Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2993/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ĐÁP ỨNG VỚI TÌNH HUỐNG KHI CÓ 1.000 CA MẮC COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị định số 129/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ giao chỉ tiêu huy động ngành y tế khi có chiến tranh và tình trạng khẩn cấp;

Căn cứ Quyết định số 07/QĐ-BCĐQG ngày 30/3/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giường cách ly và giường bệnh tại cơ sở y tế để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;

Căn cứ Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2);

Căn cứ Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các Khu vực điều trị người bệnh COVID-19;

Căn cứ Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ Y tế về việc Ban hành “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”;

Căn cứ Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”;

Căn cứ Quyết định số 277/QĐ-BCĐQG ngày 08/7/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc Phê duyệt phương án đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 30.000 người mắc COVID-19;

Căn cứ Kế hoạch số 162/KH-BCĐ ngày 12/5/2021 của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh về việc đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona (COVID-19) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Văn bản số 2910/SYT-NVY ngày 13/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án đáp ứng với tình huống khi có 1.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (có Phương án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh); Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ban Chỉ đạo QG PCD COVID-19;
- Bộ Y tế;
- Cục Quản lý KCB - Bộ Y tế;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ PCD COVID-19 tỉnh;
- PCVP Trần Tuấn Nghĩa;
- Trung tâm CB-TH;
- Lưu: VT, VX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Trọng Hải

 

PHƯƠNG ÁN

ĐÁP ỨNG VỚI TÌNH HUỐNG KHI CÓ 1.000 CA MẮC COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh)

Để chủ động, sẵn sàng trước mọi tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Phương án đáp ứng với tình huống khi có 1.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như sau:

I. MỤC TIÊU

- Nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và trong tình huống khi có 1.000 người mắc bệnh trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế. Ngăn chặn và phát hiện sớm, cách ly triệt để các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, khoanh vùng và xử lý kịp thời các ổ dịch không để lan rộng trong cộng đồng; hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.

- Đảm bảo 1.000 giường bệnh, 20.000 giường cách ly để kịp thời tiếp nhận, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19 và các trường hợp cần cách ly tập trung; đảm bảo 100% ca mắc và trường hợp F1 được cách ly, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.

II. CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH TỔNG THỂ

Thực hiện các hoạt động như cấp độ 5 trong Kế hoạch số 162/KH-BCĐ ngày 12/5/2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch bệnh COVID-19 tỉnh về việc đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời, thực hiện các nội dung sau:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Chỉ đạo các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020/Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020/Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ (tùy tình hình thực tế) để thực hiện giãn cách xã hội, khoanh vùng, cách ly y tế vùng có dịch phù hợp với từng tình huống, diễn biến dịch bệnh.

- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp thường trực 24/24 giờ, triển khai ngay các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 theo từng tình huống, sát với thực tế diễn biến tình hình dịch. Cập nhật, báo cáo thường xuyên về tình hình dịch COVID-19 và tổ chức thực hiện kịp thời các nội dung chỉ đạo, điều hành của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của tỉnh.

- Thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ tại các địa phương cấp xã, cấp huyện; hướng dẫn, hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp với mỗi cấp độ nguy cơ đối với từng địa phương.

- Chỉ đạo việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, cách ly y tế (tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung) theo phương án đã xây dựng.

- Chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch COVID-19 ở phạm vi quy mô dịch lớn. Huy động toàn thể lực lượng xã hội tham gia các hoạt động chống dịch; tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhằm đạt hiệu quả nhất. Tiếp nhận, điều động nhân lực của ngành, nguồn hỗ trợ từ các Bệnh viện tuyến Trung ương, các trường đại học, cao đẳng, tình nguyện viên của các tỉnh để hỗ trợ triển khai truy vết, xét nghiệm, điều trị. Bố trí đủ cán bộ trực, làm nhiệm vụ luân phiên, có nguồn cán bộ dự phòng, thay thế khi có nhiều cán bộ phải nghỉ việc vì mắc bệnh.

- Thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ” để ổn định xã hội; sẵn sàng triển khai các phương án hoạt động duy trì dịch vụ thiết yếu, đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh ở cấp độ cao nhất: Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông vận tải, điện, điện thoại, internet, xăng dầu, năng lượng, lương thực, thực phẩm, nước sạch, vệ sinh môi trường, đặc biệt khi có tình trạng khẩn cấp.

- Tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát người cách ly y tế tại các khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa; cách ly tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn; công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn.

2. Ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào địa bàn

- Căn cứ Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19 để đánh giá mức độ nguy cơ của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo các mức độ: “Bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao” tương ứng “Vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ”. Các địa phương thiết lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người vào địa bàn cấp xã, cấp huyện để giữ vững “vùng xanh” khoanh chặt “vùng đỏ” theo phương châm “xã bảo vệ xã, huyện bảo vệ huyện, tỉnh bảo vệ tỉnh”.

- Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: Trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

- Thực hiện các biện pháp ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài vào địa bàn:

Siết chặt quản lý người từ vùng có dịch COVID-19 về địa phương; tăng cường kiểm soát, nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, bờ biển, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở.

Tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân phòng, chống dịch”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”;  khi phát hiện người từ vùng dịch, người lạ xuất hiện tại địa phương, nhân dân báo ngay cho cơ quan chức năng, người có trách nhiệm trên địa bàn. Đảm bảo tất cả người dân thông báo cho cơ quan y tế khi xuất hiện các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác…; tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ gia đình tham gia giám sát chặt chẽ người từ các tỉnh, thành phố, người nhập cảnh về trên địa bàn để kịp thời báo với cơ quan chức năng. Tổ COVID cộng đồng, tổ liên gia thường xuyên giám sát, kiểm tra phát hiện các trường hợp sốt, ho, khó thở, mất vị giác,…, người từ các tỉnh, thành phố, người nhập cảnh về trên địa bàn.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn liên lạc, kêu gọi, vận động con em, người thân đang làm ăn/sinh sống tại các địa phương có thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ở lại địa bàn cư trú theo nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy”; không nên tự ý về địa phương gây lây lan dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung; bàn giao, tiếp nhận và giám sát y tế sau khi cách ly tập trung; quản lý các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm và những người có liên quan.

3. Giám sát, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch

3.1. Giám sát, phát hiện sớm, xét nghiệm SARS-CoV-2

- Nâng cao năng lực giám sát của các đội đáp ứng nhanh từ tuyến tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã; tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ. Thực hiện việc giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để triển khai các biện pháp xử lý.

- Tổ chức điều tra, theo dõi chặt chẽ người tiếp xúc với nguồn lây nhiễm để áp dụng các biện pháp phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

- Áp dụng các giải pháp công nghệ trong các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 (xét nghiệm, truy vết, giám sát cách ly, tiêm vắc xin...) cùng với các ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang được triển khai như bản đồ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn), bản đồ COVID-19 hằng ngày; khai báo y tế bắt buộc toàn dân, khai báo y tế điện tử.

- Tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ phòng chống COVID-19 dựa vào cộng đồng, Tổ truy vết COVID-19, Tổ an toàn COVID tại các doanh nghiệp trong việc rà soát người từ vùng dịch về, các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp ho, sốt,... trong cộng đồng, doanh nghiệp và cơ sở y tế.

- Kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh, thường xuyên cập nhật vùng dịch tễ; tổ chức đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Kích hoạt và duy trì các tổ truy vết từ tỉnh đến huyện, xã; thực hiện truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2 để khoanh vùng, phong tỏa khu vực ổ dịch, cách ly y tế vùng dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

- Giám sát chặt chẽ người bệnh, người nhà người bệnh khi tới cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, thường xuyên bật Bluezone điện thoại để sử dụng. Hạn chế người nhà người bệnh vào chăm sóc bệnh nhân, đối với bệnh nhân nặng thực hiện “Mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người nhà thăm nuôi cố định”.

- Tăng cường hoạt động các chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh tại các cửa ngõ ra/vào tỉnh bằng đường bộ và các ga tàu, bến cảng.

- Duy trì giám sát chủ động đối với lái xe và các phương tiện vận tải đi, đến từ vùng dịch.

- Thực hiện xét nghiệm sàng lọc diện rộng (Test nhanh kháng nguyên và RT-PCR) để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, phục vụ cho việc truy vết, cách ly, ngăn chặn nguồn lây kịp thời.

Các trường hợp liên quan đến các ổ dịch, người đến/về từ ổ dịch, người dân khu vực xung quanh ổ dịch, xét nghiệm ngẫu nhiên tại cộng đồng, hộ gia đình theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.

Các trường hợp bệnh nhân có nguy cơ, người ho, sốt,... đến khám bệnh, xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ nhân viên y tế, nhân viên cung cấp dịch vụ của đơn vị; bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Chủ động xét nghiệm định kỳ cho công nhân, người lao động làm việc tại các vị trí có nguy cơ cao và xét nghiệm ngẫu nhiên theo quy định.

3.2. Cách ly, khoanh vùng dập dịch

- Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới, cách ly những trường hợp mắc bệnh và các trường hợp nghi ngờ tại các ổ dịch.

- Tổ chức các hình thức cách ly phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc với ca mắc (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp, khách sạn tự trả phí...). Tùy thuộc diễn biến tình hình dịch bệnh để áp dụng cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương củng cố, triển khai khu cách ly tập trung của tỉnh.

- Các huyện, thành phố, thị xã: Mỗi địa phương chủ động chuẩn bị phương án để cách ly y tế theo số lượng được giao (cách ly tập trung và cách ly F1 tại nhà).

- Cách ly y tế tại các khu công nghiệp: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... xây dựng các phương án triển khai khu cách ly y tế tập trung tại từng công ty, doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng tối thiểu 20% số công nhân, người lao động để thực hiện cách ly tập trung cho các đối tượng phải cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 tỉnh khi có các tình huống xảy ra.

- Quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung, không để lây nhiễm trong khu cách ly và lây nhiễm ra ngoài khu cách ly. Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong vùng cách ly, phong tỏa.

- Điều động, huy động tối đa các lực lượng tham gia các hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, giám sát, phát hiện trường hợp mắc bệnh, tiêm chủng, lấy mẫu và xét nghiệm:

Huy động nhân lực bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, lực lượng sinh viên Trường Cao đẳng Y tế năm cuối.

 Huy động lực lượng tình nguyện viên:  Lực lượng thanh niên tình nguyện, các lực lượng tình nguyện khác: phụ nữ, cựu chiến binh, giáo viên...

4. Biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm

- Tùy theo tình hình, diễn biến dịch bệnh thực tế tại từng địa phương để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020/Chỉ thị 16/CT-TTg ngày   31/3/2020/Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai các biện pháp giãn cách xã hội hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) áp dụng ở phạm vi phù hợp, tối ưu nhất có thể, đảm bảo kiểm soát được các yếu tố nguy cơ nhưng không ảnh hưởng tới an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giao thông.

- Yêu cầu thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

- Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

- Thực hiện kiểm dịch và xử lý y tế đối với người, phương tiện ra/vào vùng có dịch bệnh tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo các quy định.

- Quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở cách ly tự nguyện chi trả; thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly, không để lây nhiễm trong khu cách ly và lây nhiễm ra ngoài khu cách ly.

- Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong vùng cách ly. Chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho người dân trong vùng dịch, khu cách ly, phong tỏa.

- Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng.

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở triển khai phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị phù hợp, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời gian, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

5. Công tác hậu cần

- Đảm bảo đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch và điều trị COVID-19: Định mức theo quy định của Bộ Y tế.

- Đảm bảo duy trì đủ vật tư hóa chất, sinh phẩm triển khai xét nghiệm (bao gồm: Xét nghiệm Test nhanh kháng nguyên và RT-PCR) để đáp ứng yêu cầu xét nghiệm diện rộng, giám sát dịch tễ, truy vết, khoanh vùng xử lý ổ dịch tại cộng đồng.

- Huy động các nguồn lực tài chính; sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tiếp cận vắc xin phòng COVID-19; đảm bảo cơ số vắc xin để mở rộng đối tượng tiêm chủng nhiều nhất có thể.

- Triển khai các biện pháp bảo đảm cung cấp thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm và dịch vụ thiết yếu cho người dân vùng có dịch phải cách ly, phong tỏa.

- Tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn duy trì phát triển sản xuất.

- Tiếp tục huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ, hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương, trưng mua, trưng dụng, điều động nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch phù hợp.

- Duy trì thực hiện các biện pháp kiểm soát giá các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư hóa chất phòng chống dịch.

- Đảm bảo kinh phí chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

6. Công tác truyền thông

- Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế bằng tờ khai y tế hoặc tại địa chỉ: https://tokhaiyte.vn/, nghe gọi điện thoại qua Hệ thống Robotcall khi đến/về từ các địa phương khác. Thực hiện cài đặt  Bluezone tại địa chỉ: https://bluezone.gov.vn/, thường xuyên bật Bluetooth điện thoại để sử dụng và các ứng dụng khác. Cài đặt mã QR-code tại các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Cập nhật tình hình dịch bệnh, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Cập nhật kịp thời các thông báo khẩn, lịch trình di chuyển của bệnh nhân mắc COVID-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tránh hoang mang.

- Tổ chức tốt hoạt động đường dây nóng của Sở Y tế: 0965.341.616; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: 0961.202.026; Bệnh viện đa khoa tỉnh: 0912.303.177/0913.294.205 và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận và cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.

- Căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh đối với từng khu vực:

Yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo phòng chống dịch, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Khuyến cáo người dân cách ly tại nhà, hàng ngày đo nhiệt độ cơ thể. Nếu có biểu hiện mắc bệnh (sốt, ho, khó thở,…) phải liên hệ các số điện thoại đường dây nóng để được tư vấn và đến cơ sở y tế để được khám, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo dõi và điều trị kịp thời.

III. PHƯƠNG ÁN TIẾP NHẬN ĐIỀU TRỊ 1.000 BỆNH NHÂN COVID-19

1. Chỉ tiêu giường bệnh Điều trị COVID-19:

a) Dự kiến số lượng: 1.000 giường

b) Phân bổ giường bệnh điều trị cho các cơ sở điều trị COVID-19 theo mức độ bệnh (căn cứ kết quả thống kê mức độ lâm sàng bệnh nhân COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế, phân loại bệnh nhân theo các nhóm như sau: 54% không có triệu chứng lâm sàng; 40% mức độ vừa, nhẹ; 06% mức độ nặng, nguy kịch, thở máy, ECMO). Với 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19, dự kiến số giường bệnh tương ứng với số lượng bệnh nhân với các mức độ lâm sàng như sau:

- Không có triệu chứng lâm sàng: 540 bệnh nhân;

- Mức độ nhẹ, vừa: 400 bệnh nhân;

- Mức độ nặng, nguy kịch, thở máy, ECMO: 60 bệnh nhân (giường hồi sức tích cực ICU và giường hồi sức cấp cứu); Cụ thể như sau:

STT

Đơn vị

Giường bệnh phân bổ theo mức độ bệnh

Nặng, nguy kịch, thở máy

Vừa, nhẹ

Không triệu chứng hoặc nhẹ

1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Khoa Truyền nhiễm và Khu điều trị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch - ICU)

60

120

 

2

Bệnh viện Đa khoa Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

 

100

 

3

Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh

 

70

80

4

Bệnh viện Phổi

 

110

 

5

Khu cách ly Mitraco

 

 

460

Cộng số GB theo mức độ bệnh

60

400

540

Tổng số giường bệnh

1.000

c) Trình tự bố trí bệnh nhân:

- Bệnh nhân nặng, nguy kịch: Bố trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Khoa Truyền nhiễm và Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch - ICU).

- Bệnh nhân mức độ vừa, nhẹ: Bố trí tại BVĐK Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Bệnh nhân không triệu chứng và mức độ nhẹ: Khu cách ly theo dõi y tế người nhiễm SARS-CoV-2 chưa có triệu chứng trong Khu cách ly tập trung tại Khu nhà ở thí điểm cho công nhân và người lao động thuê của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Khu cách ly Mitraco).

2. Bố trí nguồn nhân lực:

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Khoa Truyền nhiễm và Khu điều trị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch - ICU): Do Bệnh viện tự đảm bảo; huy động tình nguyện viên và các lực lượng hỗ trợ vòng ngoài; khi cần thiết huy động CBYT từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và các đơn vị trong Ngành hỗ trợ.

- Bệnh viện ĐKKV Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo: Do Bệnh viện tự đảm bảo, trong trường hợp cần thiết huy động cán bộ y tế thuộc TTYT huyện Hương Sơn và các đơn vị trong Ngành hỗ trợ.

- Bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh: Do đơn vị tự đảm bảo, trong trường hợp cần thiết huy động nhân lực từ các đơn vị trong Ngành hỗ trợ.

- Khu cách ly theo dõi y tế người nhiễm SARS-CoV-2 chưa có triệu chứng trong Khu cách ly Mitraco:

Dự kiến nhân lực Y tế: 125 người (25 bác sĩ, 65 điều dưỡng, 10 kỹ thuật viên XN/XQ; 05 hộ sinh, 20 hộ lý. Nguồn nhân lực huy động nhân lực từ các đơn vị trong ngành Y tế trên địa bàn tỉnh (công lập và ngoài công lập), Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh.

Nhân lực đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ, hỗ trợ: Lực lượng công an 50 người, Lực lượng quân sự/Dân quân tự vệ 50 người; huy động tình nguyện viên, đoàn thanh niên hỗ trợ công tác hậu cần, vệ sinh môi trường.

3. Trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện

Trên cơ sở số lượng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu hiện có tại các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện mua sắm số lượng vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu sử dụng thực tế theo số lượng người bệnh COVID-19.

3.1. Thiết bị y tế

- Tuỳ theo tình hình dịch, huy động các thiết bị y tế phù hợp (tỷ lệ người bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp ước tính khoảng 6%) để huy động các thiết bị y tế phù hợp.

- Các thiết bị chủ yếu:

Máy thở và các phương tiện hỗ trợ hô hấp.

Thiết bị theo dõi người bệnh: Máy đo độ bão hoà oxy...

Thiết bị chẩn đoán và xét nghiệm: Máy X quang di động, buồng/máy rửa phim, áo chì, các cỡ phim, máy xét nghiệm sinh hoá, huyết học tự động, siêu âm xách tay, phòng điều trị cách ly di động.

Phương tiện vận chuyển người bệnh: Xe cứu thương, cáng, xe đẩy.

Phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế và người bệnh.

Phương tiện lấy mẫu bệnh phẩm và vận chuyển mẫu.

Phương tiện khử khuẩn, thu gom và vận chuyển chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ y tế.

Giường bệnh: Huy động giường bệnh sẵn có của các cơ sở y tế. Giường hồi sức cấp cứu: Số giường theo ước tính tỷ lệ người bệnh nặng 6%; Giường bệnh thường/nhẹ: Sử dụng giường xếp để tiện vận chuyển...

(Chi tiết tại Phụ lục I.1).

3.2. Thuốc, hoá chất, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ

- Thuốc kháng vi rút.

- Thuốc kháng sinh.

- Các thuốc hồi sức, dịch truyền.

- Các trang thiết bị cấp cứu thông thường.

- Vật tư tiêu hao: bơm kim tiêm, dây truyền dịch, bông, băng...

- Phương tiện chăm sóc người bệnh.

- Hoá chất khử khuẩn.

- Đồ vải.

- Phương tiện vệ sinh buồng bệnh, buồng kỹ thuật.

(Chi tiết tại Phụ lục I.2, I.3).

4. Các điều kiện hậu cần bảo đảm:

- Sử dụng hệ thống hậu cần thiết yếu có sẵn của các bệnh viện/trung tâm y tế và cơ sở tiếp quản;

- Hệ thống điện và máy phát điện đáp ứng đủ công suất;

- Hệ thống cấp nước, nước sạch, dụng cụ chứa nước sạch, nước nóng;

- Các thiết bị văn phòng, sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ bệnh án, máy Fotocopy, tủ đựng tài liệu, bàn ghế làm việc, hệ thống thông tin liên lạc;

- Giường và buồng nghỉ cho nhân viên y tế và người phục vụ;

- Bảng/biển chỉ dẫn, cảnh báo;

- Đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm thiết yếu, cung cấp suất ăn cho bệnh nhân, nhân viên y tế và các lực lượng làm việc tại bệnh viện/khu cách ly theo dõi. Người bệnh được cung cấp suất ăn và ăn uống tại buồng bệnh;

- Xe cứu thương: Huy động các đơn vị trong Ngành và hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn tỉnh;

- Phương tiện phân loại, thu gom và lưu giữ chất thải tạm thời.

5. Bố trí tổ chức hoạt động của bệnh viện/khu điều trị COVID-19

Bố trí khu vực hoạt động, vị trí làm việc của các khoa/bộ phận theo nguyên tắc: Phân chia thành 3 khu vực theo mức độ nguy cơ lây nhiễm:

- Khu vực 1: Vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm: Khu khám và điều trị; Khu kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý chất thải.

- Khu vực 2: Vùng có nguy cơ lây nhiễm trung bình, gồm: Khu vực xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; khu cấp phát thuốc và vật tư hóa chất, khu hành chính/làm việc của kíp chăm sóc, điều trị bệnh nhân…

- Khu vực 3: Vùng có nguy cơ lây nhiễm thấp: Khu điều hành, khu hành chính của các phòng chức năng, khu hậu cần, dinh dưỡng, khu nghỉ ngơi của kíp cán bộ y tế làm việc tại Khu vực 1; khu cách ly cán bộ y tế sau khi hết thời gian phục vụ tại Khu vực 1

6. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm

6.1. Phương tiện, hóa chất: Bệnh viện bảo đảm các phương tiện, hóa chất để khử khuẩn, tiệt khuẩn; phương tiện phòng hộ cho CBYT tùy theo tình huống sử dụng.

6.2. Phân luồng tiếp nhận, điều trị: Bố trí lối đi của bệnh nhân, lối đi của nhân viên y tế và các lực lượng phục vụ; thực hiện đúng hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.

6.3. Vệ sinh môi trường; khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ; quản lý chất thải: Thực hiện theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ Y tế, Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

- Chất thải rắn phát sinh từ khu vực điều trị, cách ly: Được phân loại, thu gom, đóng kín, phun khử khuẩn, chuyển đến khu lưu giữ chất thải lây nhiễm của bệnh viện/TTYT/Khu cách ly theo dõi, cơ sở điều trị F0 do Công ty TNHH MTV Chế biến Chất thải công nghiệp Hà Tĩnh thu gom, vận chuyển, xử lý.

- Chất thải thông thường: Đảm bảo phân loại thu gom đúng, được xử lý bằng phun khử khuẩn dung dịch chứa 0,1 - 0,125% Clo hoạt tính, vận chuyển và xử lý như chất thải thông thường.

- Chất thải lỏng theo hệ thống xử lý chất thải lỏng hiện có của các bệnh viện/TTYT/Khu cách ly theo dõi, cơ sở điều trị F0.

IV. PHƯƠNG ÁN CÁCH LY Y TẾ TẬP TRUNG CÁC TRƯỜNG HỢP F1 VÀ NGƯỜI TỪ VÙNG CÓ DỊCH COVID-19 ĐẾN/VỀ TRÊN ĐỊA BÀN

1. Căn cứ để tính số lượng cách ly: Trung bình cứ 01 bệnh nhân dương tính có 10-15 F1 và 100 F2 (số liệu được tính theo thực tế mức độ lây nhiễm trung bình trên cả nước trong thời gian qua của Bộ Y tế).

2. Chỉ tiêu số lượng giường cách ly: Dự kiến 20.000 giường

TT

Tên cơ sở

Số giường chỉ tiêu

I

Cấp tỉnh

1.500

1

Trung tâm Huấn luyện dự bị động viện

200

2

Trung đoàn 841

130

3

Ký túc xá Đại học Hà Tĩnh

850

4

Khu Hải quan (Cổng B Ban Quản lý cửa khẩu Cầu Treo)

320

II

Cấp huyện

18.500

1

Thị xã Kỳ Anh

2.000

2

Thành phố Hà Tĩnh

2.000

3

Huyện Kỳ Anh

1.500

4

Huyện Cẩm Xuyên

1.500

5

Huyện Hương Khê

1.500

6

Huyện Thạch Hà

1.500

7

Huyện Can Lộc

1.500

8

Huyện Hương Sơn

1.500

9

Huyện Nghi Xuân

1.500

10

Huyện Đức Thọ

1.000

11

Huyện Lộc Hà

1.000

12

Huyện Vũ Quang

1.000

13

Thị xã Hồng Lĩnh

1.000

Cộng I II

20.000

3. Định mức nhân lực phục vụ và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của các khu cách ly tập trung:

Định mức điện, nước sinh hoạt, nước uống, hóa chất, vật tư trang thiết bị y tế; phương tiện bảo hộ phòng chống lây nhiễm, nhân lực phục vụ thực hiện theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 18/9/2021, Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 và Văn bản số 1679/BYT-KH-TC ngày 31/3/2020 của Bộ Y tế.

V. PHƯƠNG ÁN XÉT NGHIỆM

1. Đối tượng xét nghiệm: Chia làm 3 nhóm theo mức độ ưu tiên như sau:

1.1. Nhóm đối tượng ưu tiên 1:

- Tất cả những người trong khu vực phong tỏa hoặc liên quan yếu tố dịch tễ với ca bệnh có triệu chứng nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở y tế có biểu hiện: Sốt, ho, đau họng, hội chứng cảm cúm, mất khứu giác, viêm đường hô hấp…

- Người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc COVID-19 (F1).

- Tất cả trường hợp xét nghiệm mẫu gộp có kết quả dương tính hoặc nghi ngờ.

- Đối tượng test nhanh nghi ngờ dương tính trong cộng đồng.

- Bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.

1.2. Nhóm đối tượng ưu tiên 2:

- Các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 các cấp.

- Nhân viên y tế tại các cơ sở y tế (cả ngoài công lập), bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh, cán bộ, học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng y tế Hà Tĩnh.

- Các trường hợp thuộc nhóm F2 đang cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; người có liên quan dịch tễ, đi từ vùng có dịch và có nguy cơ cao.

- Tất cả những người đang cách ly theo quy định (bao gồm ở khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà).

- Người dân trong cộng đồng tại khu vực có ổ dịch được xác định, người dân trong khu vực phong tỏa; đại diện hộ gia đình cho cả huyện, thành phố, thị xã hoặc một số xã, phường, thị trấn khi xác định có yếu tố nguy cơ.

- Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Người lao động nguy cơ cao (người đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều với người ngoài, đại diện hộ dân quanh khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nơi ở trọ của công nhân).

- Đại biểu tham gia các cuộc họp, hội nghị quan trọng của trung ương, của tỉnh; một số hoạt động, sự kiện… khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

- Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ… làm việc tại cơ quan chủ chốt của tỉnh (Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh…) xét nghiệm theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh.

- Người làm nhiệm vụ (tại các khu vực cách ly, phong tỏa, tại cộng đồng, cơ sở y tế) có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh COVID-19.

- Chợ đầu mối, chợ truyền thống, tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi: Ban quản lý, bảo vệ, trông xe, người bán hàng thường xuyên, nhân viên thu ngân, khu vực xung quanh chợ.

1.3. Nhóm đối tượng ưu tiên 3: Tùy theo tình hình diễn biến dịch, thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên theo tỉ lệ các đối tượng sau:

- Người làm nhiệm vụ tại các khu vực cách ly, phong tỏa, các khu vực có dịch (khi kết thúc thời gian làm nhiệm vụ).

Giáo viên, học sinh ... khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Một số cơ quan có giao dịch nhiều với người dân: Trung tâm hành chính công các cấp, Quầy thuốc, Ngân hàng; Cơ quan thuế; Kho bạc; Bưu điện; Bộ phận một cửa; một số sở ngành…

Tại các bến xe, bến tàu: Ban quản lý, nhân viên bán vé, bảo vệ, xe ôm, một số lái xe taxi, lái xe khách, xe tải đường dài.

Tại một số khách sạn, nhà nghỉ có lượng khách lớn: Ban quản lý, lễ tân, nhân viên phục vụ, chủ cơ sở.

- Công nhân, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các địa phương cấp huyện.

2. Kỹ thuật lấy mẫu, xét nghiệm

2.1. Xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2:

Áp dụng đối với người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 3; ngoài ra tùy theo tình hình, diễn biến dịch bệnh và ý kiến chỉ đạo của BCĐ tỉnh, có thể áp dụng đối với người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 1, ưu tiên 2

Thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm test nhanh kháng nguyên đơn lẻ, số lần xét nghiệm: 1 lần/người.

2.2. Phương pháp RT-PCR

a) Xét nghiệm PCR mẫu đơn

Áp dụng đối với người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 1. Cụ thể:

- Đối với F1: lấy mẫu và xét nghiệm đơn lẻ (không thực hiện gộp que và gộp xét nghiệm), số lần xét nghiệm: 4 lần/người.

- Các đối tượng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 1 còn lại: lấy mẫu đơn, số lần xét nghiệm: 1 lần/người. Chỉ định lấy mẫu lần 2 trong một số trường hợp cụ thể.

b) Xét nghiệm PCR mẫu gộp

Áp dụng đối với người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 2. Ngoài ra tùy theo tình hình, diễn biến dịch bệnh và ý kiến chỉ đạo của BCĐ tỉnh, có thể áp dụng đối với người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 3. Cụ thể:

- Đối với người dân tại khu vực có ổ dịch, trong khu vực phong tỏa:

Lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình (có thể tăng tần suất nếu cần, tùy theo diễn biến dịch), lấy mẫu gộp tất cả thành viên trong nhà ở/hộ gia đình ngay để đánh giá nguy cơ và đánh giá tình hình dịch.

- Đối với F2 và các đối tượng còn lại:

Lấy mẫu gộp (lấy mẫu theo hình thức gộp 5 que lấy dịch tỵ hầu vào 1 ống môi trường bảo quản, có thể gộp 6-10 que), số lần xét nghiệm: 1 lần/người. Chỉ định lấy mẫu lần tiếp theo trong một số trường hợp cụ thể.

3. Nhân lực lấy mẫu:

Gồm các cán bộ chuyên ngành y có trình độ trung cấp trở lên hiện đang công tác tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, giảng viên và sinh viên trường Cao đẳng Y tế đã được đào tạo “Kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm COVID-19”. Số lượng cán bộ điều động lấy mẫu tùy theo kịch bản, diễn biến dịch bệnh.

4. Cơ sở xét nghiệm:

4.1. Cơ sở xét nghiệm PCR

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: 03 máy tách chiết tự động (12 lỗ, 32 lỗ và 96 lỗ), và 02 máy realtime PCR 96 lỗ, 1 máy 24 lỗ. Công suất xét nghiệm 10.000 mẫu/ngày (bao gồm mẫu đơn và mẫu gộp).

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 02 máy Realtime PCR và 01 máy tách chiết tự động (96 lỗ), công suất tối đa 9.000 mẫu/ngày (bao gồm mẫu đơn và mẫu gộp).

- Trung tâm Y tế Hương Sơn: 01 máy Realtime PCR và 01 máy tách chiết tự động (32 lỗ), công suất tối đa 1.000 mẫu/ngày (bao gồm mẫu đơn và mẫu gộp).

4.2. Cơ sở xét nghiệm test nhanh: Các cơ sở xét nghiệm được Sở Y tế công bố thực hiện (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám ngoài công lập). Đảm bảo công suất tối đa 20.000 test nhanh/ngày tại tất cả các cơ sở xét nghiệm trên toàn tỉnh.

5. Phân nhóm đối tượng mẫu xét nghiệm cho các đơn vị 5.1. Đối với xét nghiệm PCR:

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: xét nghiệm cho nhóm đối tượng ở cộng đồng, vùng phong tỏa và các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh: xét nghiệm cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.

- Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn: xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng trên địa bàn huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

- Tùy từng thời điểm cụ thể và số mẫu cần xét nghiệm, Sở Y tế chỉ đạo, điều phối việc thực hiện xét nghiệm cho các đơn vị.

5.1. Đối với xét nghiệm bằng Test nhanh: Các cơ sở xét nghiệm được Sở Y tế công bố thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng.

VI. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách địa phương: Bao gồm ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện, trong đó:

- Ngân sách tỉnh: Bố trí từ nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương, nguồn dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính.

- Ngân sách cấp huyện:

Sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách cấp mình và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Ngân sách tỉnh hỗ trợ (nếu có).

2. Quỹ bảo hiểm y tế;

3. Nguồn vận động, đóng góp, viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch số 162/KH-BCĐ ngày 12/5/2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh về việc đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, triển khai kế hoạch tổ chức xét nghiệm và vận hành hoạt động các cơ sở điều trị COVID-19.

- Chủ trì, tham mưu điều động nhân lực tăng cường cho các cơ sở điều trị, quản lý bệnh nhân COVID-19 từ các cơ sở y tế trong tỉnh.

- Điều chuyển, mua sắm bổ sung máy móc, trang thiết bị y tế cho các cơ sở điều trị, quản lý bệnh nhân COVID-19.

- Tập trung mọi nguồn lực hiện có của ngành y tế; chủ động đề xuất nhu cầu bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác điều trị, giám sát, phòng chống dịch tại cộng đồng, chủ động sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh.

- Căn cứ tình hình hình diễn biến dịch bệnh do COVID-19 trên địa bàn, lập dự toán trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, kinh phí hoạt động để đảm bảo điều trị COVID-19 cho các đối tượng, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh quyết định.

- Tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện/trung tâm y tế/Khu cách ly theo dõi.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch, cách ly, giám sát y tế, bảo đảm thực hiện thống nhất tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện việc cách ly tập trung, cách ly F1 tại nhà đối với trường hợp phải cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

- Tham mưu, chỉ đạo đảm bảo công tác cấp cứu, an toàn thực phẩm tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị COVID-19, vùng cách ly phòng chống dịch.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu kinh phí phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị COVID-19 theo quy định, kịp thời trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc triển khai phương án trưng mua, trưng dụng, điều động trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống dịch.

- Phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham mưu phân bổ kinh phí các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và công an địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai truy vết F1, F2; phối hợp chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư; quản lý thường trú, tạm trú của công dân trên địa bàn; đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly tập trung/khu vực phong tỏa, cơ sở điều trị COVID-19.

- Điều động, bố trí cán bộ, chiến sỹ đảm bảo an ninh, trật tự vòng ngoài và hỗ trợ công tác hậu cần tại các cơ sở điều trị COVID-19.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Phối hợp Sở Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan khảo sát địa điểm, cơ sở vật chất, bố trí cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ (khi có yêu cầu) tại các khu cách ly tập trung và khu cách ly dã chiến để cách ly các trường hợp F1 theo quy định phòng, chống dịch.

- Điều động, bố trí cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, hỗ trợ làm công tác hậu cần tại các cơ sở điều trị COVID-19.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh tại các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại nhà, cơ sở xét nghiệm, điều trị COVID-19, khu vực/vùng cách ly phòng chống dịch.

- Chủ trì, phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan hướng dẫn công tác bảo đảm phòng, chống dịch trong việc tổ chức tang lễ cho các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong, các trường hợp tử vong tại vùng thực hiện giãn cách xã hội và vùng cách ly y tế khi có dịch theo đúng quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành y tế phòng, chống dịch hiệu quả.

- Triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm hỗ trợ quản lý, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong doanh nghiệp và phần mềm quản lý công nhân, truy vết khi có xuất hiện ca F0 trong doanh nghiệp; ứng dụng các công cụ phục vụ khai báo y tế điện tử giúp cho việc truy vết, khoang vùng phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả.

7. Sở Công Thương

- Triển khai các giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa không bị gián đoạn trong các tình huống dịch bệnh. Có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các vùng, khu vực, doanh nghiệp bị phong tỏa do có ca bệnh.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Tiếp tục rà soát, đề xuất miễn giảm tiền điện cho các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xét nghiệm, điều trị COVID-19.

8. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì điều động, trưng tập phương tiện vận chuyển cán bộ y tế và lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; vận chuyển máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở y tế, các bệnh viện dã chiến.

- Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các phương án vận chuyển đưa, đón người lao động, lưu thông hàng hóa đối với vùng giãn cách xã hội, vùng bị phong tỏa do có ca bệnh.

- Chỉ đạo các đơn vị vận tải, các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải và chống dịch bệnh trong hoạt động vận tải hàng hóa; phối hợp kiểm soát phương tiện vận chuyển hành khách đường bộ, đường sắt để thực hiện việc phòng dịch bệnh.

9. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Xây dựng phương án huy động nhân lực, vật lực để sẵn sàng đảm bảo việc cách ly, điều trị người bệnh, cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu tới các khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa trong trường hợp dịch lây lan, quy mô lớn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan huy động khách sạn, nhà nghỉ, trường học… trên địa bàn để làm khu cách ly y tế tập trung cho các trường hợp cách ly theo quy định của Bộ Y tế, đáp ứng với từng cấp độ của dịch.

- Chủ động phương án cách ly y tế tập trung, cách ly F1 tại nhà theo chỉ tiêu được giao để sẵn sàng sử dụng khi trên địa bàn có ca F0. Phối hợp với các sở, ngành trong việc thực hiện cách ly y tế doanh nghiệp, khu nhà trọ/ký túc xá của người lao động.

- Chỉ đạo Tổ phòng chống COVID dựa vào cộng đồng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch đối với người dân ở nơi đang thực hiện giãn cách, phong tỏa, các trường hợp cách ly tại nhà, người đi, về từ vùng dịch, người nhập cảnh trái phép. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Chỉ đạo đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, tác hại của dịch COVID-19; tăng cường công tác an ninh trên địa bàn.

- Đảm bảo vật tư y tế, hóa chất, thuốc và phương tiện phòng hộ thiết yếu cho công tác phòng chống dịch và điều trị COVID-19.

10. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp triển khai Kế hoạch này và điều động cán bộ, nhân viên tình nguyện tham gia phục vụ vòng ngoài tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị COVID-19 khi có yêu cầu.

Trên đây là Kế hoạch đáp ứng với tình huống khi có 1.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện; trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (gửi Sở Y tế) để xem xét, chỉ đạo giải quyết. Giao Sở Y tế tổng hợp và thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định./.

 

Phụ lục I.1: Dự toán vật tư tiêu hao thiết yếu cho tiếp nhận, điều trị 1.000 bệnh nhân COVID-19

(60 giường mức độ nặng, nguy kịch; 400 giường mức độ vừa; 540 giường mức độ nhẹ và không triệu chứng)

STT

Tên vật tư tiêu hao

Đơn vị

Nặng

Vừa

Nhẹ

Tổng

1

Hộp đựng mẫu bệnh phẩm

Hộp

20

40

80

140

2

Týp đựng môi trường vận chuyển bệnh phẩm

Hộp

360

540

1080

1980

3

Que lấy mẫu ngoáy dịch tỵ hầu và que lấy mẫu dịch ngoáy họng

Hộp 100 cái

200

400

800

1400

4

Dây hút đờm kín

Chiếc

96

0

0

96

5

Dây hút đờm thường

Chiếc

3400

0

0

3400

6

Mask có túi

Chiếc

270

0

0

270

7

Mask thở máy không xâm nhập

Chiếc

90

0

0

90

8

RAM thở không xâm nhập (NCPAP)

Chiếc

100

0

0

100

9

Bộ dây và mask khí dung dùng 1 lần

Chiếc

270

8

32

310

10

Dây thở oxy

Chiếc

270

18

48

336

11

Quả lọc máu liên tục (1 quả/ngày/bn x 2 bn lọc máu x 12 ngày)

Quả

52

0

0

52

12

Catheter lọc máu

Cái

52

0

0

52

13

Quả ECMO

Quả

2

0

0

2

14

Catheter ECMO động mạch và tĩnh mạch

Bộ

3

0

0

3

15

Dây máy thở dùng một lần

Bộ

96

0

0

96

16

Bộ đo huyết áp động mạch xâm nhập

Bộ

48

0

0

48

17

Catheter động mạch (theo dõi HA xâm lấn)

Chiếc

48

0

0

48

18

Túi đựng dịch thải lọc máu

Túi

48

0

0

48

19

Ống nội khí quản hút trên cuff (Hi-Lo EVAC)

Cái

48

9

48

105

20

Catheter đặt tĩnh mạch trung tâm 3 nòng

Cái

64

0

0

64

21

Catheter dẫn lưu màng phổi

Cái

50

9

0

59

22

Túi đo nước tiểu

Túi

80

140

0

220

23

Sonde foley

Cái

80

140

0

220

24

Điện cực dính

Cái

1000

600

900

2500

25

Phin lọc khuẩn và vi rút dây máy thở

Cái

96

0

0

96

26

Canuyn mở khí quản cỡ từ 3,5, 4, 4,5, 5, 5,5, 6, 6,5, 7, 7,5 và 8 (mỗi loại 02 cái)

Chiếc

40

10

0

50

27

Bộ điện cực máy tạo nhịp ngoài

Bộ

6

12

16

34

28

Dây nối máy thở

Chiếc

48

40

 

88

29

Tấm che MIKA (khi đặt ống NKQ)

Cái

10

40

160

210

30

Kính bảo hộ

Cái

0

10

0

210

31

Mặt nạ che mặt

Cái

0

40

0

40

32

Kit xét nghiệm PCR COVID-19

Test

340

680

3400

4420

 

Vật tư tiêu hao khác (PPE,VTYT thông thường….) nếu cần thiết, sử dụng từ nguồn sẵn có của cơ sở KCB theo thực tế

 

Lưu ý: Căn cứ kế hoạch mua sắm hàng năm, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh vì các bệnh khác (có thể giảm) và tình hình bệnh nhân COVID-19 để dự trù từng đợt cho phù hợp.

Phụ lục I.2: Trang thiết bị thiết yếu cho tiếp nhận, điều trị 1.000 bệnh nhân COVID-19

(60 giường mức độ nặng, nguy kịch; 400 giường mức độ vừa; 540 giường mức độ nhẹ và không triệu chứng)

STT

Tên trang thiết bị

Đơn vị

Nhẹ

Vừa

Nặng

Tổng

1

Bộ dụng cụ thở oxy (bình làm ẩm, đồng hồ đo lưu lượng…): 20 ổ thở oxy, khí nén, có thể mua loại chia đôi, căm 01 ổ chia 2: 10 ổ oxy, khí nén

Bộ

84

60

60

204

2

Máy thở chức năng cao

Cái

0

0

32

32

3

- Máy thở không xâm nhập, hoặc

- Máy thở xâm nhập và không xâm nhập

Cân nhắc có thể lựa chọn thay thế HFNO nếu điều kiện của cơ sở triển khai được

Cái

0

0

20

20

4

Hệ thống oxy dòng cao  HFNO, có thể chọn máy thở không xâm nhập nếu Oxy khí nén không phù hợp, cũng như RAM thở hiếm trên thị trường

Cái

0

0

12

12

5

Máy thở xách tay kèm van PEEP, 2 bộ dây

Cái

0

12

4

16

6

Máy lọc máu liên tục (cho đơn vị đủ năng lực thực hiện)

Cái

0

0

6

6

7

Hệ thống ECMO (cho đơn vị đã đủ năng lực kỹ thuật thực hiện, dùng chung cho 01 bệnh viện)

Hệ thống

0

0

2

2

8

Máy X quang di động

Cái

12

2

2

16

9

Máy siêu âm có ≥ 3 đầu dò

Cái

12

2

2

16

10

Máy đo khí máu (đo được điện giải đồ, lactat, hematocrite)

Cái

0

0

4

4

11

Máy theo dõi BN ≥ 5 thông số

Cái

16

40

60

116

12

Máy đo độ bão hòa ô xy kẹp tay

Cái

320

120

 

440

13

Hệ thống oxy (có thể thay thế bằng bình ô xy hoặc ô xy hoá lỏng)

Hệ thống

16

2

2

20

14

Máy tạo oxy y tế (cần nếu không có hệ thống oxy)

Cái

200

40

 

240

15

Bơm tiêm điện

Cái

24

60

60

144

16

Máy truyền dịch

Cái

12

60

60

132

17

Máy hút đờm

Cái

12

24

60

96

18

Máy hút dịch liên tục áp lực thấp

Cái

12

4

8

24

19

Bình hút dẫn lưu màng phổi kín di động

Cái

12

24

16

52

20

Bộ đèn đặt nội khí quản thường

Bộ

12

12

8

32

21

Bộ đèn đặt nội khí quản có Camera (bao gồm 4 cỡ lưỡi)

Bộ

0

0

4

4

22

Bộ khí dung kết nối máy thở

Bộ

0

0

32

32

23

Máy khí dung thường

Cái

 

24

8

32

24

Máy phá rung tim có tạo nhịp tim

Cái

0

4

4

8

25

Máy điện tim ≥ 6 kênh

Cái

 

 

4

4

26

Bộ mở khí quản

Bộ

12

8

4

24

27

Đèn thủ thuật

Cái

12

8

8

28

28

Bóng ambu có van PEEP

Cái

24

24

8

56

29

Bóng Ambu (quả)

cái

 

20

60

80

30

Lưỡi đèn đặt nội khí quản

Bộ

24

12

8

44

31

Nhiệt kế

Cái

400

40

 

400

Trang thiết bị khác nếu cần thiết, sử dụng từ nguồn sẵn có của cơ sở KCB

Lưu ý:

Căn cứ kế hoạch mua sắm hàng năm, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh vì các bệnh khác (có thể giảm) và tình hình bệnh nhân COVID-19 để dự trù từng đợt cho phù hợp.

Các trang thiết bị có thể được sử dụng chung cho các Khu vực 1 và 2 điều trị người bệnh COVID-19.

Phụ lục I.3: Cơ số thuốc thiết yếu cho cho tiếp nhận, điều trị 1.000 bệnh nhân COVID-19

TT

Tên thuốc, nồng độ/hàm lượng

Đường dùng

Đơn vị

Đơn giá (VNĐ)

Nhẹ

Vừa

Nặng

Tổng

1

Immunoglobulin, 5 g hoặc 5g

Tiêm/truyền

Lọ

2.630.000

-

-

896

896

2

Vancomycin 500mg

Tiêm/truyền

Lọ

61.950

-

-

2.400

2.400

3

Meropenem 500mg

Tiêm/truyền

Lọ

36.000

-

-

400

400

4

Imipenem/Cilastatin 500mg 500mg

Tiêm/truyền

Lọ

51.660

-

-

400

400

5

Ceftriaxon 1g

Tiêm/truyền

Lọ

17.200

900

800

400

2.100

6

Levofloxacin 0,5 g hoặc 0,75

Tiêm/truyền

Lọ

18.984

900

4.800

1.200

6.900

7

Levofloxacin 0,5 g hoặc 0,75

Uống

Viên

1.295

900

560

1.200

2.660

8

Cefazidime 1g

Tiêm/truyền

Lọ

24.500

900

3.000

800

4.700

9

Ertapenem 1g

Tiêm/truyền

Lọ

520.000

-

-

400

400

10

Amikacin 0,5 g

Tiêm/truyền

Lọ

48.720

450

1.200

600

2.250

11

Azithromycin 500mg

Uống

Viên

1.447

900

2.400

800

4.100

12

Azithromycin si rô 125/5ml 200mg

Uống

Lọ/Gói

1.700

400

120

20

540

13

Linezolid 600mg/300ml

Tiêm/truyền

Lọ

225.000

-

-

40

40

14

Adrenanlin 1mg/ml

Tiêm/truyền

Ống

1.365

900

240

6.000

7.140

15

Nor-adrenalin 1mg/ml

Tiêm/truyền

Ống

36.990

900

240

6.000

7.140

16

Milrinon 1mg/ml

Tiêm/truyền

Lọ

1.396.500

-

-

2.400

2.400

17

Dopamin 200mg/4ml 5ml

Tiêm/truyền

Ống

19.950

-

-

960

960

18

Dobutamin 250mg

Tiêm/truyền

Ống

55.000

-

-

960

960

19

Midazolam 5mg/ống

Tiêm/truyền

Ống

14.700

900

240

12.000

13.140

20

Morphin 1mg/ống

Tiêm/truyền

Ống

4.500

900

240

 

1.140

21

Fentanyl  0,5mg/10ml; 0,1mg/2ml

Tiêm/truyền

Ống

12.800

900

240

1.440

2.580

22

Atracurium 2mg/ml

Tiêm/truyền

Ống

46.146

900

80

6.000

6.980

23

Heparin 5000 UI/lọ

Tiêm/truyền

Lọ

199.500

-

-

240

240

24

Heparin trọng lượng phân tử thấp (Lovenox 40mg/ lọ)

Tiêm/truyền

Lọ

89.650

-

-

1.200

1.200

25

Phenobarbital 200mg/ống

Tiêm/truyền

Ống

14.868

900

240

240

1.380

26

Kaliclorid 10% ống

Tiêm/truyền

Ống

1.195

900

240

6.000

7.140

27

Calciclorid 10%

Tiêm/truyền

Ống

897

900

240

2.400

3.540

28

Natribicacbonat 8,4% ống

Tiêm/truyền

Lọ

19.740

900

240

480

1.620

29

Magnesi sulfat 15% ống 5ml

Tiêm/truyền

Ống

2.730

900

240

1.200

2.340

30

Albumin 20%/50ml

Tiêm/truyền

Lọ

599.000

-

-

1.600

1.600

31

Dịch lọc máu liên tục theo máy

Tiêm/truyền

Túi

700.000

-

-

960

960

32

Natri clorid 0,9% 500ml

Tiêm/truyền

Chai

6.955

900

240

31.200

32.340

33

Glucose 5% 500ml

Tiêm/truyền

Chai

7.581

900

240

1.200

2.340

34

Glucose 10% 500ml

Tiêm/truyền

Chai

9.230

900

240

480

1.620

35

Ringer lactat

Tiêm/truyền

Chai

19.500

900

240

960

2.100

36

Ringer lactat Glucose 5%

Tiêm/truyền

Chai

12.500

900

240

2.400

3.540

37

Paracetamol 500mg

Uống

Viên

480

100.800

1.440

 

102.240

38

Hydrocortisol 100mg

Tiêm/truyền

Lọ

6.510

900

120

240

1.260

39

Methyl Prednisolon 125mg

Tiêm/truyền

Lọ

36.410

-

120

280

400

40

Vitamin C 0,5g

Uống

Viên

730

540.000

72.000

 

612.000

41

Orezol 1g

Uống

Gói

1.449

400.000

1.920

 

401.920

42

Dexamethason 0,5mg

Uống

Viên

57

-

28.800

800

29.600

43

Colistin 1 triệu UI

Tiêm/truyền

Lọ

219.000

-

-

1.400

1.400

44

Ceftazidim avibactam 2,5g

Tiêm/truyền

Lọ

2.772.000

-

-

720

720

45

Sulfamethozazonle 400mg Trimethoprim 80mg

Uống

Lọ

110.000

-

-

4.800

4.800

46

Fluconazol 200mg/ 100ml

Tiêm/truyền

Lọ

229.005

-

-

60

60

47

Amphotericin B 50mg/ lọ

Tiêm/truyền

Lọ

1.800.000

-

-

480

480

48

Amphotericin 50mg/ lọ

Tiêm/truyền

Lọ

304.338

-

-

240

240

49

Cancidas 70mg

Tiêm/truyền

Lọ

8.288.700

-

-

120

120

50

Micafungin 50mg

Tiêm/truyền

Lọ

2.782.500

-

-

360

360

Lưu ý: Căn cứ kế hoạch mua sắm hàng năm, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh vì các bệnh khác (có thể giảm) và tình hình bệnh nhân COVID-19 để dự trù từng đợt cho phù hợp.

 

Phụ lục II.1 Bảng dự trù thiết bị, vật tư giám sát phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm

TT

Danh mục

Đơn vị tính

Đơn giá dự kiến tham khảo (đồng)

Nhu cầu phân theo cấp độ trường hợp mắc COVID-19 của tỉnh

Cách tính

500 ca mắc

1.000 ca mắc

1

Ống môi trường bảo quản bệnh phẩm

Ống

50.000

25500

51000

 

2

Tăm bông lấy dịch tỵ hầu

Chiếc

7.000

50000

100000

 

3

Tăm bông lấy dịch họng

Chiếc

3.000

50000

100000

 

4

Trang phục bảo hộ cấp độ 2

Bộ

90.000

14000

28000

7 cán bộ/đội*4 bộ/c.bộ* số trường hợp mắc (F1)/10

5

Trang phục bảo hộ cấp độ 4

Bộ

270.000

7000

14000

7 cán bộ/đội*2 bộ/c.bộ* số trường hợp mắc (F0)

6

Khẩu trang 3M/N95

Cái

35.000

7000

14000

8 cán bộ/đội*2 bộ/c.bộ* số trường hợp mắc (F0)

7

Khẩu trang y tế

Hộp 50 cái

25.000

1000

2000

 

7.1

KTYT dành cho đội cơ động đi điều tra F1

chiếc

0.5

30.000

60000

3 cán bộ*F1*2 lần*số trường hợp mắc

7.2

KTYT dành cho theo dõi F1

chiếc

0.5

56.000

112000

2 cán bộ *số trường hợp mắc*2 lần/ngày*28 ngày (F1 cách ly TT, Tb 2 cán bộ theo dõi F1 của 1 bệnh nhân)

7.3

KTYT phát cho F1

chiếc

0.5

210.000

420000

F1*2 chiếc/ngày*21 ngày*số trường hợp mắc

7.4

KT cho người theo dõi người cách ly, người nghi ngờ tại cộng đồng

chiếc

0.5

94.080

188160

cách tính KTYt cho 500 ca mắc = 10 cán bộ/TYT,CTV*số xã, phường*28 ngày*2 chiếc/ngày

8

Mặt nạ/Kính bảo hộ cho CBYT

chiếc

20.000

371

742

7 cb/đội*(2 chiếc/1 cán bộ)/(F0/1.000)* số đội cơ động của tỉnh

8

Găng tay y tế

Hộp 50 đôi

175.000

1000

2000

2 hộp/1 ca bệnh * số trường hợp mắc

9

Cồn 70 độ

lit

21.000

500

1000

 

10

Dung dịch sát khuẩn tay nhanh

chai 500ml

60.000

500

1000

1 lít/1 ca bệnh * số trường hợp mắc

11

Xà phòng rửa tay

chai 500ml

40.000

500

1000

1 lít/1 ca bệnh * số trường hợp mắc

12

Túi đựng rác thải lây nhiễm 30 lít

kg

5.5

31500

63000

 

13

Thùng đựng rác thải nguy hại 30 lít

Cái

231.000

669

1339

 

14

Túi đựng rác thải lây nhiễm 120 lít

kg

5.5

14175

28350

 

15

Thùng đựng rác thải nguy hại 120 lít

Cái

605.000

231

463

 

16

Dung dịch súc họng cho cán bộ y tế

Chai 500ml

40.000

500

1000

1 lít/1 ca bệnh * số trường hợp mắc

17

Ủng chống hóa chất cho cán bộ y tế

Đôi

105.000

371

742

 

18

Hóa chất khử khuẩn (Cloramin B)

kg

165.000

13700

27400

cách tính cho 500 ca = (số xã, phường/tỉnh) (TB 168 xã/phường/tỉnh)*50kg/xã, phường số đội cơ động

19

Máy Realtime PCR

Cái

1.200.000.000

3

6

tổng số test/kit/28 ngày/(320 test/kit/ngày/máy)

20

Máy tách chiết RNA/DNA tự động

Cái

1.000.000.000

3

6

tổng số test/kit/28 ngày/(320 test/kit/ngày/máy)

21

Máy phun hóa chất khử khuẩn đeo vai

Cái

7.500.000

106

106

số đội cơ động/tỉnh *2 cái/đội (dự kiến 10.000 ca thay mới 1 lần)

22

Bình phun cầm tay

Cái

30.000

106

106

số đội cơ động/tỉnh *2 cái/đội (dự kiến 10.000 ca thay mới 1 lần)

23

Hóa chất tách chiết tự động

tét

140.000

25500

51000

F0 (F0*F1*4 lần XN) (F0*F2)/10 mẫu gộp)*1 lần XN

24

Mix phản ứng Realtime PCR

tét

470.000

25500

51000

F0 (F0*F1*4 lần XN) (F0*F2)/10 mẫu gộp)*1 lần XN

25

Đầu typ fill lọc 1 - 10 ul

Hộp 96 cái

60.000

25500

51000

 

26

Đầu typ fill lọc 50 - 200 ul

Hộp 96 cái

60.000

153000

306000

 

27

Đầu typ fill lọc 100 - 1000 ul

Hộp 96 cái

60.000

459000

153000

 

28

Eppendoff 1.5

hộp 500 cái

300.000

1377000

153000

 

29

Strip PCR 0.1 cho máy 7500 FAST

hộp 25/8 ống

5.500.000

5

5

 

30

Micropipet 1-10 ul

Cái

6.500.000

4

4

 

31

Micropipet 20-200 ul

Cái

6.500.000

4

4

 

32

Micropipet 100- 1000 ul

Cái

6.500.000

4

4

 

33

Hóa chất khử nhiễm bề mặt RNA

chai 1 lít

1.200.000

3

3

 

34

Hóa chất khử nhiễm bề mặt DNA

chai 1 lít

1.200.000

3

3

 

35

Máy đo thân nhiệt cầm tay

chiếc

1.000.000

106

106

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2993/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án đáp ứng với tình huống khi có 1.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

  • Số hiệu: 2993/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Võ Trọng Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản