Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2786/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH TỔNG THỂ QUY HOẠCH CHI TIẾT CÔNG VIÊN HỒ ĐIỀU HÒA NHÂN CHÍNH, TỶ LỆ 1/500

ĐỊA ĐIỂM: PHƯỜNG NHÂN CHÍNH, QUẬN THANH XUÂN VÀ PHƯỜNG TRUNG HÒA, QUẬN CẦU GIẤY – THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH13 ngày 21/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

Căn cứ Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 ngày 21/11/2012;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị;

Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về Quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng về Quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;

Căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị và Thông tư số 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013;

Căn cứ Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500;

Căn cứ Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 của UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 16/6/2014 của UBND Thành phố phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500;

Căn cứ Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tại Tờ trình số 2236/TTr-QHKT-P2-P7 ngày 05/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đồ án: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500.

Địa điểm: phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

2. Vị trí, ranh giới, quy mô nghiên cứu:

2.1. Vị trí: Khu vực nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 thuộc địa giới hành chính phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

2.2. Ranh giới:

- Phía Đông Nam giáp đường Lê Văn Lương;

- Phía Tây Nam giáp đường Khuất Duy Tiến;

- Phía Đông Bắc giáp đường Hoàng Minh Giám;

- Phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch, liền kề khu liên cơ Thành phố.

2.3. Quy mô nghiên cứu:

- Tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 18,23ha (bao gồm cả khu Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân và các khu đất phía trước khu Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân).

- Diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 13,23ha (Giữ nguyên theo Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 10/01/2011 của UBND Thành phố).

3. Mục tiêu và nguyên tắc điều chỉnh:

3.1. Mục tiêu điều chỉnh:

- Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các Quy hoạch chi tiết đã được UBND Thành phố phê duyệt, nhằm xây dựng đồng bộ khu công viên cây xanh, hồ điều hòa phục vụ khu vực.

- Xây dựng khu công viên cây xanh, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời phục vụ cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao điều kiện sống, môi trường cảnh quan, tạo bộ mặt đô thị, đóng góp vào cảnh quan kiến trúc chung của khu vực.

- Đề xuất quy định quản lý xây dựng theo Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết được duyệt, làm cơ sở để Chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng và làm cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương quản lý xây dựng theo quy hoạch.

3.2. Nguyên tắc điều chỉnh:

- Tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Tuân thủ Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết, các Quy hoạch chi tiết đã được UBND Thành phố phê duyệt trong khu vực nghiên cứu; Tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và các quy định khác của cấp có thẩm quyền đối với phạm vi khu đất lập quy hoạch.

- Giữ nguyên ranh giới, quy mô diện tích khu đất theo Quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Tổ chức lại không gian kiến trúc các công trình trong các lô đất nhằm hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan của khu đô thị, gắn kết hài hòa với các dự án phát triển đô thị lân cận như: Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung khu vực.

4. Nội dung Điều chỉnh quy hoạch:

4.1. Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất:

Khu Công viên hồ điều hòa Nhân Chính có diện tích khoảng 132.356m2 (13,23ha), được chia làm 03 khu chức năng như sau:

- Khu hồ điều hòa (ký hiệu HĐH): diện tích khoảng 80.000m2, có chức năng tiêu thoát nước cho khu vực.

- Khu vực công viên cây xanh cảnh quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời, đường dạo (ký hiệu CX): diện tích khoảng 52.156m2.

- Đất hạ tầng kỹ thuật: Trạm bơm (ký hiệu HT): Diện tích khoảng 200m2.

Bảng tổng hợp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc:

TT

Chức năng

Ký hiệu ở đất

Diện tích (m2)

Mật độ xây dựng (%)

Tầng cao (tầng)

Diện tích xây dựng (m2)

Tổng diện tích sàn XD (m2)

1

Hồ điều hòa

HĐH

80.000

 

 

 

 

2

Đất công viên cây xanh, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời

CX

52.156

4,0

1 và 2

2.086

3.129

3

Đất hạ tầng kỹ thuật

HT

200

 

 

 

 

 

Tổng (1+2)

 

132.356

1,6 (*)

1 và 2

2.086

3.129

Ghi chú:

- Diện tích các ở đất sẽ được xác định chính xác trong giai đoạn lập dự án đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc điều chỉnh quy mô, chỉ tiêu sử dụng đất (nếu có) phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Pháp luật.

- Quá trình lập dự án đầu tư cần phải tiến hành khảo sát chi tiết hiện trạng sử dụng đất, các công trình ngầm và nổi hiện có trong khu vực để phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của Pháp luật. Đảm bảo việc tiêu thoát nước chung của khu vực.

- Trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch có các công trình, dự án đã và đang đầu tư xây dựng: Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân, Bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ của Công ty TNHH Phương Đông, Bãi đỗ xe kết hợp cây xanh của Công ty TNHH du lịch và thương mại Sông Hồng, Bãi đỗ xe và điểm trung chuyển xe bus BRT của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội 41: Từng bước thực hiện theo cơ cấu quy hoạch kèm theo hồ sơ Đồ án Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 được phê duyệt tại Quyết định này (Nâng cấp cải tạo Trung tâm văn hóa thể thao quận Thanh Xuân phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan của Công viên hồ điều hòa và các khu vực lân cận, đáp ứng nhu cầu sử dụng của dân cư khu vực; Tăng diện tích cây xanh, tạo không gian mở, hạ ngầm các công trình tại khu vực phía Đông Nam và Tây Nam Nhà văn hóa thể thao quận Thanh Xuân).

4.2. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị:

a) Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan:

- Quy hoạch không gian kiến trúc nhằm khai thác triệt để các yếu tố cảnh quan mặt nước hồ điều hòa. Khu công viên cây xanh được tổ chức tách biệt giữa khu vực tĩnh và khu vực động; tuy nhiên có bố trí xen kẽ giữa khu cây xanh, đường dạo, chòi nghỉ kết hợp với một số hoạt động thích hợp nhằm tăng sự hấp dẫn, thu hút, tránh cảm giác đơn điệu nhàm chán..

+ Khu vực động bao gồm vui chơi giải trí kết hợp các hoạt động thể thao ngoài trời và khu vực quảng trường lễ hội được bố trí ở phía Bắc khu đất.

+ Khu vực tĩnh bao gồm khu cây xanh cảnh quan kết hợp đường dạo, chòi nghỉ được bố trí ở phía Đông và Tây khu đất, nơi có các thềm đất mỏng gần mặt nước.

- Trong khu công viên, tại ô đất ký hiệu CX, có bố trí nhà điều hành phục vụ công viên cao 02 tầng và các công trình kiến trúc nhỏ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, khu vệ sinh công cộng.

- Bố cục mặt bằng công trình tại bản vẽ Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan chỉ mang tính chất minh họa. Khi lập dự án đầu tư có thể điều chỉnh bố cục mặt bằng công trình nhưng phải đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của từng lô đất theo Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết được duyệt.

b) Thiết kế đô thị:

- Các khu vực điểm nhấn quan trọng:

+ Khu vực cổng vào: Gồm Khu cổng số 1 (trên đường Hoàng Minh Giám, phía Đông Bắc khu đất) và Khu cổng số 2 (trên đường quy hoạch giáp khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phía Tây Bắc khu đất), được thiết kế theo phong cách kiến trúc thanh thoát, đơn giản, phù hợp với định hướng lâu dài là công viên mở. Tại các khu vực này có bố trí bãi đỗ xe phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách vãng lai.

+ Các công trình chòi nghỉ: Được bố trí tại các góc giao giữa đường Lê Văn Lương và đường Hoàng Minh Giám, đường quy hoạch 17,5m và đường Khuất Duy Tiến và bố trí rải rác trên các tuyến đường dạo. Các hạng mục kiến trúc này được thiết kế với phong cách kiến trúc đơn giản, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

- Hệ thống cây xanh cảnh quan được tổ chức tại những khu vực trọng điểm như các lối ra vào, những nơi có tầm nhìn thoáng. Từ đường vào tổ chức các lớp cây, cây cao, cây bóng mát, bóng trùm kết hợp cây cảnh, cây bụi và cỏ, mặt nước, tượng hay phù điêu và công trình kiến trúc ven hồ. Sử dụng các loại cây thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh chịu được thời tiết khắc nghiệt, cây ít rụng lá trơ cành, xanh tốt quanh năm.

- Mặt nước hồ điều hòa ngoài việc phục vụ điều hòa thoát nước, còn được khai thác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho người dân và khách tham quan như chèo thuyền, xe đạp nước... Xung quanh hồ tổ chức đường dạo, kết hợp với việc tổ chức trồng cây bụi nhằm tạo các điểm chuyển hướng sinh động. Bờ hồ được kè đá, tạo các lỗ rỗng để trồng cây tránh cảm giác khô cứng. Các không gian tiếp cận hồ nước bố trí theo dạng tầng bậc để khai thác cảnh quan hồ.

5. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:

5.1. Giao thông:

a) Đường Thành phố và khu vực: nằm xung quanh Công viên, đã được xây dựng theo quy hoạch, bao gồm:

- Đường Khuất Duy Tiến (Vành đai 3) ở phía Tây Nam, bề rộng mặt cắt ngang điển hình khoảng B = 72m. Đường cao tốc bố trí trên cầu cạn có bề rộng B = 24m.

- Đường Lê Văn Lương ở phía Đông Nam có bề rộng mặt cắt ngang điển hình khoảng B = 46m.

- Đường Hoàng Minh Giám ở phía Đông Bắc có bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 30m.

- Tuyến đường ở phía Tây Bắc khu quy hoạch, liền kề khu Liên cơ quan Thành phố có bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 17,5m.

b) Đường nội bộ Công viên: Xây dựng các tuyến đường dạo phù hợp với tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan của Công viên. Trong đó, tuyến đường nội bộ chính xây dựng xung quanh hồ điều hòa trong Công viên có bề rộng mặt cắt ngang điển hình B = 3m.

c) Bãi đỗ xe: Xây dựng các điểm đỗ xe tại vị trí các cổng vào công viên phía Đông Bắc giáp đường Hoàng Minh Giám và đường quy hoạch phía Tây Bắc khu đất, giáp Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, tổng diện tích khoảng 945m2, đáp ứng nhu cầu đỗ xe cho khách ra vào Công viên.

5.2. Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và hành lang bảo vệ các tuyến HTKT:

- Chỉ giới đường đỏ các tuyến đường Thành phố và khu vực xung quanh được xác định trên cơ sở tọa độ tim đường, mặt cắt ngang điển hình và các yếu tố kỹ thuật khống chế ghi trực tiếp trên bản vẽ.

- Chỉ giới xây dựng được xác định để đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và kiến trúc cảnh quan; chỉ giới xây dựng cụ thể của từng công trình được xác định theo cấp đường quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

- Hành lang bảo vệ các tuyến hạ tầng kỹ thuật: Tuân thủ theo đúng Tiêu chuẩn quy phạm ngành và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

5.3. Chuẩn bị kỹ thuật:

a) San nền:

- Khu đất có cao độ san nền trung bình khoảng 6,3m dốc về phía hồ điều hòa.

- Khu vực công viên được thiết kế san nền theo phương pháp đường đồng mức thiết kế, độ dốc thiết kế i =0,004 đảm bảo thoát nước tự chảy.

- Hồ điều hòa có diện tích 8,0 ha, cao độ mực nước lớn nhất 5,5m; cao độ mực nước bình thường 3,1 m.

- Xây dựng trạm bơm cục bộ tại khu vực phía Tây công viên để bơm nước mưa từ hồ điều hòa ra hệ thống mương Mễ Trì ở phía Tây đường vành đai 3, được thực hiện theo dự án riêng.

b) Thoát nước mưa:

- Hệ thống thoát nước mưa được thiết kế riêng với nước thải.

- Xây dựng rãnh thoát nước mưa B300mm bố trí trên các tuyến đường dạo, tuyến đường bao quanh hồ thoát về hồ điều hòa. Cao độ rãnh phù hợp với cao độ san nền và mực nước khống chế của hồ điều hòa.

- Cống hóa tuyến mương Hòa Mục qua khu đất công viên với tiết diện BxH=3(3x2,8)m ở phía Tây khu đất công viên nối với tuyến cống bản đã xây dựng trên đường Lê Văn Lương, thoát vào hệ thống mương Mễ Trì ở phía Tây đường Vành đai 3.

Trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng, cần khảo sát kỹ cao độ tuyến cống bản đã được xây dựng trên đường Lê Văn Lương và đường Vành đai 3 để xác định cao độ đấu nối được phù hợp.

5.4. Cấp nước:

a) Nguồn cấp nước: Được cấp từ mạng lưới cấp nước của khu vực thông qua tuyến ống phân phối có đường kính F200mm xây dựng dọc theo tuyến đường Hoàng Minh Giám.

b) Mạng lưới đường ống cấp nước:

- Xây dựng các tuyến ống phân phối và dịch vụ có đường kính từ F40mm F100mm để cấp nước phục vụ cho tưới cây, rửa đường và công trình công cộng trong phạm vi khu đất.

c) Cấp nước cứu hỏa:

- Xây dựng hệ thống cứu hỏa bố trí dọc theo các tuyến đường có đường ống cấp nước đường kính từ F100 trở lên bố trí các họng cứu hỏa, khoảng cách giữa các họng cứu hỏa theo quy định. Các họng cứu hỏa này sẽ có thiết kế riêng và được cơ quan phòng cháy chữa cháy của Thành phố thỏa thuận trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng.

- Ngoài ra, hệ thống cấp nước sẽ được bổ sung nguồn cấp nước từ hồ điều hòa khi cần thiết thông qua các hố thu nước chữa cháy.

5.5. Cấp điện:

a) Nguồn cấp: Được cấp từ trạm 110/22KV Thanh Xuân ở phía Tây khu đất thông qua tuyến cáp trục 22KV được xây dựng dọc theo tuyến đường Khuất Duy Tiến và tuyến đường quy hoạch ở phía Tây Bắc khu vực nghiên cứu.

b) Mạng lưới cấp điện:

Tuyến trung thế:

+ Xây dựng mới tuyến cáp trung thế 22KV dọc theo hè tuyến đường quy hoạch ở phía Tây Bắc khu đất để cấp điện cho trạm biến áp 22/0,4KV trong khu vực quy hoạch.

+ Xây dựng 01 trạm biến áp 22/0,4KV, công suất 320 KVA cấp điện cho khu vực quy hoạch (Quy mô, công suất và vị trí xây dựng trạm sẽ được xác định chính xác trong quá trình triển khai dự án).

- Mạng hạ thế 0,4KV chiếu sáng đèn đường, công cộng:

+ Hệ thống chiếu sáng đèn đường trong phạm vi khu đất sẽ được cấp từ trạm biến áp của khu đất.

+ Xây dựng mạng lưới hạ thế 0,4KV cấp điện cho chiếu sáng đèn đường, thiết kế đi ngầm trên hè, cách bó vỉa 0,5m.

+ Khu vực cây xanh quảng trường trung tâm, mạng lưới chiếu sáng được thực hiện theo dự án riêng, đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan.

+ Mạng lưới chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cây xanh sân vườn, đường dạo sẽ được thiết kế trong quá trình lập tổng mặt bằng cho từng ô đất xây dựng công trình và được thực hiện theo dự án riêng.

5.6. Thông tin liên lạc:

- Các thuê bao thuộc khu vực được cấp từ tổng đài vệ tinh xây dựng ở phía Tây khu vực quy hoạch.

- Xây dựng các tuyến cáp thông tin từ tổng đài vệ tinh đến tủ cáp xây dựng bên trong khu đất để phục vụ cho các công trình (Quy mô, công suất và vị trí xây dựng trạm sẽ được xác định chính xác trong quá trình triển khai dự án).

5.7. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn:

a) Thoát nước thải:

- Hệ thống thoát nước thải của khu công viên được xây dựng là hệ thống riêng với hệ thống thoát nước mưa.

- Nước thải của khu vực nhà điều hành được thoát ra tuyến cống thoát nước thải xây dựng trên tuyến đường quy hoạch B=17,5m ở phía Tây Bắc khu công viên, thoát về trạm xử lý nước thải Phú Đô.

b) Quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường:

- Bố trí các nhà vệ sinh công cộng dọc theo các tuyến đường dạo trong công viên, đảm bảo bán kính phục vụ là 500m.

- Trong các khu công trình dịch vụ công cộng và trên các tuyến đi bộ bố trí các thùng rác nhỏ loại 150 lít, với khoảng cách phục vụ 50 - 100 m/1 thùng. Thu gom rác kết hợp thủ công và cơ giới. Rác thải được thu gom và vận chuyển về khu xử lý rác thải rắn của Thành phố trong ngày.

6. Đánh giá môi trường chiến lược:

- Tuân thủ theo Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

- Phát triển đô thị phải tuân thủ quy hoạch được duyệt và các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố về bảo vệ môi trường.

- Phải có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

- Nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác sử dụng các hoạt động đô thị theo hướng văn minh hiện đại.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

- Quy hoạch - Kiến trúc chịu trách nhiệm về số liệu trình duyệt; kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 và Quy định quản lý theo đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 phù hợp với nội dung Quyết định này; Chủ trì phối hợp với UBND quận Thanh Xuân, UBND Quận Cầu Giấy tổ chức công bố công khai nội dung Quy hoạch chi tiết được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện; Lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương có liên quan rà soát các quỹ đất, dự án, công trình tại khu vực phía Đông Nam và Tây Nam Nhà văn hóa thể thao quận Thanh Xuân, đề xuất giải pháp thực hiện nhằm hoàn thiện đồng bộ không gian kiến trúc cảnh quan, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật khu vực, phù hợp với nội dung Quyết định này.

- Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cập nhật các nội dung Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 vào đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-2, tỷ lệ 1/2000 đang nghiên cứu lập theo quy định.

- Chủ tịch UBND các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy và Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; phối hợp và tạo điều kiện cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy; Chủ tịch UBND các phường Nhân Chính, Trung Hòa; Giám đốc Ban quản lý Quy hoạch xây dựng - Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Thủ trưởng các Sở, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c PCT UBND TP;
- VPUBTP: CVP, các PCVP, các ph.CV;
- Lưu VT (43 bản), QHTr.
CVĐ: 16059

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2786/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tỷ lệ 1/500 do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 2786/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/06/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thế Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản