Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2021/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 20 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC LÀM GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 71/TTr-SLĐTBXH ngày 16/7/2021; Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 773/BC-STP ngày 20/7/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

1. Đối tượng hỗ trợ: Là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm các công việc sau:

a) Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.

b) Thu gom rác, phế liệu.

c) Bốc vác (người làm công việc bốc vác hàng hoá tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển); vận chuyển hàng hoá (người thực hiện vận chuyển hàng hoá bằng xe thô sơ, xe mô tô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các ga đường sắt, cảng sông, cảng biển).

d) Lái xe mô tô chở khách, xe xích lô chở khách.

đ) Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh thuộc một trong các lĩnh vực sau:

- Lĩnh vực ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán ăn nhanh, cửa hàng bán đồ ăn mang về, hàng ăn uống trên phố, trong chợ, xe bán hàng ăn uống lưu động, quán rượu, bia, quán cà phê, giải khát);

- Lĩnh vực lưu trú (khách sạn, căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà trọ, phòng trọ);

- Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ (người làm nghề massage, xoa bóp y học, châm cứu không có địa điểm cố định; người làm việc tại các hộ kinh doanh có đăng ký hoạt động massage, xoa bóp y học, châm cứu);

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ (làm việc tại các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet, karaoke, quán Bar, phòng tập gym, yoga, câu lạc bộ thể hình, aerobic, các cơ sở làm đẹp, Spa).

2. Điều kiện được hỗ trợ

Người lao động thuộc đối tượng tại khoản 1 Điều này được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

a) Mất việc làm; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức 1.500.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn hoặc 2.000.000 đồng/tháng đối với khu vực thành thị (Mức chuẩn cận nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ).

b) Cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Nam Định theo quy định của Luật cư trú (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận)

c) Cư trú, làm việc tại địa bàn áp dụng biện pháp thiết lập cách ly y tế hoặc làm việc trong lĩnh vực, ngành nghề phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Nam Định quyết định từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

3. Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/lần.

4. Thời gian hỗ trợ: áp dụng từ 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

5. Phương thức hỗ trợ: Chi hỗ trợ trực tiếp 01 lần bằng tiền cho người lao động.

6. Nguồn kinh phí thực hiện:

a) Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện, xã năm 2021 để thực hiện hỗ trợ người lao động theo quy định tại Quyết định này.

b) Trường hợp sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách huyện, xã năm 2021 không đủ để chi phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định này; UBND các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) hỗ trợ phần kinh phí còn lại theo quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể, chi tiết; tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

b) Tiếp nhận danh sách đối tượng đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động đã được thẩm định của các huyện thành phố, báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách. Đồng thời có văn bản trả lời đối với các đối tượng không đủ điều kiện hưởng chính sách.

2. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

b) Tham mưu, bố trí ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ cho người lao động và hướng dẫn các địa phương chi trả, thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.

3. UBND các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở về Nghị quyết số 68/NQ-CP và những nội dung chỉ đạo của tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ.

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, xác nhận thu nhập của người lao động và niêm yết công khai theo quy định; tổ chức thẩm định, tổng hợp danh sách hồ sơ đề nghị hỗ trợ trình UBND tỉnh (qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).

c) Thực hiện công khai Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của UBND các huyện, thành phố và niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.

d) Thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động của địa phương theo danh sách, quyết định của UBND tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị; không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có). Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về kết quả thẩm định.

đ) Thực hiện lưu trữ hồ sơ, chứng từ đề nghị hỗ trợ theo quy định hiện hành.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định, các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát ngay từ khi lập danh sách hỗ trợ cho người lao động tại Quyết định này đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng chế độ.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và xã hội;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nam Định;
- Công báo tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VP1, VP2, VP6, VP7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lê Đoài

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2021/QĐ-UBND quy định về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 30/2021/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Trần Lê Đoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản