Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 27/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa;

Căn cứ Công văn số 76/HĐND-THKT ngày 03/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thống nhất quy định mức hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1504/STC-QLNS ngày 28/6/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:

1. Phân bổ cho ngân sách các huyện Nam Đông và A Lưới theo diện tích đất trồng lúa của các huyện này và nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ.

2. Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ còn lại sau khi đã phân bổ cho các huyện Nam Đông và A Lưới:

a) Phân bổ 30% nguồn kinh phí để tập trung cho ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lúa, trong đó ưu tiên thủy lợi; hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới do tỉnh trực tiếp quản lý.

b) Phân bổ 70% nguồn kinh phí để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện còn lại, các thị xã và thành phố Huế (bao gồm cả ngân sách cấp xã) để thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên cơ sở diện tích đất trồng lúa của các địa phương.

3. Thời gian áp dụng chính sách kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 (theo quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 và Thông tư số 205/2012/TT-BTC).

Điều 2. Về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa:

1. Đối với ngân sách tỉnh:

Căn cứ nhu cầu đầu tư, sửa chữa và duy tu, bảo dưỡng, nạo vét các công trình nông nghiệp nông thôn phục vụ sản xuất lúa; nhu cầu triển khai, xây dựng các mô hình về nông nghiệp, nông thôn nhất là sản xuất lúa để nhân rộng, phổ biến trên toàn tỉnh cũng như tăng cường các hoạt động khuyến nông trên địa bàn do tỉnh trực tiếp quản lý, hàng năm UBND tỉnh sẽ phân bổ kinh phí theo các nội dung nói trên cho phù hợp.

2. Đối với ngân sách cấp huyện:

a) Sử dụng tối đa 70% trong tổng số kinh phí được hỗ trợ để tập trung đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư thủy lợi; giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương (bao gồm hỗ trợ đầu tư thủy lợi, giao thông nội đồng); hạ tầng làng nghề ở nông thôn; hạ tầng nuôi trồng thủy sản và các nội dung đầu tư khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

b) Sử dụng tối thiểu 30% trong tổng số kinh phí để hỗ trợ các hoạt động khuyến nông giúp các hộ và tổ chức tiếp cận các dịch vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và áp dụng vào kế hoạch đã được xác định để phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã; hỗ trợ để xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả và ngành nghề nông thôn, bao gồm: Hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc phòng trị sâu bệnh, máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, vật tư khác.

3. Những nội dung khác về hỗ trợ người sản xuất lúa: quản lý, sử dụng kinh phí cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa và phát triển quỹ đất trồng lúa và các vấn đề khác về bảo vệ và phát triển đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ và Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Tài chính;
- Cục KT VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TVTU;
- TT và các Ban HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT và các Phó CT UBND tỉnh;
- Báo TT Huế, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TC (02), NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao