Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2598/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2016-2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20 tháng 7 năm 2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân công các cơ quan, đơn vị sau đây thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020:

1. Sở Nội vụ:

a) Là cơ quan thường trực cải cách hành chính của tỉnh, giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ và của tỉnh. Chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tự đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR index) báo cáo Bộ Nội vụ hàng năm. Định kỳ sơ kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch ở các cấp, các ngành, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh;

b) Chủ trì, triển khai thực hiện tốt các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức khảo sát, thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; chủ trì triển khai đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề nghị khen thưởng, kỷ luật về cải cách hành chính;

c) Phối hợp với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh triển khai công tác cải cách hành chính.

2. Sở Tư pháp:

a) Chủ trì tham mưu, theo dõi, tổng hợp việc triển khai thực hiện các nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; duy trì vận hành cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính;

b) Phối hợp với Sở Tài chính trong việc hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kinh phí chi hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, tham mưu thực hiện các nội dung về công tác cải cách tài chính công; có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lập dự toán ngân sách, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính hằng năm theo quy định.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2008 theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 12/3/2015 của UBND tỉnh. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2008 được triển khai trong các cơ quan hành chính; triển khai Đề án chuyển đổi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng mạng lưới thông tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí từ ngân sách cho các đề án, dự án về cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương; đặc biệt chú trọng đến kế hoạch đầu tư trụ sở cấp xã đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh việc thu hút đầu tư và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ đầu tư các công trình trọng điểm trong tỉnh; công tác đầu tư trụ sở xã, phường, thị trấn bảo đảm yêu cầu của công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước;

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, tham mưu các nội dung nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc, hoàn thiện các hạng mục xây dựng Chính quyền điện tử;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các sở, ban, ngành cáp tỉnh, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; tham mưu thực hiện công tác đánh giá, chấm điểm để xếp hạng chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện định kỳ;

c) Phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến hàng năm, cũng như lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến theo từng giai đoạn.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Triển khai thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

8. Sở Y tế: Triển khai thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

9. Các sở, ban, ngành có liên quan:

a) Định kỳ phối hợp thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân để tiếp nhận, xử lý những khó khăn vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành có liên quan nhằm triển khai tốt công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị nói riêng cũng như trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.

10. Báo Thừa Thiên Huế Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:

Xây dựng chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính để tuyên truyền Chương trình cải cách hành chính nhà nước và phản hồi ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức xã hội về cải cách hành chính nhà nước của các bộ, ngành và địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP và các CV;
- Lưu: VT, KNNV.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2598/QĐ-UBND năm 2016 phân công thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 2598/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản