Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2598/QĐ-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 28 tháng 11 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ VĨNH TƯỜNG, TỈNH VĨNH PHÚC, ĐẾN NĂM 2040 - TỶ LỆ 1/10.000
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành ngày 16/9/2015;
Căn cứ Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018;
Căn cứ Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ V/v lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019; Thông tư 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ V/v Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 567/QĐ-UBND ngày 17/02/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc;
Căn cứ Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phân loại đô thị Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 2456/QĐ-UBND ngày 17/10/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh);
Căn cứ văn bản số 8043/VPCP-CN ngày 25/9/2020 của Văn phòng Chính phủ V/v chủ trương lập quy hoạch chung các đô thị loại IV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và bổ sung các đô thị vào chương trình phát triển đô thị quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 829/QĐ-UBND ngày 07/4/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc V/v phê duyệt nhiệm vụ thiết kế lập Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 - tỷ lệ 1/10.000;
Căn cứ văn bản số 1959/BXD-QHKT ngày 02/6/2022 của Bộ Xây dựng về việc góp ý các đồ án Quy hoạch chung đô thị loại IV: Tam Đảo, Vĩnh Tường và Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; số 1330/BXD-QHKT ngày 06/4/2023 của Bộ Xây dựng về việc góp ý đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 (lần 2);
Căn cứ thông báo số 1138-TB/TU ngày 21/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường đến năm 2040 và Quy hoạch chung đô thị Liên Châu, huyện Yên Lạc, đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 90/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Tường về việc thông qua đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2040 - tỷ lệ 1/10.000;
Căn cứ Thông báo số 37/TB-UBND ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị Tập thể lãnh đạo UBND tỉnh nghe Sở Xây dựng báo cáo các đồ án Quy hoạch chung đô thị loại IV Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo;
Căn cứ ý kiến thống nhất của Tập thể Lãnh đạo UBND tỉnh theo phiếu trình của Văn phòng UBND tỉnh kèm theo tờ trình số 228/TTr-UBND ngày 28/6/2023 của UBND tỉnh về chủ trương đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 - tỷ lệ 1/10.000;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 450/TTr-SXD ngày 27/10/2023, văn bản số 4850/SXD-QHKT ngày 17/11/2023,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị, gồm những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên đồ án: Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 - tỷ lệ 1/10.000.
2. Chủ đầu tư quy hoạch: Ban Quản lý các dự án ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
3. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch
3.1. Phạm vi lập quy hoạch
Toàn bộ phạm vi trong địa giới hành chính huyện Vĩnh Tường, bao gồm 28 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Các thị trấn Vĩnh Tường, Thổ Tang, Tứ Trưng; các xã Vĩnh Ninh, Phú Đa, Lũng Hoà, Tân Phú, Đại Đồng, Cao Đại, Tuân Chính, Bồ Sao, Vĩnh Sơn, Bình Dương, Vân Xuân, Tam Phúc, Lý Nhân, An Tường, Vĩnh Thịnh, Yên Bình, Tân Tiến, Vũ Di, Thượng Trưng, Chấn Hưng, Ngũ Kiên, Kim Xá, Yên Lập, Việt Xuân, Nghĩa Hưng.
3.2. Ranh giới lập quy hoạch
- Phía Đông giáp huyện Yên Lạc, huyện Tam Dương;
- Phía Tây giáp huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ;
- Phía Nam giáp thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội;
- Phía Bắc giáp huyện Lập Thạch và huyện Tam Dương.
4. Tính chất, chức năng đô thị.
- Là đô thị loại IV;
- Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp huyện;
- Là trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp vùng liên huyện phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc; trung tâm thương mại dịch vụ vùng phía Bắc của cả nước;
- Là đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng liên huyện phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc.
5. Quy mô lập quy hoạch
5.1. Quy mô dân số
- Dân số hiện trạng khoảng 208.926 người.
- Dân số đến năm 2030 khoảng 261.843 người.
- Dân số đến năm 2040 khoảng 294.662 người.
5.2. Quy mô đất đai
- Quy mô đất đai lập quy hoạch: 144,0073km2 (14.400,73ha).
- Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 255,93m2/ng tương đương đất xây dựng đô thị khoảng 6.701,26ha;
- Đến năm 2040: Đất xây dựng đô thị khoảng 262,17m2/ng tương đương đất xây dựng đô thị khoảng 7.725,06ha.
6. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu và hướng phát triển đô thị.
- Các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng tuân thủ theo QCVN 01:2021/BXD, QCVN 07:2020/BXD và các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan. Đối với khu vực nằm trong phạm vi Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc: Thiết kế quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị loại I (trên cơ sở cập nhật các chỉ tiêu quy hoạch theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đã được phê duyệt). Khu vực nằm ngoài phạm vi Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc: Thiết kế quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị loại IV.
- Hướng phát triển đô thị: Phát triển đô thị về phía Đông Bắc (trung tâm của tỉnh) theo cấu trúc tích hợp và đa cực, phát triển đô thị trên cơ sở mạng lưới các đường chính, kết hợp các trục liên kết các khu chức năng đô thị.
7. Định hướng tổ chức không gian đô thị, dự kiến ranh giới nội thị, ngoại thị
7.1. Định hướng tổ chức không gian đô thị
7.1.1. Cấu trúc phát triển đô thị
Phát triển đô thị theo cấu trúc tích hợp và đa cực, bao gồm 03 hành lang và 05 khu vực phát triển:
- 03 hành lang phát triển gồm: (1) Hành lang đô thị dịch vụ, phát triển theo mô hình dạng chuỗi các đô thị dọc theo Đường tỉnh 304; (2) hành lang phát triển du lịch, công nghiệp phía Đông, phía Nam đô thị; (3) hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái trải nghiệm phía Tây Nam đô thị.
- 05 khu vực phát triển gồm: (1) Khu nhà ở, dịch vụ thương mại cấp vùng; (2) công nghiệp, đô thị; (3) khu trung tâm hành chính; (4) công nghiệp, du lịch sinh thái và nhà ở; (5) khu nông nghiệp công nghệ cao.
Các khu chức năng khác của đô thị phát triển dọc theo các trục đường giao thông chính gồm Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, các đường tỉnh 304, 305C, 309, đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc.
7.1.2. Phân vùng chức năng đô thị.
- Khu vực phía Tây Bắc (khu vực Thổ Tang, Tân Tiến, Yên Lập, Lũng Hòa): Tập trung phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại cấp vùng.
- Khu vực phía Đông Bắc (khu vực Đại Đồng, Yên Bình, Chấn Hưng, Nghĩa Hưng): Tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
- Khu vực trung tâm (khu vực thị trấn Vĩnh Tường, Thượng Trưng, Vũ Di, Vĩnh Sơn, Bình Dương): Là khu trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế của đô thị, phát triển nhà ở, các khu công viên, cây xanh, thể dục thể thao.
- Khu vực phía Đông Nam (khu vực Tứ Trưng, Ngũ Kiên, Tam Phúc, Vân Xuân): Phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái và nhà ở.
- Khu vực còn lại là các điểm dân cư nông thôn, bố trí đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực.
Khu vực ngoài đê tả sồng Hồng: Hạn chế xây dựng do chịu tác động bởi quy hoạch phòng chống lũ và đê điều của hệ thống sông Hồng, tập trung phát triển bến bãi, giao thông đường thủy, du lịch sinh thái trải nghiệm.
7.1.3. Phân khu chức năng.
Đô thị Vĩnh Tường được phân thành 07 phân khu, trong đó 05 phân khu phát triển đô thị; 02 phân khu phát triển chức năng, cụ thể:
(1) Phân khu đô thị Vĩnh Tường 1, tại khu vực các xã Yên Lập, Lũng Hòa và Tân Tiến:
- Quy mô diện tích: Khoảng 1.510 ha;
- Quy mô dân số: Khoảng 29.164 người;
- Chỉ tiêu xây dựng công trình: Mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 09 tầng;
- Tính chất chính, chức năng chính: Là khu vực phát triển đô thị, thương mại cấp vùng trên cơ sở không gian đô thị hiện trạng và phát triển mới; với chức năng chính là phát triển nhà ở thương mại, dịch vụ thương mại, chợ đầu mối.
(2) Phân khu đô thị Vĩnh Tường 2, tại khu vực thị trấn Thổ Tang, các xã Đại Đồng và Vĩnh Sơn.
- Quy mô diện tích: Khoảng 1.380ha;
- Quy mô dân số: Khoảng 36.997 người;
- Chỉ tiêu xây dựng công trình: Mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 15 tầng;
- Tính chất chính, chức năng chính: Là khu vực phát triển đô thị, thương mại (chợ đầu mối), công nghiệp; với chức năng chính là phát triển nhà ở, dịch vụ thương mại, cụm công nghiệp.
(3) Phân khu đô thị Vĩnh Tường 3, tại khu vực các xã Bình Dương, Vũ Di và Vân Xuân.
- Quy mô diện tích: Khoảng 1.470ha;
- Quy mô dân số: Khoảng 27.194 người;
- Chỉ tiêu xây dựng công trình: Mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 11 tầng;
- Tính chất chính, chức năng chính: Là khu vực phát triển đô thị, công nghiệp; với chức năng chính là phát triển nhà ở, thương mại, khu công nghiệp.
(4) Phân khu đô thị Vĩnh Tường 4, tại khu vực các xã Thượng Trưng và Tuân Chính.
- Quy mô diện tích: Khoảng 1.270 ha;
- Quy mô dân số: Khoảng 17.794 người;
- Chỉ tiêu xây dựng công trình: Mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 09 tầng;
- Tính chất chính, chức năng chính: Là khu vực phát triển đô thị; với chức năng chính là phát triển nhà ở thương mại.
(5) Phân khu đô thị Vĩnh Tường 5, tại khu vực các thị trấn Vĩnh Tường, Tứ Trưng, các xã Tam Phúc và Ngũ Kiên.
- Quy mô diện tích: Khoảng 1.640ha;
- Quy mô dân số: Khoảng 28.989 người;
- Chỉ tiêu xây dựng công trình: Mật độ xây dựng gộp tối đa là 50%; tầng cao xây dựng tối đa là 25 tầng;
- Tính chất chính, chức năng chính: Là khu vực trung tâm của đô thị; với chức năng chính là phát triển công trình hành chính, trình trị, công cộng của đô thị, phát triển nhà ở, các khu công viên, cây xanh thể dục thể thao cấp đô thị, phát triển nhà ở, thương mại, công nghiệp.
(6) Phân khu chức năng Vĩnh Tường 6, tại khu vực một phần các xã An Tường, Vĩnh Thịnh, Phú Đa và Vĩnh Ninh.
- Quy mô diện tích: Khoảng 1.059 ha;
- Quy mô dân số: Khoảng 8.219 người;
- Chỉ tiêu xây dựng công trình: Mật độ xây dựng đối với khu vực bãi sông Hồng tối đa là 5%; tầng cao xây dựng tối đa là 07 tầng;
- Tính chất chính, chức năng chính: Là khu vực dân cư hiện hữu, khu vực phát triển du lịch; với chức năng chính là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và trải nghiệm.
(7) Phân khu chức năng Vĩnh Tường 7, tại khu vực một phần các xã Kim Xá, Yên Bình và Chấn Hưng.
- Quy mô diện tích: Khoảng 539 ha;
- Quy mô dân số: Khoảng 2.643 người;
- Chỉ tiêu xây dựng công trình: Mật độ xây dựng tối đa là 30%; tầng cao xây dựng tối đa là 07 tầng;
- Tính chất chính, chức năng chính: Là khu vực phát triển du lịch, công nghiệp; với chức năng chính là phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm, phát triển công nghiệp.
7.2. Dự kiến ranh giới nội thị, ngoại thị.
7.2.1. Định hướng quy hoạch đô thị đến năm 2025.
- Khu vực nội thị: Dự kiến diện tích 7.229,42ha, dân số 122.717 người, gồm 15 xã, thị trấn: Đại Đồng, Tân Tiến, Yên Lập, Lũng Hòa, Tuân Chính, Thượng Trưng, Bình Dương, Vân Xuân, Ngũ Kiên, Vĩnh Sơn, Thổ Tang, Vũ Di, Tam Phúc, Vĩnh Tường, Tứ Trưng.
- Khu vực ngoại thị: Dự kiến diện tích 7.170,35ha, dân số 86.209 người, gồm 13 xã: Kim Xá, Yên Bình, Nghĩa Hưng, Chấn Hưng, Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại, Lý Nhân, An Tường, Tân Phú, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Phú Đa.
7.2.2. Định hướng quy hoạch đô thị giai đoạn 2026 - 2030.
Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13, Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 27/2022/NQ-UBTVQH15, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ; đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đang triển khai. Sau khi sắp xếp, định hướng quy hoạch:
- Khu vực nội thị: Gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã: (Đại Đồng + Tân Tiến), Yên Lập, Lũng Hòa, Tuân Chính, Thượng Trưng, (Bình Dương + Vân Xuân), (Vĩnh Sơn + Thổ Tang), Vũ Di, (Tam Phúc + Vĩnh Tường), (Tứ Trưng + Ngũ Kiên).
- Khu vực ngoại thị: Gồm 08 đơn vị hành chính cấp xã: Kim Xá, Yên Bình, (Nghĩa Hưng + Chấn Hưng), (Việt Xuân + Bồ Sao + Cao Đại), (Lý Nhân + An Tường), Tân Phú, Vĩnh Thịnh, (Vĩnh Ninh + Phú Đa).
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, làm cơ sở nghiên cứu triển khai theo quy hoạch, không ảnh hưởng tới định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch, giữ nguyên quy mô diện tích và dân số, chỉ giảm số xã trong khu vực nội thị, ngoại thị do phải sắp xếp, sát nhập một số xã, thực hiện sau khi Đề án sắp xếp được duyệt.
7.2.3. Định hướng quy hoạch đô thị đến năm 2040: Phát triển theo định hướng quy hoạch khu vực nội thị, ngoại thị đã được quy hoạch và theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được duyệt.
8. Cơ cấu sử dụng đất theo các chức năng.
Quy hoạch sử dụng đất đô thị theo các giai đoạn.
STT | Chức năng sử dụng đất | Giai đoạn đến năm 2030 | Giai đoạn đến năm 2040 | ||
Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | ||
A | Đất dân dụng | 2.582,06 | 17,93 | 3.018,76 | 20,96 |
1 | Đất đơn vị ở | 1.703,55 | 11,83 | 1.892,55 | 13,14 |
1.1 | Đất đơn vị ở mới | 238,00 | 1,65 | 427,00 | 2,97 |
1.2 | Đất đơn vị ở hiện trạng đô thị | 1.465,55 | 10,18 | 1.465,55 | 10,18 |
2 | Đất Hỗn hợp (đơn vị ở và dịch vụ công cộng cấp đô thị) | 26,51 | 0,18 | 26,51 | 0,18 |
3 | Đất dịch vụ công cộng | 137,20 | 0,95 | 229,10 | 1,59 |
3.1 | Đất trường trung học phổ thông | 32,60 | 0,23 | 32,60 | 0,23 |
3.2 | Đất y tế | 17,13 | 0,12 | 17,13 | 0,12 |
3.3 | Đất văn hoá, TDTT | 27,31 | 0,19 | 119,21 | 0,83 |
3.4 | Chợ | 60,16 | 0,42 | 60,16 | 0,42 |
4 | Đất cơ quan, trụ sở đô thị | 48,11 | 0,33 | 48,11 | 0,33 |
5 | Đất cây xanh sử dụng công cộng | 147,74 | 1,03 | 244,84 | 1,70 |
6 | Đất giao thông đô thị | 301,85 | 2,10 | 360,55 | 2,50 |
7 | Đất HTKT khác cấp đô thị | 217,10 | 1,51 | 217,10 | 1,51 |
B | Đất ngoài dân dụng | 4.119,20 | 28,60 | 4.706,30 | 32,68 |
1 | Đất sản xuất công nghiệp, kho tàng | 867,48 | 6,02 | 867,48 | 6,02 |
1.1 | Đất khu công nghiệp | 373,44 | 2,59 | 373,44 | 2,59 |
1.2 | Đất cụm công nghiệp; làng nghề | 332,15 | 2,31 | 332,15 | 2,31 |
1.3 | Đất kho tàng | 161,89 | 1,12 | 161,89 | 1,12 |
2 | Trung tâm đào tạo, nghiên cứu | 26,35 | 0,18 | 26,35 | 0,18 |
3 | Dịch vụ, du lịch | 1.486,66 | 10,32 | 1.964,56 | 13,64 |
3.1 | Đất dịch vụ (đất thương mại, chợ cấp vùng) | 545,09 | 3,79 | 545,09 | 3,79 |
3.2 | Đất du lịch | 941,57 | 6,54 | 1.419,47 | 9,86 |
4 | Đất di tích, tôn giáo | 47,04 | 0,33 | 47,04 | 0,33 |
5 | Đất điểm dân cư nông thôn | 1.129,39 | 7,84 | 1.129,39 | 7,84 |
5.1 | Điểm dân cư nông thôn mới | 126,92 | 0,88 | 126,92 | 0,88 |
5.2 | Điểm dân cư nông thôn hiện trạng | 1.002,47 | 6,96 | 1.002,47 | 6,96 |
6 | Đất an ninh, quốc phòng | 27,71 | 0,19 | 27,41 | 0,19 |
7 | Đất giao thông đối ngoại | 400,19 | 2,78 | 509,69 | 3,54 |
8 | Đất HTKT khác ngoài đô thị | 134,38 | 0,93 | 134,38 | 0,93 |
C | Đất khác | 7.699,47 | 53,47 | 6.675,67 | 46,36 |
1 | Đất sản xuất nông nghiệp | 6.530,34 | 45,35 | 5.506,54 | 38,24 |
2 | Mặt nước | 1.169,13 | 8,12 | 1.169,13 | 8,12 |
| TỔNG | 14.400,73 | 100,00 | 14.400,73 | 100,00 |
9. Các quy định về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
9.1. Phân vùng kiến trúc, cảnh quan đô thị.
9.1.1. Phân vùng kiến trúc, cảnh quan
a) Vùng đô thị hiện hữu: Tập trung chủ yếu tại các trung tâm đô thị hiện hữu, tổ chức cải tạo, chỉnh trang để bổ sung, mở rộng các không gian chức năng sử dụng công cộng như cây xanh, bãi đỗ xe, các công trình thương mại dịch vụ, các công trình phúc lợi xã hội, tiện ích đô thị… cải tạo hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật…
b) Vùng phát triển đô thị mới:
Tập trung tại khu vực trung tâm đô thị và các khu vực giáp và các khu vực phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, là các khu vực có điều kiện thuận lợi về tiềm lực, đất đai, không gian kiến trúc cảnh quan và hệ thống giao thông đô thị. Trong đó:
- Khu vực trung tâm: Phát triển đô thị mới dọc theo chuỗi đô thị tại khu vực thị trấn Thổ Tang, thị trấn Vĩnh Tường và thị trấn Tứ Trưng, kết hợp với định hướng khu trung tâm văn hóa thể thao của đô thị ra vị trí mới, gắn liền với trục nội thị của đô thị và cây xanh, cảnh quan ven sông Phan.
- Khu vực phía Đông, giáp với huyện Yên Lạc: Phát triển đô thị mới tại khu vực các xã Vân Xuân, Bình Dương, Đại Đồng, Chấn Hưng và Nghĩa Hưng, gắn liền với đường Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, đường tỉnh 309, đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc, đường song song đường sắt và cảnh quan vùng đất nông nghiệp tại xã Đại Đồng, Bình Dương.
- Khu vực phía Bắc: Phát triển đô thị mới tại khu vực xã Tân Tiến, Lũng Hòa, Yên Lập, gắn liền với trục giao thông đường Quốc lộ 2, đường tỉnh 304, đường song song đường sắt và cảnh quan dọc sông Phan.
- Khu vực phía Tây: Phát triển đô thị mới tại khu vực xã Thượng Trưng, gắn liền với trục giao thông đường tỉnh 304, đường Thượng Trưng - Cao Đại và cảnh quan mặt nước tại Thượng Trưng.
- Khu vực phía Nam: Phát triển đô thị mới tại khu vực xã Tam Phúc, Ngũ Kiên, gắn liền với trục giao thông đường Quốc lộ 2C và cảnh quan mặt nước Đầm Rưng.
Định hướng phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan các khu vực phát triển đô thị mới đồng bộ, hiện đại, đầy đủ về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; khai thác hiệu quả lợi thế về giao thông và cảnh quan thiên nhiên; đầu tư xây dựng các công trình, tổ hợp công trình hỗn hợp, cao tầng, tạo điểm nhấn cho đô thị.
c) Vùng phát triển công nghiệp: Tập trung dọc trục đường Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, đường song song đường sắt, đường Hợp Thịnh - Yên Bình, đường Tứ Trưng - Vân Xuân, đường trục trung tâm huyện Vĩnh Tường, một số tuyến đường khác, bao gồm các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cảnh quan và công trình chức năng, đảm bảo không gian sản xuất sạch về môi trường và đẹp về cảnh quan, kiến trúc công trình.
d) Vùng phát triển du lịch, dịch vụ: Tập trung tại khu vực các xã An Tường, Vĩnh Thịnh, Phú Đa, Vĩnh Ninh, Kim Xá, Yên Bình và Chấn Hưng, gắn liền với các không gian cảnh quan ven Đầm Sổ, khu vực dọc sông Hồng. Phát triển các khu du lịch dịch vụ, phục vụ hoạt động, phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thể thao - sân golf, trải nghiệm, khám phá; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống công trình, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; kiến trúc công trình, màu sắc và vật liệu hoàn thiện công trình hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
e) Vùng kiến trúc, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn: Là các làng xóm hiện hữu, các không gian sản xuất nông nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống cho các cộng đồng dân cư; đáp ứng quá trình đô thị hóa; bổ sung, cải tạo chỉnh trang và hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; giữ gìn các không gian sản xuất nông nghiệp, các không gian cây xanh để hình thành các vành đai xanh, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường cho đô thị, gắn liền với các hoạt động du lịch trải nghiệm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
f) Vùng cảnh quan các khu vực hạn chế phát triển, khu vực bảo tồn, khu vực di tích lịch sử: Là các hành lang sông suối, công trình thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật; khu vực ngoài bãi sông; các không gian công trình di tích lịch sử, văn hóa và các cơ sở tín ngưỡng, văn hóa dân gian được công nhận.
9.2. Tổ chức không gian các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, quảng trường lớn, điểm nhấn đô thị.
9.2.1. Trung tâm đô thị:
Tập trung đầu tư tại 03 thị trấn hiện hữu của đô thị là thị trấn Thổ Tang, thị trấn Vĩnh Tường, thị trấn Tứ Tứ Trưng; 03 đô thị loại V là Đại Đồng, Tân Tiến và Thượng Trưng và các khu vực phát triển mới.
9.2.2 Cửa ngõ đô thị:
Bao gồm 04 cửa ngõ kết nối đô thị Vĩnh Tường với các khu vực lân cận như thành phố Hà Nội, thông qua cầu Vĩnh Thịnh; thành phố Việt trì trên đường Quốc lộ 2; thành phố Vĩnh Yên trên đường Quốc lộ 2; huyện Yên Lạc theo đường Quốc lộ 2C; huyện Tam Dương theo đường Hợp Thịnh - Yên Bình; huyện Lập Thạch theo đường tỉnh 309 và thông qua các trục hướng tâm. Nghiên cứu bố trí các công trình, tổ hợp công trình cao tầng, kiến trúc đẹp để làm điểm nhân cho các khu vực cửa ngõ đô thị.
9.2.3 Các trục không gian:
- Các trục không gian chính: Trục cảnh quan dọc Quốc lộ 2 qua khu vực các xã Chấn Hưng, Nghĩa Hưng, Tân Tiến, Lũng Hòa, Bồ Sao; trục cảnh quan dọc Quốc lộ 2C qua khu vực các xã Tam Phúc, thị trấn Tứ Trưng, thị trấn Vĩnh Tường, xã Vũ Di, Bình Dương; trục cảnh quan dọc theo đường trung tâm huyện Vĩnh Tường qua khu vực Đại Đồng, Vĩnh Sơn, Vũ Di; Trục cảnh quan dọc ĐT.304; trục cảnh quan dọc đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc;
- Các trục không gian phụ: Trục cảnh quan dọc Đường tỉnh 309 qua xã Nghĩa Hưng, Kim Xá; trục cảnh quan dọc đường song song đường sắt,…
9.2.4. Quảng trường đô thị:
Quảng trường, khu trung tâm văn hóa thể thao của đô thị Vĩnh Tường quy hoạch tại khu vực thị trấn Vĩnh Tường, xã Vĩnh Sơn và xã Vũ Di; các không gian quảng trường kết hợp công viên cây xanh lớn quy hoạch vùng lõi đô thị. Bố cục không gian quảng trường, cây xanh, đèn điện trang trí để tạo cảnh quan, là nơi tập trung đông người, phục vụ cho các hoạt động lễ hội, giao lưu, giải trí, hoạt động thể dục thể thao của nhân dân.
9.2.5. Điểm nhấn đô thị:
Là các điểm nhấn về cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo; bao gồm các không gian mặt nước cảnh quan như hồ Vực Xanh, Đầm Rưng, Đầm Sổ, khu vực dọc sồng Hồng, dọc sông Phan, các không gian quảng trường, các công trình công cộng cấp đô thị, các công trình thương mại, hỗn hợp, chung cư cao tầng. Đầu tư xây dựng, giữ gìn không gian các công trình, không gian điểm nhấn của đô thị, nghiên cứu các không gian phụ cận, xung quanh để nâng cao giá trị các không gian, công trình điểm nhấn đô thị.
9.3. Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước.
- Không gian xanh đô thị: Bao gồm các công viên, vườn hoa phân bố đều trong đô thị, các dải cây xanh ven sông, dọc theo các trục đường giao thông, các không gian cây xanh ven các hồ cảnh quan, hồ thủy lợi, các không gian nông nghiệp xen kẽ trong đô thị.
- Không gian xanh nông thôn: Các khu vực sản xuất nông nghiệp; giữ gìn quỹ đất nông nghiệp được xác định trong quy hoạch, tạo cảnh quan thiên nhiên, tạo ra các không gian trống, điều hòa không khí và cải thiện môi trường đô thị.
- Hệ thống mặt nước: Bao gồm không gian mặt nước các hồ lớn như hồ Vực Xanh, Đầm Rưng, Đầm Sổ; các không gian sông suối như Sông Hồng, Sông Phan… và các kênh rạch, ao hồ hiện hữu hoặc đào mới.
- Định hướng tổ chức cảnh quan dọc sông Hồng: Phát triển du lịch, tạo sự lan tỏa, liên kết phát triển làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng công viên chuyên đề, văn hóa, truyền thống; xây dựng dự án phục vụ du lịch, phát huy cảnh quan tự nhiên ven sông.
10. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
10.1. Giao thông, chỉ giới xây dựng.
a) Hệ thống giao thông đường bộ.
- Hệ thống giao thông quốc gia: Quốc lộ 2 nâng cấp, quy hoạch có mặt cắt ngang 57m; Quốc lộ 2C (đường vành đai 5 vùng thủ đô) nâng cấp quy hoạch toàn tuyến có mặt cắt ngang từ 16,5m (đoạn cầu Vĩnh Thịnh) đến 68m.
- Hệ thống giao thông đường tỉnh: Nâng cấp, quy hoạch tuyến ĐT.303, 303C có mặt cắt ngang từ 19,5m - 27m; nâng cấp toàn tuyến ĐT.304 có mặt cắt ngang từ 13,5m - 50m; quy hoạch các tuyến ĐT.304B, 304C, 304D, 304E (theo quy hoạch ngành giao thông) có mặt cắt ngang từ 22m - 36,5m; quy hoạch ĐT.305C, 305D có mặt cắt ngang từ 19,5m - 36,5m; nâng cấp, quy hoạch ĐT.309, ĐT.309D có mặt cắt ngang từ 12m - 36m; đường vành đai 4 có mặt cắt ngang từ 24m - 57m; đường song song đường sắt, quy hoạch mặt cắt ngang 24m; đê tả sông Hồng có mặt cắt ngang 63,5m (mặt đê 23,5m).
- Hệ thống giao thông đô thị: Xây dựng các đường trục chính đô thị, liên khu vực và giao thông đô thị, có mặt cắt ngang từ 13,5m đến 50m.
b) Hệ thống giao thông đường sắt: Đường sắt Hà Nội - Lào Cai; 02 ga đường sắt Bạch Hạc, Hướng Lại.
c) Hệ thống giao thông đường thuỷ: Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phù hợp với định hướng phát triển giao thông vận tải trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, duy trì khai thác luồng tuyến đường thủy Hà Nội - Việt Trì trên sông Hồng, quy mô cấp II. Quy hoạch cảng cạn Cam Giá, bổ sung thêm 02 cảng Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, giữ nguyên cảng Cao Đại.
d) Hệ thống giao thông công cộng:
- Duy trì khai thác 2 bến xe hiện trạng, nâng cấp các hạng mục công trình bến xe đạt chuẩn loại 4, bố trí thêm 3 bến xe tại khu vực Thổ Tang, Thượng Trưng, Vân Xuân.
- Bãi đỗ xe: Hoàn thiện các trạm đỗ xe, các điểm đỗ xe tĩnh ở các trung tâm, nghiên cứu dành quỹ đất để bố trí bãi đỗ xe công cộng tập trung tại trung tâm các xã trên địa bàn huyện phục vụ nhu cầu đỗ xe cá nhân, xếp dỡ hàng hóa.
10.2. Cao độ nền và thoát nước mưa.
- Cao độ nền: Quy hoạch từ 8.0m đến 14.8m, khu vực dân cư từ 9.8m đến 10.8m, khu vực công nghiệp từ 11.0m đến 12.7m, khu vực đô thị từ 10.04m đến 12.58m.
- Quy hoạch thoát nước mưa: Quy hoạch 03 lưu vực thoát nước.
+ Lưu vực 1: Khu vực các xã Kim Xá, Yên Lập, Việt Xuân nằm ngoài đê tả sông Phó Đáy, thoát nước về sông Phó Đáy.
+ Lưu vực 2: Khu vực các xã Cao Đại, Tân Phú, Lý Nhân, An Tường, Vĩnh Thịnh, Phú Đa, Vĩnh Ninh nằm ngoài đê tả sông Hồng, thoát nước về sông Hồng.
+ Lưu vực 3: Trung tâm đô thị Vĩnh Tường, thoát nước về sông Phan.
Nạo vét và gia cố các đoạn sung yếu trên sông Phan, cải tạo Đầm Rưng, nạo vét các trục tiêu ngoài bãi, cải tạo Đầm Sổ phục vụ trữ nước, điều tiết nước, điều tiết lũ; quy hoạch 06 trạm bơm tiêu cưỡng bức, 04 trạm bơm tiêu để bơm nước thoát ra các sông Hồng, sông Phó Đáy, sông Phan.
Nạo vét và gia cố các đoạn sung yếu trên sông Phan, cải tạo Đầm Rưng, nạo vét các trục tiêu ngoài bãi, cải tạo Đầm Sổ phục vụ trữ nước, điều tiết nước, điều tiết lũ.
10.3. Cấp nước.
- Nhu cầu dùng nước: Qmax = 84.211,82 m3/ngày.đêm.
- Nguồn nước: Hiện trạng được lấy từ các nhà máy nước hiện có trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Quy hoạch nâng công suất nhà máy nước Việt Xuân từ 32.000 m3/ngđ lên 150.000 m3/ngđ; nhà máy nước Sông Hồng từ 29.000 m3/ngđ lên 75.000 m3/ngđ; công trình cấp nước khu dân cư tập trung liên 12 xã từ 8.000 m3/ngđ lên 16.000 m3/ngđ; các nhà máy còn lại giữ nguyên công suất và tiến tới giai đoạn dài hạn giảm dần công suất các nhà máy nước ngầm.
- Lưu lượng nước tính toán cho quy hoạch bao gồm nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp, nước công cộng, nước thất thoát rò rỉ, nước tưới cây, rửa đường, nước cứu hỏa. Tiêu chuẩn cấp cho sinh hoạt là 200l/người/ngày đêm; nước dùng cho công nghiệp là 22m3/ha; tiêu chuẩn các loại cấp nước khác lấy theo quy phạm.
- Quy hoạch hệ thống đường ống cấp nước: Căn cứ vào nhu cầu dùng nước, mạng lưới cấp nước được dùng là mạng vòng, kết hợp các mạng nhánh nhằm đảm bảo cấp nước liên tục. Mạng lưới cấp nước cho khu vực nghiên cứu được áp dụng là hệ thống cấp nước chung cho các nhu cầu phục vụ sinh hoạt, sản xuất và cứu hoả, bao gồm các đường ống từ D110 đến D1000.
10.4. Cấp điện.
- Nhu cầu cấp điện: 158.743 KVA.
- Nguồn cấp điện được lấy từ trạm 220KV Vĩnh Tường, giai đoạn sau được lấy từ 2 trạm 220KV Vĩnh Tường hiện có và trạm 220KV Chấn Hưng dự kiến quy hoạch mới.
- Lưới 110KV: Hiện có 2 trạm 110KV Vĩnh Tường (công suất 63MVA, điện áp 110/35/22KVA), 110KV Đồng Sóc và 110KV Vĩnh Thịnh dự kiến quy hoạch mới.
- Lưới điện phân phối: Dỡ bỏ các trạm trung gian 35/10KV, phát triển lưới 22KV để cấp điện cho tất cả các trạm biến áp và có liên hệ giữa các trạm 110KV.
- Trạm biến áp 35,22/0,4KV: Toàn bộ khu vực sử dụng các trạm biến áp treo hoặc trạm biến áp compac ngoài trời, vị trí các trạm biến áp được chọn đảm bảo các yêu cầu về mỹ quan, gần đường giao thông thuận tiện thi công.
10.5. Thông tin liên lạc.
- Nhu cầu sử dụng: Khoảng 110.671 thuê bao (thông tin internet, điện thoại cố định, truyền hình,...).
- Nguồn cấp: Nguồn tín hiệu chính được lấy từ bưu điện huyện Vĩnh Tường theo quy hoạch bưu chính viễn thông tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Hệ thống thông tin liên lạc được quy hoạch đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Quy mô được tính toán đáp ứng nhu cầu sử dụng trước mắt và lâu dài; xây dựng hệ thống cáp ngầm phục vụ các mạng truyền hình, bưu điện, internet…
10.6. Thoát nước thải, vệ sinh môi trường.
- Nhu cầu thoát nước thải tính đến giai đoạn năm 2030 khoảng 34.500 m3/ngđ.
- Quy hoạch thoát nước thải:
Tuân thủ dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, quy hoạch xây dựng vùng phía Nam. Xây dựng hệ thống thoát nước thải nửa riêng, các khu vực dân cư cũ được thu gom vào mạng lưới cống chung rồi tách nước thải vào cống gom, các khu vực đô thị mới, xây dựng mạng lưới cống riêng, rồi xử lý lần cuối tại trạm xử lý nước thải tập trung, xử lý đạt tiêu chuẩn, sau đó thoát ra hệ thống thoát nước chung.
Trong các khu vực phát triển đô thị, xây dựng 04 trạm xử lý nước thải tập trung; tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ đặt trạm xử lý riêng; hệ thống thoát nước thải được thiết kế là các cống D300 đặt dưới đường giao thông, thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
- Vệ sinh môi trường:
Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 300 tấn/ng.đ, được phân loại tại nguồn, thu gom, tập kết hàng ngày, sau đó sử dụng xe chuyên dụng, chuyên chở đến khu xử lý tập trung theo quy hoạch đặt tại 2 vị trí khu vực Thổ Tang và Ngũ Kiên, tổng công suất 300 tấn/ng.đ.
- Nghĩa trang: Quy hoạch 02 nghĩa trang tập trung cho cả đô thị tại Yên Lập và Tứ Trưng.
11. Các biện pháp bảo vệ môi trường
- Thực hiện các giải pháp bảo vệ thiên nhiên, các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ; xử lý hiện trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn cho nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu; bảo vệ môi trường đất, môi trường không khí;
- Giám sát, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường; đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đối với từng dự án; tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân; áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ thích hợp trong các hoạt động bảo vệ môi trường;
- Xây dựng Quy chế quản lý bảo vệ môi trường, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường đối với các vùng bảo tồn, hạn chế phát triển; vùng dân cư đô thị và vùng phát triển du lịch; vành đai xanh, hành lang xanh và hệ thống cây xanh công cộng; vùng nông thôn…;
- Việc quyết định địa điểm và triển khai các dự án nhạy cảm về môi trường (khu vực xử lý rác, nghĩa địa, khu xử lý nước thải, khu chăn nuôi tập trung…) phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và được xem xét trong từng trường hợp cụ thể, đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo quy định;
- Khai thác và quy hoạch sử dụng đất đúng mục đích, tận dụng quỹ đất xây dựng đô thị, tránh phát triển tràn lan. Phát triển đô thị cần quan tâm đến biến đổi khí hậu. Cần tiến hành đo đạc, khảo sát, khoanh vùng hạn chế phát triển, nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến người dân và môi trường;
- Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, bố trí dải cây xanh cách ly theo quy định; phải thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát và giám sát về môi trường, kịp thời phát hiện các cơ sở sản xuất không đảm bảo về môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để; tránh làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân đô thị và khu vực xung quanh;
- Định kỳ kiểm tra, nạo vét hệ thống đường ống thoát nước thải, nước mưa; thực hiện tốt các công tác các công tác vệ sinh công cộng, thu gom triệt để lượng chất thải phát sinh hàng ngày; thực hiện tốt các chương trình vệ sinh cộng đồng….
12. Danh mục quy hoạch, chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện
12.1. Danh mục quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch.
- Lập chương trình phát triển đô thị Vĩnh Tường;
- Lập Đề án phân loại đô thị loại IV Vĩnh Tường;
- Lập các quy hoạch phân khu đô thị, phân khu chức năng để quản lý, đầu tư, xây dựng và thu hút đầu tư phát triển.
- Lập hoàn thiện các đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang tại các khu vực đô thị hiện hữu.
- Lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm điểm dân cư nông thôn,
- Xây dựng kế hoạch cải tạo đô thị; lập danh mục các dự án cải tạo đô thị và đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đô thị
12.2. Chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.
- Các dự án hạ tầng xã hội: Tập trung đầu tư các dự án công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục,… theo chương trình đầu tư công của địa phương, phục vụ cộng đồng dân cư đô thị; tập trung đầu tư xây dựng các khu vực nhà ở công nhân, nhà ở xã hội phục vụ nơi ở, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp;
- Các dự án hạ tầng kỹ thuật: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung đô thị; trong đó, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc, đê tả sông Hồng kết hợp giao thông, đê bối, đường song song đường sắt, đường Quốc lộ 2C cũ, đường tỉnh 304; hệ thống các đường dây, Trạm biến áp cao thế; hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải theo các trục đường chính đô thị, khu nghĩa trang tập trung… và các dự án ĐTXD hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương.
- Các dự án phát triển đất và nhà ở: Tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án đô thị đang triển khai; thu hút đầu tư xây dựng các dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở xã hội và nhà ở công nhân phục vụ cho các khu công nghiệp.
- Các dự án sản xuất: Thu hút đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp Đồng Sóc, Chấn Hưng và các cụm công nghiệp trên địa bàn; đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nhà máy tại các cụm công nghiệp.
- Các dự án thương mại, du lịch dịch vụ: Thu hút đầu tư các dự án thương mại dịch vụ, dự án du lịch phục vụ nhu cầu nhân dân, du khách…
- Các dự án môi trường: Mở rộng, cải tạo các dòng sông, hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện Vĩnh Tường; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước; đầu tư xây dựng các kè chống sạt lở trên bờ sông Hồng; xử lý chống tràn, ngập úng tuyến bờ bao sông Phan; đầu tư phát triển khu xử lý rác thải tập trung.
Nguồn lực thực hiện dự kiến từ ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương; vốn hợp pháp khác (xã hội hóa, vốn vay,...).
13. Quy định quản lý.
Ban hành “Quy định quản lý theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 - tỷ lệ 1/10.000” kèm theo hồ sơ quy hoạch này.
(Chi tiết tại hồ sơ, bản vẽ quy hoạch được Sở Xây dựng thẩm định)
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. UBND huyện Vĩnh Tường:
Chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai quy hoạch được duyệt theo quy định.
2. Sở Xây dựng:
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch chung đô thị được duyệt; thực hiện đăng tải thông tin đồ án quy hoạch được phê duyệt theo quy định; tham mưu cho UBND tỉnh về các thủ tục liên quan đến hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa theo quy hoạch được duyệt; các thủ tục khác liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh.
Chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc thẩm định quy hoạch theo chỉ đạo tại văn bản số Thông báo số 1138-TB/TU ngày 21/8/2023 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch được phê duyệt trường hợp phát hiện nội dung không đảm bảo quy định của pháp luật và chỉ đạo tại các văn bản nêu trên, Sở Xây dựng có trách nhiệm kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét xử lý, giải quyết đúng theo quy định.
3. Các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, triển khai thực hiện quy hoạch được phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2040 - Tỷ lệ 1/10.000
- 2Quyết định 3993/QĐ-UBND năm 2023 về Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cừ, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
- 3Nghị quyết 59/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000
- 1Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 2Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
- 3Quyết định 1883/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 6Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 7Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 8Nghị định 72/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định 44/2015/NĐ-CP hướng dẫn về quy hoạch xây dựng
- 9Quyết định 241/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 11Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 sửa đổi Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 12Thông tư 04/2022/TT-BXD quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 13Kết luận 48-KL/TW năm 2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 14Nghị quyết 117/NQ-CP năm 2023 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 do Chính phủ ban hành
- 15Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 16Quyết định 2313/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2040 - Tỷ lệ 1/10.000
- 17Quyết định 3993/QĐ-UBND năm 2023 về Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cừ, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
- 18Nghị quyết 59/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000
Quyết định 2598/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2040 - Tỷ lệ 1/10.000
- Số hiệu: 2598/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/11/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Vũ Chí Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra