;

d) Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất; lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm dầu mỏ;

đ) Sản xuất giấy và bột giấy; nhựa, cao su, chất tẩy rửa, phụ gia, phân bón, hóa chất, dược phẩm, đông dược, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật; pin, ắc quy; mây tre đan, chế biến gỗ có ngâm tẩm hóa chất; chế biến tinh bột sắn, bột ngọt;

e) Khám chữa bệnh có phát sinh nước thải y tế;

g) Thực hiện thí nghiệm có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ.

7. Xả nước thải nuôi trồng thủy sản với quy mô trên 10.000 m3/ngày đêm (nuôi trồng thủy sản trên sông, suối, hồ chứa không phải xin phép xả nước thải).

Điều 7. Các trường hợp phải đăng ký khai thác nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học có chiều sâu giếng lớn hơn 20 m, nằm trong các khu vực sau đây phải thực hiện đăng ký khai thác nước dưới đất:

a) Khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn 1.000 m tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;

b) Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.

2. Ngoài các khu vực nêu tại điểm a, b, khoản 1 Điều này, còn phải áp dụng đối với các khu vực được Sở Tài nguyên và Môi trường công bố khi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tiếp nhận, xác nhận và quản lý tờ khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất trong trường hợp phải đăng ký.

4. Mẫu Tờ khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất: sử dụng Mẫu số 38 của Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (có Mẫu kèm theo Quy định này).

Chương II

THẨM QUYỀN CẤP, GIA HẠN, ĐIỀU CHỈNH, ĐÌNH CHỈ HIỆU LỰC, THU HỒI VÀ CẤP LẠI GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC; ĐĂNG KÝ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Điều 8. Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép tài nguyên nước

1. Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấy phép đối với các trường hợp sau đây:

a) Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000 m3/ngày đêm;

b) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ trên 0,1 m3/giây (8.640 m3/ngày đêm) đến dưới 2 m3/giây (172.800 m3/ngày đêm);

c) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50 kW đến dưới 2.000 kw;

d) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000 m3/ngày đêm;

đ) Xả nước thải với lưu lượng dưới 30.000 m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản;

e) Xả nước thải với lưu lượng dưới 3.000 m3/ngày đêm đối với các hoạt động khác.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định quản lý hồ sơ, giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp.

Điều 9. Trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ thực hiện

Trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ tài nguyên nước được áp dụng theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ và Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 10 . Phí thẩm định hồ sơ và lệ phí cấp phép

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có nghĩa vụ nộp phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Trách nhiệm thi hành:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quản lý đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn; hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Quản lý tài nguyên nước tình hình đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trước ngày 15 tháng 12.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký tới Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 05 tháng 12.

Điều 12. Xử lý vi phạm:

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Quy định này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 31/2015/QĐ-UBND Quy định về quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 31/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/05/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Văn Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản