- 1Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp
- 2Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 67/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
- 5Nghị định 25/2013/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
- 6Quyết định 31/2013/QĐ-UBND điều chỉnh Quyết định 35/2010/QĐ-UBND theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần phí dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 7Quyết định 40/2013/QĐ-UBND quy định về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2014/QĐ-UBND | Vĩnh Yên, ngày 02 tháng 7 năm 2014 |
UỶ BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính Phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Căn cứ Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính Phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Quyết định 31/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quyết định 35/2010/QĐ-UBND ngày 07/12/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ về việc quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần phí dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định 40/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh về việc quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 3028/QĐ-CT ngày 13/11/2012 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương dự toán về việc xây dựng đề án đánh giá, phân loại và phân cấp quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ ý kiến thống nhất tại Hội nghị UBND tỉnh tại phiên họp tháng 6/2014, ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 67/TTr-SNN&PTNT ngày 03 tháng 6 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án đánh giá, phân loại và phân cấp quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
(Chi tiết Đề án kèm theo)
Điều 2. Giao UBND các huyện, thành phố, thị xã; các Công TNHH một thành viên thuỷ lợi: Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên là các đơn vị quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh, thực hiện quản lý theo nội dung đề án này.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Giám đốc các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi: Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ LUỒNG TIÊU, CÔNG TRÌNH TIÊU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 02/7/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
1. Căn cứ thực tiễn
Hiện nay vấn đề tiêu thoát nước trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề bức xúc cần được giải quyết, nhiều năm qua tình trạng úng ngập thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão. Bên cạnh nguyên nhân do chưa có trạm bơm tiêu quy mô lớn chủ động tiêu nước ra Sông Hồng, Sông Lô, Sông Phó Đáy thì tình trạng vi phạm, lấn chiếm làm ách tắc các luồng tiêu xảy ra nhiều nơi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập trên địa bàn tỉnh. Các luồng tiêu trên địa bàn từ nhiều năm qua chưa được đầu tư cải tạo do nguồn lực còn hạn chế. Mặt khác các công trình tiêu hiện nay ngoài tiêu cho nông nghiệp còn tiêu cho dân sinh, công nghiệp, đô thị... trong khi diện tích đất công nghiệp, đô thị đang ngày một gia tăng nên năng lực tiêu của hệ thống công trình hiện tại khó đáp ứng.
Ý thức của người dân trong việc bảo vệ các công trình còn hạn chế, đặc biệt vấn đề quản lý luồng tiêu hiện nay chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa xác định phạm vi nào do các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý, phạm vi nào do cấp xã, cấp huyện, phạm vi nào do tỉnh quản lý, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong công tác bảo vệ, nạo vét, khơi thông, cấp phép, xử lý vi phạm các công trình.
2. Căn cứ pháp lý
Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ;
Nghị định 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính Phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính Phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Quyết định 31/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quyết định 35/2010/QĐ-UBND ngày 07/12/2010 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ về việc quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần phí dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh;
Quyết định 40/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh về việc quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;
Văn bản số 3868/UBND-NN1 ngày 04/9/2012 của UBND tỉnh giao sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì lập đề án đánh giá, phân loại và phân cấp quản lý các luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh;
Quyết định số 3028/QĐ-CT ngày 13/11/2012 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương dự toán về việc xây dựng đề án đánh giá, phân loại và phân cấp quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh;
Từ căn cứ thực tiễn và pháp lý nêu trên, để hệ thống tiêu phát huy hiệu quả, luôn luôn chủ động trong công tác phòng chống úng lụt, hạn chế tối đa thiệt hại do úng ngập gây ra, việc xây dựng đề án để phân cấp quản lý, quy định rõ trách nhiệm các đơn vị là rất cần thiết.
II. MỘT SỐ KHÁI NIỆM QUI ĐỊNH TRONG ĐỀ ÁN
- Luồng tiêu nội xã: Là các luồng tiêu trong phạm vi cấp xã có nhiệm vụ tiêu nước cho nông nghiệp, cho dân sinh, cho nước thải sản xuất và nước mưa.
- Luồng tiêu liên xã: Là các luồng tiêu có chiều dài trong phạm vi từ 2 xã trở lên có nhiệm vụ tiêu nước cho nông nghiệp, dân sinh, nước thải sản xuất, nước mưa và tiếp nhận nước từ các luồng tiêu nội xã.
- Luồng tiêu liên huyện: Là các luồng tiêu liên quan đến 2 huyện trở lên có nhiệm vụ như luồng tiêu liên xã và nhận nước từ các luồng tiêu liên xã, nội xã.
- Luồng tiêu liên tỉnh: Là các luồng tiêu liên quan đến 2 tỉnh trở lên có nhiệm vụ như luồng tiêu liên huyện và nhận nước từ các luồng tiêu liên huyện, liên xã, nội xã.
- Các trạm bơm tiêu có nhiệm vụ tiêu nước cho nông nghiệp, dân sinh, đô thị, công nghiệp, nước mưa... nhận nước từ tất cả các luồng tiêu.
- Các công trình tiêu bao gồm các điều tiết, cống tiêu, tràn, ngầm... có nhiệm vụ điều tiết nước, thoát lũ, bảo vệ an toàn giao thông...
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đánh giá, phân loại các luồng tiêu, công trình tiêu, đề xuất phân cấp quản lý các luồng tiêu công trình tiêu đảm bảo hiệu quả tiêu thoát phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Xác định cụ thể các luồng tiêu về chiều dài kích thước, xác định các công trình tiêu và đánh giá khả năng tiêu thoát.
- Phân loại các luồng tiêu, công trình tiêu theo qui mô và chức năng nhiệm vụ.
- Phân cấp quản lý luồng tiêu, công trình tiêu quy rõ trách nhiệm cho các tổ chức, đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định có liên quan
Bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc là 1.236,50 km2
Phân chia hệ thống tiêu trong phạm vi đất tự nhiên thành các dạng sau:
- Tiêu cho đất sản xuất nông nghiệp bao gồm: Đất trồng cây hàng năm, lâu năm, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp khác...: 850.034 ha chiếm 68,7% diện tích tự nhiên (DTTN)
- Tiêu cho đất phi nông nghiệp: đất ở, đất chuyên dùng, đất sông suối...: 35.229 ha, chiếm 28,5 % DTTN
- Tiêu cho đất chưa sử dụng : 2.913 ha, chiếm 2,8 % DTTN
Công trình tiêu thoát nước trên địa bàn tỉnh được chia thành 3 vùng chính:
- Vùng sông Lô, Phó Đáy (445,92 km2) tiêu ra sông Lô và sông Phó Đáy.
- Vùng sông Phan, sông Cà Lồ (715,8 km2) tiêu ra sông Cầu và sông Hồng.
- Vùng bãi Vĩnh Tường - Yên Lạc (39,69 km2) tiêu ra sông Hồng.
1. Hiện trạng vùng tiêu sông Phan- Cà Lồ
Các công trình đã được xây dựng chỉ phục vụ cho tiêu thoát nước cục bộ trong hệ thống và với kịch bản tiêu tự chảy ra sông Cầu là chính. Hiện chưa có một giải pháp tiêu tổng thể cho toàn hệ thống sông Phan, sông Cà Lồ. Kết quả khảo sát và đánh giá công trình tiêu thoát nước trong hệ thống cùng dự án quy hoạch cho những đánh giá cơ bản sau:
- Toàn lưu vực chủ yếu là tiêu tự chảy, với trục tiêu chính là sông Cà Lồ hướng ra sông Cầu. Đến nay vẫn chưa có công trình đầu mối nào được xây dựng, khả năng tiêu thoát hoàn toàn phụ thuộc vào kiện lòng dẫn tự nhiên và nhất là phụ thuộc vào lũ của sông Cầu. Trong nhiều năm đã xảy ra hiện tượng ứ nước sông Cầu làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên của sông Phan, sông Cà Lồ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
- Về các công trình tiêu thoát nước nội đồng: Trong lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay đã được xây dựng nhiều công trình tiêu thoát nước nội đồng như kênh tiêu, bờ vùng, cống tiêu tự chảy, trạm bơm tiêu, các công trình đập tràn,cống điều tiết trên sông …với quy mô nhỏ và năng lực tiêu rất đa dạng, tất cả chỉ mới đảm nhiệm được phần nhiệm vụ tiêu thoát nội bộ trong vùng canh tác bị ngập úng hàng năm với mức độ thấp đổ ra lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ.
- Về các trạm bơm tiêu chính: Có 5 trạm hiện nay vẫn đang hoạt động: Cao Đại (5×4.000m3/h), Đầm Cả (8×4.000m3/h), Đại Phùng I và II (7×1.800m3/h), Đầm Láng (4×2.500m3/h).
2. Hiện trạng vùng tiêu Sông Lô, sông Phó Đáy
Sơ bộ có các khu tiêu sau:
- Khu tiêu tả Lô: Tiêu hầu hết diện tích của huyện Sông Lô khoảng 15.000 ha tiêu tự chảy ra sông Lô qua các cống Cầu Mai, Đọ, Ngạc, Dừa...
- Khu tiêu Hữu Đáy: Tiêu hầu hết diện tích của huyện Lập Thạch khoảng 17.000 ha tiêu tự chảy ra sông Phó Đáy, qua các cống Cầu Triệu, Bì La, Phú Thụ...
- Khu tiêu Tả Đáy: Tiêu khoảng 10.000 ha gồm các xã Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương và một phần xã Đại Đình, huyện Tam Đảo tiêu tự chảy ra sông Phó Đáy, qua ngòi Lanh, Vực Chuông, Suối Đùm...
Đây là khu vực có địa hình miền núi, bán sơn địa nhiều đồi gò xen kẽ với các vùng thấp trũng do vậy vấn đề tiêu thoát rất phức tạp.
Khu tiêu tả Lô:
- Tiểu khu Cầu Dừa tiêu tự chảy cho các xã Bạch Lưu và Hải Lựu ra sông Lô qua các cống Bạch Lưu, cống Dừa và Vườn Hồng.
- Tiểu khu Cầu Ngạc với diện tích 5.599ha tiêu cho các xã Nhận Đạo, Đồng Quế, Quang Yên, Lãng Công và Phương Khoan. Tiêu ra sông chủ yếu qua cống Cầu Ngạc.
- Tiểu khu Cầu Đọ: trục tiêu chính là ngòi Đồng Thống tiêu cho các xã Như Thụy, Yên Thạch, Tam Sơn, Tân Lập, Nhạo Sơn một phần Đồng Quế, Phương Khoan huyện Sông Lô, Vân Trục, Ngọc Mỹ và 1 phần xã Xuân Hòa huyện Lập Thạch, diện tích toàn lưu vực 3.631ha. Đây là khu vực hiện tại được tiêu tự chảy ra sông Lô bằng cống Cầu Đọ và cống Tứ Yên. Hàng năm mưa lớn khu vực thấp trũng dọc theo 2 bên ngòi Đồng Thống vẫn bị ngập, đặc biệt là khu vực của xã Như Thụy.
- Tiểu khu Cầu Mai tiêu cho các xã Cao Phong, Đức Bác, Đồng Thịnh,Yên Thạch với diện tích 5.383ha tiêu bởi trục tiêu Cầu Mai qua cống Cầu Mai ra sông Lô. Cũng giống như khu tiêu Cầu Đọ hàng năm diện tích ven trục tiêu bị úng ngập khi xảy ra mưa lớn và cả khi mực nước sông Lô lên cao phải đóng cống.
Khu tiêu hữu Đáy:
- Tiểu khu Đồng Chuông tiêu tự chảy cho xã Quang Sơn và Hợp Lý qua trục tiêu Đồng Chuông
- Tiểu khu Bắc Bình tiêu tự chảy cho xã Bắc Bình qua trục tiêu Bắc Bình.
- Tiểu khu Cầu Đen tiêu tự chảy cho xã Thái Hòa và một phần xã Liễn Sơn qua trục tiêu Cầu Đen ra cống Cầu Đen.
- Tiểu khu Phú Thụ tiêu tự chảy cho xã Liên Hòa, một phần xã Xuân Hòa và xã Liễn Sơn qua cống Phú Thụ.
- Ngòi Bì La tiêu tự chảy cho xã Bàn Giản và Tử Du và một phần của TT Lập Thạch, Xuân Hòa ra cống Bì La.
- Tiểu khu Cầu Triệu tiêu bao gồm các xã Triệu Đề, Đình Chu, Văn Quán, Tiên Lữ, Xuân Lôi và một phần của TT Lập Thạch bởi ngòi tiêu Cầu Triệu tiêu qua cống Triệu Đề ra sông Phó Đáy, với diện tích lưu vực 5.149ha. Đây là khu vực trũng thấp của huyện Lập Thạch, hàng năm thường bị úng ngập do mưa lớn và do lũ ngoài sông Đáy. Khả năng tiêu tự chảy của khu vực kém gây ra diện tích ngập úng lớn, ngoài ra khu vực này đang phát triển công nghiệp như khu công nghiệp Đình Chu.
Khu tiêu Tả Đáy:
Khu vực núi Tam Đảo gồm các xã Bồ Lý, Yên Dương và Đạo Trù và Đại Đình tiêu tự chảy ra sông Phó Đáy qua 3 ngòi tiêu chính là ngòi Ngòi Lanh và Ngòi Vực Chuông và suối Đùm. Khu vực này có địa hình dốc tiêu tự chảy thuận lợi.
3. Hiện trạng tiêu vùng bãi Vĩnh Tường, Yên Lạc.
Vùng này tiêu chủ yếu tự chảy ra sông Hồng, trên cơ sở hệ thống kênh tiêu vùng bãi Vĩnh Tường và vùng bãi Yên Lạc chảy qua các cống dưới đê bối như Cống Hậu Lộc, cống Liên Châu, cống Cao Đại,...
4. Hiện trạng úng ngập
Qua tài liệu điều tra úng ngập hàng năm, tài liệu về hiện trạng công trình tiêu thoát nước trong hệ thống lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ hầu hết số lượng công trình, loại công trình đã xây dựng làm nhiệm vụ tiêu cục bộ, với phương thức tiêu toàn hệ thống là tiêu tự chảy ra sông Cầu.
Bởi vậy úng ngập hàng năm xảy ra thường xuyên và mức độ úng ngập ngày càng tăng khi mà các công trình tiêu cục bộ đã xuống cấp, phương thức tiêu tự chảy duy nhất ra sông Cầu ngày càng bị ảnh hưởng bất lợi của các hoạt động kinh tế xã hội trên lưu vực sông Phan và sông Cà Lồ, các ảnh hưởng bất lợi cho tiêu thoát nước từ ngoài hệ thống lưu vực nhất là vùng hạ lưu sông Cà Lồ, vùng lưu vực nhập vào sông Cà Lồ.
Tình hình thiệt hại úng ngập những năm qua:
- Năm 2006, từ ngày 16-19/8/2006 do mưa lớn lượng mưa phổ biến từ 256mm-:- 379 mm đã mưa gây ngập úng diện rộng gây thiệt hại về nông nghiệp và úng ngập dân sinh (lúa 7.477 ha, mất trắng 3.292 ha, màu: 1.578 ha, thủy sản: 2.163 ha, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, đê điều... hư hại, ước thiệt hại 82 tỷ đồng) vùng ngập úng nhiều nhất Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Tam Dương.
- Năm 2008, từ ngày 31/10-4/11/2008 do mưa kéo dài cực lớn lượng mưa đo được phổ biến từ 408mm-644mm, gây ngập úng nặng nề dài ngày cho nông nghiệp, dân sinh, công nghiệp, các công trình hạ tầng bị hư hại...(rau màu: 15.615 ha, trong đó mất trắng 12.461, thủy sản 4.868ha, ước thiệt hại 320 tỷ đồng) vùng ngập úng nhiều nhất Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Tam Dương, Phúc Yên.
- Cơn bão số 5-2012 mưa lớn từ ngày 18-20/8/2012 lượng mưa phổ biến đo được 225mm-371mm gây ngập úng diện rộng ảnh hưởng đến nông nghiệp và dân sinh các công trình hạ tầng bị hư hại ...(lúa 6.072 ha, trong đó mất trắng 2.543 ha, màu: 1.789 ha, thủy sản: 2.892 ha, ước thiệt hại 272 tỷ đồng) vùng ngập úng nhiều nhất Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Tam Dương
- Cơn bão số 5 và 6 năm 2013 gây mưa lớn từ ngày 3-9/8/2013 lượng mưa đo được từ 153-280 mm, gây úng ngập dài ngày ảnh hưởng đến nông nghiệp và dân sinh, các công trình hạ tầng bị hư hại, nhiều hồ đập nguy cơ mất an toàn (lúa ngập 4.976 ha, trong đó mất trắng 2.836 ha, màu 1.145 ha, thủy sản 1.520 ha, ước thiệt hại 415 tỷ đồng) vùng ngập úng nhiều nhất Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Bình Xuyên.
5. Nguyên nhân gây nên tình hình ngập úng
5.1. Về công trình
- Do hạ tầng hệ thống các công trình tiêu úng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều công trình cũ không được cải tạo, nâng cấp. Còn thiếu nhiều các công trình tiêu úng trên địa bàn tỉnh, kể cả công trình đầu mối và hệ thống kênh trục tiêu, kênh tiêu nội đồng vì đầu tư vào các công trình tiêu cần nguồn vốn lớn và hiệu quả thấp hơn các công trình tưới.
- Do diện tích đất phi nông nghiệp tăng (các khu công nghiệp, đô thị, công trình hạ tầng ngày càng nhiều...) đất nông nghiệp giảm, đất ao, hồ, sông suối bị thu hẹp, vùng chứa nước ngày càng hẹp...
- Do yêu cầu chống úng ngập ngày càng tăng từ mức đảm bảo 80%, đến 90%, 95% thậm chí 99% cho các khu công nghiệp ...
- Do biến đổi khí hậu, mưa, bão có diễn biến phức tạp, khó lường, mưa lớn kéo dài, mưa trái vụ thường xuyên xảy ra...
- Phần lớn diện tích của Vĩnh Phúc tiêu úng phụ thuộc vào sông Cầu, không có các công trình tiêu úng độc lập ra sông Hồng, những năm qua nhiều thời điểm nước Sông Cầu còn chảy ngược về Vĩnh Phúc khiến úng ngập càng nặng hơn.
5.2. Về công tác quản lý
Công tác quản lý công trình tiêu, đặc biệt đối với các trục tiêu còn lỏng lẻo chưa phân cấp rõ ràng đơn vị quản lý nên không đơn vị, tổ chức nào đứng ra nhận nhiệm vụ khi có mưa úng xảy ra.
Vi phạm xâm lấn luồng tiêu, công trình tiêu không đơn vị nào đứng ra xử lý, trách nhiệm giải phóng đăng đó, vật cản không rõ ràng.
Chưa có quy định cụ thể của các cấp có thẩm quyền về trách nhiệm quản lý các luồng tiêu, công trình tiêu.
II. THỐNG KÊ CÁC LUỒNG TIÊU CÔNG TRÌNH TIÊU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Kết quả điều tra, thống kê các công trình tiêu luồng tiêu
Sau thời gian điều tra, làm việc với các xã, phường, thị trấn, phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế toàn tỉnh trong năm 2013 kết quả điều tra như sau:
1.1. Các luồng tiêu:
- Các luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh: 336,32 km, trong đó đoạn qua đất nông nghiệp 291,53 km, đoạn qua các khu dân cư 44,79 km chiếm 13,3 %.
- Các luồng tiêu liên xã 528,38 km, trong đó đoạn qua đất nông nghiệp 461,34 km, đoạn qua các khu dân cư 67,04 km chiếm 12,7 %.
- Các luồng tiêu nội xã sơ bộ thống kê là: 954,55 km, trong đó đoạn qua đất nông nghiệp 797,22 km, đoạn qua các khu dân cư 157,33 km chiếm 16,5 %.
1.2. Các trạm bơm tiêu:
Toàn tỉnh có tổng 05 trạm bơm tiêu lớn còn hoạt động, 22 trạm bơm tiêu nhỏ và tưới tiêu kết hợp, 18 vị trí tiêu dã chiến.
2. Kết quả điều tra về công tác quản lý các công trình tiêu.
Trước năm 2010 (chưa bàn giao hệ thống thuỷ lợi về các công ty TNHH một thành viên thủy lợi):
UBND các huyện đã đầu tư kinh phí quản lý luồng tiêu liên xã như sau:
- UBND huyện Vĩnh Tường giao công tác quản lý hàng năm một số luồng tiêu liên xã là: 200.000 đồng/km/ tháng (01 năm là 2.400.000 đ/km), huyện đã chi ra mỗi năm từ 180 đến 220 triệu đồng để thực hiện quản lý các luồng tiêu liên xã.
- UBND huyện Yên Lạc hỗ trợ quản lý hàng năm từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
- Các huyện khác có hỗ trợ tuỳ theo năm và theo nguồn kinh phí của các địa phương nhưng không đều và rất hạn chế.
- Năm 2009 UBND tỉnh có hỗ trợ vớt bèo là 2.000 đ/m2, tổng kinh phí hỗ trợ 1,4 tỷ đồng.
Từ năm 2010 khi bàn giao hệ thống thủy lợi cho các Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi, Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi Liễn Sơn đã hỗ trợ các luồng tiêu liên xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, theo hình thức khoán cho UBND các xã tổ chức thực hiện nhằm quản lý, chống lấn chiếm, vớt bèo rác, vật cản.
Địa bàn các huyện khác, hiện tại không có đầu tư kinh phí cho công tác quản lý luồng tiêu liên huyện, liên xã.
3. Các tỉnh, thành phố đã áp dụng quản lý hệ thống kênh tiêu
Theo điều tra của các tỉnh, thành phố trong cả nước, hiện nay đã có 1 đơn vị đã bàn hành quy định còn lại một số nơi đang tiếp tục nghiên cứu, đó là Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định 362/QĐ-SNN-CCTL ngày 30/9/2009 về việc ban hành danh mục hệ thống kênh rạch có chức năng tưới, tiêu nội đồng chống úng trên địa bàn thành phố.
I. XÁC ĐỊNH, PHÂN LOẠI LUỒNG TIÊU, CÔNG TRÌNH TIÊU
1. Xác định
- Xác định chiều dài tất cả các luồng tiêu, trạm bơm tiêu, công trình tiêu trên bản đồ 1/5.000 có biên bản ký giữa UBND cấp xã, Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi Phòng chức năng cấp huyện và Chi cục Thủy lợi.
- Xác định chiều dài các luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh trên bản đồ 1/20.000 có biên bản ký giữa Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi, Phòng chức năng cấp huyện và Chi cục Thủy lợi.
- Tổng hợp các luồng tiêu toàn tỉnh xác lập trên bản đồ 1/35.000 bao gồm các luồng liên xã, liên huyện và liên tỉnh, có số và ký hiệu cụ thể các luồng tiêu.
- Xác định các công trình tiêu trên hệ thống bản đồ tương ứng.
2. Phân loại các luồng tiêu
Dựa trên diện tích lưu vực, nhiệm vụ, địa hình và kích thước các luồng tiêu phân loại như sau:
2.1. Luồng tiêu nội xã:
- Luồng tiêu, công trình tiêu cho đất phi nông nghiệp trong phạm vi cấp xã: bao gồm tiêu cho đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất ở nông thôn, đất đô thị, đất sản xuất, đất khu công nghiệp, nghĩa trang, đất giao thông...Kí hiệu NX1
- Luồng tiêu, công trình tiêu cho đất nông nghiệp trong phạm vi cấp xã: gồm tiêu cho toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp lúa, màu, thuỷ sản, cây công nghiệp, lâm nghiệp... Kí hiệu NX2
2.2. Luồng tiêu liên xã:
Căn cứ qui mô, chiều dài, kích thước mặt cắt, diện tích lưu vực, địa hình, hướng tiêu thoát, luồng tiêu liên xã chia thành 3 loại sau đây:
- Luồng tiêu liên xã có địa hình dốc là các suối ở các vùng đồi núi các huyện Tam Đảo, Phúc Yên, Lập Thạch, Sông Lô,...Kí hiệu LX1
- Luồng tiêu liên xã có địa hình bằng phẳng, diện tích lưu vực nhỏ, thuộc vùng đồng bằng, trung du các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên...Kí hiệu LX2
- Luồng tiêu liên xã có lưu vực lớn, mặt cắt rộng, là các trục tiêu chính như Cầu Ngạc, Cầu Mai, Cầu Nóng…Kí hiệu LX3
2.3. Luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh:
Căn cứ qui mô, chiều dài, kích thước mặt cắt, diện tích lưu vực, địa hình, luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh chia thành 3 loại sau đây:
- Luồng tiêu qui mô lớn là các sông nội địa, kênh lớn có lưu vực rộng như: Sông Phan, Hệ thống sông Bình Xuyên, sông Cà Lồ, kênh Bến Tre...Kí hiệu LH1
- Luồng tiêu qui mô vừa là các trục tiêu, kênh tiêu có lưu vực trung bình như: Cầu Triệu, kênh Nam Yên Lạc... Kí hiệu LH2
- Luồng tiêu qui mô nhỏ, chiều dài ngắn, mặt cắt hẹp, diện tích lưu vực nhỏ. Kí hiệu LH3
II. PHÂN CẤP QUẢN LÝ LUỒNG TIÊU, CÔNG TRÌNH TIÊU
Nguyên tắc phân cấp: UBND cấp huyện, cấp xã quản lý các luồng tiêu, tiêu cho diện tích đất phi nông nghiệp; các công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi quản lý các luồng tiêu, tiêu cho đất nông nghiệp
1. Phân cấp quản lý luồng tiêu nội xã
- UBND cấp xã quản lý: Các luồng tiêu nội xã loại NX1 phục vụ tiêu cho diện tích đất phi nông nghiệp trong phạm vi cấp xã.
- Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý: Các luồng tiêu loại NX2 và công trình tiêu nội xã tiêu cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.
2. Phân cấp quản lý các luồng tiêu liên xã
Theo chức năng nhiệm vụ các luồng tiêu liên xã tiêu cho cả đất nông nghiệp và phi nông nghiệp nên đơn vị quản lý là cả cấp huyện, các Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi và các đơn vị sử dụng, tuy nhiên việc phân cho nhiều đơn vị quản lý sẽ không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm, điều hành quản lý không hiệu quả, phân cấp quản lý như sau:
- Các luồng tiêu liên xã loại LX1, LX3 chủ yếu tiêu cho đất phi nông nghiệp giao UBND cấp huyện quản lý
- Các luồng tiêu liên xã loại LX2 chủ yếu tiêu cho đất nông nghiệp giao các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý, những đoạn kênh tiêu qua dân cư, đô thị thì UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý.
- Các luồng tiêu liên xã loại LX2 chủ yếu tiêu cho đất phi nông nghiệp giao UBND cấp huyện quản lý
3. Phân cấp quản lý các luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh
Tương tự như quản lý các luồng tiêu liên xã phân cấp như sau:
- Các luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh loại LH1 giao UBND cấp huyện quản lý
- Các luồng tiêu loại LH2 chủ yếu cho đất nông nghiệp giao giao các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý.
- Các luồng tiêu loại LH2 tiêu chủ yếu cho đất phi nông nghiệp giao UBND cấp huyện quản lý.
- Các luồng tiêu loại LH3 chủ yếu tiêu cho đất nông nghiệp giao các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý.
Tổng hợp chiều dài các luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh giao cho các đơn vị quản lý xem bảng 01
Bảng 01: Tổng hợp chiều dài quản lý các luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh của các đơn vị
STT | Tên đơn vị quản lý | Đơn vị | Chiều dài |
1 | UBND huyện Vĩnh Tường | m | 51.180 |
2 | UBND huyện Yên Lạc | m | 41.647 |
3 | UBND TP Vĩnh Yên | m | 22.200 |
4 | UBND huyện Bình Xuyên | m | 74.600 |
5 | UBND huyện Tam Dương | m | 16.200 |
6 | UBND huyện Tam Đảo | m | |
7 | UBND TX Phúc Yên | m | 52.000 |
8 | UBND huyện Lập Thạch | m | 45.350 |
9 | UBND huyện Sông Lô | m | 32.200 |
10 | Cty TNHH một thành viên thủy lợi Lập Thạch | m | 69.000 |
11 | Cty TNHH một thành viên thủy lợi Liễn Sơn | m | 288.308 |
12 | Cty TNHH một thành viên thủy lợi Phúc Yên | m | 24.700 |
13 | Cty TNHH một thành viên thủy lợi Tam Đảo | m | 82.550 |
| Tổng cộng |
| 865.455 |
Danh sách các luồng tiêu giao cho các đơn vị quản lý xem các biểu từ 01-09 kèm theo Quyết định này
4. Phân cấp các công trình tiêu
- Các trạm bơm tiêu liên xã, liên huyện (như: Cao Đại, Đầm Cả, Đồng Cương, Sáu Vó, Đại Phùng 1,2, Đầm Láng…), các công trình tiêu trên các dòng sông chính, các đập điều tiết như Lạc Ý, Bến Tre, K0/4 Sông Phan, điều tiết Vĩnh Sơn, Quất Lưu, điều tiết Thịnh Kỷ, các cống tiêu 3 cửa Đạo Tú, cống 8 cửa Yên Lập, cống Xuân Hoà, cống 24 ... giao các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý (phạm vi quản lý từ đầu mối dọc về thượng, hạ lưu mỗi bên 50 m)
- Các công trình trên các tuyến kênh tiêu nội xã, liên xã, liên huyện đơn vị nào quản lý luồng tiêu thì quản lý công trình tiêu trên đó.
Danh sách một số công trình tiêu giao cho các đơn vị quản lý xem các biểu từ 01-09 kèm theo Quyết định này
III. NỘI DUNG QUẢN LÝ CÁC LUỒNG TIÊU, CÔNG TRÌNH TIÊU
1. Quản lý luồng tiêu
- Thường xuyên kiểm tra luồng tiêu, tổ chức giải tỏa đăng đó, giải phóng vật cản, vớt bèo rác, nạo vét và xử lý những ách tắc cục bộ xảy ra;
- Bảo vệ công trình chống lấn chiếm luồng tiêu, ngăn chặn các vi phạm như xả rác thải bừa bãi, vứt cỏ rác, xác xúc vật... vào các luồng tiêu;
- Thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình quản lý và thực trạng các luồng tiêu với các cơ quan có thẩm quyền;
- Lựa chọn nhân lực quản lý luồng tiêu.
2. Quản lý công trình tiêu
- Vận hành các công trình tiêu theo qui trình được phê duyệt đối với các công trình có qui trình, trường hợp không có qui trình thoả thuận với các cơ quan chuyên môn để thực hiện.
- Bảo vệ, giải toả vi phạm lấn chiếm các công trình theo các quy định có liên quan.
- Đối với các công trình do các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý vận hành theo các qui trình, qui phạm hiện hành.
- Các công trình lớn các đơn vị quản lý phải xây dựng qui trình vận hành chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cụ thể như các điều tiết Lạc Ý, K0/4 Sông Phan, K3 kênh Bến Tre, điều tiết Thịnh Kỷ.
IV. XÁC ĐỊNH NHÂN CÔNG, KINH PHÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ THƯỜNG XUYÊN LUỒNG TIÊU, CÔNG TRÌNH TIÊU
1. Đối với luồng tiêu nội xã
- Những luồng tiêu, công trình tiêu cho đất nông nghiệp do các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi tự chịu trách nhiệm quản lý, kinh phí từ nguồn cấp bù thuỷ lợi phí hiện hành.
- Những luồng tiêu, công trình tiêu cho khu dân cư, khu đô thị, đất phi nông nghiệp do UBND cấp xã tự chịu trách nhiệm quản lý, kinh phí thu từ phí môi trường, phí xả thải.., và hỗ trợ từ ngân sách cấp xã.
2. Đối với luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về nguồn kinh phí, định mức kinh tế kỹ thuật, qua tính toán dự kiến như sau:
- Luồng tiêu liên xã loại LX1: 3,75 triệu đồng/km/năm.
- Luồng tiêu liên xã loại LX2: 5,0 triệu đồng/km/năm.
- Luồng tiêu liên xã loại LX3: 10,0 triệu đồng/km/năm
- Luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh LH1: 15,0 triệu đồng /km/năm
- Luồng tiêu liên huyện liên tỉnh LH2: 10,0 triệu đồng/km/năm
-Luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh LH3: 5,0 triệu đồng/km/năm
( Tính toán cụ thể xem phụ lục số 01 )
Theo phân cấp quản lý các luồng tiêu liên xã, liên huyện, và từ tính toán kinh phí quản lý thường xuyên cụ thể của UBND cấp huyện theo Bảng 02
Bảng 02: Tổng hợp chiều dài, kinh phí quản lý các luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh của UBND cấp huyện
STT | Tên đơn vị quản lý | Chiều dài (m) | Kinh phí quản lý (đồng) | Làm tròn (triệu đồng) | Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% (tr.đ) |
1 | UBND huyện Vĩnh Tường | 51.180 | 696.800.000 | 700 | 350 |
2 | UBND huyện Yên Lạc | 41.647 | 452.220.000 | 450 | 225 |
3 | UBND TP Vĩnh Yên | 22.200 | 289.000.000 | 290 | 145 |
4 | UBND huyện Bình Xuyên | 74.600 | 966.750.000 | 970 | 485 |
5 | UBND huyện Tam Dương | 16.200 | 243.000.000 | 240 | 120 |
6 | |||||
7 | |||||
8 | UBND huyện Lập Thạch | 45.350 | 348.812.500 | 350 | 175 |
9 | UBND huyện Sông Lô | 32.200 | 289.000.000 | 290 | 145 |
| Tổng cộng | 400.897 | 4.072.782.500 | 4.080 | 2.040 |
Tổng cộng toàn tỉnh kinh phí quản lý thường xuyên của UBND cấp huyện là: 4,08 tỷ đồng
Danh sách các luồng tiêu giao cho UBND cấp huyện quản lý và kinh phí xem biểu số 10 kèm theo Quyết định này
Các công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi trên cơ sở các luồng tiêu đã phân loại tại Quyết định này có thể tham khảo đơn giá kinh phí để thực hiện chi cho công tác quản lý luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh.
* Nguồn kinh phí quản lý luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh:
- Đối với các luồng tiêu do UBND cấp huyện quản lý, kinh phí quản lý thường xuyên dự kiến:
+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%.
+ Ngân sách cấp huyện 50%.
- Đối với các luồng tiêu, công trình tiêu do các công ty THNN 1 TV thủy lợi quản lý, kinh phí quản lý thường xuyên từ nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí.
3. Đối với các công trình tiêu:
- Các công trình tiêu do đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó tự chịu trách nhiệm kinh phí quản lý.
- Đối với các trạm bơm tiêu lớn do các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý, các đơn vị phải thực hiện duy tu bảo dưỡng thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ theo các qui trình, qui phạm hiện hành. Ngân sách Nhà nước cấp cho việc duy tu, sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên theo định mức kinh tế kỹ thuật được phê duyệt.
- Kinh phí cấp cho bơm chống úng thực hiện theo quy định tại Nghị định 143/2013/NĐ-CP .
V. QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, NÂNG CẤP, CẢI TẠO SỬA CHỮA LỚN CÁC LUỒNG TIÊU, CÔNG TRÌNH TIÊU:
1. Các luồng tiêu nội xã:
- Đầu tư nâng cấp, cải tạo các luồng tiêu nội xã tiêu cho diện tích đất nông nghiệp do các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi quản lý và làm chủ đầu tư.
- Đầu tư nâng cấp, cải tạo các luồng tiêu nội xã tiêu cho dân cư, đô thị, khu CN…đất phi nông nghiệp do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.
2. Các luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh
Về nguyên tắc đơn vị nào quản lý luồng tiêu thì giao cho đơn vị đó làm chủ đầu tư, một số trường hợp đặc biệt do UBND tỉnh quyết định chủ đầu tư.
3. Các trạm bơm tiêu, công trình tiêu
- Đối với các trạm bơm tiêu, công trình tiêu đơn vị nào quản lý thì làm chủ đầu tư, một số công trình đặc biệt và các trạm bơm tiêu lớn do UBND tỉnh quyết định chủ đầu tư.
- Đối với các bờ vùng, bờ bao trên các luồng tiêu, đơn vị nào quản lý thì giao đơn vị đó làm chủ đầu tư.
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH LIÊN QUAN
1. Sở Nông nghiệp &PTNT.
- Trình UBND tỉnh ban hành Quyết định kèm theo Qui định về phân cấp quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiêu thoát cho nông nghiệp; thẩm định, thoả thuận qui trình vận hành các công trình tiêu.
- Hàng năm theo dõi, kiểm tra tình hình quản lý các luồng tiêu, công trình tiêu theo phân cấp, yêu cầu các đơn vị quản lý luồng tiêu, công trình tiêu thực hiện quản lý đúng các quy định hiện hành; kiểm tra, đề xuất đầu tư cải tạo các luồng tiêu, công trình tiêu do các đơn vị quản lý đề nghị.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phân bổ kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp các luồng tiêu, công trình tiêu. Phối hợp với Sở Tài chính hàng năm cấp hỗ trợ kinh phí quản lý luồng tiêu cho các đơn vị.
3. Sở Tài chính
Hàng năm cấp hỗ trợ kinh phí quản lý luồng tiêu cho các đơn vị, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp các luồng tiêu, công trình tiêu.
4. Sở Xây dựng:
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiêu thoát đô thị và các khu công nghiệp, trên cơ sở các luồng tiêu đã phân cấp, kiểm tra, đôn đốc quản lý các luồng tiêu, công trình tiêu liên quan đến đô thị và các khu công nghiệp.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ QUẢN LÝ
1. UBND cấp xã:
- Có tránh nhiệm quản lý các luồng tiêu, công trình tiêu theo phân cấp. Phối hợp với các Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi tỉnh quản lý tốt các luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn.
- Báo cáo UBND cấp huyện tình hình quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trước ngày 15 tháng 5 hàng năm, đề xuất đầu tư cải tạo các luồng tiêu công trình tiêu trong phạm vi quản lý.
2. UBND cấp huyện
- Có trách nhiệm quản lý các luồng tiêu, công trình tiêu theo phân cấp, theo dõi, báo cáo tình hình quản lý luồng tiêu của UBND cấp xã. Phối hợp với các Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi tỉnh quản lý tốt các luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn.
- Báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng tình hình quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trước ngày 31 tháng 5 hàng năm, đề xuất đầu tư cải tạo các luồng tiêu công trình tiêu trong phạm vi quản lý.
3. Các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi tỉnh
- Có trách nhiệm quản lý các luồng tiêu, công trình tiêu theo phân cấp. Phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã, quản lý tốt các luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn.
- Báo cáo UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trước ngày 31 tháng 5 hàng năm, đề xuất đầu tư cải tạo các luồng tiêu công trình tiêu trong phạm vi quản lý.
Trong quá trình thực hiện Đề án trên có phát sinh, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định./.
XÁC ĐỊNH NHÂN CÔNG, KINH PHÍ THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ THƯỜNG XUYÊN LUỒNG TIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 02/7/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
1. Đối với luồng tiêu nội xã
- Những luồng tiêu, công trình tiêu cho đất nông nghiệp do các Công ty TNHH 1TV thủy lợi tự chịu trách nhiệm quản lý, kinh phí từ nguồn cấp bù thủy lợi phí hiện hành.
- Những luồng tiêu, công trình tiêu cho khu dân cư, khu đô thị, đất phi nông nghiệp do UBND cấp xã tự chịu trách nhiệm quản lý, kinh phí thu từ phí môi trường, phí xả thải..., và hỗ trợ từ ngân sách cấp xã.
2. Đối với luồng tiêu liên xã, liên huyện, liên tỉnh
Hiện nay chưa có quy định cụ thể về nguồn kinh phí, định mức kinh tế kỹ thuật, tính toán dự kiến như sau:
2.1. Phương pháp thống kê tình hình cấp kinh phí quản lý kênh tiêu
- Áp dụng cách khoán của UBND huyện Vĩnh Tường những năm gần đây về tình hình quản lý kênh tiêu liên xã từ năm 2008 đến nay, 01 km khoán 200.000đồng/tháng (01 năm tương đương 2.400.000đồng/năm)
- Từ năm 2010 đến nay Công ty TNHH 1TV thủy lợi Liễn Sơn đã khoán cho UBND các xã trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc tương tự như trên 2.4 triệu đồng/năm/1km
Phương pháp này là phương án đã áp dụng trên một số tuyến kênh tiêu liên xã hiện nay trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.
2.2. Phương pháp xác định theo công quản lý
* Tham khảo Thông tư 06/1998/TT-BNN quy định cụ thể như sau:
Định biên công nhân thủy nông chuyên kênh: Vận hành kênh chính, kênh cấp 1 độc lập, có lưu lượng tưới tiêu lớn hơn 5m3/s. Mức quản lý công trình kênh mương tưới tiêu đối với 1 công nhân thủy nông (CNTN) như sau:
+ ≥ 2km kênh bố trí 1 CNTN chuyên kênh (đối với loại kênh có yêu cầu bảo dưỡng)
+ ≥ 6km kênh bố trí 1 CNTN chuyên kênh (đối với loại kênh ít có yêu cầu bảo dưỡng)
Luồng tiêu là loại kênh ít có nhu cầu bảo dưỡng, nên dự kiến như sau:
- Luồng tiêu liên xã (loại LX2) có địa hình bằng phẳng, diện tích lưu vực nhỏ, vùng đồng bằng, trung du dự kiến 6 km kênh 01 CNTN chuyên kênh
Với thời điểm hiện nay dự kiến chi phí tiền lương cho 01 CNTN chuyên kênh khoảng 30 triệu đồng/năm, tương đương 5,0 triệu đồng/km/năm.
- Luồng tiêu liên xã (loại LX1) có địa hình dốc là các suối ở các vùng đồi núi dự kiến 8 km/01 CNTN tương đương 3,75 triệu đồng/km/năm.
- Luồng tiêu liên xã (loại LX3) có lưu vực lớn, mặt cắt rộng, nhiều vật cản dự kiến 3 km/01 CNTN, tương đương 10,0 triệu đồng/km/năm.
- Luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh (LH1) qui mô lớn là các sông nội địa, kênh lớn có lưu vực rộng dự kiến 2 km/01 CNTN tương đương 15,0 triệu đồng/km/năm.
- Luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh (LH2) có qui mô vừa, trục tiêu, kênh tiêu có lưu vực trung bình dự kiến 3 km/01 CNTN, tương đương với 10,0 triệu đồng/km/năm.
- Luồng tiêu liên huyện, liên tỉnh (LH3) qui mô nhỏ, chiều dài ngắn, mặt cắt hẹp, diện tích lưu vực hẹp dự kiến 6 km/01 CNTN, tương đương 5,0 triệu đồng/km/năm.
2.3. Chọn phương án
- Phương án thống kê chi phí quản lý các năm áp dụng hiện này là không phù hợp vì hiện nay đơn giá nhân công, mức chi đã thay đổi nếu áp dụng phương án này phải nhân hệ số điều chỉnh, hơn nữa các huyện chỉ khoán cho các tuyến kênh tiêu liên xã vùng đồng bằng không phù hợp với toàn tỉnh.
- Phương án xác định theo công quản lý phù hợp hơn, có căn cứ dựa trên cơ sở qui mô mặt cắt, địa hình, chiều dài, diện tích lưu vực.
Chọn phương án: Xác định theo công quản lý
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |
- 1Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp
- 2Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 67/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
- 5Nghị định 25/2013/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
- 6Quyết định 31/2013/QĐ-UBND điều chỉnh Quyết định 35/2010/QĐ-UBND theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP quy định mức thu thủy lợi phí, tiền nước và mức trần phí dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 7Quyết định 40/2013/QĐ-UBND quy định về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 8Quyết định 2064/QĐ-UB năm 2002 duyệt dự án đầu tư công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (giai đoạn 1) do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 9Quyết định 2124/QĐĐC-UBND năm 2016 đính chính Quyết định 26/2014/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: Đánh giá, phân loại và phân cấp quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Quyết định 26/2014/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đánh giá, phân loại và phân cấp quản lý luồng tiêu, công trình tiêu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- Số hiệu: 26/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/07/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Hà Hòa Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/07/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực