Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1438/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 30 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2015-2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08/4/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ”;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 243/TTr-TTr-SVHTTDL ngày 27/8/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015-2020” (kèm theo Đề án số 02/ĐA-SVHTTDL ngày 27/8/2015 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cổng THĐT tỉnh;
- Trung tâm CB-TH;
- VXT;
- Lưu: VT.Tr 143/9.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo, vừa mang tính bác học vừa mang tính dân gian của Nam Bộ. Qua hơn một thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, Đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ, góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc hành trình ấy, nhân dân Nam Bộ, trong đó có Cà Mau đã không ngừng lao động sáng tạo, vun đắp, góp phần xứng đáng để Đờn ca tài tử Nam Bộ giữ được những giá trị tinh túy nhất.

Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào chung cho cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào đó, trách nhiệm đặt ra cho những người làm công tác quản lý nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử, để nó tiếp tục phát triển, lan tỏa, xứng đáng với vị trí, vai trò trong đời sống văn hóa tinh thần của người Nam bộ, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Là một trong những tỉnh có loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử phát triển, những năm qua luôn được gìn giữ, duy trì, góp phần quan trọng vào việc nâng cao và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới và vị thế mới, Đờn ca tài tử tỉnh Cà Mau cần những nguồn lực mới, đó là cần sự đầu tư đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của Nhà nước và toàn xã hội để Đờn ca tài tử vừa được bảo vệ, vừa được phát triển mà vẫn giữ được cái chất, cái hồn của bộ môn nghệ thuật vừa dân gian, vừa bác học này. Đồng thời phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.

Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2015-2020” là việc làm cần thiết nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời thực hiện cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này, là bước đi quan trọng đầu tiên, trên cơ sở tình hình thực tế, vạch ra lộ trình, cách làm cụ thể trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Cà Mau trong thời kỳ mới.

II. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”;

- Hội nghị lần thứ X của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”;

- Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

- Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;

- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

- Chương trình hành động; quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2014-2020;

- Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08/4/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”;

- Công văn số 3953/UBND-VX ngày 06 tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh về việc xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015 - 2020.”

2. Căn cứ thực tiễn

- Những hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trong thời gian qua, như: Từ năm 1997 đến nay, bằng nguồn kinh phí Nhà nước dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản bản hướng dẫn các địa phương sưu tầm, tư liệu hóa, kiểm kê di sản văn hóa, trong đó có Nghệ thuật Đờn ca tài tử và hỗ trợ cho các câu lạc bộ, nhóm, gia đình tổ chức truyền dạy di sản này. Cụ thể như:

+ Tháng 6/2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức đoàn, gồm 39 nghệ nhân Việt Nam trong đó có 6 nghệ nhân Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu tham gia trình diễn tại Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian lần thứ 41 tại Hoa Kỳ;

+ Từ năm 2005 - 2009, Quỹ SiVa Thụy Điển tài trợ cho sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tại các tỉnh: Sóc Trăng, Tây Ninh, An Giang, Cà Mau.... Trong dịp này tỉnh Cà Mau một chương trình đặc sắc tham gia biểu diễn ở Hà Nội;

+ Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

+ Năm 2011, Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự có mặt của hơn 150 nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong nước và quốc tế nhằm xác định rõ những giá trị của Đờn ca tài tử, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản;

+ Tháng 12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

+ Năm 2010-2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao các cơ quan chức năng (Cục Di sản văn hóa, viện âm nhạc) tổ chức tập huấn hàng năm về kiểm kê di sản Đờn ca tài tử. Và Cục Di sản văn hóa, Viện Âm nhạc đã tổ chức được 15 cuộc tọa đàm bàn kế hoạch bảo tồn, truyền dạy với các địa phương có di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ;

+ Các trang Web trên mạng tổ chức dạy đàn, dạy hát tài tử, như trang web Hoàng Tấn, Quang Khải, Tuấn Giang, v...; hàng ngàn chương trình Đờn ca tài tử được lưu trữ trên các trang wed, v...;

Tại các địa phương, nhiều chương trình biểu diễn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được tổ chức, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh như:

+ Liên hoan Đờn ca tài tử do các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long,v...;

+ Nhạc hội Đờn ca tài tử, tôn vinh nghệ nhân câu lạc bộ, nhóm, gia đình được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh;

+ Các cuộc giao lưu, trình diễn do Nhà văn hóa các địa phương hỗ trợ kinh phí tổ chức thường xuyên;

+ Liên hoan Đờn ca tài tử 03 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, có mở rộng một số tỉnh như: Hậu Giang, Cần Thơ, định kỳ 02 năm một lần luân phiên tổ chức;

+ Các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan Đờn ca tài tử ấp, khóm; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thành phố là cơ sở thực tiễn minh chứng cho hoạt động Đờn ca tài tử diễn ra thường xuyên ở Nam bộ nói chung, ở Cà Mau nói riêng.

- Tại các địa phương có nghệ thuật Đờn ca tài tử thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ.

Phần II

KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ THỰC TRẠNG NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ Ở CÀ MAU

I. TỔNG QUAN VỀ VÙNG ĐẤT CÀ MAU

1. Đặc điểm tự nhiên

Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý tự nhiên khá đặc biệt (ba mặt giáp biển), diện tích tự nhiên 5.294,87 km2. Cà Mau có địa hình bằng phẳng và thấp so với các tỉnh vùng ĐBSCL; có hệ thống sông ngòi đan xen chằng chịt với phần lớn đất đai là đồng ruộng lầy trũng và có nhiều rừng tự nhiên ngập nước rộng lớn như rừng Tràm U Minh Hạ,... chiếm khá nhiều diện tích nên rất thuận tiện cho giao thông đường thủy.

Dân số trung bình tỉnh Cà Mau đến năm 2014 có 1.227.329 người, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố và 8 huyện. Trong đó: có 9 thị trấn, 10 phường và 82 xã.

2. Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội

Về kinh tế

Cà Mau là tỉnh có nền kinh tế xuất phát điểm thấp và ngành nông, lâm, thủy sản vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Về Văn hóa - xã hội

Các ngành chức năng đã tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ văn hóa văn nghệ ở địa phương như âm thanh, nhạc cụ... ngày một phong phú, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động, kịp thời chuyển tải thông tin, chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận người dân vùng sâu vùng xa.

Dân cư sinh sống tại tỉnh Cà Mau bao gồm nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có 03 dân tộc chính: Kinh, Khmer và Hoa; với các hình thức tôn giáo như: Tin lành, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo, Hồi giáo,...

Đây cũng là những điều kiện cơ bản để loại hình đờn ca tài tử vẫn còn sức sống trên vùng đất Cà Mau và liên tục phát triển từ khi xuất hiện cho đến ngày nay.

II. TỔNG QUAN VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ Ở CÀ MAU

1. Quá trình hình thành và phát triển

Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại; tổng hợp các nguồn tài liệu được phát hành chính thức ở các cuộc Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; qua điều tra, nghiên cứu thì Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Trong đó chữ tài tử có nghĩa là người chơi nhạc có tài, có năng khiếu...

Đờn ca tài tử được du nhập vào miền Nam từ cuối thế kỷ XIX do ba nhạc sư gốc Trung Bộ là Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi - Nhạc quan triều đình nhà Nguyễn), Trần Quang Qườn (thầy ký Qườn) và Lê Tài Khị (biệt danh Nhạc Khị) sáng tạo nên. Đầu tiên ba nhạc sư sáng tạo nghệ thuật này chỉ để phục vụ việc giải trí nghe chơi với nhau trong một cộng đồng nhỏ. Sau đó. nghệ thuật này ngày càng lan rộng và thu hút thêm nhiều đối tượng khác tham gia hơn. Ban đầu chỉ có đờn, về sau này mới xuất hiện thêm hình thức ca dần dần gọi thành đờn ca.

Đờn ca tài tử Nam Bộ hình thành vào cuối thế kỷ 19 khi các nhạc sư, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống ca Huế vào vùng Nam Bộ. Trên đường đi, các nhạc sư dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn cùng với giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã thay đổi tiếp tục, một số bài bản tuy cùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa so với ban đầu.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX. Bạc Liêu (nay là tỉnh Cà Mau- Bạc Liêu) đã hình thành phong trào đờn ca tài tử trên nền hoạt động của nhạc lễ, ở giai đoạn này việc canh tân và hiệu đính Thập loại bài bản (Nhứt lý, nhì ngâm, tam nam, tứ oán, ngũ điểm, lục xuất, thất chính; bát ngự, cửu nhĩ và thập thủ liên hườn) đã được nhen nhóm. Ông Lê Tài Khí (Nhạc Khị) là người đầu tiên khởi xướng phong trào với sự cộng tác tích cực của Sư Nguyệt Chiếu ở chùa Vĩnh Phước An (nay là Phường 3 TP Bạc Liêu).

Trong thời kỳ này các Ban nhạc tài tử của Nhạc Khị ngoài việc phục vụ cho công chúng còn tổ chức sáng tác không ít bản nhạc mới. Tiêu biểu như các bài bản; Ngự giá đăng lâu, ái tử kê, minh hoàng thưởng nguyệt, phò mả giao duyên của Nhạc Khị; Bát man tấn cống, Liên bắc thủ của Phạm Nguyên Kiên (Bảy Kiên). Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngoài bản Dạ cổ hoài lang tiền thân của bản vọng cổ ngày nay, cho đến cuối đời ông còn sáng tác thêm các bài như: Thu phong, Chiếu hoa, Oanh vàng, Ái Cầm; Tơ vương, Bái đường, Long châu, Hậu đình Lê, Mai xuân, Chim chiều, Giọt mưa đêm. Trong giới sáng tác bài bản mới nhạc sĩ Ba Chột (Lê Văn Túc) là người sáng tác nhiều nhất. Đặc biệt Ông đã kết hợp 4 bản của Cha là Nhạc Khị sáng tác ra bản Tứ bửu Liêu Thành (ý nói là 4 bửu bối của Bạc Liêu) mà nhiều người biết đến. Ngoài ra còn các bản rất thông dụng cho đến hiện nay là: Liêu giang, Ngủ quan, Mẩu đơn, Thuấn hoa, Huỳnh ba, Cảnh xuân, Xuân nữ... Nhạc sĩ Tư Bình (Nguyễn Văn Bình) có các bản: Tú anh, Nặng tình xưa, Lý ngựa ô Nam, Hàng Giang. Nhà giáo Trịnh Thiên Tư khi sáng tác thì lấy thời tiết 4 mùa làm tên cho bản nhạc của mình bao gồm các bản: Xuân lan, Hạ liên, Thu cúc, Đông mai. Nhạc sĩ Mộng Vân sáng tác các bản: Tân sái phỉ, Tấn phong, Sương chiều, Phong nguyệt, Giang tô điểu ngữ, Kiều nương, Bá hoa, Quý phi túy tửu, Sơn đông hướng mả. Nhũng bản này xuất hiện trên sân khấu cải lương rất nhiều. Nhạc sĩ Năm Nhỏ (Trần Tấn Hưng) ngoài việc là người có công biến tấu từ bản đờn vọng cổ nhịp 16 thành nhịp 32 ngày nay, Ông còn là tác giả của các bản Lý phước châu, Minh vương thưởng nguyệt, Tùng lâm dạ lãm.

Tóm lại: Bạc Liêu - Cà Mau luôn được mệnh danh là chiếc nôi của đờn ca tài tử (nhất Bạc Liêu nhì Cần Đước), bởi lẽ đây là vùng đất có nhiều thuận lợi cho việc phát triển Đờn ca tài tử. Có soạn giả viết tuồng đúng theo nguyện vọng tâm tư tình cảm của đại đa số quần chúng nhân dân lao động, là nơi sản sinh ra nhiều danh ca, danh cầm nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh.

2. Thực trạng hoạt động

Cà Mau là tỉnh có phong trào đờn ca tài tử khá phát triển trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều dễ thấy nhất chính là sự phổ biến của đờn ca tài tử trong đời sống nhân dân, Từ các nhà hàng sang trọng ở phố thị cho đến những vùng quê heo hút, đâu đâu cũng có thể nghe thay những lời ca. Đờn ca tài tử hiện diện với tần suất đậm đặc trong các hoạt động văn hóa tinh thần từ những buổi lễ trang nghiêm đến nhu cầu giải trí lúc nông nhàn. Tính chất bác học và bình dân của loại hình nghệ thuật này đan xen, hoà quyện vào nhau làm tăng thêm sức hút, sự độc đáo của đờn ca tài tử.

Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Cà Mau phát triển rộng khắp. Tuy nhiên về số lượng câu lạc bộ và số người tham gia, nghệ nhân có giảm, nhưng tỷ lệ suy giảm đó không đáng kể so với mặt bằng chung về thực trạng trong toàn tỉnh và không làm cho phong trào thực hành bộ môn nghệ thuật này giảm đi.

Về số lượng người tham gia thực hành Đờn ca tài tử:

Năm 2010, tỉnh Cà Mau thực hiện công tác kiểm kê trên địa bàn toàn tỉnh. Cuộc kiểm kê này cho biết cả tỉnh có 6.972 người biết và thực hành đờn ca tài tử. Trong đó có 692 nghệ nhân bao gồm 645 người là nam và 47 nữ. Trong số 692 nghệ nhân thì có 474 nghệ nhân ca, 101 nghệ nhân đờn, 52 nghệ nhân trình diễn được cả 02 loại hình và 65 nghệ nhân còn lại không kê khai loại hình trình diễn, về bài bản trình diễn thì hầu hết đều có thể trình diễn được một số câu, một số lớp của các bài bản Tổ, có 203 nghệ nhân có khả năng trình diễn toàn bộ 20 bài bản Tổ, tập trung nhiều nhất là ở huyện Cái Nước. Đến năm 2012-2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm kê hiện trạng về nghệ thuật đờn ca tài tử ở tỉnh Cà Mau thì kết quả cho biết có 6.851 thành viên tham gia các câu lạc bộ. Trong đó có 6.320 người biết thực hành.

Sân chơi đờn ca tài tử hiện đang thu hút rất nhiều lứa tuổi với đủ mọi thành phần xã hội tham gia. Đây là món ăn tinh thần hết sức bổ ích những khi công việc nhàn rỗi. Hay trong các dịp đám tiệc, qua lời ca tiếng hát, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt. Có lẽ sức sống, ý nghĩa thực sự của đờn ca tài tử chính là những biểu hiện vô cùng sinh động trong đời sống nhân dân.

Lực lượng tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử có xu hướng “trẻ hóa”, đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn đủ sức hấp dẫn những người trẻ tuổi. Năm 2010 số nghệ nhân thuộc độ tuổi dưới 50 thống kê được là 281, 402 người có độ tuổi từ 50-80, 05 người trên 80 tuổi và 04 người không rõ năm sinh.

Về các tổ chức hạt nhân, câu lạc bộ, gia đình tham gia thực hành đờn ca tài tử:

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, năm 2010 cả tỉnh có 666 câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử; số liệu thống kê năm 2012-2013 là 638 câu lạc bộ; đến hết 6 tháng đầu năm 2014 cả tỉnh còn 632 câu lạc bộ, đội, nhóm. Các câu lạc bộ đờn ca tài tử đều duy trì sinh hoạt, đáng mừng hơn là sự giao lưu, học hỏi giữa các câu lạc bộ với nhau cũng không ngừng gia tăng. Hiện tại, các địa phương đã chú trọng phát triển các thế hệ kế thừa, có năng khiếu để tiếp tục bổ sung vào những câu lạc bộ đờn ca tài tử.

Ở Cà Mau, nhiều gia đình có truyền thống đờn ca tài tử, cha truyền con nối. Và từ cái nôi dân gian ấy đã xuất hiện những tên tuổi lớn, có hiểu biết uyên thâm về loại hình đờn ca tài tử. Họ không đơn thuần là nghệ nhân dân gian nữa, những tri thức, hiểu biết đã được hệ thống thành công trình khoa học nghiêm túc. Những gia đình như: gia đình Nghệ nhân dân gian Tăng Phát Vinh (Ba Vinh, xã Định Bình, TP Cà Mau) có các thế hệ trong gia đình đều theo nghiệp Đờn ca tài tử, hầu hết các con, cháu của ông đều nhuần nhuyễn nhiều bài bản tổ; gia đình nghệ nhân Lương Quốc Sỹ (huyện Trần Văn Thời) có vợ, chồng, con đều là những nghệ nhân đờn ca tài tử...

Tình hình truyền dạy và biên soạn lời mới cho các bản tài tử:

Năm 2009 tỉnh Cà Mau mở các lớp “Truyền dạy đờn ca tài tử Nam Bộ” cho các thành viên đội, nhóm, câu lạc bộ trong tỉnh với nội dung nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân và lực lượng sáng tác lời mới cho các bài bản ca tài tử có hàng trăm lược người tham gia. Hiện nay, ngoài những soạn giả xuất sắc với nhiều bài ca cổ nổi tiếng trong làng văn nghệ, có rất nhiều soạn giả mới xuất hiện với nhiều tác phẩm mới ca ngợi con người, quê hương Cà Mau trong giai đoạn đổi mới.

Tình hình đầu tư trang thiết bị:

Dẫu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các huyện, thành phố đều dành ngân sách đầu tư cho nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ. Từ năm 2010 đến nay, bằng các nguồn ngân sách, ngành Văn hóa đã tiến hành cấp phát gần 100 bộ trang thiết bị cho các trung tâm văn hóa huyện, nhà văn hóa xã, ấp có phong trào văn hóa văn nghệ tiêu biểu để cổ vũ phong trào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong nhân dân, trong đó hạt nhân tiêu biểu là các đội, nhóm câu lạc bộ đờn ca tài tử.

Về các cuộc hội thi, hội diễn, sinh hoạt:

Theo định kỳ, hàng năm các địa phương đều có tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan đờn ca tài tử. Đây là một sân chơi hữu ích, giúp cho các câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử khắp nơi hội ngộ cùng hòa điệu tri âm. Qua các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan này cũng giúp cho nhiều nghệ nhân phát triển và nhờ đó mà bộ môn nghệ thuật này được bảo tồn một cách cơ bản.

Ba tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) hằng năm đều tổ chức luân phiên Liên hoan Đờn ca Tài tử với nhiều nghệ nhân đờn ca khắp nơi tham dự. Những năm gần đây, liên hoan này còn thu hút được một số tỉnh bạn khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Bình Dương tham dự. Tạo nên một sân chơi uy tín, một không khí sôi động trong đời sống văn hóa của nhiều lớp nghệ nhân trong vùng.

Ngoài ra, ở các địa phương còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tuần, hàng tháng ở Trung tâm văn hóa các huyện, xã quy tụ nhiều nghệ nhân ở địa phương đến tham gia hòa điệu. Đây cũng là một sân chơi lành mạnh thu hút nhiều người mộ điệu đến thưởng lãm.

III. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN Ở CÀ MAU

1. Vị trí

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan.

Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú. Trong kho tàng di sản quý báu đó có Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn.

2. Vai trò

Cũng bởi lý do xuất phát từ cung đình do đó đờn ca xưa kia chủ yếu được biểu diễn trong các tư gia hoặc phục vụ một số ít khán giả. Tuy nhiên theo thời gian và sức hấp dẫn của dòng nhạc này mà ngày nay đờn ca tài tử đã được sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ công chúng.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Đờn ca tài tử phục vụ nhu cầu thực hành các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do đó bản thân Đờn ca tài tử đã mang tính gắn kết cộng đồng. Thông qua việc thực hành ĐCTT, cộng đồng còn giới thiệu và bảo tồn các tập quán xã hội khác như: lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công...

Có một minh chứng sống động nhất về tính gắn kết cộng đồng của Đờn ca tài tử là những người chơi luôn tôn trọng, quý mến, học hỏi nhau không chỉ ở tài năng nghệ thuật mà cả trong văn hóa ứng xử, đạo đức, góp phần gắn kết cộng đồng, xã hội hướng tới cái đẹp, cái thiện. Và vì Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến, bình dân phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân miền Nam Việt Nam ở miệt vườn, sông nước với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường, nên Đờn ca tài tử khuyến khích được sự sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, không chỉ với những người chơi mà cả đối với công chúng nói chung.

Đờn ca tài tử gắn kết cộng đồng từ chính bản chất của mình, ngoài ra còn thể hiện ở cách truyền dạy. Đờn ca tài tử được truyền dạy theo hai hình thức, thứ nhất là truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp kỹ thuật đờn, ca của thầy cho học trò tại nhóm, câu lạc bộ hoặc tại nhà thầy; đặc biệt rất phổ biến là hình thức truyền dạy trong gia đình, dòng họ; thứ hai là truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng (nốt ký âm theo kiểu phương Tây và chữ nhạc Việt Nam) tại một số trường văn hóa - nghệ thuật ở một số địa phương và quốc gia. Tính gắn kết cộng đồng thể hiện đậm nét ở chỗ, người học ca học những bài truyền thống trên cơ sở đó sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc cho phù hợp với bạn diễn và thẩm mỹ cộng đồng. Người đờn dạo nhạc mở đầu (rao), người ca mở đầu bằng lối nói để tạo không khí, gợi cảm hứng cho bạn diễn và người thưởng thức. Họ dùng tiếng đờn và lời ca để “đối đáp”, “phụ họa” tạo sự sinh động và hấp dẫn của dàn tấu.

IV. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ Ở CÀ MAU

1. Mặt mạnh

Qua các cuộc kiểm kê vừa qua, ta thấy được rằng đội ngũ Nghệ nhân, tài tử của tỉnh Cà Mau rất nhiều. Cả tỉnh có trên 6.000 người biết thực hành, với con số này, phong trào đờn ca tài tử sẽ được phát huy rộng rãi trong đời sống nhân dân.

Số câu lạc bộ hoạt động đờn ca tài tử ở các địa phương cũng rất nhiều, cả tỉnh có trên 600 câu lạc bộ, đội, nhóm. Đây là một sân chơi lý thú có khả năng quy tập hầu hết các nghệ nhân trên địa bàn để sinh hoạt, thực hành.

Sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với loại hình hoạt động này cũng là một lợi thế để bảo tồn và phát huy vai trò của đờn ca tài tử trong đời sống xã hội.

Lực lượng trẻ tham gia loại hình này khá đông cũng là một lợi thế trong việc bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử ở Cà Mau.

2. Mặt hạn chế

Bên cạnh những mặt mạnh mang tính ưu thế đó, thì đờn ca tài tử ở Cà Mau cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Đờn ca tài tử Nam bộ ở Cà Mau cũng gặp khó khăn như:

Các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử hầu hết được tập hợp một cách tự phát do nhu cầu tự nguyện của từng thành viên nên nguồn lực tài chính để sinh hoạt luôn phụ thuộc hoàn toàn vào sự đóng góp của các thành viên đó. Nhưng mặt bằng chung người dân ở Cà Mau hiện nay có thu nhập chưa cao điều đó cũng làm hạn chế việc sinh hoạt đối với nhiều tài tử có tay nghề nhưng thu nhập thấp.

Tổ chức sinh hoạt còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết giữa các thành viên câu lạc bộ, đội, nhóm. Các câu lạc bộ, đội, nhóm được hình thành trên cơ sở tự nguyện nên việc sinh hoạt còn tùy tiện.

Các bài bản, kỹ thuật trong buổi sinh hoạt chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, dễ gây nhàm chán. Hiện nay, các nghệ nhân đờn ca tài tử thường không ca hết câu trong một bài mà chỉ ca 1 hoặc 2 lớp, điều này đã làm cho tính chất “tài tử” dần mất đi. Người chơi không cần phải “khổ luyện” mà chỉ cần ca - đờn được một vài lớp nào đó trong các bài bản tổ là có thể “ra sân”; Việc sinh hoạt đờn - ca ở hầu hết các câu lạc bộ hiện nay chủ yếu là dựa vào nền tảng là các trích đoạn cải lương hoặc một số bài bản nhỏ, bài vọng cổ. Các bài bản tổ thường không được thực hành một cách trọn vẹn.

Cái khó trong hoạt động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở Cà Mau trong những năm qua đã bộc lộ khá rõ ràng, số lượng tài tử đờn đúng chuẩn, đúng bài bản tài tử trên thực tế còn rất ít, đa số thường chỉ được truyền nghề từ người đi trước. Đờn ca tài tử vẫn nặng tính tự phát, thiếu những cá nhân thực sự xuất sắc. Cho nên sinh hoạt chủ yếu vẫn thiên về tính phục vụ giải trí, chưa đồng đều về chất lượng nghệ thuật; việc sáng tạo nên những lòng bản mới chưa được các nghệ nhân mạnh dạn sáng tạo để phát huy tính ưu việt của bộ môn nghệ thuật này.

3. Nguyên nhân mặt mạnh

Đờn ca tài tử xuất phát từ cung đình, khi những nhạc sư không còn phục vụ triều đình, họ mang theo bộ môn nghệ thuật này về với dân gian. Nhưng chỉ có lớp người giàu có, khá giả mới có khả năng mời “thầy” về nhà để thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Do đó, lúc đầu nó chỉ chủ yếu được biểu diễn trong các tư gia hoặc phục vụ một số ít khán giả. Tuy nhiên theo thời gian và sức hấp dẫn của dòng nhạc này mà ngày nay đờn ca tài tử đã được sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ công chúng. Ở đây, trên sân khấu này, người nghệ nhân có khi là bật tài hoa phục vụ thị hiếu của khán giả. Nhưng đôi khi đó cũng chính là khán giả tham gia giao lưu với ban nhạc, với những người tài tử khác. Tính chất tài tử đó chính là một nguyên nhân cơ bản làm cho sức sống của nghệ thuật Đờn ca tài tử vẫn còn trên đất Nam bộ.

Đờn ca tài tử không chỉ phục vụ nhu cầu thực hành các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, mà nó còn mang trong mình sứ mệnh gắn kết cộng đồng. Những người chơi luôn tôn trọng, quý mến, học hỏi nhau không chỉ ở tài năng nghệ thuật mà cả trong văn hóa ứng xử, đạo đức. Lời ca tiếng đàn đã góp phần gắn kết cộng đồng, xã hội hướng con người tới cái thật, cái thiện, cái đẹp (chân - thiện - mỹ). Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến, bình dân phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân miền Nam Việt Nam ở miệt vườn, sông nước với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường, nên Đờn ca tài tử khuyến khích được sự sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, không chỉ với những người chơi mà cả đối với công chúng nói chung. Do đó, các phong trào đờn ca tài tử ở Nam bộ nói chung và ở Cà Mau nói riêng đến nay vẫn còn nhiều người thực hành, diễn xướng.

Đờn ca tài tử gắn kết cộng đồng từ chính bản chất của mình, ngoài ra còn thể hiện ở cách truyền dạy. Đờn ca tài tử được truyền dạy theo hai hình thức, thứ nhất là truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp kỹ thuật đờn, ca của thầy cho học trò tại nhóm, câu lạc bộ hoặc tại nhà thầy; đặc biệt rất phổ biến là hình thức truyền dạy trong gia đình, dòng họ; thứ hai là truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng. Tính chất truyền dạy này đã làm cho người “học như chơi” và “chơi như học”. Nó không ràng buộc khuôn phép một cách cứng nhắc.

4. Nguyên nhân hạn chế

Chưa có sự tác động tích cực từ phía nhà nước, nhất là công tác thông tin truyền thông để người dân có thể hiểu rõ vị trí vai trò của nó trong đời sống xã hội nhằm cùng với cộng đồng gắn kết bảo tồn và phát huy hoạt động này một cách sâu, rộng.

Các nhà chuyên môn, các nghệ nhân còn ít có hoạt động truyền nghề rộng rãi. Hầu hết các lớp truyền nghề đều do sự tự phát của các nghệ nhân, việc truyền nghề một cách đầy đủ các bài bản tổ vẫn còn hạn chế; chưa tổ chức được nhiều lớp truyền nghề một cách đầy đủ cho người chơi.

Chính sách đối với các nghệ nhân hiện nay còn chưa thực sự rõ ràng. Chưa thể hiện được tính đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành bộ môn này cũng là một nguyên nhân khiến sự bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử trong thời gian qua còn nhiều khó khăn. Các nghệ nhân lớn tuổi, nắm vững nhiều bí quyết trong nghề chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức, chưa được tạo điều kiện để họ truyền thụ lại kiến thức của mình cho các thế hệ sau.

Còn một nguyên nhân nữa khiến phong trào đờn ca tài tử dần mất đi tính ưu việt vốn có của nó là việc “thương mại” hóa. Người chơi đờn ca tài tử truyền thống phải được chơi một cách ngẫu hứng, không câu nệ những tiểu tiết, Nhưng với hiện tượng Đờn ca tài tử đang dần trở thành một sản phẩm dịch vụ phục vụ ở các quán ăn, nhà hàng, đám tiệc như hiện nay đã làm cho người chơi tài tử “không dám” chơi. Ở những không gian này, người ca là khách hàng còn người đàn là người phục vụ. Với mối quan hệ này thì người ca và người đàn không có sự tri âm của những bật tài tử mà chỉ chú trọng đến tính chất phục vụ. Người ca thì chỉ dám ngâm nga một vài câu, vài lớp “tủ” chứ không dám ngẫu hứng hòa nhịp đờn ca để “khoe giọng”, người đàn lại càng không dám sáng tạo lòng bản mới ngay trong các cuộc chơi để “khoe ngón đờn” điều này đã làm nhạt nhòa dần tính chất tài tử vốn có của nó.

Nhìn chung, Đờn ca tài tử được du nhập vào miền Nam từ cuối thế kỷ XIX do ba nhạc sư gốc Trung Bộ là Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi - Nhạc quan triều đình nhà Nguyễn), Trần Quang Qườn (thầy ký Qườn) và Lê Tài Khị (biệt danh Nhạc Khị) sáng tạo nên. Hiện nay, Đờn ca tài tử đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Baku. nước Cộng hoà Azerbaijan.

Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử của tỉnh Cà Mau phát triển rộng khắp. Tuy nhiên về số lượng câu lạc bộ và số người tham gia, nghệ nhân có giảm, nhưng tỷ lệ suy giảm đó không đáng kể so với mặt bằng chung về thực trạng trong toàn tỉnh và không làm cho phong trào thực hành bộ môn nghệ thuật này giảm đi.

Qua các cuộc kiểm kê vừa qua, ta thấy được rằng đội ngũ Nghệ nhân, tài tử của tỉnh Cà Mau rất nhiều. Cả tỉnh có trên 6.000 người biết thực hành, với con số này, phong trào đờn ca tài tử sẽ được phát huy rộng rãi trong đời sống nhân dân.

Bên cạnh những mặt mạnh mang tính ưu thế, thì đờn ca tài tử ở Cà Mau cũng bộc lộ những hạn chế nhất định cần được tháo gỡ. Những hạn chế đó có xuất phát điểm cơ bản từ mặt khách quan và chủ quan nhất định. Chính sách xã hội, là yếu tố khách quan cơ bản chưa làm vực dậy phong trào đờn ca tài tử ở tỉnh Cà Mau nói riêng và cả khu vực Nam bộ nói chung. Nhưng yếu tố chủ quan cơ bản tạo nên sự hạn chế trong việc bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử chính là nội tại của các nghệ nhân. Các nhà chuyên môn, các nghệ nhân còn ít có hoạt động truyền nghề rộng rãi. Hầu hết các lớp truyền nghề đều do sự tự phát của các nghệ nhân, việc truyền nghề một cách đầy đủ các bài bản tổ vẫn còn hạn chế; chưa tổ chức được nhiều lớp truyền nghề một cách đầy đủ cho người chơi.

Phần III

MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

1. Đề án bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử là nhằm góp phần bảo tồn và phát huy tích cực những nét nổi bật của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và của Cà Mau nói riêng. Đồng thời nhằm thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, giai đoạn 2014-2020 của Thủ tướng Chính phủ;

2. Mục tiêu của đề án là nhằm tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật to lớn của Đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời góp phần thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới;

3. Thông qua đề án, có thêm cơ hội tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương; phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước;

4. Nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội về công tác bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng nội dung tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử cho 100% các Ban chủ nhiệm các ấp, khóm;

- Tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử 01 năm/01 lần đối với cấp xã; 02 năm/01 lần đối với cấp huyện và 03 năm /01 lần đối với cấp tỉnh;

- Hai năm một lần tham gia Liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh (Bạc Liêu-Sóc Trăng- Cà Mau);

- Hoàn thành công tác sưu tầm, kiểm kê, phân loại phục vụ cho việc bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh;

- Hằng năm xét đề nghị khen thưởng, biểu dương cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tại các địa phương;

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử nhằm tạo sức lan tỏa của bộ môn này trong cộng đồng;

- Tham gia xây dựng kể cả đề xuất việc xây dựng cơ chế, chính sách (ưu đãi đặc thù) đối với những người có công trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử. đặc biệt là những người nắm giữ, có khả năng truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung

Đề án bao gồm các nội dung như sau:

1.1. Công tác điều tra, kiểm kê, phân loại nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

- Nội dung: Thực hiện theo Hướng dẫn tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 về Quy định kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cụ thể: điều tra, kiểm kê số câu lạc bộ; số người đang nắm giữ di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử; số người có khả năng truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử, kiểm kê nhạc cụ Đờn ca tài tử. Sau khi kiểm kê lập hồ sơ lưu giữ.

- Tư liệu hóa sau khi kiểm kê: phỏng vấn, ghi âm, ghi hình nhằm lập hồ sơ lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài di sản Đờn ca tài tử. Cụ thể;

+ Hoạt động phỏng vấn: thực hiện phỏng vấn 09 nghệ nhân tiêu biểu, có thời gian hoạt động lâu năm và kinh nghiệm trong hoạt động Đờn ca tài tử tại các huyện, thành phố.

+ Hoạt động ghi âm, ghi hình: sưu tầm, biên soạn 02 phóng sự chuyên đề về thực trạng, quá trình phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau.

- Thời gian: năm 2015 (sau khi Đề án được phê duyệt).

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Văn học nghệ thuật, UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.2. Hội nghị triển khai đề án, hội nghị sơ kết, tổng kết, công tác kiểm tra, giám sát

1.2.1. Tổ chức Hội nghị triển khai Đề án:

- Nội dung: Triển khai toàn bộ các nội dung của Đề án.

- Thời gian: năm 2015. Sau khi Đề án được phê duyệt.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan, UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.2.2. Tổ chức Hội nghị sơ kết:

Nội dung: Báo cáo kiểm điểm kết quả thực hiện đề án và đánh giá thuận lợi, khó khăn và những đề xuất giải pháp.

- Thời gian: năm 2017.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan, UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.2.3. Tổ chức Hội nghị tổng kết:

- Nội dung: Báo cáo kiểm điểm kết quả thực hiện đề án; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng, duy trì các mô hình, hoạt động có hiệu quả.

- Thời gian: năm 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan, UBND các huyện thành phố Cà Mau.

1.2.4. Công tác kiểm tra, giám sát:

- Nội dung: Hoạt động theo dõi, kiểm tra, đánh giá tác động của đề án.

- Thời gian: từ năm 2016 đến 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố Cà Mau.

1.3. Công tác tập huấn, tuyên truyền, quảng bá

1.3.1. Công tác tập huấn:

- Nội dung: Mở các lớp tập huấn theo phương thức hướng dẫn thực hành và truyền nghề.

- Thời gian: năm 2016, năm 2018.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện và thành phố Cà Mau, Hội Văn học Nghệ thuật.

1.3.2. Công tác tuyên truyền, quảng bá:

- Hình thức: In tờ rơi, tập sách, đĩa; xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên Đài Phát thanh - Truyền hình; Báo Cà Mau; Báo ảnh Đất Mũi; Cổng thông tin Điện tử tỉnh và Web của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Nội dung: Giới thiệu các hoạt động tiêu biểu của nghệ thuật Đờn ca tài tử trong tỉnh.

- Thời gian: từ 2016 đến 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.4. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Cà Mau:

1.4.1. Củng cố, nâng chất và thành lập các câu lạc bộ Đờn ca tài tử:

- Nội dung: Củng cố, nâng chất các câu lạc bộ còn yếu; thành lập các câu lạc bộ mới tại các khu, điểm du lịch.

- Thời gian: năm 2016 đến năm 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện và thành phố Cà Mau, các khu, điểm du lịch trong tỉnh.

1.4.2. Đầu tư trang thiết bị:

- Nội dung: Đầu tư nhạc cụ đờn ca tài tử cho các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, tiêu biểu tại 09 huyện và thành phố Cà Mau.

- Thời gian: năm 2016, năm 2017.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.4.3. Tổ chức Hội thi sáng tác lời mới trong 20 bài bản tổ:

- Nội dung: Phát động rộng rãi đến các tác giả chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau tham gia hưởng ứng cuộc thi sáng tác lời mới trong 20 bài bản Tổ.

- Thời gian: năm 2016, năm 2018, năm 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.4.4. Tổ chức thi tìm hiểu Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ:

- Hình thức: phối hợp giữa thi viết và thuyết trình.

- Nội dung: Tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; đặc trưng, cấu trúc các bài bản Đờn ca tài tử,v...

- Thời gian: năm 2016, năm 2018, năm 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.4.5. Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử:

- Nội dung: Thi diễn tài tử Đờn, tài tử Ca trong 20 bài bản Tổ.

- Thời gian: cấp xã: mỗi năm/01 lần, từ năm 2016 đến năm 2020; cấp huyện: 02 năm/01 lần: 2016, 2018, 2020; cấp tỉnh: 03 năm/01 lần. Thời gian: 2017, 2020.

- Chủ trì: cấp xã do UBND xã tổ chức; cấp huyện, thành phố do Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện, thành phố tham mưu, tổ chức; cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, tổ chức.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.4.6. Tham gia liên hoan, cấp khu vực và toàn quốc:

- Nội dung: Theo kế hoạch, thông báo thể lệ của cuộc thi.

- Thời gian: Theo kế hoạch, thông báo của đơn vị tổ chức.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

1.4.7. Công nhận các câu lạc bộ Đờn ca tài tử tiêu biểu; Nghệ nhân tiêu hiểu; Nghệ nhân ưu tú:

- Nội dung: Tổ chức các hoạt động để bình chọn các câu lạc bộ và tài tử đờn, tài tử ca có thành tích xuất sắc để công nhận.

- Thời gian: năm 2017, năm 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Hội đồng xét tặng cấp tỉnh.

1.4.8. Xây dựng Phòng trưng bày Nghệ thuật Đờn ca tài tử:

- Nội dung: Sưu tầm và trưng bày các hiện vật, tài liệu, hình ảnh về hoạt động Đờn ca tài tử của tỉnh tại Bảo Tàng tỉnh Cà Mau.

- Thời gian: năm 2016 đến năm 2020.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện và thành phố Cà Mau, Hội Văn học Nghệ thuật.

1.5. Cơ chế, chính sách đãi ngộ Nghệ nhân tiêu biểu, nghệ nhân ưu tú

- Nội dung: Tham mưu, xây dựng, vận dụng thích hợp các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ về vật chất, điều kiện hoạt động góp phần động viên tinh thần của các Nghệ nhân.

- Thời gian: năm 2016, năm 2018.

- Chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ngành, cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh; UBND các huyện và thành phố Cà Mau.

2. Giải pháp thực hiện

- Đưa hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử vào kế hoạch công tác hàng năm của các Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện và thành phố Cà Mau để hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện. Phát huy vai trò chủ trì của Trung tâm Văn hóa tỉnh trong việc chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong hệ thống câu lạc bộ Đờn ca tài tử trong tỉnh.

- Tiếp tục tổ chức và nhân rộng các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, gắn với hoạt động củng cố, nâng chất.

- Gắn kết chặt chẽ giữa việc duy trì, phát huy các hoạt động hiện hữu với việc mở các lớp hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nghệ thuật Đờn ca tài tử. Bước đầu dành cho đối tượng là Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ; Đội trưởng các ban nhạc, các nghệ nhân tiêu biểu để làm nòng cốt hướng dẫn cho cơ sở.

- Xây dựng phong trào ở những nơi có nhân tố mới ngay sau các đợt liên hoan, hội diễn, hội thi bằng cách đưa các đội, Câu lạc bộ mạnh, tiêu biểu đi tổ chức biểu diễn giao lưu.

- Đổi mới, phong phú hóa nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm bằng các hình thức: hội thi, liên hoan hay hình thức đố vui khác có nội dung về nghệ thuật Đờn ca tài tử; Mời các Nghệ nhân dân gian, các nhà nghiên cứu nói chuyện, cung cấp kiến thức về âm nhạc Đờn ca tài tử Nam bộ kết hợp với phổ biến tài liệu về cơ sở.

- Đa dạng hóa nguồn kinh phí để duy trì và phát huy hoạt động nghệ thuật Đờn ca tài tử, trong đó chú trọng đến nguồn xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực trong triển khai thực hiện Đề án.

- Thực hiện tốt công tác khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, có thành ích cao trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh, kịp thời động viên và thúc đẩy phong trào phát triển.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Ngân sách tỉnh và nguồn vận động xã hội hóa hàng năm.

Tổng kinh phí: 5.164.000.000 đồng (Năm tỷ, một trăm sáu mươi bốn triệu đồng chẵn). Trong đó:

- Kinh phí năm 2015:

214.000.000 đồng;

+ Ngân sách tỉnh:

214.000.000 đồng;

- Kinh phí năm 2016:

1.520.000.000 đồng;

+ Ngân sách tỉnh:

1.020.000.000 đồng;

+ Xã hội hóa:

500.000.000 đồng;

- Kinh phí năm 2017:

1.520.000.000 đồng;

+ Ngân sách tỉnh:

1.020.000.000 đồng;

+ Xã hội hóa:

500.000.000 đồng;

- Kinh phí năm 2018:

620.000.000 đồng;

+ Ngân sách tỉnh:

620.000.000 đồng;

- Kinh phí năm 2019:

170.000.000 đồng;

+ Ngân sách tỉnh:

170.000.000 đồng;

Kinh phí năm 2020:

1.120.000.000 đồng;

+ Ngân sách tỉnh:

1.120.000.000 đồng,

(Kèm theo dự toán chi tiết).

Hàng năm, tùy theo tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khả năng cân đối của ngân sách và các nguồn hợp pháp khác; trên cơ sở tiến độ thực hiện của Đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự toán kinh phí phối hợp với Sở Tài Chính trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Đề án; xây dựng kế hoạch, dự án và dự toán kinh phí cụ thể cho từng nội dung đã được xác định trình cấp thẩm quyền phê duyệt;

- Nghiên cứu đề xuất việc xây dựng và ban hành chế độ chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân Đờn ca tài tử; tôn vinh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong phong trào đờn ca tài tử của địa phương;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch chỉ đạo thí điểm việc đưa bộ môn Nghệ thuật Đờn ca tài tử vào giảng dạy trong các trường phổ thông, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các giáo viên, nghệ nhân có khả năng truyền dạy bộ môn này;

- Xây dựng nội dung tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng cư dân về bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức Đoàn, Hội; xem đây là một trong những nội dung hoạt động và thi đua khen thưởng của tổ chức Mặt trận và các đoàn thể hàng năm;

- Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động Hội thi, liên hoan giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ cấp tỉnh và thành lập các Đội, Nhóm tham dự liên hoan cấp khu vực và toàn quốc. Chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống cấp huyện và cơ sở tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu truyền dạy Đờn ca tài tử Nam Bộ;

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ nhân, nghệ sỹ, giáo viên, cộng tác viên có khả năng truyền dạy để không ngừng nâng cao về số lượng và cả về chất lượng truyền dạy Đờn ca tài tử Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong tỉnh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thí điểm việc truyền dạy bộ môn Đờn ca tài tử Nam Bộ trong hệ thống trường học;

- Tổ chức điều tra, kiểm kê, đánh giá kết quả hoạt động Đờn ca tài tử trong tỉnh. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ;

- Phối hợp tham mưu xây dựng “Quỹ hỗ trợ phát triển Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau” nhằm phát huy công tác xã hội hóa.

2. Sở Nội Vụ

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và phong tặng danh hiệu nhà nước cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử Nam Bộ trong tỉnh có nhiều đóng góp xuất sắc;

- Phối hợp tham mưu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia công tác truyền dạy và học tập loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và triển khai công tác truyền dạy bộ môn Đờn ca tài tử Nam Bộ trong hệ thống trường học đảm bảo tính hợp lý và khoa học trong chương trình giảng dạy học sinh, sinh viên;

- Có kế hoạch từng bước đào tạo, bồi dưỡng cho các giáo viên, nghệ nhân có khả năng truyền dạy trong nhà trường để đủ lực lượng đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong công tác truyền dạy tại các trường học trong tỉnh.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên Báo, Đài, Cổng thông tin điện tử về các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan xem xét cân đối, tham mưu thẩm định, đề xuất UBND tỉnh về nguồn kinh phí trong tổ chức thực hiện Đề án theo lộ trình và mục tiêu đã đề ra; hướng dẫn công tác thu, chi, quyết toán tài chính theo đúng qui định.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục các bài viết, tin ảnh, phóng sự, tài liệu tuyên truyền, phản ánh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh;

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tổ chức các chương trình Liên hoan, Hội thi, Hội diễn theo kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh.

7. Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các Sở, ngành liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và tích cực hưởng ứng các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần thực hiện thành công đề án.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau

- Căn cứ Đề án này, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy các giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở địa phương mình. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia hưởng ứng phong trào Đờn ca tài tử Nam Bộ, phấn đấu mỗi người dân biết ca một bài vọng cổ và từ một đến hai bài trong 20 bài bản Tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử;

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các loại hình hoạt động Hội thi, Liên hoan, giao lưu trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ hàng năm tại cơ sở và cấp huyện, đồng thời thành lập các đội, nhóm tham dự Hội thi, liên hoan do tỉnh tổ chức;

- Chỉ đạo công tác điều tra, kiểm kê, đánh giá kết quả hoạt động Đờn ca tài tử tại địa phương, tổ chức. Biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại địa phương;

- Chỉ đạo hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở thường xuyên duy trì và phát triển các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử Nam Bộ; đồng thời dành một phần kinh phí hỗ trợ để nuôi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử ở cơ sở./.