Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2001/QĐ-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT VÀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN VÀ QUẢN LÝ BẢO VỆ VÙNG ĐỆM

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 08/CT ngày 13/01/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ về việc thành lập và phê duyệt Luận chứng Kinh tế kỹ thuật Vườn quốc gia Cát Tiên;
Căn cứ Quyết định số 117/1999/QĐ/BNN/TCCB ngày 14/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Vườn quốc gia Cát Tiên;
Xét đề nghị của Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên tại tờ trình số 248/VQG ngày 18/10/2000. Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nay phê duyệt và ban hành Quy chế hoạt động của Vườn quốc gia Cát tiên và quản lý bảo vệ vùng đệm kèm theo Quyết định này.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
 VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đẳng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN VÀ QUẢN LÝ BẢO VỆ VÙNG ĐỆM
(Ban hành theo Quyết định số 09/2001/QĐ-BNN-TCCB ngày 13/2/2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

VQG Cát Tiên có tư cách pháp nhân, có con dấu, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Trụ sở của Vườn đặt tại Bến Cự, xã Đaklua, huyện Tân Phú, Đồng Nai

Điện thoại: 061-791228; FAX: 061.791227

Văn phòng đại diện đặt tại TP Hồ Chí Minh và TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Điều 2.- Vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập căn cứ vào Quyết định số 08/CT ngày 13/01/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập và phê duyệt Luận chứng Kinh tế kỹ thuật VQG Cát Tiên; Quyết định số 38/1998/QĐ-TTg ngày 16/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao VQG Cát Tiên thuộc UBND các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 117/1999/QĐ/BNN/TCCB ngày 14/8/1999 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Điều 3.- Vị trí địa lý, phạm vi quản lý của Vườn quốc gia Cát Tiên:

1. Vị trí địa lý:

Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trong địa phận các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên-Bảo Lâm (Lâm Đồng), Bù Đăng (Bình Phước).

Tọa độ địa lý:

- Từ 11020’50’’đến 11050’20 Vĩ độ Bắc

- Từ 10709’5’’ đến 107035’20 Kinh độ Đông

2. Ranh giới:

- Phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Đăc Lăk và huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

- Phía Nam giáp Công ty Lâm nghiệp La Ngà.

- Phía Đông là sông Đồng Nai và các huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; Cát Tiên, Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng.

- Phía Tây là Lâm trường Vĩnh An tỉnh Đồng Nai.

3. Tổng diện tích tự nhiên của VQG Cát Tiên (theo Quyết định số 38/1998/QĐ-TTg ngày 16/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao VQG Cát tiên thuộc UBND các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) : 73.878 ha, bao gồm:

- Khu Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai)                                   :         38.100 ha

- Khu Tây Cát Tiên (tỉnh Bình Phước)                                :            5.143 ha

- Khu Bảo tồn thiên nhiên Cát Lộc ( tỉnh Lâm Đồng):          30.635 ha

4. Phân khu chức năng:

VQG Cát Tiên được chia thành 3 phân khu chức năng

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt  

- Phân khu phục hồi sinh thái     

- Phân khu dịch vụ, hành chính

5. Vùng đệm VQG Cát Tiên: Tổng diện tích 183.479 ha

Điều 4.- Chức năng, nhiệm vụ của VQG Cát Tiên:

1. Chức năng: Vườn Quốc gia Cát Tiên là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên; phát triển và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của Vườn quốc gia; nghiên cứu khoa học kết hợp mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học, học tập và tham  quan du lịch.

2. Nhiệm vụ:

a) Bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng cho vùng Đông Nam Bộ, bảo tồn tính đa dạng về loài và nguồn gen động vật, thực vật rừng, bảo vệ và phát triển các loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ( như Tê Giác, Voi, Bò Ben teng, Ngan cánh trắng, Công, Trĩ, Cá sấu, gỗ Cẩm lai, Gõ đỏ, Căm xe, Giáng hương...);

b) Bảo vệ rừng đầu nguồn phục vụ công trình thuỷ điện Trị An;

c) Tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ bảo tồn của Vườn và tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập, tham quan, du lịch;

d) Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và môi trường được Bộ giao;

e) Thực hiện các chương trình tuyên truyền và giáo dục nhân dân địa phương về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng để bảo vệ Vườn quốc gia;

f) Cùng chính quyền địa phương quy hoạch và tổ chức lại các điểm dân cư phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ quản lý, xây dựng Vườn, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng;

g) Tổ chức quản lý, sử dụng tài sản, vật tư, lao động, kinh phí Nhà nước giao cho Vườn đúng mục đích và có hiệu quả.

Điều 5.- Tổ chức bộ máy của VQG Cát Tiên:

1. Lãnh đạo Vườn: có Giám đốc và một đến hai Phó Giám đốc giúp việc.

2. Bộ máy giúp việc Giám đốc:

- Phòng Tổ chức hành chính

- Phòng Kế hoạch Tài chính

- Phòng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật

3. Các đơn vị trực thuộc:

- Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường

- Hạt Kiểm lâm

- Trạm Y tế

- Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa (Đồng Nai)

Điều 6.- Nguyên tắc quản lý các hoạt động của VQG Cát Tiên:

- Theo Luật bảo vệ và phát triển rừng; Quy chế quản lý rừng đặc dụng ở Việt Nam; các văn bản pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch hoặc dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, CNVC làm chủ thông qua đại diện tổ chức Công đoàn tham gia quản lý, Giám đốc là người quản lý điều hành công việc.

Chương 2:

BAN GIÁM ĐỐC, CÁC PHÒNG CHỨC NĂNG VÀ ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN

Điều 7.- Ban giám đốc Vườn quốc gia Cát tiên:

1. Giám đốc:

 Giám đốc VQG Cát Tiên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện điều hành các hoạt động của đơn vị theo Luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt và một số chương trình, dự án của Vườn.

Giám đốc chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mọi hoạt động của Vườn; đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm.

Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm.

2. Phó Giám đốc:

Phó Giám đốc là người giúp việc cho Giám đốc và được Giám đốc phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác cụ thể. Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về các lĩnh vực được phân công.

Phó Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc.

Điều 8.- Các Phòng chức năng:

Các Phòng có chức năng tham mưu giúp việc cho Giám đốc Vườn thực hiện việc quản lý và điều hành công việc. Nhân sự các Phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các nhân viên.

1. Phòng Tổ chức hành chính:

Phòng Tổ chức hành chính có chức năng tham mưu giúp việc Giám đốc Vườn về công tác tổ chức, cán bộ, lao động tiền lương, hành chính quản trị.

Phòng Tổ chức hành chính có nhiệm vụ chính sau đây:

a) Công tác tổ chức:

- Đề xuất với Giám đốc Vườn xây dựng bộ máy hoạt động, quản lý nhân sự của cơ quan.

- Giúp Giám đốc quản lý và thực hiện công tác tổ chức cán bộ theo phân cấp của Bộ, gồm:

+ Đề xuất công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, đề bạt, bố trí và sử dụng cán bộ sau đào tạo

+ Quản lý chức danh, tiêu chuẩn hoá nghiệp vụ cán bộ

+ Kiểm tra việc sử dụng cán bộ ở các đơn vị trực thuộc

+ Làm thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, đánh giá cán bộ theo định kỳ; đề nghị nâng lương, điều động, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu, mất sức, thôi việc cho cán bộ công chức.

- Hướng dẫn thi tuyển, thi nâng ngạch công chức và tham mưu cho Giám đốc tổ chức thi tuyển công chức, làm thủ tục trình Bộ phê duyệt.

- Đề xuất bố trí nhân sự tại các đơn vị trong Vườn theo biên chế định biên đã được Bộ duyệt.

- Đề xuất cho Giám đốc giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ công chức của Vườn (tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, BHXH, Bảo hiểm y tế...).

- Theo dõi, quản lý tổng hợp hồ sơ nhân sự và các hồ sơ liên quan đến công tác tổ chức.

- Chủ trì và phối hợp với các bộ phận thực hiện công tác tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác tổ chức ( báo cáo quỹ lương, chất lượng và biến động của đội ngũ cán bộ công chức...), báo cáo các hoạt động của Vườn, tham mưu cho Giám đốc các văn bản báo cáo Bộ  và thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc giao.

b) Công tác hành chính, quản trị:

- Thực hiện và quản lý công tác văn thư lưu trữ của cơ quan.

- Chỉ đạo đơn vị cơ sở, các phòng liên quan tổ chức quản lý bảo vệ tài sản, duy trì an ninh trật tự.

- Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn khách đến làm việc theo đúng yêu cầu.

- Lập dự trù mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, văn phòng phẩm; lập kế hoạch sửa chữa các công trình XDCB; quản lý, điều hành, kế hoạch bảo dưỡng phương tiện đi lại.

- Phối hợp với Phòng Kế hoạch Tài chính xúc tiến công tác XDCB, giám sát, kiểm tra tiến độ thi công các công trình.

- Theo dõi, đôn đốc các hoạt động hành chính trong cơ quan.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ và phương hướng nhiệm vụ của đơn vị; báo cáo bình xét thi đua và thành tích chung của Vườn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Vườn giao.

2. Phòng Kế hoạch tài chính:

Phòng kế hoạch tài chính có chức năng tham mưu giúp việc Giám đốc Vườn về công tác kế hoạch, kế toán tài chính.

Phòng Kế hoạch tài chính có nhiệm vụ chính sau đây:

- Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn (tháng, quý, năm) về lĩnh vực kinh tế, tài chính của Vườn trình Bộ duyệt.

- Quản lý các loại quỹ, vốn, vật tư, tài sản công của Vườn, gồm:

+ Thực hiện chế độ tài chính và quy chế đấu thầu, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước.

+ Làm thủ tục hợp đồng thiết kế và trình Bộ duyệt đối với công trình được Bộ ghi kế hoạch.

+ Phối hợp với Phòng Tổ chức hành chính kiểm tra, giám sát thi công các công trình XDCB.

+ Theo dõi nguồn vốn đầu tư, thanh quyết toán khối lượng XDCB hoàn thành theo quy định.

+ Tổng hợp hồ sơ thanh toán, lập các báo cáo tài chính để quyết toán với cơ quan quản lý cấp trên theo quy định. Cung cấp thông tin và tài liệu cần thiết phục vụ cho việc lập dự toán, xây dựng định mức chi tiêu, thanh tra, kiểm tra, và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí trong đơn vị.

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Vườn giao.

3. Phòng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật:

Phòng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật có chức năng tham mưu giúp việc Giám đốc Vườn về công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật.

Phòng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật có nhiệm vụ chính sau đây:

a) Công tác nghiên cứu khoa học:

- Tham mưu giúp Giám đốc quản lý và tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực được giao

- Lập chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản; theo dõi tình hình diễn biến, diễn thế rừng, tài nguyên động thực vật trong Vườn. Xây dựng và quản lý dữ liệu khoa học của Vườn.

- Thu thập thông tin khoa học, các tiêu bản (động thực vật, côn trùng) để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tham quan học tập.

- Phối hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các Trường Đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước... để nghiên cứu và ứng dụng kết quả vào thực tế của Vườn.

- Tổ chức hướng dẫn đối tượng nghiên cứu khoa học và thực tập tại Vườn.

- Tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển tài nguyên rừng cho cán bộ công chức của Vườn và các bộ chủ chốt các xã vùng đệm.

b) Công tác kỹ thuật:

- Thiết kế công trình khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng, trồng và chăm sóc rừng

 - Lập kế hoạch xây dựng cơ bản lâm sinh và tổ chức thực hiện hạng mục lâm sinh được duyệt hàng năm

- Xây dựng vườn thực vật, vườn ươm, tạo cây con bản địa phục vụ trồng rừng ở phân khu phục hồi sinh thái và vùng đệm.

- Phối hợp với Hạt kiểm lâm thực hiện công tác phòng chống cháy rùng và phòng trừ sâu, bệnh hại rừng hàng năm.

- Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án dân sinh kinh tế vùng đệm

- Phối hợp với Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường biên soạn tài liệu, tuyên truyền giáo dục cộng đồng, du khách.

Điều 9.- Đơn vị trực thuộc:

1. Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (gọi tắt là Trung tâm):

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu từ nguồn du lịch sinh thái. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

a) Tổ chức bộ máy của Trung tâm:

Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và một phó Giám đốc.

- Giám đốc Trung tâm: chịu trách nhiệm trước Giám đốc Vườn trong lãnh đạo và quản lý toàn bộ hoạt động của Trung tâm.

- Phó Giám đốc Trung tâm: giúp việc Giám đốc Trung tâm, được Giám đốc Trung tâm phân công phụ trách từng lĩnh vực công tác.

- Các cán bộ, nhân viên giúp việc.

b) Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm:

- Tham mưu cho Giám đốc Vườn về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch ở Vườn, đặc biệt là du lịch sinh thái.

- Tổ chức các hoạt động dịch vụ đón tiếp khách, tiếp thị du lịch. Kết hợp hoạt động du lịch với tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái.

- Phối hợp với Phòng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật biên soạn tài liệu giáo dục môi trường, tài nguyên thiên nhiên của Vườn.

- Tổ chức phổ cập tài liệu liên quan đến giáo dục môi trường cho giáo viên và học sinh vùng đệm.

- Hướng dẫn khách du lịch và thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Vườn quốc gia giao.

2. Hạt Kiểm lâm:

a) Chức năng, nhiệm vụ:

Hạt Kiểm lâm là đơn vị trực thuộc VQG Cát tiên, có chức năng thừa hành pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng.

Hạt Kiểm lâm có tư csch pháp nhân, có con dấu riwng để thục hiện công vụ theo quy định củapháp luật.

Hạt kiểm lâm do Giám đốc Vườn quốc gia quản lý đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm.

Hạt Kiểm lâm có nhiệm vụ chính sau đây:

- Lập chương tình, phương án, biện pháp về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của Vườn và tổ chức thực hiện chương tình, phương án, biện pháp đã được duyệt.

- Trực tiếp chỉ đạo các Trạm kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm cơ động thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, các hoạt động tuần tra, kiểm tra.

- Trực tiếp xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, quy chế bảo vệ rừng đặc dụng trong phạm vi Vườn .

- Tổ chức công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân trên địa bàn của Vườn và vùng đệm về Luật bảo vệ và phát triển rừng, nội quy bảo vệ Vườn và những văn bản pháp lý về bảo vệ rừng đặc dụng. Đóng bảng mốc ranh giới Vườn và niêm yết bảo vệ rừng.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho lực lượng kiểm lâm của Vườn.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng.

- Tổng hợp tình hình quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi Vườn để báo cáo Giám đốc và các cơ quan cấp trên theo quy định hiện hành.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Vườn giao.

b) Tổ chức bộ máy:

Hạt Kiểm lâm có Hạt trưởng và từ một đến ba Phó Hạt trưởng; có 21 Trạm Kiểm lâm và 02 Đội cơ động.

Mỗi trạm Kiểm lâm có một Trạm trưởng

Mỗi Đội cơ động có một đội trưởng

- Các Trạm kiểm lâm gồm có:

Trạm Kiểm lâm Tà Lài

Trạm Kiểm lâm Núi tượng

Trạm Kiểm lâm Bến Cự

Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu

Trạm Kiểm lâm Đaklua

Trạm Kiểm lâm C10

Trạm Kiểm lâm Đabongkua

Trạm Kiểm lâm Tiên Hoàng

Trạm Kiểm lâm Bù Sa

Trạm Kiểm lâm Phước Sơn

Trạm Kiểm lâm Bến Cầu

12   Trạm Kiểm lâm Sa Mách

13   Trạm Kiểm lâm Suối Ràng

14   Trạm Kiểm lâm Đà Kộ

15   Trạm Kiểm lâm Đà Mi

16   Trạm Kiểm lâm Đà Lắc

17   Trạm Kiểm lâm Đồi Đất Đỏ

18   Trạm Kiểm lâm Đăng Hà

19   Trạm Kiểm lâm Quốc Oai

20   Trạm Kiểm lâm  Lộc Bắc

21   Trạm Kiểm lâm Gia Viễn

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Trạm Kiểm lâm, các Đội cơ động và mối quan hệ công tác do Giám đốc Vườn quy định.

3. Văn phòng đại diện:

Là đầu mối giao dịch của VQG Cát Tiên. Văn phòng đại diện có trách nhiệm:

- Báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời (qua điện thoại, FAX... hoặc bằng văn bản) những nội dung đã giao dịch để Giám đốc Vườn xử lý.

- Tiếp cận và thu thập thông tin trong và ngoài nước về các vấn đề có liên quan đến Vườn và báo cáo Giám đốc Vườn.

- Giới thiệu và tuyên truyền về Vườn quốc gia Cát Tiên.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Vườn giao.

4. Trạm Y tế:

Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu gồm:

- Lập kế hoạch, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc ăn, ở, giữ gìn vệ sinh và phòng chống bệnh tật của các đơn vị tập thể, cá nhân trong Vườn

- Theo dõi chăm sóc bảo vệ sức khoẻ và chế độ bảo hiểm y tế cho cán bộ, công chức của Vườn

- Tiến hành các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu, khám chữa trị bệnh cho cán bộ công chức và khách đến Vườn trong khả năng trình độ cho phép và luật pháp quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Vườn giao.

Chương 3:

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN VỚI CƠ QUAN NHÀ NUỚC  VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 10.- Mối quan hệ với Bộ Nông nghiệp và PTNT:

1/ Bộ chi phối VQG Cát Tiên trên các lĩnh vực:

- Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Vườn.

- Phê chuẩn quy chế hoạt động, các nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế của Vườn.

- Quản lý cán bộ theo quy định hiện hành của Bộ với các đơn vị trực thuộc.

- Đầu tư kinh phí cho các hoạt động XDCB, quản lý bảo vệ rừng, nghiên cúu khoa học, chi trả lương và các chế độ cho CNNV.

- Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, tổ chức triển khai các dự án trong và ngoài nước trên phạm vi Vườn.

- Phối hợp với UBND các tỉnh và các Bộ, Ngành liên quan trong triển khai thực hiện các dự án di dời dân đang sống trong phạm vi VQG Cát Tiên, tổ chức lại sản xuất để đảm bảo đời sống cho số dân cư này.

- Thanh tra, kiểm tra mọi hoạt động của VQG Cát Tiên.

2/ Các Cục, Vụ thuộc cơ quan Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ của mình giúp Bộ quản lý và chỉ đạo VQG Cát Tiên thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Điều 11.- Mối quan hệ với chính quyền địa phương:

1/ Đối với UBND các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước: UBND các cấp với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ, VQG Cát Tiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của UBND các cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Vườn có trách nhiệm thực hiện các Nghị quyết của Đảng bộ, các quyết định khác của địa phương có liên quan đến Vườn.

2/ Đối với UBND các huyện, xã:

- VQG Cát Tiên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức xây dựng hệ thống quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn của từng địa phương và tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia tích cực vào quản lý bảo vệ Vườn.

- Phối hợp để thực thực hiện các chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng ở VQG Cát Tiên và vùng đệm.

3/ Đối với các tổ chức khác trên địa bàn (Sở NN&PTNT, Chi cục kiểm lâm...) theo chức năng, nhiệm vụ cần phối hợp với VQG Cát Tiên thực hiện nhiệm vụ được giao, giúp UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp với VQG Cát Tiên và vùng đệm.

Điều 12.- Mối quan hệ khác:

-  VQG Cát Tiên có liên quan đến các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên khác trong toàn quốc về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Quan hệ giữa các Phòng chức năng, giữa các đơn vị trực thuộc là quan hệ phối hợp công tác, giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ chung.

Chương 4:

CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, BÁO CÁO

Điều 13.- Chế độ hội họp:

1/ Ban Giám đốc Vườn mỗi tuần hội ý một lần vào ngày đầu tuần để kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, lập chương trình công tác trong kỳ tới.

2/ Ban Giám đốc Vườn và lãnh đạo các Phòng, Trung tâm, Hạt và Trạm kiểm lâm, đại diện các đoàn thể họp mỗi tháng một lần để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị và của từng bộ phận; triển khai kế hoạch tháng tiếp theo. Khi cần thiết Giám đốc Vườn có thể tổ chức họp đột xuất với các thành viên trên đây.

3/ Hội nghị (đại hội) công nhân viên chức (toàn thể hoặc đại biểu) mở một kỳ trong năm. Nội dung hội nghị nhằm đánh giá, công bố kết quả hoạt động hàng năm, rút ra ưu khuyết điểm đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho năm sau.

Hội nghị tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, với tinh thần phê và tự phê bình trên cơ sở xây dựng và kiến nghị những giải pháp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của đơn vị. Thời gian hội nghị từ 1 ngày đến 1,5 ngày.

Điều 14.- Chế độ báo cáo:

Ban Giám đốc báo cáo hàng quý và cả năm về Bộ và UBND các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước theo quy định hiện hành.

Các Phòng chức năng và đơn vị trực thuộc Vườn phải thực hiện chế độ thống kê, báo cáo bằng văn bản công tác hàng tháng và các báo cáo tổng kết quý, 6 tháng, cả năm của bộ phận lên Ban Giám đốc Vườn.

Chương 5:

QUẢN LÝ BẢO VỆ VÙNG ĐỆM

Điều 15.- Phạm vi ranh giới, diện tích vùng đệm:

Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất hoặc vùng đất có mạt nước sát ranh giới với Vườn quốc gia và Khu bản tồn thiên nhiên.

- Vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên gồm toàn bộ những vùng nằm sát ranh giới của Vườn.

- Ranh giới giữa VQG Cát Tiên và vùng đệm được xác định rõ trên bản đồ và ngoài thực địa, được cắm cột mốc và bảng báo hiệu cho cả ranh giới tiếp giáp VQG Cát Tiên và ranh giới giới hạn vùng đệm.

- Cơ sở xác định ranh giới, diện tích vùng đệm:

+ Đối với khu vực có rừng tự nhiên là khoảng cách hành lang bao quanh VQG Cát Tiên với bề rộng (giữa ranh giới VQG Cát Tiên và ranh giới giới hạn vùng đệm) được tính 1 km.

+ Đối với vùng đệm thuộc cộng đồng dân cư hiện đang sinh sống được tính theo đơn vị hành chính do UBND Xã quản lý.

- Tổng diện tích vùng đệm khoảng 183.479 ha, trong đó:

+ Loại vùng đệm có rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân : 64.875 ha

+ Loại vùng đệm thuộc khu vực có dân cư hiện đang sinh sống do UBND xã quản lý: 118.604 ha, bao gồm 31 xã và 02 thị trấn: Xã Đắc Lua, Tà Lài, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú Lập, Phú An (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai); xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai); xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), xã Đăng Hà, Đồng Nai, Thống Nhất, Đoàn kết (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước); xã Đắc Sin, Đạo nghĩa (huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Lắk); xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng); xã Hương Lâm, Quốc Oai, An Nhơn, Đạ Kho, Đạ Lây, Thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm đồng); xã Phước Cát I, Phước Cát II, Gia Viễn, Nam Ninh, Mỹ Lâm, Tư Nghĩa, Phù Mỹ, Đức Phổ, Tiên Hoàng, Quảng Ngãi, Thị trấn Đồng Nai (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).

Điều 16.- Chức năng của vùng đệm:

- Góp phần bảo tồn bền vững cho VQG Cát Tiên

- Nâng cáo các giá trị bảo tồn của chính bản thân vùng đệm

- Tạo thêm khả năng giao lưu và mở rộng các hệ sinh thái để các quần thể động, thực vật phát triển.

- Tạo điều kiện và mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm thông qua việc bảo tồn VQG Cát Tiên.

- Cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường tại vùng đệm, giảm thiểu những tác động có hại làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên trong VQG Cát Tiên.

Điều 17.- Trách nhiệm quản lý và bảo vệ vùng đệm:

1/ Nguyên tắc chung:

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, trách nhiệm quản lý và bảo vệ vùng đệm của các cơ quan nhà nước liên quan, UBND các cấp, các tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành được xác định trên cơ sở Luật bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nuớc của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng đặc dụng, và các văn bản pháp luật của Nhà nước. 

2/ Trách nhiệm quản lý và bảo vệ vùng đệm:

a) Đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là chủ rừng được Nhà nước giao rừng và đất lâm nghiệp trong khu vực có rừng tự nhiên nằm trong vùng đệm của VQG Cát Tiên có trách nhiệm:

- Khi tiến hành quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ, phát triển,  sử dụng rừng và đất lâm nghiệp cần chủ động trao đổi với VQG Cát Tiên để có ý kiến thống nhất trước khi trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Trước khi triển khai kế hoạch đã được duyệt, chủ rừng phải thông báo cho VQG Cát Tiên để tiện cho việc phối hợp, kiểm tra giám sát.

- Mọi hoạt động trong vùng đệm phải tuân thủ theo quy chế quản lý rừng đặc dụng, phải nhằm và tính đến việc hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng của VQG Cát Tiên. Một số hoạt động không được phép thực hiện trong vùng đệm gồm:

+ Săn bắt, gài bẫy, đánh bắt các loài động vật hoang dã

+ Khái thác các loại lâm sản

+ Phát rừng làm nương rẫy, trang trại

+ Xây dựng các công trình kiến trúc, đường sá

+ Gây ra tiếng động ồn ào và làm ô nhiễm môi trường.

b) Đối với vùng đệm thuộc khu vực có dân cư sinh sống:

b.1: Trách nhiệm:

- UBND các xã vùng đệm có trách nhiệm phối hợp với VQG Cát Tiên làm tốt công tác bảo vệ rừng: ngăn chặn các đối tượng từ bên ngoài xâm nhập vào VQG Cát Tiên khai thác lâm sản, săn bắt động vật...; tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng đệm tích cực tham gia bảo vệ rừng

- Mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không được ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ VQG Cát Tiên.

- UBND các cấp trong vùng đệm không giải quyết nhập hộ khẩu người dân từ nơi khác đến vùng đệm sinh sống và nghiêm cấm các hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trong vùng đệm.

b.2 Quyền lợi của cộng đồng trong vùng đệm:

Nhà nước tạo điều kiện để cộng đồng người dân sống trong vùng đệm được hưởng những lợi ích từ việc bảo vệ Vườn và vùng đệm mang lại, gồm:

- Các dự án đầu tư, chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế xã hội ở vùng đệm

- Cùng VQG Cát Tiên, cộng đồng người dân trong vùng đệm được tham gia các hoạt động phổ cập và phối hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch để tăng thu nhập.

- Ưu tiên tuyển dụng con em ở địa phương vùng đệm vào công tác ở VQG Cát Tiên.

c) Trách nhiệm của VQG Cát Tiên:

- Theo dõi, kiểm tra các hoạt động trong vùng đệm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Khi phát hiện các vi phạm thì lập biện bản và yêu cầu đình chỉ các hoạt động vi phạm đó hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh hồ sơ (đối với những trường hợp vượt thẩm quyền) để báo cáo và gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong vùng đệm xây dựng phương án quản lý bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định; tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến vùng đệm và lợi ích do bảo vệ Vườn quốc gia mang lại.

- Tham gia, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc xây dựng phát triển kinh tế để ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị vùng ven hàng năm nhằm gắn kết công tác bảo vệ rừng giữa chính quyền địa phương và VQG Cát Tiên.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18.- Quy chế này có hiệu thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành Quyết định. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 19.- VQG Cát tiên, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện đúng các quy định tại quy chế này. Nếu có thành tích sẽ được khen thuởng. Nếu vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên có trách nhiệm phổ biến quy chế đến toàn thể các bộ công chức trong Vườn biết và thực hiện.

Điều 20.- Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa hợp lý, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên có văn bản đề nghị, Bộ sẽ nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung cho phù hợp với cơ chế chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2001/QĐ-BNN-TCCB phê duyệt và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Vườn quốc gia Cát tiên và quản lý bảo vệ vùng đệm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 09/2001/QĐ-BNN-TCCB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/02/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản