Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2014/QĐ-UBND | Long An, ngày 14 tháng 07 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 307/TTr-SNV ngày 22/5/2014 của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 14/7/2014 của UBND tỉnh Long An)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Các hình thức kỷ luật
1. Các hình thức kỷ luật:
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Cách chức.
d) Bãi nhiệm.
2. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
3. Áp dụng hình thức kỷ luật:
a) Việc áp dụng một trong các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức: đối với cấp huyện thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 13 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; đối với cấp xã thực hiện theo Điều 34, Điều 35 và Điều 38 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn.
b) Việc áp dụng hình thức kỷ luật bãi nhiệm thực hiện theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan.
Điều 3. Tạm đình chỉ công tác
1. Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp ra quyết định tạm đình chỉ công tác cán bộ vi phạm trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật, nếu xét thấy để cán bộ đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công tác và các chế độ trong thời gian tạm đình chỉ công tác thực hiện theo Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Luật cán bộ, công chức năm 2008.
Điều 4. Các quy định có liên quan
Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật thực hiện theo Luật cán bộ, công chức năm 2008.
Chương II
TRÌNH TỰ XEM XÉT XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 5. Thẩm quyền xử lý kỷ luật
Chủ tịch UBND cấp trên quyết định hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới; trừ hình thức bãi nhiệm do HĐND cùng cấp thực hiện.
Điều 6. Tổ chức họp kiểm điểm
1. Tổ chức họp kiểm điểm để cán bộ vi phạm tự kiểm điểm hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật, trên cơ sở đó các thành viên dự họp có ý kiến đóng góp, làm rõ hành vi vi phạm và kiến nghị hình thức kỷ luật thích hợp. Việc tổ chức họp kiểm điểm được tiến hành cả trong trường hợp có thành lập Hội đồng kỷ luật và không thành lập Hội đồng kỷ luật.
2. Thành phần dự họp kiểm điểm:
a) Đối với cấp huyện: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Thành phần dự họp kiểm điểm gồm: thành viên UBND cấp huyện, phân công thư ký trong số thành viên UBND cấp huyện. Chủ trì cuộc họp có thể mời thêm đại diện Sở Nội vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ và các thành phần khác có liên quan.
b) Đối với cấp xã: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì. Thành phần dự họp kiểm điểm gồm: thành viên UBND cấp xã, phân công thư ký trong số thành viên UBND cấp xã. Chủ trì cuộc họp có thể mời thêm đại diện Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ, đại diện cấp ủy cấp xã và các thành phần khác có liên quan.
3. Trình tự cuộc họp:
a) Trong cuộc họp, cán bộ vi phạm trình bày bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Trường hợp cán bộ vi phạm không làm bản tự kiểm điểm hoặc vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập mà không có lý do chính đảng, đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu vẫn vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
b) Nội dung cuộc họp kiểm điểm cán bộ vi phạm phải lập thành biên bản. Biên bản cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị hình thức kỷ luật đối với cán bộ vi phạm.
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, thư ký cuộc họp lập hồ sơ gồm: bản tự kiểm điểm của cán bộ vi phạm; biên bản cuộc họp kiểm điểm; sơ yếu lý lịch và các tài liệu có liên quan đến việc xem xét xử lý kỷ luật gửi Sở Nội vụ (đối với cấp huyện), Phòng Nội vụ (đối với cấp xã) xem xét trình Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp hoặc Chủ tịch Hội đồng kỷ luật (trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật).
Điều 7. Thành lập Hội đồng kỷ luật
1. Thẩm quyền thành lập Hội đồng kỷ luật:
Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ vi phạm theo đề nghị của Sở Nội vụ (đối với cấp huyện), Phòng Nội vụ (đối với cấp xã).
2. Trường hợp cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật khi đã có kết luận về hành vi vi phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định phân cấp quản lý cán bộ, hoặc cán bộ phạm tội bị phạt tù mà không được hưởng án treo thì không thành lập Hội đồng kỷ luật.
3. Thành phần Hội đồng kỷ luật gồm có 05 thành viên:
a) Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp.
b) 01 Ủy viên là đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp.
c) 01 Ủy viên là đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động cấp trên trực tiếp.
d) 01 Ủy viên là thành viên UBND cùng cấp của cán bộ vi phạm.
đ) 01 Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là đại diện lãnh đạo cơ quan Nội vụ cấp trên trực tiếp.
e) Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; chị, em dâu; anh, em rể hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm của cán bộ bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật.
4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật:
a) Hội đồng kỷ luật họp khi có đủ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín.
b) Cuộc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản, ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ vi phạm.
c) Trong thời gian hoạt động, Hội đồng kỷ luật được sử dụng con dấu của UBND cấp trên trực tiếp và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 8. Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật
1. Chuẩn bị họp:
a) Chậm nhất là 07 ngày làm việc trước cuộc họp Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập hợp phải được gửi tới cán bộ vi phạm. Cán bộ vi phạm vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp cán bộ vi phạm vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập thì đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu cán bộ vi phạm vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.
b) Hội đồng kỷ luật có thể mời thêm đại diện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nơi cán bộ vi phạm đang công tác hoặc nơi trực tiếp sử dụng cán bộ trước đây theo Khoản 3 Điều 10 Quy định này tham dự. Người được mời tham dự có quyền phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được bỏ phiếu về hình thức kỷ luật.
c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xem xét, xử lý kỷ luật và ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật.
2. Trình tự họp:
a) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự.
b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của cán bộ có hành vi vi phạm, hồ sơ và các tài liệu khác có liên quan.
c) Cán bộ vi phạm đọc bản tự kiểm điểm, nếu vắng mặt thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay; nếu cán bộ vi phạm không làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các thủ tục còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này.
d) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
đ) Cán bộ vi phạm phát biểu ý kiến, nếu không phát biểu ý kiến hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các thủ tục còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này.
e) Thành viên Hội đồng kỷ luật tiến hành bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật.
g) Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến.
h) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản họp.
i) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật và Thư ký Hội đồng kỷ luật ký vào biên bản cuộc họp.
3. Trường hợp cả Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có hành vi vi phạm thì Hội đồng kỷ luật họp xem xét xử lý kỷ luật đối với từng người.
Điều 9. Trình tự ra quyết định kỷ luật
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có văn bản kiến nghị việc xử lý kỷ luật, kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật (trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật) hoặc biên bản họp kiểm điểm theo quy định tại Điều 6 Quy định này (trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật), người có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định xử lý kỷ luật.
3. Trường hợp Hội đồng kỷ luật đã có văn bản kiến nghị xử lý kỷ luật nhưng người có thẩm quyền chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật mà phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến hành vi vi phạm hoặc phát hiện cán bộ đó có hành vi vi phạm khác thì Hội đồng kỷ luật xem xét kiến nghị lại hình thức kỷ luật, có thể tăng hoặc giảm hơn so với hình thức ban đầu.
4. Trường hợp đề nghị bãi nhiệm thì do HĐND cùng cấp xem xét bãi nhiệm theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.
Điều 10. Các quy định có liên quan
1. Trường hợp cán bộ đang nghỉ công tác chờ thủ tục hưu trí hoặc chờ giải quyết chế độ mà phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian thi hành nhiệm vụ, công vụ (còn trong thời hiệu quy định) thì cơ quan quản lý cán bộ dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí hoặc giải quyết chế độ để tiến hành xem xét xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
2. Trường hợp cán bộ đã được điều động sang công tác ở xã, phường, thị trấn hoặc huyện, thị xã, thành phố khác mới phát hiện hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức tại Quy định này (còn trong thời hiệu quy định) thì cơ quan quản lý cán bộ trước đây tiến hành xem xét xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Hồ sơ và quyết định kỷ luật gửi về cơ quan hiện đang quản lý cán bộ.
3. Trường hợp sau khi thành lập mới, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian ở đơn vị hành chính cũ (còn trong thời hiệu quy định) thì cơ quan quản lý cán bộ tiến hành xem xét xử lý kỷ luật. Khi tổ chức họp kiểm điểm hoặc họp Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện lãnh đạo cơ quan trực tiếp sử dụng cán bộ trước đây tham dự và phát biểu ý kiến.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nội vụ, các Sở ngành liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này.
2. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị thực hiện phản ánh về Sở Nội vụ để hướng dẫn, phối hợp xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý phù hợp./.
- 1Quyết định 1457/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2Quyết định 18/2009/QĐ-UBND quy định tạm thời về xử lý kỷ luật đối với cán bộ và cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 3Quyết định 46/2020/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 28/2014/QĐ-UBND quy định về xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An
- 4Quyết định 891/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thi hành năm 2020
- 5Quyết định 1863/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An kỳ 2019-2023
- 1Quyết định 46/2020/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 28/2014/QĐ-UBND quy định về xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An
- 2Quyết định 891/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thi hành năm 2020
- 3Quyết định 1863/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An kỳ 2019-2023
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật cán bộ, công chức 2008
- 3Quyết định 1457/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức
- 5Nghị định 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn
- 6Quyết định 18/2009/QĐ-UBND quy định tạm thời về xử lý kỷ luật đối với cán bộ và cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Quyết định 28/2014/QĐ-UBND về xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Long An
- Số hiệu: 28/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/07/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Đỗ Hữu Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra