Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2023/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 19 tháng 12 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;
Căn cứ Luật Du lịch năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Du lịch;
Căn cứ Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về công tác quản lý đối với các hoạt động tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là điểm du lịch theo quy định của Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch (sau đây gọi là điểm du lịch).
2. Các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là UBND cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã); các doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức và cá nhân quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
3. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài, cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý điểm du lịch
1. Đơn vị quản lý điểm du lịch thành lập Ban quản lý điểm du lịch. Việc thành lập Ban quản lý điểm du lịch thực hiện theo Điều 4 Quy chế này.
2. Mỗi điểm du lịch có hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Hoạt động hướng dẫn viên du lịch tại điểm thực hiện theo khoản 7 Điều 8 Quy chế này.
3. Các hoạt động kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên tại điểm du lịch phải bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; không được phá vỡ môi trường cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái động, thực vật; không làm ảnh hưởng đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
4. Nguồn tài chính phục vụ hoạt động quản lý điểm du lịch bao gồm:
a) Nguồn thu được trích giữ lại từ phí tham quan du lịch theo quy định của pháp luật (nếu có);
b) Các khoản thu hợp pháp từ hoạt động dịch vụ tại điểm du lịch, từ hoạt động quản lý, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa trong điểm du lịch;
c) Nguồn tài trợ và đóng góp tự nguyện hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; các nguồn tài chính hợp pháp khác;
d) Đối với Ban quản lý điểm du lịch là đơn vị sự nghiệp công lập, việc sử dụng phí tham quan được trích từ khoản thu do các hoạt động dịch vụ tại điểm du lịch được thực hiện theo các quy định về sử dụng nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện hành.
5. Các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh; UBND cấp huyện; UBND các xã có trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các điểm du lịch theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
6. Các nguyên tắc quản lý điểm du lịch khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRONG ĐIỂM DU LỊCH
Điều 4. Ban quản lý điểm du lịch
1. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thành lập Ban quản lý. Ban quản lý điểm du lịch có trách nhiệm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt; quản lý hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật và quy chế này.
2. Việc thành lập Ban Quản lý điểm du lịch được thống nhất thực hiện như sau:
a) Đối với các điểm du lịch do nhà nước đầu tư hình thành, cơ quan được giao quản lý điểm du lịch có trách nhiệm thành lập Ban quản lý điểm du lịch, trừ các điểm du lịch là các di tích đã được UBND tỉnh phân cấp giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý trực tiếp;
b) Đối với các di tích được công nhận là điểm du lịch, Ban quản lý di tích địa phương (được thành lập hợp pháp) đồng thời là Ban quản lý điểm du lịch, có chức năng, nhiệm vụ quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và quản lý điểm du lịch theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND, ngày 06 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh và các quy định của Quy chế này;
c) Đối với các điểm du lịch do tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư hình thành, thì tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trực tiếp quyết định thành lập Ban quản lý (hoặc Đơn vị quản lý) điểm du lịch và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện công tác quản lý điểm du lịch theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
d) Đối với điểm du lịch cộng đồng là các thôn, làng cụ thể. UBND cấp huyện quản lý uỷ quyền UBND cấp xã nơi có điểm du lịch cộng đồng trực tiếp thành lập Ban quản lý điểm du lịch và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý, đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch theo quy định của pháp luật và quy chế này.
Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch được quy định tại Điều 25 Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017, cụ thể như sau:
1. Quyền hạn của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch:
a) Đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch;
b) Ban hành nội quy; tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch;
c) Tổ chức dịch vụ hướng dẫn; quy định, quản lý việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi quản lý;
d) Được thu phí theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch:
a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017;
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan;
c) Quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý;
d) Bảo đảm an toàn cho khách du lịch, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường tại điểm du lịch;
đ) Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý.
e) Tham gia các hoạt động về du lịch có liên quan; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định cho cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Quy định đối với du khách tại các điểm du lịch
1. Khách du lịch khi đến tham quan du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, thực hiện nội quy và hướng dẫn của Ban quản lý điểm du lịch và quy định tại Quy chế này.
2. Khách du lịch tại điểm du lịch thực hiện ứng xử văn minh du lịch, tôn trọng phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương, sử dụng trang phục lịch sự, nghiêm túc phù hợp khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm; có ý thức bảo vệ, không có hành vi làm tổn hại đến các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và môi trường; giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.
3. Khách đến các điểm du lịch không tuyên truyền, phát tán tài liệu, sách, báo mà Nhà nước cấm; không xuyên tạc giá trị văn hoá, lịch sử điểm đến, không mang theo và sử dụng các chất dễ cháy nổ, các loại vũ khí quân dụng, các chất cấm.
4. Khách có quyền kiến nghị với Ban quản lý điểm du lịch, với cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của khách du lịch.
Điều 7. Quy định đối với cộng đồng dân cư địa phương điểm du lịch
1. Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động điểm du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
2. Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để tham gia đầu tư phát triển điểm du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
3. Ứng xử văn minh với khách du lịch. Không thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.
Điều 8. Quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch
1. Kinh doanh dịch vụ du lịch bao gồm: Dịch vụ lữ hành, vận tải khách du lịch, lưu trú du lịch, hướng dẫn viên và các loại hình dịch vụ du lịch khác như: ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, trình diễn văn hóa, nghệ thuật, trình diễn nghề thủ công, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.
2. Các tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh dịch vụ trong điểm du lịch phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành; đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định và phải thực hiện các nội dung sau:
a) Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật và kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh, trừ các trường hợp không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn, nghĩa vụ đối với từng loại hình dịch vụ du lịch và các nội dung của quy định này. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong điểm du lịch đăng ký cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (gồm các dịch vụ: ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe…);
c) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ (kể cả đối với các cơ sở sản xuất, cung cấp nguyên liệu, sản phẩm, phục vụ khách du lịch trong điểm du lịch);
d) Không được sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức, cá nhân khác; không cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tư cách pháp nhân của mình;
đ) Bán hàng đúng nơi quy định. Thực hiện niêm yết công khai chất lượng, giá dịch vụ và bán đúng giá niêm yết; tổ chức đón tiếp, phục vụ khách với thái độ thân thiện, lịch sự, hòa nhã, không được tranh giành, đeo bám, chèo kéo khách gây phản cảm hoặc làm mất trật tự an ninh trong điểm du lịch;
e) Các phương tiện vận chuyển khách du lịch trong điểm du lịch phải được đăng ký và quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch của điểm du lịch của địa phương đã được phê duyệt; không được phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên; không làm ảnh hưởng đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện đúng quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và quy định này.
4. Cung cấp đầy đủ thông tin cho khách về quy định bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường; không để khách lợi dụng hoạt động du lịch làm xâm hại đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc; phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương về các hành vi gây tổn hại đến an ninh trật tự, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa.
5. Các tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành đưa khách tham quan, nghỉ dưỡng trong điểm du lịch phải thực hiện đúng theo chương trình; kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch, vui chơi, giải trí, thể thao phải thực hiện niêm yết quy định rõ về độ tuổi và những người không được phép tham gia, tổ chức quản lý, bảo vệ tài sản, tính mạng và mua bảo hiểm cho khách du lịch tham quan và tham gia các hoạt động dịch vụ.
6. Bãi đỗ xe phục vụ hoạt động du lịch phải được xây dựng theo quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép khi có yêu cầu cần thiết, nhưng phải đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
7. Hướng dẫn viên du lịch được hành nghề tại điểm du lịch khi đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017, có thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm và các quy định của pháp luật về hoạt động hướng dẫn viên hiện hành; có trách nhiệm tuân thủ các quy định và hướng dẫn khách du lịch thực hiện các quy định tại điểm du lịch; tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương nơi đến tham quan, du lịch; phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý điểm du lịch.
8. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch tại các điểm du lịch thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh du lịch theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 03 năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 9. Quy định về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển và xây dựng điểm du lịch
1. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong điểm du lịch thực hiện theo quy hoạch hoặc đề án phát triển du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố; chịu sự kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư về nội dung và tiến độ thực hiện dự án theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các dự án đầu tư xây dựng điểm du lịch thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật xây dựng, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và khai thác sử dụng hiệu quả các tài nguyên du lịch; thực hiện đầy đủ các quy định về công tác phòng chống cháy nổ; an toàn giao thông; an ninh, trật tự; cứu hộ, cứu nạn; các điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho khách tham quan du lịch.
Điều 10. Quy định việc đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch
1. Về tài nguyên đất: Tổ chức, cá nhân được giao sử dụng đất vào mục đích xây dựng các công trình phát triển du lịch trong các điểm du lịch, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, Luật Du lịch, Luật Di sản văn hoá hiện hành và các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, còn phải chấp hành nghiêm các quy định sau:
a) Tuân thủ quy hoạch, đề án phát triển du lịch của tỉnh, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Sử dụng đất đúng mục đích, đúng diện tích được giao; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường du lịch;
c) Trong thời hạn thuê đất, thuê môi trường rừng (nếu có) mà ngừng hoạt động kinh doanh du lịch hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất, sử dụng môi trường rừng phải có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, cho thuê môi trường rừng để xem xét giải quyết;
d) Sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc cho thuê đất, cho thuê môi trường rừng, trong thời gian quy định mà chủ dự án không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm gây lãng phí, sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật hiện hành;
Các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp trong các điểm du lịch không được tự ý chặt phá các loại cây xanh lâu năm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng cây xanh trong các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh;
đ) Khi hết thời hạn thuê đất, thuê môi trường rừng, nếu có nhu cầu thuê đất, thuê môi trường rừng tiếp tục thì tổ chức, cá nhân phải làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định;
Đối với việc hoạt động du lịch sinh thái trong các khu rừng phải xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt; các tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải lập dự án theo quy định của pháp luật, phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu rừng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng. Việc quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật.
2. Tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn trong các điểm du lịch được thực hiện theo các quy định sau:
a) Tài nguyên trong các điểm du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo, khai thác và sử dụng có hiệu quả để phát triển du lịch gắn với xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh địa phương;
b) Nghiêm cấm xả các loại chất thải, rác thải gây hủy hoại môi trường tự nhiên, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa;
c) Khách du lịch, cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc; không được tự ý tháo dỡ một số chi tiết thuộc tổng thể di tích hoặc chặt phá cây xanh lâu năm trong điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa. Trường hợp bất khả kháng buộc phải tháo dỡ, chặt hạ phải có lý do chính đáng và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Điều 11. Quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường trong điểm du lịch
1. Môi trường trong điểm du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, bền vững;
2. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường và các quy định sau:
a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát;
b) Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; không xả rác, chất thải, xác động vật... xuống ao, hồ, sông, ngòi tại các điểm du lịch;
c) Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý;
d) Bảo vệ không chặt phá cây xanh lâu năm, cây gỗ quý trong điểm du lịch, khi xây dựng hoặc cải tạo mặt bằng cần chặt cây trồng lâu năm phải được cấp có thẩm quyền cho phép;
đ) Không thả dông gia súc, gia cầm trong các điểm du lịch;
e) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Quy định về gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa tại điểm du lịch
1. Ban quản lý điểm du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại điểm du lịch, khách du lịch, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình công cộng; giữ gìn phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp và phát huy nghề thủ công truyền thống; thực hiện nếp sống văn hóa trong giao tiếp ứng xử góp phần xây dựng môi trường văn hóa du lịch văn minh (theo Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch ban hành kèm theo Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
2. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động văn hóa tại các điểm du lịch phải tuân thủ quy định về quản lý đối với di sản văn hóa và dịch vụ văn hóa. Việc tổ chức khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ kinh doanh du lịch phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3. Khuyến khích các điểm du lịch sử dụng bộ nhận diện hình ảnh địa phương Bắc Ninh và định vị hình ảnh đặc trưng của điểm du lịch để thiết kế trang phục truyền thống cho nhân viên của đơn vị khi phục vụ khách du lịch; khuyến khích các điểm du lịch tham gia đầu tư bảo tồn và khai thác phát huy di sản văn hóa truyền thống, phát triển các câu lạc bộ sử dụng và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật, trò chơi dân gian, nghề truyền thống… của tỉnh Bắc Ninh trong phục vụ khách du lịch.
Điều 13. Quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, an ninh trật tự, an toàn cho du khách
Ban quản lý các điểm du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch chấp hành đầy đủ các quy định về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, an ninh trật tự, an toàn trong điểm du lịch và có trách nhiệm như sau:
1. Xây dựng các phương án bảo đảm trật tự, an toàn cho khách du lịch; có biện pháp phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn và công tác phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan y tế của địa phương. Có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng ở địa phương thành lập tổ, đội tự quản về an ninh trật tự và tổ chức tập huấn định kỳ kiến thức pháp luật cho đội viên, hội viên.
2. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho khách tham quan du lịch khi tham gia các dịch vụ; có trách nhiệm và biện pháp cảnh báo nguy cơ gây nguy hiểm cho khách du lịch; thông báo, chỉ dẫn kịp thời cho khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch.
3. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng ở địa phương thành lập tổ, đội tự quản về an ninh trật tự và tổ chức tập huấn định kỳ kiến thức pháp luật đối với đội viên, hội viên.
4. Công khai số điện thoại để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, góp ý của khách du lịch và người dân.
5. Có kế hoạch, phương án và các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật.
6. Tuân thủ những quy định của pháp luật về an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội; bảo đảm hoạt động trong các điểm du lịch không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; có trách nhiệm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho khách du lịch.
7. Bố trí, lắp đặt camera giám sát ở điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nơi thường xuyên tập trung đông du khách và phân công lực lượng trực theo dõi để phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi gây mất an ninh trật tự.
8. Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch trong điểm du lịch phải bảo đảm quy định tại Điều 8, 9, 10 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
9. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống tại điểm du lịch bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
10. Các cơ sở lưu trú du lịch trong điểm du lịch thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các cấp, các ngành
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch phát triển điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; phối hợp kiểm tra, giám sát nội dung, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tham mưu thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận điểm du lịch;
c) Thực hiện quản lý nhà nước các hoạt động dịch vụ tại điểm du lịch; thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong việc chấp hành các quy định đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú, hướng dẫn viên du lịch, thể thao, văn hóa, vui chơi, giải trí và dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch trong điểm du lịch; kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về quản lý điểm du lịch;
d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh;
đ) Chủ trì, hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện Quy chế này.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự kiến bố trí mức vốn cho các chương trình dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch các điểm du lịch sử dụng vốn đầu tư công; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách và quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư tại các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các điểm du lịch.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh theo lĩnh vực quản lý của ngành; hướng dẫn thủ tục đất đai, môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện việc kiểm tra sử dụng đất, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường đối với các điểm du lịch theo thẩm quyền.
4. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, hướng dẫn công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các điểm du lịch để lập dự án đầu tư; hướng dẫn, thẩm định thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện kiểm tra, xử lý các vi phạm về xây dựng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý, thẩm định, cấp phép đối với các hoạt động, dự án đầu tư phát triển các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực Ngành quản lý;
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện hướng dẫn, hỗ trợ phát triển hệ thống giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại điểm du lịch; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất tạo ra các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp đặc sản phục vụ du lịch;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các điểm du lịch tham gia khôi phục, duy trì các nghề truyền thống để tạo ra sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh phục vụ nhu cầu khách du lịch.
6. Sở Giao thông Vận tải
a) Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh về phương án phát triển đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch; quy hoạch, cấp phép các bến, bãi đỗ xe tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; thỏa thuận việc xây dựng, cấp phép hoạt động các bến thủy nội địa tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh;
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch đến các điểm du lịch; các phương tiện vận chuyển khách tại các điểm du lịch có liên quan đến hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy nội địa theo thẩm quyền; kiểm tra các bến, bãi và điểm dừng đỗ phương tiện, xử lý vi phạm đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định của pháp luật.
7. Sở Y tế
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các điểm du lịch thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh; xây dựng phương án cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo về y tế cho khách du lịch.
8. Sở Tài chính
a) Phối hợp, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh;
b) Phối hợp, kiểm tra việc sử dụng các nguồn kinh phí thu được trong hoạt động của các điểm du lịch theo quy định.
9. Công an tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành địa phương trong quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự tại điểm du lịch. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong thực hiện các quy định về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
b) Tham gia ý kiến về lĩnh vực an ninh trật tự trong thẩm định hồ sơ cấp phép các điểm du lịch có yếu tố nước ngoài; quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại điểm du lịch... cấp phép an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh có đủ điều kiện.
c) Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng kế hoạch đảm bảo An ninh trật tự và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, nhân dân về các quy định của pháp luật về an ninh trật tự tại các điểm du lịch.
10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đầu tư phát triển du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có liên quan đến an ninh, quốc phòng.
11. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động viễn thông tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền pháp luật quy định.
12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống các tệ nạn xã hội và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn có đủ điều kiện làm việc tại các điểm du lịch; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cho các điểm du lịch.
13. Sở Công Thương
Tham gia ý kiến thẩm định đối với hệ thống cấp điện cho các dự án đầu tư xây dựng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
14. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, không có bảng niêm yết giá hoặc bán hàng cao hơn giá niêm yết... tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
15. Cục Thuế tỉnh
a) Hướng dẫn việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ; kiểm tra, thanh tra về hoá đơn, xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn theo quy định;
b) Thực hiện quản lý thuế đối với các các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trong điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
16. Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh các biện pháp quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh;
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các điểm du lịch thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm tại các điểm du lịch;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tính an toàn của thực phẩm cũng như xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
17. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Phối hợp các ngành chức năng giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển các điểm du lịch trên địa bàn đúng quy hoạch, đề án đã được phê duyệt; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trong điểm du lịch theo quy định;
b) Chỉ đạo các ngành chức năng trực thuộc, UBND cấp xã phối hợp các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên du lịch, bảo vệ, tôn tạo, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch; xây dựng môi trường du lịch trong các điểm du lịch xanh, sạch, đẹp;
c) Thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn theo quy định; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên du lịch; giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong điểm du lịch trên địa bàn;
d) Chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong các điểm du lịch trên địa bàn theo thẩm quyền;
đ) Hằng năm tổng hợp báo cáo công tác quản lý điểm du lịch gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo quy định.
18. UBND các xã, phường, thị trấn
a) Quản lý tài nguyên du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn du lịch trên địa bàn.
b) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm tại điểm du lịch, nơi tập trung nhiều khách du lịch.
c) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để bảo đảm môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh.
d) Tổ chức bố trí nơi dừng, đỗ cho các phương tiện giao thông đã được cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch để tiếp cận điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn vào điểm du lịch.
đ) Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch.
e) Hằng năm tổng hợp báo cáo công tác quản lý điểm du lịch gửi UBND huyện, thị xã, thành phố heo quy định.
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
19. Hiệp Hội Du lịch Bắc Ninh
a) Vận động các điểm du lịch tích cực tham gia các sự kiện du lịch do tỉnh tổ chức như Hội chợ - triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, hình ảnh du lịch Bắc Ninh đến du khách trong nước và khách quốc tế, nhất là các điểm du lịch có sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn để thu hút du khách;
b) Vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành xây dựng các chương trình du lịch để phục vụ du khách; tăng cường liên kết với các đơn vị lữ hành của các tỉnh, thành phố để khai thác các tiềm năng du lịch của tỉnh nhà, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết hình thành các chuỗi cung cấp sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
20. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh
a) Tham mưu thành lập Ban quản lý và thực hiện công tác quản lý điểm du lịch theo nội dung quy định của Quy chế này;
b) Xây dựng Nội quy, Quy chế hoạt động của Ban quản lý điểm du lịch và thực hiện quản lý, kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật. Xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn nội bộ về giao thông các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan; bố trí thuyết minh về điểm du lịch, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch;
c) Niêm yết Nội quy của điểm du lịch tại những nơi dễ nhìn, dễ thấy để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, cộng đồng dân cư và du khách biết thực hiện đảm bảo an toàn cho khách du lịch;
d) Tổ chức dịch vụ hướng dẫn; quản lý và sử dụng hướng dẫn viên du lịch tại điểm trong phạm vi quản lý theo quy định;
đ) Phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch báo cáo chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật;
e) Tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý.
21. Tổ chức, cá nhân liên quan
Các tổ chức, cá nhân là công dân có quốc tịch Việt Nam, hoặc người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm thực hiện các quy định trong việc quản lý điểm du lịch theo quy định của pháp luật và quy chế này.
Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm
a) Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt các điều, khoản của Quy chế này góp phần xây dựng và phát triển các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
- 1Quyết định 781/QĐ-UBND năm 2017 Quy chế quản lý hoạt động du lịch trong vùng Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
- 2Quyết định 01/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng
- 3Quyết định 18/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý khu du lịch, điểm du lịch do thành phố Cần Thơ ban hành
- 4Quyết định 09/2024/QĐ-UBND về Quy định mô hình quản lý điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh An Giang
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Luật đất đai 2013
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 5Luật Du lịch 2017
- 6Quyết định 718/QĐ-BVHTTDL về Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 7Quyết định 781/QĐ-UBND năm 2017 Quy chế quản lý hoạt động du lịch trong vùng Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
- 8Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch
- 9Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL về hướng dẫn Luật Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 10Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
- 11Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 12Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
- 13Quyết định 01/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng
- 14Quyết định 18/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý khu du lịch, điểm du lịch do thành phố Cần Thơ ban hành
- 15Quyết định 10/2021/QĐ-UBND quy định về Quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 16Quyết định 09/2024/QĐ-UBND về Quy định mô hình quản lý điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh An Giang
Quyết định 26/2023/QĐ-UBND về Quy chế quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- Số hiệu: 26/2023/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/12/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Vương Quốc Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra