Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2728/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 26 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH THÚ Y GIAI ĐOẠN 2010-2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 904/QĐ-BNN-KH ngày 04/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành thú y giai đoạn 2007-2010;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLB-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp - PTNT và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 48/2010/QĐ-UBND ngày 24/6/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước;

Căn cứ Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 06/5/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi cục Thú y tỉnh Bình Phước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 324/TTr-SNN ngày 05/10/2010 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1190/TTr-SNV ngày 16/11/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý nhà nước chuyên ngành thú y giai đoạn 2010-2015 như sau:

1. Mục tiêu

a) Hoàn thành năng lực và hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành chăn nuôi, thú y xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, xã, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành;

b) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của toàn hệ thống, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Nhiệm vụ chủ yếu của hệ thống thú y

a) Kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Thú y từ tỉnh đến huyện, xã; hiện đại hóa và nâng cao năng lực toàn hệ thống, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; đào tạo nâng cao năng lực cán bộ.

b) Xây dựng hệ thống văn bản về quy trình, quy phạm và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đồng bộ đảm bảo thống nhất với các văn bản trung ương vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng các dự thảo quyết định, chỉ thị, quy hoạch, chương trình, kế hoạch về công tác chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh bao gồm: giống vật nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh động vật (bao gồm cả thủy sản); công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; công tác kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y các cơ sở hoạt động liên quan đến công tác chăn nuôi - thú y trên địa bàn tỉnh.

c) Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn

- Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch của UBND tỉnh, khuyến khích phát triển chăn nuôi, công nghiệp tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học.

- Phòng chống dịch bệnh trên cạn, lưỡng cư và dưới nước

+ Quản lý, giám sát dịch bệnh, đánh giá rủi ro; dự báo tình hình dịch bệnh trong phạm vi tỉnh.

+ Xây dựng và thực hiện các chương trình khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây sang người.

+ Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

+ Nâng cao năng lực chuẩn đoán, xét nghiệm, giám sát dịch bệnh.

- Kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y (bao gồm cả thủy sản)

+ Củng cố và tăng cường năng lực kiểm dịch động vật.

+ Tăng cường kiểm soát giết mổ, xây dựng hệ thống giết mổ tập trung theo Quy hoạch của tỉnh.

+ Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm động vật trên cạn, lưỡng cư và thủy sản.

- Quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi

+ Quản lý việc kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi theo đúng quy định của pháp luật.

+ Hướng dẫn sử dụng thuốc thú y đúng quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Quản lý giống vật nuôi

+ Quản lý việc kinh doanh giống vật nuôi theo đúng quy định pháp lệnh giống vật nuôi.

+ Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh giống vật nuôi thực hiện đúng theo quy định để đảm bảo chất lượng giống, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

- Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về công tác chăn nuôi.

- Cấp, thu hồi giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề về chăn nuôi, thú y.

- Thu phí và lệ phí về công tác chăn nuôi thú y theo quy định.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ thú y về chăn nuôi, thú y. Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật và mạng lưới thú y cơ sở.

- Tham gia các chương trình dự án quốc gia, quốc tế theo hướng dẫn của Cục thú y.

d) Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ

- Thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng theo thuộc lĩnh vực của ngành để làm cơ sở cho xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.

- Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong các lĩnh vực quản lý dịch tể, chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về thú y vào các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi tập trung nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khâu chăn nuôi.

- Kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và công tác nghiên cứu.

3. Một số giải quyết thực hiện.

a) Các giải pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

- Tăng cường năng lực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao.

+ Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để triển khai các văn bản của Trung ương cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chăn nuôi,

+ Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, chính sách hỗ trợ cho người dân khi gặp rủi ro trong chăn nuôi do dịch bệnh gây ra.

+ Xây dựng quy trình tổ chức chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực chuyên ngành:

+ Xây dựng chính sách phù hợp, kịp thời để chăn nuôi trang trại, tập trung quy mô lớn phát triển; khuyến khích đầu tư các trại giống, cải tạo giống trên địa bàn tỉnh;

+ Xây dựng, củng cố mạng lưới giám sát dịch bệnh từ cơ sở, hộ, trại chăn nuôi đến thú y cơ sở - trạm thú y cấp huyện - Chi cục Thú y tỉnh.

+ Nối mạng hệ thống máy tính của Chi cục và các Trạm huyện.

+ Triển khai xây dựng cơ sở an toàn lở mồm long móng, dịch tả lợn, cúm gia cầm.

+ Tiếp tục thực hiện chương trình phòng chống bệnh dại trên động vật, chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng gia súc và phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm.

+ Đưa phòng Chẩn đoán - xét nghiệm vào hoạt động. Đầu tư trang thiết bị và nguyên liệu xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh vi trùng, virus thông thường ở động vật.

- Kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

+ Thực hiện kiểm dịch gốc động vật, sản phẩm động vật, đảm bảo kiểm dịch 100% gia súc, gia cầm vận chuyển xuất nhập tỉnh.

+ Triển khai thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản.

+ Kiểm soát 100% động vật được giết mổ ở cơ sở giết mổ tập trung.

+ Hướng dẫn xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch của UBND tỉnh.

+ Kiểm tra vệ sinh thú y 100% thịt gia súc, gia cầm bán tiêu thụ trên địa bàn. Triển khai kiểm tra vệ sinh thú y đối với thủy sản.

+ Kiểm tra định kỳ vệ sinh thú y ở các trại giống, cơ sở chăn nuôi tập trung; cơ sở giết mổ và chế biến sản phẩm động vật; cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi.

+ Xây dựng quy trình tiêu chuẩn vệ sinh thú y trong các lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ động vật.

+ Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các hoạt động liên quan đến thú y.

- Về khoa học, công nghệ.

+ Đầu tư cho các đề tài nghiên cứu theo yêu cầu cấp bách của sản xuất, như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y, chuẩn đoán bệnh.

+ Đầu tư nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới vào ngành thú y, như các phần mềm quản lý thông tin, giám sát dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tể trên mạng, đánh giá nguy cơ; quy trình công nghệ trong chẩn đoán, xét nghiệm.

- Tăng cường phối hợp, hợp tác.

+ Phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh lân cận trong công tác phòng chống dịch, kiểm dịch vận chuyển, trao đổi thông tin dịch bệnh …

+ Tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.

b) Kiện toàn hệ thống tổ chức từ tỉnh xuống xã

Hệ thống tổ chức ngành thú y được kiện toàn theo hướng dẫn đến năm 2015 số lượng công chức, viên chức nhân viên ngành Thú y của tỉnh phải đảm bảo có: 29 công chức, 65 viên chức  và 111 nhân viên thú y cấp xã, cụ thể:

- Văn phòng Chi cục:

+ Về cơ cấu tổ chức:

* Phòng Tổ chức - Hành chính.

* Phòng Dịch tễ.

* Phòng Chẩn đoán - xét nghiệm.

* Phòng Chăn nuôi.

* Phòng Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

* Thanh tra Chuyên ngành thú y.

+ Về biên chế: đảm bảo 29 biên chế có trình độ từ đại học trở lên.

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc:

+ Về tổ chức có:

* 10 Trạm Thú y huyện, thị xã, đặt tại 10 huyện, thị xã trực thuộc Chi cục Thú y đồng thời chịu sự quản lý song trùng của UBND các huyện, thị xã.

* 03 Trạm Kiểm dịch động vật đặt tại huyện Chơn Thành; huyện Đồng Phú; cửa khẩu Hoa Lư.

+ Về biên chế.

* Bố trí 05 biên chế cho 01 Trạm Thú thú y huyện, thị xã.

* Bố trí 05 biên chế cho 01 Trạm Kiểm dịch động vật.

- Cấp xã: Bố trí 01 nhân viên thú y trực tiếp thực hiện công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh và tổ chức tiêm phòng gia súc, gia cầm ở địa phương; tổ chức thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc định kỳ và đột xuất, tham gia chống dịch tiêu hủy gia súc, gia cầm khi có dịch; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thú y; báo cáo dịch bệnh, giao ban định kỳ.

Nhân viên thú y cấp xã được hưởng phụ cấp bằng hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu hiện hành (theo Công văn số 1569/QĐ-TTg, ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2621/QĐ-UBND ngày 18/12/2007 của UBND tỉnh Bình Phước về việc Ban hành chế độ phụ cấp đối với nhân viên Thú y cấp xã).

Ngoài ra, cần khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động của dịch vụ thú y tại các cơ sở chăn nuôi; tăng cường hoạt động thú y cơ sở và hành nghề thú y của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho mạng lưới thú y cơ sở.

c) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

- Xây dựng cơ bản.

+ Xây dựng Trạm Thú y các huyện: Hớn Quản, Bù Gia Mập và Trạm Kiểm dịch Hoa Lư.

+ Bổ sung, sửa chữa (nhà kho, sân, hàng rào) các Trạm thú y còn lại.

- Trang thiết bị.

+ Hoàn thiện hệ thống mạng vi tính trong toàn ngành thú y từ tỉnh đến huyện để trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh, quản lý kiểm dịch.

+ Trang bị đầy đủ các dụng cụ, máy móc cho Phòng Chẩn đoán - xét nghiệm.

+ Mua sắm đầy đủ thiết bị văn phòng làm việc: Máy vi tính, máy chiếu, máy photocopy, tủ hồ sơ, bàn làm việc cho các Trạm.

4. Tổ chức thực hiện

Giao Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm của Chi cục trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

b) Dự thảo quy định về tổ chức và hoạt động của nhân viên Thú y cấp xã trình UBND tỉnh xem xét ban hành.

c) Phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Như Điều 2;
- LĐVP, Phòng: NC, SX;
- Sở Nội vụ: 02 bản;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Danh