Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2807/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN RÀ SOÁT VÀ CẬP NHẬT QUY HOẠCH CẤP NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 3295/QĐ-BNN-TL ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu hướng dẫn rà soát, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1408/TTr-SNN&PTNT ngày 24 tháng 10 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án “Rà soát và cập nhật quy hoạch cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020”, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG

Quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 được xây dựng với những mục tiêu như sau:

- Làm cơ sở khoa học cho các cấp chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn nông thôn thành phố Cần Thơ;

- Định hướng cho việc lập kế hoạch dài hạn làm cơ sở cho các địa phương xây dựng các dự án đầu tư về cấp nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn nông thôn;

- Khai thác hợp lý, có hiệu quả các nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường bền vững nhằm giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân nông thôn;

- Nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, đồng thời giảm tỷ lệ bệnh tật có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước và vệ sinh môi trường không đảm bảo;

- Nâng cao nhận thức của người dân về đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, công trình vệ sinh công cộng, công trình vệ sinh nhỏ lẻ, hướng tới việc thực hiện và hành động theo quy hoạch.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Giai đoạn 2012 - 2015:

a) Về cấp nước: 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 60 - 65% dân số nông thôn được cung cấp nước tập trung và 75% dân số được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn QCVN 02-BYT, với số lượng ít nhất là 80 lít/người/ngày.

b) Về vệ sinh môi trường nông thôn:

- 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh;

- 65% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh;

- Tất cả các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt.

2. Giai đoạn 2016 - 2020:

a) Về cấp nước: 95% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có 80 - 85% dân số nông thôn được cung cấp nước tập trung theo Quy chuẩn QCVN 02-BYT, trong đó có 75% dân số được sử dụng nước sạch với số lượng ít nhất là 120 lít/người/ngày.

b) Về vệ sinh môi trường nông thôn:

- 95% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh;

- 90% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh;

- Tất cả các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Thời gian thực hiện:

a) Giai đoạn năm 2012 - 2015.

b) Giai đoạn năm 2016 - 2020.

2. Địa điểm thực hiện: Triển khai trên địa bàn nông thôn thành phố Cần Thơ theo phạm vi phân vùng trách nhiệm được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thống nhất tại Công văn số 525/UBND-XDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 và Công văn số 57/SXD-HTKT ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ.

IV. NỘI DUNG DỰ ÁN

1. Giai đoạn 2012 - 2015:

a) Về cấp nước: Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp công suất các trạm cấp nước với số lượng như sau:

- Xây dựng mới Trạm cấp nước có công suất 1.000m3/ngày: 4 công trình;

- Xây dựng mới Trạm công suất 500m3/ngày: 50 công trình;

- Cải tạo, nâng công suất Trạm từ 80m3/ngày lên 250m3/ngày: 103 công trình;

- Mở rộng đường ống: 233.993 mét.

- Diện tích đất xây dựng: 19.928 m2.

b) Về vệ sinh môi trường nông thôn: Xây dựng các loại hình công trình vệ sinh với số lượng như sau:

- Công trình vệ sinh hộ gia đình: 44.019 cái;

+ Nhà vệ sinh tự hoại: 24.581 cái;

+ Nhà vệ sinh thấm dội nước: 29.438 cái;

- Công trình cấp nước và vệ sinh các cơ sở công cộng:

+ Tại Trạm Y tế: 16 công trình;

+ Trường học: 14 công trình;

+ Trụ sở Ủy ban nhân dân xã: 02 công trình;

- Công trình xử lý chất thải chăn nuôi: 5.833 cái.

+ Hầm ủ Biogas: 520 cái;

+ Chuồng trại chăn nuôi: 5.313 cái;

2. Giai đoạn năm 2016 - 2020:

a) Về cấp nước: Đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp công suất các trạm cấp nước với số lượng như sau:

- Xây dựng mới Trạm công suất 1.000m3/ngày: 1 công trình;

- Xây dựng mới Trạm công suất 500m3/ngày: 17 công trình;

- Cải tạo, nâng công suất Trạm từ 80m3/ngày lên 250m3/ngày: 65 công trình;

- Mở rộng đường ống: 186.354 mét;

- Diện tích đất xây dựng: 7.616 m2.

b) Về vệ sinh môi trường nông thôn: Xây dựng các loại hình công trình vệ sinh với số lượng như sau:

- Công trình vệ sinh hộ gia đình: 36.648 cái;

+ Nhà vệ sinh tự hoại: 16.054 cái;

+ Nhà vệ sinh thấm dội nước: 20.594 cái;

- Công trình xử lý chất thải chăn nuôi: 6.014 cái;

+ Hầm ủ Biogas: 545 cái;

+ Chuồng trại chăn nuôi: 4.414 cái.

V. VỐN VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng mức đầu tư: 1.112.023 triệu đồng (Bằng chữ: Một nghìn, một trăm mười hai tỷ, hai mươi ba triệu đồng).

Trong đó:

- Cấp nước sạch: 786.176 triệu đồng;

- Vệ sinh môi trường: 275.847 triệu đồng;

- Truyền thông: 50.000 triệu đồng.

2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

a) Nước sạch: 786.176 triệu đồng; trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 235.853 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 393.088 triệu đồng;

- Các tổ chức, cá nhân và dân đóng góp: 157.235 triệu đồng.

b) Vệ sinh môi trường: 275.847 triệu đồng; trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 55.169 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 27.585 triệu đồng;

- Các tổ chức, cá nhân và dân đóng góp: 193.093 triệu đồng.

c) Truyền thông: 50.000 triệu đồng.

Ngân sách Trung ương: 50.000 triệu đồng.

3. Phân kỳ đầu tư:

a) Giai đoạn 2012 - 2015: Tổng mức đầu tư: 700.542 triệu đồng (Bằng chữ: Bảy trăm tỷ, năm trăm bốn mươi hai triệu đồng).

Trong đó:

- Cấp nước sạch: 512.151 triệu đồng;

- Vệ sinh môi trường: 163.391 triệu đồng;

- Truyền thông: 25.000 triệu đồng.

Phân theo cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

* Nước sạch: 512.151 triệu đồng.

- Ngân sách Trung ương: 153.645 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 256.076 triệu đồng;

- Các tổ chức, cá nhân và dân đóng góp: 102.430 triệu đồng.

* Vệ sinh môi trường: 163.391 triệu đồng.

- Ngân sách Trung ương: 32.678 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 16.339 triệu đồng;

- Các tổ chức, cá nhân và dân đóng góp: 114.374 triệu đồng.

* Truyền thông: 25.000 triệu đồng.

Ngân sách Trung ương: 25.000 triệu đồng.

b) Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng mức đầu tư: 411.481 triệu đồng (Bằng chữ: Bốn trăm mười một tỷ, bốn trăm tám mươi mốt triệu đồng).

Trong đó:

- Cấp nước sạch: 274.025 triệu đồng;

- Vệ sinh môi trường: 112.456 triệu đồng;

- Truyền thông: 25.000 triệu đồng.

Phân theo cơ cấu nguồn vốn đầu tư:

* Nước sạch: 274.025 triệu đồng.

- Ngân sách Trung ương: 82.208 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 137.013 triệu đồng;

- Các tổ chức, cá nhân và dân đóng góp: 54.805 triệu đồng.

* Vệ sinh môi trường: 112.456 triệu đồng.

- Ngân sách Trung ương: 22.491 triệu đồng;

- Ngân sách địa phương: 11.246 triệu đồng;

- Các tổ chức, cá nhân và dân đóng góp: 78.719 triệu đồng.

* Truyền thông: 25.000 triệu đồng.

Ngân sách Trung ương: 25.000 triệu đồng.

VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Cơ chế huy động vốn: Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn:

a) Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm:

- Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn;

- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đầu tư cho lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

b) Huy động tối đa các nguồn lực địa phương để tổ chức triển khai thực hiện dự án, ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng các công trình theo mục tiêu của dự án quy hoạch đề ra, bố trí vốn đối ứng địa phương cho các dự án ODA và vốn đầu tư phát triển (hòa với vốn ngân sách Trung ương) đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.

2. Thông tin - Giáo dục - Truyền thông: Các hoạt động Thông tin - Giáo dục - Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân:

a) Truyền thông trực tiếp thông qua các tuyên truyền viên cấp nước và vệ sinh ở thôn, cán bộ y tế ấp, xã và các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội cấp ấp, xã. Chú trọng việc thành lập, tập huấn các nội dung và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cấp xã;

b) Phân phát tài liệu, ấn phẩm cho các đối tượng khác nhau phù hợp với thái độ, niềm tin, lối sống, trình độ học vấn, lứa tuổi… Các tuyên truyền viên cấp cơ sở được ưu tiên cung cấp đầy đủ các tài liệu với chất lượng tốt, sử dụng lâu dài;

c) Tổ chức lồng ghép bằng các hình thức: Biểu diễn ca nhạc, đóng kịch, thông qua các sự kiện đặc biệt như: Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, ngày môi trường và ngày nước thế giới...

d) Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng (Phát thanh, Truyền hình, video...), các loại ấn phẩm báo chí (báo, tạp chí...). Nội dung của hình thức này cần được phù hợp với thực tế và dễ hiểu;

đ) Tiếp thị xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau để thúc đẩy nhu cầu xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hành các hành vi vệ sinh; đặc biệt là hành vi rửa tay bằng xà phòng và nước sạch của người dân.

3. Mở rộng hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ và huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay tín dụng ưu đãi. Các lĩnh vực hợp tác như: dự án hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ xây dựng công trình bằng nguồn vốn vay và vốn không hoàn lại, nâng cao năng lực, thể chế, hỗ trợ theo dự án, hỗ trợ cho hộ nghèo, vùng nghèo…

4. Quản lý công trình sau đầu tư:

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trực tiếp quản lý khai thác các công trình cấp nước trên địa bàn nông thôn được giao làm chủ đầu tư. Các công trình sau khi xây dựng xong phải được vận hành và duy tu, bảo dưỡng. Giá thành nước sạch phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch, thuế và lợi nhuận, trình Sở Tài chính có ý kiến thẩm tra, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định ban hành theo quy định.

5. Nguồn nhân lực, tổ chức, nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất:

a) Nguồn nhân lực, tổ chức, nhân sự:

- Chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; trong đó, chú trọng đến đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên quản lý trạm cấp nước. Cán bộ, công nhân vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình được tuyển dụng theo nghiệp vụ, chuyên môn về quản lý, công nghệ kỹ thuật cấp nước; có bằng cấp chuyên môn đáp ứng vị trí công tác tuyển dụng;

- Các hình thức đào tạo: Tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm, hội thảo,… các phương pháp đào tạo mang hiệu quả tích cực, lấy học viên làm trung tâm.

b) Trang thiết bị, cơ sở vật chất:

- Trang bị dụng cụ cho công tác vận hành, sửa chữa các thiết bị tại trạm cấp nước: dụng cụ cơ khí, dụng cụ sửa chữa điện, dụng cụ sửa chữa và đào đắp đường ống,…;

- Sửa chữa nhà quản lý, kho chứa vật liệu, hóa chất đảm bảo điều kiện quản lý, điều hành;

- Trang bị thiết bị thí nghiệm để thường xuyên kiểm tra chất lượng nước đầu ra của các Trạm cấp nước, gồm: Các thiết bị kiểm tra nhanh, phòng thí nghiệm phân tích, kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu chất lượng nước theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế.

6. Khoa học và Công nghệ:

a) Về công nghệ cấp nước:

- Áp dụng công nghệ thích hợp trên cơ sở ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, duy trì công nghệ truyền thống phù hợp;

- Ứng dụng công nghệ cấp nước tiên tiến với các quy mô khác nhau, mở rộng tối đa cấp nước đến hộ gia đình, từng bước hạn chế việc phát triển các công trình cấp nước bằng các giếng khoan đường kính nhỏ, tiến tới việc phát triển cấp nước tới hộ gia đình bằng hệ thống cấp nước tập trung.

b) Về công nghệ nhà tiêu hộ gia đình:

Đẩy mạnh áp dụng 02 loại hình nhà tiêu gồm: Nhà tiêu tự hoại và nhà tiêu thấm dội nước. Sản xuất các cấu kiện vệ sinh bằng các loại vật liệu, các phụ kiện khác nhau để đáp ứng yêu cầu sử dụng. Xây dựng các mô hình mẫu về vệ sinh phù hợp cho các vùng ngập lụt, hộ gia đình, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn; đồng thời, hướng dẫn cho cộng đồng xây dựng các công trình nhà tiêu đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và hỗ trợ công tác giám sát sử dụng tại cộng đồng.

c) Về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi:

Ưu tiên áp dụng công nghệ Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, kết hợp xử lý chất thải chăn nuôi với việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ quy mô hộ gia đình, loại hình này đơn giản, rẻ tiền phù hợp với tập quán ủ phân chuồng truyền thống của các hộ nông dân; vừa đảm bảo xử lý phân, rác thải vừa tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng tốt; áp dụng phù hợp cho vùng không bị ngập lụt.

7. Sự tham gia của cộng đồng:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm tranh thủ sự tham gia của cộng đồng trong công tác xã hội hóa cấp nước và vệ sinh môi trường, tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng để người dân được hưởng lợi và tham gia tích cực.

b) Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn được hưởng các loại hình ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định của pháp luật và được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tùy theo khả năng ngân sách của địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công nhân của các cơ sở ngoài công lập khi cần thiết.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn là cơ quan thường trực) phối hợp với các sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện giúp Ủy ban nhân dân thành phố triển khai và điều hành thực hiện mục tiêu Quy hoạch cấp Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 theo kế hoạch hàng năm, 5 năm bằng các dự án đầu tư cụ thể. Hàng năm, 5 năm sơ kết, tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh bổ sung Quy hoạch kịp thời phù hợp tình hình thực tế của thành phố, của vùng và cả nước.

Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách quản lý thực hiện dự án quy hoạch.

Lập kế hoạch tổng thể về mục tiêu, nhiệm vụ, nhu cầu kinh phí và đề xuất các giải pháp thực hiện dự án gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có ý kiến đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Hướng dẫn, phổ biến các hình thức cung cấp nước đảm bảo chất lượng, các biện pháp sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Phối hợp với các sở, ban ngành chức năng có liên quan trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch thu gom và xử lý chất thải; kiểm tra, giám sát, đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Điều phối chung cho công tác về Thông tin - Giáo dục - Truyền thông. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra thực hiện chương trình dự án quy hoạch. Công bố rộng rãi nội dung, phương hướng, nhiệm vụ mục tiêu của quy hoạch này với các Sở, ban ngành của thành phố và của các quận, huyện.

3. Sở Y tế hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn nước sạch nông thôn và vệ sinh nông thôn; chỉ đạo các cơ sở y tế về công tác vệ sinh, vệ sinh công cộng, vệ sinh hộ gia đình ở nông thôn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt, vệ sinh hộ gia đình và vệ sinh cộng đồng ở nông thôn.

- Hướng dẫn, phổ biến chỉ đạo kiểm tra công tác vệ sinh và xây dựng các công trình vệ sinh môi trường công cộng, vệ sinh hộ gia đình ở nông thôn.

- Quản lý nhà nước về chất lượng nước, vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng ở nông thôn.

- Tham gia tổ chức các hoạt động Thông tin - Giáo dục - Truyền thông cấp thành phố, phát triển tài liệu truyền thông, đào tạo cán bộ tập huấn, điều tra khảo sát, phát triển và phổ biến rộng rãi các loại hình nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh chi phí thấp, hướng dẫn thực hiện đối với lĩnh vực vệ sinh cá nhân và vệ sinh hộ gia đình.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao kiến thức về nước sạch và vệ sinh trường học cho giáo viên, học sinh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu về cấp nước sạch và vệ sinh ở các trường học, các cơ sở đào tạo.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính căn cứ vào nội dung của dự án Quy hoạch thực hiện các chức năng phân bổ các nguồn vốn, điều phối kinh phí chung và điều phối các nguồn tài trợ bao gồm cả việc điều phối ngân sách nhà nước hàng năm cho lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

6. Các Sở, ngành khác và các tổ chức chính trị, xã hội theo chức năng nhiệm vụ tham gia thực hiện, đặc biệt là tham gia các hoạt động Thông tin - Giáo dục - Truyền thông, huy động cộng đồng tích cực xây dựng, đóng góp tài chính tín dụng để đầu tư xây dựng, vận hành và quản lý các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

7. Các cơ quan phối hợp:

a) Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai thực hiện Dự án này; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân ý thức chấp hành thực hiện nếp sống văn minh bảo vệ môi trường; hỗ trợ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng công trình, lắp đặt đấu nối cung cấp điện kịp thời...

Hàng năm sử dụng kết quả Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ban hành theo Quyết định số 51/2008/QĐ-BNN ngày 14 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện dự án quy hoạch.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung đề án đã được phê duyệt.

Điều 3. Các sở, ban ngành thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thực hiện dự án để đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để báo cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2807/QĐ-UBND năm 2012 về việc phê duyệt dự án rà soát và cập nhật quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020

  • Số hiệu: 2807/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/11/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản