Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 262/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 20 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc ngày 17/10/2013;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 2782/SVHTTDL-VH ngày 26/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa Hiệp

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 262/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2017 của UBND tỉnh Đồng Nai)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

- Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc ngày 17/10/2013 (bản dịch tiếng Việt);

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa;

- Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể;

- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia;

- Văn bản số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08/4/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Văn bản số 3635/BVHTTDL-DSVH ngày 13/10/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

II. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Đồng Nai là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động rất lớn từ các tỉnh, thành phố trong khắp cả nước với nhiều thành phần dân tộc khác nhau (31 thành phần dân tộc), dân số khoảng 3 triệu người. Vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, phong phú. Là một trong 21 địa phương có lưu giữ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 05/12/2013.

Đồng Nai hiện có 31 Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử được hình thành và đang hoạt động. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống giàu bản sắc dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ lưu giữ và phát triển.

Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; để Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng phát triển và lan tỏa sâu rộng khắp địa bàn dân cư; thì việc xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cần thiết và mang tính cấp bách trước yêu cầu phát triển chung của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Đề án đáp ứng được ý nghĩa phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, góp phần vào thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Đồng Nai.

III. THỰC TRẠNG CÁC CÂU LẠC BỘ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ Ở ĐỒNG NAI

Toàn tỉnh Đồng Nai có 31 CLB, nhóm Đờn ca tài tử với 351 người (theo thống kê từ 31 CLB trong đề án) trong đó có 328 người tham gia thường xuyên. Số liệu khảo sát và danh mục như sau:

1. Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa tỉnh

CLB Đờn ca tài tử trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh được thành lập chính thức từ năm 1997 nhưng đã có một khoảng thời gian hoạt động khá lâu trước đó. Đây cũng là CLB mạnh của tỉnh, tập trung nhiều tay đàn giỏi như Năm Lợi, Hai Vĩnh, Phạm Văn Vang… CLB có 14 nghệ nhân (gồm 10 nam, 04 nữ. Trong đó có: 06 nghệ nhân đờn, 06 nghệ nhân ca, 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca).

2. Thành phố Biên Hòa

Thành phố Biên Hòa là địa phương có phong trào đờn ca tài tử mạnh, tập trung nhiều nghệ nhân giỏi. Mặt khác, thành phố Biên Hòa còn tổ chức giao lưu thường xuyên với tỉnh Bình Dương nên các nghệ nhân có thể học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng.

Thành phố Biên Hòa có 03 CLB Đờn ca tài tử bao gồm: CLB Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố, CLB Đờn ca tài tử phường An Bình và CLB Đờn ca tài tử phường Bửu Long.

a) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa - Thể thao

Câu lạc bộ đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố có 12 thành viên gồm 04 nghệ nhân đờn và 08 nghệ nhân ca. Trong đó có 02 nghệ nhân có thể đàn được 20 bản tổ.

b) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử phường An Bình

CLB có 14 thành viên, trong đó có 04 nghệ nhân đờn và 10 nghệ nhân ca. CLB không có nghệ nhân nào có thể đàn, ca được 20 bản tổ.

c) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử phường Bửu Long

CLB có 12 thành viên, có 03 nghệ nhân đờn (trong đó có 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca ở mức độ tập luyện), CLB không có nghệ nhân nào có thể đờn, ca được 20 bản tổ.

3. Huyện Long Thành

Huyện Long Thành có 05 CLB Đờn ca tài tử bao gồm: CLB Đờn ca tài tử - cải lương huyện, CLB Đờn ca tài tử thị trấn Long Thành, CLB Đờn ca tài tử xã An Phước, nhóm Đờn ca tài tử Suối Mơ - xã Long An và CLB Đờn ca tài tử xã Tam An.

a) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử - cải lương huyện Long Thành

CLB Đờn ca tài tử - cải lương huyện Long Thành là một trong những CLB mạnh của tỉnh Đồng Nai, được thành lập chính thức từ năm 2014 gồm 14 thành viên (09 nam, 05 nữ). CLB có 05 nghệ nhân đờn, 08 nghệ nhân ca và 01 nghệ nhân vừa đàn vừa ca. Trong đó có 02 nghệ nhân ca thành thạo 20 bản tổ.

b) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thị trấn Long Thành

CLB có 16 thành viên (11 nam, 05 nữ), trong đó có 02 nghệ nhân đờn, 09 nghệ nhân ca, 05 nghệ nhân vừa đờn vừa ca. Có 02 nghệ nhân có thể chơi thành thạo 20 bản tổ.

c) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã An Phước

CLB có 17 thành viên (09 nam, 08 nữ), có 05 nghệ nhân đờn và 12 nghệ nhân ca. CLB không có nghệ nhân nào đờn đủ 20 bản tổ.

d) Nhóm Đờn ca tài tử Suối Mơ - xã Long An

Nhóm Đờn ca tài tử Suối Mơ - xã Long An có 11 thành viên (08 nam, 03 nữ) trong đó có 04 nghệ nhân đờn và 07 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

đ) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Tam An

CLB Đờn ca tài tử xã Tam An có 21 thành viên (12 nam, 09 nữ) trong đó có 04 nghệ nhân đờn, 03 nghệ nhân vừa đờn vừa ca và 14 nghệ nhân ca.

5. Huyện Vĩnh Cửu

Huyện Vĩnh Cửu có một CLB Đờn ca tài tử xã Tân Bình. CLB có 11 thành viên (10 nam, 01 nữ) trong đó chỉ có 02 nghệ nhân đờn, 03 nghệ nhân vừa đờn vừa ca và 06 nghệ nhân ca. CLB có nghệ nhân Lê Văn Có đờn được 20 bản tổ và 02 nghệ nhân ca được 20 bản tổ.

6. Huyện Định Quán

Huyện Định Quán hiện có một CLB Đờn ca tài tử thị trấn Định Quán với 13 thành viên (10 nam, 03 nữ), trong đó có 3 nghệ nhân đờn, 03 nghệ nhân vừa đờn vừa ca và 07 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

7. Huyện Xuân Lộc

Huyện Xuân lộc hiện có 04 CLB Đờn ca tài tử là: CLB Đờn ca tài tử xã Bảo Hòa, CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Trường, CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Hòa và CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Hiệp với 36 nghệ nhân

a) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Bảo Hòa

CLB có 13 thành viên (09 nam, 04 nữ), trong đó chỉ có 01 nghệ nhân vừa đàn vừa ca và 12 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

b) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Trường

CLB có 07 thành viên (06 nam, 01 nữ), trong đó có 02 nghệ nhân đờn, 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 03 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

c) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Hòa

CLB có 07 thành viên (04 nam, 03 nữ), trong đó có 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 05 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

d) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Hiệp

CLB có 09 thành viên đều là nam, trong đó có 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 07 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

8. Huyện Tân Phú

Huyện Tân Phú có 03 CLB Đờn ca tài tử gồm: CLB Đờn ca tài tử xã Phú Thịnh, CLB Đờn ca tài tử xã Phú Lập và CLB Đờn ca tài tử thị trấn Tân Phú. Cả 03 CLB có tổng cộng 27 nghệ nhân với 03 nghệ nhân đờn, 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca và 22 nghệ nhân ca. Tuy nhiên, không có nghệ nhân nào có thể diễn tấu được 20 bản tổ, có 05 nghệ nhân có thể chơi được một vài bài tổ.

a) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thị trấn Tân Phú

CLB có 11 thành viên (07 nam, 04 nữ), trong đó có 02 nghệ nhân đờn, 09 nghệ nhân  ca.

b) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phú Lập

CLB có 08 thành viên (03 nam, 05 nữ), trong đó có 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 06 nghệ nhân ca.

c) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phú Thịnh

CLB có 08 thành viên (07 nam, 01 nữ), trong đó có 01 nghệ nhân đờn, 09 nghệ nhân ca.

9. Huyện Trảng Bom

Huyện Trảng Bom có một Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thị trấn Trảng Bom với 13 thành viên  (09 nam, 04 nữ), trong đó có 03 nghệ nhân đờn, 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 09 nghệ nhân ca, có 01 nghệ nhân ca được 20 bản tổ.

10. Huyện Nhơn Trạch

Huyện Nhơn Trạch có 06 CLB gồm: CLB Đờn ca tài tử xã Long Tân, CLB Đờn ca tài tử xã Long Thọ, CLB Đờn ca tài tử xã Phước An, CLB Đờn ca tài tử xã Phước Khánh, CLB Đờn ca tài tử xã Phước Thiền và CLB Đờn ca tài tử xã Hiệp Phước. Toàn huyện có 50 nghệ nhân (32 nam, 18 nữ) trong đó có 02 nghệ nhân đờn, 06 nghệ nhân vừa đờn vừa ca và 42 nghệ nhân ca.

a) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Hiệp Phước

CLB có 07 thành viên (06 nam, 01 nữ), trong đó có 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 06 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

b) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Long Tân

CLB có 05 thành viên (03 nam, 02 nữ), trong đó có 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 04 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

c) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Long Thọ

CLB có 12 thành viên (06 nam, 06 nữ), trong đó có 01 nghệ nhân đờn, 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 10 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

d) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phước An

CLB có 12 thành viên (09 nam, 03 nữ), trong đó có 03 nghệ nhân đờn, 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 08 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

đ) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phước Khánh

CLB có 16 thành viên (07 nam, 09 nữ), trong đó có 01 nghệ nhân đờn, 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 13 nghệ nhân ca, có 01 nghệ nhân ca được 20 bản tổ.

e) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phước Thiền

CLB có 10 thành viên nam, không có nữ, trong đó có 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 09 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

11. Thị xã Long Khánh

Thị xã Long Khánh có một Câu lạc bộ đờn ca tài tử thị xã Long Khánh với 12 thành viên (09 nam, 03 nữ), trong đó có 03 nghệ nhân đờn, 01 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 08 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

12. Huyện Thống Nhất

Huyện Thống Nhất có một Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Hưng Lộc với 17 thành viên (10 nam, 07 nữ), trong đó có 14 nghệ nhân ca, 03 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, nghệ nhân Phạm Văn Lập vừa đờn vừa ca được 20 bản tổ.

13. Huyện Cẩm Mỹ

Huyện Cẩm Mỹ có 04 CLB gồm: CLB Đờn ca tài tử xã Nhân Nghĩa, CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ, CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Quế và CLB Đờn ca tài tử xã Xuân Bảo. Toàn huyện có 25 người tham gia phong trào đờn ca tài tử (13 nam, 12 nữ), trong đó có 02 nghệ nhân đờn, 19 nghệ nhân ca, 04 nghệ nhân vừa đờn vừa ca (01 người chỉ đờn được ca cổ). 

a) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Nhân Nghĩa

CLB này có 04 thành viên (01 nam, 03 nữ) đều là nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

b) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ

CLB có 05 thành viên đều là nam, trong đó có 02 nghệ nhân đờn, 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 01 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

c) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Quế

CLB có 13 thành viên (05 nam, 08 nữ), trong đó có 02 nghệ nhân vừa đờn vừa ca, 11 nghệ nhân ca, không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

d) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Xuân Bảo

CLB có 03 thành viên (02 nam, 01 nữ), trong đó 03 nghệ nhân ca đều không có nghệ nhân nào thuộc 20 bản tổ.

Như vậy, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 CLB với 351 nghệ nhân, trong đó có 328 nghệ nhân thường xuyên tham gia (gồm: 53 nghệ nhân đờn, 232 nghệ nhân ca, 43 nghệ nhân vừa đờn vừa ca). Trong số 351 nghệ nhân có 10 nghệ nhân đờn được 20 bản tổ; 8 nghệ nhân ca được 20 bản tổ; độ tuổi trung bình là 53 tuổi; số nghệ nhân giỏi là khá ít. Độ tuổi trung bình nghệ nhân tham gia phong trào cũng khá cao. Điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho việc phát triển phong trào đờn ca tài tử của địa phương là cần có những chính sách phát triển năng lực cũng như trẻ hóa đội ngũ nghệ nhân.

Trong thời gian qua; ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động dành cho Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ như: Cử các CLB tham gia các chương trình giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ với các tỉnh bạn, tổ chức biểu diễn các chương trình đờn ca tài tử nhân các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ Nhân dân vào những ngày lễ trọng đại của đất nước. Đặc biệt, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử cấp tỉnh mang tính định kỳ 02 năm/lần, tổ chức các cuộc giao lưu giọng ca tài tử cải lương theo quý. Các CLB Đờn ca tài tử tại các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa được thành lập, duy trì và phát triển, công tác đào tạo đội ngũ kế cận thông qua các nghệ nhân có nghề và tâm huyết của các CLB Đờn ca tài tử được chú trọng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, hoạt động Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn nhiều bất cập: Kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ chưa có. Hoạt động của các CLB còn mang tính tự phát, tự nguyện; phần lớn phải tự tìm địa điểm để sinh hoạt; trang thiết bị còn hạn chế. Công tác đào tạo truyền dạy nghề chưa mang tính chiến lược và chưa chính quy. Ngoài ra, do ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa hiện đại, một bộ phận không nhỏ quần chúng và giới trẻ chưa hiểu và chưa cảm nhận được sự tinh túy của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nên chưa yêu thích loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù này.

Hiện nay, chỉ có một số CLB mạnh, phần lớn các CLB hoạt động gần như “Hữu danh vô thực”, có những CLB cả năm không một lần tổ chức sinh hoạt, chỉ khi nào có các đợt liên hoan hoặc địa phương cần tiết mục văn nghệ cho các dịp lễ, tết, hội nghị thì mới tìm kiếm người để hoạt động.

Lực lượng nghệ nhân đờn ca tài tử của tỉnh có sự phát triển không đồng đều. Trụ cột của phong trào đờn ca tài tử vẫn là các nghệ nhân đờn. Thực tế nghệ nhân đờn của Đồng Nai chỉ có 96 người nhưng đàn tốt, có thể chơi hết 20 bản tổ chỉ có 10 người.

Hiện nay, kinh phí duy trì hoạt động đang là vấn đề khó khăn của rất nhiều CLB.

Về đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế thừa, hầu hết các CLB đều gặp khó khăn.

Về thực trạng hoạt động của các câu lạc bộ: Những khó khăn về mặt tài chính cũng như khó khăn về con người, đặc biệt là nghệ nhân đờn thiếu thốn khiến điều kiện tổ chức các buổi sinh hoạt; chỉ đến các kỳ liên hoan mới có dịp tập trung tập luyện, xây dựng chương trình để thi. Điều này làm phong trào đờn ca tài tử tại địa phương phát triển nặng tính phong trào, hầu như địa phương nào cũng có CLB nhưng hoạt động cầm chừng, không đi vào chiều sâu và hạn chế rất nhiều sự phát triển về sau.

Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử của Đồng Nai đã có sự phát triển đáng kể nhưng thực sự vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cản trở sự phát triển của phong trào như sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, lực lượng nghệ nhân giỏi không nhiều, thiếu sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền cho nên các CLB cũng ít được quan tâm đầu tư một cách bài bản. Đó là những vấn đề đặt ra cho việc hoạch định các chính sách phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh nhà.

IV. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu của Đề án

a) Mục tiêu chung

Đánh giá toàn diện về thực trạng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn, truyền dạy những bản tổ, đưa di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào cuộc sống và đóng góp vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư; góp phần vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (giai đoạn 2014 - 2020).

b) Mục tiêu cụ thể

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong các gia đình, các nhà trường, CLB và cộng đồng dân cư nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng và Nhân dân địa phương.

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn... để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.

- Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản tổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong cuộc sống đương đại.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức thường xuyên và định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

- Đãi ngộ, khen thưởng và xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành và có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

- Tạo điều kiện thuận lợi để nghệ nhân của các CLB đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh có cơ hội giao lưu, trình diễn ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở các địa phương và cấp tỉnh; tham gia Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ toàn quốc (định kỳ 03 năm/lần) và đăng ký đăng cai tổ chức Liên hoan toàn quốc.

2. Yêu cầu của Đề án

a) Yêu cầu khoa học

- Xây dựng trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, từ những kết quả khảo sát, điều tra, nghiên cứu thực trạng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.

- Đáp ứng được các yêu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đáp ứng được yêu cầu của Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (giai đoạn 2014 - 2020).

b) Yêu cầu thực tiễn

- Phục vụ công tác bảo tồn gắn với phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Bảo tồn để phát huy, phát huy hiệu quả để bảo tồn tốt hơn giá trị của di sản.

- Nâng cao nhận thức của mọi người về giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

- Đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai.

- Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho người dân trên địa bàn tỉnh; thông qua việc tổ chức Festival Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được tổ chức luân phiên 03 năm/lần đối với 21 tỉnh, thành trong đó có tỉnh Đồng Nai.

3. Nhiệm vụ của Đề án

- Thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Hỗ trợ hoạt động thường xuyên và chế độ trách nhiệm hàng tháng cho các CLB Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

- Tuyên truyền hình thức cổ động trực quan: Panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu.

- Triển lãm về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

- Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và cải lương cấp tỉnh định kỳ 02 năm/lần.

- Tổ chức giao lưu các CLB Đờn ca tài tử trong tỉnh với các tỉnh trong khu vực Nam Bộ.

- Trình diễn đờn ca tài tử thường kỳ tại các thiết chế văn hóa cơ sở, phục vụ Nhân dân trong tỉnh.

- Mở lớp đào tạo, bồi dưỡng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.

- Hội thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

- Tổ chức nói chuyện chuyên đề về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

- Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh.

- In ấn tài liệu, băng đĩa phục vụ cơ sở.

- Ghi hình các cuộc thi, liên hoan và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai và hệ thống truyền thanh của các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; lưu trữ dữ liệu về đờn ca tài tử…

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 3.142.000.000 đồng (ba tỷ một trăm bốn mươi hai triệu đồng), dự toán chi tiết như sau:

STT

Hạng mục chi

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

1

Thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cuộc kiểm kê

01

80.000.000

80.000.000

2

Hỗ trợ hoạt động thường xuyên và chế độ trách nhiệm hàng tháng cho các CLB (31 CLB x 200.000 đ/tháng x 60 tháng)

Câu lạc bộ

31

12.000.000

372.000.000

3

Tuyên truyền hình thức cổ động trực quan: Panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu (02 đợt/năm x 5 năm = 10 đợt tuyên truyền)

Đợt tuyên truyền

10

20.000.000

200.000.000

4

Triển lãm về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh

Đợt

02

60.000.000

120.000.000

5

Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và cải lương cấp tỉnh (02 năm/lần x 2 lần x 150.000.000 đ/lần)

Liên hoan

02

150.000.000

300.000.000

6

Tổ chức giao lưu các CLB Đờn ca tài tử trong tỉnh với các tỉnh trong khu vực Nam Bộ (01 năm/lần x 5 năm = 5 lần x 50.000.000 đ/lần)

Đợt giao lưu

05

50.000.000

250.000.000

7

Trình diễn Đờn ca tài tử thường kỳ phục vụ Nhân dân trong tỉnh (4 chương trình/năm x 5 năm = 20 chương trình x 30.000.000 đ/chương trình)

Chương trình

20

30.000.000

600.000.000

8

Mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử (01 lớp/năm x 5 năm x 60.000.000 đ/năm)

Lớp

05

60.000.000

300.000.000

9

Hội thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Hội thi

02

60.000.000

120.000.000

10

Tổ chức nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật đờn ca tài tử trong các trường học trên địa bàn tỉnh (10 buổi/năm x 5 năm = 50 buổi x 2.000.000 đ/buổi)

Buổi

50

2.000.000

100.000.000

11

Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh.

Bằng khen tập thể, cá nhân

 

 

50.000.000

12

Chi phí in ấn tài liệu, băng đĩa phục vụ cơ sở

 

 

 

500.000.000

13

Ghi hình các cuộc thi, liên hoan và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai và hệ thống truyền thanh của các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; lưu trữ dữ liệu về đờn ca tài tử…

Năm

05

30.000.000

150.000.000

Tổng cộng

3.142.000.000

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Phối hợp Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan tư vấn khoa học và xây dựng đề án) tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án.

- Phối hợp Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chế độ đối với đào tạo nguồn nhân lực kế thừa của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

2. Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

Là đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn, xây dựng Đề án và triển khai các công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu khoa học.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án “Sân khấu học đường” đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào trong hoạt động ngoài giờ lên lớp của cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (kết hợp giữa biểu diễn, thuyết trình và dạy bài bản cho các em học sinh).

4. Sở Tài chính

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh cấp cho các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ của Đề án.

- Ưu tiên bố trí ngân sách của địa phương thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính theo quy định của pháp luật và ưu tiên chế độ bồi dưỡng biểu diễn cho nghệ nhân đờn ca tài tử.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai

- Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai xây dựng kế hoạch tăng cường phát sóng thực hiện giới thiệu các chương trình biểu diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của các CLB Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục cho Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

6. Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai

Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai thường xuyên quảng bá Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Đồng Nai, giới thiệu hoạt động các CLB và đội nhóm Đờn ca tài tử của địa phương.

7. Hội Văn học và Nghệ thuật Đồng Nai

Có kế hoạch kết nạp các hội viên là các nghệ nhân đờn ca tài tử vào Hội theo quy định. Phát động tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ và các bài truyền thống. Giới thiệu phổ biến việc sử dụng các tác phẩm lời mới của các nghệ nhân trong các hoạt động Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong và ngoài tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa

- Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao (Trung tâm Văn hóa) cấp huyện, các phòng, ban, chức năng của huyện và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung trên địa bàn.

- Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tổng điều tra văn hóa phi vật thể, thống kê các đội, nhóm, CLB Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn để đưa vào phạm vi danh mục đối tượng được ưu tiên đầu tư.

- Chủ động lồng ghép kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào hoạt động Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở như: Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn, Nhà Văn hóa ấp, khu phố.

- Hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề khó khăn, vướng mắc; các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 262/QĐ-UBND năm 2017 Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 262/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/01/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Hòa Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản