Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2980/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, BỘ MÁY CƠ QUAN HÀNH CHÍNH (GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020)

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

Căn cứ Chương trình số 27-CTr/TU ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;

Căn cứ Thông báo số 150-TB/TU ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Thành ủy Cần Thơ trích Thông báo số 148-TB/TU ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy kết luận của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 24 tháng 9 năm 2018;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính (giai đoạn đến năm 2020).

(Đính kèm Đề án)

Điều 2. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai thực hiện; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thành Thống

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, BỘ MÁY CƠ QUAN HÀNH CHÍNH (GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2980/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Chương trình số 27-CTr/TU ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố Cần Thơ như sau:

A. THỰC TRẠNG VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. THỰC TRẠNG

1. Về tổ chức bộ máy

Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội đồng nhân dân thành phố đã thành lập 19/19 cơ quan chuyên môn (với 148 tổ chức hành chính bên trong) thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (không bao gồm Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố với 9 tổ chức bên trong); Hội đồng nhân dân 09 quận, huyện đã thành lập 94 phòng chuyên môn (trong đó có 04 quận, huyện thành lập 11 phòng chuyên môn gồm: Ninh Kiều, Ô Môn, Cờ Đỏ, Thới Lai do thành lập Phòng Dân tộc trên cơ sở đáp ứng đủ tiêu chí quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ).

Căn cứ Thông tư liên tịch của Bộ chuyên ngành và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành chức năng, nhiệm vụ của 19/19 cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân quận, huyện, đã cơ bản ban hành xong chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn trực thuộc.

2. Số lượng biên chế công chức

Năm 2018, thành phố được Bộ Nội vụ giao 2.028 biên chế, giảm 100 biên chế so với năm 2015. Tính đến tháng 6 năm 2018, thành phố có 1.923 công chức (trong đó, cấp thành phố có 1.178 công chức và cấp huyện có 745 công chức), hầu hết công chức của thành phố đáp ứng tiêu chuẩn ngạch theo quy định.

3. Đánh giá chung về công tác bố trí biên chế hiện nay

Qua rà soát các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thì có đến 51 phòng chuyên môn chỉ bố trí từ 01 đến 04 biên chế; 28 phòng chuyên môn bố trí 05 biên chế, còn lại các phòng bố trí từ 06 biên chế trở lên. Qua đó có thể thấy việc bố trí nhân sự tại các phòng chuyên môn thuộc các cơ quan chuyên môn cấp thành phố chưa bảo đảm số lượng biên chế theo định hướng của Chính phủ (phải bố trí tối thiểu 06 biên chế/phòng) ảnh hưởng đến chất lượng quản lý cũng như thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trong giai đoạn hiện nay.

Với thực trạng bố trí biên chế của các cơ quan nêu trên, đối chiếu với mục tiêu cụ thể đến năm 2021 của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, quy định: “Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó” thì việc xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, thực hiện quản lý đa ngành, liên thông là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

3. Kết luận số 34-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

4. Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

5. Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương.

6. Chương trình số 27-CTr/TU ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

B. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC SẮP XẾP, KIỆN TOÀN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính của thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý theo hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan;

b) Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn;

c) Giảm tối thiểu 10% đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính cấp thành phố.

II. YÊU CẦU

1. Đây là một khâu đột phá của nội dung cải cách hành chính. Việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Bảo đảm hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị không bị gián đoạn, xáo trộn; sau sắp xếp, kiện toàn lại hoạt động tốt hơn, hiệu quả cao hơn; tập trung huy động, phát huy tiềm năng đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có.

3. Có biện pháp giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

III. NGUYÊN TẮC

1. Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính thuộc sở, ban, ngành được tiến hành đồng bộ, toàn diện từ việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị với tình hình thực tiễn của địa phương đến việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các phòng ban, chi cục gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phù hợp và đảm bảo chất lượng, số lượng để nâng cao hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc sắp xếp phải gắn với đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý.

2. Sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện; đồng thời, phù hợp với các điều kiện về kinh tế của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chia nhỏ, phân tán, chồng chéo.

3. Việc giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức phải đảm bảo đúng quy định và đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người lao động; tránh tình trạng sắp xếp theo cách làm số cộng mà phải đặt yêu cầu chất lượng, ổn định lâu dài của đội ngũ cán bộ, công chức lên hàng đầu; gắn việc sắp xếp với việc tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

C. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, KIỆN TOÀN

I. CƠ QUAN HÀNH CHÍNH CẤP THÀNH PHỐ

Trên cơ sở tổ chức thực hiện quy định của Trung ương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, hoạt động hiệu quả và xuất phát từ tình hình thực tế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, quận, huyện; thành phố thực hiện phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của 22 cơ quan, tổ chức hành chính theo hướng giảm 42 đầu mối bên trong (trong đó giảm 03 chi cục, 36 phòng thuộc cơ quan hành chính cấp thành phố và 03 phòng thuộc Chi cục) theo nội dung sau:

1. Sở Nội vụ: (giảm 01 đầu mối)

a) Chuyển bộ phận tài chính của các cơ quan trực thuộc (Ban Thi đua - Khen thưởng, Ban Tôn giáo, Chi cục VTLT) về Văn phòng Sở Nội vụ. Văn phòng Sở Nội vụ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở về công tác tài chính, kế toán, quản lý tài sản tại khối Văn phòng Sở và của cơ quan trực thuộc;

b) Nhập 02 phòng Cải cách hành chính (CCHC) và Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên thành Phòng Cải cách hành chính - Xây dựng chính quyền và Công tác Thanh niên.

(Thực hiện năm 2018)

2. Sở Tư pháp: (giảm 02 đầu mối)

Thực hiện sắp xếp, kiện toàn từ 08 phòng thuộc Sở giảm còn 06 phòng và đảm bảo bố trí đủ số lượng biên chế theo quy định trên phòng (theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: (giảm 02 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Giáo dục nghề nghiệp và Phòng Lao động - Việc làm thành Phòng Lao động;

b) Sáp nhập Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em và Bình đẳng giới và Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành Phòng Xã hội.

(Thực hiện năm 2019)

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: (giảm 02 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Tổng hợp - Quy hoạch và Phòng Khoa giáo, văn xã thành Phòng Tổng hợp - Quy hoạch;

b) Sáp nhập Phòng Kinh tế ngành và Phòng Kinh tế đối ngoại thành Phòng Kinh tế. Chuyển giao nhiệm vụ thẩm định dự án đầu tư xây dựng vốn ngoài ngân sách (trong và ngoài nước) từ Phòng Kinh tế ngành và Phòng Kinh tế đối ngoại về Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư.

(Thực hiện năm 2018)

5. Sở Công Thương: (giảm 03 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Kế hoạch - Tài chính vào Văn phòng Sở (thực hiện năm 2019);

b) Sáp nhập Phòng Quản lý xuất nhập khẩu vào Phòng Quản lý thương mại (thực hiện năm 2020);

c) Sáp nhập Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường vào Phòng Quản lý công nghiệp (thực hiện năm 2018).

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: (giảm 01 đầu mối)

Sáp nhập Phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước và Phòng khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thành Phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu.

(Thực hiện năm 2018)

7. Sở Giao thông vận tải: (giảm 01 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Pháp chế, An toàn giao thông và Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông thành Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông; chuyển nhiệm vụ pháp chế về Văn phòng Sở;

b) Đổi tên Phòng Kế hoạch và Tài chính thành Phòng Kế hoạch - Thẩm định; chuyển nhiệm vụ tài chính về Văn phòng Sở.

(Thực hiện năm 2018)

8. Sở Xây dựng: (giảm 03 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Cấp phép xây dựng vào Phòng Quản lý xây dựng;

b) Sáp nhập Phòng Phát triển đô thị vào Phòng Quy hoạch - Kiến trúc;

c) Giải thể Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Chi cục Giám định xây dựng.

(Thực hiện năm 2018)

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (giảm 03 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ và Văn phòng Sở thành phòng Tổ chức - Hành chính (thực hiện năm 2018);

b) Sáp nhập các Chi cục: Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản thành Chi cục Trồng trọt, Chăn nuôi và Thủy sản (thực hiện năm 2018 và hoàn thành năm 2019).

10. Sở Khoa học và Công nghệ: (giảm 03 đầu mối)

a) Chuyển nhiệm vụ tài chính và tổng hợp của Phòng Kế hoạch và Tài chính về Văn phòng Sở; chuyển nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch về các phòng chuyên môn, giải thể Phòng Kế hoạch - Tài chính;

b) Sáp nhập Phòng Quản lý khoa học và Công nghệ cơ sở với Phòng Quản lý khoa học thành Phòng Quản lý khoa học;

c) Sáp nhập Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ với Phòng Quản lý chuyên ngành thành Phòng Quản lý Công nghệ và chuyên ngành.

(Thực hiện năm 2018)

11. Sở Thông tin và Truyền thông: (giảm 01 đầu mối)

Sáp nhập Phòng Kế hoạch - Tài chính vào Văn phòng Sở (thực hiện năm 2018).

12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: (giảm 05 đầu mối)

a) Năm 2018: (giảm 02 đầu mối)

- Sáp nhập Phòng Nghệ thuật vào Phòng Quản lý văn hóa;

- Sáp nhập Phòng Thể thao thành tích cao vào Phòng Quản lý thể dục thể thao.

b) Năm 2019: (giảm 01 đầu mối)

Sáp nhập Phòng Kế hoạch - Tài chính vào Văn phòng.

c) Năm 2020: (giảm 02 đầu mối)

- Sáp nhập Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình vào Phòng Quản lý văn hóa;

- Sắp xếp giảm Phòng Tổ chức - Pháp chế và chuyển chức năng, nhiệm vụ vào các phòng chuyên môn phù hợp.

13. Sở Giáo dục và Đào tạo: (giảm 01 đầu mối)

a) Giai đoạn đến năm 2020: Sáp nhập Phòng Giáo dục thường xuyên với Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thành Phòng Giáo dục thường xuyên và Quản lý chất lượng;

b) Giai đoạn 2020 trở đi: Tiếp tục sắp xếp các phòng chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng nhưng vẫn đảm bảo định mức biên chế quy định cho từng phòng.

14. Sở Y tế: (giảm 05 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Nghiệp vụ Dược và Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân thành Phòng Nghiệp vụ Y - Dược - Quản lý hành nghề y dược tư nhân;

b) Giải thể 03 Phòng thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, không thành lập phòng và thực hiện theo chế độ chuyên viên.

(Thực hiện năm 2018)

15. Thanh tra thành phố: (giảm 02 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo 3 vào Phòng Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo 1 thành Phòng Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo 1;

b) Sáp nhập Phòng Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 vào Phòng Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo 2 thành Phòng Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo 2.

(Thực hiện năm 2018)

16. Sở Ngoại vụ: (giảm 01 đầu mối)

Sáp nhập Thanh tra Sở và Phòng Lãnh sự Việt kiều thành Phòng Lãnh sự - Người Việt Nam ở nước ngoài.

(Thực hiện năm 2018)

17. Ban Dân tộc: (giảm 02 đầu mối)

a) Sáp nhập Phòng Kế hoạch - Tài chính vào Văn phòng Ban;

b) Sáp nhập Phòng chính sách dân tộc và Phòng Tuyên truyền và Địa bàn để thành lập Phòng Chính sách - Tuyên truyền và Địa bàn.

(Thực hiện năm 2018)

18. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ: (giảm 03 đầu mối)

a) Hợp nhất Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng với Phòng Quản lý đầu tư thành Phòng Quản lý quy hoạch xây dựng và Đầu tư;

b) Hợp nhất Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường với Phòng Quản lý doanh nghiệp thành Phòng Quản lý doanh nghiệp và Tài nguyên môi trường;

c) Sáp nhập Phòng Kế hoạch Tài chính vào Văn phòng Ban.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 48 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, theo đó có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ: “1. Hướng dẫn việc thành lập, phân loại, xếp hạng và tổ chức lại Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. 2. Thẩm định Đề án thành lập, tổ chức lại Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Do đó, khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ sẽ điều chỉnh đề án và thực hiện theo hướng dẫn.

19. Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố (giảm 01 đầu mối)

Tổ chức lại các phòng thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố từ 03 phòng còn 02 phòng: Phòng Tổng hợp, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và đúng theo quy định của Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(Thực hiện năm 2018)

II. ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CƠ SỞ

Triển khai thực hiện thí điểm kiêm nhiệm người đứng đầu theo chỉ đạo của Thành ủy (thực hiện năm 2018), cụ thể:

1. Thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu

Thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại huyện Cờ Đỏ và 19 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố: Phường An Lạc, An Cư (quận Ninh Kiều); phường An Thới, Long Tuyền (quận Bình Thủy); phường Tân Phú, Phú Thứ (quận Cái Răng); phường Long Hưng, Thới Long (quận Ô Môn); phường Thuận An, Tân Hưng (quận Thốt Nốt); xã Giai Xuân, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền); xã Thới Thạnh, Xuân Thắng (huyện Thới Lai); xã Thạnh Phú, Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ); thị trấn Vĩnh Thạnh, xã Thạnh Thắng, Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh).

2. Thí điểm Trưởng ban Ban Tổ chức cấp ủy kiêm Trưởng phòng Phòng Nội vụ tại 02 huyện: Phong Điền và Vĩnh Thạnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian triển khai thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2020.

2. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nội vụ:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Đề án đến các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành thực hiện sắp xếp, kiện toàn theo quy định;

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng dự thảo, thẩm định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn.

b) Các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp:

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt phương án sắp xếp, kiện toàn theo quy định;

- Tổ chức quán triệt nội dung sắp xếp, kiện toàn đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan;

- Tổ chức sắp xếp nhân sự, giải quyết chế độ, chính sách đối với số lượng công chức dôi dư sau khi sắp xếp theo quy định.

c) Sở Tư pháp: Phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn theo quy định sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy;

d) Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với sở, ngành bố trí kinh phí giải quyết chế độ, chính sách cho công chức dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Trên đây là nội dung Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính (giai đoạn đến năm 2020) của thành phố; đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan thực hiện theo lộ trình, nội dung được phê duyệt.