ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3008/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 54/NQ-HĐ ngày 13 tháng 7 năm 1996 của Hội đồng nhân dân thành phố khoá XI, kỳ họp thứ 6;
Xét đề nghị của Giám đốc sở khoa học công nghệ và môi trường,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này quy định bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế quyết định số 5083QD-UB ngày 16 tháng 11 năm 1990 của Uỷ ban nhân dân thành phố về quy định bảo vệ môi trường đô thị ở Thủ đô Hà Nội.
Điều 3: Giao giám đốc sở khoa học công nghệ và môi trường Hà nội chủ trì, tổ chức hướng dẫn thực hiện quy định bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội.
Điều 4: Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố; Giám đốc sở khoa học công nghệ và môi trường; giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn; tổ chức và cá nhân cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Hoàng Văn Nghiên (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành theo quyết định số 3008 ngày 13-9-1996 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy định này cụ thể hoá một số điều trong việc thi hành Luật bảo vệ môi trường của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở tình hình thực tế của thành phố Hà Nội.
Quy định này không nêu chi tiết các quy định của chuyên ngành khác liên quan đến việc bảo vệ môi trường của thành phố.
Điều 2: Quy định này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3: Công tác bảo vệ môi trường thành phố phải tuân thủ Luật bảo vệ môi trường, nhằm giữ gìn cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sử dụng hợp lý, tiết kiệm quỹ đất và tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm phát triển bền vững.
Điều 4: Uỷ ban nhân dân các cấp, các ngành của thành phố phải đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của ngành, địa phương và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường để đảm bảo sự cân đối giữa phát triển kinh tế xã hội với việc bảo vệ môi trường.
Chương 2:
BẢO VỆ VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG
Điều 5: Các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thử nghiệm khoa học, nhân đạo, từ thiện, an ninh quốc phòng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố có thải ra các loại chất thải; đặc biệt là chất thải độc hại, chất thải chứa vi sinh vật, vi trùng gây bệnh ảnh hưởng đến môi trường sống, đến sức khoẻ con người đều phải thực hiện mọi biện pháp xử lý, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Nhà nước (các phụ lục số 1, 2, 3, 4 kèm theo quy định này).
Điều 6: Các chủ đầu tư, chủ dự án và giám đốc các cơ quan xí nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luât bảo vệ môi trường, thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thẩm định. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại nghị định 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường" (sau đây gọi tắt là Nghị định 26/CP).
Điều 7: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ các nguồn nước (mặt nước, nước ngầm), ống dẫn nước, nhà máy và trạm cấp nước không bị ô nhiễm; không được xả rác, các loại phế thải vào sông, hồ, kênh, mương. Những giếng khoan khai thác nước đã bị suy thoái không có khả năng phục hồi phải được lấp đúng yêu cầu quy trình kỹ thuật của cơ quan quản lý Nhà nước.
Điều 8: Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học và hoá chất khác trong nông nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không làm mất cân bằng môi trường sinh thái. Khuyến khích mở rộng các biện pháp sinh học trong nông nghiệp.
Điều 9: Tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm Luật bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống nạn cháy rừng, côn trùng và bệnh hại cây rừng; nghiêm cấm chặt phá bừa bãi, phá rừng khai hoang.
Đưa việc trồng cây, trồng cỏ phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng thêm diện tích cây xanh ở thành phố vào kế hoạch hàng năm.
Xoá bỏ tập tục bẻ cành, hái lộc đầu xuân nơi công cộng.
Điều 10: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ các giống loài động thực vật quý hiếm, bảo vệ các loài chim và côn trùng có ích.
Cấm săn, bắt các loài chim, thú cần bảo vệ trên địa bàn thành phố.
Cấm đốn chặt các cây hoang dại nằm trong danh sách thực vật cần bảo vệ của quốc gia.
Cấm mọi hành vi vi phạm các cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt cây cổ thụ ở các nơi danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn hoa, công viên và nơi công cộng.
Điều 11: Cấm thải các chất độc hại, phân hữu cơ chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường vào các khu vực nuôi trồng thuỷ sản, sông, hồ, hệ thống thoát nước của thành phố, đặc biệt với các hồ: Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Bảy mẫu, Trúc Bạch và các sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.
Chương 3:
PHÒNG, CHỐNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Điều 12: Khi lập và trình duyệt dự án đầu tư, xây dựng mới, cải tạo và mở rộng công trình hiện có, chủ đầu tư phải lập và trình duyêt báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định cụ thể với từng loại công trình. Đối với các dự án được miễn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải kê khai các hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường và các biện pháp giảm thiếu những ô nhiễm để Sở khoa học công nghệ và môi trường xem xét cấp thoả thuận môi trường.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục thẩm định theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do Sở khoa học công nghệ và môi trường tổ chức thực hiện theo phân cấp quy định ở Điều 14 trong Nghị định 175/CP ngày 18-10-1994 của Chính phủ. Các chủ đầu tư, chủ dự án có trách nhiệm thanh toán phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Bộ tài chính.
Điều 13: Hệ thống thiết bị phòng, chống ô nhiễm môi trường của các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo đều phải được thực hiện ở cả giai đoạn thiết kế và thi công. Khi kết thúc xây dựng, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng của thành phố tiến hành kiểm tra hệ thống thiết bị phòng, chống ô nhiễm môi trường; cấp giấy chứng nhận nếu đạt tiêu chuẩn môi trường.
Chỉ được phép sản xuất, vận hành khi đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.
Điều 14: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động phải có văn bản thoả thuận môi trường của Sở khoa học công nghệ và môi trường. Nếu gây ô nhiễm môi trường, phải xử lý khắc phục, nếu không thực hiện được thì phải ngừng sản xuất.
Điều 15: Rác, phân và các chất thải, xác súc vật phải được thu dọn, chuyên chở, xử lý, theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.
Các bãi chôn lấp rác, phế thải phải được quy hoạch, thiết kế, thi công và vận hành theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Chất thải có tính phóng xạ phải được quản lý nghiêm ngặt theo Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ
Điều 16: Việc tổ chức thi công xây dựng, cải tạo mở rộng các loại công trình, vận chuyển, khai thác, buôn bán, lưu giữ vật liệu xây dựng phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo không gây ô niễm môi trường về khói, bụi, hơi, khí độc, độ chấn động, tiếng ồn, cháy nổ theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Uỷ ban nhân dân thành phố.
Điều 17: Máy, thiết bị phương tiện giao thông độ ồn cao, độ rung lớn vượt tiêu chuẩn cho phép phải gắn thiết bị giảm thanh và chống rung để đảm bảo đạt tiêu chuẩn TCVN 5949-1995 (phụ lục 2-2). Cấm sử dụng các thiết bị gây ồn vượt quá giới hạn cho phép từ 22 giờ đêm đến 6 giờ hôm sau, tại các khu vực bệnh viện, các khu dân cư đông đúc, trong khu vực nội thành, nội thị. Trường hợp đặc biệt phải có giấy phép của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Trong khu vực nội thành cấm sử dụng loa có âm lượng cao (phụ lục 2-2). Không được sử dụng các loại máy tăng âm để quảng cáo, bán hàng làm mất trật tự nơi công cộng.
Điều 18: Máy, thiết bị, phương tiện giao thông phải lắp đặt các thiết bị xử lý có hiệu quả đảm bảo khí thải, bụi, khói, khi thải ra đạt tiêu chuẩn TCVN 5939-1995( Phụ lục 1-3).
Cấm đốt và để tồn đọng rác, chất độc hại, chất gây mùi hôi thối ở khu dân cư tập trung, nơi có mạch nước ngầm và đầu hướng gió ảnh hưởng tới môi trường.
Điều 19: Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ, vận chuyển chất độc hại và chất phóng xạ phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, cơ quan quản lý Nhà nước, về an toàn và kiểm soát bức xạ; đồng thời phải có các biện pháp phòng chống theo quy định của Nhà nước.
Khi cần tiêu huỷ sản phẩm hoặc chất có độc hại phải được cơ quan quản lý môi trường phê chuẩn biện pháp tiêu huỷ.
Các chất có chứa mầm gây bệnh và chất thải bệnh viện phải xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Việc chuyên chở và chôn cất người chết do các bệnh dịch nguy hiểm phải theo đúng quy định của cơ quan y tế.
Điều 20: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi hoạt động có gây ô nhiễm phải nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định của Nhà nước. Trường hợp gây ra sự cố môi trường phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục và thông báo khả năng gây tổn hại cho cơ sở và dân cư xung quanh, đồng thời phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý môi trường và bồi thường tổn thất do mình gây ra đối với môi trường.
Chương 4:
TỔ CHỨC QUẢN LÝ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 21: Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Sở khoa học công nghệ và môi trường chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo nội dung sau:
Tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch của thành phố, quy trình xét duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Cùng với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn về bảo vệ môi trường trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt và giám sát việc thực hiện kế hoạch;
Kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và hướng dân thực hiện Luật bảo vệ môi trường và quy định bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội;
Kiểm tra, kiểm soát chất lượng môi trường và tiến hành quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố;
Căn cứ vào tiêu chuẩn môi trường quốc gia và điều kiện cụ thể của thành phố để xây dựng tiêu chuẩn môi trường thành phố Hà Nội, trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt và ban hành;
Tổ chức các hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư, cơ sở đang hoạt động trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền;
Định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố và Bộ khoa học công nghệ và môi trường hiện trạng môi trường thành phố Hà Nội. Kinh phí lập báo cáo hiện trạng môi trường thành phố được lấy từ kinh phí quản lý môi trường hàng năm của Sở khoa học công nghệ và môi trường.
Điều 22: Ở cấp quận, huyện phải bố trí biên chế một đến hai cán bộ quản lý môi trường để giúp Uỷ ban nhân dân quận, huyện quản lý trên địa bàn và chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Sở khoa học công nghệ và môi trường. ở cấp phường, xã, thị trấn phải có cán bộ bán chuyên trách về môi trường.
Điều 23: Các sở, ban, ngành của thành phố có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong phạm vi ngành mình theo quy định và hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân thành phố và cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.
Điều 24: Các nhà máy, xí nghiệp phải có bộ phận quản lý, xử lý các chất thải công nghiệp và quan trắc ảnh hướng của các chất thải đối với môi trường.
Điều 25: Tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn thành phố đều phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất về bảo vệ môi trường, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành những yêu cầu của cơ quan quản lý môi trường thành phố ghi trong thông báo kết quả kiểm tra, kiểm soát.
Kinh phí cho kiểm tra, kiểm soát được lấy từ kinh phí quản lý môi trường hàng năm của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Điều 26: Khi công trình thay đổi về quy mô và tính chất hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường, chủ công trình phải báo cáo ngay bằng văn bản với cơ quan quản lý môi trường thành phố. Trường hợp chủ công trình không báo cáo với cơ quan quản lý môi trường của thành phố sẽ bị xử lý theo Điều 31 của quy định này.
Điều 27: Sở khoa học công nghệ và môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét các đơn khiếu nại, tố cáo về gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức thanh tra đối với các hoạt động của tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo để trả lời bằng văn bản cho bên khiếu nại, tố cáo chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn.
Điều 28: Trong trường hợp bên khiếu nại không nhất trí với kết luận của thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ và môi trường, Sở khoa học công nghệ và môi trường, thì Giám đốc Sở khoa học công nghệ và môi trường thành lập đoàn phúc tra để kiểm tra lại theo đúng trình tự, thủ tục do Sở khoa học công nghệ và môi trường quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành quy định này.
Điều 29: Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền:
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra;
Quyết định tạm thời đình chỉ trong trường hợp khẩn cấp các hoạt động có nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng về môi trường và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.
Chương 5:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 30: Tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường của Nhà nước và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tổ chức, cá nhân sẽ được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong các việc làm dưới đây:
Quản lý môi trường, giám sát quan trắc, nghiên cứu khoa học và tuyên truyền giáo dục về môi trường; Phòng chống ô nhiễm môi trường;
Bảo vệ thiên nhiên và môi trường sinh thái;
Khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường, phát hiện các hành vi làm suy thoái, ô nhiễm môi trường; kịp thời báo cáo với cơ quan có trách nhiệm để ngăn chặn, xử lý;
Giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu nại về môi trường.
Điều 31: Tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các điều khoản trong bản quy định này tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xử lý hành chính thực hiện theo Nghị định số 26/CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32: Sở khoa học công nghệ và môi trường có trách nhiệm phối họp với các ngành, các cấp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện bản quy định này.
Các sở, ban, ngành của thành phố và Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền han tiến hành kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chỉnh bản quy định này.
Điều 33: Quy định này có hiệu lực từ ngày ký, các quy định trước đây trái với quy định này đều huỷ bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân phản ánh với Sở khoa học công nghệ và môi trường để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét bổ sung.
- 1Chỉ thị 01/2002/CT-UB về việc tăng cường quản lý, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 2Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 3Nghị định 175-CP năm 1994 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường
- 4Nghị định 26-CP năm 1996 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường
Quyết định 3008/QĐ-UB năm 1996 quy định bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 3008/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/09/1996
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Hoàng Văn Nghiên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/09/1996
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định