Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2762/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 07 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 115/NQ-HĐND ngày 24/7/2008 của HĐND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 143/BC-SKHĐT-TĐ ngày 14/7/2008, đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 75/SGTVT-DA ngày 04/8/2008;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quy hoạch mạng lưới hệ thống giao thông đường bộ:

1.1. Mạng lưới giao thông đường bộ:

Trên cơ sở mạng lưới giao thông đường bộ hiện có, điều chỉnh và bổ sung một số tuyến chính sau:

a) Xây dựng các tuyến mới:

- Quốc lộ: Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh đi qua Thái Bình song song với QL 10, cách từ 1,5 đến 2 km về phía Bắc; Quốc lộ ven biển đi qua Thái Bình từ Đò Gảnh, xã Thụy Trường qua cầu Diêm Điềm về xã Đông Minh, xã Nam Phú vượt sông Hồng đến xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định.

- Tỉnh lộ: Đường nối Hà Nam – Thái Bình với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đi qua Thái Bình từ thượng lưu bến đò Nhật Tảo, xã Tiến Đức đi qua xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà đến Quỳnh Phụ nối vào đường Quốc lộ ven biển tại Thái Thụy, quy mô tuyến đường theo tiêu chuẩn cấp I đồng bằng; Đường phía Nam thành phố Thái Bình với quy mô cấp II đồng bằng; Đường nối từ đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, điểm đầu từ xã Vũ Đông qua các xã Bình Nguyên, Quyết Tiến, Lê Lợi, huyện Kiến Xương, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, điểm cuối nối với quốc lộ ven biển, chiều dài khoảng 16km, quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

b) Các quốc lộ, tỉnh lộ khác cơ bản giữ nguyên như hiện có.

c) Đường giao thông nông thôn: Trên cơ sở quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch của địa phương cho phù hợp.

d) Các cầu vượt sông lớn được xây dựng gồm:

- Cầu vượt sông Hồng: Cầu trên đường cao tốc Ninh Bình – Quảng Ninh tại xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư; Cầu trên đường quốc lộ ven biển tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải; Cầu trên đường nối Hà Nam – Thái Bình vượt sông Hồng cách bến đò Nhật Tảo, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà về phía thượng lưu khoảng 300 m.

- Cầu vượt sông Trà Lý: Cầu trên đường vành đai phía Nam thành phố tại xã Vũ Đông, Thành phố Thái Bình; Cầu trên đường cao tốc Ninh Bình – Quảng Ninh tại xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư; Cầu trên đường quốc lộ ven biển tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy.

- Cầu vượt sông Hóa: Cầu trên đường cao tốc tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ; Cầu trên Quốc lộ ven biển tại xã Hồng Quỳnh, huyện Thái Thụy.

- Các cầu: Hiệp, Tịnh Xuyên, Diêm Điền, Trà Linh giữ nguyên như quy hoạch đã duyệt đến 2010.

1.2. Quy mô và cấp đường:

- Quốc lộ: Đến năm 2020 là đường cấp III, đường cao tốc theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

- Tỉnh lộ: Tuyến đường nối Hà Nam – Thái Bình theo tiêu chuẩn cấp I, các tỉnh lộ còn lại đến năm 2020 là đường cấp III.

- Đường giao thông nông thôn: Đến năm 2020 đường huyện là đường cấp IV; đường xã là đường cấp V; đường thôn xóm cấp A, cấp B.

1.3. Quy hoạch các bến xe và bãi đỗ xe:

Đến năm 2020 toàn tỉnh có 19 bến xe, các bến xe hiện có 14 bến được nâng cấp cải tạo; xây dựng mới 5 bến trong đó:

- Thành phố Thái Bình 3 bến gồm: Bến xe Trung tâm, bến xe phía Tây tại xã Tân Bình, bến xe phía Đông tại xã Vũ Lạc;

- Huyện Kiến Xương 4 bến gồm: Bến xe thị trấn, Bến xe chợ Lụ, bến xe Bình Thanh, bến xe Hồng Tiến;

- Huyện Tiền Hải 4 bến gồm: Bến xe Thị trấn, bến xe Nam Trung, bến xe Đông Hoàng, bến xe Đông Long;

- Huyện Thái Thụy 2 bến gồm: Bến xe Diêm Điền, Bến xe Thái Xuyên (Thái Ninh cũ);

- Huyện Quỳnh Phụ 2 bến gồm: Bến xe thị trấn Quỳnh Côi, Bến xe Bến Hiệp;

- Huyện Hưng Hà 2 bến gồm: Bến xe thị trấn Hưng Hà, Bến xe Hưng Nhân;

- Huyện Đông Hưng 1 bến tại Thị trấn Đông Hưng;

- Huyện Vũ Thư 1 bến tại Tân Đệ.

2. Quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy:

- Hệ thống sông do Trung ương quản lý gồm: sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa theo quy hoạch của Cục Đường sông Việt Nam.

- Hệ thống sông nội đồng: Phối kết hợp với thủy lợi nạo vét luồng lạch, xây dựng cống và âu thuyền qua đê phục vụ cho tàu tự hành dưới 100 tấn qua lại.

- Hệ thống cảng, bến: Cảng Diêm Điền được cải tạo và nạo vét luồng lạch đủ điều kiện đáp ứng cho tàu 3000 tấn ra vào làm hàng. Cảng sông được bổ sung quy hoạch để xây dựng: Trên sông Trà Lý ngoài cảng khách và hàng hóa tại Thành phố, bổ sung cảng cho tàu 1000 tấn tại Trà Lý và xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy; Trên sông Hồng ngoài cảng hàng hóa Tân Đệ, bổ sung cảng cho tàu 1000 tấn tại Ngô Xá, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư; Trên sông Luộc bổ sung cảng Hiệp quy mô đáp ứng tàu 300 tấn; Trên sông Hóa bổ sung bến thủy nội địa tại khu công nghiệp Cầu Nghìn.

Quy hoạch và nâng cấp các bến xếp dỡ hàng hóa quan trọng trên các sông lớn và nội đồng đáp ứng nhu cầu vận tải về hàng hóa.

3. Quy hoạch phát triển đường sắt:

Đường sắt qua Thái Bình theo hướng tuyến của Bộ Giao thông vận tải quy hoạch từ Nam Định đến Quảng Ninh chạy song song với quốc lộ 10, kích thước đường 1435 mm. Trên địa bàn tỉnh bố trí các ga tại huyện Vũ Thư; thành phố; ranh giới giữa huyện Đông Hưng và huyện Quỳnh Phụ.

4. Quy hoạch công nghiệp giao thông vận tải:

Công nghiệp giao thông vận tải tập trung vào các lĩnh vực:

- Công nghiệp cơ khí sửa chữa phương tiện: Tổ chức kiện toàn, duy trì và nâng cấp các cơ sở sửa chữa và đóng mới cơ khí giao thông, phát triển công nghiệp đóng tàu biển, tàu pha sông biển. Mở rộng, nâng công suất nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tải lên 10.000 xe/năm.

- Sản xuất vật liệu, cấu kiện và xây dựng công trình.

- Tổ chức doanh nghiệp vận tải và các tuyến vận tải.

5. Quy hoạch về phương tiện và loại hình vận tải:

- Vận tải khách: Chủ yếu bằng đường bộ, đường sắt, trong nội tỉnh phát triển loại hình xe buýt nhanh, giảm phương tiện cá nhân, tại Cồn Vành xây dựng sân bay trực thăng phục vụ vận tải khách du lịch, các nhà đầu tư.

- Vận tải hàng hóa: Đa dạng loại hình vận tải bằng đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt.

6. Đào tạo nghề và điều khiển giao thông:

- Hoàn chỉnh, nâng cao cơ sở vật chất của Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải và Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

- Xây dựng Trung tâm điều khiển giao thông tự động.

7. Kinh phí để thực hiện quy hoạch:

Tổng nhu cầu vốn để thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 khoảng 12.351 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện phân kỳ đầu tư (giao đoạn 2008 – 2015; giai đoạn 2015 – 2020), ưu tiên các công trình trọng điểm, cấp bách. Nguồn vốn huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn BOT, vốn do nhân dân đóng góp và các nguồn khác. (Chi tiết trong thuyết minh tổng hợp kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Giao cho Sở Giao thông vận tải thông báo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh đến các ngành, các địa phương để gắn kết với các quy hoạch chuyên ngành khác tạo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hợp lý thúc đẩy phát triển kinh tế từng vùng và cả tỉnh.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính khai thác các nguồn vốn để bố trí thực hiện quy hoạch.

- Các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải để gắn kết với quy hoạch chuyên ngành nhằm tăng hiệu quả vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- UBND các huyện, thành phố căn cứ Quy hoạch này lập quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải trên địa bàn đến năm 2015 làm cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình giao thông của địa phương.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, các Giám đốc sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, các Giám đốc sở, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Các Bộ, ngành liên quan;
- TT Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu VT, CN, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hạnh Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2762/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đến năm 2020

  • Số hiệu: 2762/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/10/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Nguyễn Hạnh Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản