Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT.UB

Long Xuyên, ngày 19 tháng 12 năm 1991

 

CHỈ THỊ

V/V VẬN ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC NHÂN DÂN TRỒNG RỪNG, CHẤM DỨT VIỆC ĐỐN CÂY VÀ PHÁ HOANG ĐỂ LÀM RẪY TRÊN NÚI

Từ những năm 1960 trở về trước, Tỉnh ta có trên 30.000 ha rừng tràm và gần 10.000 ha rừng trên núi rất sung túc. Trong đó có nhiều loại cây gỗ quí như: Cẩm lai, Giáng hương, căm xe, sao đá, bằng lăng, dầu, cây gió và v.v... Nhờ có rừng mà các suối trên núi, các giếng quan triền núi đều có nước quanh năm; đất đai màu mỡ, cân bằng sinh thái, khí hậu ôn hòa; sản xuất, sinh hoạt của con người thuận lợi.

Nhưng trải qua chiến tranh, bom đạn tàn phá và đặc biệt từ sau giải phóng, do chúng ta chưa nhận thức được và do công tác quản lý của chính quyền có nhiều thiếu sót, nên rừng đã bị khai thác trắng (kể cả trên núi và dưới đồng bằng) nhất là tình trạng cuốc đất, phá rừng làm rẫy trên núi; săn bắt chim thú bừa bãi... đã làm thay đổi môi trường sống rõ rệt: các suối, mạch và giếng nước cạn dần, có nguy cơ sa mạc hóa. Khí hậu thay đổi; thường xuyên diễn ra cảnh mùa mưa thì hay có lũ, núi non sạt lở, khô hạn kéo dài, người và các loài sinh vật đều khát nước và thường hay bệnh tật. Nếu không khôi phục lại rừng trên núi thì một số năm tới đây, trên vùng đất bán sơn địa của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, chẳng những muông thú mà ngay cả con người cũng mất môi trường sống của mình.

Để khắc phục dần những bất lợi của thiên nhiên đối với đời sống nhân dân trong vùng mà nguyên nhân là do con người gây ra, để từng bước khôi phục lại rừng, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và cuộc sống của con người, cho hiện tại cũng như cho tương lai. CT UBND Tỉnh chỉ thị các ngành, các cấp trong Tỉnh thực hiện những việc cấp thiết sau đây:

1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân nhằm nhận thức rõ lợi ích lâu dài rừng và yêu cầu cấp bách phải khôi phục lại rừng trong Tỉnh nhất là rừng trên núi.

2. Sở Nông nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, UBND 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các xã vùng núi chủ động phối hợp cùng các ngành, đoàn thể... tổ chức thực hiện công tác trồng và bảo vệ rừng trên núi.

Trước mắt cần thực hiện một số công việc như sau:

a/ Phải có biện pháp ngăn chặn và chấm dứt ngay tình trạng chặt phá cây rừng còn lại và khai khẩn đất trống trên các đồi núi để làm rẫy. Kể từ ngày 1/2/1992 nếu ai cố tình vi phạm, tùy mức độ phải xử lý thích đáng bằng biện pháp hành chính hoặc pháp luật.

b/ Chuyển dần từng bước, số đất rẫy đã mở trước đây sang trồng cây ăn trái như: Điều, Mít, Xoài, vú sữa... và cây lấy gỗ như: Keo tai tương, keo lá tràm, sao, dầu v.v... tạo thành những vườn rừng có giá trị kinh tế cao, có tác dụng phòng hộ tốt.

c/ Tổ chức lại những người có canh tác trên núi thành những Tổ lâm viên, sắp xếp lại việc sản xuất và đời sống của họ theo chủ trương phát triển vườn rừng, chủ yếu là xây dựng rừng phòng hộ, kinh doanh đặc sản rừng, có kết hợp trồng cây ăn trái và hoa màu với một tỉ lệ hợp lý. Nếu ai không trồng vườn rừng xen trên đất rẫy ở đầu nguồn và cặp 2 bên bờ suối thì cũng không được tiếp tục làm rẫy, bỏ đất hoang cho cây rừng tự mọc.

Hộ gia đình nào không đủ khả năng thực hiện chủ trương trên. Tỉnh ta sẽ có tài trợ hoặc cho vay ưu đãi, cá biệt có hộ không thực hiện thì tổ chức đưa xuống đồng bằng định cư làm ruộng. Huyện, xã cầu ưu tiên cấp đất thổ cư và đất sản xuất trên các tuyến kênh mới đào ở vùng Bảy Núi. Hộ nào ở dưới triền lên canh tác đất trên đồi núi không thực hiện chủ trương này thì thu hồi đất lại.

d/ Hộ nào thực hiện tốt chủ trương chuyển đất làm rẫy qua làm vườn rừng, hoặc chuyên trồng rừng, sau khi kiểm tra, đo đạc, xác nhận, cần tổ chức cấp giấy quyền sử dụng đất lâu dài, không quy định thời hạn và không thu thuế NN trên diện tích trồng rừng (chỉ khi nào khai thác gỗ mới đóng thuế theo luật về rừng - hoặc nếu trồng cây ăn trái thì khi nào có thu hoạch trái mới thu theo luật thuế NN), để cho họ yên tâm đầu tư, thâm canh.

e/ Đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán ở vùng châu núi và xung quanh dọc lộ, kênh đê... nhằm tạo ra nguồn gỗ, củi đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Chấm dứt việc lên núi đốn cây, phá rừng.

3. Sở Nông nghiệp, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách khuyến khích việc trồng vào bảo vệ rừng trên đồi núi nhằm thúc đẩy công tác này được khẩn trương và hiệu quả.

4. Giao cho Sở Nông nghiệp phối hợp với UBND 2 Huyện Tịnh Biên, Tri Tôn chủ trì triển khai hướng dẫn và tổ chức thực hiện tinh thần chỉ thị này. Cần thông tin rộng rải, thường xuyên cho nhân dân chủ trương trên đây của Tỉnh cũng như kết quả thực hiện. Có sơ tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo thỉnh thị. Khen thưởng và xử lý kịp thời để động viên, uốn nắn, phát huy phong trào.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/CT.UB năm 1991 về Vận động và tổ chức nhân dân trồng rừng, chấm dứt việc đốn cây và phá hoang để làm rẫy trên núi do Tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 27/CT.UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/12/1991
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản