Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2999/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 27 tháng 12 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN GIAI ĐOẠN 2023-2025 DO TÁC ĐỘNG CỦA HIỆN TƯỢNG EL NINO NHẰM BẢO VỆ SẢN XUẤT VÀ DÂN SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Đê điều ngày 17/6/2020;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Đê điều;
Căn cứ Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán thiếu nước xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 257/TTr-SNN&PTNT ngày 18/12/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch tại Điều 1 của Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long; Báo Vĩnh Long; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố; Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Vĩnh Long; Giám đốc Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Tân; Giám đốc Công ty TNHH cấp nước thị xã Bình Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN GIAI ĐOẠN 2023-2025 DO TÁC ĐỘNG CỦA HIỆN TƯỢNG EL NINO NHẰM BẢO VỆ SẢN XUẤT VÀ DÂN SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 2999/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia tại Bản tin dự báo Khí hậu thời hạn năm trên phạm vi toàn quốc, ngày 14/7/2023, hiện nay trạng thái khí quyển và đại dương đã ở trong điều kiện El Nino. Dự báo từ nay đến khoảng những tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%; đến khoảng các tháng giữa năm 2024 hiện tượng El Nino có dấu hiệu suy yếu dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính trong các tháng nửa cuối năm 2024 với xác suất khoảng 50-60%.
Với các nhận định tác động đến khí tượng, thủy văn của hiện tượng El Nino và dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện tại, tình trạng hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra cục bộ trong thời gian mùa khô năm 2023 tại một số tỉnh ở khu vực Trung Bộ và nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao (cấp độ 3-4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ và Đông Nam Bộ từ mùa khô năm 2024 đến năm 2025.
Thực hiện Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 29/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm đảm bảo nhu cầu nước sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh.
Đảm bảo nước tưới cho diện tích từ 38.000-40.000 ha lúa, khoảng từ 19.200- 23.800 ha cây màu của vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu mỗi năm (từ năm 2023-2025) và hơn 68.300 ha cây lâu năm hiện có trong tỉnh. Trong đó, đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000 ha lúa Hè Thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao trên 4‰ (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ).
Đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh, đặc biệt chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hon 19.380 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kênh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt trong trường hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt dẫn đến nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.
Đảm bảo sức khỏe của người dân và tránh xảy ra dịch bệnh trên địa bàn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy-nổ; giúp dân ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
2. Yêu cầu
Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino phải được quán triệt đến tất cả cán bộ, Đảng viên ở các ngành, các cấp;
Các địa phương xây dựng kế hoạch mùa khô phải lồng ghép vào kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng-thủy văn, tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân để chủ động ứng phó;
Tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhất là ở các huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cao như Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít để ngăn mặn, trữ và tiếp nước ngọt nhằm đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nước cấp cho sinh hoạt.
II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG HẠN, XÂM NHẬP MẶN
1. Hướng xâm nhập mặn vào tỉnh Vĩnh Long
Hướng sông Tiền: ảnh hưởng đến phía Bắc, gần một nửa diện tích 04 xã trên cù lao Minh (thuộc huyện Long Hồ);
Hướng sông Cổ Chiên, Pang Tra: ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Dài (thuộc huyện Vũng Liêm); trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông, rạch nối với sông Cổ Chiên như Cái Hóp, Nàng Âm, Vũng Liêm, Trường Định, Măng Thít, Cái Kè, kinh Thầy Cai, Mỹ An, Cái Lốc, Cái Sơn...ảnh hưởng các xã, thị trấn thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ.
Theo hướng sông Hậu: ảnh hưởng đến toàn bộ cù lao Mây (thuộc huyện Trà Ôn); trên đất liền, mặn sẽ xâm nhập vào các sông nối với sông Hậu như rạch Tân Dinh, Rạch Chiết, Mương Điều, rạch Tra, rạch Bang Chang, sông Trà Ôn, Măng Thít, Sóc Tro, Đông Thành...ảnh hưởng các xã, thị trấn thuộc huyện Trà Ôn, Tam Bình và một phần thị xã Bình Minh.
2. Các kịch bản hạn, xâm nhập mặn xảy ra, phạm vi ảnh hưởng và biện pháp ứng phó
Dự kiến xây dựng Kế hoạch với ba (03) kịch bản xâm nhập mặn xảy ra theo dự báo nêu trên:
2.1. Kịch bản 1 (trường hợp xâm nhập mặn nhẹ hơn mùa khô năm 2015- 2016; mực nước sông, rạch sụt giảm nhẹ)
a) Độ mặn tại vàm Măng Thít, vàm Trà Ôn dưới 2‰; vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm (huyện Vũng Liêm) và vàm Tân Dinh (huyện Trà Ôn) dưới 3‰; Đỉnh triều trên sông Tiền tại Mỹ Thuận vào lúc triều thấp còn 0,7-0,8m, lúc triều cao lên 1,2m.
- Thời gian xuất hiện độ mặn 2‰ khoảng: Từ ngày tuần đầu tháng 01 đến giữa tháng 01 hàng năm.
b) Phạm vi ảnh hưởng:
Trên địa bàn tỉnh, mỗi năm dự kiến có:
- Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn dưới 3‰: 5.554 ha, chia ra từng huyện: Vũng Liêm: 3.554 ha và Trà Ôn: 2.000 ha;
- Diện tích bị hạn, thiếu nước: 21.058 ha (vụ Đông Xuân: 3.897 ha, vụ Hè Thu 15.029 ha, cây lâu năm: 2.132 ha); Chia ra:
+ Diện tích lúa bị hạn thiếu nước: 16.133 ha (vụ ĐX: 3.897 ha xuống giống tháng 11, 12 hàng năm; HT: 12.236 ha);
+ Diện tích rau, màu bị hạn thiếu nước: 2.793 ha;
+ Diện tích cây lâu năm bị hạn thiếu nước: 2.132 ha.
- Số dân sử dụng nguồn nước nhiễm mặn ở thời điểm cao nhất: 9.034 người.
(Chi tiết xem phụ lục 1)
c) Biện pháp ứng phó:
Đóng cống ngăn mặn ở các huyện: Vũng Liêm (các xã ven và trên sông Cổ Chiên); ở huyện Trà Ôn (các xã ven sông Hậu như Tích Thiện, Thiện Mỹ, Lục Sĩ Thành và Phú Thành); ở huyện Long Hồ (xã Bình Hòa Phước).
Đóng, mở cống ở vùng khác bình thường.
Bơm tưới cho vùng gò cao; bơm hút thu nước lúc triều xuống cho các nhà máy khi độ mặn dưới 3‰.
2.2. Kịch bản 2 (trường hợp xâm nhập mặn như năm mùa khô năm 2015- 2016; mực nước sông, rạch sụt giảm mạnh)
a) Độ mặn tại vàm Măng Thít (Quới An-Chánh An), vàm Tân Dinh (huyện Trà Ôn) xấp xỉ 5‰; vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm (huyện Vũng Liêm) từ 6-8‰, trong nội đồng từ 1-2‰; Đỉnh triều trên sông Tiền tại Mỹ Thuận vào lúc triều thấp còn 0,5- 0,6m, lúc triều cao lên 1m.
- Thời gian xuất hiện độ mặn 2‰ khoảng: Từ ngày 20/01-27/01 hàng năm, sau đó tiếp tục duy trì và giảm dần đến giữa tháng 3.
b) Phạm vi ảnh hưởng:
Trên địa bàn tỉnh, mỗi năm dự kiến có:
- Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn dưới 8‰: 34.485 ha, chia ra từng huyện: Vũng Liêm: 17.189 ha, Trà Ôn: 11.221 ha, Tam Bình: 4.005 ha và Mang Thít: 2.070 ha;
- Diện tích bị hạn, thiếu nước: 55.369 ha (vụ Đông Xuân: 9.565 ha, vụ Hè Thu 24.084 ha, cây lâu năm: 21.720 ha); Chia ra:
+ Diện tích lúa bị hạn thiếu nước: 28.983 ha (vụ ĐX: 9.228 ha xuống giống tháng 11, 12 hàng năm; HT: 19.755 ha);
+ Diện tích rau, màu bị hạn thiếu nước: 4.666 ha;
+ Diện tích cây lâu năm bị hạn thiếu nước: 21.720 ha.
- Số dân sử dụng nguồn nước nhiễm mặn ở thời điểm cao nhất: 59.868 người.
(Chi tiết xem phụ lục 2)
c) Biện pháp ứng phó:
Đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm (các xã ven sông Cổ Chiên từ QL 53 và Đường tỉnh 902 trở ra và các xã trên sông Cổ Chiên, như: Quới An, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Tây, Trung Thành Đông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Thanh Bình, Quới Thiện và một phần của xã Trung An); ở huyện Trà Ôn (gồm các xã ven sông Hậu từ QL54 trở ra, như: Tích Thiện, Thiện Mỹ, thị trấn Trà Ôn, Vĩnh Xuân; một phần khu vực gần QL54 thuộc các xã Thuận Thới, Hựu Thành, Tân Mỹ), xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành trên cù lao Mây; ở huyện Mang Thít (gồm các xã ven sông Cổ Chiên, sông Măng, như: Chánh An, An Phước, thị trấn Cái Nhum). Đóng cống hạn chế ở vùng khác.
Bơm tưới cho vùng gò cao; Ngưng bơm hút thu nước cho các nhà máy khi độ mặn từ 3‰ trở lên. Bơm hút lúc triều xuống khi độ mặn xuống thấp hơn 3‰.
2.3. Kịch bản 3 (trường hợp mặn xâm nhập rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019-2020; mực nước sông, rạch rất thấp)
a) Độ mặn tại vàm Trà Ôn (thị trấn Trà Ôn) trên 2‰; vàm Măng Thít (Quới An) xấp xỉ 7‰, vàm Tân Dinh (Trà Ôn) xấp xỉ 8‰; vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm (Vũng Liêm) trên 10 ‰, vàm Cái Muối và vàm Đồng Phú xấp xỉ 4,5‰; trong nội đồng trên 3‰. Đỉnh triều sông Tiền tại Mỹ Thuận vào lúc triều thấp dưới 0,5m, lúc triều cao đạt dưới 1m.
Trên sông Hậu, ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60km (sâu hơn năm 2016: 7km); Trên sông Cổ Chiên, ranh mặn 4‰ ảnh hưởng tới xã Mỹ Phước (huyện Mang Thít)- cách cửa biển 70km (sâu hơn năm 2016: 6km); Phía sông Tiền, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ)-cách cửa biển khoảng 90km.
Xâm nhập mặn dự báo bắt đầu hàng năm vào giữa tháng 01, cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 02 (trên sông Cổ Chiên, sông Hậu) và kéo dài đến tận tháng 5.
b) Phạm vi ảnh hưởng:
Số huyện bị ảnh hưởng biên mặn từ 1-10‰ là 6 huyện, thị (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long).
Trên địa bàn tỉnh, mỗi năm dự kiến có:
- Diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn: 68.182 ha, chia ra từng huyện: Vũng Liêm: 22.243 ha, Trà Ôn: 26.714 ha, Tam Bình: 5.555 ha, Mang Thít: 7.680 ha, Bình Minh: 1.990 ha và Long Hồ: 4.000 ha;
- Diện tích bị hạn, thiếu nước: 71.403 ha (vụ Đông Xuân: 13.465 ha, vụ Hè Thu 21.922 ha, cây lâu năm: 36.016 ha); Chia ra:
+ Diện tích lúa bị hạn thiếu nước: 32.062 ha (vụ ĐX: 11.382 ha xuống giống tháng 11, 12/2023; HT: 20.680 ha);
+ Diện tích rau, màu bị hạn thiếu nước: 7.300 ha;
+ Diện tích cây lâu năm bị hạn thiếu nước: 36.016 ha.
- Cây trồng mỗi năm bị nhiễm mặn hơn 66.455 ha, tập trung ở các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình và TX. Bình Minh;
- Số dân sử dụng nguồn nước nhiễm mặn: 197.113 người.
- Tổng số hộ bị thiếu nước sinh hoạt ở thời điểm cao nhất: 76.474 hộ.
- Có khoảng 51 trạm cấp nước sạch cấp cho 76.474 hộ có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn (tại huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ và TX. Bình Minh).
- Có 46 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt: Vũng Liêm 20 xã, Trà ôn 14 xã, Mang Thít 05 xã và Tam Bình 07 xã.
(Chi tiết xem phụ lục 3)
3. Biện pháp phòng, chống hạn, mặn xâm nhập ứng với kịch bản 3
3.1. Biện pháp chung
Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập trung toàn bộ các nguồn lực, các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác khảo sát, quan trắc các vùng bị hạn, mặn, thường xuyên cập nhật số liệu hạn, mặn, tham mưu cho Ban chỉ đạo chỉ đạo tốt công tác phòng chống hạn, mặn.
Triển khai thực hiện các công trình thủy lợi, nước sạch tập trung theo Kế hoạch chống hạn, mặn đã duyệt và tổ chức hỗ trợ bơm tát, hỗ trợ cấp nước sạch khi hạn, mặn xảy ra gay gắt, kéo dài, dẫn đến hoạt động sản xuất, nguồn nước sinh hoạt bị đe dọa; song song đó còn triển khai thực hiện các công trình thủy lợi, nước sạch do tỉnh, huyện đầu tư trong Kế hoạch năm 2023-2025.
Tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Tập trung lực lượng, phương tiện hiện có, sẵn sàng ứng phó hạn, xâm nhập mặn, chú trọng ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít và Long Hồ.
3.2. Các biện pháp cụ thể
3.2.1. Biện pháp phi công trình
Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, tập trung toàn bộ các nguồn lực, cả hệ thống chính trị phục vụ cho công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn;
Theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến và dự báo xâm nhập mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS và các phương tiện thông tin đại chúng đến tất cả các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư vùng ảnh hưởng mặn đều biết để kịp thời tổ chức ứng phó tốt.
Tăng cường tuyên truyền đến các ngành, các cấp, nhân dân nhận thức được tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô giai đoạn năm 2023-2025 dưới tác động của hiện tượng El Nino để chuẩn bị tốt kế hoạch phòng, chống. Vận động người dân tích cực tham gia gia cố cống đập, nạo vét kênh mương trên địa bàn để tích trữ nước; thực hiện vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước nhất là đảm bảo vệ sinh nguồn nước nội đồng khi tích trữ và khi đóng cống ngăn mặn; và chuẩn bị dụng cụ chứa nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình ít nhất trong 15 ngày.
Tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể:
- Đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và huyện Mang Thít (các xã ven sông Cổ Chiên, như: Chánh An, An Phước, thị trấn Cái Nhum, Tân An Hội, Tân Long Hội, Mỹ Phước, một phần của xã Mỹ An, Nhơn Phú), ở huyện Tam Bình (các xã ven sông Măng, như: Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ, Hòa Thạnh, Tường Lộc, Hòa Lộc, Hòa Hiệp), thị xã Bình Minh (xã Mỹ Hòa, một phần xã Đông Thành, Đông Thạnh, Đông Bình); trữ nước trong đồng triệt để; Mở cống hạn chế ở vùng khác.
- Bơm tưới cho vùng gò cao; Ngưng bơm hút thu nước cho các trạm cấp nước sinh hoạt sử dụng nước mặt khi độ mặn từ 3‰ trở lên; Bơm hút lúc triều xuống khi độ mặn xuống thấp hơn 3‰.
- Cấp hỗ trợ nước thùng (nước sạch đóng thùng để uống), dụng cụ chứa nước ngọt cho hộ dân sử dụng nước bị nhiễm mặn và chưa có nước máy, hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, hộ ở nông thôn chưa nước máy sử dụng. Có tính đến phương án dùng xe bồn, hoặc xà lan chở nước ngọt cấp cho dân.
- Khai thác các giếng khoan nước ngầm đã có: hơn 10.000 giếng bơm riêng lẻ và các giếng khoan cấp nước tập trung ở các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Riêng huyện Trà Ôn có 3 giếng khoan tầng sâu, công suất lớn tập trung ở các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ và Hựu Thành.
3.2.2. Kế hoạch truyền thông, tập huấn về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn
a) Ngành Nông nghiệp và PTNT
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT tỉnh: thông báo về tình hình hạn, mặn hàng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS đến 204 đầu số; cấp phát tờ rơi cho các xã, phường, thị trấn về “Hướng dẫn quy trình trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trong điều kiện hạn-xâm nhập mặn”; phối hợp tập huấn phòng, chống hạn hán xâm nhập mặn.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
- Thực hiện kế hoạch chuyển đổi lịch thời vụ trên cây lúa, rau màu các vụ Đông Xuân, Hè thu giai đoạn 2023-2025 nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thời tiết, sâu bệnh hại lên năng suất, sản lượng và chất lượng lúa của tỉnh.
- Tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhằm hướng đến việc hướng dẫn nông dân các địa phương trong tỉnh giảm dần diện tích lúa, chuyển đổi sang trồng các cây rau màu ít sử dụng nước tưới, có khả năng chịu hạn hoặc nuôi trồng thủy sản.
- Tuyên truyền để nâng cao hiệu quả quản lý dịch hại và phòng chống thiệt hại do thiên tai trên cây trồng, với hình thức tuyên truyền trên trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và PTNT, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long và Đài Phát thanh tại các địa phương về kỹ thuật nhằm giúp cây trồng hạn chế ảnh hưởng của hạn, mặn.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng: lúa, màu, cây ăn trái...trong điều kiện hạn, mặn và sau hạn, mặn. Tại các vùng trồng chuyên canh cây ăn trái, tăng cường áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp dinh dưỡng nhằm đảm bảo cây trồng phục hồi, phát triển cho năng suất cao.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, chọn tạo, đặt hàng giống cây trồng sử dụng gốc ghép chịu được hạn, mặn phù hợp với nhu cầu sản xuất của địa phương.
Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản: Thường xuyên quan trắc độ mặn tại vùng nuôi thủy sản bị nhiễm mặn. Tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản có lồng ghép biện pháp ứng phó, giảm thiệt hại về thủy sản do xâm nhập mặn.
Phòng Nông nghiệp-PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long và TX Bình Minh: Tuyên truyền các biện pháp phòng chống hạn mặn lồng ghép vào các đợt tập huấn khuyến nông, triển khai các chương trình, dự án nông nghiệp-chăn nuôi-thủy sản và phát tờ bướm hướng dẫn kỹ thuật.
3.2.3. Biện pháp công trình
a) Nạo vét công trình kênh thủy lợi tạo nguồn
Nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập, đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước, trữ ngọt, sửa chữa, bố trí trạm, máy bơm cấp nước tưới.
Ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Tại các khu vực bị ảnh hưởng mặn, tập trung công tác quản lý vận hành công trình kết hợp nạo vét công trình thủy lợi để tiếp nước ngọt và bơm tát chống hạn do thiếu nguồn nước.
Thực hiện khẩn cấp nạo vét kênh, mương thủy lợi nội đồng để đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu giai đoạn 2023-2025 kết hợp cấp nước sinh hoạt trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt.
(Chi tiết xem phụ lục số 4,5,6,7)
b) Công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Trung tâm Nước sạch & VSMTNT có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và sửa chữa nhỏ 30 công trình nước sạch do Trung tâm quản với tổng kinh phí thực hiện 101.450 triệu đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
(Chi tiết xem phụ lục số 8).
c) Bơm tát hỗ trợ hàng năm
+ Huy động số máy bơm, trạm bơm tưới hiện có trong tỉnh:
+ Bơm cố định: 14 trạm bơm điện;
+ Bơm di động: 07 máy bơm cố định (mô-tơ điện), 165 máy bơm dầu D15 (do Phòng Nông nghiệp và PTNT và UBND các xã quản, huy động trong dân) và 24.100 máy bơm nhỏ trong dân.
+ Diện tích bơm (2 lần) là 7.680 ha.
(Chi tiết xem phụ lục số 9)
3.3.4. Huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư ứng phó
a) Lực lượng chính
* Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:
- Lực lượng tại chỗ của cơ quan, đơn vị:
+ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh quân số: 30 đ/c, gồm 04 CQ (TM, CT, HC, KT);
+ Trung đoàn 890 quân số: 20 đ/c;
+ Đại đội Trinh sát quân số: 07 đ/c;
+ Đại đội Thiết giáp quân số: 07 đ/c;
+ Trung đội vệ binh quân số: 07 đ/c;
+ Bệnh xá, bệnh viện quân dân y Tân Thành, trạm sửa chữa: 2/3 quân số;
+ Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố quân số: 10 đ/c;
+ Lực lượng Dân quân thường trực: sử dụng Dân quân cơ động quân số: 09 đ/c của các huyện, thị xã, thành phố. Dân quân cơ động mỗi xã quân số: 07 đ/c, Dân quân các ấp, khóm mỗi nơi quân số: 03 đ/c.
- Lực lượng cơ động: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh (CHQS) tổ chức lực lượng, phương tiện và Dân quân sẵn sàng cơ động trên địa bàn, gồm có:
+ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh quân số: 40 đ/c, gồm 04 CQ (TM, CT, HC, KT);
+ Trung đoàn 890 quân số: 20 đ/c;
+ Đại đội Trinh sát quân số: 20 đ/c;
+ Đại đội Thông tin quân số: 15 đ/c;
+ Đại đội Thiết giáp quân số: 03 kíp xe BTR152;
+ Trung đội vệ binh quân số: 02 tổ kiểm soát quân sự;
+ Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố quân số: 20 đ/c;
+ Bệnh xá, bệnh viện quân dân y Tân Thành, trạm sửa chữa: Mỗi đơn vị quân số 03 đ/c;
+ Xã, phường, thị trấn 01 trung đội DQCĐ quân số: 28 đ/c.
* Công an tỉnh:
- Công an tỉnh: sẵn sàng điều động 03 Đại đội ứng trực gồm 248 đồng chí tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Ngoài lực lượng nêu trên, tùy tình huống cụ thể, Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ điều động thêm lực lượng của các đơn vị khi có yêu cầu.
- Công an các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ: Đảm bảo lực lượng trực, sẵn sàng tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cùng cấp.
* Ngành Giáo dục-Đào tạo: huy động các lực lượng tại các điểm trường THPT, THCS, mầm non tại các huyện, thị xã tham gia ứng phó khi hạn, mặn nghiêm trọng xảy ra.
b) Phương tiện, thiết bị
* Công an tỉnh:
- Cấp tỉnh: Huy động phương tiện, trang thiết bị tại Phòng PH10 và PC07 phục vụ công tác ứng phó với với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo chất lượng quy định, được kiểm tra đánh giá trước khi xuất cấp, đảm bảo vận hành sử dụng tốt, hiệu quả. Tổng trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn hiện có là 1.963 thiết bị từ loại 1-5.
- Cấp huyện: Đảm bảo phương tiện, trang thiết bị tham gia ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo yêu cầu điều động của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cùng cấp.
* Công ty cổ phần cấp nước Vĩnh Long:
Chuẩn bị các phương án sản xuất để ứng phó tình huống thiếu nước sạch tại các chi nhánh cấp nước của Công ty bị ảnh hưởng.
* Trung tâm Nước sạch và VSMTNT:
- Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm, đường ống đầu nguồn đảm bảo máy hoạt động đúng công suất, chất lượng nước đạt yêu cầu nhằm chuẩn bị ứng phó tốt nhất cho hạn, mặn.
- Trang bị cho các trạm cấp nước thuộc khu vực có nguy cơ nhiễm mặn máy đo độ mặn nhằm kiểm tra và theo dõi diễn biến xâm nhập mặn.
- Tập huấn cho nhân viên quản lý trạm cấp nước khu vực bị hạn, mặn cách ứng phó, cấp nước bù theo nhu cầu sử dụng nước của hộ dân.
- Tạm ngưng cung cấp nước khi độ mặn nguồn nước vượt ngưỡng cho phép, khi độ mặn nguồn nước xuống thấp hơn ngưỡng phép sẽ cấp nước trở lại phục vụ người dân.
- Tuyên truyền, phát tờ rơi, thông báo đến người dân biết để trang bị dụng cụ trữ nước theo qui mô hộ gia đình để sử dụng trong thời gian tạm ngưng cấp nước.
- Tăng cường ứng dụng các mạng xã hội tạo nhóm Zalo, Facebook...chia sẻ thông tin tình hình hạn mặn cho các trạm cấp nước, cập nhật thông tin, lưu trữ phản hồi từ các trạm, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cung cấp nước phục vụ người dân.
- Tiếp tục phân tuyến cấp nước trên các trạm cấp nước bị ảnh hưởng theo giờ, đảm bảo cấp cho người dân có đủ nước sử dụng trong thời gian hạn, xâm nhập mặn theo kế hoạch.
* Ngành Giáo dục-Đào tạo: Chuẩn bị các phuy, bồn chứa nước tại các điểm trường THPT, THCS, mầm non tại các huyện, thị xã.
* Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện chủ động huy động phương tiện, trang thiết bị của địa phương để tham gia ứng phó; trường hợp phương tiện, trang thiết bị không đáp ứng thì báo cáo Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh huy động phương tiện, trang thiết bị của các sở, ngành, đoàn thể tỉnh.
* Cấp xã: Huy động lực lượng chủ yếu là Đội xung kích PCTT của các xã, phường. Phương tiện thiết bị vật tư huy động tại xã, phường theo phương châm “Bốn tại chỗ”, kinh phí tự chủ của cơ sở.
III. NGUỒN VỐN CHO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Tổng vốn thực hiện Kế hoạch này ước tính: 1.682.293 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách (NS) Trung ương hỗ trợ: 1.335.000 triệu đồng;
- Vốn NS địa phương (tỉnh, huyện), kết hợp với Quỹ PCTT tỉnh và các nguồn hợp pháp khác: 235.814 triệu đồng;
- Vốn đơn vị cấp nước tự thực hiện: 101.450 triệu đồng;
- Vốn từ nguồn xã hội hóa và Nhân dân tự thực hiện: 10.029 triệu đồng.
Cụ thể như sau:
1. Công trình, dự án đề nghị Trung ương hỗ trợ
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tỉnh 1.335.000 triệu đồng để thực hiện các công trình cung cấp nước sạch, công trình thủy lợi tạo nguồn phục vụ phòng chống hạn, mặn, thiếu nước đảm bảo yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.
Trong đó:
a) Công trình/dự án cấp nước sạch
- Tổng cộng: 03 công trình/dự án;
- Ước kinh phí: 203.000 triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 4)
b) Công trình/dự án thủy lợi tạo nguồn, chống hạn, mặn
- Tổng cộng: 05 công trình/dự án;
- Ước kinh phí: 1.132.000 triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 4)
Ngoài ra, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai sớm các công trình thủy lợi thuộc dự án Công trình thủy lợi vùng Nam Măng Thít đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 3222/QĐ-BNN-KH ngày 20/7/2021.
2. Công trình, dự án do cấp tỉnh thực hiện
Cấp tỉnh dự kiến thực bảo dưỡng, sửa chữa các kênh nội đồng đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; đầu tư công trình giếng khoan khai thác nước ngầm; công tác tập huấn về phòng, chống hạn, mặn trong giai đoạn 2023-2025 với tổng kinh phí 124.018 triệu đồng.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn kinh phí dự toán được giao hàng năm (bao gồm các nguồn: Sự nghiệp thủy lợi, Sự nghiệp nước sạch nông thôn và Quỹ PCTT tỉnh để thực hiện danh mục công trình/dự án theo kế hoạch.
Riêng đối với các công trình giếng khoan khai thác nước ngầm: Sử dụng trong trường hợp hạn, mặn, thiếu nước xảy ra nghiêm trọng (cấp độ thiên tai cấp 2-3), hệ thống sông, rạch trong tỉnh bị nhiễm mặn hoàn toàn trên 1g/l, kéo dài hàng tháng, việc cấp nước mặt không thể được, đề nghị sử dụng nguồn Dự phòng ngân sách và Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 và Khoản 2, Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước, ngày 25/6/2015 để thực hiện các công trình này.
Cụ thể như sau:
a) Công trình thủy lợi
- Tổng cộng: 37 công trình;
- Ước kinh phí: 66.677 triệu đồng;
- Diện tích phục vụ: 8.135 ha;
- Chiều dài nạo vét: 183.549 m;
- Nguồn vốn: Sự nghiệp thủy lợi.
b) Công trình giếng khai thác nước ngầm
- Tổng cộng: 12 công trình;
- Ước kinh phí: 11.450 triệu đồng;
- Nguồn vốn: Sử dụng nguồn Dự phòng ngân sách tỉnh trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mà nguồn sự nghiệp thủy lợi và các nguồn hợp pháp khác không đủ để thực hiện.
c) Công trình nước sạch
- Tổng cộng: 14 công trình;
- Ước kinh phí: 45.441 triệu đồng;
- Nguồn vốn: Sự nghiệp nước sạch nông thôn do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư thực hiện.
d) Công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống hạn mặn
- Trong giai đoạn từ năm 2023-2025, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh dự kiến tổ chức các lớp tập huấn, treo băng rôn, khẩu hiệu...nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống hạn mặn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh với số tiền khoảng 450 triệu đồng.
- Nguồn vốn: Quỹ PCTT tỉnh.
(Chi tiết xem phụ lục số 5)
3. Công trình do cấp huyện thực hiện
UBND huyện, thị xã, thành phố sử dụng nguồn dự phòng ngân sách, quỹ phòng chống thiên tai và nguồn kinh phí khác do cấp huyện quản để đầu tư thực hiện 145 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, ước kinh phí: 82.830 triệu đồng.
(Chi tiết xem phụ lục số 6)
4. Công trình, phương tiện, thiết bị do cơ quan, đơn vị tự thực hiện
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có kế hoạch thực hiện các công trình, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn bằng nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị với tổng kinh phí khoảng 28.966 triệu đồng.
(Chi tiết xem phụ lục số 7)
Trên cơ sở danh mục thực hiện các công trình, mua sắm phương tiện, trang thiết bị tại Phụ lục số 7, các cơ quan, đơn vị xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch thực hiện hàng năm theo quy định (nếu có nhu cầu phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên lĩnh vực quản lý) từ các nguồn kinh phí được cấp cho cơ quan, đơn vị.
5. Vốn đơn vị cấp nước tự thực hiện:
Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch & VSMTNT (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và sửa chữa nhỏ 30 công trình nước sạch do Trung tâm quản với tổng kinh phí thực hiện 101.450 triệu đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
(Chi tiết xem phụ lục số 8)
6. Nguồn xã hội hóa và người dân tự thực hiện
a) Nguồn xã hội hóa
Dự kiến sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước sạch nhằm hỗ trợ người dân khó khăn trong vùng hạn, mặn. Ước kinh phí huy động: 10.029 triệu đồng.
(Chi tiết xem phụ lục số 8)
b) Bơm tát chống hạn cho lúa, rau màu
UBND cấp huyện, xã vận động các tổ chức (Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất, nông dân) sử dụng các phương tiện bơm tác hiện có (trạm bơm, điểm bơm, máy bơm) tự tổ chức bơm tưới, đảm bảo cấp nước cho diện tích lúa, rau màu.
c) Thủy lợi nội đồng
Nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công, vật tư, mặt bằng đất đai; cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, tích cực trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
7. Nhu cầu khác: Ngoài ra, ngành Giáo dục - Đào tạo và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ trữ, chứa nước tưới, nước sinh hoạt (bồn, túi, máy lọc nước...) tại các điểm trường, cơ sở giáo dục, đào tạo.
8. Những tài sản cố định, công cụ dụng cụ lâu bền được mua sắm, trang bị khi thực hiện kế hoạch cần thực hiện quy trình, thủ tục theo đúng quy định và quản lý sử dụng theo đúng quy định Luật quản lý, sử dụng tài sản công (đối với việc mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, lực lượng vũ trang tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; đồng thời phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền giúp cho các ngành, các cấp, nhân dân nhận thức được tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô dưới tác động của hiện tượng El Nino giai đoạn từ năm 2023-2025 để chuẩn bị tốt kế hoạch phòng, chống.
Phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong chuyển đổi cơ cấu, thời vụ, kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước trong mùa khô;
Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh kịp thời bố trí nguồn ngân sách tỉnh và sử dụng hiệu quả Quỹ Phòng, chống thiên tai thực hiện công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn theo Kế hoạch;
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh xây dựng các phương án vận hành các cống ngăn mặn và cấp nước ngọt tưới cho vùng giáp ranh với tỉnh Trà Vinh (đặc biệt là vùng ven sông Cổ Chiên, khu vực cống Nàng Âm, cống Cái Hóp, cống Tân Dinh);
Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi-Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức đo mặn, đo mực nước, theo dõi và phối hợp thường xuyên với các cơ quan khí tượng- thủy văn của tỉnh, khu vực và Trung ương, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Tổng cục Thủy lợi theo dõi diễn biến tình hình, thông báo kịp thời cho UBND các huyện, thị, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và nhân dân để có biện pháp chỉ đạo, đối phó;
Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm, Công Ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh (quản lý cống Cái Hóp và cống Tân Dinh) và Cty TNHH MTV khai thác thủy lợi Miền Nam (quản lý cống Vũng Liêm) vận hành các cống đã được phân cấp quản lý khai thác theo quy trình đã duyệt, đảm bảo ngăn mặn, cấp nước phục vụ sản xuất;
Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch sửa chữa, vận hành các trạm cấp nước tập trung nông thôn, trữ nước và đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, mặn;
Phối hợp xử lý dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người;
Trường hợp xâm nhập mặn, thiếu nước có thể xảy ra ở mức “rất nghiêm trọng” thì kịp thời tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành phương án ứng phó.
Hàng tuần tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giữa mùa khô, kết thúc hạn, mặn có sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết. Cuối mùa có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
Xây dựng kế hoạch phối hợp, chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ các huyện nhu cầu ứng phó với hạn, mặn theo Kế hoạch đã đề ra theo khả năng cân đối ngân sách tỉnh.
4. Sở Công thương
Chỉ đạo các đơn vị quản lý điện có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và dân sinh, ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm điện và các nhà máy, trạm cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ công tác chống hạn, mặn xâm nhập theo Kế hoạch này.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan khí tượng-thủy văn, tăng cường dự báo, nhận định diễn biến khí tượng-thủy văn, tình hình hạn, mặn, nguồn nước và hỗ trợ giải quyết mặt bằng thi công các công trình phòng, chống hạn, mặn cấp bách (nếu có).
Phối hợp tăng cường truyền thông về bảo vệ nguồn nước, môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường nơi có dịch bệnh xảy ra trong vùng hạn, mặn và triển khai thực hiện các công trình giếng khoan khai thác nước ngầm khi có yêu cầu.
6. Sở Khoa học - công nghệ
Phối hợp tổ chức triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực thủy lợi: về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây trồng, hỗ trợ nông dân giảm thiệt hại trong ứng phó với hạn, mặn.
7. Sở Y tế
Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở chủ động kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh khi hạn hán, thiếu nước, nắng nóng xảy ra gay gắt, kéo dài.
Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn môi trường đặc biệt tại các huyện bị nhiễm mặn cao; tăng cường truyền thông về bảo vệ nguồn nước, môi trường, về sử dụng nước an toàn, hợp vệ sinh; lên phương án kiểm soát bệnh tật, tiêu độc sát trùng để phòng tránh bùng phát dịch bệnh.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học tăng cường trữ, cấp nước sạch đảm bảo phục vụ cho học viên.
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường truyền thông về bảo vệ nguồn nước, môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học.
9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì tổng hợp nhu cầu hỗ trợ nhân dân các vùng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ khó khăn..., Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ theo quy định.
10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long và các cơ quan thông tin, đại chúng tại Vĩnh Long đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cho từng cấp, từng ngành, các tổ chức, đơn vị và từng người dân về tác động của hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện, nước; kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.
11. Hội chữ Thập đỏ tỉnh
Tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Trung ương và các tổ chức trong và ngoài tỉnh để giúp cho các địa phương, nhân dân gặp khó khăn, bị thiệt hại tại các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn.
12. Tỉnh Đoàn
Huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, tham gia các hoạt động cải thiện môi trường, khai thông dòng chảy, phòng, chống dịch bệnh...tại vùng xảy ra hạn, mặn.
13. Các ngành đoàn thể - Xã hội:
Phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền trong ứng phó với hạn, mặn, tuyên truyền, vận động nhân dân tích trữ nước, thực hiện phòng, tránh dịch bệnh do thiếu nước, do xâm nhập mặn gây ra...
14. Các đơn vị cấp nước sạch
Công ty cổ phần cấp nước Vĩnh Long có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực được cơ quan có thẩm quyền phân vùng, đặc biệt chú trọng đến khu vực cấp nước của Công ty thuộc địa bàn các huyện bị ảnh hưởng độ mặn cao như: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Long Hồ, đặc biệt chú trọng đến phương án vận chuyển nước ngọt (bằng phương tiện xà lan, xe bồn...) cấp nước khu vực cấp nước thuộc địa bàn các huyện bị ảnh hưởng độ mặn cao.
15. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long
Tăng cường thông báo, thông tin về khí tượng thủy văn, diễn biến và dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long để người dân và các cơ quan chức năng biết để có biện pháp ứng phó kịp thời.
16. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Triển khai nội dung Kế hoạch đến các ban, ngành và UBND cấp xã, nhân dân thực hiện; Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh có liên quan trong triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, thông tin về diễn biến hạn, mặn và tổ chức thực hiện các dự án, công trình thủy lợi, nước sạch do tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện, sớm đưa vào sử dụng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng để thi công nhanh những công trình chống hạn, mặn (nếu có).
Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo ứng phó hạn, mặn theo cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định hiện hành.
17. Các tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn phải chịu sự điều động và chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân-Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đảm bảo cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất trong thực hiện Kế hoạch.
18. Căn cứ vào Kế hoạch này, các sở, ban, ngành tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn xâm nhập riêng của ngành, lĩnh vực, của địa bàn quản lý, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Giữa mùa khô, kết thúc hạn, mặn có sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết. Cuối mùa có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cụ thể Kế hoạch này đến các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã và thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 3735/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 2Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2023 về Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2023-2025
- 3Kế hoạch 202/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 1Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 2Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- 5Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Quyết định 3735/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 8Nghị định 66/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi
- 9Công văn 3222/BNN-TL năm 2023 tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 397/CĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2023 về Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2023-2025
- 11Kế hoạch 202/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Quyết định 2999/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 2999/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/12/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Nguyễn Văn Liệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra