Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2867/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 12 năm 2017 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CHỢ ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 75/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh chợ đêm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc: Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CHỢ ĐÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2867/QĐ-UBND ngày 09/12/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: quy định này quy định công tác quản lý nhà nước về hoạt động chợ đêm và trách nhiệm của tổ chức/cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh khai thác chợ đêm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, chợ đêm tại Quy định này là loại hình kinh doanh thương mại mang tính chất kinh doanh bán lẻ, chuyên hoạt động vào ban đêm và được tổ chức tại một địa điểm phù hợp theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách về đêm.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, kinh doanh khai thác chợ đêm.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý, nguyên tắc phối hợp
1. Việc quản lý hoạt động kinh doanh chợ đêm phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tổ chức chợ đêm.
2. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về chợ đêm trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế (sau đây gọi là UBND cấp huyện) quản lý trực tiếp và toàn diện về hoạt động chợ đêm trên phạm vi địa bàn quản lý.
3. Hoạt động phối hợp giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, phải tuân thủ nguyên tắc phối hợp quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn; đảm bảo sự nhất quán, phát huy tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan để công tác quản lý nhà nước về tổ chức hoạt động chợ đêm trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.
4. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật chủ động phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc đảm bảo khách quan, minh bạch, hiệu quả.
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CHỢ ĐÊM
Điều 3. Các nội dung quy định quản lý đối với hoạt động kinh doanh chợ đêm
1. Địa điểm tổ chức chợ đêm: Việc bố trí địa điểm tổ chức chợ đêm phải đảm bảo diện tích quy mô kinh doanh, thuận tiện về giao thông, gần các khu vực vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú của khách du lịch, có bãi giữ xe thuận tiện cho khách tham gia và phù hợp quy hoạch phát triển chợ đêm của tỉnh.
2. Hình thức tổ chức chợ đêm: Chợ đêm có thể được tổ chức dưới hình thức chợ tạm, kiên cố, bán kiên cố.
3. Thời gian hoạt động của chợ đêm: Hoạt động chợ đêm được thực hiện trong khoảng thời gian từ 18h00 - 24h00 hàng đêm và các thương nhân tham gia phải thực hiện đúng thời gian quy định.
4. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ đêm
- Hàng hóa, dịch vụ được bày bán tại chợ đêm phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Nghiêm cấm các hành vi bán hàng giả hàng không đảm bảo chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu,... và các hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các dịch vụ ẩm thực; khuyến khích hàng hóa là sản phẩm đặc sản của địa phương.
- Hàng hóa kinh doanh tại chợ cần được sắp xếp đảm bảo mỹ quan và văn minh thương mại.
- Hàng hóa, dịch vụ được bày bán tại chợ phải thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
5. An ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy:
- Phải có phương án về đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ được các cơ quan chức năng có liên quan thẩm định, phê duyệt.
- Nghiêm cấm kinh doanh các loại vật liệu nổ, các loại chất lỏng dễ gây cháy nổ (xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng...) và các hoạt động cờ bạc trá hình tại chợ đêm.
- Mọi người ra vào chợ phải dừng, đậu, gửi xe và các phương tiện chuyên chở, đi lại khác đúng nơi quy định.
6. Vệ sinh, môi trường và an toàn thực phẩm:
- Chợ đêm phải có kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trước, trong và sau khi kết thúc phiên chợ.
- Trong chợ đêm phải bố trí các khu vệ sinh hợp lý, riêng biệt dành cho nam và nữ, có quy mô đáp ứng nhu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh và khách đến tham quan, mua sắm tại chợ đêm.
- Hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống phải thực hiện đúng các quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nơi kinh doanh phải vệ sinh, gọn gàng và sạch đẹp.
7. Thái độ giao tiếp của người bán hàng: Ứng xử có văn hóa, trung thực, bán đúng giá niêm yết; không tranh giành, lôi kéo khách hàng làm mất trật tự hoặc gây ra tranh chấp trong quan hệ mua bán.
8. Gian hàng tại chợ đêm: Phải thiết kế đảm bảo các quy định và văn minh thương mại.
Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh chợ đêm
1. UBND thành phố Huế, thị xã và các huyện:
- Khảo sát lựa chọn các điểm kinh doanh chợ đêm phù hợp với các điều kiện được quy định tại Điều 3 quy định này; thỏa thuận thống nhất với Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát PCCC tỉnh và các cơ quan liên quan, trước khi phê duyệt quy hoạch các điểm kinh doanh chợ đêm (trình UBND tỉnh xem xét, thống nhất đối với chợ đêm có quy mô tương đương chợ loại 3 trở lên hoặc các khu vực đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng).
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, tổ chức hoạt động chợ đêm theo đúng quy định pháp luật về đầu tư.
- Tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án và chịu trách nhiệm cấp phép, quản lý các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức chợ đêm trên địa bàn quản lý.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện, bố trí sắp xếp gian hàng, ngành hàng tại chợ đêm.
- Thực hiện kiểm tra, thanh tra các quy định của pháp luật về kinh doanh, thu chi tài chính, văn minh thương mại, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy và các quy định khác; thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ đêm trên địa bàn.
- Chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn quản lý, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức, cá nhân triển khai hoạt động chợ đêm theo quy định.
2. Sở Công Thương:
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, hướng dẫn UBND cấp huyện quy hoạch các địa điểm tổ chức chợ đêm trên địa bàn quản lý; theo dõi kiểm tra phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan theo quy định; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ngành.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh khai thác và quản lý chợ đêm về nghiệp vụ quản lý chợ.
3. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với các ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức chợ đêm hướng dẫn, khảo sát, lập các biển báo giao thông có liên quan tại khu vực chợ đêm, đảm bảo các loại xe lưu thông hợp lý, an toàn khi chợ đêm hoạt động; đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng thuộc ngành hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức chợ đêm thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông.
4. Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế chợ đêm đảm bảo phù hợp cảnh quan, quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị của địa phương.
5. Sở Tài chính, Cục thuế: Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia chợ đêm thực hiện các quy định về giá và các nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch: Hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách về ưu đãi đối với các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư tổ chức chợ đêm theo quy định; tăng cường công tác quản lý ngành và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai tổ chức thực hiện chợ đêm.
7. Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc ngành tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân về nghiệp vụ chuyên môn lĩnh vực ngành mình quản lý để các đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm.
8. Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh:
- Công an tỉnh:
+ Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương liên quan đảm bảo an ninh trật tự; phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đối tượng xấu lợi dụng đông người gây án thực hiện các hành vi trái pháp luật.
+ Tăng cường phối hợp với các cơ quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh:
+ Chủ trì phối hợp với các ban, ngành chức năng phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chợ đêm.
+ Chủ trì tổ chức hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy, quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy để xảy ra cháy, nổ và các hoạt động khác theo thẩm quyền.
9. Các sở, ngành liên quan khác: thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực do sở, ngành quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động kinh doanh chợ đêm
1. Tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức chợ đêm:
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về chợ và các quy định về an toàn PCCC, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, an toàn giao thông.
- Phối hợp với UBND cấp huyện nơi tổ chức chợ đêm để xác định về địa điểm, thời gian, nội dung tổ chức; phải có văn bản chấp thuận địa điểm trước khi tổ chức chợ đêm.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức: phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị của chợ đêm; báo cáo các cơ quan chức năng liên quan.
- Phải có các giấy tờ pháp lý liên quan đến ngành nghề kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia; phối hợp, hợp đồng với các cơ quan thông tấn, báo chí để thực hiện công tác truyền thông, quảng bá về chợ đêm.
- Xây dựng nội quy tham gia chợ đêm; thống kê, lập danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh tại chợ đêm báo cáo các cơ quan chức năng.
- Lập phương án tổ chức chợ đêm trình UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát các hoạt động tại chợ đêm.
- Thực hiện nghiêm túc các loại phí, thuế theo quy định của pháp luật.
- Trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian tổ chức chợ đêm; trường hợp có những việc phát sinh phức tạp vượt quá khả năng xử lý thì phải kịp thời báo cáo các ngành chức năng có liên quan, chính quyền địa phương nơi tổ chức chợ đêm, để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh tại chợ đêm:
- Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về hàng hóa, dịch vụ trưng bày, giới thiệu tại chợ đêm; Chấp hành nội quy tham gia chợ đêm, các quy định về an toàn PCCC và các nội dung quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8, điều 3 quy định này.
- Phải có các giấy tờ pháp lý liên quan đến ngành nghề kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Thực hiện nghiêm túc các loại phí, thuế theo quy định của pháp luật.
- Phải ký hợp đồng sử dụng, thuê điểm bán; không tự ý sang nhượng, trao đổi hoặc thay đổi chủ kinh doanh khi chưa có ý kiến của tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức chợ đêm.
Điều 6. Sở Công Thương phối hợp UBND thành phố Huế, các huyện và thị xã triển khai Quy định này trên địa bàn toàn tỉnh và chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy định này.
Điều 7. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản về Sở Công Thương để tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Sau thời gian 06 tháng/ 01 năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Sở Công Thương tổ chức sơ kết/tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định này; báo cáo và tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định chính thức để tổ chức quản lý hoạt động chợ đêm phù hợp với quy định pháp luật và tình hình, yêu cầu thực tiễn./.
- 1Quyết định 116/QĐ-UB năm 1994 về Quy chế tạm thời quản lý chợ cửa khẩu Lào Cai
- 2Quyết định 6583/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt mức thu phí chợ đêm tại tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- 3Quyết định 29/2017/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 4Quyết định 45/2017/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 1Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 2Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 3Quyết định 116/QĐ-UB năm 1994 về Quy chế tạm thời quản lý chợ cửa khẩu Lào Cai
- 4Quyết định 6583/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt mức thu phí chợ đêm tại tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Quyết định 29/2017/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 7Quyết định 45/2017/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Quyết định 2867/QĐ-UBND năm 2017 về Quy định tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh chợ đêm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu: 2867/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/12/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Phan Ngọc Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/12/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra