Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 275/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 23 tháng 6 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH TRỒNG VÀ BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ TRÊN NÚI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

 - Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 11 tháng 7 năm 1989;

- Căn cứ Quyết định số 164/HĐBT ngày 06/11/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và cá nhân trồng cây gây rừng;

- Căn cứ thực trạng và yêu cầu khôi phục rừng phòng hộ trên núi;

- Theo đề nghị của Ông Giám đốc sở Nông nghiệp An Giang.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản qui dịnh về chính sách trồng và bảo vệ rừng phòng hộ trên núi Tỉnh An Giang.

Điều 2: Giao nhiệm vụ cho ông Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn và tổ chức thực hiện bản Qui định nói trên.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và chủ tịch UBND các Huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

QUI ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH TRỒNG VÀ BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ TRẾN NÚI TỈNH AN GIANG

Rừng đồi núi của Tỉnh An Giang là quần thể địa lý tự nhiên đặc thù trong khu vực ĐBSCL, nó đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người: Bảo vệ môi trường sinh thái, nghiên cứu khoa học, văn hóa – du lịch và cho các sản phẩm gỗ, củi, cây thuốc...

Do chiến tranh tàn phá và do tác động của con người, rừng đồi núi đã kiệt cạn và trở nên trơ trọi, khí hậu khắc nghiệt hơn, nguồn nước mất dần... Do đó cần phải cấp bách phục hồi lại rừng đồi núi, trên nguyên tắc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ; cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn nông dân tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; Nhà nước vừa bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người trồng và bảo vệ rừng, vừa đảm bảo lợi ích của toàn xã hội.

I - NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:

Điều 1: Toàn bộ đất và rừng trên các đồi núi trong tỉnh, có độ cao từ 30m trở lên (so mặt biển) là loại đất đặc biệt do Nhà nước chỉ định mục đích sử dụng theo qui hoạch, qui trình kỹ thuật thống nhất và được đưa vào danh mục <>

Điều 2: Chi Cục Kiểm lâm Tỉnh An Giang là cơ quan được chính quyền Tỉnh giao cho trách nhiệm quản lý, thực thi toàn bộ công tác: Qui hoạch, kế hoạch trồng và bảo vệ, các chính sách hiện hành và xử phạt theo phạm vi cho phép.

Điều 3: Những hộ (tại chỗ, hoặc từ xã huyện khác đến) tự nguyện đăng ký làm nghề rừng, xét có đủ điều kiện (về lao động, vốn, đất đai...) thì được Nhà nước cấp đất trồng hoặc bảo vệ rừng theo từng mô hình sau đây:

a/ Nếu là đất trồng, đồi trọc: Được giao đất lần đầu tối đa là 05 ha, sau 3 năm có trồng rừng và rừng phát triển tốt thì được cấp giấy QSDĐ chính thức. Nếu có khả năng và yêu cầu thì được giao tiếp lần 2 và với qui mô không quá 05 ha nữa để tiếp tục trồng (cộng 2 lần không quá 10 ha). Rừng đã trồng phát triển tốt sẽ được cấp giấy quyền sử dụng đất chính thức (tối đa không quá 10 ha).

b/ Nếu là đất đã có rừng nhưng còn thưa: Giao lần thứ nhất mỗi hộ không quá 10 ha để trồng dặm và bảo vệ rừng hiện có, sau 3 năm rừng phát triển tốt cũng được cấp giấy quyền sử dụng đất chính thức và được giao thêm 10 ha để trồng và bảo vệ tiếp nếu có yêu cầu (cộng 2 lần không quá 20 ha).

Điều 4: Người nhận đất trồng và bảo vệ rừng phải thực hiện đúng các qui hoạch bố trí cây trồng, qui trình kỹ thuật cụ thể trên từng loại đất, địa hình... theo hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm. Những hộ không thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng, được nhắc, lập biên bản trên 3 lần, thì hộ đó bị xóa hợp đồng hoặc thu hồi << Quyền sử dụng đất >> đã cấp, đúng theo tinh thần chỉ thị 27/CTUB ngày 19/12/1991 của UBND Tỉnh.

Điều 5: Người có giấy quyền sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài có quyền chuyển nhượng. Nhưng phải được chính quyền và Chi cục Kiểm lâm chấp thuận.

Việc cấp giấy quyền sử dụng đất, do Chủ tịch UBND Huyện quyết định, sau khi có ý kiến đề nghị của Chủ tịch UBND Xã và có phê chuẩn của Chi cục Kiểm lâm. Chỉ cấp giấy cho những hộ trồng và bảo vệ rừng, không cấp cho người sản xuất nông nghiệp thuần túy trên núi (đất ở độ cao trên 30m so mặt biển).

II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐẦU TƯ VÀ PHÂN CHIA SẢN PHẨM RỪNG

Điều 6: Đối với rừng tập trung sung yếu, rừng tái sinh tự nhiên và rừng trên đất trống đồi trọc được Nhà nước đầu tư toàn bộ (gồm khâu làm đất, phát quang, giống, công trồng, chăm sóc, bảo vệ) và giao cho hộ gia đình quản lý, hộ được giao đất ngoài nhiệm vụ trồng rừng theo quy định sẽ có quyền:

a/ Trồng cây ngắn ngày trên diện tích rừng mới trồng trong 2-3 năm đầu (khi rừng chưa khép tán) loại cây trồng do Chi Cục kiểm lâm hướng dẫn, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến cây rừng.

b/ Được trồng xen cả cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả trên 10% diện tích đất rừng được giao (loại cây, mật độ khoảng cách trồng... do Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn và giám sát).

c/ Được hưởng 100% các sản phẩm phụ của rừng như: mật ong, hoa rừng và cây cỏ thuốc nam, gỗ củi do tỉa thưa hoặc cành gãy, Nhưng đều phải được Chi Cục Kiểm lâm cấp phép và giám sát thực hiện.

d/ Được hưởng sản phẩm khai thác từ rừng (khi chu kỳ), 50% của Nhà nước không khai thác, 60% của người trồng giữ rừng (hoặc là khai thác theo thiết kế kỹ thuật của Chi Cục Kiểm lâm, hoặc là bán lại cho nhà nước (cây đứng) theo giá thỏa thuận).

đ/ Được miễn thuế nông nghiệp đối với hoa lợi thu được từ hoa màu, cây công nghiệp và cây ăn quả trồng xen với rừng và sản phẩm phụ của rừng.

Điều 7: Người có đất rẫy trên núi, cũng phải đăng ký, hợp đồng nhận trồng xen cây lâm nghiệp (mật độ trồng 500 – 600 cây/ha). Nhà nước sẽ đầu tư các khâu: giống cây, công chăm sóc, bảo vệ, sau 3 tháng cây phát triển tốt, được hưởng giá trị 1 cây tương đương 400 gr gạo. Nếu cây chết báo cho Chi Cục Kiểm lâm, nhận cây khác về trồng dăm. Lợi ích được hưởng như sau:

a/ Được tiếp tục trồng rẫy, cây ăn quả hoặc cây công nghiệp trên diện tích đã hợp đồng: nhưng không được làm chết hoặc ảnh hưởng đến cây rừng (làm chết không chịu trồng dăm thì phải thường Chi Cục Kiểm lâm giá trị cây giống).

b/ Sản phẩm rừng (khi đạt chu kỳ khai thác) được tính 30% nhà nước (để lại không khai thác), 70& người trồng, giữ rừng được hưởng (số cây này người chủ hoặc là khai thác theo hướng dẫn thiết kế của Chi Cục Kiểm lâm hoặc là bán (cây đứng) cho Nhà nước theo giá thỏa thuận.

Điều 8: Số cây rừng được Chi Cục Kiểm lâm cho phép khai thác, chủ rừng phải đóng đầy đủ thuế cho Nhà nước theo quy định hiện hành.

Điều 9: Số cây rừng Nhà nước để lại không khai thác và số cây Nhà nước đã mua (cây đứng), chủ rừng được hợp đồng lại để bảo vệ, chăm sóc cây rừng và sẽ được trả thù lao tương đương 200 kg gạo/năm/ha trong 5 năm đầu. Từ năm thứ 6 trở đi được trả 100 kg gạo/năm/ha. Nếu để cháy rừng (không có lý do chính đáng) người hợp đồng phải bồi thường tối thiệu là 30% giá trị rừng lúc đó _ Tính theo giá thời điểm loại gỗ tròn nhóm 5 trên thị trường.

Điều 10: Nhà nước khuyến khích trồng và giữ gìn cây lâm nghiệp tái sinh trong vườn rẫy của hộ gia đình. Tuyệt đối không được tự ý khai thác sử dụng bừa bãi. Trước khi cần khai thác phải báo với đơn vị kiểm lâm ở địa phương. Nếu là rừng sung yếu đầu nguồn, Nhà nước sẽ mua lại cây đúng theo giá thỏa thuận.

Điều 11: Đất có trồng rừng được cấp giấy quyền sử dụng cho người trồng hoặc người được giao bảo vệ. Nếu rừng đã chia cho Nhà nước hoặc Nhà nước mua lại cây đứng của rừng thì chủ rừng được tiếp tục hưởng quyền sử dụng đất ấy; được chuyển nhượng quyền sử dụng để tiếp tục đầu tư hàng năm và các quyền lợi khác như nói tại điểm a, b, c và đ của điều 6 (trừ điểm d); điểm a điều 7 và điều 9 trong quy định này. Việc chuyển nhượng phải được UBND xã xác nhận, Chi Cục Kiểm lâm phê chuẩn và UBND Huyện ra quyết định.

Điều 12: Những người có đất rẫy trên núi qua phát động đăng ký, nhưng không hưởng ứng việc trồng rừng, thời hạn chót là tháng 1/95 phải giao đất lại co Chi Cục Kiểm lâm mà không có bồi hoàn.

Điều 13: Những người ở trên núi làm nghề khác nếu có vi phạm: đốn cây, phá rừng, đốt than hoặc không có nghề nghiệtp sinh sống rõ ràng, không có lý do chính đáng để cư trú trên núi thì chính quyền địa phương và Chi Cục Kiểm lâm có quyền cưỡng bức dời xuống núi.

Điều 14: Những người hành hương, viếng chùa, miếu trên núi hoặc du lịch... phải đi đúng theo đường quy định, không được vào các khu vực rừng có biển cấm, không được gấy cháy, nổ, không được chặt phá cây rừng và săn bắn chim thú. Nếu đi tìm thuốc Nam thì phải có chứng nhận của UBND Xã, được Chi Cục Kiểm lâm cấp giấy phép và phải thương lượng mua lại của chủ rừng.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15: Căn cứ vào Quyết định của Chủ tịch UBND Tỉnh, Chi Cục Kiểm lâm có trách nhiệm quản lý toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp được giao để thực hiện chủ trương trồng rừng phòng hộ. Các ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang các cấp có trách nhiệm phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm, theo chức năng của mình để thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh và những điều cụ thể của quy định này, nhằm đạt yêu cầu khôi phục rừng, ổn định và cải thiện đời sống dân cư trên núi.

Mọi sai phạm của Chi Cục Kiểm lâm (nếu có), nếu thuộc chức năng quản lý Nhà nước, được UBND Tỉnh xem xét và xử lý theo thẩm quyền. Nếu thuộc tư cách pháp nhân hợp đồng kinh tế với nông dân thì phải bồi thường vật chất do không thực hiện được một trong những điều đã cam kết ghi trong văn bản hợp đồng.

Điều 16: Các hộ dân có hợp đồng trồng hoặc bảo vệ rừng với Chi Cục Kiểm lâm, nếu vi phạm môt trong các điều cam kết, tùy mức độ mà có nhắc nhở, giúp đỡ sửa chữa, cảnh cáo và bồi thường vật chất cho Nhà nước. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì truy tố trước pháp luật.

Điều 17: Những người hưởng ứng trồng và bảo vệ rừng trên núi, sẽ được tổ chức lại thành Tổ Lâm viên do Nông hội địa phương lãnh đạo, được chính quyền quan tâm giúp đỡ mọi mặt, được Ngân hàng Nông nghiệp ưu tiên cho vay vốn sản xuất phụ (như vốn làm rẫy, trồng cây CN, cây ăn quả hoặc làm thêm dịch vụ khác); được hưởng lợi do Chương trình Khuyến lâm đem lại.

Điều 18: Những người có công trồng vào bảo vệ rừng được hưởng chế độ khen thưởng chung của Nhà nước. Riêng các trường hợp do lao động (trồng và bảo vệ rừng, nếu có bị chất nổ gây thương tật hoặc tử thương thì được hưởng chính sách như những người đang thực hiện nghĩa vụ lao động theo quy định hiện hành.

Điều 19: Giao cho Sở Nông nghiệp và Chi Cục Kiểm lâm có văn bản hướng dẫn cụ thể và tổ chức thực hiện quy định này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 275/QĐ.UB năm 1992 về chính sách trồng và bảo vệ rừng phòng hộ trên núi do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 275/QĐ.UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/06/1992
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản