Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 285-HĐBT | Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1985 |
Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 10-8-1985 của Bộ Chính trị về giá-lương-tiền, Hội đồng Bộ trưởng quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết số 156-HĐBT ngày 30-11-1984 của Hội đồng Bộ trưởng như sau:
1- Bổ sung điểm 4, mục b. Trình tự xây dựng kế hoạch, như sau:
"Trong quá trình thực hiện, xí nghiệp có thể bổ sung thêm kế hoạch, thay đổi mặt hàng cho phù hợp với nhu cầu thị trường miễn là bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh về giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện và hiệu quả sản xuất kinh doanh và báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp".
2- Về hệ thống chỉ tiêu pháp lênh. Tạm giữ như quy định trong Nghị quyết số 156-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng cho đến khi có quy định mới về mở rộng quyền chủ động cho cơ sở trong sản xuất - kinh doanh.
3- Bổ sung mục d. Bảo vệ và nhận kế hoạch, như sau:
Các xí nghiệp được xác định là xí nghiệp trọng điểm của nền kinh tế quốc dân sau khi đã có ý kiến của Bộ chủ quản (hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu nếu là xí nghiệp địa phương) được bảo vệ và nhận kế hoạch trực tiếp trước Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
Các xí nghiệp khác bảo vệ và nhận kế hoạch trước thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
Khi bảo vệ kế hoạch, xí nghiệp phải trình bày rõ các căn cứ kinh tế, kỹ thuật, các nguồn vốn, các hợp đồng kinh tế về cung ứng vật tư, vận tải, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.
Cơ quan giao kế hoạch đồng thời cân đối cho xí nghiệp những vật tư chủ yếu, năng lượng, vận tải, dịch vụ cần thiết theo những định mức trung bình tiên tiến và giao chỉ tiêu pháp lệnh cho các tổ chức cung ứng và dịch vụ phải bảo đảm cung ứng cho xí nghiệp những vật tư và dịch vụ đó.
4- Sửa đổi mục e. Xét duyệt hoàn thành và quyết toán kế hoạch, như sau:
Xí nghiệp phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện kế hoạch lên cơ quan giao kế hoạch. Cơ quan này cùng với các cơ quan thống kê, tài chính và chủ quản cùng cấp xét duyệt hoàn thành và quyết toán kế hoạch.
Bổ sung và sửa đổi một số điểm trong mục 3. Chấn chỉnh việc hạch toán giá thành, như sau:
1- Điểm a về giá vật tư đưa vào sản xuất, nay sửa lại như sau:
Vật tư do Nhà nước cung ứng phải được hạch toán vào giá thành sản phẩm theo giá chỉ đạo của Nhà nước cộng thêm chi phí thu mua, vận chuyển, hao hụt thực tế hợp lý. Trong hợp đồng ký kết giữa xí nghiệp và các tổ chức cung ứng vật tư dịch vụ, vận tải, phải ghi rõ những điều kiện giao nhận cụ thể (số lượng, quy cách phẩm chất, giá cả, thời gian và địa điểm giao nhận) và thực hiện đúng các điều kiện đó.
Vật tư do xí nghiệp tự kiếm (kể cả vật tư nhập khẩu) được hạch toán vào giá thành sản phẩm theo giá thực mua xuất phát từ giá sản phẩm có thể tiêu thụ được, xí nghiệp làm được nghĩa vụ nộp tích luỹ cho Nhà nước và có lãi cho xí nghiệp.
2- Điểm b về khấu hao tài sản cố định, nay sửa lại như sau:
- Căn cứ kết quả tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định ngày 1 tháng 10 năm 1985, Bộ Tài chính cùng các cơ quan có liên quan sửa lại chế độ trích khấu hao cơ bản cho phù hợp hơn; trước mắt tạm thời tính khấu hao cơ bản căn cứ vào mức đã được quy định trong Quyết định số 215-TC/CĐTC ngày 2-10-1980 của Bộ Tài chính và thực tế sử dụng máy móc, thiết bị của xí nghiệp; những ngành cần có mức khấu hao thấp hơn để phù hợp với hệ thống giá mới sẽ do Bộ Tài chính quy định riêng.
- Về khấu hao sửa chữa lớn, xí nghiệp được hạch toán vào giá thành sản phẩm tiền trích khấu hao đủ bảo đảm chi phí sửa chữa lớn thực tế hợp lý tính theo lịch tu sửa, các định mức về tiêu hao vật tư và lao động, giá vật tư mới và lương mới.
- Chi phí cải tiến, hiện đại hoá thiết bị tiến hành kết hợp với sửa chữa lớn lấy từ tiền khấu hao cơ bản để lại cho xí nghiệp, từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất, nếu thiếu thì vay ngân hàng, giá trị tài sản cố định tăng thêm do cải tiến, hiện đại hoá được coi là tài sản do vốn của xí nghiệp đầu tư. Phần trích khấu hao cơ bản tài sản cố định tăng thêm này được đưa vào giá thành sản phẩm nhưng không phải nộp ngân sách mà để lại cho xí nghiệp.
Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ khấu hao tài sản cố định theo các nguyên tắc trên đây.
3- Điểm b bổ sung như sau:
Xí nghiệp được đưa vào chi phí quản lý trong giá thành một khoản chi phí giao dịch; mức cụ thể tuỳ theo quy mô hoạt động của từng xí nghiệp những phải tính chặt chẽ. Giao Bộ Tài chính cùng với các Bộ quản lý sản xuất hướng dẫn cụ thể vấn đề này trong tháng 1 năm 1986.
CÁC CHÍNH SÁCH KINH TẾ - TÀI CHÍNH
- Sửa lại điểm về vốn lưu động như sau:
Các xí nghiệp tích cực tạo điều kiện để chuyển sang hình thức vay ngân hàng toàn bộ vốn lưu động cần thiết ngoài vốn tự có.
Vốn lưu động đã được Nhà nước cấp cho xí nghiệp được coi là vốn tự có của xí nghiệp. Nhu cầu vốn lưu động tăng lên từ ngày 1 tháng 1 năm 1986 trở đi, xí nghiệp được bổ sung bằng vốn tự có, còn thiếu thì vay ngân hàng. Đối với các xí nghiệp mới đưa vào hoạt động thì ngân sách cấp một phần vốn lưu động ban đầu.
- Sửa lại điểm về chế độ để lại tiền trích khấu hao cơ bản cho xí nghiệp như sau:
Toàn bộ tiền trích khấu hao cơ bản, xí nghiệp được dùng vào việc duy trì năng lực sản xuất của tài sản cố định, đổi mới kỹ thuật và đầu tư xây dựng cơ bản. Trường hợp xí nghiệp chưa có điều kiện sử dụng hết thì phải gửi vào ngân hàng.
Liên hiệp các xí nghiệp (tổng công ty) được điều phối một phần quỹ khuyến khích phát triển sản xuất và tiền trích khấu hao cơ bản để lại cho các xí nghiệp thành viên nhằm phục vụ lợi ích chung toàn liên hiệp các xí nghiệp (tổng công ty), nhưng phải được sự thoả thuận của giám đốc xí nghiệp thành viên, và phải hoàn lại cho xí nghiệp khi xí nghiệp cần dùng.
- Giao Bộ Tài chính trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những quy định cụ thể về cải tiến thu quốc doanh trong quý I năm 1986.
2- Tín dụng, nay bổ sung như sau:
Căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh và phương án đầu tư của xí nghiệp đã được cấp có thẩm quyền duyệt với sự tham gia của ngân hàng cùng cấp, xí nghiệp lập kế hoạch vay vốn, ký hợp đồng với ngân hàng. Nếu vay đột xuất mà có hiệu quả thì ngân hàng cho vay. Nợ quá hạn phải trả cao hơn. Ngân hàng quy định chế độ theo dõi việc xí nghiệp sử dụng vốn vay trên tinh thần tôn trọng quyền tự chủ trong sản xuất - kinh doanh của xí nghiệp.
- Ngân hàng Nhà nước trình Hội đồng Bộ trưởng quy định lãi suất mới về tiền cho vay và tiền gửi trong quý I năm 1986.
- Ngân hàng cùng với xí nghiệp lập kế hoạch và đăng ký hợp đồng về việc ngân hàng cung ứng tiền mặt cho xí nghiệp phù hợp với quy mô hoạt động, nhu cầu tiền mặt và tính chất của từng xí nghiệp và việc xí nghiệp nộp tiền mặt vào ngân hàng. Bên nào không thực hiện đúng hợp đồng phải chịu phạt.
- Ngân hàng Nhà nước áp dụng ngay những biện pháp có hiệu quả để khắc phục những hiện tượng cửa quyền, móc ngoặc, gây phiền hà, tạo điều kiện thuận tiện cho xí nghiệp trong việc sử dụng tài khoản của mình, vay vốn và rút tiền mặt.
Các xí nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ thanh toán qua ngân hàng, quản lý tiền mặt và sử dụng vốn vay của ngân hàng.
Bổ sung điểm c về giá tiêu thụ sản phẩm, như sau:
- Đối với những sản phẩm trong chi tiêu pháp lệnh sản xuất chủ yếu bằng vật tư Nhà nước cung ứng (bao gồm sản phẩm giao suất khẩu) Nhà nước quy định giá bán những sản phẩm quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế quốc dân, giá bán mặt hàng chuẩn của từng nhóm đối với những sản phẩm còn lại. Xí nghiệp chủ động xây dựng phương án giá và bảo vệ trước cơ quan duyệt giá, có ý kiến của cơ quan chủ quản. Cơ quan duyệt giá quyết định giá sau khi đã trao đổi với xí nghiệp. Giá những mặt hàng cụ thể trong từng nhóm hàng do xí nghiệp cùng với tổ chức tiêu thụ quy định căn cứ vào giá mặt hàng chuẩn, chất lượng, thị hiếu, cung cầu...
Nói chung, Nhà nước không bù lỗ cho xí nghiệp. Trường hợp phải bù lỗ theo chính sách, thì xí nghiệp sản xuất và tiêu thụ theo kế hoạch và theo giá bán buôn xí nghiệp được duyệt chặt chẽ trên cơ sở giá thành kế hoạch và lợi nhuận định mức cho xí nghiệp.
Nếu giá vật tư và phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng tăng lên, xí nghiệp kịp thời đề nghị Bộ chủ quản (hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, nếu là xí nghiệp địa phương) và cấp có thẩm quyền quy định giá điều chỉnh giá; nếu không thể điều chỉnh được giá thì đề nghị cơ quan tài chính có biện pháp giải quyết cho phù hợp.
Đối với những sản phẩm do xí nghiệp được quyền định giá thì xí nghiệp căn cứ vào giá thành và khả năng tiêu thụ của thị trường để định lại giá bán sản phẩm, hoặc thay đổi mặt hàng để bảo đảm sản xuất - kinh doanh có lãi.
Đối với những sản phẩm khác, giá tiêu thụ là giá ghi trong hợp đồng được thoả thuận giữa xí nghiệp với khách hàng.
4- Lợi nhuận và phân phối lợi nhuận:
Bổ sung điểm a như sau:
Giá thành hợp lý được duyệt là giá thành tính đủ chi phí thực tế hợp lý, thúc đẩy việc phấn đấu tăng năng suất, nâng cao chất lượng và hiệu quả, loại bỏ các chi phí bất hợp lý, bất hợp lệ.
Trên cơ sở giá thành được tính toán hợp lý và giá tiêu thụ sản phẩm theo chính sách giá mới, nếu lợi nhuận vẫn đủ bảo đảm tỷ lệ lợi nhuận quy định cho các nhóm ngành trong Nghị quyết số 156-HĐBT thì xí nghiệp được hưởng tỷ lệ lợi nhuận đó; nếu không đủ thì lợi nhuận của xí nghiệp phải giảm; nếu không có lợi nhuận hoặc lỗ thì xí nghiệp cũng không có lợi nhuận định mức. Riêng đối với những sản phẩm phải bán lỗ do yêu cầu của chính sách thì xí nghiệp được hưởng lợi nhuận định mức trong giá bán buôn xí nghiệp đủ để lập 3 quỹ.
5- Lao động, tiền lương, nay bổ sung như sau:
Thực hiện nghiêm chỉnh các thang lương, bảng lương mới và các khoản phụ cấp đã được quy định trong Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
Số người dôi ra do sắp xếp lại lao động, xí nghiệp chủ động tổ chức sản xuất phụ để giải quyết hoặc chuyển đi bộ phận khác, nơi khác phù hợp hơn. Những người đến tuổi hưu hoặc đau ốm, mất sức lao động thì cho nghỉ theo chế độ. Trong khi chờ đợi làm thủ tục, hoặc chờ thuyên chuyển, bố trí công việc mới, những người nói trên được hưởng khoản trợ cấp bằng 70% lương cấp bậc; khoản này được hạch toán riêng không đưa vào giá thành sản phẩm và lấy từ lợi nhuận xí nghiệp để chi. Xí nghiệp nào có khó khăn thì Nhà nước có thể giúp đỡ.
6- Khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, nay bổ sung như sau:
Lợi nhuận định mức của những sản phẩm được xuất khẩu cao hơn so với lợi nhuận định mức của sản phẩm cùng loại làm ra tiêu thụ trong nước từ 10 đến 20%. Nếu là loại hàng xuất khẩu có lãi nhiều hơn thì có thể khuyến khích người sản xuất nhiều hơn.
Giữa xí nghiệp và khách hàng, việc thanh toán tiền bán sản phẩm bằng tiền Việt Nam hay bằng ngoại tệ là do sự thoả thuận giữa hai bên và phải qua ngân hàng. Nguyên tắc là phần phải chi bằng ngoại tệ thì thanh toán bằng ngoại tệ, phần phải chi bằng tiền Việt Nam thì thanh toán bằng tiền Việt Nam.
Ngân hàng Ngoại thương mở rộng cho vay ngoại tệ để phát triển sản xuất - kinh doanh và áp dụng rộng rãi chế độ mở rộng tài khoản trong ngân hàng ngoại thương đối với các xí nghiệp.
7- Tiêu thụ sản phẩm: Bổ sung thêm như sau:
Các xí nghiệp sản xuất bằng vật tư nhập khẩu, nếu không được Nhà nước cân đối đủ, thì được giữ lại một bộ phận sản phẩm để xuất khẩu, tạo khả năng tự nhập khẩu số vật tư mà Nhà nước chưa cân đối đủ. Mức sản phẩm được giữ lại phải ghi vào kế hoạch và được duyệt cùng một lần với kế hoạch sản xuất của xí nghiệp, ngoại tệ thu được không phải kết hối, nhưng phải gửi vào tài khoản ngân hàng ngoại thương.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1986. Những nội dung của Nghị quyết số 156-HĐBT không trái với Quyết định này vẫn có hiệu lực thi hành.
Riêng đối với những xí nghiệp được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định chọn làm đơn vị thí điểm về mở rộng quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất kinh doanh thì được áp dụng những quy định của tiểu ban chỉ đạo trong khi làm thí điểm.
| Đỗ Mười (Đã ký) |
- 1Nghị định 235-HĐBT năm 1985 về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 392-CT quán triệt và thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành trung ương đảng (khoá v) và Nghị quyết 28 của Bộ chính trị về giá - lương - tiền trong công nghiệp quốc doanh do Hội đồng bộ trưởng ban hành
Quyết định 285-HĐBT năm 1985 sửa đổi Nghị quyết 156-HĐBT về cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành
- Số hiệu: 285-HĐBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/12/1985
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Đỗ Mười
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra