Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------

Số: 29/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÂY BÔNG VẢI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển cây bông vải nhằm đẩy mạnh cung cấp nguyên liệu bông xơ sản xuất trong nước cho ngành Dệt May, từng bước đáp ứng nhu cầu bông, giảm nhập siêu, tạo điều kiện để ngành Dệt May Việt Nam tăng trưởng và phát triển ổn định.

2. Phát triển cây bông vải theo hướng tăng cường đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo hiệu quả kinh tế nâng cao sức cạnh tranh của cây bông và bảo vệ môi trường sinh thái; chú trọng xây dựng và mở rộng diện tích vùng chuyên canh bông có tưới; xây dựng các trang trại trồng bông có hiệu quả kinh tế cao ở những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển của cây bông vải.

3. Phát huy mọi nguồn lực của thành phần kinh tế cùng sự hỗ trợ của Nhà nước cho đầu tư phát triển cây bông vải, gắn kết lợi ích giữa gia công chế biến, tiêu thụ với lợi ích của người trồng bông.

4. Nhà nước đầu tư cho công tác nghiên cứu, khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất bông.

II. CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Đến năm 2015:

a) Diện tích đạt 30.000 ha, trong đó có tưới khoảng: 9.000 ha;

b) Năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha, có tưới đạt 2,0 tấn/ha;

c) Sản lượng bông xơ đạt 20.000 tấn.

2. Định hướng đến năm 2020

a) Diện tích đạt 76.000 ha, trong đó có tưới khoảng: 40.000 ha;

b) Năng suất bình quân đạt 2,0 tấn/ha, có tưới đạt 2,5 tấn/ha;

c) Sản lượng bông xơ đạt 60.000 tấn.

3. Định hướng phát triển:

a) Phát triển cây bông vụ mưa nhờ nước trời: theo hướng khôi phục diện tích sản xuất bông vụ mưa tại các vùng trồng bông truyền thống có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp tại các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai; các tỉnh miền Đông và Duyên hải Nam Trung Bộ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; các tỉnh vùng núi phía Bắc: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, trong đó trọng tâm là các tỉnh Tây Nguyên;

b) Phát triển cây bông vụ khô có tưới: theo hướng mở rộng diện tích vùng chuyên canh cây bông vải có tưới vụ Đông Xuân; đầu tư thâm canh diện tích hiện có, mở rộng diện tích theo quy hoạch ở những nơi có điều kiện trên cơ sở sử dụng giống mới, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cây bông. Tập trung phát triển bông có tưới bằng phương pháp tưới nhỏ giọt tại các tỉnh Tây Nguyên; bằng hệ thống giếng khoan tại các tỉnh Duyên hải miền Trung; bằng hệ thống thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về quy hoạch

Ủy ban nhân dân các tỉnh nằm trong vùng sản xuất bông vải trọng điểm chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch phát triển vùng trồng cây bông vải của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của cả nước và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015 và định hướng phát triển cây bông vải đến năm 2020 của Quyết định này.

2. Về đầu tư

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tại các vùng được quy hoạch trồng bông vải có tưới tập trung.

Ngân sách nhà nước đầu tư cho việc nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm chuyên sâu công nghệ cao. Đảm bảo kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến bông xơ hỗ trợ người trồng bông đầu tư cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến thu hoạch, bảo quản, xơ chế, hệ thống tưới tiết kiệm để tăng năng suất lao động nhằm tạo bước đột phá trong phát triển cây bông vải Việt Nam.

3. Về khoa học và công nghệ

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên đầu tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nhập nội các giống bông vải có năng suất, tỷ lệ xơ và tính chống chịu cao đưa vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của cây bông.

Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dành nguồn kinh phí thỏa đáng từ Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện dự án nhân giống bông vải có năng suất, tỷ lệ xơ và tính chống chịu cao phục vụ nhu cầu sản xuất.

Tăng cường công tác khuyến nông cho cây bông, tập trung vào các nội dung: chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tập huấn, đào tạo và thông tin tuyên truyền để nâng cao trình độ cho người trồng bông.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam sử dụng nguồn kinh phí của chương trình đào tạo ngành Dệt May tổ chức tập huấn, đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ khuyến nông để nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển đội ngũ cán bộ khuyến nông của ngành bông ở các địa bàn sản xuất có đủ kiến thức tập huấn cho người trồng bông.

4. Về tài chính

a) Thành lập Quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước để ổn định giá mua bông hạt, đảm bảo lợi ích cho người trồng bông và ổn định phát triển ngành bông Việt Nam, theo nguyên tắc:

Nguồn hình thành Quỹ được trích 2% giá thành sản xuất bông trong nước của các đơn vị tổ chức sản xuất bông, khi giá thành sản xuất bông trong nước thấp hơn giá bông nhập khẩu và các đơn vị này sản xuất kinh doanh có lãi. 

Các đơn vị tổ chức sản xuất bông được vay với mức lãi suất phù hợp để mua bông hạt sản xuất trong nước cho người trồng bông phù hợp với mặt bằng giá từng thời vụ.

b) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng kho bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch cây bông vải được áp dụng Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

5. Về tổ chức sản xuất và tiêu thụ

Nghiên cứu, xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng bông với các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, trong đó nòng cốt là Công ty Cổ phần Bông Việt Nam, Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh nguyên liệu Dệt May Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố và Trạm sản xuất bông ở các vùng trồng bông.

Hình thành các Hội tự quản sản xuất bông của người trồng bông với sự trợ giúp của Công ty Cổ phần Bông Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông và Hội nông dân các tỉnh.

Đảm bảo lợi ích của người trồng bông thông qua thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện Chương trình đã được phê duyệt; kịp thời cập nhật thông tin về thị trường, tiến bộ khoa học công nghệ và tình hình thực tế tại cơ sở sản xuất để có sự chỉ đạo kịp thời.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng trọng điểm phát triển bông phê duyệt quy hoạch của tỉnh phù hợp với quy hoạch của Chương trình này; triển khai và chỉ đạo kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị tổ chức sản xuất bông với người trồng bông để đảm bảo hài hòa các lợi ích, đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người trồng bông.

3. Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị đầu mối làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh và các Bộ, ngành về việc bố trí quỹ đất trồng bông theo quy hoạch và tổ chức triển khai các dự án trồng bông. Báo cáo và đề xuất kịp thời giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải;
- VPCP: BTCN, các PCN: Văn Trọng Lý, Phạm Văn Phượng, Phạm Viết Muôn, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, ĐMDN, ĐP, TH;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng  

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 29/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 29/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/01/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản