Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2941/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ THIỆT HẠI KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ HÀ NỘI (CÔNG TRÌNH ĐI NGẦM DƯỚI MẶT ĐẤT)

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái đinh cư; số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian công trình ngầm;

Căn cứ Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy đinh về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của UBND Thành phố về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (văn bàn số 4986/TTr-STNMT-KHTH ngày 21 tháng 11 năm 2012, số 1395/STNMT-KHTH ngày 03 tháng 4 năm 2013); ý kiến của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố (văn bản số 249/BCĐ/BCĐ-NV2 ngày 04 tháng 4 năm 2013), của Sở Tài chính (văn bản số 1598/STC-BG ngày 05 tháng 4 năm 2013), của Sở Tư pháp (văn bản số 706/TP-VBPQ ngày 05 tháng 4 năm 2013),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (công trình đi ngầm dưới mặt đất), như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Quyết định này quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nằm trong vùng ảnh hưởng (không thuộc trường hợp phải thu hồi đất hoặc trưng dụng đất) có tài sản trong đất, trên đất bị hư hỏng hoặc phải phá dỡ trong thời gian từ khi thi công đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa Dự án đường sắt đô thị Hà Nội vào sử dụng.

b) Các trường hợp phải thu hồi đất và trưng dụng đất để phục vụ thi công thì thực hiện bồi thường, hồ trợ và tái định cư theo quy định tại Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 và Quyết định số 02/2033/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của UBND Thành phố.

2. Giải thích từ ngữ

a) Vùng ảnh hưởng: là vùng có các công trình trên mặt đất, dưới lòng đất có thể bị ảnh hưởng, hư hại trong thời gian từ khi thi công đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa Dự án đường sắt đô thị Hà Nội vào sử dụng. Vùng ảnh hưởng được xác định dựa trên Hồ sơ chỉ giới đường đỏ, ranh giới Dự án đường sắt đô thị Hả Nội và đề xuất của Tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

b) Hồ sơ khảo sát và đánh giá hiện trạng: là các tài liệu điều tra, khảo sát đánh giá tài sản hiện hữu do Chủ đầu tư và đơn vị Tư vấn lập trên vùng ảnh hưởng trước khi xây dựng công trình ngầm, được UBND cấp xã xác nhận.

3. Nguyên tắc thực hiện bồi thường thiệt hại về tài sản ;

a) Tài sản gắn liền với đất thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1 của Quyết định nay mà bị hư hỏng phải sửa chữa hoặc phải phá dỡ trong thời gian thi công công trình ngầm hoặc trong thời gian vận hành công trình thì được bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại khoản 4, khoản 5 của Điều này.

b) Những trường hợp không được bồi thường, hỗ trợ:

b1. Nhà, công trình khác gắn liền với đất được xây dựng sau thời điểm công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dưng công trình ngầm của dự án đường sắt đô thị Hà Nội mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép xây dựng.

b2. Nhà, công trình khác gắn liền với đất được xây dựng sau ngày 01/7/2004, mà tại thời điểm xây dựng không đúng với mục đích sử dụng đất đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

4. Bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng có Giấy phép xây dựng; nhà, công trình xây dựng không có Giấy phép nhưng xây dựng trước ngày 01/7/2004 trên đất có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 7, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBNDThành phố.

a) Nhà, công trình xây dựng có Giấy phép xây dựng hoặc không có Giấy phép xây dựng, nhưng được UBND cấp xã xác nhận đã xây dựng trước ngày 01/7/2004 trên đất có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 7, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND Thành phố, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch; nhà, công trình xây dựng từ sau ngày 01/7/2004 đến trước ngày công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm Dự án đường sắt đô thị Hà Nội được UBND cấp xã xác nhận không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch thì được bồi thường:

Mức bồi thường = Giá trị xây mới x Tỷ lệ thiệt hại

Trong đó:

- Giá trị xây mới là giá trị nhà, công trình được tính theo đơn giá xây dựng mới của Thành phố ban hành (UBND Thành phố ủy quyền cho Sở Xây dựng quyết định, công bố);

- Tỷ lệ thiệt hại (%) được xác định theo nguyên tắc quy định tại điểm a, khoản 6 của Điều này.

Trường hợp phải phá dỡ toàn bộ hoặc tỷ lệ thiệt hại từ 70% trở lên thì thì tỷ lệ thiệt hại áp dụng bằng 100%.

b) Đối với nhà, công trình không thuộc quy định tại điểm a, khoản 4 Điều này:

Mức bồi thường - Giá trị hiện có x Tỷ lệ thiệt hại

Trong đó:

- Giá trị hiện có được xác định theo quy định tai điểm b, c, d, khoản 3, Điều 31 Quyết đinh số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố;

- Tỷ lệ thiệt hại (%) được xác định theo nguyên tắc quy định tại khoản 6 Điều này.

Trường hợp phải phá dỡ toàn bộ hoặc tỷ lệ thiệt hại từ 70% trở lên thì tỷ lệ thiệt hại áp dụng bằng 100%.

5. Hỗ trợ chi phí phá dỡ, di chuyển

Hỗ trợ bằng 10% giá trị hiện có của tài sản trong các trường hợp sau:

a) Nhà, công trình xây dựng trên đất không đủ điều kiên được bồi thường về đất, khi xây dựng đã có văn bản ngăn chặn không cho phép xây dựng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

b) Nhà, công trình thuôc các trường hơp quy định tại điểm b, khoản 3 Điều này.

c) Nhà, công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp sau đây :

c1. Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm;

c2. Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

d) Nhà, công trình xây dựng trên đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn sử dụng.

6. Xác định tỷ lệ thiệt hại về tài sản và chi phí sửa chữa, khắc phục công trình để trở lại trạng thái ban đầu.

a) Căn cứ xác định tỷ lệ thiệt hại về tải sản:

a1. Căn cứ vùng ảnh hưởng của công trình ngầm xác định trên Hồ sơ chỉ giới đường đỏ và ranh giới Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

a2. Căn cứ vào tài liệu khảo sát hiện trạng của Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập, được UBND cấp xã xác nhận, để xác định các đối tượng không phải thực hiện thu hồi đất, nhưng phải bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về tài sản trên đất, trong đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

a3. Trong thời gian thi công phát hiện thêm các công trình trên đất, trong đất nằm trong vùng ảnh hưởng bị hư hỏng thì đơn vị thi công phải lập hồ sơ đánh giá thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ công trình trên đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.

a4. Hồ sơ đánh giá mức độ thiệt hại của công trình do chủ đầu tư lập, được Sở Xây dựng thẩm định (đối với tổ chức) và Phòng Quản lý đô thị cấp huyện thẩm định (đối với hộ gia đình, cá nhân) theo quy định.

b) Chi phí sửa chữa, khắc phục công trình để trở lại trạng thái ban đầu (kể cả chi phí thực hiện) áp dụng cho các trường hợp chủ sở hữu công trình không nhận bồi thường thiệt hại mà yêu cầu Chủ đầu tự dự án phải sửa chữa khắc phục công trình. Việc sửa chữa, khắc phục được thực hiện theo phương án do Sở Xây dựng và Phòng Quán lý đô thị cấp huyện đã thẩm định theo quy định.

Trường hợp chủ sở hữu công trình đã nhận bồi thường, hỗ trợ theo phương án được duyệt thì không thực hiện việc sửa chữa, khắc phục này.

7. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

Ngoài các chức năng nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 và số 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở, Ban, Ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:

a) Sở Quy hoạch kiến trúc:

Phối hợp với ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các Chủ đầu tư cung cấp thông tin hoặc phê duyệt phương án quy hoạch kiến trúc trên các tuyến đường thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội có công trình ngầm; hướng dần các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ quy hoạch đô thị được duyệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch được duyệt.

b) Sở Xây dựng:

b1. Chủ trì cùng Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện (nơi có công trình ngầm đi qua) thẩm tra thông báo các nội dung do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Chủ đầu tư dự án báo cáo tại tiết f1, điểm f, khoản 7 Điều này.

b2. Xây dựng quy định quản lý các công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình ngầm theo quy định tại Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian công trình ngầm, trình ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, làm cơ sở xác định các đối tượng áp dụng theo quy định tại Quyết định này.

b3. Hướng dẫn lập hồ sơ và thực hiện việc thẩm định hồ sơ (đối với tổ chức) xác định tỷ lệ thiệt hại của công trình, phương án sửa chữa, khắc phục công trình để trở lại trạng thái bình thường và chi phí thực hiện.

b4. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn, xác định tỷ lệ thiệt hại khi các công trình ngầm ảnh hưởng đến các công trình bên trên mặt đất.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường:

c1. Tổng hợp, kịp thời đề xuất ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi bổ sung quy định này đảm bảo đúng quy đinh của pháp luật và phù hợp với đặc thù của Thủ đô.

c2. Xác định và bàn giao mốc giới vùng ảnh hưởng công trình ngầm cho Chủ đầu tư và UBND quận, huyên, thị xã.

c3. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai; môi trường trong quá trình thực hiện dự án.

d) Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố chủ trì cùng liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định này của UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư.

đ) Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

đ1. Phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội rà soát, thống kê toàn bộ những diện tích đất, công trình trên đất, trong đất thuộc phạm vi Dự án đường sắt đô thị Hà Nội phục vụ công tác điều tra, khảo sát để xác định các trường hợp phải thu hồi đất, đất trưng dụng trong thời gian thi công hoặc không phải thu hồi đất.

đ2. Tổ chức công bố quy hoạch xây dựng các công trình ngầm thuộc Dự án đường sắt đô thị theo quy định; thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước tại Quyết định này đến các tổ dân phố, khu dân cư; công bố công khai những công trình nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng.

đ3. Quản lý chặt chẽ hiện trạng nhà, đất trên các tuyến đường có công trình ngầm thuộc Dự án.

đ4. Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tài sản cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở kết quả thẩm định của Sở Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị cấp huyện.

e) Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện (nơi có công trình ngầm đi qua) được thành lập sau khi có thông báo thu hồi đất (đối với trường hợp phải thu hồi) và thông báo chuẩn bị thi công xây dựng Dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các đối tượng được áp dụng tại Quyết định này theo chức năng nhiệm vụ tại Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 và số 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của UBND Thành phố.

f) Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội:

f1. Lập hồ sơ, báo cáo Sở Xây dựng thẩm tra, thông báo các nội dung:

- Xác định vị trí, ranh giới các công trình không đảm bảo an toàn khi thi công, làm căn cứ lập hồ sơ trưng dụng đất (trong thời gian thi công công trình ngầm);

- Xác định vị trí, ranh giới vùng ảnh hưởng, nhưng không phải thu hồi đất trong thời gian thi công công trình ngầm;

- Mức độ thiệt hại đối với công trình của các tổ chức.

f2. Thông báo cụ thể cho ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc chuẩn bị thi công Dự án (thời gian bắt đầu; độ dài tuyến đường, phần ngầm, phần nổi, độ sâu của tuyến đường ngầm; vị trí của tuyến đường, phạm vi ảnh hưởng khi thi công; các biện pháp thi công....) để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, thi công công trình.

f3. Phối hợp với UBND cấp huyện xác định mức độ ảnh hưởng khi xây dựng công trình ngầm; lập hồ sơ xác định, đánh giá mức độ thiệt hại công trình theo quy đinh tại tiết a4, điểm a, khoản 6 Điều này.

g) Các Sở, Ngành khác: Có trách nhiệm tham gia, phối hợp thực hiện các nội dung của quy định thuộc chức năng quản lý Nhà nước của đơn vị mình.

8) Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thi xã và các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, sửa đổi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Khanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2941/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (công trình đi ngầm dưới mặt đất)

  • Số hiệu: 2941/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/05/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Hồng Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản