- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 6Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 7Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2022/QĐ-UBND | Hậu Giang, ngày 15 tháng 7 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 7 năm 2022. Bãi bỏ Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 Quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ban hành kèm theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI, PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT; CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÂN LOẠI RIÊNG CHẤT THẢI NGUY HẠI TRONG CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT PHÁT SINH TỪ HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Kèm theo Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Quy định này quy định chung về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, nước thải, bụi, khí thải; phân loại chất thải rắn sinh hoạt; quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến việc quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài có hoạt động liên quan đến chất thải trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
1. Trạm trung chuyển là nơi tập kết và lưu giữ chất thải tạm thời để chuyển lên xe và vận chuyển đến khu xử lý chất thải tập trung.
2. Nước rỉ rác là nước phát sinh từ độ ẩm của chất thải rắn từ quá trình lưu giữ, phân hủy sinh học các chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học và lượng nước từ bên ngoài xâm nhập vào chất thải rắn sinh hoạt trong quá trình lưu chứa, vận chuyển, xử lý (nếu có).
3. Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương là Tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 4. Yêu cầu chung về quản lý chất thải
1. Chất thải phát sinh phải được quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu trữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường, yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải.
3. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.
4. Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải phải tuân thủ theo quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan.
5. Khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải; việc đầu tư mới các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo hướng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải.
6. Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải có trách nhiệm nộp phí, giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật (trừ chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng theo quy định của pháp luật).
7. Khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải phải tuân theo quy định của pháp luật.
8. Việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 56 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
9. Việc phòng ngừa, giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và xử lý nước thải phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại tại Điều 57 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN
Điều 5. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn để tái sử dụng, tái chế nhằm giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý. Cụ thể các nhóm như sau:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: giấy; nhựa; kim loại; cao su, ni lông; chất thải rắn khác có khả năng tái sử dụng, tái chế, đồng thời không có chứa yếu tố độc hại.
b) Chất thải thực phẩm: thức ăn thừa; lá cây, rau, củ, quả; xác động vật; chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy, đồng thời không có chứa yếu tố độc hại.
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác (các loại rác còn lại trừ chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải nguy hại): chén, dĩa bể; đầu tàn thuốc lá; chất thải rắn khác không có chứa yếu tố độc hại.
d) Khuyến khích phân loại chất thải nguy hại: bình ắc quy, pin, bóng đèn, chai đựng hóa chất, chất thải rắn khác có chứa yếu tố độc hại.
2. Việc tổ chức thực hiện phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân phải tuân thủ theo Kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Đối với chất thải rắn cồng kềnh là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn (như: tủ, giường, nệm, bàn, ghế salon, tranh, gốc cây, thân cây, cành cây to), chủ nguồn thải phải tự thỏa thuận với chủ cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến nơi tiếp nhận, xử lý. Trong thời gian cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đến vận chuyển đi xử lý, chủ nguồn thải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản, không được tập kết ra vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng.
3. Chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải được lưu chứa trong bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp với điều kiện của mỗi hộ gia đình, đảm bảo không phát tán mùi, nước rỉ ra môi trường.
Điều 6. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom từ nơi phát sinh để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý. Trong quá trình vận chuyển phải lựa chọn tuyến đường thuận tiện, ngắn nhất và hạn chế di chuyển trong khu nội ô của khu đô thị, phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ ra môi trường.
2. Trên các đường phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị lưu giữ.
3. Các thiết bị lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường. Các thiết bị lưu giữ tại các khu vực công cộng phải bảo đảm tính mỹ quan.
4. Vị trí bố trí các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT).
5. Vị trí bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
6. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
7. Tần suất thu gom, vận chuyển
Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, tuyến đường, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở hoặc chỉ đạo Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương xác định thời gian, địa điểm, tần suất thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng, đảm bảo theo quy định sau đây:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: hộ gia đình, cá nhân chủ động thu gom và chuyển giao cho các cơ sở tái sử dụng, tái chế tùy theo khối lượng phát sinh.
b) Chất thải thực phẩm: đối với khu vực đô thị, đông dân cư và trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tần suất thu gom tối thiểu là 01 ngày/01 lần; đối với khu vực nông thôn (đối với khu vực hộ gia đình không sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc tự xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường), tần suất thu gom tối thiểu 02 ngày/01 lần.
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác: chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cùng với chất thải rắn thực phẩm.
Đối với chất thải cồng kềnh: việc thu gom, vận chuyển được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ nguồn thải và chủ cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chủ nguồn thải phải trả chi phí thu gom, vận chuyển theo thỏa thuận đảm bảo chất thải được vận chuyển, xử lý theo đúng quy định, không được vứt bừa bãi ra môi trường.
d) Chất thải nguy hại: Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ điều kiện thực tế của địa phương tổ chức, ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại để thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý tùy thuộc vào khối lượng chất thải phát sinh.
Điều 7. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Việc lựa chọn chủ đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
2. Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm thức ăn chăn nuôi hoặc tự xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (làm phân bón hoặc ủ biogas).
3. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được xử lý như sau:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: hộ gia đình, cá nhân định kỳ thu gom, chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc cơ sở tái chế nhựa để tái chế, tái sử dụng hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để thu gom, chuyển giao lại cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế.
b) Chất thải thực phẩm: hộ gia đình, cá nhân sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc tự xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (làm phân bón hoặc ủ biogas); các cá nhân đủ điều kiện thực hiện thu gom để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (làm phân bón hoặc ủ biogas); cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác: cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với chất thải cồng kềnh, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm thực hiện phân rã, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và căn cứ tính chất của từng loại chất thải sau khi phân rã, phân loại để xử lý riêng từng loại phù hợp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
d) Chất thải nguy hại: Ủy ban nhân dân cấp huyện hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
1. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải nguy hại để tự lưu chứa tại hộ gia đình hoặc bỏ vào thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại do Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí tại mỗi ấp, khu vực. Thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại phải kín, không rò rỉ, có nắp đậy, in dòng chữ chất thải nguy hại.
2. Hộ gia đình được hỗ trợ thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại trong trường hợp tự lưu chứa tại hộ gia đình; phải chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý khi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý. Hộ gia đình, cá nhân không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện cân đối trong dự toán kinh phí thường xuyên theo phân cấp ngân sách: hỗ trợ thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại cho hộ gia đình có nhu cầu tự lưu chứa; bố trí thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại tại mỗi ấp, khu vực; tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG, CHẤT THẢI NGUY HẠI, NƯỚC THẢI, BỤI, KHÍ THẢI
Điều 9. Quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
1. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân loại tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý. Phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 24 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
2. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được lưu giữ, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 81, Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường, các khoản 1, 2, 3 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 33, Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
3. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn, lưu giữ đảm bảo theo quy định; tự tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý khi đáp ứng yêu cầu theo quy định. Trường hợp không có khả năng tự tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý phù hợp.
Điều 10. Quản lý chất thải nguy hại
1. Chất thải nguy hại phải được phân loại, phân định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 68 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 24 và các khoản 1, 2 Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
2. Chất thải nguy hại phải được lưu giữ, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 83, các khoản 1, 2, 3 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 69, các khoản 1, 2 Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các khoản 4, 5, 6, 7 Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 39 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
3. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm khai báo, phân loại, phân định, lưu giữ chất thải nguy hại phát sinh đảm bảo theo quy định; tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng yêu cầu theo quy định. Trường hợp không có khả năng tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý phù hợp.
1. Đô thị, khu dân cư tập trung mới; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, trừ trường hợp đặc thù quy định tại Điều 74 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
2. Nước thải phải được thu gom, tái sử dụng, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường. Việc tái sử dụng, xử lý nước thải hoặc chuyển giao tái sử dụng, xử lý nước thải theo quy định các khoản 2, 3, 4 Điều 86, Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 74 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, khoản 2 Điều 41 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
3. Chủ nguồn thải phát sinh nước thải có trách nhiệm thu gom, tự tái sử dụng, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường hoặc xử lý đạt yêu cầu quy định của đầu tư xây dựng và kinh doanh, dịch vụ thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung. Trường không tự tái sử dụng, xử lý phải chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái sử dụng, xử lý phù hợp.
Điều 12. Quản lý bụi, khí thải
1. Bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được kiểm soát, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh bụi, khí thải phải tự thực hiện các công trình, biện pháp kiểm soát và xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
3. Công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chổ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 3 Điều 41 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN
1. Trách nhiệm trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
a) Thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho Cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc Tổ vệ sinh môi trường địa phương theo đúng thời gian do Ủy ban nhân dân cấp xã quy định.
b) Chi trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật.
c) Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt đúng nơi quy định; không được vứt, thải, đổ, bỏ chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường không đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể phát động.
d) Dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu đất thuộc quyền sử dụng của mình, vỉa hè phía trước và xung quanh khu vực.
đ) Giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; các vi phạm về bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt đến Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Trách nhiệm trong quản lý nước thải sinh hoạt
a) Thực hiện xử lý sơ bộ nước thải đảm bảo đạt yêu cầu quy định của chủ đầu tư khu dân cư tập trung hoặc chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh, dịch vụ thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung; chi trả phí dịch vụ thu gom, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật.
b) Nước thải sinh hoạt từ hộ gia đình tại khu dân cư không tập trung phải thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
Điều 14. Trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quản lý chất thải
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, nước thải, bụi, khí thải phải thực hiện quản lý chất thải và thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải theo quy định, cụ thể:
1. Chủ cơ sở có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt
a) Cơ sở có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.
b) Cơ sở có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải hợp đồng với cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
2. Chủ cơ sở có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường
a) Thực hiện quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Điều 9 Quy định này.
b) Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định Điều 66 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
3. Chủ cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại
a) Thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại Điều 10 Quy định này.
b) Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định Điều 71 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
4. Chủ cơ sở có phát sinh nước thải thực hiện quản lý nước thải theo quy định tại Điều 11 Quy định này.
5. Chủ cơ sở có phát sinh bụi, khí thải thực hiện quản lý bụi, khí thải theo quy định tại Điều 12 Quy định này.
1. Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
2. Chủ cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
3. Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
4. Chủ cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường.
5. Chủ cơ sở xử lý chất thải nguy hại thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 72 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở, ban, ngành tỉnh
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: Quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; tổ chức thực hiện quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại.
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.
d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, hướng dẫn thủ tục về xây dựng khu xử lý chất thải tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
b) Tổ chức thẩm định quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng khu xử lý chất thải tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền.
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về đầu tư, khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi rác Tân Tiến, bãi rác Long Mỹ; ban hành biện pháp thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lồng ghép nội dung về xử lý chất thải nguy hại trong quy hoạch của tỉnh.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư đối với các dự án xử lý chất thải; theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư triển khai dự án xử lý chất thải đảm bảo đúng tiến độ theo chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
b) Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện Quy định này theo đúng quy định”.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định sự phù hợp của công nghệ đối với các dự án đầu tư xử lý chất thải; nghiên cứu, xác nhận chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong việc thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Giao thông vận tải
a) Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất các cung đường vận chuyển chính về các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại khoản 3 Điều 75 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
7. Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan báo, đài trong tỉnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thông qua các chuyên trang, chuyên mục nhằm thực hiện có hiệu quả Quy định này; kịp thời đưa tin các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm tốt công tác quản lý chất thải theo Quy định này, đồng thời đưa tin các trường hợp bị xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý chất thải.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo
Nghiên cứu, lồng ghép kiến thức thực tế vào chương trình dạy học các nội dung nhằm giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh tại nơi ở và công cộng.
9. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và Công an huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.
b) Thực hiện trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại đảm bảo đúng tải trọng theo quy định của pháp luật.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện quản lý chất thải theo Quy định này; giám sát các hoạt động quản lý chất thải của tổ chức, hộ gia đình cá nhân. Trường hợp phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải, thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
11. Các sở, ban, ngành khác
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị trực thuộc thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng các nội dung tại Quy định này.
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
2. Tổ chức triển khai, hướng dẫn và tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải theo Quy định này.
3. Bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thuận tiện và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; bố trí thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại được phân loại từ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của hộ gia đình, cá nhân tại mỗi ấp, khu vực.
4. Chỉ đạo xây dựng tuyến thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tối ưu về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực; chỉ đạo sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
5. Ký hợp đồng dịch vụ với chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chủ cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu thành phần, khối lượng và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hợp đồng đã ký.
6. Thực hiện lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
7. Áp dụng, triển khai nhân rộng các mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
8. Lập kế hoạch, xây dựng dự toán hàng năm cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
9. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
2. Tổ chức, tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải theo Quy định này.
3. Tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thực hiện việc phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; thực hiện niêm yết công khai hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký kết của Ủy ban nhân dân cấp huyện với cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phổ biến rộng rãi về thời gian và phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
4. Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở hoặc chỉ đạo Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương xác định thời gian, địa điểm, tần suất thu gom chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân đến điểm lưu giữ, điểm tập kết, trung chuyển đảm bảo phù hợp với hiện trạng địa phương; rà soát, bố trí mặt bằng điểm lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt tại điểm thuận tiện giao thông và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường để Tổ vệ sinh môi trường của địa phương giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
5. Lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với khu vực, tuyến đường ngoài phạm vi do Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý (nếu có).
6. Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy định này. Định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện.
2. Các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Quy định này và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Điều 20. Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện kịp thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1Quyết định 25/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 2Quyết định 274/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025”
- 3Quyết định 1667/QĐ-UBND năm 2022 về kế hoạch tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 4Quyết định 13/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 5Quyết định 27/2022/QĐ-UBND quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng và bùn thải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 6Quyết định 35/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt; phương tiện, tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 7Quyết định 2625/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025
- 8Quyết định 815/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020
- 9Kế hoạch 328/KH-UBND về kiểm tra, đánh giá, khen thưởng các hộ gia đình thực hiện tốt Chương trình "Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" trên địa bàn Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
- 10Công văn 633/UBND-NĐ về tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 11 phường năm 2018 do Ủy ban nhân dân quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 6Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 7Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 8Quyết định 274/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025”
- 9Quyết định 1667/QĐ-UBND năm 2022 về kế hoạch tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 10Quyết định 13/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 11Quyết định 27/2022/QĐ-UBND quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng và bùn thải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 12Quyết định 35/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt; phương tiện, tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 13Quyết định 2625/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025
- 14Quyết định 815/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020
- 15Kế hoạch 328/KH-UBND về kiểm tra, đánh giá, khen thưởng các hộ gia đình thực hiện tốt Chương trình "Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" trên địa bàn Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
- 16Công văn 633/UBND-NĐ về tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 11 phường năm 2018 do Ủy ban nhân dân quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 26/2022/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- Số hiệu: 26/2022/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/07/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
- Người ký: Trương Cảnh Tuyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/07/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực