CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA Số: 31/1998/QĐ-CDTQG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 1998 |
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH BÁN LƯƠNG THỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA.
CỤC TRƯỞNG CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA
Căn cứ Nghị định số 66-CP ngày 18-10-1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 10-CP ngày 24-2-1996 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý dự trữ quốc gia;
Theo đề nghị của Trưởng ban Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về xuất bán lương thực dự trữ quốc gia.
Điều 2.- Quyết định này thay thế Quyết định số 369-KH ngày 18-12-1996 của Cục và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.- Trưởng Ban nghiệp vụ, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng Cục, Giám đốc các chi cục trực thuộc Cục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| CỤC TRƯỞNG CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA |
QUY ĐỊNH
BÁN LƯƠNG THỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/1998/QĐ-CDTQG ngày 24-3-1998 của Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia).
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. – Bán lương thực dự trữ đổi hạt theo kế hoạch hàng năm hoặc theo quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần ổn định thị trường lương thực trong nước, phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo thu hồi vốn cho ngân sách cao nhất để tái tạo, tăng cường lực lượng lương thực dự trữ quốc gia (trường hợp được phép xuất khẩu lương thực thì Cục có hướng dẫn riêng).
Điều 2. – Mỗi khi xuất lương thực Cục có quyết định, ghi rõ số lượng, chủng loại lương thực được xuất, thời hạn xuất kho, Chi cục không được xuất kho khi chưa có quyết định của Cục; không được xuất kho vượt số lượng, trái chủng loại và sai thời hạn đã ghi trong quyết định của Cục.
Điều 3. - Mỗi khi xuất kho phải tuân theo trình tự sau đây:
- Lương thực nhập trước xuất trước; xuất bán trước số lương thực chứa trong kho bị hư hỏng, bị ảnh hưởng của bão lụt, có nghi vấn về chất lượng và lương thực ở các kho mượn, kho phân tán, (trừ trường hợp có chỉ định cụ thể của Cục).
- Phải thu tiền trước; xuất lương thực sau. Thu tiền theo tiến độ xuất kho; thủ kho tuyệt đối không cho khách hàng gửi lại trong kho dự trữ khi chưa có ý kiến chính thức bằng văn bản của Giám đốc Chi cục.
Điều 4. – Chi cục phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố (nơi có kho dự trữ quốc gia xuất) biết chủ trương và kế hoạch tổ chức sản xuất bán thóc, gạo của Cục và tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành ở địa phương trong quá trình thực hiện xuất bán thóc, gạo.
Chương 2:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Chuẩn bị xuất kho:
Điều 5. - Trước khi xuất bán, Giám đốc các chi cục phải nắm chắc số lượng, chất lượng thóc, gạo và tình hình kho tàng để xác định trình tự xuất bán cho phù hợp với từng tổng kho, ngăn kho có sự thống nhất của các bộ phận chuyên môn (kế hoạch, kỹ thuật bảo quản).
Điều 6. – Thường xuyên nắm tình hình diễn biến thị trường lương thực tại địa phương và các vùng giáp ranh trước và trong quá trình bán để xây dựng và quyết định giá bán hợp lý, sát giá thị trường.
Bố trí sắp xếp cán bộ kiểm tra, giám sát ở các điểm kho xuất bán và hướng dẫn các tổng kho, điểm kho thực hiện đúng các quy định của Cục trong việc xuất bán lương thực.
2. Đối tượng và phương thức bán:
Điều 7. – Đối tượng mua lương thực dự trữ quốc gia:
- Lương thực dự trữ đến kỳ được xuất bán đổi hạt theo kế hoạch hàng năm Cục sẽ có quyết định giao các chi cục bán hoặc tham gia xuất khẩu. Cục sẽ chỉ định đối tượng và giao một khối lượng nhất định cho Chi cục bán cho mọi đối tượng có nhu cầu mua, tùy theo tình hình cung cầu lương thực vào vụ giáp hạt hàng năm.
- Vào thời vụ xuất bán lương thực đổi hạt, các tỉnh, thành phố hoặc các Bộ (gọi chung là các tỉnh, Bộ) có nhu cầu mua để cân đối cho địa phương, đơn vị mình thì các tỉnh, Bộ cần tổng hợp các nhu cầu, có văn bản do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ ký gửi cho Cục Dự trữ Quốc gia để cân đối, giao cho các chi cục thực hiện.
- Khi xuất bán lương thực dự trữ quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đối tượng mua, thì Cục chỉ đạo cụ thể để các chi cục chấp hành theo các quyết định này.
- Cá nhân công chức, viên chức đang làm việc trong các đơn vị thuộc Dự trữ Quốc gia không được phép mua thóc, gạo để buôn bán kiếm lời.
Điều 8. - Về phương thức bán:
- Bán lương thực cho các pháp nhân phải ký hợp đồng kinh tế chặt chẽ, quy định rõ tiến độ nộp tiền, thời gian giao nhận hàng. Nếu bên mua không thực hiện đúng tiến độ nộp tiền và nhận hàng như hợp đồng thì coi như không mua và Giám đốc Chi cục chủ động bán cho đối tượng khác. Mọi thiệt hại (nếu có) của khách hàng, Chi cục không chịu trách nhiệm.
- Đối với thóc, gạo bị hư hỏng do thiên tai bất khả kháng thì thực hiện phương thức xuất bán theo quy định riêng.
- Khi bán lẻ cho mọi đối tượng tiêu dùng trực tiếp thì Chi cục thực hiện theo quy định tại Công văn số 325-KH ngày 9-4-1997 của Cục.
Điều 9. – Khi nhận được lệnh (thông báo) xuất bán hàng của Cục, trong đó phải ghi rõ tên đơn vị, địa chỉ, số điện thoại … của khách hàng và thời hạn khách hàng đến ký hợp đồng mua với Chi cục. Nếu quá thời hạn trên mà đơn vị được chỉ định không đến ký hợp đồng hoặc người mua không đến trả tiền nhận hàng theo tiến độ ghi trong hợp đồng thì coi như đơn vị đó không mua và Chi cục được phép bán cho đối tượng khác, đồng thời báo cáo cho Cục biết.
Điều 10. – Trường hợp khách hàng cần thuê làm dịch vụ gia công: xay xát, tái chế thóc, gạo, sắp xếp bao bì, đóng gói, vận tải … Cục cho phép Chi cục được thỏa thuận về chi phí dịch vụ này và các điều kiện giao nhận cụ thể với đơn vị mua để ký hợp đồng thực hiện. Chi cục phải hạch toán rõ phần dịch vụ này theo đúng quy định của Bộ Tài chính (Công văn số 1-TC/HC-VX ngày 4-1-1994).
3. Giá và thanh toán tiền bán lương thực:
Điều 11. – Nhà nước không bao cấp qua giá bán thóc, gạo cho các đối tượng (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quyết định riêng). Căn cứ giá sàn do Ban Vật giá Chính phủ quy định và tình hình thị trường ở địa phương, Cục có quyết định giá bán tối thiểu (giá sàn) cho Chi cục. Cục giao cho Giám đốc Chi cục ra quyết định giá bán cụ thể.
- Giám đốc Chi cục trước khi ra quyết định giá bán cụ thể phải tham khảo các nguồn thông tin sau đây:
+ Khảo sát giá thị trường,
+ Biên bản hội đồng tư vấn giá của Chi cục (thành phần như đối với giá mua),
+ Ý kiến của Sở Tài Chính - Vật giá địa phương,
+ Thông tin về giá bán của Chi cục giáp ranh.
- Giám đốc Chi cục phải có văn bản quyết định giá bán cụ thể, trong đó ghi rõ mức giá của từng chủng loại thóc, gạo từng điểm kho, thời gian áp dụng. Văn bản quyết định giá của Giám đốc Chi cục phải gửi cho tổng kho thực hiện và gửi một bản về Cục để theo dõi.
- Các điểm kho xuất bán phải niêm yết công khai về chủng loại thóc, gạo và mức giá bán tại cửa kho, đúng với giá ghi trong quyết định của Giám đốc Chi cục.
Điều 12. – Khi thị trường giá cả diễn biến thì Giám đốc Chi cục phải điều chỉnh giá bán thích hợp. Mỗi khi điều chỉnh giá, Chi cục phải tổ chức dừng xuất kho để đối chiếu tiền, hàng dứt điểm theo giá cũ rồi mới cho phép tiếp tục thực hiện kế hoạch bán và áp dụng đúng thời gian ghi trong quyết định điều chỉnh giá của Giám đốc Chi cục. Khi điều chỉnh giá không cần phải thống nhất lại ý kiến với Sở Tài chính - Vật giá địa phương.
Điều 13. - Thanh toán và thu tiền bán hàng theo tiến độ xuất kho. Trường hợp số lượng lương thực, khách hàng đã nộp tiền nhưng chưa xuất khỏi kho mà có thay đổi giá, khách hàng vẫn tiếp tục nhận thì phải thanh toán tiền theo giá mới, Chi cục phải hạch toán rõ ràng từng khối lượng hàng bán theo từng loại giá bán, tránh mọi sơ hở, lợi dụng trong giá bán thóc, gạo.
Trường hợp giá tối thiểu do Cục giao cũng không bán được thì Chi cục phải báo cáo ngay để Cục xem xét, quyết định.
4. Phí bán lương thực:
Điều 14. – Phí bán bao gồm: chi phí tổ chức, chuẩn bị dụng cụ, kiểm định phương tiện đo lường, chi phí về cân giao nhận, bốc vác lên phương tiện bên mua và các phí chỉ đạo bán như: hội nghị khách hàng, phí tuyên truyền vận động, chi phí cho việc khảo sát giá thị trường…
Căn cứ mức phí Nhà nước duyệt, Cục ra quyết định mức phí bằng văn bản và giao cho từng Chi cục. Chi cục phải quản lý sử dụng phí bán đúng mục đích và tiết kiệm; số phí bán tiết kiệm được, Chi cục được trích thưởng theo quy định của Bộ Tài chính (Thông tư số 29/1998/TT-BTC ngày 11-3-1998) sau khi Cục duyệt quyết toán bán. Phí chỉ đạo bán ở Cục, theo quy định của Nhà nước, Chi cục phải nộp về Cục đầy đủ, kịp thời mà không được sử dụng ở Chi cục.
5. Nộp tiền bán lương thực:
Điều 15. – Sau khi trừ phí bán do Nhà nước quy định được để lại ở Chi cục; phần còn lại Chi cục phải nộp ngay tiền bán thóc, gạo (kể cả vốn và phí chỉ đạo ở Cục) về tài khoản của Cục tại Kho bạc Nhà nước Trung ương (nộp ngay sau khi thu được tiền bán hàng).
Chi cục không được phép giữ lại tiền bán thóc, gạo phải nộp về Cục và không được chi vào việc khác.
6. Theo dõi cập nhật sổ sách, chứng từ:
Điều 16. - Mỗi điểm xuất kho cần bố trí số công chức cần thiết và giao trách nhiệm cụ thể cho từng người.
- Thủ kho phải có sổ mã cân (do Chủ nhiệm tổng kho ký, đóng dấu; có số trang và đóng dấu giáp lai của tổng kho) và ghi số liệu vào sổ mã cân theo đúng quy định. Sổ mã cân phải có chữ ký (ghi rõ họ tên, địa chỉ của khách hàng) của người nhận hàng và cuối vụ xuất kho Chủ nhiệm tổng kho phải lưu giữ.
- Hàng ngày xuất bán cho khách hàng nào, Chủ nhiệm tổng kho phải chỉ đạo việc đối chiếu thống nhất số liệu giữa phiếu xuất kho (có đầy đủ chữ ký của khách hàng) với thẻ kho và sổ mã cân, cập nhật ngay trong ngày đó.
7. Chế độ báo cáo:
Điều 17. – Chi cục phải cử cán bộ chuyên trách thường xuyên tổng hợp thông tin để báo cáo nhanh cho lãnh đạo Chi cục và báo cáo về Cục (Ban Kế hoạch), chú ý làm đầy đủ 2 loại báo cáo dưới đây:
- Báo cáo qua mạng tin học hoặc bằng điện thoại hàng ngày vào báo cáo 10 ngày 1 lần trong tháng. Nội dung báo cáo và mẫu biểu cụ thể do Ban Kế hoạch hướng dẫn, quy định.
- Sau 15 ngày kết thúc kế hoạch bán, Giám đốc Chi cục phải có văn bản báo cáo kết quả thực hiện xuất kho và có những nhận xét, rút kinh nghiệm và kiến nghị với Cục các vấn đề cần giải quyết.
8. Tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch xuất bán lương thực:
Điều 18. – Khi nhận được quyết định xuất kho của Cục, Giám đốc Chi cục cần khẩn trương triển khai hướng dẫn bằng văn bản cho cơ sở thực hiện đúng các quy định của Cục, đảm bảo an toàn tiền, hàng dự trữ quốc gia.
Giám đốc Chi cục phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Cục về việc triển khai kế hoạch bán lương thực theo quy định của Cục, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đảng, đoàn thể để động viên, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công chức toàn đơn vị tự giác thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Cục trong việc bán lương thực; phối hợp với các ngành, địa phương để bảo đảm an toàn khi xuất bán…
Điều 19. – Kiểm tra:
Chi cục cần tổ chức và kiểm tra chặt chẽ trong quá trình thực hiện xuất bán. Nội dung kiểm tra cần chú ý:
- Trong khâu chuẩn bị: Kiểm phẩm, hướng dẫn, sổ sách, chứng từ, khảo sát giá, các điều kiện cần thiết cho việc xuất kho như kiểm định phương tiện cân đo, sửa chữa cân, thúng, cầu bốc xếp…
- Kiểm tra trong quá trình xuất kho: Việc chấp hành các quy định về xuất kho, về giá bán, đối tượng bán, phí bán, việc ghi chép, sổ sách, chứng từ, cập nhật…
- Khi kiểm tra chú ý giải quyết cả hai mặt: uốn nắn sai sót, lệch lạc trong việc chấp hành các chế độ thể lệ quy định; đồng thời phát hiện, đề xuất xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch xuất bán. Kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân làm trái với quy định.
- Kiểm tra ở đơn vị nào phải có biên bản lập tại đơn vị đó, có chữ ký của người đi kiểm tra và đơn vị được kiểm tra.
Điều 20. – Quy định về khen thưởng, xử lý những đơn vị, cá nhân làm trái Quy định này.
a) Trong quá trình tổ chức chỉ đạo xuất bán thóc, gạo, Giám đốc Chi cục phát động phong trào thi đua, theo dõi, kiểm tra các đơn vị và cá nhân thực hiện tốt các mục tiêu an toàn hàng hóa, tiền vốn, tiết kiệm chi phí, xuất kho nhanh, có chất lượng. Hội đồng thi đua của Chi cục bình xét, lựa chọn để Giám đốc Chi cục quyết định xét khen thưởng. Giám đốc Chi cục được phép tạm trích từ nguồn phí bán để khen thưởng động viên một số đơn vị, cá nhân thật sự tiêu biểu. Mức thưởng cho mỗi cá nhân không quá 100.000 đồng, mỗi đơn vị không quá 300.000 đồng một vụ xuất kho. Khi quyết toán phí, sẽ hạch toán vào phần tiết kiệm phí của đơn vị. Cuối đợt bán, Chi cục bình xét các cá nhân, đơn vị đặc biệt xuất sắc, báo cáo Cục để xét khen thưởng theo quy định.
b) Khi kiểm tra phát hiện các hành vi làm trái với quy định thì Giám đốc Chi cục phải kịp thời xử lý ngay những đơn vị, cá nhân vi phạm theo những quy định sau:
- Nếu phát hiện cá nhân thủ kho hoặc một nhóm người (kể cả lãnh đạo các cấp trong Cục) có liên quan đến việc bán để lợi dụng chức quyền, tham nhũng, tiêu cực (tổ chức việc chiết giá, yêu sách, ăn chặn, gửi giá bán thóc, gạo để ăn tiền của khách hàng, đòi mua lại thóc, gạo của khách để bán ăn chia chênh lệch giá, tham ô công quỹ) thì phải làm đầy đủ các thủ tục về hành chính, tổ chức xử lý kỷ luật và phải xử lý nghiêm khắc, kể cả buộc thôi việc…
- Nếu lợi dụng phương tiện cân đo, nghiệp vụ của mình mà cân sai, trộn các tạp chất (đất,cát), phun nước vào thóc, gạo, tính các thông số kỹ thuật sai… để ăn cắp thóc, gạo, v.v… mà bị phát hiện thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức: cảnh cáo, cho hoặc buộc thôi việc, chuyển làm việc khác. Nếu đặc biệt nghiêm trọng thì chuyển sang cơ quan pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Mọi chi phí phát sinh do các hành vi sai trái gây ra như phải cân tịnh lại kho hoặc chuyển kho… thì cá nhân, hoặc một nhóm người gây ra các sai phạm trên phải chịu đền bù mà không được lấy kinh phí nhà nước để giải quyết.
- Các cá nhân lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoặc những người được Giám đốc Chi cục phân công theo dõi giám sát mà thiếu tinh thần trách nhiệm , không kiểm tra xem xét kỹ, để xảy ra những vi phạm trong đơn vị mình phụ trách cũng phải chịu mức kỷ luật hành chính tùy theo mức độ sai phạm của cán bộ cấp dưới.
Cán bộ, công chức ở các ban cơ quan Cục, nếu thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng việc bán thóc, gạo dự trữ để làm thiệt hại cho ngân sách và tham ô, lợi dụng, gây khó dễ cho các cơ quan, đơn vị đến giao dịch mua bán thóc, gạo thì cũng phải chịu trách nhiệm về các hậu quả và phải bị xử lý kỷ luật.
c) Việc khen thưởng, kỷ luật phải làm kịp thời, đúng người, đúng quy định, bình xét thật dân chủ, công khai, để giáo dục chung và qua đó hoàn chỉnh các cơ chế quản lý, hoàn thiện và làm trong sạch tổ chức, nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. – Căn cứ Quy định này, Trưởng các ban theo nghiệp vụ của mình và Giám đốc các Chi cục triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, Chi cục báo cáo về Cục, các ban của Cục có trách nhiệm hướng dẫn rõ thêm hoặc báo cáo lãnh đạo Cục giải quyết đối với các vấn đề vượt quá quyền hạn của mình.
- 1Nghị định 35/CP năm 1995 về việc đặt Cục Dự trữ Quốc gia trực thuộc Chính phủ
- 2Nghị định 66-CP năm 1995 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ quốc gia
- 3Nghị định 10-CP năm 1996 ban hành Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia
- 4Thông tư 29/1998/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính thực hiện Quy chế quản lý dự trữ quốc gia kèm theo Nghị định 10/CP-1996 do Bộ Tài chính ban hành
- 5Quyết định 137/1998/QĐ-TTg về quản lý lương thực dự trữ quốc gia do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 6Công văn 3093/VPCP-KTTH phương thức xuất bán lương thực dự trữ quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 31/1998/QĐ-CDTQG về Quy định giá bán lương thực dự trữ quốc gia do Cục trưởng Cục dự trữ quốc gia ban hành
- Số hiệu: 31/1998/QĐ-CDTQG
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/03/1998
- Nơi ban hành: Cục Dự trữ Quốc gia
- Người ký: Ngô Xuân Huề
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: 24/03/1998
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực