Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2629/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ÁP DỤNG MÃ VẠCH TRONG QUY TRÌNH GIÁM SÁT HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/06/2001; Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/06/2005 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hải quan;

Căn cứ Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;

Căn cứ Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011 -2015”;

Căn cứ Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;

Căn cứ Quyết định 988/QĐ-TCHQ ngày 28/03/2014 của Tổng cục Hải quan ban hành quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê hải quan, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án áp dụng mã vạch trong quy trình giám sát hải quan (Đề án) đính kèm Quyết định, với các nội dung sau:

1. Mục tiêu của Đề án:

- Đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ của công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container tại khu vực cảng biển;

- Giảm thời gian xử lý, đảm bảo chính xác, giảm áp lực công việc cho cán bộ hải quan khi thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại khu vực cảng biển;

- Hỗ trợ cán bộ tại các khâu kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, rà soát hồ sơ trong việc nhập liệu thông tin về số tờ khai để tìm kiếm tờ khai, các chứng từ liên quan trên hệ thống phục vụ công tác nghiệp vụ;

- Ghi nhận thời gian hàng hóa thực nhập, thực xuất khẩu, thực tế kiểm tra;

- Góp phần thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính.

2. Phạm vi triển khai: Thực hiện Đề án trong ngành Hải quan;

3. Thời gian thực hiện Đề án: 2014 -2015;

4. Các nội dung chính trong Đề án:

- Nâng cấp hệ thống Thông quan điện tử phiên bản 5 (với nội dung bổ sung chức năng cấp phát, sử dụng, quản lý mã vạch, báo cáo thống kê) và triển khai hệ thống tại Tổng cục Hải quan;

- Đầu tư mua sắm máy đọc máy vạch;

- Triển khai hệ thống cho Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố.

Điều 2. Kinh phí thực hiện Đề án: sử dụng ngân sách Nhà nước.

Điều 3. Trách nhiệm của các đơn vị:

1. Cục CNTT & Thống kê Hải quan: Nâng cấp hệ thống Thông quan điện tử phiên bản 5 và triển khai hệ thống sau khi nâng cấp; Mua sắm thiết bị máy đọc mã vạch trong đợt triển khai thí điểm tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

2. Cục Giám sát quản lý về Hải quan: Ban hành quy trình áp dụng mã vạch trong công tác giám sát hải quan.

3. Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố:

- Chịu trách nhiệm vận hành hệ thống Thông quan điện tử phiên bản 5 sau khi nâng cấp;

- Mua sắm thiết bị máy đọc mã vạch trong đợt triển khai mở rộng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

4. Các đơn vị Vụ, Cục trực thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan: Phối hợp trong quá trình nâng cấp, triển khai, vận hành hệ thống.

5. Vụ Tài vụ - Quản trị có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện cho Đề án.

Điều 4. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Quản trị, Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như điều 4;
- Lãnh đạo Tổng cục;
- Lưu: VT, CNTT (5b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Bình

 

ĐỀ ÁN

ÁP DỤNG MÃ VẠCH TRONG QUY TRÌNH GIÁM SÁT HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2629/QĐ-TCHQ ngày 09/09/2014)

 

MỤC LỤC

CHƯƠNG 1 - TỔNG QUAN

I. CĂN CỨ THỰC HIỆN

II. MỤC TIÊU, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

2. Phạm vi

CHƯƠNG 2 - HIỆN TRẠNG

III. QUY ĐỊNH NGHIỆP VỤ

IV. TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CNTT VÀ VƯỚNG MẮC

CHƯƠNG 3 - GIẢI PHÁP

CHƯƠNG 4 - NỘI DUNG CÔNG VIỆC

V. NÂNG CẤP HỆ THỐNG

1. Yêu cầu phục vụ xây dựng hệ thống

2. Yêu cầu chức năng hệ thống CNTT:

3. Kiến trúc hệ thống yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh:

4. Yêu cầu nền tảng kỹ thuật công nghệ

VI. ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ PHẦN CỨNG

CHƯƠNG 5 - KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

VII. TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM TẠI 01 CỤC HẢI QUAN

1. Đơn vị triển khai thí điểm:

2. Thời gian triển khai:

VIII. TRIỂN KHAI DIỆN RỘNG

CHƯƠNG 6 - KINH PHÍ ĐẦU TƯ

IX. YÊU CẦU KINH PHÍ ĐẦU TƯ

1. Nguồn kinh phí:

2. Phương thức triển khai:

 

Chương 1

TỔNG QUAN

I. CĂN CỨ THỰC HIỆN

Việc ứng dụng mã vạch trong công tác giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu, cảng biển áp dụng hệ thống Thông quan tự động VNACCS/VCIS (gọi tắt là việc ứng dụng mã vạch) được thực hiện dựa trên các căn cứ pháp lý sau:

- Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/06/2001; Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/06/2005 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hải quan;

- Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;

- Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020;

- Quyết định số 1514/QĐ-BTC ngày 22/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015”

- Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

- Quyết định 988/QĐ-TCHQ ngày 28/03/2014 của Tổng cục Hải quan ban hành quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

II. MỤC TIÊU, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

Việc ứng dụng mã vạch được thực hiện với các mục tiêu tổng quát sau:

- Đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ của công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container tại khu vực cảng biển;

- Giảm thời gian xử lý, đảm bảo chính xác, giảm áp lực công việc cho cán bộ hải quan khi thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại khu vực cảng biển;

- Hỗ trợ cán bộ tại các khâu kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, rà soát hồ sơ trong việc nhập liệu thông tin về số tờ khai để tìm kiếm tờ khai, các chứng từ liên quan trên hệ thống phục vụ công tác nghiệp vụ;

- Ghi nhận thời gian hàng hóa thực nhập, thực xuất khẩu, thực tế kiểm tra;

- Góp phần thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính.

2. Phạm vi

Phạm vi thực hiện bao gồm:

- Xây dựng chuẩn kết nối giữa hệ thống Thông quan điện tử phía Hải quan và hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử phía doanh nghiệp cho phép trao đổi thông tin về mã vạch có sử dụng chữ ký số, in mã vạch trên các chứng từ liên quan;

- Nâng cấp hệ thống Thông quan điện tử phiên bản 5 (với nội dung bổ sung chức năng cấp phát, sử dụng, quản lý mã vạch, báo cáo thống kê) và triển khai hệ thống tại Tổng cục Hải quan;

- Hỗ trợ doanh nghiệp tin học nâng cấp phần mềm khai hải quan phía doanh nghiệp XNK với nội dung bổ sung các chức năng liên quan đến mã vạch có xác thực bằng chữ ký số;

- Tập huấn, hỗ trợ cho cán bộ hải quan (thực hiện công tác giám sát) tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp XNK trên toàn quốc sử dụng hệ thống.

Chương 2

HIỆN TRẠNG

III. QUY ĐỊNH NGHIỆP VỤ

Quy định đối với nghiệp vụ giám sát hiện đang thực hiện như sau:

Doanh nghiệp thực hiện khai hải quan vào hệ thống VNACCS/VCIS (tờ khai hải quan và danh sách container. Riêng danh sách container doanh nghiệp khai thêm một bản vào hệ thống E-customs);

Hệ thống VNACCS/VCIS sau khi phân luồng tờ khai sẽ chuyển thông tin sang hệ thống E-customs;

Doanh nghiệp in tờ khai, danh sách container và trình với cán bộ hải quan khu vực giám sát cùng với các chứng từ khác;

Cán bộ Hải quan tại khu vực giám sát sẽ tra cứu thông tin tờ khai, thông tin danh sách container và xác nhận thông tin qua khu vực giám sát trên hệ thống E- customs;

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu đưa vào khu vực cảng

Hàng hóa xuất khẩu đưa vào khu vực cảng gồm hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan và hàng hóa đưa vào để làm thủ tục hải quan. Về nguyên tắc, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển chỉ xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan trên Hệ thống sau khi hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan và được đưa vào khu vực giám sát hải quan.

Tại cổng cảng không thực hiện giám sát trực tiếp của công chức Hải quan. Trường hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển đã được trang bị hệ thống giám sát bằng camera thì thực hiện giám sát theo hướng dẫn tại Quyết định số 1570/QĐ-TCHQ ngày 17/5/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định về việc giám sát hải quan bằng hệ thống camera tại khu vực cửa khẩu cảng biển.

1.1. Hàng hóa đưa vào tập kết trong khu vực cảng

Hàng hóa xuất khẩu được đưa vào tập kết trong khu vực cảng sẽ qua các bước cơ bản sau:

a) Bước 1: Hàng xuất khẩu được đưa qua cổng không có giám sát hải quan;

b) Bước 2: Hàng xuất khẩu được tập kết tại một khu vực xác định trong cảng. Người khai hải quan được Cảng vụ giao phiếu hạ bãi;

c) Bước 3: Người khai Hải quan xuất trình hồ sơ cho cán bộ giám sát gồm:

- Tờ khai hải quan;

- Phiếu giao nhận container/Phiếu giao nhận hàng hóa/Phiếu hạ bãi (sau đây gọi tắt là Phiếu);

- Danh sách container hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của người khai hải quan trong trường hợp tại thời điểm khai báo người khai không có số container hoặc không khai báo bổ sung được số container trên hệ thống; hoặc trường hợp thay đổi số container đã khai báo trên tờ khai hải quan.

d) Bước 4: Cán bộ Hải quan thực hiện tra cứu, kiểm tra đối chiếu thông tin hồ sơ với thông tin trên hệ thống giám sát. Nếu phù hợp:

- Cập nhật và xác nhận số hiệu container qua khu vực giám sát hải quan (hàng hóa vận chuyển bằng container) hoặc số hiệu kiện hàng (nếu có), lượng hàng thuộc tờ khai hải quan qua khu vực giám sát hải quan và xác nhận trên Hệ thống e-customs (tại tiêu chí số container);

- Ký tên, đóng dấu công chức; ghi ngày, tháng, năm và đóng dấu xác nhận “Hàng đã qua khu vực giám sát hải quan” vào trang đầu tiên tờ khai, trả ngay tờ khai hải quan và Phiếu cho người khai hải quan, lưu Danh sách container hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của người khai hải quan (nếu có).

e) Bước 5, 6: Xếp hàng lên phương tiện vận tải và vận chuyển ra nước ngoài.

1.2. Hàng hóa tập kết ngoài khu vực cảng

Hàng hóa sẽ được tập kết ở khu vực ngoài cảng sau đó được đưa thẳng lên phương tiện vận chuyển. Các bước qui trình giám sát đối với loại này gồm:

a) Bước 1: Hàng hóa được người khai hải quan tập kết ở khu vực ngoài cảng. Hãng vận chuyển tiếp nhận hàng hóa và tờ khai hải quan;

b) Bước 2: Cán bộ của hãng vận chuyển xuất trình hồ sơ cho cán bộ hải quan giám sát. Hồ sơ xuất trình gồm:

- Tờ khai hải quan;

- Chứng từ giao nhận hàng hóa giữa doanh nghiệp kinh doanh kho bãi ngoài khu vực cảng với người khai về việc tiếp nhận lô hàng hạ bãi ngoài khu vực cảng, trong đó gồm các thông tin số, ngày, tháng, năm tờ khai hải quan; số lượng container; số hiệu container…;

- Danh sách container hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của người khai hải quan trong trường hợp tại thời điểm khai báo người khai không có số container hoặc không khai báo bổ sung được số container trên hệ thống; hoặc trường hợp thay đổi số container đã khai báo trên tờ khai hải quan.

c) Bước 3: Cán bộ giám sát thực hiện tra cứu, đối chiếu thông tin hồ sơ với thông tin trên hệ thống giám sát. Xác nhận thông tin qua khu vực giám sát nếu thông tin phù hợp;

d) Bước 4: Hãng vận chuyển đưa hàng hóa qua cổng cảng thẳng đến phương tiện vận chuyển.

e) Bước 5, 6: Xếp hàng lên phương tiện vận tải và vận chuyển ra nước ngoài.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu đưa vào, đưa ra khu vực cảng

Hàng hóa nhập khẩu đưa vào khu vực cảng bao gồm hàng hóa đưa vào cảng để làm thủ tục nhập khẩu, hoặc để làm thủ tục vận chuyển chịu sự giám sát hải quan;

Hàng hóa đưa ra khu vực cảng là hàng hóa có xác nhận của Chi cục Hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan, được giải phóng hàng, được đưa về bảo quản, đưa về địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu, vận chuyển chịu sự giám sát hải quan. Hàng hóa đưa ra khu vực cảng bằng đường bộ qua cổng cảng, hoặc đường sắt, hoặc đường thủy (tàu, xà lan...);

Quy trình giám sát đối với hàng hóa nhập khẩu đưa vào, đưa ra khu vực cảng được thực hiện như sau:

a) Bước 1, 2: Giám sát hàng hóa:

- Việc xếp dỡ hàng hóa nhập khẩu, Hải quan chỉ thực hiện giám sát trực tiếp của công chức đối với tàu trọng điểm, hàng hóa xếp/dỡ từ tàu trọng điểm;

- Hàng hóa tập kết vào kho, bãi cảng thì thực hiện giám sát bằng camera (nếu có);

- Hàng hóa đưa ra khỏi cảng có giám sát trực tiếp của công chức hải quan tại cổng cảng, hoặc kết hợp với bảo vệ cổng cảng theo Quy chế phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, và/hoặc có thể kết hợp giám sát đồng thời bằng camera đối với nơi đã được trang bị.

c) Bước 3: Doanh nghiệp xuất trình hồ sơ cho cán bộ hải quan giám sát. Hồ sơ xuất trình gồm:

- Tờ khai hải quan;

- Chứng từ giao nhận hàng hóa giữa người vận chuyển và người khai hải quan, trong đó gồm các thông tin số, ngày, tháng, năm tờ khai hải quan; số lượng container; số hiệu container…;

- Danh sách container hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của người khai hải quan trong trường hợp tại thời điểm khai báo người khai không có số container hoặc không khai báo bổ sung được số container trên hệ thống; hoặc trường hợp thay đổi số container đã khai báo trên tờ khai hải quan.

d) Bước 4: Cán bộ giám sát thực hiện tra cứu, đối chiếu thông tin hồ sơ với thông tin trên hệ thống giám sát. Xác nhận thông tin về tờ khai, danh sách container đủ điều kiện qua cổng cảng.

e) Bước 5: Tại cổng cảng, doanh nghiệp xuất trình hồ sơ trước khi đưa hàng ra khỏi khu vực cảng. Cán bộ giám sát cổng cảng thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu số hiệu container thực tế đi ra khỏi cảng với số hiệu container đủ điều kiện đi ra khỏi cảng trên hệ thống. Nếu thông tin phù hợp xác nhận ngày giờ hàng hóa, container thực tế đi qua cổng cảng.

IV. HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CNTT VÀ VƯỚNG MẮC

1. Hiện trạng ứng dụng CNTT:

1.1. Đánh giá chung:

- Với quy trình giám sát hải quan tại khu vực cửa khẩu, cảng biển như trên có thể thấy khối lượng công việc của cán bộ Hải quan giám sát tập trung vào 02 công việc chính là:

+ Tiếp nhận hồ sơ hải quan;

+ Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ với thông tin trên hệ thống;

+ Xác nhận hồ sơ, danh sách container đủ điều kiện qua khu vực giám sát;

+ Xác nhận hàng hóa, container thực tế đi qua cổng cảng.

- Cho đến thời điểm hiện nay để hạn chế ùn tắc tại các cổng cảng, cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn, đội giám sát được chia thành 02 bộ phận:

+ Bộ phận văn phòng giám sát đảm nhận công việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, xác định hàng hóa, danh sách container (nếu hàng đóng trong container) đủ điều kiện qua khu vực giám sát. Bộ phận này được bố trí trong khu vực cảng;

+ Bộ phận giám sát tại cổng cảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận hàng hóa, danh sách container, ngày giờ thực tế đi qua cổng cảng hoặc cửa khẩu.

- Các hệ thống CNTT hiện nay đã được xây dựng với chức năng cho phép từ số tờ khai, số hiệu container do cán bộ hải quan nhập liệu, hệ thống sẽ tìm kiếm tờ khai, danh sách container, thể hiện thông tin trên màn hình phục vụ cán bộ đối chiếu xác nhận thông tin

1.2. Vướng mắc

Mặc dù được tổ chức thành 02 bộ phận (văn phòng giám sát và giám sát cổng cảng) cũng như có hệ thống CNTT hỗ trợ tuy nhiên do lưu lượng hàng hóa lớn, việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ cũng như xác nhận hàng hóa thực tế đi qua bao gồm nhiều bước phải thực hiện trong khi yêu cầu thông quan hàng hóa cao dẫn đến tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm kéo theo các bức xúc từ phía doanh nghiệp cũng như gây ra áp lực công việc cho cán bộ giám sát.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do:

- Cán bộ tại văn phòng giám sát phải nhập máy số tờ khai để hệ thống tìm kiếm thông tin. Do số tờ khai là dãy gồm 12 chữ số dẫn đến dễ nhầm lẫn trong khâu nhập liệu. Khi thông tin đầu vào (số tờ khai) không chính xác, hệ thống không tìm được tờ khai ảnh hưởng đến kết quả xử lý công việc của cán bộ hải quan giám sát nói riêng và cán bộ hải quan tại các bộ phận khác nói chung (kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, rà soát tờ khai đây là nhưng cán bộ thường xuyên phải tra cứu thông tin tờ khai trên hệ thống). Trong trường hợp chưa có số container sẽ phải nhập bổ sung cũng gây mất thời gian và có thể sai sót;

- Nhiệm vụ của cán bộ giám sát tại cổng cảng là phải kiểm tra số hiệu container thực tế với số hiệu container trên máy. Đây là một công việc đơn giản nhưng khó triển khai trong thực tế vì lý do khu vực conatiner đỗ và khu vực để máy tính khác nhau. Nếu không có hệ thống carmera trợ giúp, cán bộ hải quan phải đi ra khu vực container đỗ để kiểm tra số hiệu và đi vào khu vực có máy tính để kiểm tra trên hệ thống. Điều này ảnh hưởng lớn đến thời gian giải phóng container tại cổng cảng.

Như vậy cần có giải pháp để giảm bớt khối lượng công việc cho cán bộ hải quan giám sát và giảm thời gian thao tác trên hệ thống.

1.3. Hiện trạng tại Chi cục HQ Cát Lái - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và một số Chi cục thuộc Cục Hải quan Hải Phòng:

Để giảm bớt khối lượng công việc cho cán bộ Hải quan, trong thời gian qua một số Chi cục thuộc Cục Hải quan Hải Phòng và Chi cục Hải quan Cát Lái thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã bước đầu ứng dụng mã vạch trong công tác quản lý. Việc ứng dụng mã vạch có thể mô tả sơ bộ như sau:

- Tại Chi cục Hải quan Cát Lái - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, đầu tư 01 thiết bị in mã vạch. Khi doanh nghiệp XNK cập nhật thông tin số tờ khai, thiết bị in mã vạch sẽ in ra mã vạch dưới dạng tương tự như tem. Và Doanh nghiệp sẽ dán tem mã vạch lên hồ sơ giấy. Hồ sơ giấy khi đi qua các khâu nghiệp vụ, cán bộ hải quan sẽ sử dụng thiết bị đọc mã vạch thay thế bàn phím máy tính để cập nhật thông tin số tờ khai phục vụ tìm kiếm, tra cứu thông tin;

- Khác với Chi cục Hải quan Cát Lái, một số Chi cục thuộc Cục Hải quan Hải Phòng thống nhất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu về việc in mã vạch trực tiếp trên tờ khai hải quan in.

- Với việc áp dụng mã vạch thay thế số tờ khai của các đơn vị trên phần nào giảm bớt khối lượng công việc cho cán bộ Hải quan tuy nhiên còn gặp một số vấn đề cụ thể như sau:

+ Việc áp dụng mã vạch theo hướng thay thế số tờ khai như đã nêu chỉ giúp cán bộ hải quan trong khâu nhập liệu số tờ khai vào hệ thống. Các bước tiếp theo bao gồm ra lệnh cho hệ thống tìm tờ khai, kiểm tra thông tin trên tờ khai vẫn phải do cán bộ hải quan thực hiện toàn bộ;

+ Không hỗ trợ cho cán bộ tại cổng giám sát trong công tác kiểm tra, đối chiếu container thực tế đi qua cổng với container thuộc tờ khai đủ điều kiện thông quan;

+ Việc áp dụng mã vạch theo phương án của Chi cục Hải quan Cát Lái thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, yêu cầu doanh nghiệp phải trực tiếp mang hồ sơ đến văn phòng Chi cục (nơi đặt thiết bị in mã vạch) để in và dán tem mã vạch;

+ Khi triển khai dự án VNACCS/VCIS, việc áp dụng mã vạch theo phương án của Cục Hải quan Hải Phòng gặp vấn đề do phần mềm đầu cuối phía doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu in mã vạch đối với tờ khai luồng xanh và phần mềm VCIS phía cơ quan Hải quan không có chức năng in mã vạch đối với tờ khai luồng vàng hoặc luồng đỏ.

Vệc ứng dụng mã vạch như trên chỉ giải quyết được một phần vướng mắc, cần có một giải pháp mang tính tổng thể và toàn diện hơn.

Chương 3

GIẢI PHÁP

1. Gii thiu về mã vch

- Mã vạch là sự thể hiện thông tin ở dạng nhìn thấy trên các bề mặt của sản phẩm, hàng hóa mà máy móc có thể đọc được. Ban đầu mã vạch lưu trữ dữ liệu theo bề rộng của các vạch được in song song cũng như của khoảng trống giữa chúng. Ngày nay do quá trình phát triển công nghệ, mã vạch còn được in theo mẫu của các điểm, theo các vòng tròn đồng tâm hay chúng ẩn trong các hình ảnh.

- Mã vạch có thể được đọc bởi các thiết bị quét quang học gọi là máy đọc mã vạch hay được quét từ hình ảnh bằng các phần mềm chuyên biệt.

- Mã vạch gồm 02 loại:

+ Mã vạch một chiều: Thể hiện 01 chỉ tiêu thông tin. Thường là 01 dãy số. Hình sau mô tả mã vạch 01 chiều.

+ Mã vạch 02 chiều: Thể hiện nhiều chỉ tiêu thông tin. Hình sau mô tả mã vạch 02 chiều.

- Để có thể ứng dụng mã vạch trong thực tế, cần có quá trình mã hóa từ thông tin ban đầu (ví dụ dãy số, chuỗi ký tự, ...) thành mã vạch. Quá trình này thường được thực hiện thông qua một thuật toán trên phần mềm máy tính;

- Tùy theo cấu trúc mã vạch người ta chia máy đọc mã vạch ra 02 loại tương ứng là máy đọc mã vạch 01 chiều và máy đọc mã vạch 02 chiều. Ngoài ra do cấu tạo vật lý, thiết bị này còn được chia ra 02 nhóm là loại kết nối có dây và loại kết nối không dây (thông qua tín hiệu Bluetooth hoặc Wifi);

- Để đảm bảo các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin trước khi chuyển đổi thông tin thành mã vạch người ta tiến hành các thuật toán mã hóa thông tin. Một trong những thuật toán hiện được dùng phổ biến trên thế giới với mức độ bảo mật cao đó là mã hóa sử dụng chữ ký số hay còn gọi là tích hợp chữ ký số vào mã vạch (hình sau mô tả quá trình tích hợp chữ ký số trong mã vạch).

2. Ứng dụng mã vạch trong công tác giám sát hải quan:

Việc ứng dụng mã vạch trong công tác giám sát Hải quan có thể được mô tả sơ bộ như sau:

- Hệ thống phần mềm khai hải quan phía doanh nghiệp và hệ thống Thông quan điện tử V5 (viết tắt là TQĐT-V5) cần bổ sung chức năng cho phép in trực tiếp mã vạch trên tờ khai hải quan in (Theo quy định hiện nay tờ khai luồng xanh do doanh nghiệp in và tờ khai luồng vàng hoặc luồng đỏ sẽ do cơ quan hải quan in và trao cho doanh nghiệp);

- Mã vạch được in trực tiếp trên tờ khai là mã vạch một chiều thể hiện cho số tờ khai (gọi là Mã vạch loại 1). Mã vạch này không phải thay thế mà chỉ bổ trợ thêm một cách thức nhận biết số tờ khai tự động bằng máy quét mã vạch. Mã vạch này không tích hợp chữ ký số. Các khâu nghiệp vụ hải quan có thể sử dụng máy đọc mã vạch thay thế cho việc nhập liệu số tờ khai;

- Khi nhận được tờ khai có mã vạch, cán bộ hải quan sẽ sử dụng máy đọc mã vạch để cung cấp thông tin đầu vào cho hệ thống TQĐT-V5. Trên cơ sở thông tin do máy đọc mã vạch chuyển đến, hệ thống TQĐT-V5 tại văn phòng giám sát sẽ tự động:

+ Truy tìm tờ khai;

+ Kiểm tra trạng thái, hiệu lực của tờ khai;

+ Cảnh báo trong trường hợp tờ khai chưa hoàn thành thủ tục hải quan;

+ Thể hiện thông tin tờ khai, danh sách container (nếu có) lên mà hình để cán bộ văn phòng giám sát thực hiện việc kiểm tra đối chiếu với hồ sơ giấy (do doanh nghiệp xuất trình) và xác nhận hàng hóa, danh sách container được phép qua cổng giám sát trên máy;

- Số tờ khai, danh sách Container đủ điều kiện qua cổng giám sát sẽ được tích hợp với chữ ký số của cơ quan hải quan và được mã hóa thành mã vạch 02 chiều (Mã vạch loại 2).

- Việc in mã vạch 02 chiều ra giấy để kèm hồ sơ có thể được thực hiện bằng một trong 03 cách thức sau:

+ In từ phần mềm khai hải quan phía doanh nghiệp;

+ In từ phần mềm TQĐT-V5;

+ In từ Website Hải quan;

- Tại khu vực cổng cảng trên cơ sở hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp, cán bộ giám sát sử dụng máy đọc mã vạch 02 chiều để đọc thông tin về danh sách sách container đủ điều kiện thông quan;

- Trên cơ sở thông tin do máy đọc mã vạch chuyển đến, hệ thống TQĐT-V5 sẽ tự động kiểm tra số hiệu container (đọc được qua mã vạch) với danh sách container được phép qua khu vực giám sát.

+ Trong trường hợp thông tin phù hợp, tự động xác nhận ngày giờ thực tế container đã qua khu vực giám sát trên hệ thống TQĐT-V5 và thông báo cho cán bộ;

+ Trong trường hợp thông tin không phù hợp, tự động cảnh báo cho cán bộ giám sát cổng cảng dừng việc thông quan hàng hóa.

Qui trình giám sát hải quan tại khu vực cảng biển sau khi áp dụng mã vạch về cơ bản không thay đổi so với qui trình trước đây.

3. Li ích của việc ứng dụng mã vạch:

Việc ứng dụng mã vạch trong công tác giám sát như đề xuất ở phần trên đem lại một số lợi ích như sau

- Tăng khả năng tự động hóa của hệ thống;

- Giảm khối lượng công việc cần thực hiện của cán bộ hải quan tại bộ phận giám sát;

- Giảm thời gian cần thực hiện của cán bộ giám sát từ đó góp phần giảm thời gian thông quan, giảm ùn tắc tại khu vực giám sát;

- Nâng cao mức độ chính xác, tính đầy đủ của dữ liệu cập nhật vào hệ thống;

- Cung cấp thông tin dữ liệu cho các khâu quản lý giám sát của cơ quan hải quan như thanh khoản manifest, bảng kê container ra vào khu vực giám sát...

Chương 4

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

V. NÂNG CẤP HỆ THỐNG

1. Yêu cầu phục vụ xây dựng hệ thống

- Thống nhất thuật toán mã hóa số tờ khai ra mã vạch (áp dụng cho doanh nghiệp để in tờ khai có mã vạch và áp dụng cho cơ quan hải quan để đọc mã vạch, tìm kiếm thông tin tờ khai);

- Bổ sung chuẩn thông điệp hỏi về danh sách số hiệu container đã được mã hóa dưới dạng mã vạch được chấp nhận;

- Chuẩn thông điệp mô tả danh sách số hiệu container đã được mã hóa dưới dạng mã vạch phản hồi từ hệ thống TQĐT-V5 cho phần mềm đầu cuối doanh nghiệp.

2. Yêu cầu chức năng hệ thống CNTT:

TT

Tên chức năng

Diễn Giải

A. CHỨC NĂNG CỦA HỆ THỐNG TQDT-V5 PHỤC VỤ VĂN PHÒNG GS

1

Chức năng cho phép mã hóa số tờ khai để tạo ra mã vạch loại 1 (Sử dụng trong trường hợp Hải quan in tờ khai đối với luồng vàng/đỏ)

Chức năng mới

2

Chức năng tìm kiếm, kiểm tra, thông báo kết quả kiểm tra cho cán bộ hải quan và thể hiện thông tin đầy đủ tờ khai, danh sách Container trên màn hình (phục vụ bộ phận văn phòng giám sát) dựa trên mã vạch loại 1 do máy đọc mã vạch chuyển đến

Chức năng mới

3

Chức năng cho phép cán bộ hải quan xác nhận danh sách Container đủ điều kiện đi qua cổng giám sát

Chức năng đã có cần nâng cấp

4

Chức năng mã hóa số hiệu container (thuộc danh sách đủ điều kiện qua cổng giám sát), số tờ khai, chữ ký số của cơ quan hải quan để tạo ra mã vạch, lưu trữ mã vạch đã tạo ra vào cơ sở dữ liệu;

Chức năng mới

5

Chức năng cho phép cơ quan hải quan in danh sách số hiệu Container, mã vạch tương ứng

Chức năng mới

6

Chức năng in danh sách container, mã vạch tương ứng từ Website Hải quan (phục vụ cho các doanh nghiệp sử dụng phần mềm đầu cuối không có chức năng in)

Chức năng mới

7

Chức năng tra cứu trạng thái tờ khai, số hiệu container (đã/chưa được duyệt tại văn phòng giám sát; đã/chưa được xác nhận tại khu vực giám sát, đã/chưa đủ điều kiện đi qua cổng giám sát; ...) trên Website hải quan phục vụ doanh nghiệp, cán bộ Hải quan

Chức năng mới

8

Chức năng phản hồi cho doanh nghiệp danh sách số hiệu container, mã vạch tương ứng (Cho phép doanh nghiệp in danh sách số hiệu container, mã vạch tương ứng)

Chức năng mới

9

Chức năng báo cáo thống kê tờ khai, danh sách Container đã được xác nhận tại văn phòng giám sát

Chức năng mới

B. CHỨC NĂNG CỦA HỆ THỐNG TQDT-V5 PHỤC VỤ CỔNG GS

10

Chức năng tìm kiếm tờ khai, container dựa trên thông tin mã vạch loại 2 do máy đọc mã vạch chuyển đến

Chức năng mới

11

Chức năng tự động kiểm tra container đủ điều kiện qua khu vực cổng

Chức năng mới

12

Chức năng tự động xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát với container đã đủ điều kiện (bao gồm ghi nhận ngày, giờ xác nhận, tài khoản cán bộ giám sát đã xác nhận,...)

Chức năng mới

13

Chức năng báo cáo thống kê tờ khai, danh sách container đã được xác nhận đi qua khu vực giám sát, danh sách container đã đủ điều kiện nhưng chưa đi qua khu vực giám sát

Chức năng mới

C. CHỨC NĂNG CỦA HỆ THỐNG TQDT-V5 PHÍA DOANH NGHIỆP

14

Chức năng gửi thông điệp đề nghị cung cấp danh sách số hiệu container đi kèm mã vạch

Chức năng mới

15

Chức năng nhận thông điệp danh sách số hiệu container đi kèm mã vạch từ hệ thống Hải quan

Chức năng mới

16

Chức năng in số hiệu container và mã vạch

Chức năng mới

D. CHỨC NĂNG KẾT NỐI VỚI HỆ THỐNG CẢNG

17

Chức năng trao đổi thông tin với hệ thống của Cảng (Hệ thống Cảng kết nối với hệ thống Hải quan, hệ thống Hải quan trả về mã vạch và số hiệu container, hệ thống Cảng in danh sách container và mã vạch trên phiếu E)

Chức năng mới

3. Kiến trúc hệ thống yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh:

- Các chức năng được bổ sung phải tuân thủ kiến trúc hệ thống TQĐT-V5 cụ thể là theo kiến trúc 3 lớp:

+ Lớp giao diện;

+ Lớp dịch vụ;

+ Lớp cơ sở dữ liệu.

- Các chức năng bổ sung, nâng cấp phải có khả năng hoạt động trong môi trường áp dụng chính sách bảo mật của ngành Hải quan;

- Thông điệp trao đổi giữa phần mềm phía Hải quan và phần mềm phía Doanh nghiệp cần đảm bảo an toàn, an ninh:

+ Theo chuẩn XML;

+ Có tích hợp chữ ký số;

+ Có khả năng thực hiện qua giao thức http hoặc https;

4. Yêu cầu nền tảng kỹ thuật công nghệ

- Hệ điều hành máy chủ: WINDOWS SERVER phiên bản 2003 hoặc 2008;

- Hệ quản trị cơ sở dữ liệu: ORACLE 10g/11g hoặc SQL Server 2008/2012;

- Phần mềm lớp giữa: Microsoft Internet Information Services (IIS) phiên bản 6.0 hoặc 7.0;

- Giao diện Share point 2010;

- Công cụ phát triển: Visual Studio phiên bản 2008 hoặc 2010.

- Ngôn ngữ lập trình: C# hoặc Visual Basic

- Ngôn ngữ sử dụng: Tiếng Việt Unicode - UTF8

VI. ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ PHẦN CỨNG

Do đề án tập trung vào nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ Hải quan thông qua việc ứng dụng công nghệ mã vạch nên ngoài các trang thiết bị hiện có (máy tính, máy in, thiết bị mạng,…) để triển khai được đề án, cần đầu tư trang bị máy đọc mã vạch tại bộ phận văn phòng giám sát và cổng cảng. Cụ thể như sau:

- Chủng loại máy đọc mã vạch:

+ Văn phòng giám sát: Sử dụng máy đọc mã vạch loại có dây;

+ Cổng cảng: Sử dụng máy đọc mã vạch loại không dây (do cán bộ giám sát tại cổng cảng phải kiểm tra số hiệu container và các điều kiện liên quan);

- Số lượng từng loại tùy thuộc vào số lượng cán bộ và lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Chương 5

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

VII. TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM TẠI 01 CỤC HẢI QUAN

1. Đơn vị triển khai thí điểm:

Cục Hải quan TP. Hải Phòng và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, cụ thể:

STT

Tên cục Hải quan

Số lượng VP giám sát

Số lượng điểm giám sát tại cổng Hải quan

Số lượng thiết bị mã vạch cần trang bị

1

Cục Hải quan Hải Phòng

04

23

04 x 3 + 23 x 1 = 35 (chiếc)

2

Cục Hải quan TP HCM

16

74

16 x 3 + 74 x 1 = 122

 

Cộng

20

97

157

Ghi chú: Số lượng thiết bị tại mỗi văn phòng giám sát là 3 và mỗi điểm giám sát tại cng Hải quan là 1

2. Thời gian triển khai:

Thời gian triển khai thí điểm từ tháng 09/2014 đến tháng 12/2014 với các nội dung sau:

- 02 tháng: Nâng cấp hệ thống, kiểm thử, đào tạo tập huấn

- 02 tháng: triển khai thí điểm và hoàn thiện hệ thống.

VIII. TRIỂN KHAI DIỆN RỘNG

03 tháng (Quí 1/2015): Đào tạo tập huấn, triển khai thực tế tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, cụ thể:

Số lượng điểm giám sát Hải quan như sau:

STT

Tổng số cấp cục Hải quan

Tổng số văn phòng giám sát

Tổng số điểm giám sát

1

32

60

106

Chương 6

KINH PHÍ ĐẦU TƯ

IX. YÊU CẦU NGUỒN KINH PHÍ ĐẦU TƯ

1. Nguồn kinh phí:

- Hiện nay Tổng cục Hải quan đang thực hiện hợp đồng Nâng cấp hệ thống Thông quan điện tử theo mô hình xử lý tập trung cấp Tổng cục. Việc bổ sung các chức năng liên quan đến áp dụng mã vạch trong công tác giám sát hải quan sẽ được triển khai theo hướng xây dựng đề cương và dự toán chi tiết theo quy định tại Thông tư số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012.

- Kinh phí thực hiện đối với việc nâng cấp nêu trên: sử dụng từ mục kinh phí CNTT dự phòng phục vụ triển khai hệ thống VNACCS/VCIS đã được Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ tại công văn số 7656/TCHQ-TVQT ngày 23/6/2014 và được Bộ phê duyệt tại văn bản số 9986/BTC-KHTC ngày 22/07/2014;

- Thực hiện thủ tục chỉ định đối tác đang thực hiện hợp đồng của dự án Nâng cấp hệ thống Thông quan điện tử theo mô hình xử lý tập trung cấp Tổng cục song song với giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhằm đảm bảo có hệ thống đúng tiến độ theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.

2. Phương thức triển khai:

- Kinh phí Nâng cấp phần mềm, đầu tư mua sắm máy đọc mã vạch (dự kiến khoảng 157 chiếc) để triển khai thí điểm tại 02 Cục Hải quan sẽ sử dụng nguồn ngân sách như đề cập tại điểm 1;

- Trong giai đoạn triển khai mở rộng:

+ Việc đầu tư mua sắm máy đọc mã vạch sẽ giao cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ động thực hiện;

+ Chi phí phục vụ tập huấn cho các cán bộ sẽ sử dụng nguồn kinh phí CNTT.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2629/QĐ-TCHQ năm 2014 phê duyệt Đề án áp dụng mã vạch trong quy trình giám sát hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan ban hành

  • Số hiệu: 2629/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/09/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Công Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản