Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2000/QĐ-BNN-TCKT

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH DỰ ÁN BẢO TỒN VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN DO CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC HÀ LAN VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Căn cứ Quyết định số 460/TTg ngày 30/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án Bảo tồn Vườn Quốc gia Cát tiên.
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 38-1998/QĐ-TTg, ngày 16/2/1998 về việc chuyển giao Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước cho Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.
Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT số 3273/QĐ-BNN-TCCB, ngày 3/12/1998 về việc thành lập Ban điều hành dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên.
Căn cứ các văn bản về Dự án Bảo tồn Vườn Quốc gia Cát tiên.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Qui chế quản lý tài chính “Dự án Bảo tồn Vườn Quốc gia Cát tiên” do Chính phủ Vương quốc Hà Lan viện trợ không hoàn lại.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Vụ trưởng Vụ HTQT và các Cục, Vụ, Ban chức năng liên quan, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, Ban quản lý dự án Bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:

- Vườn quốc gia Cát Tiên
- Dự án Bảo tồn VQGCT
- Văn phòng WWF tại Hà Nội
- Đại sứ quán Hà Lan
- Ban quản lý các dự án LN
- Các Vụ: KHQH, HTQT, TCCB
- Các Cục: PTLN, Kiểm Lâm
- Lưu VP, Vụ TCKT

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
THỨ TRƯỞNG



 
Nguyễn Văn Đẳng

QUI CHẾ

 QUẢN LÝ TÀI CHÍNH DỰ ÁN BẢO TỒN VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2000/QĐ/ BNN-TCKT ngày 21/ 3/ 2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Căn cứ để xây dựng và thực hiện qui chế quản lý tài chính dự án:

1.- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 460/TTg, ngày 30/6/1997 về việc phê duyệt Dự án Vườn quốc gia Cát Tiên.

2.- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 38-1998/QĐ-TTg, ngày 16/2/1998 về việc chuyển giao Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước cho Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.

3.- Biên bản thoả thuận giữa Bộ trưởng Bộ hợp tác phát triển Vương Quốc Hà Lan và Quĩ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF (Chương trình Đông Dương) ngày 5/10/1995.

4.- Chế độ quản lý vốn hợp tác tài chính của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF.

5.- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT số 3273/QĐ-BNN-TCCB, ngày 3/12/1998 về việc thành lập Ban điều hành dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên.

6.- Thông tư số 22/1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.

7.- Biên bản ghi nhớ cuộc họp Ban điều hành dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên ngày 29/10/1999 tại WWF Hà Nội.

8.- Tờ trình ngày 15/12/1999 của Cố vấn trưởng và Giám đốc dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên về việc thuyết minh điều chỉnh ngân sách dự án trên cơ sở đề nghị của Phái đoàn đánh giá giữa kỳ.

9.- Các văn bản pháp lý có liên quan khác.

Điều 2. Mục tiêu của dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên là phát triển quần thể động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn rừng mưa nhiệt đới có tính đa dạng sinh học cao của Vườn quốc gia Cát Tiên với tổng diện tích là 73.878 ha thuộc địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước.

Dự án được Quĩ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, Chương trình Đông Dương (WWF) phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT điều hành, quản lý việc thực hiện.

Tổng kinh phí dự án thực hiện trong 5 năm (từ tháng 5/1998 đến hết tháng 4/2003) là 6.937.696 USD. Bao gồm viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Vương Quốc Hà Lan là 6.297.109 USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 640.587 USD.

Giám đốc dự án cùng với kế toán dự án có trách nhiệm quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí của dự án đúng mục tiêu, đúng kế hoạch, có hiệu quả, theo quy định chung như sau:

1.- Nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Vương Quốc Hà Lan được thực hiện chi tiêu ở văn phòng WWF tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, tại tổ chức CARE( cơ quan ký hợp đồng thực hiện dự án ) và tại Văn phòng Ban quản lý dự án Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Ban quản lý dự án Vườn Quốc Gia Cát Tiên chỉ chịu trách nhiệm quản lý sử dụng nguồn kinh phí phát sinh tại Vườn Quốc Gia Cát Tiên.

Nguồn tiền viện trợ của Chính phủ Vương Quốc Hà Lan cho dự án được chuyển vào một tài khoản riêng mang tên dự án và do Quĩ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên quản lý. WWF chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí phát sinh thông qua hợp đồng với CARE, hợp đồng với các chuyên gia nước ngoài, cố vấn trưởng dự án và các chi phí khác theo thoả thuận giữa Chính Phủ Hà Lan và WWF.

Căn cứ vào tiến độ thực hiện kế hoạch và điều kiện thanh toán tại Văn phòng Ban quản lý dự án Vườn Quốc Gia Cát Tiên, WWF sẽ chuyển tiền vào tài khoản của dự án tại Thành Phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Khoản tiền viện trợ không hoàn lại do Ban quản lý dự án Vườn Quốc Gia Cát Tiên trực tiếp quản lý là một nguồn thu ngân sách, quản lý và hạch toán theo Luật Ngân sách Nhà nước và những quy định cụ thể tại Thông tư số 22/1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.

2.- Ngoài nguồn viện trợ của Chính phủ Vương Quốc Hà Lan nói trên, tài chính dự án còn bao gồm phần đóng góp của Chính phủ Việt Nam được thể hiện qua nguồn kinh phí đối ứng do Ngân sách Nhà nước TW cấp phát hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và PTNT để cấp cho Vườn quốc gia Cát Tiên theo tiến độ thực hiện kế hoạch dự án.

Điều 3. Dự án phải thực hiện các chế độ quản lý tài chính hiện hành và chế độ quản lý vốn hợp tác tài chính của Quĩ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) trong khuôn khổ chương trình viện trợ của Chính phủ Vương Quốc Hà Lan.

Giám đốc và kế toán trưởng Vườn quốc gia Cát Tiên có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện nghiêm túc các nội dung cam kết, thoả thuận đã ghi trong hồ sơ dự án và tổ chức thực hiện đúng các quy định cụ thể của qui chế này.

Vụ Tài chính Kế toán Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý tài chính Nhà nước, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác tài chính kế toán dự án theo các quy định hiện hành.

Chương 2:

LẬP DỰ TOÁN, MỞ TÀI KHOẢN, XÁC NHẬN VIỆN TRỢ

Điều 4. Lập dự toán ngân sách dự án:

Dự toán ngân sách dự án bao gồm nguồn kinh phí viện trợ của Chính phủ Hà Lan và nguồn kinh phí đóng góp theo hình thức vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được quy định cụ thể trong hồ sơ dự án.

Việc thay đổi cơ cấu, các khoản mục chi tiết chi dự án chỉ được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Đại sứ quán Hà Lan và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF.

Hàng năm dự án phải lập dự toán thu, chi ngân sách theo đúng nội dung, mẫu biểu quy định và gửi đúng thời hạn cho WWF và Bộ Nông nghiệp và PTNT (Vụ Tài chính Kế toán, Vụ Kế hoạch và Qui hoạch, Vụ Hợp tác Quốc tế).

Dự toán ngân sách dự án hàng năm được lập căn cứ theo kế hoạch hoạt động dự án đã được WWF nhất trí (đối với nguồn viện trợ), Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và khả năng thực tế thực hiện dự án trong năm.

1.- Vốn viện trợ của Chính phủ Vương quốc Hà Lan:

Chính phủ Hà Lan tài trợ 6.297.109 USD trong thời gian 5 năm cho các mục tiêu cụ thể như sau:

Mục 1b - Chi lương nhân viên: Bao gồm lương được chi trả cho trưởng phòng kinh tế xã hội, cán bộ nghiên cứu, cán bộ phổ cập, cán bộ xã, kỹ thuật viên, phiên dịch, điều phối viên tại thành phố Hồ Chí Minh, tạp vụ, giám sát viên của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các khoản phụ cấp và tiền thưởng khác.

Mục 2 - Chi phí trợ cấp kỹ thuật:

Lương và chi phí cho cố vấn trưởng, cố vấn kỹ thuật dự án, giám sát viên WWF và các chuyên gia kỹ thuật khác.

Mục 3 - Trang thiết bị:

Ô tô, xe máy, xuồng.

Máy vi tính, máy photocopy.

Các thiết bị thông tin liên lạc.

Trang thiết bị văn phòng.

Các thiết bị kỹ thuật dùng cho hiện trường.

Mục 4 - Xây dựng cơ sở hạ tầng:

Xây dựng văn phòng dự án.

Trung tâm đón khách tham quan

Trạm gác.

Nhà khách.

Nhà chuyên gia.

Xây dựng và duy tu đường, nâng cấp đường.

Ranh giới, cột mốc, bảng báo, bảng thông tin, tháp quan sát, đập thuỷ lợi, trạm bơm nước và tái trồng rừng.

Mục 5 - Chi phí hoạt động:

Chi phí duy tu bảo dưỡng xe máy, thiết bị.

Sách báo, điện thoại, thư từ.

Vật dụng cho chương trình phổ cập.

Chi phí cho hoạt động dự án phát sinh tại hiện trường.

Chi phí hoạt động dự án tại văn phòng WWF Hà Nội và văn phòng dự án tại thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Hà Lan với WWF.

Mục 6 - Kinh tế xã hội và khảo sát:

Chi phí nghiên cứu vùng ngập nước.

Khảo sát đa dạng sinh học.

Khảo sát hệ canh tác nông nghiệp.

Giáo dục y tế.

Hỗ trợ nông dân.

Hỗ trợ định canh định cư, y tế, giáo dục.

Chương trình phổ cập.

Hỗ trợ ban đầu cho cấp xã.

Mục 7 - Chi phí đào tạo và phổ cập:

Chi đào tạo nhân viên kiểm lâm.

Tham quan học tập, đào tạo.

Phát triển cộng đồng.

Tham quan hộ nông dân.

Hướng dẫn du lịch

Đào tạo trong nước.

Đào tạo quản lý dự án.

Mục 8 - Chi phí giám sát và đánh giá dự án:

Chi phí họp các cơ quan, đơn vị tham gia dự án.

Hội nghị thường kỳ họp ban điều hành, ban quản lý dự án.

Chi phí kiểm tra hiện trường dự án của WWF.

Chi kiểm toán hàng năm và kết thúc dự án.

Chi đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ.

Định mức chi phí áp dụng cho từng khoản mục chi tiết do WWF quyết định. Định mức kinh tế kỹ thuật về đầu tư lâm sinh thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đối với các công trình đầu tư XDCB, dự án phải tuân thủ qui chế đầu tư và qui chế đấu thầu hiện hành của Nhà nước.

2.- Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam:

Trong 5 năm thực hiện dự án, Chính phủ Việt Nam cam kết đóng góp 640.587 USD để chi cho các nội dung sau đây:

Mục 1a - Chi lương cán bộ, nhân viên tham gia dự án: Bao gồm các khoản lương và phụ cấp lương cho cán bộ công nhân viên trong danh sách biên chế được duyệt theo chế độ hiện hành.

Mục 4 - Xây dựng cơ sở hạ tầng: Xây dựng trung tâm đào tạo hiện trường, cải tạo văn phòng chính, cải tạo văn phòng phụ, xây dựng trạm gác.

Mục 5 - Chi phí hoạt động: Chi phí vận hành máy móc thiết bị, ô tô, xe máy, xuồng.

Dự toán ngân sách dự án được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước cùng với kế hoạch ngân sách của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Điều 5. Mở tài khoản dự án và qui trình chuyển tiền:

1.- Mở tài khoản và chuyển ngoại tệ:

a) Ngoại tệ được chuyển từ WWF về tài khoản ngoại tệ của dự án mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh thành phố Hồ chí Minh theo tiến độ hàng tháng. Để nhận được tiền từ WWF phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Phải lập kế hoạch kinh phí hàng quí: Báo cáo thực hiện kinh phí quí trước, đồng thời gửi kế hoạch kinh phí sau.

- Phải báo cáo khối lượng công việc đã thực hiện và có đủ điều kiện thanh toán.

- Tất cả các yêu cầu chuyển tiền từ WWF trong thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn đều phải có chữ ký của cố vấn trưởng dự án.

Các chữ ký được đăng ký tại Ngân hàng ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: Trưởng đại diện WWF, giám đốc dự án Vườn quốc gia Cát Tiên và Cố vấn trưởng. Tài khoản của dự án hoạt động theo nguyên tắc đồng chữ ký.

b) Tại địa phương: Dự án Bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Cát Tiên đăng ký mở một tài khoản tại Ngân hàng ngoại thương tỉnh Đồng Nai để tiếp nhận kinh phí từ Ngân hàng ngoại thương TP. Hồ Chí Minh, trực tiếp thanh toán bằng tiền đồng (VNĐ) cho các chi phí do Vườn quốc gia Cát Tiên đảm nhận trong khuôn khổ nguồn kinh phí viện trợ của dự án.

Các chữ ký được đăng ký tại Ngân hàng ngoại thương tỉnh Đồng Nai bao gồm: Giám đốc và cố vấn trưởng dự án là đồng chủ tài khoản, kế toán trưởng Vườn quốc gia Cát Tiên kiêm kế toán dự án.

Việc rút tiền từ tài khoản tiền gửi ngân hàng về quĩ tiền mặt để chi tiêu thường xuyên cho các hoạt động của dự án được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và của WWF. Những hợp đồng và khoản chi có số tiền lớn không trả bằng tiền mặt, phải thanh toán qua ngân hàng.

2.- Nhận kinh phí đối ứng:

Kinh phí đối ứng của dự án được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp hạn mức vào tài khoản của Vườn quốc gia Cát Tiên tại Kho bạc Nhà nước địa phương và được quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành.

Điều 6. Xác nhận viện trợ:

Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.

Giấy xác nhận tiền, hàng viện trợ được lập theo mẫu số 1 và số 2. Giám đốc dự án là người ký bản kê khai xác nhận viện trợ.

Chương 3:

MUA SẮM TÀI SẢN, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN, QUẢN LÝ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH:

Điều 7. Mua sắm tài sản vật tư:

1.- Mua sắm vật tư, thiết bị cho dự án có giá trị từ 500 USD trở lên (cho 1 đơn vị tài sản hoặc một hợp đồng mua bán) phải thực hiện theo đúng qui trình sau đây:

- Đảm bảo đúng mục tiêu dự án và trong kế hoạch hoạt động hàng năm của dự án đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

- Có giấy báo giá của ít nhất là 3 nhà cung cấp hàng hoá để so sánh, lựa chọn người bán có giá thấp nhất.

- Đơn đặt hàng mua sắm đã được giám đốc dự án và cố vấn trưởng đồng ký duyệt trước khi thực hiện.

- Thực hiện đúng chế độ hợp đồng kinh tế.

- Kế toán thanh toán, nhập xuất kho vật tư, tăng giá trị tài sản cố định theo chế độ hiện hành.

2.- Đối với đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện làm việc có giá trị hoặc tổng giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, Giám đốc dự án cùng Cố vấn trưởng phải thực hiện đấu thầu công khai theo Quyết định số 20-TC/KBNN, ngày 17/1/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 8. Đầu tư xây dựng cơ bản:

Theo kế hoạch ngân sách của dự án, đầu tư xây dựng cơ bản của dự án bao gồm các hạng mục như mục 4 khoản 1 và mục 4 khoản 2 điều 4 chương II đã nêu trên.

Trên cơ sở kế hoạch xây dựng và thiết kế dự toán đã được WWF nhất trí, giám đốc dự án có trách nhiệm thực hiện qui chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, ngày 8/7/1999 của Chính phủ và qui chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP, ngày 1/9/1999 của Chính phủ.

Điều 9. Quản lý tài sản cố định:

Tài sản dự án do mua sắm, xây dựng hoàn thành đủ tiêu chuẩn tài sản cố định phải được tổ chức quản lý, theo dõi, phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời cả về mặt số lượng, giá trị và hiện trạng. Trong suốt quá trình thực hiện, dự án không được điều động, trao đổi, mua bán tài sản cố định.

Tài sản cố định của dự án phải được dán nhãn mác WWF theo đúng cam kết giữa WWF với Chính phủ Hà Lan.

Riêng đối với phương tiện vận tải (ô tô, xe máy, xuồng) ngoài quy định nêu trên, còn phải thực hiện đầy đủ về mua bảo hiểm phương tiện. Việc lựa chọn loại hình, cơ quan bảo hiểm và mua bảo hiểm do Giám đốc dự án cùng Cố vấn trưởng quyết định.

Chương 4:

CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 10. Chế độ kế toán:

Trong quá trình thực hiện dự án, giám đốc cùng kế toán dự án có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán dự án về các hoạt động của dự án cho phần phát sinh tại Vườn quốc gia Cát Tiên theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Pháp lệnh Kế toán Thống kê, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định số 999-TC-QĐ/CĐKT, ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Vườn quốc gia Cát Tiên phải tổ chức kế toán dự án riêng. Toàn bộ chứng từ, hồ sơ, tài liệu kế toán phải được hệ thống hoá, tập hợp phản ánh vào các sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết theo quy định. Những chứng từ, hồ sơ, tài liệu gốc theo thoả thuận do nhà tài trợ lưu giữ thì dự án nhất thiết phải có bản photocopy để theo dõi và dùng làm căn cứ ghi sổ kế toán. Việc giao nhận tài sản, vật tư, kinh phí giữa dự án với bên đối tác nước ngoài đều cần được thực hiện bằng biên bản.

Ngoài việc thực hiện qui chế báo cáo theo yêu cầu của Quĩ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Vườn quốc gia Cát Tiên phải thực hiện chế độ báo cáo tài chính định kỳ, thẩm tra báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định tại quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT, ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, Thông tư số 22/1999/TT/BTC, ngày 26/2/1999 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại và các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Căn cứ nội dung hoạt động của dự án và các quy định cụ thể của chế độ kế toán nói trên, kế toán dự án lựa chọn hệ thống chứng từ phù hợp, hình thức kế toán hợp lý là “Nhật ký – Sổ cái”. Trường hợp thực hiện vào sổ kế toán trên máy vi tính thì hàng tháng phải được in ra giấy, đóng thành quyển và chấp hành đúng các quy định hiện hành về sổ kế toán.

Trong thời gian thực hiện dự án, số dư tiền viện trợ trên tài khoản tiền gửi ngân hàng của dự án tại thời điểm cuối năm ngân sách được chuyển sang năm sau để thực hiện tiếp.

- Trên cơ sở hệ thống sổ kế toán nói trên và những tài liệu kế toán khác có liên quan, kế toán dự án lập báo cáo tài chính định kỳ theo quy định của WWF, của Nhà nước và hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Kèm theo báo cáo tài chính quí I, 6 tháng, 9 tháng và báo cáo năm, dự án phải có các tài liệu sau đây:

- Biên bản kiểm kê quĩ, vật tư.

- Bản đối chiếu tiền gửi ngân hàng, đối chiếu hạn mức kinh phí.

- Bảng chi tiết công nợ.

Riêng đối với báo cáo quyết toán năm kèm thêm Báo cáo kiểm kê tài sản cố định ngày 31 tháng 12 năm báo cáo.

Kế toán dự án phải theo dõi liên tục từ khi bắt đầu thực hiện đến khi kết thúc dự án. Ngoài ra nguồn kinh phí dự án và chi dự án phải được phản ánh vào báo cáo tài chính (quyết toán) chung của Vườn quốc gia Cát Tiên theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp nói trên.

Điều 11. Kiểm toán:

Kiểm toán được thực hiện bằng nguồn kinh phí viện trợ.

Việc kiểm toán được tiến hành thông qua Công ty kiểm toán độc lập do WWF lựa chọn, thực hiện chủ yếu ở Văn phòng dự án, nơi lưu giữ các chứng từ gốc. Tuy nhiên việc kiểm toán cũng có thể được tiến hành ở hiện trường dự án nếu có yêu cầu trực tiếp của nhà tài trợ.

Cố vấn trưởng, giám đốc và kế toán dự án có trách nhiệm liên hệ với công ty kiểm toán xác định thời gian, nội dung kiểm toán và xác nhận báo cáo kiểm toán sau khi kết thúc. Những ý kiến đề nghị, đề xuất của cơ quan kiểm toán cần được thực hiện nghiêm túc trước khi báo cáo tài chính được gửi cho WWF và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Điều 12. Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và bàn giao tài sản.

Hàng năm và khi kết thúc dự án, giám đốc và kế toán dự án có trách nhiệm báo cáo quyết toán thu chi ngân sách các hoạt động dự án phát sinh tại Vườn quốc gia Cát Tiên theo đúng nội dung và mẫu biểu của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và lập các báo cáo tài chính chung của dự án trên cơ sở các số liệu của văn phòng WWF tại Hà Nội

Vụ Tài chính Kế toán của Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì việc thẩm tra quyết toán dự án hàng năm và tổng quyết toán dự án hoàn thành, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ra quyết định phê duyệt quyết toán dự án theo quy định hiện hành.

Sau khi phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp cùng WWF tiến hành ngay việc bàn giao tài sản cho Vườn quốc gia Cát Tiên và các đơn vị quản lý, sử dụng.

Theo cam kết giữa Chính phủ Hà Lan và WWF, trong suốt thời gian dự án hoạt động mọi tài sản của dự án Bảo tồn Vườn Quốc Gia Cát Tiên đều chịu sự quản lý của WWF.

Chương 5:

QUI ĐỊNH THỰC HIỆN

Điều 13. Qui chế này ban hành làm cơ sở cho việc thực hiện dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên và được thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Những hoạt động dự án trước khi ban hành qui chế này không trái với pháp luật hiện hành được thực hiện theo thoả thuận giữa Cố vấn trưởng và Giám đốc dự án theo hướng dẫn cụ thể của Quĩ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp cùng WWF phản ánh để Bộ Nông nghiệp và PTNT và Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế của dự án.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 27/2000/QĐ-BNN-TCKT về Qui chế quản lý tài chính dự án Bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên do Chính phủ Vương Quốc Hà Lan viện trợ không hoàn lại do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 27/2000/QĐ-BNN-TCKT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/03/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản