Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 301/2006/QĐ-UBCK | Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT DUYỆT ĐĂNG KÝ PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN RA CÔNG CHÚNG, CẤP PHÉP NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN, CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀ DỊCH VỤ CHỨNG KHOÁN CHỦ TỊCH UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
Căn cứ Quyết định số 161/2004/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước;
Theo đề nghị của Trưởng ban Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét duyệt đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng, cấp phép niêm yết chứng khoán, cấp phép hoạt động kinh doanh và dịch vụ chứng khoán.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 313/QĐ-UBCK ngày 12/11/2004 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Trưởng ban Pháp chế, Trưởng ban Quản lý Phát hành Chứng khoán, Trưởng ban Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, Chánh Thanh tra và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
XÉT DUYỆT ĐĂNG KÝ PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN RA CÔNG CHÚNG, CẤP PHÉP NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN, CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀ DỊCH VỤ CHỨNG KHOÁN
(Ban hành theo Quyết định số 301 /QĐ-UBCK ngày 09/5 /2006 của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Việc tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hồ sơ đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng, hồ sơ cấp phép niêm yết, cấp phép hoạt động kinh doanh và dịch vụ chứng khoán phải được thực hiện đúng theo chế độ hiện hành và trình tự quy định tại văn bản này.
2. Các đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt và lưu trữ hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình một cách khẩn trương, trung thực, có trách nhiệm và bảo đảm bí mật thông tin theo chế độ bảo mật của Nhà nước. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng chức trách và nhiệm vụ được giao để gây khó khăn, nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp.
3. Phân công các đơn vị chức năng thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (Ban chức năng) thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ như sau:
- Ban Quản lý Phát hành Chứng khoán có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hồ sơ xin cấp phép niêm yết cổ phiếu, trái phiếu; soạn thảo nội dung công bố liên quan đến quá trình xét duyệt hồ sơ và công bố trên Website của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sau khi có ý kiến phê duyệt của Lãnh đạo Uỷ ban. Thông tin công bố phải chính xác, khách quan; không được gây hiểu nhầm làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng, niêm yết, hoạt động của đơn vị/tổ chức và giá chứng khoán trên thị trường.
- Ban Quản lý Kinh doanh Chứng khoán có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp phép kinh doanh chứng khoán; cấp phép thành lập và hoạt động văn phòng đại diện; quản lý quỹ đầu tư; hồ sơ xin phép lập quỹ đầu tư và phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư ra công chúng; hồ sơ đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đầu tư; hồ sơ đăng ký lập quỹ thành viên; hồ sơ xin cấp phép lưu ký.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Tiếp nhận hồ sơ
Hồ sơ đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng, hồ sơ xin cấp phép niêm yết chứng khoán; hồ sơ xin cấp phép kinh doanh chứng khoán và các hoạt động, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán; hồ sơ xin phép lập quỹ đầu tư và phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng, đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ; hồ sơ đăng ký lập quỹ thành viên gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được tập trung về Ban chức năng để kiểm tra danh mục tài liệu trong hồ sơ và làm các thủ tục tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ gửi đến còn thiếu, chưa đầy đủ so với chế độ quy định, Ban chức năng có văn bản gửi cho đơn vị/ tổ chức yêu cầu gửi bổ sung.
2. Thẩm tra hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ban chức năng có trách nhiệm khẩn trương thẩm tra sơ bộ hồ sơ và trình Lãnh đạo phụ trách khối.
- Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, sửa đổi thông thường về mặt thủ tục, nội dung, để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, Ban chức năng dự thảo công văn yêu cầu đơn vị/tổ chức bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Trưởng Ban chức năng có quyền thừa lệnh Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (Chủ tịch Uỷ ban) ký gửi đơn vị/tổ chức, công văn ký thừa lệnh phải được gửi Phó Chủ tịch phụ trách khối để báo cáo.
- Trường hợp ngoại lệ, đặc biệt Ban chức năng trình Lãnh đạo phụ trách khối quyết định và ký gửi đơn vị/ tổ chức.
Thời gian đơn vị/tổ chức bổ sung, sửa đổi hồ sơ không tính vào thời gian xem xét hồ sơ.
3. Lập báo cáo tổng hợp
3.1. Sau khi hồ sơ đã được bổ sung, sửa đổi và thẩm tra sơ bộ, Ban chức năng có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích hồ sơ và lập Báo cáo tổng hợp.
Báo cáo tổng hợp bao gồm những nội dung chính sau:
- Tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ;
- Đánh giá các điều kiện cấp giấy chứng nhận/giấy phép;
- Phân tích tài chính;
- Phân tích phương án phát hành/ kinh doanh;
- Ý kiến của Ban chức năng về việc cấp hay không cấp giấy chứng nhận/giấy phép.
Trường hợp cần xin ý kiến của các đơn vị (ngoài Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) liên quan về các vấn đề chế độ, chính sách, Ban chức năng lập tờ trình kèm theo dự thảo công văn trình Lãnh đạo phụ trách khối quyết định và ký gửi để lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
3.2. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ và Báo cáo tổng hợp, Ban chức năng báo cáo Chủ tịch Uỷ ban về việc trình ra Hội đồng xét duyệt (Hội đồng).
Đối với các hồ sơ đăng ký phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu; hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phần, cổ phiếu thưởng; hồ sơ xin thay đổi hoặc bổ sung loại hình kinh doanh của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; hồ sơ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp cho tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, Ban chức năng có trách nhiệm trình Phó Chủ tịch phụ trách khối có ý kiến đối với các hồ sơ trên và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban xem xét, quyết định, không phải đưa ra Hội đồng xét duyệt. Trường hợp có vấn đề phức tạp có thể lấy thêm ý kiến của Thanh tra và Ban Pháp chế hoặc đưa ra lấy ý kiến của Hội đồng.
3.3. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban, nếu không có yêu cầu bổ sung sửa đổi hồ sơ đối với đơn vị/tổ chức, Ban chức năng gửi Báo cáo tổng hợp kèm hồ sơ cho các thành viên Hội đồng xét duyệt. Hồ sơ phải được gửi tới các thành viên trước khi Hội đồng nhóm họp 03 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ có vấn đề phức tạp, cần phải xem xét thêm thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không quá 05 ngày làm việc.
Trường hợp cần sao chụp tài liệu, Ban chức năng gửi Văn phòng Uỷ ban thực hiện.
4. Hội đồng xét duyệt
4.1. Hội đồng xét duyệt có trách nhiệm đánh giá hồ sơ và Báo cáo tổng hợp của Ban chức năng, tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban quyết định về việc cấp hay không cấp giấy chứng nhận/giấy phép.
4.2. Hội đồng bao gồm các thành viên thường trực và thành viên không thường trực
a) Thành viên thường trực Hội đồng bao gồm:
- Chủ tịch Uỷ ban - Chủ tịch Hội đồng;
- Các Phó Chủ tịch Uỷ ban - Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Trưởng Ban chức năng thẩm định hồ sơ - Uỷ viên, Thư ký Hội đồng;
- Chánh Thanh tra - Uỷ viên;
- Trưởng Ban Pháp chế - Uỷ viên.
b) Thành viên không thường trực của Hội đồng gồm Trưởng ban chức năng khác theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban. Trong trường hợp cần thiết Ban chức năng trình Chủ tịch Hội đồng về việc triệu tập thành viên không thường trực để lấy ý kiến về những vấn đề có liên quan.
4.3. Thành viên Hội đồng căn cứ vào các quy định của pháp luật xem xét việc chấp thuận hay không chấp thuận hồ sơ trong thời hạn quy định tại điểm 3.3 Quy chế này. Ý kiến của các thành viên Hội đồng được ghi trong Phiếu đánh giá hồ sơ theo Mẫu số 01 kèm theo Quy chế này. Trường hợp không chấp thuận, các thành viên Hội đồng nêu rõ lý do.
5. Họp Hội đồng xét duyệt
5.1. Chủ tịch Uỷ ban có quyền triệu tập họp Hội đồng xét duyệt hồ sơ. Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban đi công tác vắng, Phó Chủ tịch phụ trách khối công việc cần họp quyết định triệu tập họp Hội đồng. Trường hợp Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách khối đi công tác vắng, Phó Chủ tịch phụ trách khối khác được uỷ quyền quyết định triệu tập họp Hội đồng.
5.2. Hội đồng tổ chức họp xét duyệt phải có mặt tối thiểu 2/3 số thành viên Hội đồng. Trường hợp thành viên của Hội đồng đi công tác vắng, không tham dự họp, cần gửi Phiếu đánh giá cho Chủ tịch Hội đồng. Thư ký Hội đồng có nhiệm vụ tổng hợp các Phiếu đánh giá, lập biên bản họp Hội đồng một cách chính xác, trung thực và phải chịu trách nhiệm về nội dung mà mình đã thực hiện. Biên bản được lập thành 02 bản, 01 bản lưu tại Ban chức năng và 01 bản lưu tại Văn phòng theo chế độ quy định.
Trường hợp Hội đồng còn có ý kiến khác nhau, kết luận cuộc họp do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
6. Hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận/ giấy phép
6.1. Trường hợp hồ sơ được chấp thuận, Ban chức năng dự thảo công văn trình Phó Chủ tịch phụ trách khối ký thông báo chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về mặt nguyên tắc cho đơn vị/tổ chức, yêu cầu đơn vị/ tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ và hoàn tất các thủ tục cuối cùng trước khi nhận giấy chứng nhận/giấy phép (nếu có). Đồng thời Ban chức năng hoàn thành các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận/giấy phép theo đúng quy định; chuẩn bị giấy chứng nhận/giấy phép theo Phụ lục của Quy chế này và hồ sơ đã hoàn chỉnh trình Chủ tịch Uỷ ban ký.
6.2. Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, Ban chức năng soạn thảo công văn trình Phó Chủ tịch phụ trách khối ký trả lời đơn vị/tổ chức giải thích lý do hồ sơ không được chấp thuận.
7. Công bố giấy chứng nhận/ giấy phép
7.1. Ban Quản lý Phát hành Chứng khoán phối hợp với Trung tâm giao dịch chứng khoán công bố công khai giấy chứng nhận đăng ký phát hành trên phương tiện thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm giao dịch chứng khoán.
7.2. Ban Quản lý Kinh doanh Chứng khoán phối hợp với Trung tâm giao dịch chứng khoán công bố công khai giấy phép kinh doanh chứng khoán, giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ đầu tư, giấy phép lập quỹ đầu tư và phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư ra công chúng, giấy phép lưu ký.
7.3. Trung tâm giao dịch chứng khoán nơi đơn vị/tổ chức được cấp phép niêm yết cổ phiếu, trái phiếu; cấp giấy chứng nhận đăng ký niêm yết chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán có trách nhiệm thông báo công khai về việc niêm yết của đơn vị/tổ chức trên các phương tiện thông tin của Trung tâm giao dịch chứng khoán ngay sau khi đơn vị/tổ chức đó được cấp giấy chứng nhận/giấy phép.
Việc tổ chức công bố niêm yết do Trung tâm giao dịch chứng khoán phối hợp với tổ chức niêm yết thực hiện.
8. Gia hạn, thu hồi hoặc huỷ bỏ giấy chứng nhận/giấy phép
8.1. Trường hợp cần gia hạn giấy chứng nhận/giấy phép, Ban chức năng có trách nhiệm trình Phó chủ tịch phụ trách khối có ý kiến và báo cáo Chủ tịch Uỷ ban xem xét quyết định. Trường hợp cần lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Ban chức năng chủ động xin ý kiến các đơn vị.
Trường hợp cần thu hồi giấy chứng nhận/giấy phép hoặc huỷ bỏ giấy chứng nhận/giấy phép, Ban chức năng có trách nhiệm lập tờ trình báo cáo Chủ tịch Uỷ ban đưa ra Hội đồng xem xét, quyết định.
8.2. Căn cứ ý kiến của Lãnh đạo Uỷ ban, của Hội đồng, Ban chức năng soạn thảo quyết định gia hạn/thu hồi giấy chứng nhận/giấy phép hoặc quyết định huỷ bỏ giấy chứng nhận/giấy phép trình Chủ tịch Uỷ ban ký.
9. Giám sát việc thực hiện giấy chứng nhận/giấy phép
Ban chức năng, Thanh tra có trách nhiệm theo dõi, giám sát đơn vị/tổ chức trong việc thực hiện giấy chứng nhận/giấy phép, báo cáo Lãnh đạo Uỷ ban về kết quả việc thực hiện giấy chứng nhận/giấy phép đó theo đúng quy định của pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Mọi quy định trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.
2. Việc bổ sung, sửa đổi các quy định trong Quy chế này do Chủ tịch Uỷ ban quyết định./.
- 1Quyết định 271/2005/QĐ-UBCK về giám sát các tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng do Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 313/QĐ-UBCK ban hành quy chế xét duyệt đăng ký phát hành chứng khoán ra công chứng, cấp phép niêm yết, cấp phép hoạt động kinh doanh và dịch vụ chứng khoán do Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước ban hành
- 3Quyết định 18/QĐ-SGDHN năm 2014 về Quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
- 4Thông tư 202/2015/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Quyết định 271/2005/QĐ-UBCK về giám sát các tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng do Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành
- 2Nghị định 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán
- 3Quyết định 161/2004/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 18/QĐ-SGDHN năm 2014 về Quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
- 5Thông tư 202/2015/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 301/2006/QĐ-UBCK ban hành Quy chế xét duyệt đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng, cấp phép niêm yết chứng khoán, cấp phép hoạt động kinh doanh và dịch vụ chứng khoán do Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 301/2006/QĐ-UBCK
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/05/2006
- Nơi ban hành: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
- Người ký: Vũ Bằng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/05/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra