Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH ĐẮKLẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2007/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 23 tháng 08 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25/12/1998;

Căn cứ Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 33/TTr-STP ngày 17/7/2007.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm Quyết định này "Quy chế hòa giải viện ở cơ sở".

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các hòa giải viên ở cơ sở chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2 (để thực hiện);
- Bộ Tư pháp; (để báo cáo)
- TT. Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- TT. HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- CT, các P.CT UBND t/h;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Báo Đắk Lắk;
- VP: LĐ VP, các P, …
- Lưu: VT, NC, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY CHẾ

HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2007/QĐ-UBND ngày 23/8/2007 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Hòa giải viên ở cơ sở

Hòa giải viên ở cơ sở là những người được nhân dân tín nhiệm bầu ra và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận để thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.

Điều 2. Mục đích, nguyên tắc hoạt động của hòa giải viên

Mục đích, nguyên tắc hoạt động của hòa giải viên theo quy định tại Điều 1, Điều 4 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Điều 2 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh này.

Điều 3. Quản lý hòa giải viên

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn Phòng Tư pháp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên; biên soạn tài liệu pháp luật phục vụ công tác hòa giải; sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng, báo cáo công tác hòa giải ở cơ sở cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.

2. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp kiện toàn tổ chức và hoạt động hòa giải; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở các xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở địa phương; sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng, báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Sở Tư pháp theo định kỳ hàng tháng, quý, năm;

3. Cán bộ tư pháp - hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ hòa giải, hòa giải viên; bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho các tổ hòa giải; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp miễn nhiệm hòa giải viên; sơ kết tổng kết, thi đua khen thưởng, báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tư pháp theo định kỳ hàng tháng, quý, năm.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm;

- Quyết định công nhận hòa giải viên, thành lập tổ hòa giải ở địa phương, quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải, hòa giải viên:

- Cung cấp tài liệu pháp luật cần thiết, tạo điều kiện cho hòa giải viên khai thác tài liệu của Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn;

- Tổ chức và duy trì thường xuyên chế độ giao ban về công tác hòa giải theo định kỳ hàng quý;

- Bố trí đủ kinh phí chi cho việc mua tài liệu, văn phòng phẩm: in ấn các biểu mẫu, sổ sách, báo cáo cho hòa giải viên tại địa phương; chi thù lao cho hòa giải viên; sơ kết, tổng kết, khen thưởng công tác hòa giải; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật của đối tượng là hòa giải viên.

5. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện, thành phố và cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, đơn vị khác vận động nhân dân tham gia xây dựng, củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở, giúp đỡ, tạo điều kiện, tham gia hòa giải theo quy định của pháp luật.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN

Điều 4. Lựa chọn hòa giải viên

Hòa giải viên được lựa chọn từ các già làng, trưởng thôn, buôn, tổ dân phố; cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng, hội viên các tổ chức đoàn thể ở xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, tổ dân phố... và phải đảm bảo những tiêu chuẩn quy định tại Điều 9 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Chú trọng lựa chọn những hòa giải viên biết ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Điều 5. Số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên ở thôn, buôn tổ dân phố

1. Ở thôn, buôn, tổ dân phố có dưới 50 hộ dân: thành lập 1 tổ hòa giải, gồm từ 3 đến 4 hòa giải viên.

2. Ở thôn, buôn, tổ dân phố có từ trên 50 đến dưới 150 hộ dân: thành lập 1 tổ hòa giải, gồm từ 5 đến 7 hòa giải viên;

3. Ở thôn, buôn, tổ dân phố có trên 150 hộ dân; thành lập 2 tổ hòa giải.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của hòa giải viên ở cơ sở

Hòa giải viên thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 11 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Điều 7. Quyền lợi của hòa giải viên ở cơ sở

1. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo định kỳ hàng năm;

2. Được mời dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác hòa giải;

3. Được thông tin về các văn bản pháp luật, văn bản về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở trung ương và địa phương;

4. Được cung cấp tài liệu nghiệp vụ, văn phòng phẩm, biểu mẫu, sổ sách, báo cáo;

5. Được hưởng chế độ thù lao hòa giải viên theo quy định của Nhà nước.

Điều 8. Lập hồ sơ vụ việc hòa giải

1. Trong quá trình hòa giải vụ việc, hòa giải viên phải lập hồ sơ vụ việc hòa giải. Hồ sơ gồm có:

- Biên bản phân công hòa giải viên giải quyết vụ việc tranh chấp (nếu có).

- Biên bản hòa giải hoặc báo cáo về vụ việc hòa giải.

2. Các trường hợp lập biên bản hòa giải, báo cáo về vụ việc hòa giải:

a. Trường hợp các bên tranh chấp yêu cầu hoặc đồng ý lập biên bản hòa giải ghi cụ thể nội dung vụ việc thì hòa giải viên lập biên bản hòa giải chi tiết, gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Thời gian, địa điểm thực hiện hòa giải;

- Thành phần tham dự: họ tên, đại chỉ của các bên tranh chấp, hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải;

- Nội dung chi tiết của vụ việc hòa giải;

- Quá trình hòa giải: số lần tiến hành hòa giải; ý kiến của các bên tranh chấp; ý kiến phân tích, thuyết phục của người tiến hành hòa giải; cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc;

- Kết quả hòa giải: nếu hòa giải thành thì ghi rõ nội dung cam kết của các bên tranh chấp, nếu hòa giải không thành thì ghi rõ lý do và hướng dẫn các bên tranh chấp làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Biên bản này phải có đầy đủ chữ ký của người tiến hành hòa giải, đại diện các bên tranh chấp và xác nhận của Tổ trưởng tổ hòa giải.

b. Trường hợp các bên tranh chấp yêu cầu hoặc đồng ý lập biên bản hòa giải, nhưng vì lý do cá nhân nên thống nhất ghi tên của mâu thuẫn (ví dụ: mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp lối đi chung…) thì hòa giải viên lập biên bản hòa giải tóm tắt.

Biên bản này ghi tên của mâu thuẫn; sơ lược về quá trình hòa giải (số lần tiến hành hòa giải, cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc). Các nội dung về: thời gian, địa điểm hòa giải; thành phần tham dự; kết quả hòa giải; chữ ký, xác nhận: tương tự như biên bản hòa giải chi tiết.

c. Trường hợp các bên tranh chấp không yêu cầu hoặc không đồng ý lập biên bản hòa giải thì hòa giải viên làm báo cáo vụ việc hòa giải đó.

Báo cáo vụ việc hòa giải có nội dung tương tự như biên bản hòa giải tóm tắt và phải có chữ ký của người tiến hành hòa giải, xác nhận của Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố và Tổ trưởng tổ hòa giải.

3. Hồ sơ vụ việc hòa giải là cơ sở để thanh toán thù lao hòa giải viên.

4. Định kỳ hàng quý, Tổ trưởng tổ hòa giải lập danh sách các vụ việc hòa giải có xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận và Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố), kèm theo hồ sơ vụ việc hòa giải, gửi đến cán bộ tư pháp, hộ tịch để đề nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn duyệt chi.

5. Nghiêm cấm hòa giải viên tự ý hoặc cùng với tổ hòa giải, các bên tranh chấp biên bản hoặc báo cáo khống vụ việc hòa giải để được hưởng thù lao hòa giải viên.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Khen thưởng

Hòa giải viên, tổ hòa giải có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 10. Xử lý vi phạm

Hòa giải viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Quy chế này thì tùy theo tính chất; mức độ vi phạm mà bị miễn nhiệm, xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.