Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2939/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 12 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHỈ SỐ THÀNH PHẦN CHI PHÍ KHÔNG CHÍNH THỨC TRONG CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 12/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về khắc phục những hạn chế, yếu kém năm 2019 và nâng cao Chỉ số PCI năm 2020 và những năm tiếp theo;

Theo đề nghị Chánh Thanh tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện Chỉ số thành phần Chi phí không chính thức trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực tỉnh ủy (b/c);
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐ VP.UBND tỉnh;
- TV BCĐCCHC&NCNLCT tỉnh;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh (đăng tải);
- Lưu: VT, THNV.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Dũng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHỈ SỐ THÀNH PHẦN CHI PHÍ KHÔNG CHÍNH THỨC TRONG CHỈ SỐ NĂNG LỰC CANH TRANH CẤP TỈNH (PCI) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Kèm theo Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích yêu cầu

Tổ chức triển khai thực hiện, tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện cải cách năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh; tập trung cải thiện, nâng cao điểm số và thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc phối hợp thực hiện Chỉ số thành phần Chi phí không chính thức trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

Công tác phối hợp được thực hiện thường xuyên, kịp thời, bảo đảm sự đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, phấn đấu thực hiện tốt Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 12/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khắc phục những hạn chế, yếu kém năm 2019 và nâng cao Chỉ số PCI năm 2020 và các năm tiếp theo.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP VÀ NHIỆM VỤ CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG

Điều 4. Nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

1. Thanh tra tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết trùng lặp, chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm trên địa bàn tỉnh; Tham mưu, xây dựng các kênh phát hiện thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế về tố cáo hành vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những hành vi có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý những hành vi kéo dài thời gian, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp theo quy định.

b) Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn và phục vụ tốt yêu cầu quản lý của địa phương. Cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; đảm bảo thời gian thanh tra, kiểm tra ở mức tối thiểu và doanh nghiệp chỉ tiếp 01 (một) đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm; trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Tham mưu thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đúng theo quy định.

c) Đẩy mạnh công tác giải quyết các thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố; nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị; công khai minh bạch quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

d) Phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước để giám sát, đánh giá việc thực thi nhiệm vụ của các đơn vị; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với những trường hợp tự đặt ra các khoản thu, điều kiện ràng buộc ngoài quy định, các thủ tục gây khó khăn, phiền hà hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, doanh nghiệp.

e) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp thông tin doanh nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

2. Sở Nội vụ

a) Tăng cường công tác kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan Nhà nước các cấp.

b) Kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, gây khó khăn, phiền hà, hách dịch, sách nhiễu đối với tổ chức, doanh nghiệp, công dân (tổ chức, cá nhân) trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

3. Các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị, nhằm hạn chế phát sinh những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tránh tình trạng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp.

b) Phối hợp với Thanh tra tỉnh và các cơ quan có liên quan trong xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, nhằm hạn chế tối đa sự trùng lặp trong nội dung thanh tra, kiểm tra.

c) Thực hiện việc công khai thông tin đường dây nóng và hộp thư góp ý tại đơn vị; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng. Công khai các thủ tục hành chính, minh bạch các chủ trương, chính sách để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện.

Điều 5. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hàng quý, năm (trước ngày 10 của tháng cuối quý, năm) các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ về Thanh tra tỉnh để Thanh tra tỉnh tổng hợp.

2. Định kỳ hàng quý, năm (trước ngày 15 của tháng cuối quý, năm), Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) theo quy định.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2939/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Quy chế phối hợp thực hiện Chỉ số thành phần Chi phí không chính thức trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

  • Số hiệu: 2939/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/08/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Trần Anh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/08/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản