Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 27/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 3 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH LƯƠNG THỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc Hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;

- Để vận dụng thực hiện Nghị quyết 134/HĐBT ngày 16/10/1984 của Hội đồng Bộ trưởng về phân cấp quản lý lương thực, phù hợp với điều kiện và tình hình của thành phố, trên tinh thần cải tiến hợp lý hóa tổ chức song song với cải tạo sắp xếp, tổ chức lại ngành lương thực của thành phố theo nguyên tắc tổ chức tinh gọn khắc phục hành chánh bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa;

- Sau khi đã được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy và có sự nhất trí của đồng chí Bộ trưởng Bộ Lương thực;

Theo đề nghị của các đồng chí Giám đốc Sở Lương thực, Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực thành phố và Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố Hồ Chí Minh;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Tổ chức sắp xếp lại và kiện toàn tổ chức quản lý ngành lương thực thành phố Hồ Chí Minh như sau :

1/- Sở Lương thực là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, giúp Ủy ban quản lý Nhà nước ngành lương thực trong phạm vi toàn thành phố Hồ Chí Minh (có văn bản riêng).

2/- Công ty Lương thực thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị kế hoạch toàn diện trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, có nhiệm vụ kinh doanh và sản xuất chế biến phục vụ các yêu cầu về lương thực và sản phẩm lương thực chế biến trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (có văn bản riêng).

Ở mỗi quận, huyện có một Cửa hàng lương thực trung tâm trực thuộc Công ty lương thực thành phố. Cửa hàng chịu sự quản lý toàn diện của Công ty lương thực thành phố, đồng thời chịu sự quản lý song trùng của Ủy ban Nhân dân Quận, Huyện.

3/- Chấm dứt hoạt động các Phòng lương thực quận và huyện. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động lưu thông phân phối lương thực, chế biến lương thực, cải tạo thị trường lương thực trên địa bàn quận, huyện.    

Điều 2.- Giám đốc Sở Lương thực có trách nhiệm :

a)- Bàn giao các cơ sở vật chất kỹ thuật đang trực thưộc Sở cho Giám đốc Công ty Lương thực thành phố bao gồm : màng lưới kho tàng, phương tiện vận tải, các xí nghiệp xay xát về chế biến lương thực các phương tiện vật tư thiết bị khác của ngành lương thực thành phố. Việc bàn giao và tiếp nhận thực hiện theo đúng nguyên tắc thể lệ quy định của Nhà nước.

b)- Điều chỉnh bố trí sắp xếp nhân sự cần thiết bảo đảm chức năng, nhiệm vụ của Sở, theo nguyên tắc tổ chức bộ máy của Sở tinh gọn có hiệu lực.

c)- Đối với số cán bộ công nhân viên dôi ra, Giám đốc Sở Lương thực bàn thỏa thuận với Giám đốc Công ty lương thực thành phố điều chuyển cán bộ cần thiết tăng cường cho Công ty. Phối hợp với Ban Tổ chức chánh quyền thành phố điều chuyển số cán bộ công nhân viên còn lại cho công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh và cho các yêu cầu nhiệm vụ khác.

Việc điều chỉnh bố trí sắp xếp cán bộ thực hiện theo nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Điều 3.- Giám đốc Công ty Lương thực thành phố có trách nhiệm :

a)- Chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Lương thực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố tổ chức thực hiện : hợp nhất hai hệ bán lương thực theo giá cung cấp và theo giá kinh doanh :

- Tổ chức cửa hàng lương thực trung tâm quận, huyện trên cơ sở hợp nhất và sắp xếp lại Phòng Lương thực Cửa hàng lương thực (bán cung cấp) Cửa hàng kinh doanh lương thực.

- Sắp xếp bố trí cán bộ công nhân viên bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ của ngành lương thực ở quận, huyện. Số cán bộ công nhân viên dôi ra, do Ủy ban Nhân dân quận điều động bố trí sử dụng vào công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh và các yêu cầu nhiệm vụ khác của quận.

b)- Chuyển Công ty kinh doanh lương thực thành Công ty Lương thực thành phố, sắp xếp kiện toàn tổ chức theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố, về tổ chức và hoạt động Công ty Lương thực thành phố, trên nguyên tắc tổ chức tinh gọn, hoạt động có hiệu quả kinh tế.     

Điều 4.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các văn bản của thành phố đã ban hành trước đây trái với quyết định này.

Điều 5.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chánh quyền thành phố, Giám đốc Sở Lương thực, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố có liên quan và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.  

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 5
- Bộ Lương thực “để báo cáo”
- Ban TC của CP “để báo cáo”
- Ban TV/TU- Các đc TT.UBND.TP
- VP/TU và các Ban của TU
- UBKH.TP, Sở TC. NH Nhà nước TP, Sở Lao động, Ban CT.CTN.TP
- CA (PC.13) – Ban TCCQ.TP
- UBND các quận, huyện
- TH (NC – TM)
- Lưu
 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH /THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Võ Danh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 27/QĐ-UB năm 1985 về việc kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý ngành lương thực thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 27/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/03/1985
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/03/1985
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản