Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2004/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 27/2004/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 3 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG DỌC TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (GIAI ĐOẠN I) ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại các văn bản số 38/TTr-BXD ngày 05 tháng 6 năm 2003 và số 1907/BXD-KTQH ngày 11 tháng 11 năm 2003,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi nghiên cứu
Tổng chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) là 2.186 km, trong đó nhánh chính phía Đông 1.676 km; nhánh phía Tây 510 km. Phạm vi nghiên cứu hai bên đường có chiều rộng khoảng 2 km với diện tích khoảng 437.200 ha.
2. Mục tiêu
Phát triển tuyến đường Hồ Chí Minh với chức năng chủ yếu là: hành lang giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia phía Tây của đất nước; trục phát triển kinh tế và các đô thị, điểm dân cư nông thôn; trục cảnh quan gắn với các di tích văn hoá, lịch sử, danh lam thắng cảnh.
3. Quy mô dân số
a) Dự kiến đến năm 2010 dân số toàn khu vực quy hoạch khoảng 3.962.000 người, trong đó:
- Dân số đô thị: khoảng 3.375.000 người;
- Dân số nông thôn: khoảng 587.000 người.
b) Dự kiến đến năm 2020 dân số toàn khu vực quy hoạch khoảng 6.235.000 người, trong đó:
- Dân số đô thị: khoảng 5.335.000 người.
- Dân số nông thôn: khoảng 900.000 người.
4. Quy mô đất đai
a) Dự kiến đến 2010 tổng diện tích toàn khu vực quy hoạch khoảng 437.200 ha, trong đó đất xây dựng khoảng 49.200 ha (đất xây dựng đô thị khoảng 40.800 ha).
b) Dự kiến đến 2020 tổng diện tích toàn khu vực quy hoạch khoảng 437.200 ha, trong đó đất xây dựng khoảng 80.000 ha (đất xây dựng đô thị khoảng 78.000 ha).
5. Định hướng phát triển
a) Đối với những khu vực hiện có
- Di dời và tổ chức tái định cư cho dân cư ở những khu vực mà phần lớn diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của tuyến đường hoặc nằm trong vùng có điều kiện tự nhiên đặc biệt, không thuận lợi (thường bị sạt lở, lũ quét );
- Cải tạo chỉnh trang và tập trung phát triển về một phía của tuyến đường đối với những khu vực bị ảnh hưởng một phần do tuyến đường đi cắt qua;
- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với những khu vực nằm ven tuyến đường nơi có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
b) Đối với những khu vực xây dựng mới
Tập trung quy hoạch và quản lý xây dựng theo đúng quy hoạch những khu vực có điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế (nằm trong các vùng nguyên liệu công nghiệp, khoáng sản, các vùng cảnh quan thiên nhiên, di tích ), có quỹ đất xây dựng và điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng các khu dân cư, các khu vực phục vụ cho phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại.
6. Phân bố và tổ chức hệ thống các đô thị trên dọc tuyến
Đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đi qua 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được chia thành 5 vùng như sau:
a) Vùng I
- Gồm 2 tỉnh: Hà Tây và Hoà Bình có chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua là 95 km, tổng diện tích đất khoảng 19.000 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 17.800 ha;
- Có tổng số 6 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III và 4 đô thị loại V; đô thị hạt nhân là chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây.
+ Đô thị mới Hòa Lạc - tỉnh Hà Tây
Cơ sở hình thành và phát triển đô thị là khu công nghệ cao, trung tâm giáo dục đại học, các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn, các khu du lịch và dịch vụ vùng v.v... dân số dự kiến đến năm 2010 khoảng 270.000 người, đến năm 2020 khoảng 670.000 người; nhu cầu đất xây dựng đến năm 2010 khoảng 4.700 ha, đến năm 2020 khoảng 12.000 ha.
+ Đô thị Xuân Mai - tỉnh Hà Tây
Cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, trung tâm kinh tế thương mại phía Tây của tỉnh Hà Tây; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 35.000 - 50.000 người, năm 2020 khoảng 100.000 - 170.000 người; nhu cầu đất xây dựng đến năm 2010 khoảng 750 ha, đến năm 2020 khoảng 2.500 ha.
+ Các đô thị khác: Gồm 4 đô thị có dân số dự kiến đến năm 2010 khoảng 62.000 người, đến năm 2020 khoảng 160.000 người.
b) Vùng II
- Gồm 3 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh, có chiều dài tuyến đuờng Hồ Chí Minh đi qua là 345 km, tổng diện tích đất khoảng 69.000 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 9.000 ha;
- Có tổng số 20 đô thị, trong đó 1 đô thị loại III là Lam Sơn - Sao Vàng và đô thị Ngọc Lặc dự kiến là đô thị trung tâm vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hoá; 1 đô thị là trung tâm vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An (tương đương đô thị loại III; 17 đô thị loại V; đô thị hạt nhân trên tuyến là Lam Sơn - Sao Vàng.
+ Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng - tỉnh Thanh Hoá
Cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp đường thực phẩm, rượu, cồn, công nghiệp giấy, bao bì và sản phẩm từ giấy, công nghiệp chế biến lâm, nông sản, hàng tiêu dùng, cơ khí sửa chữa.v.v..., du lịch, dịch vụ, thương mại; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 30.000 người, năm 2020 khoảng 50.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 550 ha, đến năm 2020 khoảng 700 ha.
+ Thị trấn Thái Hoà:
Là huyện lỵ, trung tâm kinh tế, hành chính, văn hoá của huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, dân số dự kiến đến năm 2010 khoảng 13.000 người, đến năm 2020 khoảng 18.000 người.
+ Thị trấn Phố Châu:
Là thị trấn huyện lỵ, trung tâm kinh tế, hành chính, văn hoá của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và là trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu hành lang Đông Tây (quốc lộ 8) của tỉnh Hà Tĩnh, dân số dự kiến năm 2010 khoảng 11.000 người, đến năm 2020 khoảng 18.000 người.
+ Các đô thị khác: gồm 17 đô thị, dân số dự kiến đến năm 2010 khoảng 85.700 người, đến năm 2020 khoảng 169.000 người.
c) Vùng III
- Gồm 5 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Chiều dài tuyến đuờng Hồ Chí Minh đi qua là 1.054 km (nhánh Đông: 544 km; nhánh Tây: 510 km); tổng diện tích đất khoảng 210.800 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 26.200 ha;
- Có tổng số 24 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I, 2 đô thị loại III và 20 đô thị loại V; đô thị hạt nhân trên tuyến là Đakrông và Khe Sanh.
+ Thị xã Đồng Hới - tỉnh Quảng Bình
Là tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình; cơ sở phát triển đô thị là thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp ô tô; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 120.000 người, đến năm 2020 khoảng 150.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 1.300 ha, đến năm 2020 khoảng 1.650 ha.
+ Thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế
Là thành phố có di sản văn hóa thế giới, trung tâm văn hoá, du lịch cấp quốc gia và quốc tế; là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế, trung tâm y tế chuyên sâu, là một trong những trung tâm đào tạo đại học đa ngành và dạy nghề của khu vực; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 300.000 người, đến năm 2020 khoảng 350.000 - 400.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 5.400 ha, đến năm 2020 khoảng 6.000 ha.
+ Đô thị mới Chân Mây - tỉnh Thừa Thiên Huế
Là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ du lịch phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế; cơ sở hình thành và phát triển đô thị là cảng biển, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ du lịch; quy mô dân số dự kiến năm 2010 khoảng 40.000 người, năm 2020 khoảng 120.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 600 ha, đến năm 2020 khoảng 4.000 ha.
+ Thành phố Đà Nẵng
Thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cơ sở phát triển đô thị là cảng, dịch vụ cảng, công nghiệp dệt, may, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến thủy sản v.v... du lịch, dịch vụ du lịch, giáo dục đào tạo; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 650.000 người, đến năm 2020 khoảng 865.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 6.500 ha, đến năm 2020 khoảng 8.650 ha.
+ Các đô thị khác: gồm 20 đô thị, dự kiến dân số năm 2010 khoảng 446.200 người, đến năm 2020 khoảng 663.500 người.
d) Vùng IV
- Gồm 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đăk Nông, chiều dài tuyến đuờng Hồ Chí Minh đi qua là 502 km, tổng diện tích đất khoảng 100.400 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 15.400 ha;
- Có tổng số 17 đô thị, trong đó 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V; đô thị hạt nhân trên tuyến là thị xã Kon Tum, thị xã Pleikần và thành phố Buôn Ma Thuột.
+ Thị xã Kon Tum - tỉnh Kon Tum
Là tỉnh lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Kon Tum; là trung tâm du lịch khu vực Bắc Tây Nguyên; cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, may mặc, điện tử, cơ khí, vật liệu xây dựng và du lịch. Dân số dự kiến năm 2010 khoảng 156.000 người, đến năm 2020 khoảng 210.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 3.320 ha, đến năm 2020 khoảng 3.740 ha.
+ Thành phố Pleiku - tỉnh Gia Lai
Là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai; cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp chế biến cà phê, cao su, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 230.000 người, đến năm 2020 khoảng 300.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 6.800 ha, đến năm 2020 khoảng 9.700 ha.
+ Thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk
Là tỉnh lỵ, trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắk Lắk; là trung tâm của vùng Tây Nguyên; cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp cơ khí lắp ráp, sửa chữa, may mặc, chế biến gỗ, nước giải khát, thương mại, dịch vụ; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 300.000 người, đến năm 2020 khoảng 500.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 2.400 - 3.000 ha, đến năm 2020 khoảng 4.200 - 4.500 ha.
+ Thị xã Gia Nghĩa - tỉnh Đắk Nông
Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, dịch vụ, du lịch và khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắk Nông; cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; trung tâm hậu cầu khai thác bôxít, chế tác đá quý, thương mại và dịch vụ; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 50.000 người, đến năm 2020 khoảng 80.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 1.480 ha, đến năm 2020 khoảng 1.700 ha.
+ Các đô thị khác: gồm 13 đô thị, dân số dự kiến năm 2010 khoảng 264.000 người, đến năm 2020 khoảng 384.000 người.
e) Vùng V
- Gồm 2 tỉnh: Bình Dương và Bình Phước, chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua là 190 km, tổng diện tích đất khoảng 38.000 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 9.200 ha;
- Có tổng số 7 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 4 đô thị loại V.
- Đô thị hạt nhân trên tuyến: thị xã Thủ Dầu Một và thị trấn Chơn Thành.
+ Thị xã Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước
Là tỉnh lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Phước; cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, chế biến thức ăn gia súc và gốm, sứ xuất khẩu; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 60.000 người, đến năm 2020 khoảng 100.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 720 ha, đến năm 2020 khoảng 2.000 ha.
+ Thị xã Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương
Là tỉnh lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Dương; cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp cơ khí điện tử, điện tử - tin học, chế tạo thiết bị điện, cơ khí tiêu dùng, may mặc; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 180.000 người, đến năm 2020 khoảng 350.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 2.200 ha, đến năm 2020 khoảng 4.500 ha.
+ Thị trấn Chơn Thành - tỉnh Bình Dương
Là huyện lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa huyện Thuận An, là trung tâm kinh tế phía Nam của tỉnh Bình Dương, cơ sở phát triển đô thị là công nghiệp chế biến cao su, hoa quả hộp; dân số dự kiến năm 2010 khoảng 40.000 người, đến năm 2020 khoảng 45.000 người; nhu cầu đất xây dựng năm 2010 khoảng 550 ha, đến năm 2020 khoảng 600 ha.
+ Các đô thị khác: gồm 4 đô thị, dự kiến dân số năm 2010 khoảng 167.000 người, đến năm 2020 khoảng 226.000 người.
7. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật
a) Về giao thông:
- Đường Hồ Chí Minh
Đường Hồ Chí Minh kết nối với mạng lưới đường bộ một cách thống nhất, cân đối, đồng bộ, bảo đảm được tính liên hoàn, liên kết giữa các loại hình giao thông, tạo thành hệ thống giao thông thông suốt đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
- Hệ thống giao thông gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh:
+ Đường bộ
Đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống các tuyến đường ngang nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1, với các quốc lộ khác và kết nối với các tuyến đường đối ngoại nằm trong hệ thống đường bộ xuyên á, đường ASEAN và khu vực theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002, nhằm phát huy tối đa hiệu quả phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới.
+ Đường thủy
Đầu tư xây dựng phát triển các cảng biển có điều kiện liên kết thuận lợi với tuyến đường Hồ Chí Minh trên cở sở Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 đã được phê duyệt tại Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Đường sắt
Đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường sắt có quan hệ vận tải với đường Hồ Chí Minh, kết nối thành hệ thống đường sắt liên hoàn đáp ứng nhu cầu vận chuyển quốc gia và quốc tế, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, đã được phê duyệt tại Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các giải pháp tổ chức các khu dân cư dọc tuyến và tổ chức các đầu mối giao cắt đảm bảo an toàn giao thông:
+ Việc phát triển các khu dân cư dọc tuyến phải có biện pháp nghiêm ngặt để bảo đảm các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch và nằm ngoài hành lang an toàn giao thông của toàn tuyến.
+ Tất cả các công trình xây dựng, kể cả nhà dân đều không được tuỳ tiện mở lối rẽ từ đường vào công trình cắt qua rãnh thoát nước, làm tắc rãnh thoát nước dọc tuyến.
+ Hạn chế tối đa các công trình xây dựng trong quy hoạch dọc tuyến mở lối đi ra phía đường.
+ Tổ chức tốt các đầu mối giao thông khi đường Hồ Chí Minh giao cắt với các quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng có lưu lượng xe lớn nhằm đảm bảo tốc độ xe chạy và an toàn giao thông, đó là: tuyến đường cao tốc Láng - Hoà Lạc; các quốc lộ 6, 12B, 15, 47, 48, 7, 8, 12, 9, 49, 14, 24, 40, 19, 25, 26, 27, 28, 13, 22 ....
+ Tổ chức các tuyến tránh qua đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển của các đô thị, bảo đảm khả năng khai thác hiệu quả, an toàn giao thông cho tuyến đường Hồ Chí Minh và sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị.
+ Hạn chế tối đa các tuyến giao thông địa phương giao cắt cùng cốt với đường Hồ Chí Minh.
+ Tổ chức các tuyến đường gom; cầu, hầm chui; cầu, đường vượt và tổ chức các tuyến tách nhập hợp lý đối với các đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua đô thị, các cụm dân cư, các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo an toàn giao thông và khả năng thông xe.
+ Tận dụng các tuyến đường dân sinh song song để tổ chức thành hệ thống đường gom và tổ chức các điểm giao cắt, các tuyến tách nhập hợp lý đối với các đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua vùng dân cư nông thôn có mức độ tập trung cao.
+ Việc trồng cây hai bên tuyến đường phải theo quy hoạch; phương án trồng cây cần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, bảo đảm tĩnh không theo quy định tại TCVN 4054-98.
- Giải pháp tổ chức các điểm dừng:
+ Quy hoạch xây dựng hệ thống các điểm dừng nằm ngoài hành lang bảo vệ của tuyến đường tại các khu vực có cảnh quan đẹp, kết hợp với khai thác tham quan du lịch, dịch vụ công cộng như trạm bán xăng, dầu, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa xe... Có thể tổ chức xây dựng điểm dừng độc lập hoặc kết nối cùng các điểm dân cư.
+ Khoảng cách giữa các điểm dừng từ 80 km đến 150 km.
+ Quy mô diện tích tối thiểu mỗi điểm dừng khoảng 1,0 ha, bề rộng tối đa dọc theo đường khoảng 200 m.
+ Tổ chức hoạt động của các điểm dừng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông.
b) Thoát nước và vệ sinh môi trường:
- Bảo vệ nguồn nước:
+ Phạm vi bảo vệ nguồn nước mặt: phía thượng nguồn từ 200 m đến 500 m, phía hạ nguồn: từ 100 m đến 200 m.
+ Phạm vi bảo vệ nguồn nước ngầm: xung quanh khu vực giếng khoan phải đảm bảo bán kính bảo vệ 25 m.
+ Phạm vi bảo vệ hồ chứa, đập nước: xung quanh khu vực hồ chứa, đập nước phải đảm bảo khoảng cách bảo vệ 300 m trên toàn lưu vực.
Trong phạm vi bảo vệ nêu trên không được xây dựng các công trình gây ô nhiễm, không được xả nước thải.
- Bảo vệ môi trường:
+ Đối với các vùng bảo tồn thiên nhiên, các khu di tích: theo quy hoạch vùng bảo tồn thiên nhiên, khu vực di tích và theo quy định của pháp luật.
+ Đối với các khu vực nằm trong hành lang thoát lũ, sụt lở: cấm phát triển xây dựng tại vùng địa chất không ổn định, vùng nằm trong hành lang thoát lũ và vùng đất bị sụt lở. Các khu dân cư hoặc các khu chức năng khác đã có trong các khu vực này cần được nghiên cứu và có biện pháp di dời trong quá trình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường.
Công tác chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng cần chọn giải pháp san lấp cục bộ, hạn chế tối đa việc phá vỡ địa hình tự nhiên, khắc phục các hiện tượng bồi lắng lòng sông, suối và xói lở, sụt lở.
+ Đối với các vùng cách ly bảo vệ nguồn nước và an toàn lưới điện: cấm phát triển xây dựng trong khu vực cách ly bảo vệ nguồn nước đã được hoạch định theo tiêu chuẩn đã quy định như các khu vực ven sông, hồ là những nguồn cấp nước chủ yếu dọc tuyến đường.
Các khu vực dự kiến phát triển xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh phải nằm ngoài hành lang cách ly của đường điện cao thế 500 KV.
+ Đối với các vùng chịu ảnh hưởng của chất độc hoá học (Dioxin): hạn chế hoặc cấm xây dựng tuỳ theo khu vực và tính chất của các hạng mục đầu tư cụ thể; không phát triển xây dựng mới các khu dân cư, các khu du lịch, dịch vụ, thương mại... Trường hợp cần thiết, phải nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của chất độc hoá học để có biện pháp phòng tránh và khắc phục.
Đối với các đô thị và các khu chức năng khác hiện có trong các vùng ảnh hưởng của chất độc hoá học trên dọc tuyến, việc xử lý chất độc Dioxin cần được nghiên cứu xác định thực trạng ảnh hưởng của chất độc da cam, để có biện pháp phòng tránh, khử độc, khắc phục hậu quả xấu.
8. Ưu tiên đầu tư và xây dựng
a) Lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư và tổ chức thi công xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân tại các khu vực phải di dời.
b) Xây dựng các đầu mối giao thông giao cắt (vượt, chui), đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư thi công khi cần thiết, đảm bảo an toàn giao thông và khả năng thông xe trên toàn tuyến.
c) Trồng cây 2 bên tuyến đường, đồng thời triển khai các dự án có liên quan đến việc bảo vệ và khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn.
d) Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ngang Đông Tây, đặc biệt là trong vùng Tây nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, liên hệ giữa đường Hồ Chí Minh với các vùng kinh tế phát triển ven biển và vùng bên giới phía Tây đất nước.
đ) Đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư hiện có theo quy hoạch và khả năng nguồn vốn.
Điều 2.
1. Giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố: Hà Tây, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương:
- Phê duyệt, tổ chức công bố và thực hiện Quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua tỉnh, thành phố mình, phù hợp với Định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đến năm 2020.
- Ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo Quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Tổ chức lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết các đô thị và khu vực dự kiến phát triển để làm cơ sở quản lý công tác đầu tư xây dựng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường Hồ Chí Minh đi qua chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
- 1Công văn số 2539/VPCP-CN ngày 21/05/2004 của Văn phòng Chính phủ về việc đính chính Quyết định số 27/2004/QĐ-TTg ngày 02/03/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đến năm 2020
- 2Nghị định 91-CP năm 1994 ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị
- 3Quyết định 202/1999/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 06/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 162/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
Quyết định 27/2004/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 27/2004/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/03/2004
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: 23/03/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra